Link tải mp3: https://od.lk/d/NV8xODI2MjA4MzRf/Thieu%20Ni%C3%AAn%2026-03-2023.mp3
Hỏi:
Qua việc làm của mẹ vợ ông Phi-e-rơ được Chúa chữa lành bệnh sốt rét, bà đã lập tức đứng dậy hầu việc, bạn có học theo tấm gương hầu việc của bà không? Nếu có, bạn học và áp dụng như thế nào?
Thiếu Niên Thảo Luận:
Mỹ Đức: Qua việc làm của bà ấy, con học được rằng thái độ hầu việc Chúa tức thì, hết lòng, không chần chừ chậm trễ là rất cần thiết. Con đã học theo và áp dụng điều đó mỗi khi tình huống trong cuộc sống mách bảo con rằng cần khẩn trương làm ngay. Ví dụ như trong sự nhóm hiệp con không được chậm trễ, khi có người hiểu sai hành động của con và hiểu sai về Chúa thì con đính chính lại ngay,… nhưng cũng có lúc con còn chậm trễ khi hầu việc Ngài qua một số mục vụ Chúa giao cho con như viết bài chia sẻ, gửi câu hỏi ạ.
Việt Thư: Dạ từ tấm gương của mẹ vợ ông Phi-e-rơ sau khi khỏi bệnh bà liền hầu việc Chúa. Con học được rằng chúng ta phải có tấm lòng biết ơn Chúa khi đã được Ngài tha tội, giải cứu chúng ta khỏi sự chết đời đời. Con đã áp dụng điều đó bằng cách con liền vâng Lời Chúa, chăm chỉ đọc Thánh Kinh, đối chiếu lại với đời sống mình để dẹp bỏ đi những tội lỗi còn mắc phải, sống đời sống thánh khiết và rao giảng Tin Lành cho Chúa qua nếp sống của mình. Chẳng hạn như con có thái độ khẩn trương làm ngay những mục vụ Chúa muốn chúng con làm như hướng dẫn chương trình, hát tôn vinh Chúa, vâng lời cha mẹ ngay khi cha mẹ cần mình giúp nếu điều đó không sai nghịch Thánh Kinh.
Hoàng Anh: Có. Con học được tấm gương của mẹ vợ ông Phi-e-rơ, là: Khi được Chúa ban ơn, cứu giúp con qua khỏi bất cứ nan đề nào về thuộc thể, thì con phải biết ơn Chúa, báo đáp lại công ơn của Chúa bằng việc làm ngay. Trước hết là phụng sự Chúa qua việc làm chứng về Ngài cho những người chưa biết Chúa, phục vụ những anh chị em cùng đức tin trong sự nâng đỡ, gây dựng đức tin cho nhau, hết lòng gánh vác, chia sẻ công việc thuộc thể với ho, và quan tâm đến người lân cận. Tất cả những việc làm ấy đều là hầu việc Chúa.
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Bổn phận của loài người là sống đẹp lòng Chúa và hầu việc Ngài. Khi một người biết đến Chúa và thật lòng yêu kính Chúa thì sẽ ý thức được bổn phận của mình cần làm với Chúa là gì. Trường hợp mẹ vợ của Phi-e-rơ là một ví dụ. Khi bà được Chúa chữa lành, ban cho bà có sức khỏe, thì bà lập tức hiểu rằng bà cần dùng sức khỏe Chúa đã ban cho mình để hầu việc Ngài.
Bản thân cô cũng có những lúc mệt mỏi hoặc bị bệnh chỉ có thể nằm trên giường, sinh hoạt cá nhân cho mình còn cần có người giúp. Nhưng khi Chúa cho qua khỏi sự đau ốm thì cô cũng nhanh chóng trở lại với các công việc mà Chúa đã giao cho mình.
Hỏi:
A không tin Chúa, nghe đọc Thánh Kinh Dân số ký chương 11, đến câu 33 -34 thì dừng lại, hỏi bạn rằng: Thế gian có câu “Trời đánh còn tránh miếng ăn”. Sao Đức Chúa Trời lại nỡ lòng hành hại dân sự một tai vạ rất nặng, khi họ đang ăn, thịt vẫn còn trên miệng. Như vậy, có phải Đức Chúa Trời của bạn đã làm điều ác không? Bạn có đồng tình với A không? Hãy nêu lên lý do bạn đồng ý/không đồng ý với bạn A.
Thiếu Niên Thảo Luận:
Mỹ Đức: Dạ là con không đồng tình với A, vì câu nói “Trời đánh tránh miếng ăn” của thế gian không phải chân lý hay điều mà một người bắt buộc cần vâng theo. Dân sự đã thể hiện sự bất kính, oán trách Chúa mà không biết ăn năn, hối hận nên sự trừng phạt của Ngài là cần thiết để họ giữ lại lí trí, cũng như nhớ lại rằng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu của họ là Đấng đáng kinh sợ như thế nào. Đức Chúa Trời công bình và yêu thương, nhân từ nên Ngài sẽ không làm điều ác, nhất là chỉ vì một lý do nhỏ nhặt như vậy.
Việt Thư: Dạ theo con tìm hiểu câu “Trời đánh tránh miếng ăn” là câu nói do con người tự sáng tạo ra, để nhắc nhở người lớn trong bữa ăn không nên trách mắng trẻ nhỏ. Đây không phải là điều Chúa dạy mà sau đó Chúa không làm theo nên Ngài hoàn toàn không làm điều ác. Thế nên con không đồng tình với bạn A. Chúa đã ban cho dân sự thịt ăn tới 1 tháng nhưng họ vẫn nảy sinh lòng tham, không biết ơn Chúa nên Ngài mới sửa phạt dân sự, hành hại họ là vì tội lỗi đó.
Hoàng Anh: Con không đồng ý với bạn A. Cần phải giải thích cho bạn A hiểu rằng, việc dân sự vẫn còn cơ hội ngồi đó ăn thịt do Chúa ban đã là một sự thương xót vô cùng lớn của Chúa dành cho họ (họ đã lằm bằm, đòi hỏi nhiều thứ, so sánh cuộc sống của họ nơi đồng vắng với cuộc sống của họ tại Ê-díp-tô) . Câu nói “Trời đánh tránh miếng ăn” là câu nói của người ngoại nên không thể áp dụng vào các tình huống trong Thánh Kinh. Thiên Chúa là Đấng yêu thương, chăm sóc dân sự Ngài từng chi tiết nhỏ nhất đến những nhu cầu chính đáng của họ, và tất cả những gì họ không làm được. Chúa là Đấng công chính nên sự thưởng, phạt của Ngài là rõ ràng, và Chúa là Đấng Thánh khiết nên Chúa không chấp nhận dân sự của Chúa than trách, lằm bằm trước mặt Ngài.
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Vì A là người không tin Chúa nên dễ có sự hiểu sai. Chúng ta có thể giải thích cho bạn rằng, sự sửa phạt người phạm tội không phải là điều ác. Điều đó thể hiện sự công chính của Thiên Chúa. Hơn nữa, trước khi sửa phạt thì Chúa đã nhiều lần tha thứ sự bội nghịch của dân sự, nhưng họ cứ mỗi lúc càng tỏ ra sự bội nghịch của mình càng hơn. Theo sự hiểu của cô, việc sửa phạt ngay thời điểm họ đang ăn là vì (1) để chấm dứt ngay sự phạm tội càng thêm của họ, (2) để những người còn lại nhìn biết lý do người phạm tội bị sửa phạt là gì.
Hỏi:
Việc chúng ta than thở một mình về những điều trong cuộc sống như làm việc mệt quá không muốn làm nữa, hay Lời Chúa nhiều học nhức đầu quá thì có phải chúng ta đang phạm tội không? Vì sao?
Thiếu Niên Thảo Luận:
Mỹ Đức: Dạ con nghĩ việc chúng ta than thở về những điều đơn giản trong cuộc sống mà không có ý oán trách Chúa, chẳng hạn như làm việc mệt quá, sau đó chúng ta nghỉ ngơi, xin Chúa bổ sức cho mình và kiên trì làm việc thì không sao. Nhưng nếu sự than thở ấy hàm chứa ý oán trách như làm việc mệt quá, lười biếng không muốn làm nữa, bất mãn về sự đặt để của Chúa trong đời sống chúng ta thì đó là sai. Con nghĩ rằng việc chúng ta than thở Lời Chúa nhiều học nhức đầu quá cũng là sai vì chúng ta đang thể hiện sự bất kính với Lời Chúa, cũng như không biết ơn và hết lòng trong sự đọc, suy ngẫm Lời Chúa. Trước khi đọc suy ngẫm Lời Chúa chúng ta đều phải cầu nguyện Ngài ban cho chúng ta sự khôn sáng để hiểu được Lời Ngài, và kiên trì tìm kiếm Chúa. Nếu chỉ vì một chút mệt mỏi mà từ bỏ tìm kiếm Ngài thì người đó không thật sự yêu mến Ngài ạ.
Việt Thư: Dạ theo con hành động đó của A khi than van mà không tìm hỏi ý Chúa để giải quyết vấn đề đó thì cũng đã thể hiện sự bất kính với Chúa, không hài lòng với những gì Chúa cho phép xảy ra trên đời sống của mình. Vì hành động đẹp ý Chúa là trong khó khăn, chúng ta vẫn luôn đi theo sự dẫn dắt từ Chúa. Khi chúng ta có vấn đề gì, những nan giải xảy ra nhưng chúng ta biết thưa trình lên Chúa với tấm lòng luôn yêu kính Chúa, vâng Lời Chúa, tìm cầu Ngài để Ngài giúp cho chúng ta vượt qua.
Hoàng Anh: Mệt mỏi là một trạng thái bình thường của cơ thể xác thịt. Nếu chúng ta mệt mà lại than thở này nọ thì chúng ta đang phạm tội lằm bằm, thể hiện sự thiếu đức tin vào sự quan phòng của Chúa. Thay vì than thở như vậy, chúng ta nên cầu xin Chúa cất khỏi chúng ta sự mệt mỏi, xin Chúa ban thêm sức. Vì nhờ Chúa ban thêm sức, thì chúng ta làm được mọi sự.
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Khi làm việc, nhất là các công việc chân tay thì thường sẽ bị mất sức nhiều, dẫn đến cơ thể bị mệt. Hầu hết, khi đang làm mà mệt thì sẽ nói, mệt quá, nghỉ cái đã. Như vậy thì không phải là than thở, mà chỉ nói lên sự thật là làm việc đã bị mệt. Nhưng nếu một người lười làm, hoặc khi được sai bảo làm công việc gì thì cứ than thở mệt nhọc, tỏ ra sự khó chịu không muốn làm thì lại là sai. Là con dân Chúa, nếu gặp công việc nặng nhọc thì cầu xin Chúa thêm sức cho mình để làm, tìm cách làm khôn sáng hơn để bớt đi sự nặng nhọc, hoặc nhờ thêm anh chị em giúp một tay. Việc than van, oán trách là điều không đẹp lòng Chúa.
Lời Chúa dạy rằng:
“Hãy đem xa khỏi các anh chị em những sự: cay đắng, giận, thịnh nộ, than van, phạm thượng, cùng mọi điều độc ác.” (Ê-phê-sô 4:31).
Trường hợp nếu một con dân Chúa mà lại than Lời Chúa nhiều học nhức đầu quá thì họ thật không có lòng kính sợ Chúa. Người đó đã không biết rằng Chúa đã tôn cao Lời của Ngài hơn cả danh của Ngài (Thi Thiên 138:2). Một người có lòng kính sợ Chúa sẽ biết rằng:
“Lời Ngài là ngọn đèn cho chân tôi và ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thi Thiên 119:105).
Hỏi:
A bị bệnh nặng, có thăm khám và cũng đều đặn cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho mình. Nhưng bệnh ngày một trở nặng và A mới nghi ngờ không biết có phải do đức tin của A còn yếu nên Chúa không nhậm lời hay không. Sự nghi ngờ này của A là đúng hay sai? A nên làm gì?
Thiếu Niên Thảo Luận:
Mỹ Đức: Dạ con nghĩ rằng sự nghi ngờ hướng về bản thân chứ không hướng về Chúa thì không sai ạ. A nên tra xét thử thái độ cầu nguyện, sự kiên trì trong việc cầu nguyện và lòng tin, sự hết lòng khi cầu nguyện của A như thế nào, nếu còn điểm nào bất kính với Chúa, hay còn sơ sài, qua loa, bạn nên ăn năn xưng tội với Chúa, sau đó sửa lại cách mình cầu nguyện. Còn nếu A đã làm tốt hết những điều trên mà Chúa vẫn chưa trả lời thì bạn không cần lo lắng, nên tiếp tục tin cậy, cầu nguyện Chúa vì biết rằng Ngài có chương trình cho mình. Ngoài ra A cũng cần nhờ cậy Hội Thánh cầu thay cho mình ạ.
Việt Thư: Dạ theo con sự nghi ngờ của bạn thể hiện sự chưa hoàn toàn tin tưởng vào những kế hoạch tốt lành mà Chúa dành cho mình. Ở những hoàn cảnh khó khăn như vậy, chúng ta cũng không khỏi bị suy nghĩ tiêu cực, bi quan. Theo con sự nghi ngờ Chúa cũng xuất phát từ việc chúng ta chưa hiểu Chúa đủ về chương trình của Ngài, về tình yêu của Ngài dành cho bạn. Nên bạn A cần cầu nguyện xin Ngài thêm lên cho mình đức tin mạnh mẽ. Bạn cũng cần chăm chỉ đọc hiểu Thánh Kinh, suy ngẫm Lời Ngài ngày và đêm để Lẽ Thật của Chúa sẽ an ủi bạn, tiếp thêm sức cho bạn biết rằng Chúa sẽ không bao giờ lìa bỏ bạn và Lời Ngài dẫn dắt bạn đi đúng con đường Chúa định sẵn cho bạn.
Hoàng Anh: Sự nghi ngờ của A là sai. Chính sự nghi ngờ của A khi không thấy Chúa đáp lời cầu xin của mình đã thể hiện sự thiếu đức tin, không thỏa lòng, không theo ý Chúa. Lời của đã dạy rằng:
“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Trước tiên thì chúng ta cần biết rằng, có những khi cầu nguyện được Chúa chữa lành cách siêu nhiên hoặc qua việc uống thuốc bệnh sẽ thuyên giảm. Nhưng không phải lúc nào cũng phải hết bệnh thì mới đúng. Có những khi Chúa cho phép chúng ta bị mắc căn bệnh nào đó mà không thể chữa khỏi. Như trường hợp của sứ đồ Phao-lô được chép trong II Cô-rinh-tô 12:5-10.
Vì vậy, nếu chúng ta mắc một căn bệnh nào mà Chúa không chữa lành, hoặc uống thuốc không hết bệnh thì trước tiên chúng ta tra xét mình xem có điều gì phạm tội với Chúa không. Nếu có thì ăn năn xin Chúa tha thứ và xin Chúa chữa lành cho mình (Gia-cơ 5: 14-16).
Hỏi:
Khi một người cầu nguyện với Chúa theo ý riêng như mong muốn có được trở nên giàu có, được chức vị cao trong đời này và sau này khi họ đạt được điều đó thì họ cho rằng đó là những ơn phước mà Chúa ban cho họ. Vậy theo bạn đó có phải thật sự là Chúa ban không. Vì sao?
Thiếu Niên Thảo Luận:
Mỹ Đức: Dạ con nghĩ rằng không phải ạ. VIệc một người cầu nguyện với Chúa theo ý riêng, chỉ muốn tốt cho bản thân như muốn giàu lên, có quyền cao chức trọng như đang đòi hỏi Chúa vốn đã thể hiện một phần sự không tôn kính của họ với Ngài ạ. Vậy thì đời sống của họ hẳn cũng rất xem trọng những thứ đó và có thể đã nhiều lần phạm tội vì những khao khát ấy. Cho nên việc họ nhận được những thứ kia không phải Ngài nhậm lời ban cho mà là từ Ma Quỷ, hoặc có thể đó là sự ban cho thật sự của Chúa nhưng sau đó Ngài sẽ trừng phạt người đó nặng nề vì oán trách, đòi hỏi Chúa ạ.
Việt Thư: Dạ theo con khi họ cầu nguyện theo ý riêng như vậy thì họ đã mắc tội với Chúa. Tuy nhiên Chúa vẫn cho phép xảy ra trên đời sống của người đó, ban cho họ lòng họ mong ước. Nhưng đó không phải là vì họ tốt đẹp để Chúa ban phước mà là vì Chúa biết kết cục của họ. Ở đời sau sự giàu có của họ cũng sẽ trở về với cát bụi, sự giàu có của họ cũng không thể mang theo và linh hồn của họ bị hư mất.
Hoàng Anh: Không. Sự cầu nguyện với Chúa theo ý riêng, mong muốn trở nên giàu có, được chức vị cao trong đời này, mà lời cầu nguyện đó đã thành hiện thực là đến từ ma quỷ, vì nhu cầu của họ là theo ý riêng, không đúng, đẹp ý Chúa. Tuy nhiên, có thể Chúa cũng cho người ấy được như vậy để thử thách đức tin người.
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Nếu một người mong muốn được trở nên giàu có thì đã sai với Lời Chúa dạy trong I Ti-mô-thê 6:9. Người ham muốn trở nên giàu có thì rơi vào cám dỗ và bẫy rập. Nếu một người theo ý riêng mà mong muốn được có chức vị cao trong đời này thì họ đã yêu những sự thuộc về thế gian hơn là yêu những sự ở trên trời. Và đương nhiên những người như vậy khi họ nhận được những điều đó thì đều không phải là ơn phước Chúa ban cho.
Nói như vậy không có nghĩa những ai được giàu có và có địa vị cao thì đều không phải là người tin kính Chúa. Vì nếu họ chăm chỉ làm việc, biết chi tiêu tiết kiệm, quản lý tốt tiền bạc thì Chúa lại giao thêm cho họ có thêm tiền để họ cứ tiếp tục làm lợi ra các ta-lâng mà Chúa đã ban. Hoặc những người chăm chỉ học hành tốt sau này Chúa ban ơn cho họ làm bác sĩ, giáo viên, luật sư,… để qua công việc đó họ mang lại ích lợi cho nhiều người. Khi ấy thì đúng là những ơn phước Chúa ban cho.
Hỏi:
Trong đời sống hằng ngày, bạn A có em trai hay em gái. Tuy nhiên thỉnh thoảng hai chị em/ anh em tranh giành đồ chơi với nhau hay đồ ăn ngon. Hành động đó của hai chị em có đẹp lòng Chúa không? Chúa sẽ vui lòng nếu bạn A biết cư xử như thế nào?
Mỹ Đức: Dạ con nghĩ rằng hai anh chị em ruột ở nhà cùng theo Chúa thì một phần khác họ cũng giống như anh chị em cùng đức tin với nhau. Do đó việc hai người giành giật nhau một thứ gì đó họ cùng thích vốn là không đẹp lòng Chúa. Chúa sẽ vui lòng nếu bạn A biết nhận ra lỗi sai của mình, ăn năn xưng tội, xin lỗi em và nhường nhịn em mình nhiều hơn trong cuộc sống. Bởi lẽ một chút sự chịu đựng bây giờ là đáng với phần thưởng trên trời cho mai sau. Tuy nhiên bạn cũng cần dạy em cách phải biết nhường nhịn anh chị em cùng đức tin để đẹp lòng Chúa, không thể cứ mãi là người nhận và giành giật với người khác, vì Chúa đã dạy ta phải biết yêu anh chị em như Chúa đã yêu chúng ta ạ.
Việt Thư: Dạ theo con hành động đó của hai chị em không làm đẹp lòng Chúa. Vì điều đó thể hiện sự tranh cạnh, muốn hưởng được những thứ tốt đẹp. Người tin kính Chúa được Chúa dạy phải biết yêu thương anh chị em của mình. Chúa cũng giống như cha mẹ của chúng ta, Ngài vui lòng khi anh em biết thương yêu, hòa nhã, nhường nhịn nhau, biết cho đi, hy sinh cho nhau những gì mình có vì anh chị em mình.
Hoàng Anh: Hành động đo của hai chị em không làm đẹp lòng Chúa. Thay vào đó hai chị em nên học đức tính yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau, thì Chúa sẽ vui lòng vì điều đó. Con nghĩ rằng, tranh nhau đồ chơi, đồ ăn ngon là việc làm xấu xa, nhất là giữa anh chị em ruột thịt trong gia đình.
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Hành động tranh giành đồ chơi và đồ ăn ngon giữa các anh chị em trong nhà với nhau là chuyện thường thấy, và đương nhiên việc đó không đẹp lòng Chúa. Việc đó thể hiện sự ích kỷ, không yêu anh chị em mình hơn mình, muốn giành phần tốt cho mình.
Bạn A là người tin Chúa thì nên nhường cho anh chị em của mình. Vì Lời Chúa dạy chúng ta hãy yêu người lân cận như chính mình (Ma-thi-ơ 22:39), huống chi đây lại là anh chị em trong nhà. Lời Chúa cũng dạy chúng ta muốn người khác làm cho mình thế nào thì mình cũng làm cho họ như thể ấy (Lu-ca 6:31).
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy