Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời
Điều Răn Thứ Mười: Không Tham Muốn Những Gì Không Thuộc Về Mình
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý:
1. Em hiểu điều răn thứ mười Chúa dạy chúng ta điều gì? Có phải khi có những ý tưởng ham muốn sai trái thì đã vi phạm điều răn thứ mười?
2. Điều gì khiến cho một người trở nên tham muốn những thứ không thuộc về mình? Sự tham muốn những thứ không thuộc về mình có thể dẫn đến hậu quả gì?
3. Con dân Chúa làm thế nào để không tham muốn những điều thuộc về người khác?
Gợi Ý Áp Dụng:
1. Em có thỏa lòng và trân trọng mọi thứ Chúa đã ban cho mình không? Điều đó được bày tỏ ra như thế nào trong đời sống của em?
2. Có khi nào em nhận thấy mình có sự tham muốn điều gì không? Khi đó em đã làm như thế nào?
Chia Sẻ:
Các bạn thiếu niên thân mến,
Hôm nay, chúng ta sẽ cùng học về Điều Răn Thứ Mười của Đức Chúa Trời: Không Tham Muốn Những Gì Không Thuộc Về Mình. Điều răn này được chép trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17, và trong bài giảng thứ nhì của Môi-se cho dân I-sơ-ra-ên, thì ông đã nhắc truyền lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21.
Điều Răn Đức Chúa Trời phán truyền cho dân sự:
“Ngươi sẽ không tham muốn nhà kẻ lân cận của ngươi. Ngươi sẽ không tham muốn vợ kẻ lân cận của ngươi, hoặc tôi trai, hoặc tớ gái, hoặc bò, hoặc lừa, hoặc bất cứ điều gì thuộc về kẻ lân cận của ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17).
Khi Môi-se nhắc truyền lại cho dân I-sơ-ra-ên:
“Ngươi sẽ không tham muốn vợ kẻ lân cận của ngươi. Ngươi sẽ không tham lam nhà kẻ lân cận của ngươi, hoặc ruộng đất, hoặc tôi trai, hoặc tớ gái, hoặc bò, hoặc lừa, hoặc bất cứ điều gì thuộc về kẻ lân cận của ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21).
Chúng ta thấy khi Môi-se nhắc truyền lại cho dân sự, thì thứ tự của hai ý vợ kẻ lân cận, và nhà của kẻ lân cận có sự khác nhau. Cũng như có thêm từ “ruộng đất” được thêm vào. Đây không phải là sự thêm bớt Lời Chúa khiến cho Lời Chúa bị thay đổi ý nghĩa, nội dung, hoặc khiến cho bị sai trật đi điều mà Chúa muốn truyền dạy loài người. Chúng ta nhận thấy nội dung và ý nghĩa của điều răn thứ mười không hề thay đổi. Khi Môi-se trích dẫn lại Lời Chúa thì có sự khác một chút về từ ngữ trong câu, cũng như các điều răn mà ông đã trích dẫn lại như điều răn thứ tư, thứ năm. Giống như ngày nay, khi chúng ta đang học và thảo luận về Lời Chúa, thì chúng ta nói lên Lời Chúa sẽ có sự khác một chút về từ ngữ.
Điều Răn Thứ Mười Chúa dạy chúng ta không tham muốn vợ kẻ lân cận, nhà của kẻ lân cận, tôi trai tớ gái, bò lừa, và ruộng đất của kẻ lân cận, cùng bất cứ điều gì thuộc về kẻ lân cận. Từ ngữ “ruộng đất” thêm vào trong câu không khiến cho ý nghĩa của điều răn thứ mười bị thay đổi, bởi vì ruộng đất cũng là một trong những thứ thuộc về bất cứ điều gì thuộc về kẻ lân cận. Như vậy, ý nghĩa chính của điều răn thứ mười Chúa dạy chúng ta, đó là không tham muốn bất cứ điều gì không thuộc về mình.
Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng phân biệt “ham muốn” và “tham muốn”. Theo sự giảng dạy của người chăn, chúng ta biết rằng, lòng ham muốn là sự Chúa ban cho chúng ta và không có gì sai. Vì nếu chúng ta không có lòng ham muốn thì sẽ không biết ham muốn Chúa, Lời Chúa, những sự công chính, thánh sạch, không biết ham muốn sống đời sống phước hạnh trong Chúa và đẹp lòng Chúa. Tuy nhiên, khi một người có lòng ham muốn nhưng lại thiếu sự nhận biết Chúa, kính sợ Chúa thì điều này sẽ dẫn đến sự tham muốn.
Ví dụ như khi một người ham muốn được có đồ ăn, đồ mặc được no đủ thì không sai. Tuy nhiên, nếu không có lòng kính sợ Chúa thì sẽ dễ dẫn đến những ý tưởng sai trái như làm ăn phi pháp, hoặc trộm cắp tài sản của người khác, lừa dối người khác để được thỏa mãn nhu cầu của mình. Ví dụ khi một người ham muốn được hiểu biết Lời Chúa thì không sai, nhưng nếu không có lòng kính sợ Chúa thì dễ dẫn đến những ý tưởng như lấy sự hiểu biết của người khác biến thành sự hiểu biết của mình. Khi đó thì lòng ham muốn đó đã trở thành tham muốn, vì có chứa lòng tham trong đó và có ý thực hiện nó cách không chính đáng. Như vậy tất cả những sự ham muốn không chính đáng đều được gọi là tham muốn.
Điều răn thứ mười không cấm chúng ta có lòng ham muốn, mà cấm chúng ta ham muốn những gì thuộc về người khác. Bởi đó là sự tham muốn sai trật, và sẽ dẫn chúng ta đến những tư tưởng sai trái và hành động phạm tội vi phạm các điều răn của Chúa. Lời Chúa cho chúng ta biết: “Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, làm chứng dối, và phạm thượng.” (Ma-thi-ơ 5:19).
Chúng ta đã học biết người lân cận của mình là bất cứ ai chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống, hoặc sống gần với chúng ta. Vậy điều răn thứ mười Chúa dạy chúng ta không được tham muốn bất cứ điều gì thuộc về người khác. Nghĩa là từ trong tư tưởng, suy nghĩ không có sự khao khát muốn chiếm lấy, muốn sở hữu những thứ không thuộc về mình.
Điều răn thứ mười nêu lên sáu phương diện mà có thể khiến cho một người ham muốn bất chính dẫn đến sự phạm tội.
- Phương diện thứ nhất: Ham muốn chồng hoặc vợ của người khác. Sự ham muốn chồng hay vợ người khác không chỉ liên quan đến tính dục, sắc đẹp, mà còn vì cá tính, học thức, địa vị, nếp sống của người đó. Nếu chúng ta tôn trọng người khác như Lời Chúa dạy hãy xem mọi người là tôn trọng hơn chính mình, và nếu chúng ta quý mến người khác như Lời Chúa dạy yêu người lân cận như chính mình; thì điều đó không sai. Bởi đó là tình cảm xuất phát từ tình yêu chân thật, ngay thẳng trong Chúa. Nhưng sẽ sai nếu chúng ta nổi lên lòng tham muốn sở hữu những điều tốt đẹp của họ, muốn họ trở thành của mình.
- Phương diện thứ nhì: Ham muốn gia đình của người khác. Không chỉ là không ham muốn nhà ở của người lân cận, mà còn là không có ý định ham muốn sở hữu bất cứ điều gì thuộc về gia đình của họ, như cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, và tất cả mọi vật dụng trong gia đình.
- Phương diện thứ ba: Ham muốn phương tiện sinh sống của người khác. Ruộng đất là nền tảng cho việc chăn nuôi và trồng trọt, đem lại sự sống cho loài người. Từ nơi ruộng đất mà có thực phẩm như: thịt, trứng, ngũ cốc, rau màu, hoa quả,… Ruộng đất không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn cung cấp nguồn lương thực. Vì vậy, ruộng đất tiêu biểu cho những gì liên quan đến nghề nghiệp và phương tiện sinh sống.
- Phương diện thứ tư: Ham muốn nhân lực của người khác. Tôi trai, tớ gái chỉ về những nô lệ được chủ bỏ tiền ra mua về, hoặc những người được thuê mướn về để làm việc. Vì thế, chúng ta không được có lòng ham muốn sở hữu nhân lực của người khác, như ngày nay chúng ta gọi là người làm, công nhân, người giúp việc.
- Phương diện thứ năm: Ham muốn tài sản của người khác. Bò và lừa tiêu biểu cho tài sản, vật lực. Vậy nên, chúng ta không được ham muốn tài sản, vật lực của người khác, như nhà cửa, đất đai, xe cộ, máy móc, tiền bạc,…
- Phương diện thứ sáu: Ham muốn bất cứ điều gì thuộc về người khác. Ngoài năm phương diện được liệt kê để giúp cho chúng ta hiểu, thì điều răn thứ mười Chúa dạy chúng ta không được ham muốn bất cứ một điều gì thuộc về người khác. Điều này áp dụng cho tất cả mọi thứ mà người khác sở hữu, không chỉ giới hạn trong những thứ đã nêu.
Do đó, chúng ta cần có sự tra xét chính mình, xem trong lòng mình còn có sự ham muốn, khao khát sở hữu bất cứ điều gì thuộc về người khác hay không? Mọi sự ham muốn bất chính, sai trật cần phải đem xa ra khỏi đời sống của con dân Chúa, vì đó là sự phạm tội, sẽ khiến cho đời sống bị mất phước. Con người cũ xác thịt rất nhiều sự ham muốn, theo đuổi những thứ thuộc về người khác. Nhưng con người mới trong Chúa thì luôn vui thỏa, thỏa lòng với những điều Chúa ban cho mình.
Khi chúng ta có lòng luôn tìm kiếm Chúa, biết ơn Chúa, thỏa lòng với những điều Chúa ban cho mình, chăm xem những ơn phước mà Chúa đã ban cho mình, vui thỏa, trân trọng, bảo vệ, chăm sóc, nâng niu những điều về mình; thì chúng ta không còn lòng ham muốn những thứ thuộc về người khác.
“Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn. Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi. Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.” (I Ti-mô-thê 6:6-8).
Chúng ta nên vui thỏa và nhận biết các ơn phước Chúa ban cho mình, như có cha có mẹ để được chăm sóc và yêu thương, có những bữa cơm no bụng, có quần áo đủ giữ ấm cơ thể. Hãy chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ, và sử dụng những điều Chúa đã ban cho mình với lòng vui thỏa, biết ơn. Chỉ khi nào chúng ta biết thỏa lòng với những điều Chúa ban cho mình thì mới có thể giữ lòng mình không có sự tham muốn những điều thuộc về người khác.
Cách chúng ta đối xử và sử dụng những điều, những vật, những người thuộc về mình, sẽ bày tỏ ra mình có thỏa lòng với những điều Chúa ban cho hay không. Ví dụ như một người thường hay phàn nàn đồ ăn cha mẹ nấu, không thích ăn, hoặc thường không bảo quản những đồ dùng ba mẹ mua cho mình do đồ đó không đẹp, không đúng với ý thích của mình. Như vậy, người đó đã không thỏa lòng với những điều Chúa ban cho mình qua cha mẹ. Khi không có sự thỏa lòng thì dễ sinh ra lòng ham muốn những điều thuộc về người khác như đồ dùng đẹp của bạn bè, những món ăn ngon mà họ được thưởng thức.
Nếu Chúa cho phép chúng ta trải qua thời gian tạm thời thiếu thốn đồ ăn, đồ dùng, những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống như quần áo mặc, thuốc để chữa bệnh, thì chúng ta trình dâng và cầu xin với Chúa. Thay vì than van, kể khổ, hay so sánh với điều kiện của người khác. Bởi điều đó sẽ sinh ra lòng tham muốn những điều thuộc về người khác.
Vậy, qua bài học ngày hôm nay, chúng ta cùng tra xét lại chính mình và qua đời sống của mình để nhận biết việc làm nào bày tỏ ra sự chưa thỏa lòng với những điều Chúa ban cho mình, còn điều gì nhen nhóm trong lòng sự ham muốn những điều thuộc về người khác. Nếu có thì cần mau chóng ăn năn từ bỏ, để ngăn chặn những điều sai trật, phạm tội với Chúa ngay từ trong tư tưởng của mình. Hầu cho chúng ta được đẹp lòng Chúa từ trong suy nghĩ của mình, và đời sống của chúng ta chỉ chuyên tâm làm ra những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn.
Nguyện kính xin Chúa ban cho chúng ta tấm lòng yêu kính Ngài, yêu mến điều răn luật pháp Ngài. Nguyện mỗi chúng ta luôn đi trong con đường công chính của Ngài! A-men!
One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 5 Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời-Điều Răn Thứ Mười”