Dân Số Ký 29 Luật về Của Lễ Dâng Trong Các Kỳ Lễ Tháng Thứ Bảy

126 lượt xem

Luật về Của Lễ Dâng Trong Các Kỳ Lễ Tháng Thứ Bảy

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Em hãy cho biết Lễ Thổi Kèn, Lễ Chuộc Tội, Lễ Lều Trại làm hình bóng cho sự gì? (Đọc thêm Lê-vi Ký 23:23-41 và Tham Khảo: https://timhieuthanhkinh.com/thieunien/2022/02/07/cau-goc-moi-tuan-13-02-2022/)

2. Hiện nay con dân Chúa trong thời Tân Ước có phải vâng giữ các ngày Lễ Thổi Kèn, Lễ Chuộc Tội và Lễ Lều Trại nữa không? Vì sao?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Em cần phải làm gì để sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus? (Bài học từ ý nghĩa việc dâng của lễ trong ngày Lễ Thổi Kèn).
2. Em cần làm gì để bày tỏ đức tin của mình vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus? (Bài học từ ý nghĩa việc dâng của lễ trong ngày Lễ Chuộc Tội).
3. Các em sẽ làm gì trong những ngày ở trong thân thể xác thịt của mình để học theo gương của Đức Chúa Jesus? (Bài học từ ý nghĩa việc dâng của lễ trong ngày Lễ Lều Trại).

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Trong Dân Số Ký 28, chúng ta học Luật về Của Lễ Dâng Theo Kỳ Định. Hôm nay chúng ta học Dân Số Ký 29, Luật về Của Lễ Dâng Trong Các Kỳ Lễ Tháng Thứ Bảy. Tất cả mọi luật về của lễ dâng trong các kỳ định đều do Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se, và:

“Môi-se nói với dân I-sơ-ra-ên mọi điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán dặn người.” (Dân Số Ký 29:40).

Bảng: Luật về Của Lễ Dâng Trong Các Kỳ Lễ Tháng Thứ Bảy

Các Kỳ Lễ
Tháng Thứ Bảy
Của Lễ Dâng Quy Định
Ngày mồng một tháng thứ bảy (Lễ Thổi Kèn) (1) Của lễ thiêu: 01 con bò đực, 7 chiên con đực một năm tuổi.

(2) Của lễ chay: 3/10 ê-pha bột lọc nhồi dầu về con bò đực, 2/10 ê-pha về con chiên đực, 1/10 ê-pha về mỗi chiên con.

(3) Dâng một con dê đực làm của lễ chuộc tội.

– Không làm công việc xác thịt nào.

– Lấy kèn thổi và nhóm hiệp.

– Dâng cùng của lễ thường dâng.

Ngày mồng mười tháng thứ bảy (Lễ Chuộc Tội)

 

(1) Của lễ thiêu: 01 con bò đực, 1 con chiên đực một năm tuổi.

(2) Của lễ chay: 3/10 ê-pha bột lọc nhồi dầu về con bò đực, 2/10 ê-pha về con chiên đực, 1/10 ê-pha về mỗi chiên con.

(3) Của lễ chuộc tội: 1 con dê đực.

– Phải có sự nhóm hiệp, kiêng ăn, không làm công việc xác thịt nào.

– Vẫn dâng của lễ thường dâng mỗi ngày.

Ngày mười lăm tháng thứ bảy (Lễ Lều Trại)

 

  • Ngày thứ nhất dâng:

(1) Của lễ thiêu: 13 con bò đực con, 2 con chiên đực, 14 con chiên đực một năm tuổi.

(2) Của lễ chay: 3/10 ê-pha bột lọc nhồi dầu về mỗi con bò đực, 2/10 ê-pha về mỗi con chiên đực, 1/10 ê-pha về mỗi con chiên con.

(3) Của lễ chuộc tội: 1 con dê đực.

  • Ngày thứ hai dâng:

(1) Của lễ thiêu: 12 con bò đực con, 2 con chiên đực, 14 chiên con đực một năm tuổi.

(2) Của lễ chay: giống như ngày thứ nhất.

(3) Của lễ chuộc tội: 1 con dê đực.

  • Ngày thứ ba dâng:

(1) Của lễ thiêu: 11 con bò đực con, 2 con chiên đực, 14 chiên con đực một năm tuổi.

(2) Của lễ chay: giống như ngày thứ nhất.

(3) Của lễ chuộc tội: 1 con dê đực.

  • Ngày thứ tư dâng:

(1) Của lễ thiêu: 10 con bò đực con, 2 con chiên đực, 14 chiên con đực một năm tuổi.

(2) Của lễ chay: giống như ngày thứ nhất.

(3) Của lễ chuộc tội: 1 con dê đực.

  • Ngày thứ năm dâng:

(1) Của lễ thiêu: 9 con bò đực con, 2 con chiên đực, 14 chiên con đực một năm tuổi.

(2) Của lễ chay: giống như ngày thứ nhất.

(3) Của lễ chuộc tội: 1 con dê đực.

  • Ngày thứ sáu dâng:

(1) Của lễ thiêu: 8 con bò đực con, 2 con chiên đực, 14 chiên con đực một năm tuổi.

(2) Của lễ chay: giống như ngày thứ nhất.

(3) Của lễ chuộc tội: 1 con dê đực.

  • Ngày thứ bảy dâng:

(1) Của lễ thiêu: 7 con bò đực con, 2 con chiên đực, 14 chiên con đực một năm tuổi.

(2) Của lễ chay: giống như ngày thứ nhất.

(3) Của lễ chuộc tội: 1 con dê đực.

  • Ngày thứ tám dâng:

(1) Của lễ thiêu: 1 con bò đực con, 1 con chiên đực, 7 chiên con đực một năm tuổi.

(2) Của lễ chay: giống như ngày thứ nhất.

(3) Của lễ chuộc tội: 1 con dê đực.

– Phải có sự nhóm hiệp và không làm công việc xác thịt nào.

– Giữ lễ trong bảy ngày.

– Vẫn dâng của lễ thường dâng.

– Ngày thứ tám có sự nhóm hiệp trọng thể, không làm công việc xác thịt nào.

Như vậy, chúng ta vừa tổng hợp lại để nắm được có 3 kỳ lễ trong tháng thứ bảy, và các của lễ dâng trong mỗi kỳ là gì, cùng những quy định dâng. Để hiểu và rút ra bài học lý do vì sao lại cần dâng các của lễ trong các kỳ lễ của tháng thứ bảy, thì cần hiểu các ngày lễ đó làm hình bóng cho sự gì.

Trước tiên, ngày mồng một tháng thứ bảy mà dân sự phải dâng của lễ, chính là Lễ Thổi Kèn. Lễ Thổi Kèn làm hình bóng cho sự nhóm hiệp của Hội Thánh giữa trốn không trung trong ngày Đấng Christ tái lâm cất Hội Thánh ra khỏi thế gian, và sự nhóm hiệp của con dân Chúa sau Kỳ Tận Thế, khi Đấng Christ tiêu diệt thế lực của AntiChrist.

Kế tiếp, ngày mồng mười tháng thứ bảy là Lễ Chuộc Tội làm hình bóng cho sự Đức Chúa Trời đã ban Con Một của Ngài làm của lễ chuộc tội cho toàn thế gian. Mọi tội lỗi của loài người đã bị phán xét trên Đức Chúa Jesus Christ. Những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus thì không còn bị phán xét tội lỗi.

Cuối cùng, ngày mười lăm tháng thứ bảy là Lễ Lều Trại làm hình bóng cho sự Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, đi lại trên đất, sống giữa loài người chúng ta. Bảy ngày diễn ra Lễ Lều Trại tượng trưng cho sự trọn vẹn. Đức Chúa Jesus đã làm trọn vẹn các công việc mà Đức Chúa Trời giao cho Ngài làm ở trên đất.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, các ngày lễ: Lễ Thổi Kèn, Lễ Chuộc Tội, Lễ Lều Trại đều làm hình bóng về Đấng Christ. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán dặn dân sự về việc kỷ niệm các ngày lễ, và việc dâng các của lễ là để dạy dỗ dân sự về Đấng Christ. Thật như Lời Chúa chép, bắt đầu từ Môi-se thì đã có những điều nói về Đấng Christ.

“Bắt đầu từ Môi-se và hết thảy các tiên tri, Ngài đã giảng giải cho họ những điều chỉ về Ngài trong cả Thánh Kinh.” (Lu-ca 24:27).

Cũng vì vậy, sau khi Đức Chúa Jesus dâng chính thân thể của mình làm của lễ chuộc tội cho loài người thì những người tin nhận Ngài không còn phải giữ các ngày lễ làm hình bóng về Ngài, và cũng không còn phải dâng các của lễ theo quy định trong các ngày lễ đó nữa. Bởi vì Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, hình thật đã đến, thân thể vô tội của Ngài được dâng lên làm của lễ cách trọn vẹn một lần đủ cả để chuộc tội cho toàn thế gian.

Như vậy, trong thời Tân Ước hiện nay, con dân Chúa dâng điều gì lên Chúa làm của lễ để bày tỏ tấm lòng biết ơn Đức Chúa Trời về tình yêu của Ngài khi Ngài đã không tiếc Con Một của Ngài mà ban cho chúng ta, cứu chuộc chúng ta ra khỏi vũng bùn tội lỗi, ô nhơ, ra khỏi sự hư mất đời đời trong hỏa ngục. Chúng ta dâng điều gì làm của lễ để bày tỏ tấm lòng tôn kính, trân quý, biết ơn sự hy sinh, cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ, khi Ngài chịu chết để đền tội cho chúng ta và để chúng ta được sự sống vĩnh cửu trong Ngài. Chúng ta không còn dâng của lễ thiêu, của lễ chay, của lễ thức uống lên Chúa như trong thời Cựu Ước. Vậy trong thời Tân Ước hiện nay, chúng ta dâng điều gì lên Chúa làm của lễ, các bạn thiếu niên dâng điều gì lên Chúa làm của lễ để bày tỏ tấm lòng tôn kính, trân quý, biết ơn Thiên Chúa của chúng ta?

Nếu chúng ta để ý thì thấy trong các kỳ lễ sẽ có những của lễ giống nhau và khác nhau, nhưng có một của lễ luôn luôn dâng trong tất cả các kỳ lễ, đó chính là của lễ thiêu thường dâng. Trong Dân Số Ký 28, chúng ta đã học biết, của lễ thiêu thường dâng biểu trưng cho ngày nay con dân Chúa dâng thân thể của mình lên Chúa làm của lễ sống và thánh. Như vậy, ngày nay trước khi chúng ta dâng bất cứ điều gì làm của lễ lên Thiên Chúa, thì điều đầu tiên và luôn luôn kèm theo đó chính là thân thể của mình dâng lên cho Chúa làm của lễ sống và thánh. Chỉ khi nào một người bằng lòng từ bỏ con người cũ xác thịt của mình mà trình dâng chính mình lên Chúa, thì người ấy sẽ trở thành công cụ của Chúa mà làm ra những điều đẹp lòng Ngài.

“Cũng chớ đặt để các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự không công chính cho tội lỗi. Nhưng hãy trình dâng chính mình các anh chị em cho Đức Chúa Trời, như được sống từ trong những kẻ chết, và các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự công chính cho Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 6:13).

Ví dụ tình huống để nhận biết ai là người dâng thân thể của mình lên Chúa làm của lễ sống và thánh:

Bạn A từ chối tham dự các hoạt động không đẹp lòng Chúa mà lớp học tổ chức như: Tết Trung Thu, Halloween, tham quan du lịch những nơi có tượng, có chùa chiền. Nhưng luôn yêu thích và dành thời gian trung tín mỗi ngày trong việc chép câu gốc, suy ngẫm Lời Chúa, viết bài suy ngẫm.

Bạn B không tham dự các hoạt động ở lớp tổ chức như: Tết Trung Thu, Halloween, tham quan du lịch những nơi có tượng, có chùa chiền vì biết mình không được phép tham gia. Nhưng bạn B dành thời gian xem phim, đọc truyện, tán gẫu với bạn bè, khi nào gần đến hạn nộp bài suy ngẫm thì mới dành thời gian làm để nộp, vì bố mẹ sẽ kiểm tra.

Bạn A là người vui lòng dâng thân thể mình lên Chúa làm của lễ sống và thánh. Khi bạn A vui lòng dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Chúa, bạn A đã không đi đến, không tham dự vào những điều không đẹp lòng Chúa. Bạn A đã trình dâng lên Chúa từng chi thể trong thân thể của mình: đôi mắt đọc Thánh Kinh, đôi tay chép câu gốc. Bạn A đã có những của lễ dâng lên Chúa: những dòng chữ chép câu gốc, bài suy ngẫm Lời Chúa. Như vậy, việc dâng thân thể mình lên Chúa là điều chúng ta cần luôn luôn làm mỗi ngày, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động cụ thể.

Ngày nay con dân Chúa không còn giữ ngày Lễ Thổi Kèn và không còn dâng các của lễ theo quy định. Nhưng chúng ta phải có sự vui mừng và luôn sẵn sàng cho sự đến của Đấng Christ. Ngày Chúa đến như kẻ trộm trong đêm, nên con dân Chúa phải sống nếp sống canh giữ và tỉnh thức.

I Tê-sa-lô-ni-ca 5:5-8

5 Hết thảy các anh chị em là con của sự sáng và con của ban ngày. Chúng ta không thuộc về ban đêm, cũng không thuộc về sự tối tăm.

6 Vậy, chúng ta chớ ngủ như những kẻ khác, nhưng chúng ta hãy canh chừng và tỉnh thức.

7 Vì những kẻ ngủ thì ngủ ban đêm, những kẻ say thì say ban đêm.

8 Nhưng chúng ta, những người thuộc về ban ngày, hãy tỉnh thức, mặc áo giáp bằng đức tin và tình yêu, cùng mão trông cậy của sự cứu rỗi!

Chính nếp sống canh chừng chính mình trước tội lỗi, trước âm mưu của ma quỷ, luôn tỉnh thức giữ mình không phạm tội, luôn cẩn thận tra xét mình dưới Lời Chúa và cẩn thận làm theo, là của lễ đẹp lòng Chúa. Vậy như thế nào là nếp sống canh giữ và tỉnh thức? Ví dụ như các con nhận thấy trong các cuộc vui chơi cùng các bạn cùng lớp thì các bạn hay nói tục, chửi bậy, hay kêu Trời vô cớ, nói chuyện đùa vui theo kiểu thế gian; thì các con cần tránh xa mọi cuộc vui chơi đó. Ví dụ các con nhận thấy khi mình vào trang mạng này thường có các hình ảnh không đẹp lòng Chúa, dễ dẫn đến sự phạm tội tà dâm, thì các con phải lập tức thoát khỏi trang mạng đó và cầu xin Chúa giữ mình đừng bao giờ trở lại trang mạng đó.

Ngày nay chúng ta cũng không giữ Lễ Chuộc Tội và cũng không còn dâng các của lễ. Nhưng chúng ta cần luôn ghi nhớ rằng:

“Trong Đấng ấy chúng ta có sự cứu chuộc bởi máu của Ngài, là sự tha thứ những tội lỗi.” (Cô-lô-se 1:14).

Và mỗi chúng ta là người đã tin nhận Chúa, học biết Chúa, có sự hiểu biết về Chúa mà cố ý phạm tội thì chính là “đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và công khai sỉ nhục Ngài” (Hê-bơ-rơ 6:6).

Vì vậy, vì yêu Chúa, vì biết ơn sự cứu chuộc của Ngài mà chúng ta chán ghét tội, sợ tội, không muốn phạm tội, khi lỡ phạm tội thì phải lập tức ăn năn, xin Chúa giữ mình không tái phạm. Luôn cầu xin Chúa ban ơn cho mình làm những điều Chúa dạy trong nếp sống tin kính. Chính tấm lòng biết ơn Chúa, gớm ghét tội, mau chóng ăn năn khi phạm tội, luôn chọn làm những điều Chúa dạy dỗ là của lễ đẹp lòng Chúa. Điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ, ăn năn đó là xưng nhận tội, sợ tội và không dám tái phạm.

Ngày nay, chúng ta cũng không còn giữ Lễ Lều Trại và dâng các của lễ trong ngày đó. Nhưng mỗi chúng ta đều cần luôn luôn học theo tấm gương của Đức Chúa Jesus Christ trong sự hạ mình, khiêm nhường, kiên trì nhẫn nại trong thân thể xác thịt này dầu chịu khó chịu khổ vẫn vâng phục và làm trọn những điều Chúa giao cho mình.

“Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:29).

“Dù Ngài là con, Ngài đã học tập sự vâng phục bởi những sự mà Ngài đã chịu khốn khổ.” (Hê-bơ-rơ 5:8).

Trong thân thể xác thịt này, dầu bị cười chê khi tin Chúa, dầu bị các bạn xa lánh khi mình không tham gia các hoạt động của lớp học mà sai nghịch Lời Chúa, dầu bị mọi người ghét bỏ vì mình không giống họ; thì các con cũng hãy giữ vững đức tin mình nơi Chúa. Các con hãy noi gương Đức Chúa Jesus trong sự chịu khổ mà vâng giữ mọi điều Chúa phán dặn đã được ghi chép trong Thánh Kinh.

Nguyện kính xin Lời Chúa thánh hóa các con, khiến các con nên thánh trọn vẹn không chỗ trách được, để chính mỗi các con là những của lễ có thức hương thơm đẹp lòng Chúa, kính dâng lên Ngài và được Ngài vui nhậm.

Để lại một bình luận