Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa

380 lượt xem

Chủ đề: Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa

Nguyễn Thị Thùy Linh

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời.
Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời.
Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa”. (Giăng 1:1).

Các con thân mến!

Trong chương trình học ở phong thiếu nhi mà cô đã tổng hợp loạt bài các lời kêu gọi của Chúa cho các con, cảm tạ ơn Chúa chúng ta cũng đã hoàn tất trước khi các con bước sang phòng nhóm thiếu niên. Sang phòng nhóm thiếu niên các con sẽ cùng cô học về bốn sách Tin Lành là Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. Chúng ta không học giống như bên thiếu nhi nữa mà chúng ta sẽ học theo chủ đề. 

Bốn sách Tin Lành xoay quanh sự kiện Đức Chúa Jesus thực hiện chương trình cứu chuộc loài người trên đất, tuy nhiên mỗi sách đều có những cách ghi chép khác nhau, nhưng tổng hợp lại thì cả bốn sách bổ trợ cho nhau, giúp cho chúng ta khi đọc nhìn tổng thể được một sự kiện đầy đủ về quãng thời gian Đức Chúa Jesus ở trên đất. 

Để chúng ta bước vào sự học về cuộc đời của Đức Chúa Jesus chúng ta cần một lần nữa học về Đức Chúa Jesus là ai, Để khi chúng ta đi sâu vào sự suy ngẫm chúng ta được thêm vững vàng trong sự hiểu biết và trong đức tin của mình.

Giống như việc chúng ta muốn mua một chiếc điện thoại để sử dụng, thì chúng ta phải tìm hiểu xem nguồn gốc của chiếc điện thoại đó nguồn gốc ở đâu, nước nào sản xuất, bảo hành bao lâu, dung lượng bao nhiêu… 

Hôm nay chúng ta cùng nhau học chủ đề: Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa. 

Về phần chủ đề hôm nay chúng ta sẽ học về thần tính của Đức Chúa Jesus, nếu để học hết về thần tính của Đức Chúa Jesus thì sẽ rất là dài, và chúng ta có học mãi học mãi cũng không thể nào hiểu hết được bởi sự mầu nhiệm đó thì quá là bao la, mà trí hiểu của loài người thì có giới hạn, cho đến khi chúng ta về với Chúa thì chúng ta mới có thể hiểu được cách tường tận, hôm nay  chúng ta sẽ học cơ bản về thần tính của Chúa Jesus, để chúng ta bước vào học về cuộc đời của Đức Chúa Jesus thi hành công cuộc cứu chuộc loài người trên đất. 

Khi chúng ta xem qua một lượt bốn sách Tin Lành chúng ta thấy mỗi một sách có một sự mở đầu khác nhau, như sách Ma-thi-ơ thì nói về gia phả của Đức Chúa Jesus Christ trước, rồi sau đó viết ngay về sự kiện Đức Chúa Jesus giáng sinh, còn sách Mác thì bắt đầu với sự chức vụ của ông Giăng Báp-tít, Lu-ca cũng bắt đầu về sự sinh ra của  Giăng Báp-tit, cuối cùng là sách Giăng bắt đầu với sự khẳng định thân vị của Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa. 

Chúng ta có thể sẽ thắc mắc tại sao bốn sách này chỉ ghi lại có một sự kiện Đức Chúa Jesus nhập thế làm người, Chúa Jesus thi hành chức vụ giảng Tin Lành, Đức Chúa Jesus chịu thương khó và Đức Chúa Jesus sống lại. Nhưng mỗi sách ghi lại cách khác nhau, cũng cùng một sự kiện đó mà bốn sách ghi lại cách khác nhau, vậy thì sách nào là đúng nhất? 

Chúng ta thử tưởng tượng trên đường có một vụ tai nạn xe xảy ra, có nhiều người chứng kiến vụ tai nạn đó và thuật lại cho chúng ta nghe, thế thì mỗi người nhìn thấy hiện trường tai nạn với thời gian và góc độ khác nhau, người thì chứng kiến từ khi anh tài xế lạc tay lái, người thì chứng kiến khi xe này vừa đâm vào xe kia, người thì chứng kiến hiện trường đã xảy ra, nhưng rốt cuộc lại cũng chỉ có một vụ tai nạn, một địa điểm và thời gian xảy ra tai nạn, vậy thì những người chứng kiến đó kể lại là kể sự thật, và khi chúng ta nghe kể lại những góc nhìn mà họ nhìn thấy đó thì chúng ta hình dung và hiểu ra được từ đầu đến cuối vụ tai nạn, và khi kể đó thì mỗi người có những cảm xúc và suy nghĩ khác nhau, nhưng bản chất sự việc thì chỉ có một mà thôi. 

Thì cũng giống như vậy, chúng ta đọc qua bốn sách Tin Lành cũng sẽ thấy mỗi sách có cách viết khác nhau, nhưng cũng cùng một sự kiện xoay quanh về Đức Chúa Jesus thi hành chức vụ trên đất. Mỗi sách sẽ giúp cho chúng ta nhìn thấy mỗi khía cạnh khác nhau, giúp cho chúng ta có được thông tin khi chúng ta đọc và tổng hợp về sự kiện có thật này một cách đầy đủ. 

Chúng ta gọi là sách Tin Lành là bởi vì sách đó nói lên sự cứu rỗi của Chúa, sự sinh ra, sự chết, sự chuộc tội của Chúa cho loài người.

Tác giả của sách Tin Lành Giăng là một trong những sứ đồ của Chúa. Ngay câu đầu tiên tác giả đã khẳng định thần tính của Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa. Nên sau khi chúng ta học bài học này, mà chúng ta nghe một giáo lý nào phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus không phải là Thiên Chúa, hay Đức Chúa Jesus chỉ là năng lực của Chúa, hay chỉ là một người bình thường, hay chỉ là một vị thần nào đó thì chúng ta biết được, đó là sự giảng dạy tà giáo. Cảm tạ ơn Chúa, với sự biết trước của Ngài sẽ có những giáo sư giả, những sự giảng dạy sai trật Thánh Kinh không công nhận thần tính của Đức Chúa Jesus mà Chúa đã thần cảm sứ đồ Giang ngay câu mở đầu của ông đã khẳng định cho chúng ta biết chắc chắn về thần tính của Đức Chúa Jesus. 

Câu gốc trong:

Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. (Giăng 1:1).

Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời.” Vào lúc ban đầu là chỉ về thời gian từ trước vô cùng, mới bắt đầu, nguyên thủy, “Hằng có Ngôi Lời” là sự thực hữu của Thiên Chúa Ngôi Lời tự có từ trước. Câu này khẳng định sự đời đời của Thiên Chúa Ngôi Lời, Thiên Chúa Ngôi Lời chính là Thiên Chúa Ngôi Hai khi nhập thế làm người xác thịt trên đất mang tên là Jesus. Chúng ta cần nhớ và phân biệt điều này. Tên Jesus là tên khi Thiên Chúa Ngôi Lời khi nhập thế làm con người xác thịt, chứ không phải từ trước vô cùng Chúa Ngôi Lời đã có tên là Jesus, danh xưng của Thiên Chúa Ngôi Lời trong thân vị Thiên Chúa là: Đấng Ta Là, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu..khi chúng ta học về ông Môi Se gặp Chúa trong bụi gai cháy trên núi, thì Ngài tự xưng Ngài là Đấng Ta Là…(Xuất Ê-díp-tô-ký 3:14).

Danh xưng Thiên Chúa hoặc Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là tên gọi chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nên khi chúng ta cầu nguyện chúng ta nói kính lạy Thiên Chúa, hay kính lạy Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là cùng lúc chúng ta thưa cùng ba thân vị Thiên Chúa. Chúng ta không cầu nguyện là kính lạy Ba Ngôi Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng ta nên mở đầu là kính lạy Đức Chúa Trời là Cha của chúng con, hoặc kính lạy Thiên Chúa yêu kính của chúng con…

Khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người thì được mang tên là Jesus, hoặc Jesus Christ

Danh xưng Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Christ có nghĩa là Đấng Cứu Rỗi. 

Khi chúng ta đọc Thánh Kinh chúng ta bắt gặp nhiều danh xưng chỉ về Thiên Chúa Ngôi Lời như các danh xưng; Đức Chúa Con, Thiên Chúa Ngôi Hai, Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Christ, Vua Trên muôn Vua, Con Người, Ngôi Lời…

Ngôi Lời ở trong Giăng 1:1 chỉ về chính thân vị thần tính của Đức Chúa Jesus, nếu chúng ta hiểu theo nghĩa tổng quát thì Ngôi Lời cũng có thể hiểu là Lời của Đức Chúa Trời, Lời của Đức Chúa Trời là toàn bộ những gì được chép trong Thánh Kinh

 “Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa”. 

Như chúng ta vừa học qua, Ngôi Lời chính là Thiên Chúa, Đức Chúa Trời cũng là Thiên Chúa, vậy câu “hằng có cùng” Đức Chúa Trời cho chúng ta hiểu thêm một điều nữa đó là Ngôi Lời bình đẳng, bình quyền với Đức Chúa Trời, “Hằng có” và “Hằng là” chỉ về sự Ngài tự có, hiện có và sẽ mãi có. 

“Theo định nghĩa của Thánh Kinh, Thiên Chúa là Đấng tự có và có mãi. Ngài là Đấng sáng tạo nên muôn loài vạn vật, gọi là Đấng Tạo Hóa. Ngài là toàn năng, toàn tri, toàn ái, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ, vì thế, Ngài toàn tại”. [1]

Khi Đức Chúa Jesus thi hành giảng Tin Lành và chịu thương khó thì Ngài hoàn toàn là người. Bằng xương, bằng thịt, Ngài cũng biết đói, biết khát, biết buồn, biết khóc. Ngài cũng phải được sinh ra và lớn lên như loài người, cũng phải học hỏi, trau dồi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời như loài người, đó là về nhân tính của Ngài bị giới hạn trong xác thịt. Tuy nhiên về thần tính thì Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa, nhưng Ngài bằng lòng chịu bị giới hạn trong thân xác con người Jesus để hoàn thành công cuộc cứu chuộc loài người.  Trong con người Jesus vẫn có thần tính vì Ngài là Thiên Chúa thành người, nhưng Ngài không thể hiện ra. Những lúc Chúa Jesus  làm phép lạ, chữa bệnh, đuổi quỷ, gọi người chết sống lại…là những lúc được Đức Thánh Linh ban cho năng lực cách đầy trọn.  Sau khi Đức Chúa Jesus sống lại thì lúc đó Ngài đã trở nên siêu nhiên, siêu vật chất, Ngài được Đức Chúa Trời phục hồi thân vị Thiên Chúa và được ban cho danh hiệu “Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 1:8).   Ngài vừa mang nhân tính, lẫn thần tính, đây là đều rất mầu nhiệm. Ngài còn là Đấng Trung Bảo. 

“ Vì {có} một Thiên Chúa và {có} một Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người: Người Christ Jesus!” (I Ti-mô-thê 2:5).

Nhưng giờ đây, Ngài đã được một chức vụ cao trọng hơn nhiều. Ngài cũng là Đấng Trung Bảo của một giao ước tốt hơn, {là} sự được phê chuẩn bởi luật pháp trên những lời hứa tốt hơn. (Hê-bơ-rơ 8:6).

Bởi đó, Ngài là Đấng Trung Bảo của Giao Ước Mới để sự chết {của Ngài} trở thành sự cứu chuộc những sự vi phạm dưới giao ước trước, {để} những ai đã được kêu gọi {thì} họ nhận được lời hứa về cơ nghiệp vĩnh hằng. (Hê-bơ-rơ 9:15).

{gần} Đức Chúa Jesus, Đấng Trung Bảo của giao ước mới; và {gần} máu rưới ra, {máu đó} nói tốt hơn {máu} của A-bên. (Hê-bơ-rơ 12:24).

Trong bài giảng của Bác Tim chú giải Hê-bơ-rơ 8:6 giải thích cho chúng ta hiểu thêm về Đấng Trung Bảo như sau: [2]

“Chức vụ cao trọng hơn nhiều là chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm đời đời trong Đền Thờ Thiên Chúa do chính Thiên Chúa dựng nên. Ngoài chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm đời đời, Đức Chúa Jesus Christ còn là Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người; vì Ngài đứng ra bảo lãnh cho giao ước giữa Đức Chúa Trời và loài người:

  • Ngài bảo đảm với loài người rằng, nếu loài người vâng phục Đức Chúa Trời thì mọi lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ được hoàn thành cho loài người.
  • Ngài bảo đảm với Đức Chúa Trời rằng, tất cả mọi tội lỗi do chúng ta làm ra đều được chất hết trên thân thể của Ngài. Ngài vui lòng gánh thay hình phạt cho mọi tội lỗi của loài người”.

Ngày Đức Chúa Jesus Christ đến đem chúng ta về với Chúa ngày ấy chúng ta, những con dân chân thật của Ngài cũng sẽ được biến hóa một thân thể siêu nhiên. 

Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa. (I Cô-rinh-tô 15:52)

Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt của chúng ta trở nên giống như thân thể vinh quang của Ngài, y theo sự tác động của năng lực mà Ngài bắt muôn vật phục chính Ngài. (Phi-líp 3:21)

Chúng ta nên nhớ, Chúa sẽ biến hóa thân thể xác thịt của chúng ta trở nên giống như thân thể vinh quang của Ngài không có nghĩa là chúng ta trở thành Thiên Chúa, chúng ta vẫn là vật thọ tạo do Chúa làm ra, Chúa biến hóa thân thể xác thịt của chúng ta để chúng ta được ở bên cạnh Ngài, được nhìn thấy Ngài tận mắt, được đồng trị với Ngài, Chúa đi đâu thì chúng ta theo đó, nhưng chúng ta không phải trở thành Thiên Chúa. Chúng ta không thể mang lấy xác thịt hay chết này, tội lỗi này mà gặp Chúa hay ở cùng Chúa được. 

Kết luận cho bài học hôm nay cho chúng ta biết rằng, Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã bằng lòng chịu bị giới hạn trong thân xác con người mang tên Jesus. Về nhân tính Ngài cũng giống như loài người chúng ta, bị giới hạn trong thân thể, giới hạn trong năng lực,  về thần tính Ngài là Thiên Chúa, tự có, đã có và sẽ mãi có. Ngôi Lời là danh xưng chỉ về thân vị của Đức Chúa Jesus Christ.

Chúng ta kết thúc bài học tại đây, Cảm tạ Thiên Chúa Ngôi Lời đã vì tội lỗi của chúng ta mà bằng lòng trở nên một con người bị giới hạn trong xác thịt, bằng lòng từ bỏ địa vị cao trọng là Thiên Chúa vì tình yêu của Ngài cho loài người. Nguyện mọi năng quyền, mọi lời chúc tụng, mọi vinh quang quy thuộc về Ngài. A-men!

Nguyện xin Đức Thánh Linh dạy dỗ, dẫn dắt chúng ta, ban cho chúng ta có sự khôn sáng trong sự hiểu biết Lời Chúa, xin Chúa ban cho chúng ta được vui thỏa, phước hạnh khi học biết về Ngài. 

Ghi chú:

[1] Thiên Chúa: 07_Thân Vị, Nhân Tính, Thiên Tính, và Thần Tính của Đức Chúa Jesus Christ

https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-07_than-vi-nhan-tinh-thien-tinh-va-than-tinh-cua-duc-chua-jesus-christ/

[2]  Chú Giải Hê-bơ-rơ 8:1-13 Đền Thờ Trên Trời Giao Ước Mới Tốt Hơn Giao Ước Cũ https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-he-bo-ro-0801-13-den-tho-tren-troi-giao-uoc-moi-tot-hon-giao-uoc-cu/

Để lại một bình luận