YouTube: https://youtu.be/NN7U0YgxIhM
Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL090 Sự Cứng Lòng của Những Người Pha-ri-si
Giăng 9:24-41
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Giăng 9:24-41
24 Vậy, họ đã gọi người đã mù một lần nữa, và nói với người: “Hãy dâng sự vinh quang lên Đức Chúa Trời! Chúng ta biết rằng, người ấy là một tội nhân.”
25 Người đã trả lời, nói rằng: “Tôi chẳng biết người ấy có phải là một tội nhân hay không. Tôi chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ tôi thấy được.”
26 Họ đã hỏi người lần nữa: “Người ấy đã làm gì cho ngươi? Người ấy đã mở mắt của ngươi thế nào?”
27 Người đã trả lời họ: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông chẳng nghe. Cớ sao các ông muốn nghe lại lần nữa? Các ông cũng muốn làm môn đồ của người chăng?”
28 Vậy, họ đã mắng người, và nói: “Ngươi là môn đồ của người; còn chúng ta là môn đồ của Môi-se.
29 Chúng ta đã biết rằng, Đức Chúa Trời đã phán với Môi-se; nhưng người này thì chúng ta chẳng biết từ đâu đến.”
30 Người đã trả lời họ rằng: “Sao vậy? Trong sự này là một việc lạ lùng, rằng các ông chẳng biết người từ đâu đến, mà người đã mở mắt của tôi.
31 Và chúng ta biết rằng, Đức Chúa Trời chẳng nghe những tội nhân. Nhưng nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài nghe.
32 Từ xưa, chẳng bao giờ nghe rằng, có ai mở mắt của người bị mù từ khi được sinh ra.
33 Nếu người này chẳng thuộc về Thiên Chúa, thì không làm gì được hết.”
34 Họ trả lời người rằng: “Cả mình ngươi sinh ra trong những tội lỗi, ngươi lại muốn dạy chúng ta sao?” Rồi, họ đuổi người ra ngoài.
35 Đức Chúa Jesus đã nghe rằng, họ đã đuổi người ra ngoài thì Ngài đã tìm gặp người. Ngài đã hỏi người: “Ngươi có tin nơi Con của Đức Chúa Trời chăng?”
36 Người đã đáp lời, rằng: “Thưa Chúa! Người ấy là ai để tôi tin nơi người ấy?”
37 Thì Đức Chúa Jesus đã phán với người: “Ngươi đã thấy người ấy và người ấy đang nói với ngươi.”
38 Người đã thưa: “Thưa Chúa! Tôi tin!” Và người đã thờ phượng Ngài.
39 Đức Chúa Jesus đã phán: “Trong sự phán xét, Ta đã vào trong thế gian này để những ai chẳng thấy thì thấy; còn những ai thấy thì trở nên mù.”
40 Mấy người thuộc phái Pha-ri-si ở gần Ngài, nghe những lời ấy thì đã hỏi Ngài: “Chúng ta không mù như vậy, phải không?”
41 Đức Chúa Jesus đã phán với họ: “Nếu các ngươi mù thì các ngươi không có tội. Nhưng nay các ngươi nói, chúng ta thấy, nên tội lỗi của các ngươi vẫn còn lại.”
Trong bài trước, chúng ta đã học về sự kiện Đức Chúa Jesus làm phép lạ, chữa lành cho một người bị mù bẩm sinh. Trong bài này, chúng ta cùng nhau học về sự cứng lòng của những người Pha-ri-si tại Giê-ru-sa-lem, khi họ nghi ngờ về phép lạ chữa lành ấy, và họ không tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, đến từ Đức Chúa Trời.
Giăng 9:24
24 Vậy, họ đã gọi người đã mù một lần nữa, và nói với người: “Hãy dâng sự vinh quang lên Đức Chúa Trời! Chúng ta biết rằng, người ấy là một tội nhân.”
Trong bài trước, chúng ta đã học biết sự việc cha mẹ của người vốn bị mù bẩm sinh bị những người Pha-ri-si tra hỏi thì họ đã khẳng định rằng, ấy chính là con trai của họ đã bị mù bẩm sinh nhưng nay đã được sáng mắt, dù họ không biết rõ, nhờ đâu mà con trai của họ đã được chữa lành.
Chúng tôi nghĩ rằng, trong ba trường hợp có thể xảy ra, mà chúng tôi đã nêu ra trong bài học trước, thì trường hợp thứ ba là khả dĩ hơn hết. Đó là cha mẹ của người ấy vốn không biết gì về việc con của mình đã được chữa lành, cho tới khi mấy người do những người Pha-ri-si sai đi tìm họ, nói cho họ biết rằng, Đức Chúa Jesus đã chữa lành cho con trai của họ. Nếu là vậy thì cho tới khi đó, họ vẫn thật sự chưa biết chắc, vì sao con của mình được chữa lành. Lời nói của mấy người đi tìm họ chưa được kiểm chứng. Vì thế, khi họ trả lời những người Pha-ri-si “Nhưng hiện nay, bằng cách nào nó thấy được, chúng tôi không biết. Hoặc ai mở mắt của nó chúng tôi không biết.” thì đó không phải là lời nói dối.
Tại đây, con dân Chúa có thể rút ra bài học này. Đó là những gì chúng ta nghe người khác thuật lại mà chưa được kiểm chứng, thì chúng ta không thể khẳng định điều chúng ta nghe là thật, cho dù lời tường thuật có thể là đúng sự thật. Phải có ít nhất là hai chứng nhân xác nhận sự việc do chính họ nghe và thấy. Nhưng cũng phòng khi có trường hợp làm chứng dối, như đã được ghi lại trong I Các Vua đoạn 21.
Có lẽ trong khi những người Pha-ri-si hỏi chuyện cha mẹ của người vốn bị mù bẩm sinh thì người vẫn còn đứng gần đó. Vì thế, những người Pha-ri-si đã một lần nữa, gọi người ấy đến trước mặt họ, tìm cách khiến cho người ấy vu khống Đức Chúa Jesus.
Câu “Hãy dâng sự vinh quang lên Đức Chúa Trời!” là câu nói người I-sơ-ra-ên thường dùng để kêu gọi ai đó tuyên xưng một sự thật trước Thiên Chúa, như trong trường hợp Giô-suê kêu gọi A-can xưng nhận sự phạm tội của A-can:
“Giô-suê đã nói với A-can: “Hỡi con của ta, ta xin con hãy dâng sự vinh quang lên Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của I-sơ-ra-ên, và hãy làm sự xưng nhận! Ta xin con hãy thú nhận điều con đã làm, chớ giấu ta.”” (Giô-suê 7:19).
Trong sự hiểu của người I-sơ-ra-ên, khi một người tuyên xưng một sự thật trước Thiên Chúa, kể cả sự phạm tội, thì người ấy công nhận uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài. Đồng thời, người ấy phó thác mọi sự trong sự phán xét và sự thương xót của Thiên Chúa.
Trong trường hợp này, những người Pha-ri-si có ý kêu gọi người vốn bị mù hãy xưng nhận điều mà họ cho là sự thật, ấy là Đức Chúa Jesus là một tội nhân. Những người Pha-ri-si đã tự biến thành kiến, quan điểm trái nghịch sự thật của họ thành điều mà họ gọi là sự thật. Ngày nay, trong các giáo hội mang danh Chúa, cũng có biết bao nhiêu thành kiến, quan điểm trái nghịch sự thật được cho là sự thật và được rao giảng thay cho Lời Chúa.
Câu “Chúng ta biết rằng, người ấy là một tội nhân.” của những người Pha-ri-si là một lời nói dối với người vốn bị mù và là lời vu khống Đức Chúa Jesus. Họ không có chứng cớ gì để kết luận Đức Chúa Jesus là một tội nhân, ngoài việc Ngài chữa bệnh, đuổi quỷ trong ngày Sa-bát nên bị họ xem là hành động phạm điều răn. Đó là do họ thiếu hiểu biết về tinh thần của điều răn thứ tư nên họ buộc tội Đức Chúa Jesus vi phạm việc tôn thánh ngày Sa-bát.
Ngày nay, phần lớn người trong các giáo hội mang danh Chúa gọi những con dân Chúa giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy là theo tà giáo. Nhưng tà giáo là sự dạy dỗ sai nghịch Thánh Kinh. Việc theo gương của Đức Chúa Jesus và các sứ đồ của Ngài vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, trong đó có điều răn thứ tư, tôn thánh ngày Sa-bát của Thiên Chúa, là làm theo Lời Chúa, sao gọi là theo tà giáo? Trái lại, chính sự giảng dạy bỏ đi điều răn thứ tư, không tôn thánh ngày Sa-bát Thứ Bảy mới là tà giáo, vì không đúng Thánh Kinh. Sự giảng dạy rằng, ngày Sa-bát Thứ Bảy đã chuyển sang Chủ Nhật cũng là tà giáo, vì không có trong Thánh Kinh. Một vài giáo hội mang danh Chúa nghiêm túc vâng giữ điều răn thứ tư nhưng lại pha trộn các tà giáo vào trong sự giảng dạy của họ. Điển hình là Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm (thành lập 1863) dạy rằng, con dân Chúa phải kiêng các thức ăn tinh sạch. Mặc dù Đức Chúa Trời ba lần phán rằng, Ngài đã khiến chúng nên tinh sạch (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:5-10). Họ cũng dạy rằng, người đã chết thì linh hồn không còn nhận thức, mặc dù Đức Chúa Jesus dạy rõ, linh hồn của người chết vẫn có sự nhận thức (Lu-ca 16:19-31), thậm chí, Môi-se còn hiện ra, trò chuyện với Đức Chúa Jesus.
Tà giáo giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy nổi bật nhất về sự giảng dạy tà giáo là “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” (World Mission Society Church of God). Do Ahn Sahng-hong thành lập vào năm 1964, tại Nam Hàn. Giáo hội này giảng dạy về một “Đức Chúa Trời Mẹ” và cho rằng, Ahn Sahng-hong vừa là Đấng Christ vừa là Đức Thánh Linh.
Qua đó, chúng ta thấy, trong những ngày cuối cùng, Sa-tan tạo ra các tà giáo giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy để khiến cho những người thiếu suy xét đồng hóa tất cả những ai tin nhận Đấng Christ và giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời với tà giáo.
Giăng 9:25
25 Người đã trả lời, nói rằng: “Tôi chẳng biết người ấy có phải là một tội nhân hay không. Tôi chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ tôi thấy được.”
Câu trả lời của người vốn bị mù khiến cho những người Pha-ri-si phải đối diện với thực tế. Làm sao một kẻ có tội lại có thể khiến cho một người mù bẩm sinh hàng chục năm được sáng mắt? Như vậy, có phải câu nói trước đó của những người Pha-ri-si rằng, Đức Chúa Jesus là một tội nhân, chính là câu vu khống hàm hồ?
Người vốn bị mù đã nói lên lời chân thật mà những người Pha-ri-si không thể bắt bẻ. Người ấy không biết Đức Chúa Jesus có phải là một tội nhân hay không cho nên người ấy không thể nói Ngài là một tội nhân. Điều người ấy biết chắc là người ấy vốn bị mù nhưng nay đã được sáng mắt. Lời nói hàm ý, nếu Đức Chúa Jesus là một tội nhân thì không thể nào Ngài chữa lành đôi mắt cho người ấy.
Đối với con dân chân thật của Chúa, khi được hỏi rằng, làm sao biết Đức Chúa Jesus là có thật và những lời giảng dạy của Ngài là lẽ thật, thì câu trả lời nên là: Vì Ngài khiến tôi thoát khỏi mặc cảm phạm tội, thoát khỏi bản tính phạm tội, và có sự bình an trong linh hồn. Thật vậy, người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus thì có sự bình an lạ lùng trong mọi cảnh ngộ, không còn sợ khổ hoặc sợ chết, đắc thắng những sự cám dỗ, ưa thích sống theo Lời Chúa và có năng lực sống theo Lời Chúa.
Giăng 9:26-27
26 Họ đã hỏi người lần nữa: “Người ấy đã làm gì cho ngươi? Người ấy đã mở mắt của ngươi thế nào?”
27 Người đã trả lời họ: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông chẳng nghe. Cớ sao các ông muốn nghe lại lần nữa? Các ông cũng muốn làm môn đồ của người chăng?”
Những người Pha-ri-si đã căn vặn người vốn bị mù một lần nữa, về cách thức Đức Chúa Jesus đã chữa lành cho người ấy. Nhưng họ đã bất ngờ trước câu trả lời. Chắc chắn là những người Pha-ri-si đã nghe câu trả lời của người ấy, như đã được ghi lại trong câu 15. Nhưng thực tế, họ nghe mà “chẳng nghe”. Nhóm chữ “chẳng nghe” có nghĩa là không tin. Nghe nhưng không tin nên lại tiếp tục hỏi cùng một câu hỏi.
Câu hỏi: “Cớ sao các ông muốn nghe lại lần nữa? Các ông cũng muốn làm môn đồ của người chăng?” không hẳn là một câu mỉa mai. Dù người vốn bị mù nhận biết, những người Pha-ri-si đang chống nghịch Chúa, qua sự họ muốn người ấy tuyên xưng Đức Chúa Jesus là một kẻ có tội, nhưng có lẽ người ấy cũng mong rằng, khi họ bình tâm xem xét kĩ sự việc thì họ sẽ tin nhận Ngài.
Giăng 9:28-29
28 Vậy, họ đã mắng người, và nói: “Ngươi là môn đồ của người; còn chúng ta là môn đồ của Môi-se.
29 Chúng ta đã biết rằng, Đức Chúa Trời đã phán với Môi-se; nhưng người này thì chúng ta chẳng biết từ đâu đến.”
Câu trả lời của người vốn bị mù đã khiến cho những người Pha-ri-si nổi giận nên họ mắng người ấy. Sứ Đồ Giăng không ghi lại câu mắng mà chỉ ghi lại một câu vu khống khác của những người Pha-ri-si. Người vốn đã mù chưa hề là môn đồ của Đức Chúa Jesus. Có lẽ đối với những người Pha-ri-si ấy, hễ ai bênh vực hay nói tốt về Đức Chúa Jesus thì đều là môn đồ của Ngài.
Những người Pha-ri-si xưng nhận họ là môn đồ của Môi-se nhưng Môi-se đã chết và khi ông còn sống cũng chẳng từng nhận ai là môn đồ. Vì thế, lại thêm một sự hàm hồ trong ý nghĩ và lời nói của những người Pha-ri-si.
Môi-se được dân I-sơ-ra-ên thuở xưa tin nhận ông là người được Đức Chúa Trời sai đến vì ông xưng nhận mình được Đức Chúa Trời sai đến và làm ra mười phép lạ trên dân Ê-díp-tô. Đức Chúa Jesus xưng nhận Ngài được Đức Chúa Trời sai đến và đã làm ra nhiều phép lạ hơn cả Môi-se, thậm chí gọi người chết sống lại; danh tiếng của Ngài đã được đồn ra khắp xứ Ca-na-an. Nhưng những người Pha-ri-si đã cứng lòng, không tin. Vì thế, họ tuyên bố rằng, họ chẳng biết Ngài từ đâu đến.
Đức tin khác với niềm tin. Trong khi niềm tin là sự tin nhận dựa trên bằng chứng, thì đức tin là sự tin nhận xuất phát từ sự nhận thức sâu sắc trong tâm linh, không phụ thuộc vào bằng chứng cụ thể. Đức tin là một ơn mà Đức Chúa Trời ban cho mỗi người, và đó là một điều huyền nhiệm. Rô-ma 1:19-20 khẳng định rằng, Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người sự nhận thức về Ngài và về những sự không thấy được của Ngài. Bất cứ ai xem xét tri thức về Đức Chúa Trời để giữ lấy Ngài thì người ấy nhận được đức tin về sự thực hữu của Đức Chúa Trời và mọi việc làm của Ngài. Người thật sự có đức tin nơi Đức Chúa Trời thì sẽ nhận biết Đấng Christ và tin nhận Đấng Christ.
Những người Pha-ri-si không chỉ không có đức tin nơi Đức Chúa Jesus mà họ còn không có niềm tin, rằng Ngài là Đấng Christ, Đấng đến từ Đức Chúa Trời, mặc dù họ đã chứng kiến những phép lạ Ngài thực hiện.
Giăng 9:30-33
30 Người đã trả lời họ rằng: “Sao vậy? Trong sự này là một việc lạ lùng, rằng các ông chẳng biết người từ đâu đến, mà người đã mở mắt của tôi.
31 Và chúng ta biết rằng, Đức Chúa Trời chẳng nghe những tội nhân. Nhưng nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài nghe.
32 Từ xưa, chẳng bao giờ nghe rằng, có ai mở mắt của người bị mù từ khi được sinh ra.
33 Nếu người này chẳng thuộc về Thiên Chúa, thì không làm gì được hết.”
Những người Pha-ri-si có học và tự cho là thông suốt Thánh Kinh. Còn người vốn bị mù nhiều lắm là chỉ được nghe người khác đọc Thánh Kinh và giảng giải Thánh Kinh. Nhưng lời nói của người vốn bị mù hợp tình, hợp lý, khiến cho những người Pha-ri-si không thể phản bác.
“Trong sự này” là trong sự người mù bẩm sinh được chữa lành.
“Một việc lạ lùng” là việc những người Pha-ri-si không biết Đức Chúa Jesus từ đâu đến. Lẽ ra, họ phải biết rằng, Đức Chúa Jesus là từ Đức Chúa Trời đến, vì Ngài giảng về Đức Chúa Trời và làm ra nhiều phép lạ, trong đó, có sự chữa lành mắt cho người bị mù bẩm sinh.
“Và chúng ta biết rằng” nói chung về dân I-sơ-ra-ên. Dân I-sơ-ra-ên có các sự hiểu biết đúng về Đức Chúa Trời. Họ biết Ngài không nghe lời cầu xin của những tội nhân nhưng Ngài nghe những ai kính sợ Ngài và làm theo ý muốn của Ngài. Ý muốn của Đức Chúa Trời đã được tóm lược trong Mười Điều Răn. Làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là vâng giữ Mười Điều Răn của Ngài. Vì thế, nếu Đức Chúa Jesus không thuộc về Thiên Chúa thì Ngài sẽ không thể làm ra các phép lạ chữa bệnh, đuổi quỷ.
Đúng là trong suốt lịch sử của dân I-sơ-ra-ên cho tới khi ấy, chưa hề nghe nói có người chữa lành được người bị mù bẩm sinh. Người làm ra sự chữa lành như vậy chỉ có thể là người thuộc về Thiên Chúa. Và ngược lại, người không thuộc về Thiên Chúa thì không thể làm ra việc chữa lành người bị mù bẩm sinh.
“Thuộc về Thiên Chúa” là tin kính Đức Chúa Trời và vâng giữ các điều răn của Ngài.
Câu nói của người vốn bị mù là sự công nhận Đức Chúa Jesus là người thuộc về Thiên Chúa. Và như vậy, hàm ý, những người Pha-ri-si đã không có sự hiểu biết để nhận biết ai là người thuộc về Thiên Chúa.
Giăng 9:34-36
34 Họ trả lời người rằng: “Cả mình ngươi sinh ra trong những tội lỗi, ngươi lại muốn dạy chúng ta sao?” Rồi, họ đuổi người ra ngoài.
35 Đức Chúa Jesus đã nghe rằng, họ đã đuổi người ra ngoài thì Ngài đã tìm gặp người. Ngài đã hỏi người: “Ngươi có tin nơi Con của Đức Chúa Trời chăng?”
36 Người đã đáp lời, rằng: “Thưa Chúa! Người ấy là ai để tôi tin nơi người ấy?”
Lời nói công chính của người vốn bị mù đã khiến cho những người Pha-ri-si không thể phản bác nên họ tức giận, mắng người ấy thêm một lần nữa và đuổi người ấy ra khỏi phòng họp của họ. Lần mắng nhiếc này được Sứ Đồ Giăng ghi lại. Họ mắng rằng, sự thực hữu của người ấy là sự thực hữu trong những tội lỗi, hàm ý, vì thế mà người ấy bị mù bẩm sinh. Họ cũng hàm ý là người ấy không thánh khiết và không có sự hiểu biết như họ, nên không có tư cách nói cho họ biết, điều gì đúng, điều gì sai.
Những người Pha-ri-si vừa hàm hồ vừa ngạo mạn. Họ không nhớ rằng, chính Vua Đa-vít xưng nhận, ông đã được hoài thai trong tội lỗi và đã được sinh ra trong sự gian ác (Thi Thiên 51:5). Đó cũng là thực trạng chung của toàn thể loài người, ngoại trừ Đấng Christ. Những người Pha-ri-si không tốt lành gì hơn người vốn bị mù, mà e rằng, giá trị của họ còn thua xa người đã được Đức Chúa Trời sắm sẵn, chịu khổ suốt nhiều năm dài để sự vinh quang của Ngài được thể hiện, qua sự Đức Chúa Jesus chữa lành người ấy. Sự chịu khổ của người ấy không phải chỉ là sự bị mù bẩm sinh mà còn là phải thường nghe những lời đàm tiếu, gièm chê của xã hội, cho rằng, người ấy bị mù bẩm sinh là do sự phạm tội của người ấy hoặc của cha mẹ người ấy.
Có lẽ sự những người Pha-ri-si tra hỏi người vốn bị mù và cha mẹ của người ấy đã được nhiều người chứng kiến và loan truyền trong đám dân đông, đang có mặt tại Đền Thờ. Vì thế, khi người vốn bị mù bị những người Pha-ri-si đuổi ra ngoài thì Đức Chúa Jesus nghe biết. Ngài đã tìm đến người ấy và hỏi: “Ngươi có tin nơi Con của Đức Chúa Trời chăng?”
Nhiều người I-sơ-ra-ên tin rằng, Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ, đã được hứa trong Thánh Kinh là “Con của Đức Chúa Trời”. Na-tha-na-ên, Phi-e-rơ, Ma-thê, và còn có viên hoạn quan người Ê-thi-ô-bi đã xưng nhận như vậy.
“Tin nơi Con của Đức Chúa Trời” là tin nơi Đức Chúa Jesus. Tin rằng, Ngài là Đấng Christ, Đấng được Đức Chúa Trời sai đến để ban sự cứu rỗi cho loài người.
Người I-sơ-ra-ên dùng cách gọi “Con của Đức Chúa Trời” để chỉ về người được Đức Chúa Trời yêu thương và lựa chọn để làm việc cho Ngài. Thời bấy giờ, họ chưa có khái niệm Đấng Christ chính là Thiên Chúa.
Câu hỏi Đức Chúa Jesus dành cho người vốn bị mù cũng là câu hỏi dành cho tất cả mọi người trong thế gian. Vì đức tin nơi Con của Đức Chúa Trời sẽ cứu người tin ra khỏi án phạt và hậu quả của sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.
Có lẽ người vốn bị mù nhận ra giọng nói của Đức Chúa Jesus và biết rằng, Ngài là Đấng đã chữa lành cho người ấy. Người ấy cung kính, gọi Ngài là “Chúa”, và thật thà trả lời câu hỏi của Ngài. Câu trả lời hàm ý, xin chỉ cho tôi biết, ai là “Con của Đức Chúa Trời” để tôi tin nơi Ngài.
Giăng 9:37-38
37 Thì Đức Chúa Jesus đã phán với người: “Ngươi đã thấy người ấy và người ấy đang nói với ngươi.”
38 Người đã thưa: “Thưa Chúa! Tôi tin!” Và người đã thờ phượng Ngài.
Có lẽ khi Đức Chúa Jesus phán: “Ngươi đã thấy người ấy và người ấy đang nói với ngươi.” thì Ngài đã nhìn thẳng vào đôi mắt của người ấy. Có lẽ khi ấy, thần trí của người vốn bị mù đã rúng động, bởi lẽ thật vừa được Đức Chúa Jesus công bố. Vì thế, người ấy đã lập tức tuyên xưng: “Thưa Chúa! Tôi tin!” Rồi, người ấy đã sấp mình xuống, thờ phượng Đức Chúa Jesus. Động từ “thờ phượng” được dùng để chỉ sự sấp mình xuống đất, tỏ lòng tôn kính.
Chúng ta khó mà đồng cảm được sự cảm xúc của người vốn bị mù vào lúc ấy. Bị mù bẩm sinh hàng chục năm, nay bỗng dưng được sáng mắt, được nhìn thấy “Con của Đức Chúa Trời”, và con mắt thuộc linh cũng được bừng sáng, nhận biết Ngài là Đấng Christ.
Giăng 9:39-41
39 Đức Chúa Jesus đã phán: “Trong sự phán xét, Ta đã vào trong thế gian này để những ai chẳng thấy thì thấy; còn những ai thấy thì trở nên mù.”
40 Mấy người thuộc phái Pha-ri-si ở gần Ngài, nghe những lời ấy thì đã hỏi Ngài: “Chúng ta không mù như vậy, phải không?”
41 Đức Chúa Jesus đã phán với họ: “Nếu các ngươi mù thì các ngươi không có tội. Nhưng nay các ngươi nói, chúng ta thấy, nên tội lỗi của các ngươi vẫn còn lại.”
Có lẽ ngay lúc ấy, đám dân đông chung quanh đã dừng lại, chứng kiến cảnh người vốn bị mù thờ phượng Đức Chúa Jesus. Có lẽ ngay trong khi người vốn bị mù vẫn còn sấp mình nơi chân của Đức Chúa Jesus, thì Ngài đã phán chung với đám đông, trong đó có những người thuộc phái Pha-ri-si. Những người này có lẽ vừa vào đến Đền Thờ, khác với những người Pha-ri-si tra hỏi người vốn bị mù.
Danh từ “sự phán xét” (G2917) được dùng tại đây không chỉ nói đến hành động phán xét mà còn nói đến kết quả của sự phán xét, là sự định tội. Bất cứ ai không tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời thì người ấy đã bị Đức Chúa Trời phán xét và định tội, như Lời đã chép trong Giăng 3:18.
“Trong sự phán xét” là trong sự Đức Chúa Trời phán xét và định tội loài người, vì loài người đã vi phạm Mười Điều Răn của Ngài.
Đức Chúa Jesus đã vào trong thế gian để những ai có lòng ăn năn, thống hối thì nhận được ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thoát khỏi sự bị định tội.
“Những ai chẳng thấy thì thấy” là những ai nhận biết sự đui mù thuộc linh của mình thì được khai sáng trong thần trí để nhận biết lẽ thật. Câu hỏi: “Thưa Chúa! Người ấy là ai để tôi tin nơi người ấy?” tiêu biểu cho lòng khao khát chân lý của những người mù thuộc linh.
“Những ai thấy thì trở nên mù” là những ai kiêu ngạo, tự cho mình đầy dẫy sự hiểu biết thuộc linh thì trở nên bị đui mù trong thần trí, không thể nhận biết lẽ thật. Câu mắng: “Cả mình ngươi sinh ra trong những tội lỗi, ngươi lại muốn dạy chúng ta sao?” và câu hỏi khoe mình: “Chúng ta không mù như vậy, phải không?” tiêu biểu cho sự kiêu ngạo của những người tự cho mình là thông sáng về thuộc linh.
Mấy người Pha-ri-si đứng gần đó, nghe Đức Chúa Jesus phán dạy như vậy thì lên tiếng, muốn Đức Chúa Jesus xác nhận rằng, họ không phải là những người mù thuộc linh.
Câu trả lời của Đức Chúa Jesus có lẽ đã khiến cho họ bị choáng váng. Vì lời phán của Chúa vừa hàm ý họ thật sự bị mù thuộc linh, vừa hàm ý họ vẫn ở trong tội lỗi vì sự cứng lòng của họ.
“Nếu các ngươi mù thì các ngươi không có tội.” Có nghĩa là nếu các ngươi nhận rằng, các ngươi thiếu sự hiểu biết, không biết mình phạm tội, thì các ngươi không có tội. Điều này tương tự như trẻ con chưa có ý thức tội lỗi, làm ra hành động tội lỗi không bị kể là phạm tội.
“Nhưng nay các ngươi nói, chúng ta thấy, nên tội lỗi của các ngươi vẫn còn lại.” Có nghĩa là vì các ngươi xưng nhận mình có sự hiểu biết nên sự phạm tội của các ngươi không được miễn trừ. Việc còn lại là các ngươi có thật lòng ăn năn để được tha thứ hay không.
Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
14/12/2024
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
Karaoke Thánh Ca: “Giữ Lòng Trung Tín”
https://karaokethanhca.net/giu-long-trung-tin/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, hoặc đó là chú thích của người dịch.