Phục Truyền Luật Lệ Ký 1 Bài Giảng Thứ Nhất: Nhắc Lại Từ Khi Lập Các Quan Trưởng đến Khi Dân Sự Dấy Loạn Rồi Bị Đánh Bại Bởi Dân A-ma-léc và Dân Ca-na-an.

114 lượt xem

Bài Giảng Thứ Nhất: Nhắc Lại Từ Khi Lập Các Quan Trưởng đến Khi Dân Sự Dấy Loạn Rồi Bị Đánh Bại Bởi Dân A-ma-léc và Dân Ca-na-an.

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Về việc lập các trưởng lão:
– Em hãy cho biết vì sao lại lập thêm các trưởng lão? Điều đó mang lại ích lợi gì?
– Môi-se căn dặn các trưởng lão làm như thế nào trong việc phán xét?

2. Về việc chọn mười hai người đi do thám xứ Ca-na-an:
– Tại sao dân sự lại không muốn đánh chiếm xứ Ca-na-an sau khi đã cử người đi do thám xứ?
– Môi-se đã khuyên bảo dân sự ra sao? Dân sự có nghe không?
– Chúa quyết định hình phạt dân sự ra sao?
– Dân sự tỏ ra như thế nào sau sự nổi giận của Chúa?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Em có nhận biết mệnh lệnh mà Chúa truyền dặn cho mình là gì không? Điều gì em đã vâng theo và điều gì chưa vâng theo?
2. Em hãy cho biết vì sao dân I-sơ-ra-ên lại bội nghịch Chúa, từ đó em rút ra bài học cho mình (nêu rõ cần sửa đổi như thế nào).
3. Em hãy cho biết hậu quả mà dân I-sơ-ra-ên nhận lãnh khi bội nghịch Chúa, từ đó em rút ra bài học cho mình.

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Dân I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa giải cứu họ ra khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô. Chúa dùng Môi-se để dẫn dắt dân sự đi đến vùng đất Ca-na-an, nơi đượm sữa và mật, là nơi mà Thiên Chúa đã hứa ban cho họ. Nhưng vì cớ sự bội nghịch của dân sự, nên họ đã bị đi lang thang trong đồng vắng suốt 40 năm. Nhằm ngày mồng một tháng thứ mười một, năm thứ bốn mươi (tức 40 năm sau khi dân I-sơ-ra-ên bắt đầu hành trình ra khỏi Ê-díp-tô), tại bên kia sông Giô-đanh, Môi-se khởi giảng ba bài giảng để nhắc lại điều răn, luật lệ và mệnh lệnh của Thiên Chúa cho dân I-sơ-ra-ên.

Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký chương 1, là bài giảng thứ nhất của Môi-se, chủ đề “Nhắc Lại Từ Khi Lập Các Quan Trưởng đến Khi Dân Sự Dấy Loạn Rồi Bị Đánh Bại Bởi Dân A-ma-léc và Dân Ca-na-an”, với câu gốc:

“Chẳng một ai của dòng dõi gian ác này sẽ thấy xứ tốt đẹp mà Ta đã thề ban cho tổ phụ các ngươi” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:35).

Môi-se nhắc lại sự kiện chính xảy ra trong hành trình của dân I-sơ-ra-ên từ Hô-rếp đến Ca-đe-ba-nê-a. 

Sau khoảng gần một năm, dân I-sơ-ra-ên dừng lại tại Si-na-i. Tại Núi Si-na-i, Chúa phán truyền mười điều răn, các luật lệ, kiểu dựng đền tạm và các vật dụng, lập A-rôn và các con trai ông làm thầy tế lễ, các luật liên quan đến thầy tễ lễ, các của lễ về sự thờ phượng. Sau đó, họ nhận mệnh lệnh của Chúa khởi đi từ Núi Si-na-i để tiếp tục hành trình tiến về đất hứa. Chúa phán bảo họ đi lên để đánh chiếm xứ Ca-na-an, là xứ mà Ngài đã thề ban cho tổ phụ họ là Áp-ra-ham, I-sác, Gia-cốp, cùng cho con cháu của họ. Dân I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa gia thêm càng nhiều người, vì vậy, một mình Môi-se không đủ sức để cai trị, giải quyết các vấn đề trong dân sự. Nên trong mỗi chi phái đã chọn ra những quan trưởng là những người khôn sáng, thông hiểu, có tiếng. Mỗi người họ hoặc sẽ cai trị tùy theo, làm quản lý trong các chi phái để phụ giúp cùng Môi-se trong việc cai trị dân I-sơ-ra-ên. Việc lập các quan trưởng sẽ giảm bớt đi phần gánh nặng công việc cho Môi-se, mỗi sự việc của dân sự sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn so với việc hết thảy mọi việc xảy ra trong dân I-sơ-ra-ên đều thưa trình lên, và chỉ có một mình Môi-se giải quyết sự việc, nên phải chờ đợi lâu mới đến lượt mình.

Môi-se căn dặn về việc các quan trưởng phán xét các sự việc như sau:

  • Công việc của các quan trưởng là lắng nghe các vấn đề tranh tụng của dân sự, kế đó là lấy sự công chính để phán xét, phân xử sự việc, không phân biệt là dân I-sơ-ra-ên hay là khách ngoại bang. Như Lời Chúa đã dạy “Sẽ cùng một luật pháp và một phán quyết dùng cho các ngươi và khách ngoại bang kiều ngụ với các ngươi” (Dân Số Ký 15:16).
  • Trong việc phán xét: không tư vị và không hèn nhát. Không tư vị nghĩa là không cư xử theo tình cảm riêng của mình với người khác. Bởi vì sự tư vị sẽ dẫn đến sự đối xử bất công. Không hèn nhát nghĩa là không vì sợ người mà mình đang phán xét sẽ gây khó dễ cho mình, mà không dám phán xét. Mọi sự phán xét trên một sự việc hay người nào phải dựa trên điều răn và luật pháp của Chúa. Bởi vì sự phán xét thuộc về Chúa, các quan trưởng là người đứng ra phán xét cần làm theo Lời Chúa dạy: “Các ngươi chớ phạm sự bất nghĩa trong việc phán xét, chớ thiên vị người nghèo, chớ nể kẻ quyền thế; hãy cứ theo công chính mà phán xét kẻ lân cận ngươi” (Lê-vi Ký 19:15).
  • Trong khi phán xét, việc nào rất khó mà các quan trưởng không thể giải quyết, thì trình lên Môi-se. Điều đó có nghĩa là, dân sự thưa trình lên các quan trưởng, họ sẽ giải quyết các sự việc. Việc nào mà họ chưa biết cách giải quyết thỏa đáng, khó phân xử thì sẽ họ sẽ thưa trình lên Môi-se, để Môi-se phán xét.

Trong thời Tân Ước hiện nay, luật pháp về sự phán xét của Chúa vẫn được áp dụng. 

  • Trong Hội Thánh, Chúa đã giao sự cai trị cho người chăn và các trưởng lão. Vì vậy sự phán xét về các sự việc trong Hội Thánh xảy đến giữa các con dân Chúa thuộc về thẩm quyền của họ. Mọi sự phán xét phải dựa trên điều răn và luật pháp của Chúa. Vì “Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính” (II Ti-mô-thê 3:16).
  • Trong sự phán xét cũng không được tư vị và không được hèn nhát. Vì nếu người nào tư vị thì người đó phạm tội với Chúa (Gia-cơ 2:9), và người nào hèn nhát thì ở trong hỏa ngục (Khải Huyền 21:8). 
  • Mọi sự việc xảy ra tại Hội Thánh địa phương nào thì trưởng lão tại Hội Thánh địa phương đó có trách nhiệm giải quyết. Nếu sự việc khó thì thưa trình lên người chăn.

Bài học áp dụng dành cho thiếu niên:

  • Khi các con gặp các vấn đề xảy đến trong đời sống mình mà không biết cách giải quyết thì các con nên tìm kiếm sự hướng dẫn và giúp đỡ từ ba mẹ và Ban Chăm Sóc Thiếu Niên là những người Chúa đặt để trong sự chăm sóc thuộc linh cho mình. Để mỗi việc làm của các con được chắc chắn là đẹp ý Chúa, không phạm tội với Ngài, không rơi vào bẫy rập của ma quỷ. Ví dụ như khi sự việc xảy ra trong gia đình thì các con thưa trình với bố mẹ thay vì thưa trình với người thân không tin Chúa. Ví dụ như sự việc xảy ra trong phòng thiếu niên thì các con thưa trình với Ban Chăm Sóc Thiếu Niên để được hướng dẫn.
  • Khi các con phải đưa ra nhận định đúng sai cho một sự việc dù liên quan đến người tin Chúa hay là người không tin Chúa, thì các con cũng phải dựa trên điều răn và luật pháp của Chúa để nhận định. Không vì mình yêu quý người nào thì lại không dám nói người đó sai, cũng không vì mình không thích người nào thì lại nói hết các lỗi cho người đó.
  • Các con đã là những thiếu niên trong Chúa, các con có các em nhỏ tuổi hơn mình còn trong độ tuổi là thiếu nhi, ấu nhi, thì các con phải biết dùng Lời Chúa để khuyên dạy, bảo ban các em, giúp đỡ cho các em. Các con không nên chỉ suốt ngày thưa trình và kiện cáo các em với bố mẹ, khiến cho bố mẹ lại thêm bận lòng. Chỉ khi nào các em tỏ ra không nghe lời khuyên dạy của các con thì các con mới thưa trình với bố mẹ.

Sau khi nhắc lại về việc lập các quan xét, thì Môi-se nhắc đến việc Chúa muốn dân I-sơ-ra-ên đi lên để chiếm xứ Ca-na-an làm sản nghiệp, nhưng họ muốn xin Môi-se cho người đi do thám xứ trước. Môi-se đã chọn ra mười hai người trong mười hai chi phái, để đi do thám xứ. Khi đi do thám xứ về thì các người do thám đều công nhận xứ Ca-na-an là một xứ đượm sữa và mật, hoa quả xứ đó họ mang về là một chùm nho, trái lựu, trái vả mà hai người đàn ông phải dùng cây sào mà khiêng. Thế nhưng, vì lòng vô tín và nỗi sợ hãi vì dân đó đông hơn, cao lớn hơn, thành trì vững vàng, mà họ làm cho dân sự sợ hãi, khóc lóc, không dám đi lên chiếm xứ, nhưng khóc lóc, than trách, dấy loạn nghịch lại Môi-se, A-rôn, ném đá Giô-suê và Ca-lép vì hai người cứ khẳng định Chúa sẽ đem vào xứ Ca-na-an đượm sữa và mật. Dầu rằng dân sự được khuyên can, được động viên, được khích lệ, được trải qua những chặng đường đồng vắng để nhận biết sự bồng ẵm của Thiên Chúa như một người cha bồng con trai mình là như thế nào. Nhưng họ không tin cậy Chúa, phủ nhận sự chăn dắt và quan phòng của Chúa trên họ.

Vì vậy, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã nổi giận cùng họ và giáng hình phạt trên họ, đó là không một ai của dòng dõi gian ác này được thấy xứ tốt đẹp mà Chúa đã thề ban cho tổ phụ họ, ngoại trừ Ca-lép và Giô-suê là hai người trung tín với Chúa. Ngay cả Môi-se và A-rôn cũng không được vào vùng đất hứa vì cớ sự phạm tội của mình. Chúa đã khiến cho những con trẻ của họ, là những người chưa biết điều thiện và ác, mà họ cho rằng chúng sẽ trở thành miếng mồi cho xứ đó, lại được vào trong xứ Ca-na-an.

Khi dân sự hay biết điều đó thì không ăn năn, mà lại dại dột hành xử theo ý riêng của mình, đem binh khí và xông lên chiến trận. Dẫu được can ngăn và khuyên chớ đi lên, chớ chiến trận, được cảnh bảo sẽ bị đánh bại và bị diệt, nhưng họ không nghe, vẫn kiêu ngạo và cố chấp làm theo ý riêng mình. Cuối cùng họ bị đánh bại và bị dân A-ma-léc và dân Ca-na-an phân thây.

Bài học mà chúng ta rút ra như sau:

1. Mọi điều Thiên Chúa phán dặn là mệnh lệnh Ngài dành cho chúng ta.

“Và, này là tình yêu: Ấy là chúng ta bước theo các điều răn của Ngài. Đây là mệnh lệnh: Điều mà các anh chị em đã nghe từ lúc ban đầu, các anh chị em hãy bước theo.” (II Giăng 1:6).

Vì Thiên Chúa yêu chúng ta và dành ban cho chúng ta những điều tốt đẹp, nên Ngài răn dạy chúng ta qua các điều răn và luật pháp của Ngài. Nếu chúng ta thật sự có lòng yêu kính Chúa thì sẽ luôn ghi nhớ và cẩn thận làm theo mọi điều Chúa phán dặn chúng ta. Dầu rằng, khi làm theo sẽ phải trải qua những sự khó khăn, thử thách. Nhưng tình yêu Chúa trong chúng ta lớn hơn khiến chúng ta vượt qua mọi sự đó.

2. Mệnh lệnh của Chúa được phán truyền qua những người Chúa đặt để trong sự chăn dắt chúng ta.

“Hãy vâng lời những người dắt dẫn các anh chị em và chính mình các anh chị em chịu phục họ. Vì họ thức canh về linh hồn của các anh chị em, mà họ phải khai trình, để cho họ làm việc đó với sự vui mừng, mà không phiền lòng. Vì sự {phiền lòng} ấy chẳng ích lợi cho các anh chị em.” (Hê-bơ-rơ 13:17).

Như Chúa đã từng dùng Môi-se truyền dặn dân sự như thế nào thì ngày nay Chúa cũng dùng người chăn và các trưởng lão trong Hội Thánh như thể ấy. Các bạn thiếu niên thì Chúa đã đặt để có ba mẹ là người trực tiếp chăn dắt mình, và có Ban Chăm Sóc. Vì vậy, bổn phận của các con là vâng phục những mệnh lệnh của ba mẹ và Ban Chăm Sóc, các trưởng lão và người chăn, nếu điều đó không có gì sai nghịch. Hãy vâng phục với tấm lòng kính sợ Chúa, xem điều đó là mệnh lệnh Chúa truyền cho mình và vui lòng làm theo.

3. Khi đã phạm tội, thì phải thật lòng ăn năn, hạ mình lắng nghe người cáo trách tội lỗi, vâng phục và làm theo hướng dẫn, không được kiêu ngạo, cố chấp làm theo ý riêng của mình. Vì người kiêu ngạo và hành xử theo ý riêng mình sẽ nhận lãnh hậu quả.

Lời Chúa dạy chúng ta rằng:

“Kẻ kiêu ngạo chẳng đứng nổi trước mặt Ngài; Ngài ghét hết thảy những kẻ làm ác.” (Thi Thiên 5:5).

“Sự kiêu ngạo chỉ sinh ra điều cãi lộn; còn sự khôn sáng ở với người chịu lời khuyên dạy.” (Châm Ngôn 13:10).

“Sự kiêu ngạo đi trước sự bại hoại; và tinh thần tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm Ngôn 16:18).

Ví dụ tình huống: Bố mẹ bạn A sắp xếp thời gian biểu cho bạn A thức dậy vào lúc 6h kém 15’ sáng, để vệ sinh cá nhân, 6h cầu nguyện và đọc, chép câu gốc 5 lần, 6h30’ ăn sáng rồi đến trường đi học. Nhưng bạn A thường xuyên dậy muộn không đúng giờ vì mệt, vì lạnh, vì buồn ngủ, vì tối qua thức khuya,… khiến cho giờ cầu nguyện và đọc chép câu gốc bị chậm và ngắn lại. Ngày trôi qua ngày, số lần chép câu gốc không đủ, rồi cũng chậm trễ luôn việc làm bài suy ngẫm Lời Chúa mỗi tuần khiến nộp bài muộn. Khi ba mẹ nhắc nhở, quở trách thì bạn A không vui và nghĩ ba mẹ không yêu thương, không hiểu cho mình. Dẫn đến việc Bạn A thường ngồi chép câu gốc và làm bài suy ngẫm với lòng không vui, đầy sự mệt mỏi, làm cho xong để nộp bài, để không bị mắng.

Em hãy nhận xét về bạn A, bạn có là người yêu kính Chúa không, có vâng theo Lời Chúa dạy không, vì sao? Bạn A đã phạm tội gì? Nếu bạn A không ăn năn thì sẽ dẫn đến hậu quả gì?

Bạn A không yêu kính Chúa vì không yêu Lời Chúa, không yêu mến sự tương giao với Chúa qua việc cầu nguyện, trò chuyện với Chúa. Bạn A không có sự kính sợ Chúa khi không vâng theo lời dạy dỗ của ba mẹ trong các quy định không sai nghịch Lời Chúa, lại mang lại ích lợi cho thuộc linh lẫn thuộc thể của bạn A. Bạn A không vâng theo mệnh lệnh của Chúa truyền dặn qua ba mẹ là người Chúa đặt để trong sự chăm sóc mình. Bạn A còn phạm tội không vâng phục, kiêu ngạo khi khó chịu với lời quở trách của ba mẹ. Bạn A đã làm theo ý riêng mình, vẫn giữ nếp sống như vậy và không hề thay đổi.

Nếu bạn A không ăn năn thì sẽ không có Lời Chúa dẫn dắt, Chúa không ở cùng người có lòng kiêu ngạo. Khi một người kiêu ngạo và không có lòng vâng phục thì sẽ dẫn đến phạm các điều răn của Thiên Chúa. Mà điển hình ở đây là bạn A đã phạm phải điều răn thứ nhất khi đã thờ thần tôi, và điều răn thứ năm là không hiếu kính cha mẹ.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta được ôn lại về những điều răn dạy của Chúa qua bài giảng của Môi-se trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký chương 1. Nguyện xin Chúa ban cho các bạn thiếu niên có tấm lòng yêu kính Chúa và hết lòng vâng theo mọi điều Chúa dạy dỗ và phán bảo.

 

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 1 Bài Giảng Thứ Nhất: Nhắc Lại Từ Khi Lập Các Quan Trưởng đến Khi Dân Sự Dấy Loạn Rồi Bị Đánh Bại Bởi Dân A-ma-léc và Dân Ca-na-an.”

Để lại một bình luận