Dân Số Ký 23 Ba-la-am Chúc Phước Dân I-sơ-ra-ên Hai Lần

231 lượt xem

Ba-la-am Chúc Phước Dân I-sơ-ra-ên Hai Lần

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Tại sao Ba-lác muốn Ba-la-am rủa sả dân I-sơ-ra-ên nhưng Ba-lác lại chúc phước cho dân I-sơ-ra-ên?
2. Trong lần thứ nhất, Ba-la-am đã chúc phước cho dân I-sơ-ra-ên những gì? Ba-lác phản ứng thế nào?
3. Tại sao lần thứ hai Ba-la-am vẫn chúc phước cho dân I-sơ-ra-ên mà không rủa sả theo yêu cầu của Ba-lác?
4. Trong lần thứ hai, Ba-la-am đã chúc phước cho dân I-sơ-ra-ên những gì? Ba-lác phản ứng thế nào?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Lời Chúa dạy chúng ta cần có thái độ như thế nào với dân I-sơ-ra-ên?
2. Chúng ta có phải dân I-sơ-ra-ên thuộc linh không? Chúng ta có được Chúa bảo vệ và ban phước như dân I-sơ-ra-ên không?
3. Qua bài học này em có thấy được sự quan phòng của Chúa trên những người thuộc về Ngài không? Cảm nhận của em như thế nào?

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Trong Dân Số Ký 22, chúng ta đã học về sự việc vua Mô-áp là Ba-lác muốn mời Ba-la-am là thầy bói để rủa sả dân I-sơ-ra-ên, hầu cho Ba-lác có thể đánh bại dân I-sơ-ra-ên. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu không cho phép Ba-la-am nhận lời đi rủa sả dân I-sơ-ra-ên, nhưng khi được mời lần hai, thì Ba-la-am đã theo ý riêng mà nhận lời với Ba-lác. Chính Chúa đã cản trở Ba-la-am và mở miệng con lừa nói chuyện với Ba-la-am, rồi mở mắt cho Ba-la-am nhìn thấy Chúa. Ba-la-am sợ vì biết mình trái lệnh Chúa và xin trở về. Nhưng Chúa cho phép Ba-la-am đi tiếp, và chỉ được nói những điều Chúa phán dặn.

Thế rồi, khi Ba-la-am gặp Ba-lác thì ông đã yêu cầu cất tại Ba-mốt-ba-anh, là nơi từ đó thấy đầu cùng trại quân của dân I-sơ-ra-ên, bảy bàn thờ, bảy con bò đực và bảy con chiên đực. Ba-la-am đi lên một nơi cao trống trải để cầu khẩn Chúa, Chúa hiện ra cùng Ba-la-am. Ba-la-am thưa về việc mình đã lập bảy bàn thờ và dâng các của lễ lên Chúa. Rồi:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu để lời trong miệng Ba-la-am và phán rằng: Hãy trở về cùng Ba-lác và nói như vậy.” (Dân Số Ký 23:5).

Ba-la-am trở về cùng Ba-lác và nói những lời chúc phước mà Thiên Chúa đặt để trong miệng mình với dân I-sơ-ra-ên. Ba-la-am nói rằng, Thiên Chúa không rủa sả, không mắng giận dân I-sơ-ra-ên. Chúa đã biệt riêng dân I-sơ-ra-ên ra và ban phước cho dân đó đông như cát bụi.

Ba-lác không hài lòng với việc Ba-la-am đã không theo lời mình rủa sả, mà lại đi chúc phước cho dân I-sơ-ra-ên. Ba-la-am cho biết mình phải cẩn thận nói điều Chúa đặt vào miệng ông. Có thể thấy Ba-la-am đã kinh sợ trước sự hiện diện của Chúa trong lần trước khi Chúa cản không cho ông đi cùng các sứ thần của Ba-lác, và giờ Ba-la-am không dám trái lệnh Chúa.

Thế nhưng Ba-lác vẫn chưa chịu bỏ cuộc, lại tiếp tục dẫn Ba-la-am đi đến đồng Xô-phim, trên đỉnh Núi Phích-ga để lập bàn thờ và rủa sả dân I-sơ-ra-ên. Cũng như lần trước, “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện ra cùng Ba-la-am, mà rằng: Hãy trở về cùng Ba-lác và nói như vậy.” Ba-la-am trở về và nói: Chúa đã ban phước cho dân I-sơ-ra-ên, Lời Ngài đã phán Ngài sẽ làm cho ứng nghiệm. Chúa không kể đến tội lỗi của dân I-sơ-ra-ên, Chúa ở cùng với họ, ban sức mạnh cho họ, họ mạnh như bò rừng, hưng lên như sư tử cái, vùng lên như sư tử đực. Dân I-sơ-ra-ên sẽ đánh bại và tiêu diệt những kẻ thù nghịch.

Bấy giờ Ba-lác xin Ba-la-am nếu không rủa sả dân I-sơ-ra-ên thì cũng đừng chúc phước cho họ nữa. Vì Ba-lác sợ rằng họ sẽ được phước như vậy và ảnh hưởng tới sự an nguy của mình.

Qua sự việc này chúng ta thấy rằng, Ba-lác vẫn không chịu bỏ cuộc trong việc muốn làm hại dân sự của Chúa. Ba-lác vẫn muốn dân I-sơ-ra-ên bị rủa sả và mình sẽ đánh bại được. Thế nhưng Chúa không cho phép sự việc đó có thể xảy ra. 

“Như chim sẻ bay đi đây đó, như con én liệng đi, lời rủa sả vô cớ cũng vậy, nó chẳng hề xảy đến.” (Châm Ngôn 26:2).

Nếu không phải vì dân I-sơ-ra-ên phạm tội với Chúa và bị giáng hình phạt, hay không phải bởi Chúa cho phép nghịch cảnh xảy đến để thử thách và rèn tập; thì Chúa không cho phép ý định nào của ma quỷ hay loài người xảy ra mà không được sự cho phép của Chúa. Bởi vì những điều Chúa cho phép xảy ra, dầu là khó khăn, hoạn nạn, là nghịch cảnh nhưng đều vì muốn mang lại ích lợi cho con dân Chúa. Vì vậy, dẫu biết ma quỷ có nhiều mưu kế, sẽ có những sự bách hại từ phía ma quỷ và thế gian, nhưng chúng ta không cần phải hoảng sợ trước chúng. Chúa sẽ bảo vệ con dân Chúa trước mưu kế hãm hại của kẻ thù nghịch, như Chúa bảo vệ dân I-sơ-ra-ên trước mưu kế của Ba-lác. 

“Sự từ ái Chúa, mà Chúa đã dành cho người kính sợ Chúa, và thi hành trước mặt con cái loài người cho những kẻ nương náu mình nơi Chúa, thật lớn lao thay! Chúa giấu họ tại nơi ẩn bí ở trước mặt Chúa, cách xa mưu kế của loài người; Chúa che khuất họ trong một cái lều cách xa sự tranh giành của lưỡi.” (Thi Thiên 31:19-20).

Chúng ta cũng nhìn thấy sự thành tín của Chúa, khi Ngài đã hứa với Áp-ra-ham ban phước cho dòng dõi ông đông như sao trên trời, như cát bờ biển, Ngài hứa ban phước cho dòng dõi ông; thì hành động và việc làm của Chúa đều đúng như Lời Ngài đã phán ra.

“Vì lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là ngay thẳng, các việc Ngài đều làm cách thành tín.” (Thi Thiên 33:4).

Cho dầu sự vô tín, bội nghịch của dân I-sơ-ra-ên tỏ ra đối nghịch với Ngài. Nhưng không vì những người vô tín đó mà Chúa diệt hết cả dân sự, không vì sự vô tín ấy mà Chúa phó cả dân sự cho mưu kế của Ba-lác. Thật “Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, sự từ ái Ngài ở trên các tầng trời; sự thành tín Ngài đến tận các đám mây” (Thi Thiên 36:5).

Trong thời Tân Ước, mỗi người thật lòng tin nhận Chúa đều có quyền công dân I-sơ-ra-ên. Thiên Chúa đã dẫn dắt, bảo vệ, gìn giữ dân I-sơ-ra-ên trong suốt hành trình từ Ê-díp-tô về miền đất hứa Ca-na-an như thể nào, thì Ngài cũng gìn giữ Hội Thánh từ khi được thành lập đến ngày Đức Chúa Jesus Christ quay trở lại đón Hội Thánh như thể ấy. Chương trình, ý định, lời hứa của Chúa là ban phước và bảo vệ dân I-sơ-ra-ên; thì dầu ma quỷ và loài người cùng hiệp lại cũng không thể xoay chuyển được. Cũng vậy, dẫu rằng, ma quỷ rình mò chung quanh như sư tử rống, con dân Chúa lại bị thế gian ghen ghét. Trong suốt thời gian còn ở trên đất, con dân Chúa vẫn luôn phải trải qua sự bách hại, bắt bớ, thù nghịch. Nhưng Lời Chúa hứa rằng:

“…và trên vầng đá này Ta sẽ lập Hội Thánh của Ta. Các cửa của âm phủ sẽ chẳng thắng được nó.” (Ma-thi-ơ 16:18).

Đức Chúa Trời vẫn hằng gìn giữ, bảo vệ mỗi con dân Ngài, như lời Đức Chúa Jesus từng cầu xin.

“Và Con không ở trong thế gian nữa nhưng họ ở trong thế gian, và Con về với Ngài. Lạy Cha Thánh! Xin giữ gìn họ trong danh của Ngài mà Ngài đã ban cho Con, để họ là một như Chúng Ta.” (Giăng 17:11).

“Con chẳng cầu Ngài cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Ngài giữ gìn họ cho khỏi Kẻ Dữ.” (Giăng 17:15).

Bất kỳ ở độ tuổi nào cũng đều đối diện với những sự thử thách, sự bách hại, khó khăn, hay nghịch cảnh khác nhau, các bạn còn trong độ tuổi thiếu niên cũng vậy. Nhưng chúng ta biết chắc rằng Thiên Chúa là Đấng biết những sự thử thách, khó khăn và nghịch cảnh xảy đến trên đời sống của mỗi chúng ta. Chúa là Vầng Đá, là nơi nương náu của chúng ta.

“Ngài sẽ che chở ngươi với lông Ngài, và dưới cánh Ngài, ngươi sẽ nương náu. Lẽ thật của Ngài là cái khiên và sự bảo vệ của ngươi.” (Thi Thiên 91:4).

“Nhưng bất cứ ai nương náu mình nơi Ngài sẽ khoái lạc, cất tiếng reo mừng đời đời, vì Ngài bảo hộ các người ấy; người nào ái mộ danh Ngài cũng sẽ nức lòng mừng rỡ nơi Ngài.” (Thi Thiên 5:11).

Nguyện kính xin Chúa ban cho chúng ta thêm lên đức tin, sự trông cậy nơi Ngài. Nguyện mỗi chúng ta đời đời được nương náu dưới bóng cánh toàn năng của Thiên Chúa!

 

Để lại một bình luận