Chúa Jesus Chữa Lành Người Teo Tay

455 lượt xem

Chúa Jesus Chữa Lành Người Teo Tay

Nguyễn Thị Thùy Linh

 

Tải link mp3: https://od.lk/d/NV8xODQ3NDgzOTZf/Thieu%20Ni%C3%AAn%2016-04-2023.mp3

Các con thân mến!

Hôm nay chúng ta cùng nhau tiếp tục học về các phép lạ của Đức Chúa Jesus. Chúng ta học đến phép lạ Chúa Jesus chữa lành bệnh cho một người teo tay trong ngày Sa-bát. Câu chuyện này được ba sách cùng ghi lại đó là các sách: Ma-thi-ơ 12:9-21, Mác 3:1-6, Lu-ca 6:6-11. 

Trong ba sách này có sách Ma-thi-ơ ghi lại chi tiết hơn hai sách kia, nhưng sách Ma-thi-ơ không có ghi lại cảm xúc của Chúa Jesus đối với những người Pha-ri-si. Vậy nên khi chúng ta đọc lại một lượt cả ba sách và tổng hợp lại chúng ta có đủ dữ kiện về câu chuyện này, từ nội dung câu chuyện, lời phán, cảm xúc của Chúa Jesus. 

Ma-thi-ơ 12:9-21

9 Đức Chúa Jesus đi khỏi nơi đó, vào nhà hội.

10 Ở đó, có một người teo một bàn tay. Có kẻ hỏi Ngài rằng: Trong các ngày Sa-bát, được phép chữa kẻ bệnh hay không? Ấy là họ có ý kiếm dịp kiện Ngài.

11 Ngài phán với họ rằng: Ai trong vòng các ngươi có một con chiên, nếu đang ngày Sa-bát, bị ngã xuống hầm, thì không kéo nó lên sao?

12 Thế thì, loài người trọng hơn con chiên biết bao! Vậy, làm việc lành trong các ngày Sa-bát là hợp pháp.

13 Kế đó, Ngài phán với người tay teo rằng: Hãy giơ tay ra. Người liền giơ tay, thì tay này cũng lành như tay kia.

14 Những người Pha-ri-si đi ra ngoài rồi, bàn với nhau, lập mưu để giết Ngài.

15 Nhưng Đức Chúa Jesus biết điều ấy, thì bỏ đi khỏi chỗ đó; có nhiều người theo, và Ngài chữa lành cả.

16 Ngài cấm ngặt họ đừng cho ai biết Ngài;

17 để được ứng nghiệm lời đấng Tiên Tri Ê-sai đã nói rằng:

18 Này, tôi tớ Ta đã chọn, là người mà Ta rất yêu, đẹp linh hồn Ta trong mọi sự. Ta sẽ ban Đấng Thần Linh của Ta ngự trên người. Người sẽ đem công lý đến các dân tộc.

19 Người sẽ chẳng cãi lẫy, chẳng kêu la, và chẳng ai nghe được tiếng người ngoài đường cái.

20 Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, cho đến khi người khiến cho công lý được thắng.

21 Dân ngoại sẽ trông cậy danh người.

 Mác 3:1-6

1 Lần khác, Đức Chúa Jesus vào nhà hội, ở đó có một người nam teo bàn tay.

2 Chúng rình xem thử Ngài có chữa người đó trong ngày Sa-bát chăng, để cáo Ngài.

3 Ngài phán với người teo tay rằng: Hãy dậy, đứng chính giữa đây.

4 Rồi Ngài hỏi họ rằng: Trong ngày Sa-bát, nên làm việc lành hay việc dữ, cứu người hay giết người? Nhưng họ đều nín lặng.

5 Bấy giờ, Ngài lấy mắt liếc họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi, rồi phán với người nam rằng: Hãy giơ tay ra. Người giơ ra, thì tay được lành.

6 Các người Pha-ri-si đi ra, tức thì bàn luận với phe Hê-rốt nghịch lại Ngài, để giết Ngài đi.

Lu-ca 6:6-11

6 Một ngày Sa-bát khác, Đức Chúa Jesus vào nhà hội dạy dỗ. Tại đó, có một người bàn tay phải bị teo.

7 Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si chăm chỉ xem Ngài, coi thử Ngài có chữa bệnh trong ngày Sa-bát chăng, để tìm dịp mà cáo Ngài.

8 Nhưng Ngài biết ý tưởng họ, nên phán với người teo tay rằng: Hãy trỗi dậy, đứng giữa chúng ta. Người ấy trỗi dậy, và đứng lên.

9 Đức Chúa Jesus liền phán với họ rằng: Ta hỏi các ngươi: Trong ngày Sa-bát, nên làm điều lành hay là làm điều dữ, nên cứu người hay là giết người?

10 Kế đó, Ngài lấy mắt liếc khắp mọi người xung quanh mình, rồi phán với người bệnh rằng: Hãy giơ tay ra. Người giơ ra, thì được lành.

11 Nhưng họ giận lắm, bàn cùng nhau về việc mình có thể xử với Đức Chúa Jesus cách nào.

Chúng ta vừa cùng nhau đọc lại câu chuyện được ghi trong ba sách Tin Lành Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca. 

Chúng ta có thể tổng hợp câu chuyện này như thế này. 

Trong một ngày khác, Đức Chúa Jesus vào trong nhà hội để dạy dỗ thì có một người teo tay ở đó. Các người thông giáo và người Pha-ri-si xem Ngài có chữa lành cho người teo tay hay không,Có kẻ hỏi Ngài rằng: Trong các ngày Sa-bát, được phép chữa kẻ bệnh hay không? Ấy là họ có ý kiếm dịp kiện Ngài. Đức Chúa Jesus biết ý tưởng của họ. Rồi Ngài hỏi họ rằng: Trong ngày Sa-bát, nên làm việc lành hay việc dữ, cứu người hay giết người? Nhưng họ đều nín lặng. Bấy giờ, Ngài lấy mắt liếc họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi, rồi phán với người nam rằng: Hãy giơ tay ra. Người giơ ra, thì tay được lành. Nhưng họ giận lắm và tìm cách giết Ngài. 

Trong những câu chuyện Đức Chúa Jesus chữa bệnh mà chúng ta đã từng học qua thì chúng ta thấy những người Pha-ri-si và những người thông giáo đi theo Ngài và luôn tỏ ra sự ganh tị, tức tối và thử Chúa Jesus. Họ không chấp nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si-a được hứa trong Thánh Kinh, mặc dù họ là thầy dạy luật, học luật, biết luật và thuộc Thánh Kinh thời bấy giờ. Mặc dù Chúa Jesus làm ra các phép lạ siêu nhiên trước mắt họ nhưng họ vẫn không tin và không chấp nhận. Có lẽ vì sự quá kiêu ngạo, ganh tị trong họ quá lớn mà lòng họ trở nên cứng cỏi, gian ác, không còn nhận ra đâu là lẽ thật, họ còn thua những người bệnh, người dân bình thường nghèo khổ thất học, những người ấy còn tin Chúa, còn tôn vinh Đức Chúa Trời, còn người lấy danh là cao trọng, biết luật, dạy luật mà không hề nhìn thấy. 

Trong câu chuyện này chúng ta có các chi tiết để cùng nhau suy ngẫm và rút ra cho mình những bài học thuộc linh đó là: 

  • Sự kiện được làm việc lành trong ngày Sa-bát
  • Sự kiện Chúa Jesus chữa lành cho người teo tay bằng phép lạ
  • Sự kiện Chúa Jesus biết ý tưởng xấu của những người thông giáo và Pha-ri-si nhưng Ngài vẫn chọn chữa lành cho người teo tai

Chúng ta cùng nhau đi qua từng sự kiện và rút ra bài học. 

  • Sự kiện được làm việc lành trong ngày Sa-bát

Như chúng ta đã từng học biết việc vâng giữ ngày Sa-bát theo điều răn mà Đức Chúa Trời đã truyền cho dân I-sơ-ra-ên qua Môi-se. Trong đó có điều răn vâng giữ ngày Sa-bát. 

Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11

8 Hãy nhớ đến ngày Sa-bát để thánh hóa nó.

9 Ngươi sẽ lao động và làm hết công việc của mình trong sáu ngày;

10 nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, và súc vật của ngươi, và khách ở trong các cửa của ngươi.

11 Vì trong sáu ngày, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dựng nên các tầng trời và trái đất, biển và muôn vật. Ngài nghỉ vào ngày Thứ Bảy. Vậy nên, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho ngày Sa-bát và thánh hóa nó.

Sa-bát có nghĩa là sự nghỉ ngơi, Sa-bát còn là một ngày lễ nghỉ ngơi của con dân Chúa. Là ngày Thứ Bảy mỗi tuần, đã được Đức Chúa Trời lập nên từ khi sáng thế, để cho thân thể xác thịt loài người được nghỉ ngơi sau sáu ngày lao động. Trong ngày nghỉ ngơi đó, con dân Chúa cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Chúa.

 Sa-bát thuộc linh: Là sự yên nghỉ trên luật pháp, ra khỏi gánh nặng của quyền lực tội lỗi, của hậu quả tội lỗi, nhờ sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Con dân Chúa đương nhiên được hưởng Sa-bát này, mà không cần phải làm gì hết, chỉ cần thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. [1]

Việc lành là gì? Như thế nào là việc lành. Việc lành là những việc một người làm ra đem lợi ích, gây dựng cho người khác. Trong Chúa việc lành có hai phương diện, thuộc thể và thuộc linh. Về thuộc thể thì những việc đem lại lợi ích cho người khác như cứu giúp, tiếp trợ, thăm viếng, chữa bệnh… Về thuộc linh thì an ủi, khích lệ, chia sẻ, giải hòa…

Những thầy dạy luật thời bấy giờ họ đã tự ý thêm những gánh nặng cho con dân Chúa khi giữ ngày Sa-bát, họ đã không thật sự hiểu ý nghĩa thuộc linh của ngày Sa-bát nên họ mới đặt ra luật là không được phép làm việc lành trong ngày Sa-bát. Họ đặt ra các hình thức nặng nề như trong ngày Sa-bát là không được đi xa bao nhiêu km, không được mang vác quá bao nhiêu kg… Trong sự kiện này Chúa Jesus đã có chủ ý muốn cho mọi người biết rằng trong Ngày Sa-bát hoàn toàn có thể làm ra các việc lành. Nên cho dù Ngài biết họ đang tìm cách kiện cáo Ngài, giết Ngài thì Ngài vẫn chọn chữa lành vào ngày Sa-bát. 

Câu hỏi: Theo em những việc lành gì có thể làm trong ngày Sa-bát? 

Việc lành là một việc tốt đem lại ích lợi cho người xung quanh mình. Con dân Chúa ngày nay cần phân biệt việc nào là việc lành có thể làm trong ngày Sa-bát để không bị vi phạm ngày Sa-bát. Các việc nào có hình thức cứu giúp, cấp bách đến tính mạng, đau yếu, thăm viếng thì con dân Chúa có thể làm. 

Ví dụ: Đưa người đau đến bệnh viện, thanh toán viện phí. Cứu người hoặc vật gặp nạn. Đổ xăng khi đi thăm viếng, chữa bệnh. Như các ông việc lính cứu hỏa, cấp cứu trong bệnh viện, công tác giữ an ninh trật tự xã hội của những người lính. Thậm chí nếu trong ngày Sa-bát lỡ có mưa giông gió làm hư hại nhà cửa chúng ta đang ở thì chúng ta vẫn có thể tạm thời sửa chữa để có thể trú mưa, giông. Nhưng chúng ta chỉ nên sửa cho nó tạm thôi để có chỗ chúng ta trú ngụ thôi rồi chờ qua ngày Sa-bát chúng ta mới tập trung sửa cho nó hoàn tất. Nói chung là những việc cấp bách thì chúng ta có thể làm. Chúng ta giữ ngày Sa-bát là giữ bằng tấm lòng chứ không phải giữ bằng hình thức. Bằng tấm lòng là chúng ta yêu mến ngày Sa-bát, chúng ta muốn nghỉ ngơi, muốn biệt riêng mình ra cho Thiên Chúa. Chúng ta không còn lo lắng về đời này nữa mà chỉ muốn tương giao, thờ phượng Thiên Chúa. Còn giữ bằng hình thức là chúng ta chỉ làm trên mặt chữ nghĩa nhưng trong lòng thì không thấy thỏa vui, chúng ta tự đặt ra không được làm điều này, điều kia rồi chúng ta thấy ngày Sa-bát thật nặng nề và khó khăn. Nhưng thực tế Thiên Chúa không chất gánh nặng lên con dân của Ngài. Ngài muốn con dân Ngài được nghỉ ngơi cả phần thuộc linh lẫn thuộc thể. Con dân của Ngài hoàn toàn có thể làm việc lành, việc thiện trong ngày Sa-bát. Thiên Chúa không phải là một vị thần độc tài hay khó khăn, cứng nhắc. Chỉ có những người tin Chúa nhưng không hết lòng tin kính Chúa, không ham mến điều răn luật pháp của Chúa thì họ mới không hiểu lòng của Thiên Chúa và không hiểu điều răn luật pháp của Thiên Chúa đặt ra là vì Ngài yêu loài người, Ngài muốn loài người sống trong sự có luật pháp, kỷ cương và sống theo bản tính của Ngài. Nếu không có luật pháp thì loài người tha hồ sống theo bản ngã xác thịt thú vui tội lỗi của họ. 

Như việc nhà trường đặt ra nội quy của nhà trường là để học sinh có ý thức và kỷ cương. Nếu không thì ai muốn đi học thì đi, muốn đi trễ lúc nào cũng được, muốn xả rác bao nhiêu thì xả, muốn đánh bạn, leo rào bao nhiêu thì làm… Vậy chúng ta hình dung ra khung cảnh của trường học loạn hết cả lên mà không có nề nếp gì cả. Đối với người thế gian họ còn ra những quy luật từ nhà trường, nhà nước, công ty đều có quy luật thì Đức Chúa Trời cũng có điều răn luật pháp của Ngài. Nhưng điều răn luật pháp của Thiên Chúa chứa đựng tình yêu của Ngài đối với người vâng giữ, không phải là khuôn khổ, áp bức, nặng gánh hay cướp mất sự tự do của người khác. Chỉ những người không yêu thích điều răn và không hiểu đúng thì mới cảm thấy như những điều kể trên. 

  • Sự kiện Chúa Jesus chữa lành cho người teo tay bằng phép lạ

Như những lần trước chúng ta học về những phép lạ mà Chúa Jesus làm ra, hoàn toàn siêu nhiên và kỳ diệu. Lần này cũng chỉ cần một lời phán mà người teo tay được lành. Thánh Kinh không ghi rõ người này bệnh teo tay bao lâu và đã trong nhà hội từ khi nào. Qua các phép lạ chúng ta học thì thấy được rằng một lời phán của Chúa Jesus thì người bệnh được lành một cách ngay lập tức. 

  • Sự kiện Chúa Jesus biết ý tưởng xấu của những người thông giáo và Pha-ri-si nhưng Ngài vẫn chọn chữa lành cho người teo tay

Chúng ta thấy rằng những người thông giáo và Pha-ri-si này họ có âm mưu sẵn muốn hãm hại Chúa Jesus. Họ chỉ chực chờ xem Chúa Jesus có làm sai điều gì là bắt lấy cơ hội kiện cáo Ngài. Chúng ta thấy rằng sự cứng cỏi trong lòng của họ khiến cho họ ngày càng trở nên xấu xa càng hơn. Khi họ không tìm được cớ để kiện Ngài thì tìm cách để giết Ngài. Chúng ta nhìn thấy bản chất của Sa-tan trong những người này. 

Bài học cho chúng ta qua sự việc này đó chính là Ma quỷ cũng ngày đêm chực chờ chúng ta làm sai một điều gì dù là cố ý hay vô tình thì chúng cũng tìm cách để kiện cáo chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúng thấy chúng ta thuộc về Chúa thì đầy lòng ganh ghét chúng ta, khi chúng ta sống đẹp lòng Chúa thì chúng tìm cách tấn công chúng ta. Quấy phá chúng ta. 

Loài người chúng ta là bất toàn và yếu đuối, thiếu hiểu biết nên trên bước đường theo Chúa chúng ta vẫn còn lâm vấp do yếu đuối, do thiếu hiểu biết nên chúng ta chỉ có cách là mỗi ngày tra xét mình, xin Chúa gìn giữ mình, lỡ phạm tội thì phải ăn năn ngay, nếu không ma quỷ sẽ kiện cáo chúng ta và có cớ để tấn công quấy phá chúng ta. 

Câu hỏi: Có người cho rằng: Chúa Jesus là Chúa nên Ngài mới không phạm tội, còn loài người không phải Chúa nên làm sao không phạm tội được. Ý này đúng hay sai? Vì sao? 

Câu nói trên đây là sai. Bởi vì người đó không hiểu rằng khi Đức Chúa Jesus ở thế gian Ngài hoàn toàn 100% là người. Ngài không dùng thần tính của Ngài. Ngài cũng như bao nhiêu người khác, cũng đói, cũng lạnh, cũng khát, cũng biết buồn, vui, đau đớn… Nhưng Ngài chỉ khác là Ngài chọn không phạm tội và chọn sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và chọn làm thành chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, cho dù phải trả giá bằng tính mạng. Chúng ta nhớ lại trước ngày Chúa Jesus bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê. 

Ngài thưa: A-ba! Hỡi Cha! Mọi việc là có thể được đối với Ngài. Xin Ngài cất chén này khỏi Con. Nhưng không theo điều Con muốn, mà theo điều Ngài muốn.” (Mác 14:36).

Chúng ta hoàn toàn có thể sống giống như Chúa Jesus đã từng sống, chỉ là chúng ta còn ham thích tội, còn mê đắm thế gian, còn vui thú trong tội nên chúng ta không thắng được tội lỗi. 

Về việc Chúa Jesus vẫn chọn chữa lành cho người teo tay chúng ta hiểu rằng Ngài có ý muốn thực hiện một lẽ thật là ngày Sa-bát hoàn toàn có thể làm việc lành, chứ không phải như những người thông giáo dạy luật đặt ra những gánh nặng cho ngày Sa-bát. 

Chúng ta để ý câu: “ Bấy giờ, Ngài lấy mắt liếc họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi, rồi phán với người nam rằng: Hãy giơ tay ra. Người giơ ra, thì tay được lành.” (Mác 3:5). 

Câu hỏi: “Đức Chúa Jesus vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi”. Theo các con thì Chúa Jesus có yêu những người này không? 

Chúa Jesus yêu tất cả mọi người, Thiên Chúa Ngôi Lời tự nguyện nhập thế làm người là vì tội nhân, người nào tội càng nhiều thì càng cần sự tha thứ và sự cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúa Jesus vừa giận vừa buồn vì những người này là những người học luật, biết luật, dạy luật mà họ lại còn thua những người dân bình thường, ít học. Bởi vì lòng họ quá cứng cỏi, họ đui mù thuộc linh. Họ để cho bản ngã tội lỗi và ma quỷ làm chủ trên đời sống họ, khiến họ không còn nhìn thấy, nhận biết Đấng mà họ đang cần đứng trước mặt họ. Thà họ không biết luật, không biết Thánh Kinh thì hơn. 

Bài học rút ra qua cho tiết này đó là: Nếu chúng ta xưng nhận mình là con dân Chúa, hiểu biết Lời Chúa, mà chúng ta vẫn sống trong tội, làm ra tội thì chúng ta cũng giống như những người thông giáo và Pha-ri-si này. Đức Chúa Trời nhìn chúng ta Ngài cũng sẽ vừa giận vừa buồn chúng ta, vì chúng ta được học Lời Chúa, có Thánh Kinh và chúng ta nhận mình là con dân Chúa. Thà chúng ta không biết Chúa, không biết Thánh Kinh thì có lẽ tội chúng ta còn nhẹ hơn, còn nếu chúng ta nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ mà sống trong tội thì chúng ta ngang nhiên chà đạp máu thánh của Ngài. 

18 Này, tôi tớ Ta đã chọn, là người mà Ta rất yêu, đẹp linh hồn Ta trong mọi sự. Ta sẽ ban Đấng Thần Linh của Ta ngự trên người. Người sẽ đem công lý đến các dân tộc.

19 Người sẽ chẳng cãi lẫy, chẳng kêu la, và chẳng ai nghe được tiếng người ngoài đường cái.

20 Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, cho đến khi người khiến cho công lý được thắng. (Ma-thi-ơ 12:18-20).

Theo sự giải thích của người chăn: 

Cùng một từ ngữ đó trong tiếng Hy-lạp có khi dịch là công chính. Có khi dịch là công lý.

Dịch là công chính khi nói đến sự vô tội, không phạm luật pháp của Thiên Chúa. Hoặc khi Chúa kể một người là vô tội.

Dịch là công lý khi nói đến sự Thiên Chúa cư xử với loài người. Thiên Chúa cư xử với loài người cách công chính với những quy tắc (lý) chân thật.

Ý nghĩa của ba câu Thánh Kinh trên là Chúa Jesus Ngài sẽ nhẫn nhịn, chịu đựng, không chống cự, không than vãn. Ngài chừa cơ hội cho những tội nhân, Ngài chẳng dập tắt con đường sự sống của loài người dù rằng chỉ là mong manh như cây sậy đã gãy hay ngọn đèn gần tàn. Ngài không nỡ như vậy. Đó là ngày Chúa phán xét toàn thế gian vào cuối Kỳ Tận Thế.

Một chi tiết trong bài học hôm nay chúng ta để ý nữa đó là: “Nhưng Đức Chúa Jesus biết điều ấy, thì bỏ đi khỏi chỗ đó”. 

Lời Chúa dạy: 

Kìa, Ta sai các ngươi đi như chiên vào giữa bầy sói. Vậy, các ngươi hãy nên khôn khéo như những rắn và đơn sơ như những bồ câu.” (Ma-thi-ơ 10:16).

Khi nào người ta bách hại các ngươi trong thành này, thì hãy trốn qua thành kia;” (Ma-thi-ơ 10:23a).

Là con dân Chúa chúng ta phải biết áp dụng Lời Chúa đúng cách vào đời sống thì chúng ta mới có thể không tự chuốc lấy thiệt hại, hậu quả thuộc về mình. Thời điểm này chưa đến lúc Chúa Jesus phải chịu khổ, chưa đến lúc Ngài phải hy sinh mạng sống mình nên Ngài đã đi khỏi nơi đó. Chúng ta thấy Chúa Jesus không quá tự tin mà ở lại đó chinh chiến cùng những người này. Ngài không cố gắng thể hiện quyền năng mặc dù Ngài được phép và có quyền. 

Vậy chúng ta ngày hôm nay khi bị bách hại mà chúng ta có cơ hội tránh né thì chúng ta phải áp dụng hai lời dạy trên đây. Chúng ta không đứng ra vỗ ngực xưng tên tôi là tín đồ, tôi tin Chúa yêu Chúa, bắt tôi đi, giết tôi đi để thể hiện đức tin của mình. Điều đó Chúa không muốn mình làm. Khi nào chúng ta đã tránh rồi, trốn rồi mà vẫn bị bắt, thì chúng ta mới một lòng giữ vững đức tin cho dù trả giá bằng mạng sống. Chúng ta đừng tạo cơ hội cho mình bị bách hại cách không vô nghĩa như vậy. Đó không phải là đức tin lớn mà là đôi khi chúng ta khờ dại và kiêu ngạo mà tự chuốc lấy hậu quả cho mình. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Ghi chú:

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/

Các Câu Thánh Kinh Tham Khảo:
(Ma-thi-ơ 12:9-21, Mác 3:1-6, Lu-ca 6:6-11)

Câu Hỏi Gợi Ý Suy Ngẫm:
* Việc lành trong ngày Sa-bát là những việc gì?
* Theo em tại sao lại được làm việc lành trong ngày Sa-bát?
* Vì sao Đức Chúa Jesus biết những người Pha-ri-si có ý muốn giết Ngài thì Ngài bỏ đi?
* Em hiểu câu: “Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, cho đến khi người khiến cho công lý được thắng” có nghĩa là gì?
* Vì sao Chúa Jesus lại cấm ngặt những người theo Ngài được Ngài chữa lành không được nói cho ai biết?

Bài học áp dụng:
* Em đã làm việc lành trong ngày Sa-bát chưa?
* Em có bao giờ trách ai đó làm việc lành trong ngày Sa-bát chưa?
* Em học được bài học gì qua câu chuyện này?
* Em học được bài học gì qua các câu trả lời của Chúa Jesus và hành động của Ngài rời khỏi nơi đó?

Để lại một bình luận