Phục Truyền Luật Lệ Ký 5 Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời-Điều Răn Thứ Nhì

89 lượt xem

Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời
Điều Răn Thứ Nhì: Không Làm Tượng, Không Thờ Phượng Tượng, Không Hầu Việc Tượng

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Điều răn thứ nhì Thiên Chúa răn dạy con dân Chúa không được làm gì?
2. Em hãy nêu lên ví dụ về các hình dạng trong các tầng trời cao, trong đất thấp, trong nước, dưới đất mà Thiên Chúa cấm không được làm tượng?
3. Em hiểu như thế nào là thờ lạy tượng? Người thờ lạy tượng thì sẽ như thế nào?
4. Em hiểu những việc làm như thế nào là hầu việc tượng? Vì sao con dân Chúa không được hầu việc tượng?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Là con dân Chúa, em cần có thái độ như thế nào với hình tượng? Nêu ví dụ trong đời sống của em trong những lần em đối diện với hình tượng.
2. Em sẽ làm gì khi thấy trong đồ dùng của mình, trong nhà của mình có hình tượng?

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Điều Răn Thứ Nhì của Đức Chúa Trời được chép trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-7, và được Môi-se nhắc truyền lại cho dân I-sơ-ra-ên trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:8-10

8 Ngươi sẽ không làm tượng chạm và bất cứ hình dạng nào trong các tầng trời cao, và bất cứ hình dạng nào trong đất thấp, và bất cứ hình dạng nào trong nước dưới đất.

9 Ngươi sẽ không thờ lạy chúng nó. Ngươi sẽ không hầu việc chúng nó. Vì Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, là Thần hay ghen, phạt tội của tổ phụ trên các con cháu đến các đời thứ ba và đến các đời thứ tư, cho những kẻ ghét Ta;

10 và làm ơn đến nhiều ngàn đời cho những ai yêu Ta và giữ các điều răn của Ta.

Điều Răn Thứ Nhì của Đức Chúa Trời răn dạy loài người ba điều, đó là: không làm tượng, không thờ lạy tượng, không hầu việc tượng.

Để hiểu và vâng giữ điều răn này, chúng ta cần hiểu như thế nào là tượng, Chúa cấm không làm tượng gì, như thế nào là thờ lạy tượng và như thế nào là hầu việc việc tượng.

1. Tượng là gì?

Các hình thể được chạm trổ, điêu khắc hoặc nắn, đúc được gọi chung là tượng chạm và tượng đúc.

Chạm trổ có nghĩa là đục, khắc, tạo nên đường nét trên bề mặt vật rắn. Tượng chạm nghĩa là đục, khắc để tạo nên một hình người, hoặc hình động vật, hình tà thần. Ví dụ về tượng chạm: các bộ bàn ghế gỗ có chạm trổ các hình con rồng, các pho tượng người hoặc tà thần bằng đá bằng gỗ, trang sức vàng bạc có khắc hình con vật,… 

Đúc nghĩa là rót vật liệu ở dạng chảy lỏng vào khuôn để tạo ra sản phẩm có hình dạng theo khuôn mẫu. Tượng đúc nghĩa hình người, hình động vật, hình tà thần… được làm ra từ khuôn có sẵn. Ví dụ về tượng đúc: như ma-nơ-canh, búp bê bằng nhựa, lợn đất đựng tiền, bánh kẹo có hình thù con vật hay loài người,…

Ví dụ về việc nắn để tạo thành tượng: như dùng đất nặn để tạo thành hình người, hình các con vật,…

2. Không làm tượng.

Lời Chúa dạy chúng ta rằng:

“Đáng rủa sả thay kẻ nào làm tượng chạm hay là tượng đúc, là vật gớm ghiếc cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, công việc bởi tay người thợ, dựng nó lên trong nơi kín nhiệm!” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15a).

Chúng ta đã nhận biết như thế nào là tượng chạm, như thế nào là tượng đúc. Lời Chúa dạy rất rõ rằng, kẻ nào làm tượng chạm hay tượng đúc thì bị rủa sả. Như vậy, chỉ cần làm ra tượng thì người đó đã vi phạm điều răn thứ hai của Chúa.

Đức Chúa Trời nghiêm cấm không làm tượng bất cứ hình dạng nào trong các tầng trời cao, trong đất thấp, trong nước dưới đất. Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:15-18 cho chúng ta biết rõ về những loài mà Thiên Chúa cấm không cho phép loài người làm:

15 Vậy, các ngươi hãy cẩn thận giữ lấy linh hồn mình, vì các ngươi không thấy một hình dạng nào trong ngày Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của các ngươi, từ nơi giữa lửa phán với các ngươi, tại Hô-rếp.

16 Kẻo các ngươi làm bại hoại cho mình, và làm một hình chạm nào, hình dạng của tà thần nào, hình thể của người nam hay người nữ,

17 hình thể của con thú nào đi trên đất, hình thể của vật nào có cánh bay trên trời,

18 hình thể của loài côn trùng nào bò trên đất, hình thể của con cá nào ở trong nước dưới đất.

Như vậy, chúng ta không làm tượng chạm của bất cứ hình dạng tà thần nào, người nam hay người nữ nào. Không làm tượng chạm của hình dạng trong nơi trời cao, ví dụ: các loài chim, các loài dơi, các loài côn trùng,…. Không làm tượng chạm của các hình dạng nơi đất thấp nghĩa là trên mặt đất và trong lòng đất, ví dụ: các loài động vật, gia súc, gia cầm, các loài côn trùng,… Không làm tượng chạm của các hình dạng trong nước dưới đất, ví dụ: tôm, cá, mực, cua,… Mặc dù chúng ta chỉ thấy trong Lời Chúa nói đến hình thể của con cá nào ở trong nước dưới đất. Nhưng qua sự giảng dạy của người chăn thì chúng ta biết là danh từ cá trong tiếng Hê-bơ-rơ còn được dùng với nghĩa rộng, bao gồm tất cả các động vật trong nước. Còn các vì tinh tú như mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao; và các loài cây cối, hoa cỏ thì Thiên Chúa không cấm loài người làm tượng.

3. Không thờ lạy tượng.

Sau lời răn dạy của Chúa trong việc nghiêm cấm loài người làm ra tượng chạm, và chỉ rõ các loài không được làm tượng chạm; thì Đức Chúa Trời phán: “Ngươi sẽ không thờ lạy chúng nó”. Trong bài học về Điều Răn Thứ Nhất, chúng ta đã học biết lời giảng dạy của người chăn, “Sự thờ phượng bao gồm lòng say mê, tôn kính, tin rằng đối tượng mình thờ phượng có thể ban ơn, giáng họa cho mình, quỳ lạy đối tượng ấy, dâng lễ vật lên đối tượng ấy, cầu nguyện với đối tượng ấy, đặt để đối tượng ấy làm mục đích và sự nương cậy trong đời sống mình, và sẵn sàng hy sinh cho đối tượng ấy.” 

“Chúng nó” là các hình tượng mà Thiên Chúa cấm loài người làm ra, mà chúng ta đã học và liệt kê bên trên. Vậy, “không thờ lạy chúng nó” nghĩa là không thờ phượng, quỳ lạy các hình tượng. Bởi vì qua Lời Chúa chép trong Thi Thiên 115:4-8 cho chúng ta biết:

4 Hình tượng của chúng nó bằng bạc và vàng; là công việc của tay loài người.

5 Chúng có miệng mà chúng không nói. Chúng có mắt mà chúng chẳng thấy.

6 Chúng có lỗ tai mà chúng không nghe. Chúng có lỗ mũi mà chúng chẳng ngửi.

7 Chúng có tay nhưng không sờ chạm. Chúng có chân mà chẳng bước đi. Chúng cũng chẳng nói qua cuống họng.

8 Những kẻ làm ra chúng và bất cứ ai trông cậy chúng thì giống như chúng.

Con dân Chúa cũng không thể thờ lạy các hình tượng gọi là hình Chúa, tượng Chúa. Bởi vì Chúa phán “Các ngươi đã thấy Ta từ trên trời phán xuống cùng; vậy, chớ đúc tượng thần bằng bạc hay bằng vàng mà sánh với Ta” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:22b-23). Và “Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật” (Giăng 4:24).

4. Không hầu việc tượng.

Điều nghiêm cấm cuối cùng trong Điều Răn Thứ Nhì, đó là không hầu việc tượng. Các công việc được gọi là hầu việc tượng là: chuyên chở, trưng bày, tắm rửa, lau chùi, đánh bóng, sơn phết, sửa chữa,… Chúng ta cũng không mua bán tượng, vì chúng ta không dùng tiền là ta-lâng Chúa ban cho để mua hình tượng là thứ ô uế, gớm ghiếc trước mặt Chúa. Chúng ta cũng không buôn bán tượng vì sẽ làm cho người khác mua tượng, thờ tượng, hầu việc tượng.

Là con dân Chúa chúng ta không hầu việc hình tượng, vì chúng ta được tạo dựng nên để thờ phượng và hầu việc Thiên Chúa. Sự làm ra tượng, thờ lạy tượng và hầu việc tượng là những hành động chống nghịch Thiên Chúa, là ghét Chúa. Hình phạt dành cho những kẻ ghét Ngài là bị phạt tội của tổ phụ trên các con cháu đến các đời thứ ba và các đời thứ tư.

Hình tượng là các vật lấy làm gớm ghiếc cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, vậy nên là con dân Chúa thì chúng ta cũng tự nhiên yêu những gì Chúa yêu và ghét những gì Chúa ghét. Ngày nay, hình tượng tràn lan, khắp mọi nơi, trong các món đồ chơi, len lỏi trong các món đồ dùng học tập, đồ dùng trong gia đình,… Vì vậy, việc gặp phải hình tượng là điều khó tránh khỏi. Vậy nên, chúng ta phải giữ lòng yêu kính Chúa, luôn ghi nhớ và vâng theo điều Chúa răn dạy, tránh xa khỏi hình tượng là thứ ô uế và gớm ghiếc trước mặt Chúa.

Những hành động, việc làm của chúng ta nên làm đó là:

– Không mua bán, không mang về nhà những hình tượng, kể cả khi được cho tặng.

– Khi phát hiện trong nhà có hình tượng, trong đồ dùng học tập, trong các món đồ chơi, trong đồ đạc của gia đình thì cần hủy bỏ chúng và mang chúng ra khỏi nhà.

– Không chụp ảnh, quay phim trước các hình tượng.

– Không thăm viếng những nơi có đền, chùa, đình,… là những nơi thờ phượng tà thần và đầy dẫy hình tượng.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta được học biết và suy ngẫm về Điều Răn Thứ Hai của Đức Chúa Trời. Nguyện Chúa ban cho các bạn thiếu niên tấm lòng kính sợ Chúa cùng sự khôn sáng để giữ gìn mình luôn tránh xa khỏi hình tượng là điều mà Chúa gớm ghiếc. Nguyện xin Chúa giữ gìn các con trong sự quan phòng của Ngài!

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 5 Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời-Điều Răn Thứ Nhì”

Để lại một bình luận