Chức Phận và Lợi Ích của Thầy Tế Lễ và Người Lê-vi
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý
1. Công việc của các thầy tế lễ là gì? Nêu lên nhận xét.
2. Lợi ích của các thầy tế lễ là gì? Nêu lên cảm nhận.
3. Công việc của người Lê-vi là gì? Nêu lên nhận xét.
4. Lợi ích của người Lê-vi là gì? Chúa có căn dặn gì thêm cho người Lê-vi? Nêu lên cảm nhận.
Gợi Ý Áp Dụng
1. Em có nhận biết Chúa giao cho em công việc gì về thuộc linh và thuộc thể? Em thấy các công việc đó quá nặng nề quá sức với em không?
2. Em có biết Chúa ban thưởng cho em những gì khi em làm tốt các việc thuộc linh và thuộc thể mà Chúa giao phó không?
3. Hãy nêu lên cảm nhận và bài học em rút ra.
Chia Sẻ
Các bạn thiếu niên thân mến,
Trong Dân Số Ký chương 17, chúng ta học biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tỏ ra cho toàn dân I-sơ-ra-ên nhìn biết A-rôn là người Chúa chọn vào trong chức vụ thầy tế lễ lo việc thờ phượng Chúa qua sự kiện cây gậy của A-rôn trổ hoa. Sau sự ấn chứng bày tỏ đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán dặn về chức phận và lợi ích của thầy tế lễ và người Lê-vi. Đó chính là nội dung của Dân Số Ký chương 18 mà chúng ta học ngày hôm nay. Chúng ta có câu gốc:
“Kế đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với A-rôn rằng: Ngươi sẽ không có cơ nghiệp trong xứ dân I-sơ-ra-ên; và sẽ chẳng có phần cho ngươi giữa dân đó; Ta là phần của ngươi, và là cơ nghiệp của ngươi ở giữa dân I-sơ-ra-ên.” (Dân Số Ký 18:20).
Trước tiên chúng ta học về chức phận và lợi ích của thầy tế lễ.
Chức phận nghĩa là bổn phận phải làm tròn theo chức vụ của mình. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Lời Chúa phán dặn như thế nào về các bổn phận mà thầy tế lễ phải làm tròn trong chức tế lễ của mình.
- A-rôn, các con trai ông và chi phái Lê-vi sẽ phải chịu trách nhiệm về sự phạm tội xảy ra trong Nơi Thánh. A-rôn cùng con trai ông là những thầy tế lễ đương nhiệm sẽ cùng nhau chịu trách nhiệm về sự phạm tội xảy ra khi thi hành chức vụ thầy tế lễ.
- Các thầy tế lễ có quyền phân việc cho những người trong chi phái Lê-vi để làm các công việc của Đền Tạm. Nếu để xảy ra sự sai phạm thì người phạm và cả các thầy tế lễ chịu trách nhiệm phân công cũng bị chết. Ngoài chi phái Lê-vi không một ai được làm công việc của Đền Tạm.
- Các thầy tế lễ phải coi sóc những vật thuộc về Nơi Thánh và bàn thờ để không có sự thịnh nộ cùng dân I-sơ-ra-ên.
- A-rôn và các con trai mình phải kỹ lưỡng lo tốt bổn phận chức tế lễ, quản trị các điều thuộc về bàn thờ, những vật phía trong màn là Nơi Rất Thánh. Chúa là Đấng phong chức tế lễ ban cho A-rôn và các con trai ông, người dấy nghịch lại chức vụ đó sẽ bị xử tử.
Chúng ta nhận thấy công việc của những thầy tế lễ luôn phải làm trong sự cẩn trọng, từng chi tiết đều phải theo sự chỉ định của Chúa. Vì hậu quả của mỗi việc không cẩn thận làm theo điều Chúa chỉ định thì sẽ bị tội chết. Bởi Chúa không chấp nhận mọi sự thờ phượng Chúa theo ý riêng. Chúa không cho phép bất cứ ai không thuộc chi phái Lê-vi được đụng sờ chạm hay làm công việc của Đền Tạm. Chúa cũng không yêu cầu chi phái Lê-vi làm bất cứ điều gì ngoài việc tập trung coi sóc công việc của Đền Tạm. Các thầy tế lễ cũng vậy, họ chỉ chuyên tâm tập trung lo cho Đền Tạm và các công việc thờ phượng Chúa. Vậy chúng ta đặt ra câu hỏi, các thầy tế lễ sẽ làm gì để có vật thực đủ dùng mỗi ngày?
Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với A-rôn về những lợi ích của thầy tế lễ:
- Chúa giao cho A-rôn coi sóc các lễ vật mà dân I-sơ-ra-ên dâng, và Chúa ban những lễ vật đó cho A-rôn cùng các con trai của ông. Đó là một lệ định đời đời.
- Hết thảy lễ vật rất thánh không thiêu hóa mà dân I-sơ-ra-ên dâng cho Chúa: của lễ chay, của lễ chuộc tội, của lễ chuộc sự mắc lỗi đều thuộc về A-rôn và các con trai ông.
- Bất cứ lễ vật nào dân I-sơ-ra-ên dâng giơ lên và đưa qua đưa lại thì Chúa ban cho A-rôn, các con trai, các con gái ông. Miễn là họ đều tinh sạch thì sẽ được ăn.
- Những vật đầu mùa: dầu, rượu ngọt, lúa miến hạng nhất mà dân I-sơ-ra-ên dâng cho Chúa, Chúa đều ban cho A-rôn.
- Mọi hoa quả đầu mùa mà dân I-sơ-ra-ên dâng cho Chúa, Chúa đều ban cho A-rôn. Những người trong nhà ông miễn là tinh sạch thì sẽ đều được ăn.
- Bất cứ vật gì dân I-sơ-ra-ên dâng hiến cho Chúa đều thuộc về A-rôn. Mọi con đầu lòng của người hoặc vật. Tuy nhiên có quy định về việc chuộc con đầu lòng.
Những lệ định này là đời đời, là một giao ước bằng muối đời đời. Theo sự giải thích của người chăn thì muối có đặc tính sát trùng, bảo quản, tăng thêm hương vị cho thức ăn nên tiêu biểu cho sự bền bỉ, trường tồn, không bị hủy hoại. Vì thế, Thiên Chúa đã dùng muối để nói lên sự tinh tuyền và không thay đổi của giao ước giữa Ngài với loài người.
Như vậy chúng ta nhận thấy, Chúa thật là Đấng chăm lo chu toàn trên đời sống của con dân Ngài, những ai hầu việc Chúa thì Ngài chăm sóc họ thật là kỹ lưỡng. Đúng là công việc của các thầy tế lễ đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ và chịu trách nhiệm rất lớn. Nhưng Chúa như một Ông Chủ hào phóng đối đãi với người làm công hết mực hậu hĩnh. Mọi vật thực tốt nhất mà dân I-sơ-ra-ên dâng cho Chúa, Chúa đều ban cho các thầy tế lễ.
Kế đó Chúa phán với A-rôn “Ngươi sẽ không có cơ nghiệp trong xứ dân I-sơ-ra-ên; và sẽ chẳng có phần cho ngươi giữa dân đó; Ta là phần của ngươi, và là cơ nghiệp của ngươi ở giữa dân I-sơ-ra-ên.” Khi đọc lời phán này của Chúa, cô đã rất cảm động và thấy thật vui lòng. Dầu Chúa nói các thầy tế lễ sẽ không có cơ nghiệp gì trên đất, cũng chẳng được chia phần đất gì với dân I-sơ-ra-ên. Thế nhưng Ngài lại phán “Ta là phần của người, và là cơ nghiệp của ngươi”. Chỉ điều đó thôi đã thấy thật thỏa lòng. Còn gì cao quý hơn khi chính Chúa, Đấng Toàn Năng là phần của mình, là cơ nghiệp của mình. Mọi những thứ ở trên đất, điều chi sánh bằng Chúa?
Tác giả Thi Thiên từng nói:
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi. Ngài giữ gìn phần đã định cho tôi. Tôi được phần cơ nghiệp ở trong nơi tốt lành; phải, tôi có được cơ nghiệp đẹp đẽ.” (Thi Thiên 16:5-6).
Chúng ta học tiếp về chức phận và lợi ích của người Lê-vi. Người Lê-vi phụ trách làm các công việc của Đền Tạm theo sự chỉ định của các thầy tế lễ, như chúng ta đã học trong Dân Số Ký chương 4. Nếu họ làm sai quy định thì phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, họ sẽ mắc tội chết nếu như lỡ xem hoặc sờ chạm đến các vật dụng trong Đền Tạm khi chưa được che phủ. Họ cũng phải cùng chịu trách nhiệm với các thầy tế lễ khi có sự phạm tội xảy ra trong Nơi Thánh.
Người Lê-vi cũng không có phần cơ nghiệp gì giữa dân I-sơ-ra-ên. Chúa ban cho họ mọi thuế một phần mười của dân I-sơ-ra-ên làm lương về công việc của Đền Tạm. Khi họ nhận được thuế một phần mười mà Chúa ban cho thì cũng dâng một phần mười là phần tốt nhất biệt ra thánh để làm của lễ dâng giơ lên cho Ngài.
Chúng ta nhận thấy công việc mà người Lê-vi đảm nhiệm cũng rất quan trọng và phải đúng theo như Lời Chúa dặn, nếu không sẽ bị mang tội chết. Họ chuyên lo việc tháo dỡ, di chuyển Đền Tạm trong suốt 40 năm dân I-sơ-ra-ên trải qua các đồng vắng để tiến về vùng đất hứa. Vì vậy, họ không có thời gian để làm các công việc khác như chăm lo súc vật để có nhu cầu cho cuộc sống. Chúa đã sắm sẵn mọi sự cho họ, qua việc ban cho họ mọi thuế một phần mười mà dân I-sơ-ra-ên nộp. Thuế đó chu cấp cho người Lê-vi đủ mọi vật thực cần dùng để họ chuyên tâm lo hoàn thành công việc chăm lo cho Đền Tạm cách chu đáo.
Trong thời kỳ Tân Ước hiện nay, Hội Thánh không còn xây dựng Đền Thờ bằng vật chất như thời Cựu Ước nữa, vì hiện nay thân thể của mỗi con dân Chúa chính là Đền Thờ của Chúa. Chính vì vậy, luật lệ dâng hiến 1/10 cũng không còn được áp dụng cho Hội Thánh, bởi không còn các thầy tế lễ và những người chuyên phục vụ cho Đền Thờ.
Ngày nay, trong Hội Thánh, Chúa kêu gọi một số người vào trong chức vụ người chăn bầy để giảng dạy Lời Chúa, một số người vào trong chức vụ trưởng lão để cai trị Hội Thánh. Lời Chúa dạy con dân Chúa trong thời kỳ Tân Ước là:
“Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì xứng đáng với sự tôn kính gấp đôi, nhất là những người lao nhọc trong sự giảng dạy Lời và giáo lý. Vì Thánh Kinh nói: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Người làm công thì đáng được tiền công của mình.” (I Ti-mô-thê 5:17-18).
“Người nào được dạy trong Lời, thì người ấy hãy chia hết thảy trong của cải mình cho người dạy.” (Ga-la-ti 6:6).
Điều đó có nghĩa là con dân Chúa có bổn phận chia xẻ của cải vật chất của mình cho những người dạy Lời Chúa cho mình. Những người chăn chân thật của Chúa xứng đáng nhận được sự tiếp trợ về nhu cầu thuộc thể từ con dân Chúa. Bởi vì họ đã dành thời gian để chuyên tâm lo cho công việc rao giảng Lời Chúa mà không đi làm kiếm sống.
Vậy chúng ta đặt ra câu hỏi, hiện giờ các bạn đang trong độ tuổi thiếu niên thì sẽ áp dụng bài học này như thế nào?
Các bạn thiếu niên còn đang ở độ tuổi đi học, chưa có công việc làm thì sẽ không có thu nhập để dự phần trong việc dâng hiến. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dâng lời cầu thay cho người chăn, người giảng dạy Lời Chúa cho mình, xin Chúa chu cấp mọi vật thực cần dùng và ban ơn cho họ trong sự hầu việc Chúa. Cô cũng thấy khi các con được ban cho phần thưởng qua các đợt thi hè và tết trong phòng nhóm thì đều sốt sắng trong việc dâng hiến lên Chúa. Điều đó rất đáng khen và đem lại sự gây dựng, khích lệ cho Hội Thánh.
Đồng thời chính sự vâng lời, sự sốt sắng gây dựng Hội Thánh, sự kết quả, nếp sống theo đúng Lời Chúa dạy của các bạn thiếu niên chính là an ủi, là niềm vui cho những người rao giảng Lời Chúa. Như những đứa con ngoan trong nhà tuy còn nhỏ chưa có thể làm được điều gì để đỡ đần cho ba mẹ trong kinh tế gia đình, nhưng lại biết vâng lời, làm tròn bổn phận của một người con trong gia đình. Chúa đặt để các bạn còn trong độ tuổi thiếu niên, để các bạn biết dùng những lời ca, tiếng hát, chia sẻ sự suy ngẫm Lời Chúa, nếp sống đẹp lòng Chúa,…. như những của lễ kính dâng lên Chúa, cô nghĩ rằng điều đó cũng chính là sự dâng hiến khiến cho Chúa đẹp lòng, khiến những người rao giảng Lời Chúa cho các em được an tâm, vui lòng, được khích lệ trong linh vụ của họ.
Chúng ta cũng cần ý thức điều này, sự dâng hiến lên Chúa cũng chính là sự hầu việc Chúa, mọi việc lành theo ý Chúa mà chúng ta làm ra trong cuộc đời này cũng đều là hầu việc Chúa. Chúng ta mỗi người cũng chính là những thầy tế lễ của Chúa. Vì vậy, nếu chúng ta hầu việc Chúa theo ý Chúa thì sẽ được phần thưởng, còn nếu chúng ta hầu việc Chúa theo ý riêng thì sẽ bị hình phạt.
Thánh Kinh ghi lại nhiều trường hợp những người hầu việc Chúa theo ý riêng bị hình phạt như: hai thầy tế lễ con trai A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu dâng lửa lạ lên Chúa và bị thiêu hóa (Lê-vi Ký 10); Sau-lơ không diệt hết mọi vật của dân A-ma-léc như Chúa dặn, giữ lại vật tốt có giá trị và muốn dâng lên Chúa theo ý riêng và Chúa không cho ông làm vua nữa (Sa-mu-ên 15); Vua Ô-xia kiêu ngạo vào trong Đền Thờ muốn xông hương trên đó và bị giáng bệnh phong hủi cho đến khi chết (II Sử Ký 16:16-21).
Thánh Kinh cũng cho biết những người hầu việc Chúa theo ý Chúa thì sẽ được Chúa làm cơ nghiệp, được Chúa ban cho phần thưởng.
“Hãy biết rằng, các anh chị em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng, vì các anh chị em phụng sự Chúa, là Đấng Christ.” (Cô-lô-se 3:24).
“Này, Ta đến mau chóng và đem theo tiền công của Ta với Ta, để trao cho mỗi người tùy theo kết quả việc làm của người ấy sẽ là.” (Khải Huyền 22:12).
Chúng ta cũng cần cầu xin Chúa dạy dỗ và dẫn dắt để mọi việc làm của mình là hầu việc Chúa theo ý Chúa. Như tác giả Thi Thiên từng nói:
“Hỡi Thiên Chúa của tôi! Tôi vui mừng làm theo ý muốn của Ngài. Luật pháp của Ngài {ở} giữa lòng của tôi.” (Thi Thiên 40:8).
“Xin dạy tôi làm theo ý muốn của Ngài. Vì Ngài là Thiên Chúa của tôi. Xin thần trí tốt lành của Ngài dẫn tôi vào đất công chính.” (Thi Thiên 143:10).
Nguyện kính xin Chúa ban cho các bạn thiếu niên được tấm lòng yêu kính Chúa và hết lòng muốn làm theo thánh ý của Ngài. Nguyện Chúa ban thưởng cho các bạn thiếu niên trong sự hầu việc Ngài. A-men!
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy