Giữ Sự Công Chính Khi Phán Xét – Cấm Thờ Hình Tượng
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý:
1. Sự xét đoán dựa trên điều gì được coi là công chính?
2. Thiên vị nghĩa là gì? Nêu lên ví dụ? Lời Chúa dạy thế nào về sự thiên vị?
3. Hối lộ nghĩa là gì? Nêu lên ví dụ? Lời Chúa dạy thế nào về sự hối lộ?
Gợi Ý Áp Dụng:
1. Con dân Chúa phải đối xử thế nào với mọi người để không tư vị người khác?
2. Theo em, nếu con dân Chúa mà có sự tư vị người khác, hoặc hối lộ người khác thì mang lại hậu quả gì?
Chia Sẻ:
Các bạn thiếu niên thân mến,
Hôm nay chúng ta sẽ học Phục Truyền Luật Lệ Ký 16, phần 2, với chủ đề Giữ Sự Công Chính Khi Phán Xét và Cấm Thờ Hình Tượng. Câu gốc trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:19
“Ngươi chớ làm dịch sự chính trực, chớ thiên vị ai, cũng chẳng nên nhận của hối lộ; vì của hối lộ làm cho mù mắt người khôn sáng, và làm rối lời của người công chính.”
Chúng ta biết rằng Chúa dạy dân I-sơ-ra-ên tùy theo mỗi chi phái của mình mà lập những quan án, họ sẽ chịu trách nhiệm xét đoán các sự việc của người dân. Nghĩa là khi những người dân trong chi phái đó có việc gì cần phân xử thì sẽ thưa trình lên các quan án của họ. Lời Chúa dạy những người quan án được lập lên để phán xét đó là chớ làm dịch sự chính trực, phải theo sự công chính cách trọn vẹn. Điều đó có nghĩa là các quan án phải là người kính sợ Chúa, và mọi sự phán xét phải dựa trên điều răn, luật pháp Chúa. Bởi vì “luật pháp là thánh, điều răn là thánh, công chính, và tốt lành” (Rô-ma 7:12). Bất cứ điều gì không được dựa trên điều răn, luật pháp Chúa để phân xử thì đó là sự không công chính.
Lời Chúa cũng dạy các quan án khi phán xét thì chớ thiên vị ai. Thiên vị nghĩa là thiên lệch, đối xử ưu ái với một người nào đó hơn so với người còn lại, không công bằng trong việc đánh giá hoặc giải quyết vấn đề. Trong sự giải quyết, phân xử các vấn đề đúng sai, nếu người phân xử không thật lòng kính sợ Chúa, không hoàn toàn dựa trên điều răn của Chúa để phân xử thì có thể sẽ vì người này giàu hơn mà thiên vị họ, hoặc vì người kia nghèo khổ mà quá thương nên thiên vị họ, cũng có khi vì đó là người thân quen hoặc có quyền thế nên thiên vị họ.
Lời Chúa dạy rằng:
“Ngươi chớ tư vị kẻ nghèo trong việc kiện cáo.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:3).
“Trong việc phán xét, các ngươi chớ tư vị ai; hãy nghe người hèn như nghe người sang, đừng có sợ ai, vì sự phán xét thuộc về Thiên Chúa. Bất cứ việc nào lấy làm rất khó cho các ngươi, hãy đem đến trước mặt ta thì ta sẽ nghe cho.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 1:17).
“Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi là Thiên Chúa của các thần, và Chúa của các chúa, tức là Thiên Chúa vĩ đại, quyền năng và đáng sợ, không thiên vị ai, chẳng nhận của hối lộ, bào chữa công chính cho kẻ mồ côi và người góa bụa, thương người khách lạ, ban đồ ăn và áo xống cho người.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:17-18).
Bài học áp dụng cho chúng ta vào trong đời sống, dù chúng ta có được đặt để ở trong địa vị cai trị hay được giao cho các công việc phán xét hay không, thì chúng ta cũng vẫn dựa trên điều răn của Chúa mà phân định mọi việc, đối xử với mỗi người cách công chính, không tư vị bất cứ một ai. Bởi vì Lời Chúa dạy cho chúng ta biết tư vị là phạm tội, vì tư vị là một hình thức của sự kỳ thị và luôn dẫn đến hành động bất công.
“Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Chớ có lòng tư vị bất cứ ai khi có đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, Chúa của sự vinh quang.” (Gia-cơ 2:1).
“Nhưng nếu các anh chị em tư vị người ta, thì các anh chị em phạm tội, bị luật pháp định tội như những kẻ phạm luật.” (Gia-cơ 2:9).
Ví dụ về những trường hợp tư vị: vì thấy bạn A nghèo khó lại học kém, nên không cho bạn A chơi cùng, học cùng, thảo luận cùng trong nhóm; thấy bạn B là con của gia đình giàu có và quyền thế nên không muốn giao tiếp, cùng rủ các bạn không chơi cùng bạn B; thấy A và B cùng phạm tội nhưng vì thân thiết với A hơn nên không nói đến sự A phạm tội, mà chỉ nói đến sự phạm tội của B mà thôi.
Ví dụ về những trường hợp không phải là tư vị: A ngoan ngoãn biết vâng lời nên được ba mẹ cho phần thưởng, còn B thì không được do không vâng lời; học sinh bị phạt và khiển trách do đi học muộn và xả rác bừa bãi, còn học sinh ngoan thì được khen thưởng và tuyên dương.
Lời Chúa cũng dạy rằng các quan án khi xét xử thì không nên nhận của hối lộ. Của hối lộ là những vật phẩm có giá trị, hoặc chức vụ, danh tiếng. Người hối lộ muốn trao tặng cho người xét xử, nhằm muốn trục lợi về mình, được tha tội dù đã phạm luật. Thông thường của hối lộ thường là những điều có giá trị rất lớn, nhằm mua chuộc người phân xử giải quyết các sự việc, hoặc người nhìn biết và có chứng cớ rằng mình phạm luật.
Nếu quan án trong công việc phán xét mà không giữ lòng kính sợ Chúa, lại nhận của hối lộ thì sẽ bị làm cho mù mắt người khôn sáng, và làm rối lời của người công chính. Điều đó có nghĩa là họ sẽ bị lòng tham của mình và của hối lộ nhận được làm cho không còn có sự khôn sáng mà phán xét theo điều răn của Chúa nữa, những lời nhận định và phán quyết của họ không còn theo luật pháp của Chúa nữa. Nhưng mọi sự sẽ bị sai lệch, không còn công chính trong sự phán xét, gây ra sự bất công, oan ức cho người khác.
Lời Chúa răn dạy chúng ta rằng:
“Ngươi chớ nhận của hối lộ, vì của hối lộ làm mờ mắt người thượng trí, và làm mất duyên do của kẻ công chính.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:8).
“Vậy bây giờ, phải kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, hãy cẩn thận mà làm; vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của chúng ta chẳng trái phép công chính, chẳng thiên vị người, chẳng nhận của hối lộ.” (II Sử Ký 19:7).
Phước cho người có lòng kính sợ Chúa, giữ điều công chính, không nhận của hối lộ, là sự sống đời đời.
“Người không cho vay tiền lấy lời, chẳng nhận hối lộ để hại người vô tội. Người làm các điều ấy sẽ đời đời không rúng động.” (Thi Thiên 15:5).
“Người tham lợi làm rối loạn nhà mình; còn ai ghét của hối lộ sẽ được sống.” (Châm Ngôn 15:27).
Còn hình phạt dành cho kẻ không có lòng kính sợ Chúa, nhận hối lộ, đó là:
“Đáng rủa sả thay kẻ nào nhận của hối lộ để giết người vô tội! Cả dân sự phải đáp: A-men!” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:25).
“Vì dòng dõi kẻ vô đạo không sinh sản, lửa sẽ tiêu diệt nhà trại kẻ ăn hối lộ.” (Gióp 15:34).
“Vua nhờ sự công chính mà làm nước mình vững bền; nhưng ai nhận của hối lộ hủy hoại nó.” (Châm Ngôn 29:4).
“Người gian ác nhận nhẹm của hối lộ, để làm sai lệch các lối phán xét.” (Châm Ngôn 17:23).
Cảm tạ Chúa vì Lời Ngài đã dạy dỗ chúng ta những điều nên làm và không nên làm. Nguyện chúng ta luôn ghi nhớ Lời Chúa dạy và hết lòng cẩn thận làm theo, hầu cho đời sống của chúng ta được nên thánh trọn vẹn không chỗ trách được.
One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 16 Giữ Sự Công Chính Khi Phán Xét – Cấm Thờ Hình Tượng”