Mười Hai Người Do Thám Xứ Ca-na-an
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý
1. Có bao nhiêu người được sai đi do thám xứ Ca-na-an? Tại sao Chúa lại muốn cử người đi do thám xứ mà không chỉ dẫn dân sự đánh chiếm xứ luôn?
2. Những người đi do thám báo cáo điều gì về xứ Ca-na-an?
3. Tại sao mười hai cùng đi do thám một xứ về nhưng lại có những nhận định khác nhau? Vì sao có người nhận định hãy đi lên, chiếm xứ, vì sẽ thắng hơn được? Vì sao có người nhận định không thể đi lên được?
Gợi Ý Áp Dụng
1. Có điều gì mà em nhận thức rằng Chúa đặt để em cần làm trong đời sống mình từ việc thuộc thể đến thuộc linh?
2. Khi em ý thức được đó là việc Chúa muốn mình làm, Chúa giao cho mình làm thì em có hành động như thế nào để làm công việc đó?
3. Có sự khó khăn nào xảy đến, hoặc cản trở gì xảy đến mà em nghĩ rằng mình không thể nào hoàn thành được việc đó? Lúc đó em đã làm thế nào?
Chia Sẻ:
Các bạn thiếu niên thân mến,
Chúng ta đang học về hành trình của dân I-sơ-ra-ên đi qua các đồng vắng để tiến về vùng đất hứa Ca-na-an mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hứa ban cho họ. Sau sự việc A-rôn và Mi-ri-am nói nghịch Môi-se, dân sự ra đi từ Hát-sê-rốt, và hạ trại trong đồng vắng Pha-ran. Chúa có phán với Môi-se chọn ra những người đi do thám xứ Ca-na-an:
“Hãy sai những người đi do thám xứ Ca-na-an, là xứ Ta ban cho dân I-sơ-ra-ên. Về mỗi một chi phái, các ngươi phải sai một người đi; mỗi người làm quan trưởng của chi phái mình.” (Dân Số Ký 13:2).
Thế rồi, từ đồng vắng Pha-ran, Môi-se theo lệnh của Chúa mà sai 12 người thuộc 12 chi phái đi do thám xứ Ca-na-an. Môi-se dặn họ khi đi do thám xứ thì xem dân sự mạnh hay yếu, nhiều hay ít, vùng đất đó thế nào tốt hay xấu, các thành dân ở là đóng trại hay đồn lũy, đất đai màu mỡ hay là xấu, có cây cối không? Môi-se dặn họ hái lấy trái cây và mang về.
Mười hai người đi do thám xứ trong 40 ngày rồi trở về. Họ thuật lại mọi sự cho cả hội chúng nghe và đưa cho xem hoa quả của xứ ấy. Chùm nho của xứ đó họ mang về to và nặng tới nỗi phải hai người khiêng lấy bằng cây sào. Họ thuật cho Môi-se rằng thật xứ ấy là một xứ đượm sữa và mật. Nhưng dân sự trong xứ ấy thì mạnh dạn, hình vóc cao lớn, thành trì thì vững vàng và rất lớn. Dân sự nghe vậy thì bắt đầu than trách Môi-se, bởi vì họ nghe và sợ dân sự nơi xứ đó, họ nghĩ rằng họ chẳng thể nào đánh chiếm được xứ ấy. Nhưng Ca-lép là một trong những người đi do thám thì nói với dân sự rằng hãy đi lên và chiếm xứ, vì chúng ta thắng hơn được.
Chúng ta thấy mười hai người đều nhận định đúng về xứ đó là đượm sữa và mật, họ cùng nhìn thấy thành trì dân đó ở rất vững vàng, dân sự thì có hình vóc cao lớn. Nhưng họ lại đưa ra suy nghĩ khác nhau về việc có nên đi đánh chiếm xứ đó hay không. Hầu hết đều cho rằng không thể đánh thắng dân đó mà chiếm xứ được. Vậy từ đâu mà lại có hai nhận định khác nhau như vậy?
Thật ra, sự việc Chúa muốn sai họ đi do thám xứ Ca-na-an không phải là để họ xem xét xem có thể chiếm đánh được xứ đó hay không, mà là Chúa cho phép họ đi để nhìn thấy vùng đất đượm sữa và mật mà Chúa hứa ban cho họ, qua đó cũng thử thách đức tin của họ nơi Chúa. Bởi vì Chúa đã dành ban xứ Ca-na-an cho họ, Ngài đã có chương trình giải cứu họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô để đến vùng đất đó. Từ khi Chúa hiện ra với Môi-se trong bụi gai cháy thì Ngài đã phán:
“Ta ngự xuống để cứu dân này khỏi tay người Ê-díp-tô, dẫn từ xứ ấy lên đến một xứ kia đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật, tức là nơi dân Ca-na-an, dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít và dân Giê-bu-sít ở.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:8).
Chúa đã hứa với dân I-sơ-ra-ên rằng:
“Ta đã phán với các ngươi rằng: Ấy là các ngươi sẽ được xứ của dân đó; Ta cho các ngươi xứ ấy để làm sản nghiệp; ấy là một xứ đượm sữa và mật: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi, đã phân rẽ các ngươi cùng các dân.” (Lê-vi Ký 20:24).
Nhưng đáng buồn thay, biết bao nhiêu phép lạ Chúa làm ra để giải cứu họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô, cả những phép lạ Chúa làm ra trong đồng vắng mà họ vẫn không tin rằng Lời Chúa phán là thành tín, họ vẫn không tin rằng Chúa sẽ chiến cự cùng dân Ca-na-an để ban xứ đó cho họ. Khi họ vừa nhìn thấy dân xứ Ca-na-an với vóc dáng cao lớn, thành trì vững vàng thì họ đã khẳng định không thể vào vùng đất đó, rồi dân sự đã bắt đầu than trách. Sự việc này cho chúng ta thấy họ không có đức tin nơi Chúa, họ không hề tôn kính Chúa và lời phán của Ngài. Họ chỉ hành động dựa trên nhận định của con mắt xác thịt, mà không hề hành động dựa trên đức tin và lòng tôn kính Chúa.
Chúng ta thấy, những người được cử đi là quan trưởng của các chi phái, nên lời nói của họ có sức ảnh hưởng lớn tới dân sự. Hầu hết trong số họ đều khẳng định rằng, xứ ấy sẽ nuốt dân sự mình, vì hình vóc dân xứ đó rất cao lớn, còn họ thì chỉ bé nhỏ như con cào cào. Lời ấy đã làm cho dân sự nao lòng, sờn trí, lại bắt đầu than van. Qua sự việc này cũng bày tỏ ra sự vô tín của dân sự đối cùng Chúa là như thể nào. Họ chỉ biết nhìn theo con mắt xác thịt của mình, không có lòng tin cậy Chúa, nên chỉ biết oán trách, than van khi nhìn thấy những khó khăn trước mắt xảy đến.
Ngược lại với những lời phao phản xứ mình đã do thám, thì Ca-lép đã khẳng định rằng: “Chúng ta hãy đi lên và chiếm xứ đi, vì chúng ta thắng hơn được.” Nhận định đó của Ca-lép là dựa trên đức tin của mình nơi Chúa, với lòng tôn kính Chúa, tin cậy Ngài. Lời nói ấy của Ca-lép minh chứng rằng ông tin vào lời phán hứa của Chúa rằng Ngài giải cứu dân sự và đem họ đến nơi đượm sữa và mật. Ca-lép cũng nhìn thấy người dân xứ Ca-na-an vóc dáng cao lớn, cũng nhìn thấy thành trì của họ rất vững vàng. Nhưng ông không vì những điều mà con mắt xác thịt nhìn thấy mà rời chuyển đức tin của mình nơi Chúa. Bởi vì biết bao nhiêu những phép lạ Chúa làm ra để giải cứu dân sự khỏi tay kẻ thù nghịch và chăm sóc họ suốt chặng đường đi đã càng làm ông thêm lên lòng tin kính Chúa và trông cậy nơi Ngài.
Hành động theo đức tin không phải là ngông cuồng, bất chấp. Mà là dẫu nhìn thấy khó khăn, chông gai, thử thách nhưng vững tin vào lời phán hứa của Chúa rồi kiên trì vượt qua thử thách, hoàn thành công việc được giao.
Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta rút ra được những bài học thuộc linh cho bản thân mình như sau:
1. Bất cứ điều gì Chúa đã phán hứa với con dân Chúa thì Ngài sẽ làm thành nó, bởi Chúa là Đấng thành tín. Từ việc chăm sóc, giải cứu, tiếp trợ, an ủi, dẫn dắt,… Vì vậy, bất cứ suy nghĩ, lời nói, hành động nào của chúng ta trái ngược lại với những điều Chúa phán dạy thì điều đó thể hiện sự không tin kính Chúa, thiếu đức tin nơi Chúa, hoặc không có đức tin nơi Ngài.
Ví dụ như Lời Chúa phán dạy rằng:
“Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi. Vậy, các ngươi chớ lo lắng về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo việc thuộc về nó. Ngày hôm nay có đủ sự khó nhọc của nó.” (Ma-thi-ơ 6:33-34).
Nhưng một người khi chuyển đổi nơi ở mới chưa có công việc làm thì lại rất lo lắng, sốt ruột đi tìm kiếm công việc ngày đêm, bỏ bê việc học Lời Chúa. Họ muốn có công việc với mức lương ổn định trước, rồi sau sẽ sắp xếp thời gian để học Lời Chúa. Họ cảm thấy áp lực khi nhìn chung quanh toàn là những người thất nghiệp, kiếm công việc rất khó, nhiều nơi xin nhưng chủ lại không cho nghỉ ngày thứ bảy. Suy nghĩ và hành động của họ đi ngược lại lời dạy của Chúa, bày tỏ ra sự không tin kính Chúa, không có đức tin rằng Chúa sẽ chăm lo cho họ các nhu cầu thuộc thể, đến thời điểm Chúa sẽ ban cho mình một công việc.
Ví dụ như Lời Chúa dạy rằng:
“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).
Nhưng khi có cám dỗ hoặc thử thách xảy đến trên đời sống mình thì họ phạm tội, họ bắt đầu than trách vì người này người kia, vì hoàn cảnh,… khiến cho họ lâm vào cảnh khốn cùng rồi sinh ra sự phạm tội. Họ đã gián tiếp đổ thừa cho rằng Chúa đã khiến họ phạm tội, Chúa đã không giải cứu họ mà để việc đó quá sức họ và khiến họ phạm tội. Mặc dù họ có thể không lên tiếng trực tiếp than trách Chúa, nhưng sự đổ thừa do người khác, do hoàn cảnh, ấy chính là than trách Chúa. Như xưa kia bà Ê-va đổ thừa cho con rắn, cũng chính là oán trách tại Chúa tạo ra con rắn nên khiến bà phạm tội.
Người thật sự có lòng yêu kính Chúa, có đức tin nơi Chúa thì không phải chỉ bày tỏ ra trên môi miệng của mình, mà bằng các việc làm theo lẽ thật. Lời Chúa dạy rằng:
“Hỡi các con cái bé nhỏ, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” (I Giăng 3:18).
2. Hành động lời nói không dựa trên đức tin nhưng chỉ theo con mắt xác thịt sẽ khiến cho người khác vấp phạm. Đặc biệt nếu người đó ở trong các chức vụ, thì lời nói của họ sẽ rất ảnh hưởng đến các con chiên. Khiến cho họ cũng nhìn nhận sự việc theo xác thịt mà không theo thần trí. Vì vậy, chúng ta phải thật cẩn trọng trong sự nhận định của mình, đừng nói ra những điều không gây dựng, không ích lợi. Hãy ghi nhớ Lời Chúa dạy rằng:
“Chúng ta đều vấp phạm trong nhiều sự. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói, thì người ấy là trọn vẹn, có thể bắt phục cả thân thể.” (Gia-cơ 3:2).
3. Khi đưa ra nhận định và quyết định một việc gì thì phải theo thần trí, chứ không theo xác thịt. Nghĩa là mọi nhận thức, lý luận, quyết định dựa trên cảm xúc của tâm thần đối với thánh ý của Thiên Chúa. Lời Chúa dạy chúng ta: “Vì sự suy nghĩ theo xác thịt thì chết, nhưng sự suy nghĩ theo thần trí thì sống và bình an.” (Rô-ma 8:6). Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần quan sát sự việc, không cần lắng nghe sự góp ý, không cần giải quyết các khó khăn xảy đến. Mà chúng ta vẫn tiếp nhận các sự việc xảy đến thông qua thân thể xác thịt, nhưng để nhận định và quyết định một việc gì thì phải theo thần trí.
Ví dụ như chúng ta biết Lời Chúa dạy không có sự thử thách nào quá sức chịu đựng của chúng ta. Nhưng trong trường hợp bố mẹ là người không tin Chúa khi biết chúng ta tin Chúa thì ra sức cấm cản, nói những lời làm tổn thương mình, giám sát mọi hành động, cắt bỏ wifi không cho nhóm. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa nhưng chưa thấy Chúa giải cứu điều gì mà bố mẹ vẫn không ngừng bắt bớ, còn tịch thu luôn điện thoại. Vậy trong trường hợp này chúng ta phải hiểu như thế nào, và phải làm như thế nào cho đúng?
Trong trường hợp này, theo con mắt xác thịt thì chúng ta nhận thấy dường như Chúa không nhậm lời cầu xin của mình, cứ càng ngày sự bắt bớ càng gia tăng và không thuyên giảm. Nhưng nếu chúng ta vững đức tin nơi Chúa rằng chắc chắn Chúa sẽ làm cho chúng ta một lối thoát, theo suy nghĩ của thần trí thì chúng ta hiểu rằng sự việc này Chúa biết chúng ta vẫn chịu đựng được, Chúa đang rèn tập đức tin của mình nơi Chúa. Trong thần trí Chúa sẽ nhắc cho chúng ta các câu Thánh Kinh để an ủi, khích lệ chúng ta kiên trì vượt qua sự thử thách.
“Trong sự đó, các anh chị em vui mừng, dù hiện nay, nếu cần thì các anh chị em phải chịu nhiều sự thử thách khác nhau, khiến cho phải buồn bã ít lâu; để cho sự thử thách đức tin của các anh chị em quý hơn vàng hay hư nát, dù đã bị thử lửa, sinh ra sự khen ngợi, tôn trọng, và vinh quang cho các anh chị em trong sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ.” (Phi-e-rơ 1: 6-7).
“Vì trong sự ấy, chính mình Ngài khốn khổ khi bị cám dỗ hoặc bị thử thách, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị cám dỗ hoặc bị thử thách.” (Hê-bơ-rơ 2:18).
Nguyện rằng qua bài học này hôm nay giúp cho các em ghi nhớ rằng, đã là con dân Chúa thì chúng ta nhận định và quyết định sự việc không dựa trên tiêu chuẩn của xác thịt, nhưng dựa trên thần trí soi dẫn của Chúa và đức tin của chúng ta nơi Ngài. Nguyện xin Chúa ban cho các em được đức tin vững vàng trong Chúa, luôn được Chúa soi dẫn trong mọi việc làm của mình.