Đức Chúa Jesus Lên Đền Thờ

509 lượt xem

Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=IvJ3A4aorIg

Chủ đề: Đức Chúa Jesus Lên Đền Thờ

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thương mến!

Trong bài học trước chúng ta đã học chủ đề Sự Ra Đời của Đức Chúa Jesus tuần này chúng ta sẽ học chủ đề. Đức Chúa Jesus Lên Đền Thờ. 

Câu chuyện Đức Chúa Jesus lên đền thờ chỉ có sách Lu-ca có ghi lại, còn ba sách Ma-thi-ơ, Mác, Giăng thì không có ghi lại. Cho chúng ta thấy rằng sách Lu-ca là sách Tin Lành ghi lại khá đầy đủ hơn là ba sách kia. 

Lu-ca 2:41-52 ghi lại cho chúng ta sự kiện Đức Chúa Jesus theo ba mẹ Giô-sép và Ma-ri lên đền thờ dự Lễ Vượt Qua Hằng năm. Khi các ngày lễ qua rồi thì ba mẹ Ngài ra về, còn Chúa Jesus thì ở lại trong đền thờ hỏi đáp với các thầy thông giáo. Rồi sao bao ngày tìm kiếm thì ba mẹ cũng gặp được Ngài trong đền thờ. Sau đó Chúa Jesus về nhà theo ba mẹ. 

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu sơ lược qua về nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Vượt Qua. 

Nguồn gốc:

 Lễ Vượt Qua do chính Thiên Chúa thiết lập và chỉ định cho dân I-sơ-ra-ên phải vâng giữ. Chi tiết về sự giữ Lễ Vượt Qua được Thiên Chúa phán truyền cho Môi-se và A-rôn, được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12. Lễ Vượt Qua đầu tiên rất quan trọng, liên quan đến sự sống chết của các con đầu lòng, từ loài người đến thú vật, giữa vòng dân I-sơ-ra-ên.

Ý Nghĩa:

Nghĩa đen của chữ “Vượt Qua” là Thiên Chúa sẽ đi ngang qua các nhà có khung cửa đã được đánh dấu bằng máu của chiên con, không ngừng lại để giáng tai họa trên nhà ấy. Nghĩa bóng của chữ “Vượt Qua” là Thiên Chúa sẽ không hình phạt những ai tin vào máu chuộc tội của Đấng Christ, đã đi qua cánh cửa nhuộm máu là Đức Chúa Jesus Christ, để vào trong chuồng chiên của Ngài:

Các con đọc tìm hiểu thêm tại đây:

https://timhieutinlanh.com/thanhoc/le-vuot-qua/

Để hiểu rõ hơn về câu gốc thì chúng ta cần đọc lại Lu-ca 2:41-52. Trong câu chuyện này chúng ta tổng hợp được các ý như sau:

1/ Đức Chúa Jesus lên đền thờ và ở lại.

2/ Ngồi trò chuyện với thầy thông thái.

3/ Ai nấy khen về trí khôn và lời đối đáp.

4/ Ba mẹ đi tìm Chúa Jesus và Chúa Jesus đáp lời ba mẹ.

5/ Chúa theo ba mẹ trở về và chịu phục họ.

6/ Càng lớn thì càng thêm lên sự khôn sáng và trưởng thành. 

Và bây giờ chúng ta sẽ học về những chi tiết trên. 

1/ Đức Chúa Jesus lên đền thờ và ở lại. 

Qua phân đoạn Thánh Kinh Lu-ca 2:42  cho chúng ta biết lúc này Chúa Jesus được 12 tuổi. 12 tuổi là độ tuổi của thiếu niên, tuổi thiếu niên bắt đầu từ 12 tuổi cho đến 20 tuổi. Ở Tuổi thiếu niên thì sự hiểu biết đã thêm lên nhiều hơn so với độ tuổi thiếu nhi, thiếu niên phân định được rõ ràng đúng sai, thiện và ác, điều lành điều dữ, trong Chúa độ tuổi thiếu niên có thể hiểu cách rõ ràng về tội lỗi, nhận thức cách rõ ràng nếu phạm tội thì phải chịu hình phạt như thế nào, còn nếu sống đẹp lòng Chúa thì được hưởng những gì. Nói tóm lại, tuổi thiếu niên đã có tư duy, cảm xúc, suy nghĩ và sự hiểu biết vượt trội hơn tuổi thiếu nhi. Nhưng ở độ tuổi này thiếu niên vẫn còn chịu dưới sự quản lý của ba mẹ.

Câu chuyện cho chúng ta biết sau những ngày lễ đã qua rồi thì ai nấy đều trở về nhà mình, chúng ta thử hình dung ra quan cảnh lúc này, mọi người với số lượng đông đúc đổ xô về thành Je-ru-sa-lem để dự lễ, xong rồi ai nấy đều ra khỏi thành để về nhà, biết bao nhiêu là con người đi như vậy, mà thời đó thì cô nghĩ là phần lớn người ta đi bộ thì nhiều. Dòng người cứ đông đúc đi như vậy thì rất là dễ bị lạc nhau. Ai nấy đều nhanh chóng để ra về thì Chúa Jesus cứ ở lại trong đền thờ mà không có ý định như bao nhiêu người khác xong việc thì về. Trong khi Chúa Jesus chỉ mới tuổi thiếu niên cần sự bảo hộ của ba mẹ mình. Nhưng Chúa Jesus thì không quan tâm đến việc nhanh chóng theo ba mẹ đi về mà tiếp tục ở lại trong đền thờ.  Vậy thì Chúa Jesus Ngài đã hoàn toàn nhận biết được Ngài là ai, Ngài phải làm gì. 

Câu hỏi đặt ra: Chúng ta đã nhận biết mình là ai, mình phải làm gì?. 

2/ Ngồi trò chuyện với thầy thông thái.

Mục đích của Đức Chúa Jesus ở lại trong đền để ngồi trò chuyện cùng các thầy thông thái, chúng ta cũng thấy lạ phải không nào. Chúa Jesus ở lại đền thờ không phải để chơi đùa cùng bạn trang lứa mà ngồi trong đền thờ hỏi đáp với các thầy thông thái, thầy thông thái là những người chuyên nghiên cứu Thánh Kinh và luật pháp của Chúa. Ngày nay thì có  những giáo sư, tiến sĩ thần học chuyên nghiên cứu Thánh Kinh, chúng ta tưởng tượng xem một đứa trẻ mười hai tuổi mà ngồi giữa các bật phải gọi là cao học như vậy mà còn hỏi đáp nữa thì chúng ta thật ngạc nhiên với sự khôn sáng của Chúa Jesus lúc bấy giờ. Chúa Jesus biết được Ngài là ai nên Ngài nên cho dù chỉ mới mười hai tuổi mà Chúa Jesus đã hết lòng trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Đây là điều mà mỗi một chúng ta cần phải suy ngẫm. 

3/ Ai nấy khen về trí khôn và lời đối đáp.

Chúng ta tưởng tượng ra khung cảnh trong đền thờ ai cũng về hết, chỉ còn lại các nhà thông thái, cũng có thể là còn lại một số người người ta chưa về. Khi người ta nhìn thấy Chúa Jesus còn nhỏ mà ngồi hỏi đáp với các nhà thông thái thì họ khen Chúa Jesus, chúng ta không biết được Chúa Jesus hỏi đáp với họ câu hỏi gì, Thánh Kinh không có ghi lại, nhưng có thể Chúa hỏi đáp với họ những điều có liên quan đến luật pháp của Đức Chúa Trời thôi. Nhờ đâu mà Chúa Jesus có được sự khôn sáng này, chúng ta hiểu rằng Chúa Jesus trong thân vị loài người, nhưng trong thần tín ngày cũng là Thiên Chúa, Ngài không bị nhiễm tội, và Ngày được đầy dẫy sự khôn sáng nơi Đấng Thần Linh nên sự hiểu biết của Ngài sẽ vượt bật hơn những đứa trẻ cùng tuổi. Thánh Kinh cho chúng ta biết 

“Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì Ngài nói những Lời phán của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời phó thác Đấng Thần Linh cho Ngài một cách không giới hạn”. (Giăng 3:34).

Có phải Chúa Jesus cố tình ở lại để thể hiện sự hiểu biết của mình để nhận được tiếng khen không?  cô tin là không, bởi vì chính Đức Chúa Jesus khẳng định. “Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường”. Chúa Jesus ở lại là vì công việc của Cha Ngài. 

Vậy tuổi thiếu niên có cần được tiếng khen hay không?

4/ Ba mẹ đi tìm Chúa Jesus và Chúa Jesus  đáp lời ba mẹ

Khi Giô-sép và Ma-ri đi được trót một ngày thì không thấy Chúa Jesus đâu, họ quay lại tìm Ngài. Họ tìm đến ba ngày mới gặp Chúa trong đền thờ. Trong bối cảnh lúc đó ông bà rất là lo lắng cho Chúa Jesus, có thể nói là cuống cuồng lên kiếm Ngài nên khi vừa gặp Ngài họ vừa mừng nhưng lại vừa trách Chúa Jesus sao làm cho họ lo lắng và khổ sở đi tìm. Đức Chúa Jesus trả lời với họ. 

“Ngài thưa với họ: Cha mẹ kiếm con để làm gì? Cha mẹ chẳng biết rằng, con  có mặt trong những việc của Cha con là cần thiết sao?”

Nếu mà một người không hề biết gì về Chúa Jesus sẽ lấy làm lạ khi nghe Chúa trả lời với bà Ma-ri. Và câu trả lời của Chúa cũng nhắc nhớ cho họ về địa vị của Ngài, công việc của Ngài. Câu trả lời của Chúa Jesus cũng trấn an họ cho họ thôi quá lo lắng cho Ngài. 

Qua sự việc này chúng ta cũng có thêm bài học nữa đó là đôi khi trong cuộc sống chúng ta quên Lời dạy của Chúa, quên Lời hứa của Chúa mà chúng ta lo lắng, áp lực hay buồn rầu khi đối diện với những thử thách, khó khăn. Hoặc khi đau yếu chúng ta cũng lo lắng, bất an. Nhưng khi đọc Lời Chúa thì chính Lời Chúa nhắc nhở chúng ta, khiến chúng ta có được sự bình an trở lại.

Ví dụ như chúng ta lo lắng về vật chất khi dịch bệnh kéo dài, kinh tế thu nhập khó khăn, chúng ta lo ăn gì, mặc gì nhưng chúng ta quên rằng Chúa luôn chăm sóc, chu cấp, tiếp trợ cho chúng ta. 

Theo các con câu trả lời của Chúa Jesus có vô phép với cha mẹ mình không?  Không, là bởi vì trong thân vị thần tính Ngài là Chúa của họ, Đấng đã tạo dựng nên họ. Trong mối quan hệ xác thịt Chúa Jesus là con nhưng Ngài được sinh ra bởi Đấng Thần Linh. Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa nhập thể làm người qua sự kết hiệp một phần xác thịt của Ma-ri. 

5/ Chúa theo ba mẹ trở về và chịu phục họ

Như chúng ta đã biết, độ tuổi 12 là độ tuổi còn phải chịu sự quản lý của ba mẹ trong gia đình, phải vâng theo mọi sự quyết định của ba mẹ. Như chúng ta đã học ở trên. Chúa Jesus  trong về thần tín Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa. Nhưng Ngài vẫn phải chịu vâng phục ba mẹ mình, Ngài hoàn toàn để lại một tấm gương về sự vâng phục cho chúng ta. Nếu những điều ba mẹ muốn không nghịch lại Lời Chúa thì chúng ta phải nghe theo và vâng phục. 

6/ Càng lớn thì càng thêm lên sự khôn sáng và trưởng thành  đẹp lòng Thiên Chúa và người ta. 

Đây chính là mấu chốt quan trọng nhất trong bài học của chúng ta ngày hôm nay. 

Qua câu trả lời của Chúa Jesus với mẹ thì cho chúng ta biết rằng, ngay khi độ tuổi còn nhỏ, là một thiếu niên mà Chúa đã biết đặc công việc của Đức Cha là trên hết, biết tin cậy và biết vâng lời. Không dừng lại ở đó mà càng lớn thì càng thêm lên sự  khôn sáng và trưởng thành, nếp sống thì đẹp lòng Thiên Chúa và loài người. 

Chúa Jesus khi là con người xác thịt như chúng ta, nhưng Ngài chọn nếp sống thánh khiết, chọn không phạm tội và luôn vâng lời. Khi chúng ta sống đúng theo luật pháp của Chúa, một nếp sống kính Chúa yêu người thì người xung quanh cũng sẽ yêu mến chúng ta. Cũng có trường hợp chúng ta sống đúng theo Lời Chúa, nhưng một số người lại không thích chúng ta, ví dụ như chúng ta không thờ cúng, không tham gia những thú vui không lành mạnh, không hòa nhập với thế gian, những điều đó là đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng đối với người thế gian thì một số họ không đẹp lòng, còn kỳ thị, xa lánh thậm chí mỉa mai chúng ta. Kể cả trong gia đình, có cha, mẹ ông bà không tin Chúa. Cũng rất là phản đối chúng ta. Như việc ba mẹ muốn mình ăn của cúng thần tượng, bỏ Chúa, bắt làm việc trong ngày Sabat. 

Trong trường hợp này Chúa dạy:

“Nhưng Phi-e-rơ và các sứ đồ đã trả lời rằng: Chúng ta thà vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người”. (Công-vụ-các-sứ-đồ 5:29).

Vậy thì chúng ta làm như thế nào. Chúng ta cầu nguyện cầu xin Chúa giúp và giải cứu chúng ta ra khỏi sự bắt bớ đó và xin Chúa làm việc trong tấm lòng của cha mẹ, để cha mẹ không bắt bớ chúng ta cách gay gắt. 

Trong cuộc sống hằng ngày phải hết lòng phụ giúp ba mẹ, làm tròn bổn phận của con cái đối với ba mẹ. 

Kết luận: Qua sự kiện Chúa Jesus lên đền thờ mà chúng ta rút ra được hai bài học quan trọng, đó là lòng sốt sắng phụng sự Thiên Chúa và nếp sống của chúng ta phải đẹp lòng Thiên Chúa qua đó chiếu rạng sự vinh quang của Thiên Chúa cho loài người. 

Chúng ta cầu nguyện và tra xét xem chúng ta có hết lòng phụng sự Chúa chưa khi chúng ta nhận biết được chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, là con nuôi, là những con trai con gái của Đức Chúa Trời. Vậy chúng ta đã làm gì và đã hết lòng làm lợi ra những ta lâng mà Chúa đã ban cho chúng ta hay chưa, chúng ta cần phải suy ngẫm về điều này. Chúng ta hãy làm lợi ra những ta lâng Chúa ban, để hết lòng phụng sự Chúa để xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa và hầu việc Chúa trong những ngày ngắn ngủi còn lại trên đất này. 

Để lại một bình luận