Vì Sự Gian Ác của Dân Ca-na-an Mà Chúa Ban Đất Ấy cho Dân I-sơ-ra-ên
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý:
1. Vì sao Chúa tiêu diệt bảy dân tộc xứ Ca-na-an? Việc làm của Chúa có thể hiện tình yêu, sự công chính và thánh khiết của Ngài không? Vì sao?
2. Vì sao dân I-sơ-ra-ên là dân cứng cổ, hay phản nghịch Chúa, nhưng Chúa vẫn ban xứ Ca-na-an tươi tốt cho họ?
3. Dân I-sơ-ra-ên đã phạm tội trọng với Chúa tại Hô-rếp, chọc giận Chúa tại Tha-bê-ra, tại Ma-sa, và tại Kíp-rốt Ha-tha-va (Tham khảo Xuất Ê-díp-tô Ký 32, Dân Số Ký 11, Xuất Ê-díp-tô Ký 17), đến nỗi Ngài muốn diệt họ đi. Nhưng vì sao Chúa lại đổi ý không diệt họ?
Gợi Ý Áp Dụng:
1. Sự việc Chúa tiêu diệt các dân tộc xứ Ca-na-an nhắc nhở em điều gì? Có điều gì trong đời sống mình làm ngăn trở ơn phước Chúa ban cho em không?
2. Chúa thương xót và ban phước trên đời sống của em như thế nào? Nếp sống của em ra sao để đối cùng sự thương xót và những ơn phước của Chúa ban cho?
Chia Sẻ:
Các bạn thiếu niên thân mến,
Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 7 chúng ta đã học biết về mệnh lệnh của Chúa truyền cho dân I-sơ-ra-ên hủy diệt dân Ca-na-an và mọi hình tượng tà thần trong xứ. Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 9 hôm nay, Môi-se nhắc cho dân sự biết, vì sự sự gian ác của dân Ca-na-an mà Chúa ban xứ đó cho dân I-sơ-ra-ên.
Câu gốc:
“Vậy, hãy biết rằng, chẳng phải vì cớ sự công chính ngươi mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi cho ngươi nhận lấy xứ tốt tươi này đâu; bởi ngươi vẫn là một dân cứng cổ.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:6).
Dân Số Ký 13 cho chúng ta biết về sự báo cáo của các thám tử đi do thám xứ Ca-na-an. Dân xứ đó cao lớn và mạnh dạn, thành trì thì vững vàng và rất lớn, đến nỗi mười trong số mười hai thám tử đi do thám đã tự ví họ chỉ giống như những con cào cào nhỏ bé trước mặt dân xứ Ca-na-an. Tuy nhiên, Lời Chúa đã phán định Ngài ban xứ Ca-na-an cho dân I-sơ-ra-ên, và mệnh lệnh của Chúa truyền là hủy diệt dân Ca-na-an. Trước khi tiến đánh vùng đất hứa, Môi-se kêu gọi dân I-sơ-ra-ên và nhắc lại cho họ biết điều mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đã phán định cho họ. Đó là họ sẽ đi ngang qua sông Giô-đanh để tiêu diệt các dân tộc lớn mạnh, và chiếm lấy những thành trì vững vàng đó. Trong cơn chiến trận của dân I-sơ-ra-ên nhỏ bé, số lượng ít ỏi đối cùng những dân tộc mạnh sức, to lớn, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân sẽ đi trước họ. Ngài sẽ tiêu diệt và hạ các dân tộc to lớn ấy trước mặt dân I-sơ-ra-ên, như cách mà Ngài đối cùng Pha-ra-ôn và xứ Ê-díp-tô, bằng các phép lạ của Ngài.
Môi-se nhắc chừng cho dân I-sơ-ra-ên biết rằng, lý do mà Chúa đuổi các dân tộc đó ra khỏi xứ Ca-na-an là vì sự gian ác của các dân tộc đó. Chúng ta đã biết trong xứ đó đầy dẫy hình tượng và sự thờ lạy tà thần, tội lỗi đã dâng trào và Chúa không cho phép sự gian ác của họ cứ tiếp tục gia tăng. Sự Chúa hủy diệt các dân tộc đó thể hiện sự công chính của Chúa khi Ngài phán xét và sửa phạt những kẻ phạm tội nghịch lại Ngài; thể hiện sự thánh khiết của Chúa khi Ngài không chấp nhận tội lỗi; thể hiện sự yêu thương của Chúa khi Ngài chấm dứt cơ hội phạm tội của kẻ chống nghịch Ngài để họ không phạm thêm tội mà càng thêm những hình phạt đau đớn trong hỏa ngục đời đời.
Môi-se nhắc chừng cho dân I-sơ-ra-ên biết chẳng phải bởi họ công chính, chính trực gì mà được Thiên Chúa ban cho họ nhận lấy xứ tốt tươi. Đó là bởi sự thành tín của Ngài, Ngài đã thề cùng các tổ phụ họ là Áp-ra-ham, I-sác và Gia-cốp. Môi-se nhắc cho dân I-sơ-ra-ên nhìn biết lại mình, để không tự cao, kiêu ngạo và lầm tưởng. Sự thành tín của Chúa không phụ thuộc vào dân I-sơ-ra-ên. Lời Chúa chép: “Nếu chúng ta không tin thì Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được.” (II Ti-mô-thê 2:13).
Môi-se nhắc lại về những sự phản nghịch của dân I-sơ-ra-ên đối cùng Chúa. Từ ngày dân sự ra khỏi Ê-díp-tô cho đến tận trước khi bước qua sông Giô-đanh để tiến vào đất hứa, dân sự vẫn thường chọc giận, phạm tội với Chúa. Tại Hô-rếp, dân I-sơ-ra-ên đã yêu cầu A-rôn làm một hình tượng bò con, họ đã thờ lạy và tôn nó làm Chúa của mình. Dân I-sơ-ra-ên đã phạm tội trọng trước mặt Chúa, chọc giận Ngài, và Chúa đã nổi thịnh nộ định diệt hết thảy họ, rồi làm cho Môi-se thành một dân lớn. Chúa cũng nổi giận cùng A-rôn và cũng muốn giết người đi. Nhưng Môi-se đã sấp mình xuống mà cầu khẩn thay cho dân I-sơ-ra-ên và cả A-rôn, xin Chúa tha thứ, chậm giận, nhớ lại lời phán hứa của Chúa với tổ phụ của họ. Vậy nên Chúa đã thương xót, tha thứ, bỏ qua điều tai họa mà Ngài định sẽ giáng cho dân I-sơ-ra-ên.
Tại Tha-bê-ra, dân I-sơ-ra-ên lại bắt đầu than trách. Có lẽ họ lại than thở, oán trách vì vừa dời khỏi đồng vắng Si-na-i thì họ lại vào đồng vắng khác. Điều đó chẳng đẹp tai Chúa, cơn thịnh nộ Ngài nổi lên và lửa của Ngài cháy phừng phừng giữa dân sự, thiêu hóa từ đầu đến cuối trại quân. Dân sự lại kêu la với Môi-se, và ông đã cầu xin Chúa cho họ thì lửa mới ngừng lại (Dân Số Ký 11:1-3).
Tại Ma-sa, dân I-sơ-ra-ên cũng kiếm cớ cãi lộn với Môi-se về việc không có nước cho họ uống, họ oán trách Môi-se khiến họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô để họ, con cháu họ, và bầy súc vật phải chịu chết khát. Chúa ban nước cho dân sự từ vầng đá chảy ra, do Môi-se cầm gậy đập vào vầng đá (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:1-7).
Tại Kíp-rốt Ha-tha-va, khi đám tạp dân ở trong dân I-sơ-ra-ên sinh lòng tham muốn, thì họ lại khóc lóc, than van, đòi ăn thịt, bày tỏ sự chán ngán ma-na. Chúa đã khiến một trận gió nổi từ biển dẫn chim cút trải trên trại quân. Tuy nhiên khi dân sự đang ăn thì cơn giận của Chúa nổi lên, hành dân sự một tai vạ rất nặng (Dân Số Ký 11).
Khi Chúa sai dân sự đi từ Ca-đe-ba-nê-a lên để nhận lấy xứ Ca-na-an mà Chúa ban cho họ, thì mười trong số mười hai thám tử đi do thám xứ đã trở lòng, khiến cho dân sự cũng thối lui không muốn tiếp tục nghe theo mệnh lệnh của Chúa nữa. Chúa đã nổi giận trước sự họ không tin Ngài, khinh Ngài, cho dù các phép lạ của Ngài vẫn làm ra giữa họ. Chúa định giáng dịch lệ cho dân sự và tiêu diệt họ. Tuy nhiên Môi-se cầu xin Chúa tha thứ cho dân sự, chậm nóng giận và ban ơn tha thứ sự gian ác của họ tùy theo ơn lớn của Chúa. Chúa nhậm lời cầu xin tha thứ cho dân I-sơ-ra-ên.
Môi-se nhắc lại những việc đó là để dân I-sơ-ra-ên nhìn biết lại mình, nhìn thấy sự gian ác, bội nghịch, xấu xa của họ trước Chúa. Để họ nhìn biết rằng, nếu chẳng phải bởi ơn thương xót rất lớn của Chúa thì họ chẳng thể nào còn cho đến ngày được bước vào nhận lấy xứ Ca-na-an tươi tốt. Nhìn lại hành trình của dân I-sơ-ra-ên, chúng ta thấy họ đúng là một dân cứng cổ, chẳng chịu khiêm nhường, hạ mình, vâng phục Chúa. Bên cạnh đó, chúng ta thấy sự nhẫn nại, thương xót, sự từ ái, chậm giận của Chúa đối cùng dân sự.
Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta cũng học biết rằng, những sự tốt lành mà chúng ta được nhận, không phải vì bởi chúng ta tốt đẹp, đạo đức gì, bèn là bởi ơn thương xót và sự ban cho từ nơi Chúa. Từ khi chúng ta còn là người có tội, gian ác, xấu xa, chống nghịch Chúa thì Chúa đã ban ơn cứu rỗi, Đức Chúa Jesus Christ đã chịu chết thay để đền tội. Như Lời Chúa đã phán:
“Ai Ta muốn thương xót Ta sẽ thương xót. Ai Ta muốn làm ra sự thương xót Ta sẽ làm ra sự thương xót. Như vậy, chẳng phải bởi người nào ao ước hay người nào bôn ba mà được, mà là bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 9:15-16).
“Đấng cứu chuộc mạng sống của ngươi khỏi chốn hư mất. Đấng đội cho ngươi mão bằng sự từ ái và sự thương xót.” (Thi Thiên 103:4).
Khi chúng ta ăn năn tin nhận Chúa, chúng ta vẫn còn những lần lâm vấp phạm tội, vì thiếu hiểu biết, vì yếu đuối và có nhiều khi vì lòng vẫn còn những điều thuộc về bản tính xác thịt xưa cũ. Thế nhưng Chúa là Đấng nhẫn nại, chậm giận và giàu lòng thương xót, Ngài sẵn lòng tha thứ mọi sự vi phạm nếu chúng ta thật lòng ăn năn tội. Chúng ta vẫn nhìn thấy sự ban ơn, xuống phước của Ngài trên đời sống mình. Chúng ta hiểu rằng đó là sự thương xót của Chúa, Ngài đang ban cho chúng ta có cơ hội rèn tập, sửa đổi, để lòng không thôi biết ơn Chúa mà sống sao cho đẹp lòng Ngài. Vậy thì chúng ta đừng bao giờ cho rằng mình hay, mình giỏi, mình khôn sáng mà được điều này điều kia, đừng bao giờ cho rằng mình quá tốt đẹp nên nhận được những ơn phước này là điều hiển nhiên.
Khi chúng ta được Chúa thương xót ban cho ơn phước thì chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa, tôn vinh Chúa, nhận biết mình không xứng đáng, mà nay được Chúa cứu chuộc và sự ban ơn trên đời sống mình. Vì:
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hay làm ơn, có lòng thương xót, chậm nóng giận, và đầy sự từ ái. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là thiện đối với muôn loài. Sự thương xót của Ngài giáng trên mọi công việc của Ngài.” (Thi Thiên 145:8-9).
Chúng ta cần biết sống nếp sống vâng giữ mọi điều răn, luật pháp Chúa để bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối cùng ân điển lớn lao của Ngài dành ban cho chúng ta. Bởi vì đó là cách mà chúng ta bày tỏ tình yêu của chúng ta với Chúa. Như Lời Đức Chúa Jesus Christ đã phán: “Nếu các ngươi yêu Ta thì giữ các điều răn của Ta.” (Giăng 14:15).
Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Lời Ngài để chúng ta được suy ngẫm. Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và khiến chúng ta trở nên trọn vẹn không chỗ trách được.
One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 9 Vì Sự Gian Ác của Dân Ca-na-an Mà Chúa Ban Đất Ấy cho Dân I-sơ-ra-ên”