YouTube: https://youtu.be/7DiSAC8f7zo
44013 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32-37
Sự Thông Công của Hội Thánh lúc Ban Đầu
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
- MediaFire: Bấm vào đây
Kho chứa PDF các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32-37
32 Đám đông của những người đã tin đều cùng một lòng và cùng một linh hồn. Chẳng ai kể của mình là của riêng nhưng đối với họ mọi vật là của chung.
33 Với quyền phép lớn các sứ đồ đã đưa ra lời chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jesus. Ân điển lớn cũng đã ở trên hết thảy họ.
34 Chẳng có ai trong họ đã bị thiếu thốn, vì mỗi người là sở hữu chủ nhiều đất hay nhiều nhà đã bán chúng, đem số tiền bán được đến,
35 đặt nơi chân của các sứ đồ. Rồi tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo người nào có nhu cầu.
36 Giô-sê, đã được đặt tên bởi các sứ đồ là Ba-na-ba, được dịch là: con trai của sự khích lệ; người Lê-vi; dân Chíp-rơ;
37 có đất, đã bán đi, đem tiền, đặt nơi chân của các sứ đồ.
Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:42-47, chúng ta đã học về sự hiệp một và tương thân, tương ái của con dân Chúa trong Hội Thánh ban đầu, tại Giê-ru-sa-lem. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32-37, phẩm chất cao quý ấy của Hội Thánh đã được nhắc lại một lần nữa; và Giô-sê, còn gọi là Ba-na-ba, đã được đưa ra làm người tiêu biểu cho những người dâng hiến sản nghiệp của mình cho các nhu cầu của Hội Thánh.
32 Đám đông của những người đã tin đều cùng một lòng và cùng một linh hồn. Chẳng ai kể của mình là của riêng nhưng đối với họ mọi vật là của chung.
“Những người đã tin” là những người đã tin nhận Tin Lành, công nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. Tin Lành đã bắt đầu được rao giảng từ Giê-ru-sa-lem, ngay trong ngày Hội Thánh được thành lập. Cho tới thời điểm được ghi lại trong phân đoạn này, những người tin nhận Tin Lành và được nhập vào Hội Thánh đều thuộc về dân I-sơ-ra-ên. Họ vừa là những người I-sơ-ra-ên sinh sống tại Giê-ru-sa-lem và các vùng phụ cận, vừa là những người I-sơ-ra-ên từ khắp nơi trên lãnh thổ của đế quốc La-mã, đã đến Giê-ru-sa-lem nhân dịp Lễ Ngũ Tuần.
Chúng ta cần hiểu và nhớ rằng, vào buổi đầu Hội Thánh được thành lập, ngay cả các sứ đồ cũng chưa có sự hiểu biết rằng, Tin Lành phải được rao giảng cho cả những dân tộc không phải là dân I-sơ-ra-ên; và Hội Thánh không phải là một quốc gia I-sơ-ra-ên mới. Câu hỏi của các môn đồ được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:6 cho chúng ta thấy, trong tâm trí họ, Đức Chúa Jesus là Đấng Christ của riêng dân I-sơ-ra-ên và Hội Thánh do Ngài thiết lập chính là một quốc gia I-sơ-ra-ên mới.
Ngay cả khi Đức Chúa Trời ban cho Phi-e-rơ khải tượng về các sinh vật bị xem là ô uế trong thời Cựu Ước nay đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch, thì ông cũng chưa hiểu rằng, Tin Lành cũng được ban cho dân ngoại. Chỉ sau khi Phi-e-rơ nhìn thấy Đấng Thần Linh được ban cho gia đình sĩ quan Cọt-nây, một gia đình thuộc dân La-mã, thì ông mới hiểu rằng, Tin Lành được ban cho mọi dân tộc và phải được rao giảng đến mọi dân tộc. Cũng kể từ khi gia đình Cọt-nây được tiếp nhận vào Hội Thánh thì Tin Lành bắt đầu được rao giảng cho những người không phải là dân I-sơ-ra-ên. Hội Thánh bắt đầu bao gồm mọi dân tộc.
Chữ “lòng” trong Thánh Kinh có nghĩa đen là trái tim; có nghĩa bóng là trung tâm điểm của toàn thể một người: trung tâm điểm của thân thể vật chất là xác thịt, trung tâm điểm của thân thể thiêng liêng là tâm thần, trung tâm điểm của bản ngã là linh hồn. Trong nghĩa bóng hẹp, chữ “lòng” tiêu biểu cho mọi tình cảm của một người.
“Cùng một lòng” có nghĩa là cùng các cảm xúc, được soi dẫn bởi Đức Thánh Linh; cùng một tình yêu, đến từ Đấng Christ.
“Cùng một linh hồn” có nghĩa là cùng một sự sống, đến từ Thiên Chúa; cùng một nếp sống, sống cho Chúa, bởi cùng một sự hiểu biết trong tâm trí.
Đó là sự hiệp một, tương thân, tương ái trong Đấng Christ, chỉ có thể có trong Hội Thánh.
“Vậy, nếu có sự khích lệ trong Đấng Christ, nếu có sự an ủi của tình yêu, nếu có sự thông công của thần trí, nếu có sự đồng cảm và lòng thương xót, thì các anh chị em hãy cùng một tâm tình với nhau, có cùng một tình yêu, cùng một linh hồn của một tâm trí, mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn.” (Phi-líp 2:1-2).
“Chẳng ai kể của mình là của riêng nhưng đối với họ mọi vật là của chung.” Điều này không phải chỉ đối với những người giàu mà bao gồm cả những người nghèo. Tuy nhiên, không có nghĩa là mọi tài sản của con dân Chúa trong Hội Thánh được gom lại một chỗ, ai cần thì lấy dùng; mà chỉ có nghĩa là ai nấy sẵn sàng chia xẻ và cho mượn tài sản của mình. Ngoài một số nhà và đất được những người có nhiều tài sản bán để lấy tiền làm quỹ tương trợ cho các anh chị em thiếu thốn trong Hội Thánh, tài sản còn lại của mỗi người vẫn ở dưới quyền sở hữu của mỗi người, nhưng sẵn sàng cho việc dùng chúng để phục vụ lẫn nhau. Thánh Kinh gọi đó là sự quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.
“Theo như mỗi người đã nhận được ân tứ, hãy phục vụ lẫn nhau như những người quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 4:10).
Ân điển lớn thứ nhất Thiên Chúa ban cho chúng ta là chúng ta được thực hữu trong một thân vị của loài người. Ân điển lớn thứ nhì là chúng ta được Thiên Chúa cứu chuộc sau khi chúng ta phạm tội. Ân điển lớn thứ ba là ân điển đa diện Thiên Chúa ban cho chúng ta trong đời này: thời gian, sức khoẻ, năng lực, địa vị, danh tiếng, quyền thế, của cải, sự khôn sáng… để chúng ta dùng chúng trong sự học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng nhận lãnh ân điển lớn sau cùng là chúng ta được đồng trị với Đấng Christ, trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời.
33 Với quyền phép lớn các sứ đồ đã đưa ra lời chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jesus. Ân điển lớn cũng đã ở trên hết thảy họ.
“Quyền phép lớn” chính là thẩm quyền, năng lực, và các ân tứ đến từ Thiên Chúa, qua sự ban cho thánh linh của Đức Thánh Linh. Thẩm quyền là quyền hành động trong danh của Đấng Christ, theo ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi năng lực của Đức Thánh Linh. Năng lực là sức mạnh để làm việc, bao gồm cả việc làm phép lạ, và sức chịu đựng nghịch cảnh để hoàn thành công việc. Các ân tứ là sự khôn sáng, hiểu biết, khéo léo, và các phương tiện để hành động.
“Đưa ra lời chứng” là đưa ra lời nói xác nhận những gì một người đã trực tiếp thấy, nghe, biết; bao gồm cả việc đưa ra lời nói xác nhận những gì xảy ra đã tác động đến người ấy như thế nào. Vì thế, làm chứng nhân cho Đấng Christ không phải chỉ nói về Ngài mà còn nói về sự Ngài đã biến đổi chúng ta như thế nào. Rao giảng Tin Lành luôn luôn bao gồm rao giảng bằng lời nói lẫn nếp sống của con dân Chúa.
Chỉ các sứ đồ thường xuyên theo sát Đức Chúa Jesus mới có thể đưa ra lời chứng đầy đủ và chân thật về Ngài, nhất là lời chứng về sự sống lại của Ngài. Họ chứng kiến mọi sự giảng dạy của Ngài và mọi phép lạ Ngài đã làm ra. Họ chứng kiến sự Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá cho đến chết. Họ chứng kiến sự Ngài đã hiện ra, phán dạy họ, ăn uống với họ, và thăng thiên, sau khi Ngài sống lại.
“Ân điển lớn” chính là ân điển đa diện của Thiên Chúa, như đã nói trong I Phi-e-rơ 4:10, là sự Thiên Chúa ban cho con dân của Ngài thẩm quyền, năng lực, cùng các ân tứ để họ sống đời sống mới trong Đấng Christ, phụng sự và thờ phượng Thiên Chúa.
“Hết thảy họ” là hết thảy các chi thể trong Hội Thánh, không phân biệt một ai.
34 Chẳng có ai trong họ đã bị thiếu thốn, vì mỗi người là sở hữu chủ nhiều đất hay nhiều nhà đã bán chúng, đem số tiền bán được đến,
35 đặt nơi chân của các sứ đồ. Rồi tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo người nào có nhu cầu.
“Chẳng có ai trong họ” là chẳng có ai trong Hội Thánh.
“Bị thiếu thốn” là bị thiếu các nhu cầu vật chất trong cuộc sống vì nghèo. Một người nghèo có thể là vì người ấy không có tài sản lại không tìm được việc làm để nuôi sống bản thân. Một người nghèo cũng có thể là vì người ấy không có khả năng làm việc khi bị bệnh tật hoặc già yếu. Nhưng một người bị thiếu thốn vì từ chối làm việc để tự nuôi sống bản thân, chê công việc là thấp hèn hoặc không thích hợp với mình, thì không phải là một người nghèo; mà là một người kiêu ngạo. Nếu người ấy tiếp nhận sự tiếp trợ của người khác thì người ấy còn là một người ích kỷ, lạm dụng lòng tốt của người khác. Lời Chúa quở trách những người như vậy.
“Khi chúng tôi ở với các anh chị em, chúng tôi đã truyền cho các anh chị em rằng: Nếu ai không muốn làm việc, thì cũng không nên ăn. Vì chúng tôi nghe có mấy kẻ sống vô luật pháp giữa vòng các anh chị em, chẳng làm việc gì cả, ngoại trừ những việc vô ích. Với những kẻ như vậy, chúng tôi bởi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, truyền và khuyên rằng, họ phải im lặng mà làm việc, ăn bánh của chính mình.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12).
“Mỗi người là sở hữu chủ nhiều đất hay nhiều nhà” có nghĩa là bất cứ con dân Chúa nào trong Hội Thánh mà tài sản bao gồm nhiều đất hoặc nhiều nhà, thì họ đều bán đi số tài sản dư để dâng hiến vào quỹ chung của Hội Thánh. Hội Thánh dùng tiền quỹ đó để tiếp trợ cho những anh chị em có sự thiếu thốn.
Thành ngữ “đặt nơi chân” hoặc “đặt dưới chân” trong tiếng Hê-bơ-rơ hàm ý, giao toàn quyền cai trị, sử dụng, hành xử. Thiên Chúa đặt muôn vật dưới chân loài người (Thi Thiên 8:6) có nghĩa là Thiên Chúa trao toàn quyền cai trị muôn vật vào tay loài người. Một người đặt vụ thưa kiện của mình nơi chân của quan án có nghĩa là giao cho quan án toàn quyền xét xử. Con dân Chúa không thực tế đem tiền bán nhà, bán đất đến đặt dưới chân của các sứ đồ, mà chỉ là trao số tiền đó cho các sứ đồ toàn quyền sử dụng.
36 Giô-sê, đã được đặt tên bởi các sứ đồ là Ba-na-ba, được dịch là: con trai của sự khích lệ; người Lê-vi; dân Chíp-rơ;
37 có đất, đã bán đi, đem tiền, đặt nơi chân của các sứ đồ.
Tên Giô-sê có nghĩa là “được tôn cao”. Tên Ba-na-ba với nghĩa là “con trai của sự khích lệ” do các sứ đồ đặt cho Giô-sê; có lẽ là vì ông có ân tứ khích lệ người khác, như đã chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 11:23. Giô-sê hay Ba-na-ba được nói đến ở đây chính là người đồng hành với Phao-lô trong chuyến truyền giáo thứ nhất của Phao-lô.
Theo Cựu Ước thì chi phái Lê-vi không được chia đất trong xứ Ca-na-an. Ba-na-ba thuộc chi phái Lê-vi nhưng lại làm chủ đất, thì có lẽ sản nghiệp của ông không nằm trong xứ Ca-na-an. Ông được sinh ra và lớn lên trên đảo Chíp-rơ (Cyprus). Vì thế, chúng ta hiểu rằng, sản nghiệp của ông là ở trên đảo Chíp-rơ. Tuy nhiên, cũng có thể vì Ba-na-ba là một người rất tin kính Thiên Chúa và giàu có, thường xuyên về Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Chúa trong Đền Thờ, nên ông đã mua nhà ở tại Giê-ru-sa-lem và mua đất ở bên ngoài thành, cho thuê, để có tiền chi phí cho cuộc sống tại Giê-ru-sa-lem. Và nếu là vậy, có thể ông đã bán khu đất của ông ở ngoại thành Giê-ru-sa-lem.
Đảo Chíp-rơ nằm về phía đông của Địa Trung Hải, là một tỉnh bang thuộc đế quốc La-mã vào thời bấy giờ. Hiện nay, đảo Chíp-rơ là nước Cộng Hòa Síp (Republic of Cyprus) [1], [2].
Có lẽ Ba-na-ba là một trong số hàng trăm ngàn người I-sơ-ra-ên từ các nơi trong đế quốc La-mã, hàng năm về Giê-ru-sa-lem dự ba kỳ lễ hội lớn, theo quy định của Thánh Kinh Cựu Ước. Rất có thể ông là một trong khoảng 3.000 người đầu tiên tin nhận Tin Lành, trong ngày Lễ Ngũ Tuần của năm 27, khi Đấng Christ thành lập Hội Thánh. Ông được Đức Thánh Linh công nhận qua ngòi viết của Lu-ca, là một người: “tốt lành, đầy dẫy thánh linh và đức tin” (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:24). Người tốt lành là người tin kính Thiên Chúa và sống theo Lời Chúa. Người đầy dẫy thánh linh là người hoàn toàn tiếp nhận sự ban cho của Đức Thánh Linh, không để cho lòng mình ham muốn những sự gì khác hơn là những sự thuộc về Thiên Chúa. Người đầy dẫy đức tin là người tin trọn vẹn vào sự thực hữu của Thiên Chúa và mọi điều được chép trong Thánh Kinh. Vì thế, không có gì lạ khi ông đã nhanh chóng thu xếp việc bán đất, dâng vào quỹ của Hội Thánh, rồi dâng chính mình cho việc rao giảng Tin Lành. Đức tin của Ba-na-ba đã biến thành hành động thực tế. Chính Đức Thánh Linh đã phán bảo Hội Thánh tại An-ti-ốt biệt riêng Ba-na-ba và Phao-lô cho mục vụ truyền giáo (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2). Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 14:14, Ba-na-ba được Thánh Kinh gọi là sứ đồ.
Mặc dù có nhiều người bán đất và nhà, dâng tiền vào quỹ chung của Hội Thánh, nhưng Ba-na-ba được ghi lại trong Thánh Kinh làm người tiêu biểu có lẽ là vì:
-
Ông là người I-sơ-ra-ên mà quê ở bên ngoài lãnh thổ của I-sơ-ra-ên.
-
Ông không những đã dâng tài sản mà còn dâng chính mình vào trong mục vụ của Hội Thánh.
-
Ông được mọi người trong Hội Thánh lúc bấy giờ biết đến về sự đầy dẫy thánh linh và đức tin của ông, thể hiện qua các ân tứ Đức Thánh Linh ban cho ông.
Ngoài ra, Ba-na-ba được Đức Thánh Linh nêu ra làm tấm gương tốt của một người đầy dẫy thánh linh và đức tin, tương phản với tấm gương xấu tham lam và kiêu ngạo của vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra. Hai người ấy tiêu biểu cho những người nam và nữ trong Hội Thánh không hoàn toàn tiếp nhận thánh linh, vì vẫn còn sống theo xác thịt.
Mong rằng, mỗi Hội Thánh địa phương ngày nay có được nhiều Ba-na-ba và không có những A-na-nia hoặc Sa-phi-ra.
“Nhưng, như Đấng gọi các anh chị em là thánh, thì các anh chị em cũng phải nên thánh trong mọi cách ăn ở; bởi có chép rằng: Ngươi hãy nên thánh, vì Ta là thánh! [Lê-vi Ký 11:44-45; 19:2; 20:7, 26.]” (I Phi-e-rơ 1:15-16).
Mong rằng, mỗi Hội Thánh địa phương ngày nay luôn có sự hiệp một và tương thân, tương ái như của con dân Chúa trong Hội Thánh ban đầu tại Giê-ru-sa-lem. Có như vậy, chúng ta mới vâng giữ trọn vẹn Điều Răn Mới của Đấng Christ:
“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, ấy là: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy.” (Giăng 13:34).
Mong rằng, mỗi chúng ta không chỉ dâng hiến những gì thuộc về mình lên Chúa mà còn dâng hiến chính mình lên Chúa.
“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em. Đừng làm theo đời này, nhưng các anh chị em hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí các anh chị em, để các anh chị em chứng nghiệm điều gì là ý muốn tốt lành, đẹp lòng, và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 12:1-2).
“Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).
“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì các anh chị em đã được mua chuộc bằng giá cao rồi; nên hãy tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể của các anh chị em và trong tâm thần của các anh chị em, là các sự thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/07/2021
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a_S%C3%ADp
[2] https://www.google.com/maps/@35.0112945,33.4156697,7z
Karaoke Thánh Ca: “Thiên Chúa Yêu Tôi (2)”
https://karaokethanhca.net/thien-chua-yeu-toi-2/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.