Phục Truyền Luật Lệ Ký 19 Sự Ẩn Náu Khi Vô Ý Giết Người – Không Dời Mộc Giới của Sản Nghiệp

62 lượt xem

Sự Ẩn Náu Khi Vô Ý Giết Người – Không Dời Mộc Giới của Sản Nghiệp

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Như thế nào là sự vô ý làm chết người? Phân biệt với sự cố ý làm chết người?
2. Chúa muốn dân I-sơ-ra-ên để riêng thành ẩn náu cho ai, để làm gì, mục đích là gì?
3. Hãy hình dung sự không vâng theo điều Chúa răn dạy và phân tích hậu quả để từ đó nhìn thấy lợi ích của việc vâng theo điều Chúa phán trong việc biệt riêng thành ẩn náu cho những người vô ý giết người?
4. Vì sao việc biệt riêng thành ẩn náu để bảo vệ người vô ý phạm tội giết người lại được kể là thương mến Thiên Chúa, luôn đi theo đường lối Ngài?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Em có nhận biết những việc làm đối xử với người lân cận theo Lời Chúa dạy đều là yêu mến Chúa, là luôn đi theo đường lối Chúa không? Đó là những điều gì?
2. Những việc làm nào trong đời sống của em đối với mọi người thể hiện lòng thương mến Chúa, vâng theo lời Chúa?
3. Em có nhận biết những việc làm nào của mình đối cùng với mọi người mà chưa thể hiện tấm lòng thương mến Chúa, vâng theo Lời Chúa không? Em rút ra điều gì sau bài học này?

Tham Khảo: Dân Số Ký chương 35 và bài chia sẻ: https://timhieuthanhkinh.com/thieunien/2024/02/15/dan-so-ky-35-cac-thanh-cua-nguoi-le-vi-luat-ve-viec-bao-thu-mau/

Chia Sẻ:

Trong Dân Số Ký chương 35, chúng ta đã từng học biết về việc Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán dặn dân I-sơ-ra-ên, khi đi qua Sông Giô-đanh để vào xứ Ca-na-an, thì phải lựa những thành dùng để làm thành ẩn náu cho những kẻ sát nhân vì vô ý đánh chết người chạy ẩn náu mình tại đó. Có sáu thành ẩn náu, ba thành bên kia Sông Giô-đanh, ba thành trong xứ Ca-na-an. Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 19, Môi-se nhắc truyền lại mệnh lệnh đó của Chúa. Chủ đề của bài học: Sự Ẩn Náu Khi Vô Ý Giết Người – Không Dời Mộc Giới của Sản Nghiệp, với câu gốc:

“Nếu ngươi cẩn thận làm theo các điều răn này mà ta truyền cho ngươi ngày nay, tức là thương mến Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, luôn đi theo đường lối Ngài,…” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:8).

Chúng ta đã học biết rằng:

Trong 48 cái thành nhường cho người Lê-vi làm chỗ ở, có 6 cái thành được lựa ra làm thành ẩn náu. Thành ẩn náu là thành dành cho kẻ sát nhân vì vô ý đánh chết người, chạy lại đó ẩn náu mình.

“Những thành đó sẽ dùng làm thành ẩn náu để trốn khỏi kẻ báo thù máu, để cho kẻ sát nhân không chết cho đến chừng nào ứng hầu trước mặt hội chúng để chịu phán xét.” (Dân Số Ký 35:12).

Có ba thành ở phía bên kia sông Giô-đanh, và ba thành ở trong xứ Ca-na-an. Tất cả 6 thành ẩn náu này để dùng cho dân I-sơ-ra-ên, cho những người không phải dân I-sơ-ra-ên nhưng ở trong xứ, và cho luôn cả những người khách ngoại bang. 

Kẻ sát nhân tức là kẻ làm cho người khác bị chết đi, như vậy phạm tội giết người, tức là vi phạm điều răn thứ sáu của Đức Chúa Trời: “Ngươi sẽ không phạm tội giết người” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13). Nhưng sự giết người cũng chia làm hai trường hợp: một là cố ý giết người, hai là vô ý giết người.

Trường hợp cố ý giết người là dùng đồ bằng sắt để đánh người, hoặc một cục đá, hoặc cây để đánh và khiến bị chết người. Hoặc vì lòng ganh ghét mà xô lấn người, cố ý liệng vật gì trên người đó khiến cho người đó bị chết đi. Hoặc vì có thù nghịch mà đánh bằng tay khiến người đó chết đi. Đó là kẻ sát nhân chủ động và cố ý làm chết người. Trường hợp này không cho ở lại thành ẩn náu, nhưng phải nộp cho kẻ báo thù máu để bị giết đi, mạng đền mạng cho người mà mình đã làm chết. Như Lời Chúa dạy dỗ về tội sát nhân: “Người nào đánh chết một người, sẽ bị xử tử” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:12). 

Trường hợp vô ý giết người, đó là do tình cờ gây nên sự chết, vốn dĩ vẫn hòa thuận nhau, không phải thù nghịch, không có ý làm hại, vô ý liệng vật gì, làm rớt cục đá trên mình người kia và khiến họ bị chết đi. Hoặc “thí dụ, nếu người đó đi cùng kẻ lân cận mình vào rừng đốn củi, tay người đang giơ rìu ra đốn, và lưỡi rìu sút cán trúng nhằm kẻ lân cận, làm cho kẻ ấy bị chết đi” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:5a). Trong những trường hợp vô ý làm chết người, thì được trú ẩn tại thành ẩn náu, để bảo tồn sự sống mình, không bị nộp cho kẻ báo thù máu mà làm chết đi. Nhưng phải ở lại thành ẩn náu cho đến khi nào thầy tế lễ thượng phẩm đương thời qua đời thì mới được trở lại nơi sản nghiệp của họ. Trong thời gian trú ẩn, nếu kẻ sát nhân đi ra khỏi thành ẩn náu, mà kẻ báo thù máu gặp và giết người đi, thì kẻ báo thù máu không bị mắc tội. Đó là do kẻ sát nhân đã không làm theo luật định ở trong thành ẩn náu.

Như vậy, chúng ta hiểu rằng, mục đích của việc biệt riêng sáu thành làm thành ẩn náu là để máu vô tội không bị đổ ra trên xứ mà Chúa đã dành ban cho dân sự. Người vô ý làm chết người không có tội, họ cần được bảo vệ trước những người thân quen của người họ đã vô ý làm chết. Điều đó cũng là để tránh cho người thân của người bị chết nhất thời nóng giận, không kiềm chế được cơn giận mà giết người để báo thù.

Chúng ta thấy rằng, mặc dù việc biệt riêng 6 thành làm thành ẩn náu, điều đó là việc làm đối cùng với dân sự, với anh em cùng đức tin, với cả những người khách ngoại bang. Tuy nhiên lời Chúa đã khẳng định người nào cẩn thận làm theo điều răn này mà Chúa truyền dặn, thì người đó là người thương mến Chúa và luôn đi theo đường lối Ngài. Điều đó khiến cho chúng ta hiểu rằng, sự phục vụ và cách đối xử với mọi người, bày tỏ một người thật có lòng kính sợ Chúa hay không.

Lời Chúa cho chúng ta biết:

Ma-thi-ơ 22:37-40

37 Đức Chúa Jesus phán với ông: Ngươi sẽ hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà yêu Chúa, là Đức Chúa Trời của ngươi.

38 Ấy là điều răn thứ nhất và lớn.

39 Còn điều răn thứ nhì cũng {lớn} như vậy: Ngươi sẽ yêu người lân cận của ngươi như chính mình.

40 Hết thảy luật pháp và những lời tiên tri đều được treo trong hai điều răn này.

Lời Chúa cũng dạy cho chúng ta biết rằng: “Hỡi các con cái bé nhỏ, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” (I Giăng 3:18).

Như vậy, chúng ta hiểu rằng, việc xây dựng thành trú ẩn cho người vô ý làm chết người là việc làm bày tỏ tình yêu đối với người lân cận mình, vì muốn bảo vệ, cứu giúp họ. Đồng thời cũng là việc làm theo lẽ thật, bởi vì đó là lời phán dặn của Chúa. Tình yêu không phải chỉ là cảm xúc được thể hiện qua lời nói. Tình yêu còn bày tỏ bằng những việc làm theo đúng Lời Chúa dạy. Nếu dân I-sơ-ra-ên chỉ nói rằng mình yêu mến anh chị em, yêu mến người lân cận mình, nhưng không có một hành động nào cho việc bảo vệ họ trong trường hợp họ vô ý giết người; thì như vậy chỉ là yêu bằng lời nói và lưỡi, không phải tình yêu chân thật. Cũng vậy, nếu vì yêu nhưng lại không hành động theo đúng Lời Chúa dạy trong việc chọn ra thành trú ẩn, trong việc phán xét kẻ sát nhân,… theo luật định mà Chúa răn dạy, thì đó cũng không phải tình yêu chân thật. Người chỉ nói yêu nhưng không có một việc làm nào theo Lời Chúa dạy trong sự phục vụ và đối xử với người lân cận, thì là yêu trên môi miệng. Điều đó bày tỏ họ cũng chỉ yêu Chúa trên môi miệng, chứ lòng thì không thật sự yêu kính Chúa, nên chẳng có việc làm nào theo Lời Chúa dạy. Vì không có lòng yêu Chúa, không được Chúa yêu, nên chẳng thể yêu được người khác.

“Hỡi các con yêu dấu, chúng ta hãy yêu lẫn nhau; vì tình yêu thuộc về Đức Chúa Trời. Người nào yêu, thì được sinh bởi Đức Chúa Trời và biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu.” (I Giăng 4:7-8).

Qua đây, chúng ta cần có sự tra xét lại trên đời sống mình, xem sự phục vụ và thái độ của chúng ta đối cùng với anh chị em cùng Cha, với người lân cận có bày tỏ ra tình yêu của Chúa qua mình đối với họ không. 

Chúa dạy chúng ta yêu người lân cận như chính mình, và “bất cứ điều gì mà các ngươi muốn người ta làm cho các ngươi thì các ngươi cũng hãy làm như vậy {cho} họ. Vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri” (Ma-thi-ơ 7:12). Như vậy chúng ta hãy tra xem trong bổn phận của mình khi được giao phó các công việc thì đã phục vụ cách hết lòng như thể đang làm cho Chúa, có giúp đỡ, chia xẻ, bênh vực người yếu đuối hơn mình khi họ đang cần sự cứu giúp, có yêu thương, tha thứ ngay cả khi họ làm thiệt hại đến mình.

Chúa dạy chúng ta yêu anh chị em cùng Cha của mình như Chúa đã yêu chúng ta thế nào thì chúng ta cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy (Giăng 13:34). Tình yêu của Chúa đối cùng với chúng ta là tình yêu hy sinh, bằng lòng phó sự sống mình để người mình yêu được đạt đến địa vị cao trọng nhất trong Chúa. Vậy trong đời sống các con, ai là anh chị em cùng Cha của mình và đang sống gần mình nhất? Có phải là cha mẹ, là anh chị em của mình, là anh chị em trong Hội Thánh địa phương nơi các con sinh sống, là anh chị em trong toàn Hội Thánh chung? 

Khi cha mẹ đau ốm, mỏi mệt, vất vả lao động để nuôi dưỡng chúng ta thì chúng ta đã làm gì để phục vụ cha mẹ? Khi cha mẹ sai bảo và căn dặn chúng ta những điều cần làm, thì thái độ của chúng ta ra sao với cha mẹ? Chúng ta có hết lòng làm tròn bổn phận của mình trong gia đình, sốt sắng học tập và phụ giúp các công việc cho cha mẹ, để cha mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi và được vui lòng về chúng ta? Chúng ta có mau chóng và cẩn thận làm theo mọi điều khuyên dạy của cha mẹ để cha mẹ không phải lo lắng và bận tâm về mình? Chúng ta có mỗi ngày cầu nguyện cho ba mẹ để cha mẹ được khỏe mạnh trong sức khỏe thuộc thể, được vững vàng trong thuộc linh để chăm sóc và chăn dắt chúng ta?

Khi anh chị em trong nhà vừa là cùng đức tin, lại vừa là anh chị em ruột thịt trong gia đình, thì các con đã làm gì để chăm sóc cho anh chị em của mình, đã có thái độ ra sao đối với những sự lâm vấp sai phạm của các em bé nhỏ hơn mình? Chúng ta có cầu thay, có khuyên nhủ, có chỉ dạy, có nâng đỡ, khích lệ hay là tranh giành, bực bội, bỏ mặc, ghen tị lẫn nhau?

Khi anh chị em trong Hội Thánh có nan đề thì chúng ta có nhớ đến để cầu thay, và sẵn lòng trong việc cứu giúp, tiếp trợ cho anh chị em của mình? Khi họ có sự lâm vấp phạm tội thì chúng ta có giúp họ nhận ra tội lỗi, có kêu gọi họ đến sự ăn năn, có cầu thay cho họ hay chúng ta thờ ơ, không quan tâm và thấy đó không phải là việc của mình?

Lời Chúa trong Rô-ma 12:9-13 dạy cho chúng ta biết như thế nào thật là tình yêu trong Chúa:

9 Tình yêu không giả vờ; gớm ghét sự dữ; gắn bó {với} sự lành;

10 yêu quý lẫn nhau bằng tình yêu anh chị em; dẫn dắt nhau {với} sự tôn trọng;

11 chẳng lui đi trong sự sốt sắng; tâm thần nóng cháy, phụng sự Chúa;

12 vui mừng trong sự trông cậy; kiên trì trong sự hoạn nạn; bền lòng trong sự cầu nguyện;

13 chia xẻ những sự cần dùng cho các thánh đồ; theo đuổi lòng hiếu khách.

Chúa muốn chúng ta yêu thương nhau bằng tình yêu của Chúa và phục vụ lẫn nhau theo lẽ thật Lời Chúa. Chẳng những vậy, Ngài muốn chúng ta có một thái độ khiêm nhường khi phục vụ lẫn nhau.

“Nhưng sẽ không như vậy trong các ngươi. Trái lại, nếu ai muốn trở nên lớn trong các ngươi {thì} người ấy sẽ là người phục vụ của các ngươi. Nếu ai muốn trở nên đứng đầu trong các ngươi {thì} người ấy sẽ là tôi tớ của các ngươi. Cũng vậy, Con Người đã đến, không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và phó mạng sống của mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:26-28).

Câu 1: Qua bài học này, các con có nhận thấy mình còn lâm vấp, thiếu sót điều gì đối với người lân cận, đối với anh chị em cùng đức tin, mà các con nhận thấy điều đó tỏ ra mình còn chưa yêu kính Chúa không? Các con có biết mình cần phải sửa đổi thế nào không?

Câu 2: Có lời nói, việc làm nào của các con đối với người lân cận và anh chị em cùng đức tin, mà các con nhận biết điều đó các con làm vì lòng yêu kính Chúa không? Đó là điều gì? Các con cảm thấy thế nào khi nhận biết việc làm đó của mình là đúng, là đẹp lòng Chúa?

Câu 3: Điều các con thấy trong bài học hôm nay là quan trọng, ấn tượng, cần ghi nhớ để áp dụng vào trong đời sống là gì?

Cảm tạ Chúa đã ban Lời Ngài cho chúng ta được học, suy ngẫm và tra xét đời sống mình. Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và khiến cho chúng ta được nên trọn vẹn không tì không vết.

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 19 Sự Ẩn Náu Khi Vô Ý Giết Người – Không Dời Mộc Giới của Sản Nghiệp”

Để lại một bình luận