Phục Truyền Luật Lệ Ký 5 Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời-Điều Răn Thứ Nhất

137 lượt xem

Điều Răn Thứ Nhất: Trung Tín với Thiên Chúa

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Thiên Chúa có mặt ở nơi đâu? Trước mặt Chúa có nghĩa là gì?
2. Các thần khác là gì? Như thế nào là “sẽ không có các thần khác”?
3. Nếu một người tôn thờ chính mình, hoặc người khác (ca sĩ, diễn viên,…) hoặc một điều gì khác (tiền bạc, sắc đẹp, địa vị,…) thì có vi phạm điều răn thứ nhất không? Vì sao?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Em có nhận thấy mình vâng giữ điều răn thứ nhất chưa?
2. Em sẽ làm gì khi nhận ra những điều có thể khiến mình phạm điều răn thứ nhất?

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Sau khi khuyên dạy dân I-sơ-ra-ên giữ các điều răn của Chúa, thì Môi-se bắt đầu truyền lại luật pháp cho dân I-sơ-ra-ên, mà luật lệ cao nhất chính là Mười Điều Răn của Chúa. Môi-se gọi cả I-sơ-ra-ên lại và kêu gọi họ hãy nghe những luật lệ và mệnh lệnh mà ông truyền dạy cho họ, Môi-se căn dặn họ phải học tập và cẩn thận làm theo những điều đó.

Môi-se bắt đầu với việc nhắc lại sự kiện Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đã lập giao ước với dân I-sơ-ra-ên tại Hô-rếp. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu giáng lâm trên Núi Si-na-i, khắp núi đều ra khói, vì Ngài ở trong lửa, khói như khói của lò lửa lớn, cả hòn núi đều rung động kịch liệt. Đức Chúa Trời phán truyền Mười Điều Răn và chính ngón tay của Ngài ghi lại Mười Điều Răn trên hai bảng đá và trao cho Môi-se. Đức Chúa Trời đã dùng Mười Điều Răn để làm giao ước với con dân của Ngài. Mười Điều Răn ghi lại những điều Thiên Chúa muốn loài người làm, và những điều không muốn loài người làm. Người vâng giữ Mười Điều Răn của Chúa thì được ban phước, còn người vi phạm thì bị hình phạt.

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời được ghi chép trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17, và được Môi-se nhắc truyền lại trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21.

Chúng ta sẽ học Điều Răn Thứ Nhất của Đức Chúa Trời, đó là điều răn “Trung Tín với Thiên Chúa”:

“Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, ra khỏi nhà nô lệ. Trước mặt Ta, ngươi sẽ không có các thần khác.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-7).

Theo sự giảng dạy của người chăn, “Tự Hữu Hằng Hữu” có nghĩa là “tự có và có đến mãi mãi”. Như vậy chúng ta hiểu rằng, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng tự có và có đến mãi mãi. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên muôn loài vạn vật, trong đó có loài người chúng ta. Vậy nên, bổn phận của loài người là phải tôn thờ Thiên Chúa, vì loài thọ tạo phải tôn thờ Đấng tạo dựng nên mình.

Dân I-sơ-ra-ên được Chúa dùng quyền năng của Ngài giải cứu họ ra khỏi sự cực nhọc, lầm than, thoát khỏi đời sống nô lệ ở xứ Ê-díp-tô. Ngày nay, nếu ai thật lòng tin nhận Ngài, thờ phượng Ngài thì được cứu ra khỏi đời sống nô lệ cho tội lỗi, được giải cứu khỏi hậu quả và án phạt của tội lỗi. Vậy nên, nếu chúng ta xưng nhận mình là người tin nhận Chúa, thờ phượng Ngài thì chúng ta phải vâng giữ các điều răn của Ngài.

Điều Răn Thứ Nhất Chúa muốn răn dạy con dân của Ngài, đó là “Trước mặt Ta, ngươi sẽ không có các thần khác.”

1. Như thế nào là “trước mặt Chúa”?

Vì Thiên Chúa có mặt ở khắp mọi nơi, nên bất cứ nơi nào cũng đều là “trước mặt” Chúa. Dù là nơi công cộng hay nơi riêng tư, thậm chí ngay cả trong tấm lòng là nơi thầm kín và riêng tư nhất của mỗi người. Thi Thiên 139 cho chúng ta biết điều đó.

Thi Thiên 139:1-12

1 Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài đã dò xét tôi và Ngài biết!

2 Ngài đã biết sự ngồi xuống của tôi và sự đứng dậy của tôi. Từ xa, Ngài đã hiểu rõ ý tưởng của tôi.

3 Ngài xét nét lối đi của tôi và sự nằm xuống của tôi. Ngài quen biết mọi hành trình của tôi.

4 Vì chưa có một lời trên lưỡi của tôi… Kìa! Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài đã biết hết thảy!

5 Ngài bao phủ tôi phía sau và phía trước, đặt tay của Ngài trên tôi.

6 Tri thức ấy quá diệu kỳ đối với tôi; cao đến nỗi tôi không chạm được!

7 Tôi sẽ đi đâu xa khỏi Thần Ngài? Tôi sẽ trốn đâu khỏi sự hiện diện của Ngài?

8 Nếu tôi lên trời, Ngài ở tại đó. Nếu tôi nằm dưới âm phủ, kìa, Ngài cũng có ở đó.

9 Nếu tôi lấy cánh hừng đông để bay và ở tại những nơi cuối cùng của biển,

10 thì tại đó, tay Ngài sẽ dẫn dắt tôi; tay phải Ngài sẽ nắm giữ tôi.

11 Nếu tôi nói: Sự tối tăm chắc sẽ che khuất tôi, và ánh sáng chung quanh tôi trở nên đêm tối.

12 Thì chính sự tối tăm không thể giấu kín khỏi Ngài, và ban đêm chiếu sáng như ban ngày. Đối với Ngài sự tối tăm cũng như ánh sáng!

2. Như thế nào là “sẽ không có các thần khác”?

Sẽ không có các thần khác nghĩa là loài người chỉ kính sợ, tôn thờ và vâng phục Thiên Chúa, sẽ không tôn thờ bất cứ một thần linh nào ngoài Thiên Chúa. 

  • Các thần linh khác như các thiên sứ là các thần linh do Thiên Chúa dựng nên; các tà thần là những thần linh xấu, gian ác, giả làm Thiên Chúa. Ví dụ về một số các tà thần như: thần tài, quan âm, phật thích ca, hình Chúa,… Thật ra thì đó chỉ là những giả thần do Sa-tan tạo ra để lừa gạt loài người. Lời Chúa cho chúng ta biết: “Vậy, về sự ăn những của lễ cúng tế các thần tượng, chúng ta biết rằng, thần tượng trong thế gian là hư không; và rằng, chẳng có Thiên Chúa nào khác mà chỉ có một.” (I Cô-rinh-tô 8:4).
  • Ngoài ra thì sự thờ phượng bất cứ một người nào, một vật gì, niềm đam mê, ý tưởng, hay chủ nghĩa nào,… đều là sự vi phạm điều răn thứ nhất.

Ví dụ về sự thờ phượng một người như: thờ lạy người thân yêu trong gia đình (sự cúng thờ người thân đã chết, sự tôn thờ và xem ý kiến của người thân là trên hết); thờ lạy những người nổi tiếng như các diễn viên, ca sĩ, anh hùng dân tộc,… (sự cúng thờ họ, sự tôn thờ và sống theo phong cách, tư tưởng và đường lối của họ); thờ lạy chính mình (xem ý muốn của mình là trên hết).

Chúng ta tôn trọng mọi người, vâng phục các quyền Chúa đặt để trên mình những điều không sai nghịch Lời Chúa, nhưng nếu chúng ta đặt để họ lên trên Thiên Chúa, tôn trọng, yêu thương, vâng phục và làm theo ý muốn của họ hơn là ý muốn của Chúa, thì như vậy là phạm tội. 

Ví dụ là một học sinh thì yêu quý thầy cô giáo, vâng phục mọi quy định của thầy cô là điều đúng. Nhưng nếu thầy cô giáo kêu gọi, đề nghị, hoặc yêu cầu chúng ta làm điều gì vi phạm điều răn dạy của Chúa thì chúng ta cần từ chối. Nếu chúng ta vì yêu quý thầy cô, hoặc vì sợ mà tham dự thì đã xem ý muốn của thầy cô hơn là Chúa, như vậy là vi phạm điều răn thứ nhất vì đã làm theo ý muốn của thầy cô mà vi phạm điều răn của Chúa. 

Ví dụ nếu một người yêu mến, sưu tầm ảnh, video, xem ngày đêm các bài hát, bắt chước lối sống, cách ăn mặc của ca sĩ mà mình yêu thích, sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc, sức lực để xem mọi sự biểu diễn của ca sĩ thì điều đó là vi phạm điều răn thứ nhất của Chúa, vì đã xem người ca sĩ đó trở thành thần tượng của mình.   

Ví dụ khi một người được người khác chỉ ra mình sai phạm với Lời Chúa và kêu gọi ăn năn, thay đổi, hướng dẫn nên làm thế nào cho đúng mà lại không nghe, mà luôn cho rằng việc mình suy nghĩ và làm mới là đúng, không chịu nghe góp ý, không chịu tra xét dưới Lời Chúa, thì người đó vi phạm điều răn thứ nhất, vì tôn thờ chính mình, kiêu ngạo. Thực tế thì việc không chịu lắng nghe lời góp ý, không chịu tra xét mình, thì đã tỏ ra sự kiêu ngạo rồi. Lời Chúa dạy chúng ta rằng: “Vì sự bội nghịch cũng như tội dùng tà thuật. Sự cố chấp cũng như tội ác và sự thờ lạy thần tượng.” (I Sa-mu-ên 15:23a).

  • Sự tham mê tiền bạc, địa vị, danh tiếng, sắc đẹp,… và sự nghiện bất cứ một điều gì cũng đều là biến những sự đó thành tà thần. Như vậy cũng là vi phạm điều răn thứ nhất, vì “Sự thờ phượng bao gồm lòng say mê, tôn kính, tin rằng đối tượng mình thờ phượng có thể ban ơn, giáng họa cho mình, quỳ lạy đối tượng ấy, dâng lễ vật lên đối tượng ấy, cầu nguyện với đối tượng ấy, đặt để đối tượng ấy làm mục đích và sự nương cậy trong đời sống mình, và sẵn sàng hy sinh cho đối tượng ấy.” [1]

Ví dụ một người say mê sắc đẹp đến nỗi luôn luôn thức dậy sớm, dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc sắc đẹp, dành nhiều tiền bạc cho việc mua sắm đồ làm đẹp và quần áo, đến nỗi sẵn sàng hy sinh sức khỏe miễn sao để được đẹp. Thì như vậy là vi phạm điều răn thứ nhất, vì đã tôn thờ sắc đẹp, hy sinh vì sắc đẹp.

Ví dụ nếu đam mê xem phim, đọc truyện, chơi game, xem Youtube, lướt các trang mạng xã hội, hay đam mê bất cứ thứ gì khác đến nỗi ngày này qua ngày khác dành quá nhiều thời gian cho những việc đó, bỏ bê việc học Lời Chúa, ăn uống, tắm rửa, việc học tập trên trường, và phụ giúp ba mẹ thì đã trở nên nghiện những sự đó. Như vậy cũng là vi phạm điều răn thứ nhất, vì quá say mê những điều đó.

3. Làm thế nào để trung tín với Thiên Chúa?

Ghi nhớ và hiểu rõ điều răn dạy của Chúa. Tra xét lại đời sống của mình để xem mình còn yêu thích, vâng phục, tôn thờ bất cứ điều gì hơn là Chúa hay không? Nếu nhận ra bất cứ điều gì còn sót lại trong tấm lòng mình, trong đời sống mình khiến cho mình phạm tội hoặc dễ rơi vào sự vi phạm điều răn thứ nhất của Chúa thì cần nghiêm túc đến trước Chúa, mau chóng ăn năn, mau chóng từ bỏ mọi điều đó, mau chóng kêu cầu Chúa cứu mình thoát ra khỏi những điều khiến cho mình vi phạm điều răn thứ nhất. Đừng bao giờ cho rằng phạm một tội là nhỏ, là ít, vì Lời Chúa dạy rằng: “Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều, thì cũng bị tội như đã phạm hết thảy” (Gia-cơ 2:10).

Là một thiếu niên trong Chúa, các con hãy xin Chúa cho mình có cùng một tâm tình với lời khẩn xin của tác giả Thi Thiên 119:9-12:

9 Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận làm theo Lời của Ngài.

10 Tôi hết lòng tìm cầu Chúa, chớ để tôi lạc các điều răn Chúa.

11 Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa.

12 Kính tôn Ngài! Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Xin dạy tôi các luật lệ của Ngài.

Nguyện kính xin Chúa ban cho hết thảy chúng ta luôn trung tín với Chúa, chỉ tôn thờ một mình Chúa mà thôi. Nguyện mỗi chúng ta luôn ý thức rằng mọi sự mình làm ra đều ở trước mặt Chúa và chúng ta lấy lòng kính sợ Chúa, yêu mến Chúa mà vâng phục bước đi theo điều răn và luật pháp của Ngài.

Ghi Chú:

[1] https://timhieutinlanh.com/sach-cac-dieu-ran-cua-thien-chua-6/

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 5 Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời-Điều Răn Thứ Nhất”

Để lại một bình luận