Đức Chúa Jesus Chữa Lành Hai Người Mù và Người Câm
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các con thân mến
Hôm nay chúng ta tiếp học về phép lạ của Đức Chúa Jesus. Chúng ta học đến bài: Đức Chúa Jesus Chữa Lành Hai Người Mù và Người Câm.
Câu chuyện này chỉ được một sách Tin Lành ghi lại đó là sách Ma-thi-ơ.
Ma-thi-ơ 9:27-34
27 Đức Chúa Jesus đã đi khỏi đó. Có hai người mù đã theo Ngài mà kêu rằng: Hỡi con cháu của Đa-vít! Xin thương xót chúng tôi!
28 Khi Ngài vào đến trong nhà, các người mù đã đến với Ngài. Đức Chúa Jesus phán với họ: Các ngươi tin rằng, Ta có thể làm được? Họ thưa {với} Ngài: Lạy Chúa, được!
29 Vậy, Ngài đã chạm vào mắt họ, phán: Theo đức tin của các ngươi, điều ấy được thành cho các ngươi.
30 Mắt của họ đã mở ra. Đức Chúa Jesus đã nghiêm phán với họ: Hãy giữ, đừng cho ai biết!
31 Nhưng họ đã đi, đồn về Ngài trong khắp cả xứ đó.
32 Khi họ đã đi khỏi, kìa, người ta đã đem tới cho Ngài một người câm bị quỷ ám.
33 Khi quỷ đã bị đuổi ra, người câm đã nói được. Các đám dân đông lấy làm lạ, nói: Không hề thấy sự như vậy trong I-sơ-ra-ên.
34 Nhưng những người Pha-ri-si đã nói: Ngài đuổi các quỷ bởi chúa quỷ.
Bây giờ thì chúng ta cùng nhau suy ngẫm các điểm cần chú ý trong câu chuyện này. Đọc qua câu chuyện chúng ta thấy Chúa Jesus đã làm ra hai phép lạ chữa bệnh cho hai người mù và đuổi quỷ cho một người câm.
Về phía hai người mù có lẽ họ đã bị bệnh bẩm sinh, Thánh Kinh không nói rõ lý do họ bị mù hay đã bị mù bao nhiêu năm. Có lẽ hai người mù này nghe đồn có một người tên là Jesus chữa lành được các tật bệnh cách siêu nhiên nên họ đã đi theo Ngài để cầu xin Chúa chữa lành cho mình.
Phép lạ thứ hai là Chúa Jesus chữa lành cho người bị câm vì bị quỷ ám. Người câm này do người khác đem tới cho Chúa Jesus. Chúng ta có thể hiểu rằng tà linh trong người đó đã khiến cho người đó bị câm không nói được.
Câu chuyện này có các chi tiết để chúng ta suy ngẫm đó là.
- Hành động của hai người mù
- Phép lạ chữa lành của Chúa Jesus.
- Ma quỷ có thể gây bệnh tật cho con người.
Hành động của hai người mù đó là họ đã đi theo Chúa Jesus và chủ động nài xin sự chữa lành. Họ đã không nói rằng, xin Chúa hãy chữa lành cho tôi, mà họ xin rằng xin thương xót tôi. Lời này đáng cho chúng ta phải suy ngẫm.
Cách nói của hai người mù này thể hiện tấm lòng muốn chữa lành nhưng họ không dám bảo Chúa làm ra sự chữa lành cho mình mà họ xin Chúa thương xót họ. Lời cầu xin thể hiện sự hạ mình cầu xin được cứu giúp.
Ngày nay mỗi chúng ta ai cũng có nan đề trong đời sống của mình. Cơm ăn, áo mặc, sức khỏe, học hành, công việc… Khi đối diện với những nan đề đó chúng ta đã dâng trình lên Chúa như thế nào? Có bảo Chúa hãy làm điều này, điều kia cho mình hay không hay chúng ta đã giống như hai người mù này cầu xin sự thương xót của Thiên Chúa.
Thật ra Thiên Chúa là Đấng Toàn Tri Ngài biết hết những nhu cầu trong đời sống của chúng ta. Ngài biết chúng ta cần gì, thiếu gì, đau yếu ở đâu, khó khăn chỗ nào. Thậm chí trước khi chúng ta cầu xin thì Chúa cũng đã biết rõ.
1 Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài đã dò xét tôi và Ngài biết!
2 Ngài đã biết sự ngồi xuống của tôi và sự đứng dậy của tôi. Từ xa, Ngài đã hiểu rõ ý tưởng của tôi.
3 Ngài xét nét lối đi của tôi và sự nằm xuống của tôi. Ngài quen biết mọi hành trình của tôi.
4 Vì chưa có một lời trên lưỡi của tôi… Kìa! Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài đã biết hết thảy! (Thi Thiên 139:1-4)
Khi chúng ta cầu xin Chúa thương xót là chúng ta đang muốn Chúa cứu giúp chúng ta trong nan đề mà chúng ta sắp sửa trình dâng. Cầu xin Chúa thương xót là lời cầu xin không phải ra lệnh mà sự cầu xin trông chờ vào tình yêu, sự từ ái, sự thương cảm của Thiên Chúa thương đoái hoài đến mình. Ngày nay có những người, những giáo hội họ cầu xin Chúa như ra lệnh cho Chúa, hãy làm điều này, điều kia cho mình. Thái độ sai khiến phạm thượng đối với Thiên Chúa. Chúng ta cần có thái độ kính sợ, run rẩy khi ra mắt Thiên Chúa cầu xin sự thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta tùy lòng thương cảm của Ngài. Tuyệt đối không được lớn tiếng, như ra lệnh cho Chúa phải làm điều này, điều kia cho mình.
Ở hai người mù này có hai điều chúng ta cần học hỏi, noi gương đó là đức tin của họ và sự nài xin hạ mình của họ trước Chúa Jesus. Nhờ đức tin mà họ đã được chữa lành. Nhưng điều chúng ta cần tránh đó là sự không vâng lời của họ. Đức Chúa Jesus đã không cho họ nói sự đó với ai thì họ lại đi đồn ra khắp xứ.
Đây lần thứ hai chúng ta học về các phép lạ của Chúa Jesus mà Chúa Jesus không cho người được chữa lành nói với ai. Tuy nhiên họ đã không nghe lời mà đi đồn ra khắp nơi. Chúng ta có thể hiểu cho họ rằng vì được chữa lành nên họ đã quá vui mừng mà đi đồn ra, có thể họ nghĩ rằng họ chia sẻ niềm vui hay là giới thiệu về tài năng chữa bệnh của Chúa Jesus để cho Ngài được nổi tiếng, hay vì lý do nào đó mà họ nghĩ rằng điều đó là tốt.
Tuy nhiên cho dù là lý do gì thì đó là việc làm không vâng lời. Việc làm theo ý riêng chứ không phải ý Chúa. Ngày nay con dân Chúa vẫn có rất nhiều người sống như vậy, làm theo ý riêng mình cho là phải. Làm theo ý mình muốn. Đó là sự hầu việc Chúa, sống theo ý riêng mà không phải là ý Chúa muốn họ làm. Làm sao để chúng ta phân biệt đâu là ý riêng và đâu là ý Chúa. Ý Chúa là tất cả tóm gọn trong các điều răn và những lời dạy dỗ trong Thánh Kinh. Ý Chúa còn là sự Ngài phán bảo riêng trong tâm thần của một người. Ví dụ Chúa muốn người đó ra đi rao giảng Tin Lành, muốn người đó chịu khổ vì Tin Lành… Mà việc làm của người đó sẽ đem lại kết quả, gây dựng, ích lợi cho người khác và cho chính bản thân người ấy. Ý riêng là sự mình làm theo điều mình thích, mình muốn làm rồi tìm những câu Thánh Kinh, những lời dạy của người chăn để hợp thức hóa cho hành động của mình. Hoặc cho rằng Chúa cảm động mình làm. Nhưng việc làm đó không đem lại kết quả tốt, không gây dựng, ích lợi cho Hội Thánh và ngay cả chính người làm theo ra các việc ấy. Ví dụ như một người không được Chúa kêu gọi phải sống độc thân để ra đi rao giảng Tin Lành mà người đó tự nghĩ làm như vậy là tốt thì gắng sức mình sống độc thân. Tuy nhiên khi cám dỗ và sự tham muốn tình dục đến thì không thắng được. Bởi vì làm không bởi ý Chúa thì Chúa không thêm sức, bảo vệ, ban ơn cho người ấy có thể sống độc thân. Nói tóm lại ý riêng là những việc làm mà Thiên Chúa không phán bảo mình, không muốn mình làm mà mình tự ý làm, làm ngược lại với ý Chúa như trường hợp của hai người mù trong câu chuyện này đã không vâng lời Chúa mà đi đồn sự việc được Chúa chữa lành ra khắp xứ.
- Phép lạ của Chúa Jesus.
Lần này cũng là một phép lạ siêu nhiên, sự chữa lành một cách tức thì. Có kèm theo hành động là chạm vào mắt người mù và phán. Chúng ta có thể tin rằng nếu Chúa Jesus không chạm vào mắt người mù nhưng chỉ cần một lời phán thôi thì người ấy cũng sẽ được lành. Tuy nhiên phương cách, hành động qua mỗi sự chữa lành là sự lựa chọn của Chúa Jesus. Ngài muốn thể hiện như thế nào là tùy ý Ngài. Chắc chắn mỗi hành động mà Chúa Jesus làm ra đều có một ý nghĩa của nó mà chúng ta không thể hiểu thấu được.
- Ma quỷ có thể gây ra bệnh tật cho con người.
Chúng ta suy ngẫm đến phép lạ thứ hai mà Chúa Jesus làm ra cùng lúc ấy đó là đuổi quỷ khiến cho người câm nói được. Chúng ta có thể hiểu rằng tà linh trong người bị ám đó đã làm cho người ấy bị câm. Qua đây chúng ta hiểu rằng ma quỷ có thể gây ra những bệnh tật cho một người như nó đã từng gây ra bệnh tật cho ông Gióp. Làm cho một người bị câm và điếc. Chúng ta thấy ma quỷ vẫn có thể làm ra các phép lạ siêu nhiên trong giới hạn của nó.
Suy ngẫm đến đây cô thấy rằng, ma quỷ có thể làm cho một người bị câm, đui mù thuộc thể thì nó cũng làm cho một người bị đui mù thuộc linh. Làm cho người ấy không còn nhận biết Thiên Chúa để thờ phượng, còn người biết Chúa, tin Chúa mà phạm tội thì cũng không còn có sự khôn sáng để nhận ra vấn đề thuộc linh bất ổn của mình. Vì khi một người phạm tội không ăn năn sẽ không được sự bảo vệ của Chúa, không còn được Chúa soi dẫn nữa, ma quỷ lúc này sẽ tha hồ gieo rắc, dẫn dụ, che mắt thuộc linh của họ không còn nhìn thấy điều đúng đắn theo Lời Chúa nữa.
Cách thức để chúng ta luôn được sự soi dẫn, bảo vệ của Thiên Chúa đó là luôn sống và làm theo Lời Chúa. Khi lỡ phạm tội phải lập tức ăn năn ngay.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus.
Câu hỏi gợi ý suy ngẫm:
* Đối tượng được chữa lành trong câu chuyện là những ai?
* Đức Chúa Jesus đã chữa lành như thế nào? Có gì khác với các phép lạ trước?
* Trong hai lần chữa lành này em thấy có điểm nào cần suy ngẫm?
* Em liên hệ được điều gì về cuộc đời theo Chúa hiện nay?
* Em rút ra được bài học gì qua phép lạ chữa lành lần này?