Dân Số Ký Chương 16 Sự Phản Loạn của Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram

368 lượt xem

Sự Phản Loạn của Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram

Nguyễn Thị Thu Thủy


Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Dân Số Ký chương 16 nói về sự phản loạn của ai? Tại sao họ lại có sự phản loạn?
2. Môi-se giải quyết như thế nào trước sự phản loạn của họ?
3. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hình phạt kẻ phản loạn như thế nào?
4. Thái độ của dân sự ra sao sau sự việc Chúa hình phạt kẻ phản loạn? Hậu quả thế nào?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Trong Hội Thánh chân thật của Chúa có sự phản loạn, chống nghịch lại những người Chúa đặt để trong sự chăn dắt thuộc linh không?
2. Những lời nói, hành động, việc làm như thế nào thể hiện sự phản loạn?
3. Nếu em nghe biết sự phản loạn, chống nghịch của một số anh chị em trong Chúa thì em sẽ làm thế nào?
4. Hội Thánh nên làm thế nào nếu có sự phản loạn xảy ra?

Chia Sẻ:

Các em thiếu niên thân mến,

Trong các bài học về hành trình dân I-sơ-ra-ên tiến về vùng đất hứa, chúng ta đã quen với việc dân sự than van, oán trách, dấy loạn nghịch lại Môi-se, A-rôn và cũng chính là đối với Chúa. Chúng ta cũng vừa học qua Dân Số Ký chương 13 và 14 về sự phao phản xứ và dấy loạn của dân sự muốn trở về xứ Ê-díp-tô. Kế đó là chương 15 nói về các luật lệ. Hôm nay, chúng ta bước qua chương 16, một lần nữa Thánh Kinh ghi lại sự phản loạn của dân I-sơ-ra-ên.

Chúng ta bắt đầu học Dân Số Ký 16, chủ đề “Sự Phản Loạn của Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram”, với câu gốc:

“Nhưng nếu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm một sự thật mới, nếu đất há miệng ra nuốt họ và mọi món gì thuộc về họ, nếu họ còn đang sống mà xuống âm phủ, thì các ngươi sẽ biết rằng những người này có khinh bỉ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Dân Số Ký 16:30).

Sự phản nghịch lần này bắt nguồn từ Cô-rê là một người thuộc dòng Lê-vi, lôi kéo theo Đa-than và A-bi-ram là con trai của quan trưởng Ê-li-áp, cùng với Ôn là cháu của Ru-bên. Những người này cùng với 250 người vốn là quan tướng, nghị viên của hội đồng có danh giá hiệp lại để dấy nghịch Môi-se và A-rôn. Họ cho rằng hai ông đã tự cao cho mình là người có quyền trên dân I-sơ-ra-ên.

Chúng ta nhận thấy những người này đều là người được sắp đặt vào các công việc quan trọng hoặc có chức vụ trong dân sự. Thế nhưng họ đã nổi dậy, hiệp lại muốn lật đổ Môi-se và A-rôn. Không phải họ thiếu hiểu biết hay vì yếu đuối của xác thịt mà nhất thời làm vậy. Nhưng vì họ đã không khiêm nhường nhận biết chức phận Chúa giao cho mình, mà kiêu ngạo muốn làm người cao nhất để lãnh đạo dân sự. Có lẽ Cô-rê đã đưa ra một lý do thực tế hợp lý rằng, toàn dân sự đã muốn lập nên một quan trưởng khác để trở về xứ Ê-díp-tô (Dân Số Ký 14), và đưa ra lời dụ dỗ rằng nếu hết thảy những người có chức vụ, có tiếng nói cùng hiệp lại thì sẽ lật đổ được Môi-se và A-rôn.

Khi Môi-se nghe về lời phản loạn của những người đó, thì ông đã sấp mặt xuống đất. Hành động sấp mặt xuống đất thể hiện lòng biết ơn Chúa như Áp-ra-ham đã từng làm khi Chúa hứa ban cho ông có con (Sáng Thế Ký 17:17), hoặc là khi cầu xin Chúa như Môi-se và A-rôn cầu xin Chúa thay cho dân sự (Dân Số Ký 16:22), hoặc là để bày tỏ sự tôn kính, đầu phục Chúa như Giô-suê từng làm khi nhận biết người đối diện mình là Chủ Tướng của quân đội của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (Giô-suê 5:14). Chúng ta có thể hiểu rằng, là một người hầu việc Chúa trong việc lãnh đạo dân sự, khi nghe biết hết thảy những người có danh giá hiệp lại phản loạn mình, Môi-se không tức giận mà hành xử theo cảm xúc xác thịt nhưng ông sấp mặt xuống trước Chúa, bày tỏ lòng biết ơn Chúa, tôn kính Chúa, đầu phục Chúa, và cầu xin với Chúa.

Môi-se nói cho Cô-rê biết rằng Chúa sẽ tỏ cho biết ai là người thuộc về Ngài và ai là thánh. Môi-se nói với Cô-rê và bè đảng hãy cầm lư hương, để lửa ở trong, bỏ hương vào mà ra mắt Chúa. Chính Chúa là Đấng sẽ chọn lấy. Môi-se quở trách Cô-rê đã không khiêm nhường và nhận biết chức phận Chúa đã giao mà làm cho trọn, đó là công việc trong Đền Tạm, là công việc rất hệ trọng, không hề nhỏ. Nhưng lại nổi lên đòi kiếm chức tế lễ mà Chúa chỉ ban cho con cháu của A-rôn. Như vậy là không chỉ nghịch lại A-rôn mà chính là nghịch lại Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, không chỉ là than trách A-rôn mà chính là than trách Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Kế đến, Môi-se gọi Đa-than và A-bi-ram con trai của quan trưởng Ê-li-áp cùng đi lên, nhưng họ không đi. Họ cho rằng Môi-se lừa họ để khiến họ bị diệt, họ cho rằng xứ Ê-díp-tô mới là nơi đượm sữa và mật mà Môi-se lại dẫn họ đi ra khỏi, họ cho rằng Môi-se dẫn họ đi để khiến họ bị chết nơi đồng vắng, họ cho rằng Môi-se đã lấn lướt, chèn ép họ. Họ còn thản nhiên vu khống rằng Môi-se có mưu định giết hại dân sự. 

Những lời nói này của Đa-than và A-bi-ram cho thấy họ thật sự không có lòng tin kính Chúa, họ vì những ham muốn xác thịt của đời này như thức ăn, đồ uống, hay địa vị làm che mờ đi; khiến họ không nhận biết được các việc tay Chúa làm. Mọi việc qua cái nhìn của họ đã bị bóp méo đi sự thật. Cuộc sống của họ ở Ê-díp-tô làm nô lệ cực khổ thì họ lại nói là xứ đượm sữa và mật, dân sự bị chết vì cớ sự phạm tội mình thì họ lại đổ tội cho Môi-se làm chết dân sự, Môi-se thi hành thẩm quyền Chúa đặt để trên ông thì họ nói ông lấn lướt họ, Môi-se năm lần bảy lượt xin Chúa tha tội chết cho dân sự thì họ vu khống Môi-se ý định giết hại dân sự.

Khi nghe những lời đặt điều, đổ tội, vu khống này của họ thì Môi-se đã nổi giận lắm. Chúa không cấm chúng ta giận, nhưng Chúa dạy chúng ta đừng phạm tội khi giận (Ê-phê-sô 4:26). Hơn nữa, sự nổi giận này của Môi-se là công chính. Bởi vì họ hoàn toàn đã đặt điều, đổi trắng thay đen toàn bộ các sự việc bằng những lời nói giả dối. Họ đã ngang nhiên xúc phạm Thiên Chúa và xúc phạm tôi tớ của Ngài là Môi-se. Chúng ta thấy Môi-se nổi giận lắm nhưng ông không có hành xử theo cảm xúc mà ông thưa trình với Chúa. Ông xin Chúa đừng nhận lễ vật của những người đã công khai xúc phạm Chúa và bày tỏ sự bội nghịch của mình. Ông thưa với Chúa ông không hề lấy cái gì hay làm hại ai trong họ. Ông không hề thanh minh hay đối chất với những người vu khống mình, ông chỉ trình dâng nỗi lòng mình lên Chúa. Điều đó cho thấy, ông tin chắc Chúa biết hết mọi sự và Ngài có cách giải quyết.

Khi Cô-rê cùng 250 người và A-rôn mỗi người dâng lư hương trước mặt Chúa, đứng ở cửa hội mạc, thì sự vinh quang của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện ra. Chúa phán với Môi-se và A-rôn hãy tách ra khỏi hội chúng, và Chúa sẽ tiêu diệt hội chúng trong chốc lát. Thế nhưng, họ đã sấp mặt xuống và cầu xin Chúa tha thứ, xin đừng vì tội của một người mà giết hết cả hội chúng.

Chúa nhậm lời, và phán bảo Môi-se hãy đi nói với hội chúng dang xa khỏi Cô-rê, Đa-than, A-bi-ram, chớ đụng đến bất cứ vật gì thuộc về họ, kẻo sẽ chết vì tội lỗi họ. Dân sự nghe lời, dang xa khỏi tứ phía chỗ ở của Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram. Môi-se cho biết, Chúa sẽ làm một sự thật mới, đó là đất nứt ra, hết thảy kẻ phản nghịch và mọi thứ thuộc về chúng đang sống sẽ phải xuống âm phủ. Như vậy để ấn chứng rằng mọi việc Môi-se làm là do Chúa sai bảo ông làm, và họ đã khinh bỉ Chúa nên nhận lãnh án phạt.

Môi-se vừa dứt lời thì lập tức sự việc xảy ra y như vậy. Dân sự sợ hãi, la lối, chạy trốn. Rồi một ngọn lửa từ Đấng Tự Hữu Hằng Hữa lòe ra thiêu hóa 250 người đã dâng hương.

Một lần nữa chúng ta nhìn thấy hậu quả khôn lường của những người chống nghịch lại Chúa và tôi tớ của Chúa. Cô-rê là người lôi kéo, Đa-than và A-bi-ram là những người công khai nói lời xúc phạm Chúa bị hình phạt nặng nề hơn hết. Không chỉ họ mà hết thảy vợ con, cùng mọi sản vật của họ đều bị đất nuốt mất. Còn 250 người bị lôi kéo thì bị thiêu hóa bởi lửa của Chúa. Thật như Lời Chúa chép: “Sa vào tay Thiên Chúa Hằng Sống là sự đáng kinh khiếp thay!” (Hê-bơ-rơ 10:31).

Chúa phán với Môi-se dặn Ê-lê-a-sa con trai A-rôn lấy các lư hương của những người đã phạm tội để làm thành những tấm mỏng bọc bàn thờ. Những tấm dát đó để làm dấu cho dân I-sơ-ra-ên ghi nhớ về sự việc phản loạn và hậu quả của nó. Để họ biết rằng người không phải thuộc dòng A-rôn thì không được phép đến xông hương trước mặt Chúa, nếu không họ sẽ nhận lãnh hậu quả tương tự.

Thế nhưng, ngay ngày hôm sau thì cả hội dân lại than trách Môi-se và A-rôn rằng tại họ đã làm chết dân của Chúa. Có thể những người thân của 250 người bị thiêu hóa đã phẫn nộ, làm kích động sự sợ hãi của dân sự. Thế rồi họ lại hiệp lại để nghịch lại Môi-se và A-rôn. Họ không hề nhận biết những người bị chết là do tội lỗi của họ làm ra và bị hình phạt. Nhưng họ đã nghiễm nhiên cho rằng tại Môi-se và A-rôn nên dân sự bị chết. Như vậy, họ đã bênh vực kẻ phạm tội. Họ cũng quên rằng, ngày hôm trước chính Môi-se đã bảo họ phân cách ra khỏi những kẻ phản nghịch, nếu không thì họ cũng đã vào âm phủ khi đang còn sống như những kẻ phản nghịch rồi.

Những lời than trách ấy đã thấu đến tai của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, sự vinh quang của Ngài hiện ra. Chúa lại phán với Môi-se và A-rôn hãy dang ra khỏi hội chúng, Chúa sẽ lập tức tiêu diệt dân sự. Nhưng hai người lại sấp mặt xuống trước Chúa, Môi-se nhận thấy tai vạ đã khởi phát giữa dân sự nên nói A-rôn hãy làm lễ chuộc tội. A-rôn cầm lư hương chạy tới giữa hội chúng, đứng giữa kẻ chết và kẻ sống thì tai vạ liền ngưng lại. Có 14.700 người chết vì tai vạ này.

Con số người chết sau sự việc lần này không phải là ít, 14.700 người chết vì tai vạ, 250 người dâng hương chết vì bị thiêu hóa, chưa kể số người thuộc nhà Cô-rê, Đa-than, và A-bi-ram. Thế nhưng, qua sự sửa phạt của Chúa thì chúng ta lại nhìn thấy sự nhân từ, chậm giận của Chúa khi mà hai lần Chúa đã định diệt hết dân I-sơ-ra-ên, nhưng rồi Ngài lại đổi ý và nhận lời cầu thay của Môi-se chỉ sửa phạt những người bày tỏ ra sự phạm tội của mình. Chúng ta cũng nhìn thấy được sự yêu thương của Chúa khi Ngài chấm dứt sự phạm tội của họ, để họ không phạm tội thêm mà phải gánh lấy hình phạt nặng nề thêm. Chúng ta cũng nhìn thấy được sự thánh khiết của Chúa khi Ngài không chấp nhận tội lỗi.

Qua bài học ngày hôm nay, chúng ta rút ra được cho mình bài học gì để áp dụng vào trong đời sống của mình? Đây là câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta cần phải tự đặt ra để suy ngẫm trả lời sau khi học Lời Chúa.

Bài học về những kẻ phản loạn:

Thứ nhất, đó là bất cứ ai dầu ở trong chức vụ, địa vị nào cũng vẫn có thể vì ham muốn bất chính của xác thịt nổi lên mà phạm tội. Vì vậy, Lời Chúa dạy rằng: “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy coi chừng, kẻo ngã!” (I Cô-rinh-tô 10:12). 

Thứ hai, luôn phải tra xét mọi lời đề nghị dưới Lời Chúa xem có đúng không, có ích lợi và gây dựng không rồi mới làm. Nếu không thì không tham dự, mà phải tránh xa những người như vậy. Lời Chúa dạy rằng: “Các anh chị em chớ bị mắc lừa! Những sự kết giao xấu làm hư những tính tốt.” (I Cô-rinh-tô 15:33).

Thứ ba, mỗi hành động và lời nói của mình đều bị phán xét bởi Chúa. Tội dấy nghịch, phản loạn những người Chúa đặt để trong sự chăn dắt thuộc linh, là rất nghiêm trọng. Bởi vì sự chống nghịch và phản loạn các quyền mà Chúa đặt để trên mình là xem như chống nghịch lại Chúa. Những lời nói không gây dựng như lời nói xấu, lời nói gây chia rẽ, không gây dựng nhưng lại khiến cho người khác bực bội, không muốn vâng phục người chăn và các trưởng lão,… Đó chính là những sự phản nghịch lại các bậc cầm quyền mà Chúa đặt để trên mình.

Không những vậy, sự chống nghịch lại bất cứ quyền nào trên mình, các nhà cầm quyền của quốc gia, cũng chính là chống nghịch Chúa. 

Lời Chúa dạy rằng: “Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực, tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài.” (Cô-lô-se 1:16).

Qua tin tức thời sự, chúng ta nghe biết về những người chống nghịch lại chính quyền, thậm chí giết hại những bậc cầm quyền. Điều đó là hoàn toàn sai nghịch, vì Lời Chúa dạy rằng “Vậy, ta khuyên rằng, trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật.” (I Ti-mô-thê 2:2).

Bài học về người lãnh đạo trong Chúa

Thứ nhất, khi đối diện với sự phản loạn của dân sự thì trước hết cảm tạ Chúa, dâng trình sự việc lên Chúa, không hành xử và giải quyết theo cảm xúc xác thịt nổi lên. Khi đang giận thì không làm gì hết ngoài việc đến thưa trình với Chúa.

Thứ hai, dầu những người dưới quyền mình có làm ra việc đáng giận đến đâu thì cũng phải bình tĩnh để giải quyết vấn đề theo Lời Chúa dạy. Họ làm sai là một chuyện, còn cách mình ứng xử với họ khi họ làm sai lại là một chuyện khác. Không thể vì người này làm sai mà tự cho mình quyền đối xử tệ bạc với họ, dầu họ có xúc phạm và làm tổn hại đến mình. Lời Chúa dạy rằng: “Hỡi những người yêu dấu! Chớ tự mình trả thù nhưng hãy nhường chỗ cho sự giận của Đức Chúa Trời; vì có chép rằng, Chúa phán: Sự trả thù thuộc về Ta! Ta sẽ báo trả!” (Rô-ma 12:19).

Thứ ba, cần có lòng tha thứ, thương xót người phạm tội và luôn dâng lời cầu thay với Chúa cho họ có cơ hội được ăn năn. 

Cảm tạ ơn Chúa về Lời Chúa dạy dỗ chúng ta! Nguyện kính xin Chúa ban cho chúng ta một tấm lòng kính sợ Chúa, vâng phục các bậc cầm quyền Chúa đặt để trên mình. Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và khiến cho chúng ta nên thánh trọn vẹn không chỗ trách được. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận