Phục Truyền Luật Lệ Ký 6 Môi-se Khuyên Dân Sự Yêu Mến Kính Sợ Chúa

55 lượt xem

Môi-se Khuyên Dân Sự Yêu Mến Kính Sợ Chúa

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:
1. Tấm lòng, linh hồn và sức mạnh nghĩa là gì? (Tham Khảo https://timhieutinlanh.com/hay-trung-tin/).
2. Như thế nào là yêu Chúa với hết thảy tấm lòng, hết thảy linh hồn và hết thảy sức mạnh?
3. Môi-se khuyên dân I-sơ-ra-ên những việc làm cụ thể nào trong đời sống cần có để bày tỏ lòng yêu kính Thiên Chúa? (Từ câu 6 đến câu 25)
4. Em hãy cho biết lý do vì sao những việc làm đó lại bày tỏ lòng yêu kính Chúa?

Gợi Ý Áp Dụng:
1. Em có suy nghĩ, cảm nhận và rút ra bài học gì khi nghe Lời Chúa phán “yêu Chúa với hết thảy tấm lòng, hết thảy linh hồn và hết thảy sức mạnh của mình”?
2. Em hãy dựa trên lời khuyên của Môi-se đối với dân I-sơ-ra-ên về các việc làm cụ thể trong đời sống, để rút ra các việc làm cụ thể trong đời sống mình, sao cho đời sống mình bày tỏ ra lòng yêu kính Chúa qua từng hành động.

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Sau khi Môi-se nhắc truyền lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời cho dân I-sơ-ra-ên, khuyên họ hãy cẩn thận làm theo, thì ông tiếp tục khuyên dân sự hãy yêu mến kính sợ Chúa. Bởi một người chỉ có thể vâng giữ các điều răn của Chúa khi người đó thật lòng yêu kính Chúa. “Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề” (I Giăng 5:3). Nhưng chúng ta yêu Chúa như thế nào? Có phải là tình yêu theo cảm xúc dễ thay đổi? Có phải là tình yêu trên môi miệng và lời nói? Chúng ta hãy cùng ngồi lại học biết và suy ngẫm về lời Môi-se khuyên dân I-sơ-ra-ên và cũng chính là Lời Chúa kêu gọi chúng ta rằng:

“Ngươi sẽ yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, với hết thảy tấm lòng của ngươi, với hết thảy linh hồn của ngươi, và với hết thảy sức mạnh của ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:5).

Theo sự giải thích của người chăn, chúng ta biết, chữ “lòng” có nghĩa đen là trái tim và có nghĩa bóng là tình cảm, tức mọi cảm xúc bên trong, như: vui, buồn, giận, ghét, nghi ngờ, tin cậy, bình an, sợ hãi, lo lắng, băn khoăn… Như vậy, yêu Chúa với hết thảy tấm lòng của mình có nghĩa là mọi tình cảm và cảm xúc của chúng ta đều hướng về Chúa, chỉ trông cậy và nương dựa vào tình yêu của Ngài trên đời sống chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng ta yêu những gì Chúa yêu, ghét những gì Chúa ghét. Chúng ta vui khi thấy những việc làm công chính và đau buồn khi thấy những việc làm tội lỗi. Chúng ta tin cậy nơi mọi lời phán hứa của Chúa và đánh tan mọi sự nghi ngờ gieo rắc từ ma quỷ và thế gian. Chúng ta bình an phó thác mọi sự nơi Chúa và không còn sợ hãi hay lo lắng khi nghịch cảnh xảy đến. Chúng ta thương xót và yêu mọi người, cả kẻ thù nghịch mình thay vì ganh tị, giận ghét. Mọi cảm xúc và tình cảm trong chúng ta đều xuất phát từ lòng kính sợ Chúa, không muốn làm ra bất cứ điều gì khiến cho Chúa đau buồn, mà muốn Chúa được vui và được đẹp lòng về mình.

Theo sự giải thích của người chăn, chúng ta hiểu rằng, chữ “linh hồn” vừa chỉ bản ngã của chúng ta, vừa chỉ sự sống của chúng ta. Yêu Chúa với hết thảy linh hồn nghĩa là chúng ta không còn sống vì mình, cho mình mà chúng ta sống vì Chúa, và cho Chúa. Sống vì Chúa nghĩa là mọi sự chúng ta làm đều vì sự vinh quang của Chúa mà làm, mỗi việc làm ra đều phản chiếu tình yêu, sự công chính và thánh khiết của Chúa. “Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa” (I Cô-rinh-tô 10:31). Sống cho Chúa nghĩa là mọi sự chúng ta làm đều là để hoàn thành ý muốn tốt lành của Ngài. Ý muốn tốt lành của Ngài dành cho chúng ta đó là vâng giữ các điều răn của Ngài, vì điều đó mang lại sự bình an và hạnh phúc trong Chúa. Ý muốn tốt lành của Ngài dành cho chúng ta là sự cai trị cơ nghiệp là toàn bộ công trình sáng tạo của Ngài, mà điều đó bắt đầu từ sự chúng ta tập cai trị thân thể xác thịt của mình trong những ngày còn sống trên đất. Ý muốn tốt lành của Ngài dành cho chúng ta đó là những phần thưởng còn đến đời đời mà Ngài ban thưởng cho chúng ta mỗi khi chúng ta làm những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta trong những ngày còn ở trên đất.

Theo sự giải thích của người chăn, sức mạnh là khả năng làm việc của thân thể xác thịt. Yêu Chúa với hết thảy sức mạnh của mình nghĩa là bằng hết sức lực và khả năng của mình sao cho mỗi việc làm của chúng ta đều chiếu sáng sự vinh quang của Chúa. “Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người” (Cô-lô-se 3:23).

Như vậy, chúng ta có thể hiểu yêu Chúa với hết thảy tấm lòng, hết thảy linh hồn và hết thảy sức mạnh của mình, nghĩa là mọi cảm xúc của chúng ta đều hướng về Chúa, chúng ta luôn chọn làm theo mọi điều Chúa răn dạy, và bằng hết thảy sức lực, khả năng của mình để mỗi một việc làm luôn vì sự vinh quang của Chúa.

Câu Hỏi Tình Huống:

Bạn A đi học về đến nhà nên chỉ muốn được nằm nghỉ ngơi không phải làm gì hết. Nhưng mẹ đang bận nấu cơm nên gọi và nhờ bạn A trông em, phụ giúp mẹ dọn nhà. Bạn A không vui, cảm thấy khó chịu và nghĩ rằng mẹ không yêu thương mình nên bạn A buồn, khóc và cảm thấy tủi thân. Bạn A đến với Chúa cầu nguyện, tâm tình với Chúa và nhận thấy mình không nên buồn mà nên thương mẹ vì mẹ đang vất vả, bận rộn chăm sóc gia đình. Cũng không nên nghi ngờ mẹ không yêu thương mình, mà là do mẹ không biết mình đang có sự mệt muốn nghỉ ngơi. Bạn A nhận thấy mình nên bày tỏ lòng hiếu kính với mẹ thể hiện qua sự vâng phục mẹ, giúp đỡ mẹ, bởi mẹ cũng đã bận rộn vất vả cả ngày. Nên bạn A cầu nguyện xin Chúa thêm sức cho mình để mình có thể phụ giúp mẹ. Rồi bạn A vui vẻ đứng dậy ra phụ giúp mẹ chuẩn bị cơm tối cho cả gia đình.

Nhận định: Bạn A chưa hết lòng, hết linh hồn, hết sức mình mà yêu Chúa vì vẫn còn không vui, cảm thấy khó chịu, nghĩ rằng mẹ không yêu thương, buồn, khóc, tủi thân, về đến nhà không muốn làm việc.

Em có đồng ý với nhận định trên không? Vì sao? Nhận định của em về bạn A là gì?

Sau khi khuyên nhủ dân I-sơ-ra-ên hãy yêu kính Thiên Chúa bằng hết tấm lòng, linh hồn và sức mạnh của mình, thì Môi-se khuyên dạy dân I-sơ-ra-ên các điều sau:

1. Ân cần dạy các điều răn luật pháp của Chúa cho con cháu mình. Điều đó có nghĩa là mỗi một người dân I-sơ-ra-ên có bổn phận trong việc chăm sóc và dạy dỗ con cháu mình để chúng ghi nhớ, hiểu biết và tập rèn nếp sống vâng giữ các điều răn của Chúa. Ân cần dạy dỗ nghĩa là hướng dẫn, dạy dỗ cách chu đáo, tận tâm, tỉ mỉ và cẩn thận. Các điều răn dạy của Chúa được nói với các thành viên trong gia đình, được nói ở mọi nơi đi tới, được nói trong mỗi khi làm việc. Chúng ta hiểu rằng không phải là nói đến như một hình thức nhắc lặp đi lặp lại, mà là được thảo luận, chia sẻ, giảng dạy trong gia đình để hướng dẫn và giúp cho các thành viên hiểu cách rõ ràng mà áp dụng vào trong cuộc sống. Để mỗi nơi đi tới đều ghi nhớ làm theo điều răn của Chúa, để mỗi công việc làm đều ghi nhớ điều răn của Chúa mà cẩn thận làm theo. Hành động buộc các điều răn trên tay mình như một dấu, viết trên cột nhà, và trên các cửa bày tỏ sự tôn kính Lời Chúa, yêu mến các điều răn của Ngài, và để nhắc nhớ mỗi thành viên luôn ghi nhớ các điều răn của Chúa mà có lòng kính sợ, cẩn thận làm theo. Điều quan trọng là từ trong tấm lòng của một người luôn ghi nhớ, cất giữ và trân quý các điều răn dạy của Chúa, nên họ sẽ bằng mọi cách để nhắc mình nhớ về các điều răn của Chúa để cẩn thận làm theo. Bởi vậy mà trước khi dạy cho dân sự làm những việc đó, thì Môi-se đã nói với họ rằng: “Những lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở trong lòng ngươi.”

Bài học áp dụng: Chúng ta là con dân của Chúa có bổn phận vâng giữ các điều răn và luật pháp của Chúa, cũng luôn nhắc nhớ chính mình việc ghi nhớ mọi điều răn dạy của Chúa để dù mình ở đâu, làm gì thì cũng luôn cẩn thận làm theo điều răn của Chúa. Khi chúng ta có tấm lòng yêu mến, ghi nhớ và muốn làm theo điều răn của Chúa thì sẽ có rất nhiều cách, ví dụ như học thuộc lòng và chép câu gốc là cách mà chúng ta vẫn học câu gốc mỗi tuần; ví dụ như sự thảo luận, suy ngẫm và ghi lại ý hiểu trong một phân đoạn Thánh Kinh cũng giúp chúng ta hiểu và ghi nhớ Lời Chúa lâu hơn; ví dụ như việc chúng ta ghi chép ra giấy hoặc học thuộc câu Thánh Kinh và đọc to mỗi khi đối diện với cám dỗ phạm tội nói dối hoặc tham lam là một cách hữu hiệu giúp chúng ta khi đối diện với cám dỗ; ví dụ đang trên đường đi học chúng ta tự đọc các câu gốc trong ngày và suy ngẫm;… Chúng ta thấy có rất là nhiều cách để ghi nhớ và làm theo Lời Chúa khi một người có tấm lòng. Ngoài ra, trong gia đình các con, khi ba mẹ đều là người tin Chúa thì việc cùng thảo luận, thắc mắc hỏi ba mẹ điều nào được làm điều nào không nên làm, chia sẻ sự hiểu của mình về điều Chúa răn dạy, hướng dẫn cho các em nên làm điều nào là đúng theo Lời Chúa, ngăn chặn khi các em làm ra điều sai trật,… là những điều rất ích lợi, gây dựng, cho mỗi thành viên trong gia đình trong việc vâng giữ các điều răn dạy của Chúa vào trong đời sống.

Câu Hỏi: Em nghĩ thời gian qua, việc làm nào giúp cho mình, giúp cho các thành viên trong gia đình trong việc ghi nhớ các điều răn dạy của Chúa vào trong đời sống?

2. Giữ mình luôn ghi nhớ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng ban ơn cho mình. Môi-se khuyên dân sự khi đã vào xứ Ca-na-an, được ở trong thành lớn và tốt, có đầy đủ mọi sự cần dùng trong nhà, có sẵn giếng nước, có sẵn các cây trồng, được ăn uống no nê, được hưởng mọi thứ sắm sẵn mà mình không phải nhọc công làm ra; thì hãy giữ lấy chính mình. Điều đó có nghĩa là hãy giữ mình có lòng kính sợ Chúa, biết ơn Chúa, không quên rằng mọi điều ơn phước mà mình đang nhận được ấy là bởi Chúa đã dẫn họ ra khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô và ban cho họ đời sống ơn phước, tự do, vui thỏa trong xứ mà Ngài đã dành cho họ.

Bài học áp dụng: Chúng ta cũng cần luôn giữ lòng kính sợ Chúa, biết ơn Chúa, nhận biết rằng mọi sự tốt đẹp mình đang có, đang được hưởng là bởi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban cho chúng ta. Từ thuộc linh cho tới thuộc thể của chúng ta đều chẳng phải mình khôn sáng hay giỏi giang mà có được, bèn là bởi ơn thương xót của Ngài ban cho trên đời sống của chúng ta. Chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa, dâng mọi vinh quang lên Chúa, biết ơn Chúa khi Chúa ban cho chúng ta điều này điều kia. Đừng bao giờ vì giàu sang hay nghèo khó mà làm ra những việc sai trật, bội ơn Chúa.

“Tôi có xin Ngài hai điều. Xin chớ từ chối tôi trước khi tôi chết. Xin đem xa khỏi tôi sự tàn hại và những lời dối trá. Chớ cho tôi sự nghèo khổ hoặc sự giàu sang, nhưng xé cho tôi phần bánh đủ dùng. Kẻo khi no đủ, tôi chối bỏ Ngài mà nói rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là ai? Hoặc khi bị nghèo khổ, tôi trộm cắp mà làm ô danh Thiên Chúa của tôi.” (Châm Ngôn 30:7-9).

Những việc làm bày tỏ lòng ghi nhớ, biết ơn Chúa, đó là: cầu nguyện cảm tạ Chúa về thức ăn Chúa ban mỗi khi dùng bữa, cảm tạ Chúa và cảm ơn người mỗi khi nhận được món đồ được cho tặng, cảm tạ Chúa mỗi khi được ban cho các ơn phước,…

Câu Hỏi Tình Huống: Bạn A được ba mẹ chăm sóc rất chu đáo, luôn được đầy đủ thức ăn mỗi ngày không thiếu, quần áo mặc tươm tất, đầy đủ mọi sách vở và đồ dùng học tập. Bạn A còn được ba mẹ mua cho một chiếc xe rất đẹp và mới để đi học. Bạn bè trong lớp ai nấy đều ngưỡng mộ vì bạn A được có được ba mẹ yêu thương và có điều kiện để chu cấp cho bạn A. Bạn A rất vui mừng, tự hào và vô cùng hãnh diện vì điều đó. Bạn A thường khoe về những điều đó với bạn bè và cho rằng đó là do ba mẹ bạn A giỏi và giàu có, do bạn A ngoan nên được ba mẹ chiều. Điều đó khiến cho các bạn trong lớp càng trầm trồ về những thứ bạn A có được và ước ao mình được có bố mẹ như bạn A.

Em hãy cho biết hành động của bạn A có phải là đã không biết giữ lấy mình và đã quên Chúa không? Vì sao? Nếu là người biết giữ lấy mình và luôn ghi nhớ ơn của Chúa thì sẽ hành xử như thế nào?

3. Phải kính sợ Thiên Chúa, chỉ phụng sự Ngài, lấy danh Ngài mà thề. Môi-se khuyên dân sự giữ lòng kính sợ Chúa không đi theo thần nào khác, cho dù thấy những dân tộc khác thờ các thần của họ. Dân sự hãy trung tín với Chúa, chỉ hầu việc và phụng sự Ngài mà thôi, chớ học theo các dân tộc xung quanh mà làm ra bất cứ một việc làm nào để hầu việc các thần đó. Bởi vì Chúa là Đấng luôn ngự ở giữa họ, Ngài biết hết mọi sự, Ngài là Thần hay ghen. Nếu dân sự đổi lòng, phạm tội ngoại tình với Chúa, chối bỏ ngay điều răn thứ nhất mà Chúa dạy là hãy trung tín với Ngài, thì hình phạt của họ là bị diệt khỏi mặt đất. Hành động lấy danh Chúa mà thề bày tỏ sự tôn kính Chúa, duy chỉ đặt đức tin ở nơi Ngài mà không có một thần nào khác. Tuy nhiên trong thời Tân Ước hiện nay, con dân Chúa theo lời khuyên dạy của Đức Chúa Jesus Christ không nên thề, mà lời nói chỉ nên là phải hoặc không phải mà thôi (Ma-thi-ơ 5:33-37).

Bài học áp dụng: Là con dân Chúa ngày nay chúng ta cũng giữ lòng trung tín với Chúa, nếp sống đúng theo Lời Chúa bày tỏ ra lòng kính sợ Chúa. Vì nếu người nói tin Chúa nhưng nếp sống không theo Lời Chúa dạy thì rõ ràng người đó không có lòng kính sợ Chúa. Chỉ phụng sự Chúa nghĩa là chỉ làm ra những điều mà Chúa răn dạy trong Thánh Kinh, không làm điều gì trái nghịch Lời Chúa. Chúng ta không học theo các thói tục sai nghịch, không gây dựng, không ích lợi cho đức tin như bắt chước lời nói ngọng nghịu, cách viết làm biến dạng chữ viết, hay hành động kỳ cục của những người bạn không tin Chúa, hay của thế gian vì họ là những người thờ hình tượng, không có lòng tôn kính Chúa. 

Câu Hỏi: Các em hãy cho biết hành động bắt chước cách ăn mặc, hành động, dáng điệu, lời nói, cách hành xử của một ca sĩ có phải là theo các thần khác không? Vì sao?

4. Chớ thử Thiên Chúa, mà hãy cẩn thận giữ các điều răn, chứng cớ và luật lệ mà Ngài đã truyền cho. Môi-se nhắc cho dân I-sơ-ra-ên nhớ lại sự việc đã xảy ra tại Ma-sa, họ mới được nhận thịt và bánh từ một phép lạ của Chúa ban cho tại đồng vắng Sin, thì tới Rê-phi-đim họ lại đòi Môi-se cho nước uống. Đúng ra với lòng kính sợ Chúa, tin cậy nơi sự thành tín của Ngài và còn nhớ phép lạ mà Chúa làm ra thì họ sẽ cầu xin Chúa ban cho họ nước uống. Thế nhưng họ ra lệnh, yêu cầu Môi-se phải cho họ nước uống, và khi chưa được đáp ứng thì họ đã lập tức oán trách Môi-se. Việc làm đó của dân I-sơ-ra-ên đã thử thách sự từ ái, nhẫn nại và tình yêu của Chúa đối cùng họ. Vậy nên, Môi-se khuyên răn họ đừng bao giờ làm ra những hành động việc làm nào trong sự vô tín, bất kính đối với Chúa. Mà hãy cẩn thận giữ lấy mọi điều mà Chúa đã truyền dặn mình làm, hãy ăn ở cách ngay thẳng và tốt lành trước mặt Chúa thì họ mới được phước, được nhận xứ tốt đẹp mà Chúa ban cho, và không có kẻ thù nghịch nào. Lời Chúa dạy chúng ta rằng: “Khi tính hạnh của người nào đẹp lòng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thì Ngài cũng khiến các thù nghịch người ở hòa thuận với người.” (Châm Ngôn 16:7).

Bài học áp dụng: Là con dân Chúa chúng ta không được có thái độ bất kính đối với những người Chúa đặt để trong sự chăn dắt mình như không vâng phục, không tin cậy, nghi ngờ, yêu cầu người chăn dắt làm theo ý muốn của mình, cãi lộn, oán trách,… Khi chúng ta có nhu cầu thì trình dâng lên Chúa và xin người chăn dắt mình cầu thay, hướng dẫn và giúp cho chúng ta biết cách giải quyết nan đề theo ý Chúa. Bởi vì mỗi một hành động, thái độ, lời nói đối với người Chúa đặt để trong sự chăn dắt mình chính là chúng ta đang đối cùng với Chúa. Bổn phận của chúng ta là vâng giữ mọi điều Chúa răn dạy chúng ta cách cẩn thận, hầu cho đời sống của mình được hưởng mọi ơn phước mà Chúa đã ban cho, không phải là để chúng ta làm ra những điều bất tín, bội nghịch và thách thức Chúa.

5. Dạy cho con cháu biết nguyên cớ của sự vâng giữ các điều răn và luật pháp Chúa. Môi-se khuyên dạy dân I-sơ-ra-ên khi con cháu họ thắc mắc hỏi lý do vì sao phải vâng giữ các điều răn và luật pháp Chúa thì họ có bổn phận giảng dạy cho con cháu mình hiểu. Bởi Chúa là Đấng đã đem họ ra khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô, Ngài là Đấng quyền năng với những dấu kỳ, phép lạ mà dẫn họ đến xứ đượm sữa và mật Ca-na-an. Chính Chúa là Đấng phán truyền cho họ các điều răn và luật lệ của Ngài, để khi họ vâng theo thì được xưng là công chính trước mặt Chúa, hầu cho đời sống được phước trong xứ mà Ngài đã ban cho.

Bài học áp dụng: Chúa là Đấng đem chúng ta ra khỏi đời sống nô lệ, ban cho chúng ta những điều răn luật pháp của Ngài để khi chúng ta vâng giữ thì đời sống được tự do nhận các ơn phước của Chúa, được xưng là công chính trước mặt Chúa. Nếu ai không vâng giữ các điều răn và luật pháp Chúa thì người đó tự mình quay lại đời sống nô lệ cho tội lỗi, từ chối các ơn phước mà Chúa hứa ban cho mình, và bị kể là người không có đức tin nơi Chúa, là người không công chính trước mặt Chúa. Chúng ta cũng luôn sẵn sàng trả lời bất cứ ai hỏi chúng ta về lý do vì sao vâng giữ các điều răn của Chúa, để người nghe có dịp được biết đến Chúa và Tin Lành Cứu Rỗi của Ngài. “Hãy tôn Chúa là Đức Chúa Trời làm thánh trong lòng các anh chị em. Hãy luôn sẵn sàng để trả lời bất cứ ai hỏi các anh chị em, về nguyên cớ của sự trông cậy trong các anh chị em, cách nhu mì và kính sợ” (I Phi-e-rơ 3:15). Nếu các con là anh chị lớn trong nhà, dưới mình còn có các em nhỏ thì cũng có bổn phận giảng dạy cho các em biết lý do mình vâng giữ các điều răn và luật pháp Chúa.

Chúng ta nhận thấy Môi-se đã hướng dẫn, dạy dỗ dân I-sơ-ra-ên các việc làm trong đời sống mình cách cụ thể để bày tỏ tấm lòng yêu kính Chúa của họ. Không chỉ là yêu bằng lời nói, bằng cảm xúc, mà còn là hết cả tấm lòng mình, hết cả linh hồn mình, và hết thảy sức mạnh mình để vâng giữ và làm theo mọi điều răn dạy của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Nguyện rằng qua bài học hôm nay, mỗi chúng ta cũng luôn tra xét và nhận ra những việc làm nào trong đời sống còn chưa hết lòng, hết linh hồn, hết sức mà yêu Chúa thì mau chóng ăn năn, sửa đổi hầu cho đời sống của chúng ta được phước và được xưng là công chính trước mặt Chúa!

 

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 6 Môi-se Khuyên Dân Sự Yêu Mến Kính Sợ Chúa”

Để lại một bình luận