Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL093 Đức Chúa Jesus Sai Bảy Mươi Môn Đồ Đi Giảng Tin Lành

106 views

YouTube: https://youtu.be/Mrn_SZtuxcY

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL093 Trên Đường Về Lại Giê-ru-sa-lem
Đức Chúa Jesus Sai Bảy Mươi Môn Đồ
Đi Giảng Tin Lành
Lu-ca 9:51-56; 10:1-20

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 9:51-56

51 Đã xảy ra, trong sự làm trọn những ngày cho sự cất lên của Ngài, Ngài đã có vẻ mặt quyết định đi đến Giê-ru-sa-lem.

52 Ngài đã sai các sứ giả trước mặt Ngài. Họ đã đi, vào trong một làng của những người Sa-ma-ri, để sửa soạn cho Ngài.

53 Nhưng họ đã không tiếp đón Ngài, vì vẻ mặt của Ngài đã như là đi đến Giê-ru-sa-lem.

54 Thấy vậy, các môn đồ của Ngài, Gia-cơ và Giăng, đã nói: “Thưa Chúa, Ngài muốn chúng tôi gọi lửa từ trời xuống để thiêu họ, như Ê-li đã làm chăng?”

55 Xoay lại, Ngài đã trách họ và phán: “Các ngươi đã không biết thần trí nào là của các ngươi.

56 Vì Con Người đã không đến để hủy diệt mạng sống của loài người, nhưng để cứu.” Rồi, họ đã đi đến làng khác.

Lu-ca 10:1-20

1 Sau các sự ấy, Chúa đã chọn bảy mươi người khác. Ngài đã sai họ từng đôi trước mặt Ngài, đến mỗi thành và chỗ mà chính Ngài sắp đến.

2 Kế đó, Ngài đã phán với họ: “Mùa gặt thật lớn, nhưng người làm công thì ít. Vậy, các ngươi hãy xin Chúa của mùa gặt để Ngài sẽ sai những người làm công vào trong mùa gặt của Ngài.

3 Hãy đi! Này, Ta sai các ngươi như những chiên con trong giữa bầy chó sói.

4 Đừng đem theo túi tiền, bao hành lý, giày, và đừng chào ai dọc đường.

5 Các ngươi vào trong nhà nào, trước hết hãy nói: “Bình an cho nhà này!”

6 Nếu con của sự bình an ở đó, sự bình an của các ngươi sẽ giáng trên người ấy. Nếu không, nó sẽ trở về trên các ngươi.

7 Hãy ở lại trong nhà đó, ăn và uống từ họ. Vì người làm công là đáng được tiền công của mình. Đừng đi từ nhà này sang nhà khác.

8 Các ngươi vào trong thành nào, mà người ta tiếp đón các ngươi, hãy ăn thức ăn được dọn cho các ngươi.

9 Hãy chữa những kẻ bệnh tại đó, và bảo họ: “Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến gần với các ngươi.”

10 Nhưng các ngươi vào trong thành nào, mà người ta không tiếp đón các ngươi, hãy đi vào trong các đường phố của nó mà nói:

11 “Ngay cả bụi từ thành của các ngươi bám chúng ta nơi chân, chúng ta cũng phủi đi. Nhưng các ngươi hãy biết điều này, rằng Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến gần với các ngươi.”

12 Ta bảo các ngươi rằng, trong ngày ấy, sẽ là dễ chịu cho Sô-đôm hơn thành ấy.

13 Khốn cho ngươi, Cô-ra-xin! Khốn cho ngươi, Bết-sai-đa! Vì nếu những phép lạ đã làm trong các ngươi được làm trong Ti-rơ và Si-đôn, thì từ lâu chúng đã ăn năn, ngồi trong áo gai và tro.

14 Sẽ là dễ chịu cho Ti-rơ và Si-đôn hơn ngươi, trong sự phán xét.

15 Còn ngươi, Ca-bê-na-um, ngươi đã được nhấc lên trời nhưng sẽ bị hạ xuống tới âm phủ!

16 Ai nghe các ngươi, nghe Ta. Ai chối bỏ các ngươi, chối bỏ Ta. Ai chối bỏ Ta, chối bỏ Đấng đã sai Ta.”

17 Bảy mươi người đã trở lại với sự vui mừng, thưa rằng: “Lạy Chúa! Những quỷ chịu phục chúng tôi trong danh của Ngài.”

18 Nhưng Ngài đã bảo họ: “Ta đã thấy Sa-tan từ trời sa xuống như tia chớp.

19 Này, Ta ban cho các ngươi quyền giày đạp trên những rắn và những bọ cạp, trên mọi năng lực của kẻ thù, không gì có thể làm hại các ngươi.

20 Dù vậy, trong sự ấy, chớ mừng vì những linh chịu phục các ngươi; nhưng thà mừng vì tên của các ngươi đã được ghi trên trời.”

Trong Giăng 7:10, Sứ Đồ Giăng ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus đã bí mật về lại Thành Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Lều Trại, nhưng ông cũng như Ma-thi-ơ và Mác đã không ghi lại chi tiết của cuộc hành trình. Riêng Lu-ca đã ghi lại các sự việc xảy ra trong chuyến đi đó.

Trong bài này, chúng ta học về sự Đức Chúa Jesus sai bảy mươi môn đồ đi giảng Tin Lành, trong khi Ngài đang trên đường từ Ga-li-lê về lại Thành Giê-ru-sa-lem.

Lu-ca 9:51-52

51 Đã xảy ra, trong sự làm trọn những ngày cho sự cất lên của Ngài, Ngài đã có vẻ mặt quyết định đi đến Giê-ru-sa-lem.

52 Ngài đã sai các sứ giả trước mặt Ngài. Họ đã đi, vào trong một làng của những người Sa-ma-ri, để sửa soạn cho Ngài.

Nhóm chữ “sự làm trọn những ngày” là một thành ngữ Hê-bơ-rơ hàm ý, sự hoàn thành những gì cần phải làm trong khoảng thời gian đã định. Có những sự cần phải được Đức Chúa Jesus hoàn thành trong khoảng thời gian từ Lễ Lều Trại của năm 26 cho tới Lễ Vượt Qua của năm 27, trước khi Ngài được cất ra khỏi thế gian. Để có thể hoàn thành những sự đó, Đức Chúa Jesus phải về lại Giê-ru-sa-lem.

Chúng ta chú ý rằng, Lễ Lều Trại kết thúc chu kỳ bảy kỳ lễ hội của Thiên Chúa và Lễ Vượt Qua mở đầu cho một chu kỳ mới. Vào thời điểm các sự việc xảy ra trong bài học này, Đức Chúa Jesus đã thi hành chức vụ Christ của Ngài qua hai kỳ Lễ Vượt Qua, và cũng là qua hai chu kỳ lễ hội. Lễ Vượt Qua của năm 27 sắp đến sẽ là Lễ Vượt Qua thứ ba, trong linh vụ của Ngài, và cũng là thời điểm Ngài hoàn thành sự chết chuộc tội cho loài người.

Có nhiều sự giảng dạy trong các giáo hội mang danh Chúa rằng, Đức Chúa Jesus thi hành chức vụ Christ trong suốt ba năm. Nhưng thực tế, Đức Chúa Jesus chỉ thi hành chức vụ trong khoảng thời gian giữa ba kỳ Lễ Vượt Qua, kéo dài chừng hai năm hai tháng. Ngài chịu báp-tem vào trong chức vụ Christ trước Lễ Vượt Qua năm 25 khoảng hai tháng. Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi ăn khoảng năm ngàn người, vài ngày trước Lễ Vượt Qua của năm 26. Và Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá đúng vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 27 [1]. Các giáo hội mang danh Chúa cũng dạy rằng, Đức Chúa Jesus bị đóng đinh vào ngày Thứ Sáu, trút hơi thở cuối cùng vào chiều Thứ Sáu và sống lại vào sáng sớm Chủ Nhật. Nhưng khoảng thời gian từ chiều Thứ Sáu cho tới sáng sớm Chủ Nhật không thể là “ba ngày và ba đêm ở trong lòng đất” theo lời tiên tri của chính Đức Chúa Jesus, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 12:40. Thực tế, có rất nhiều giáo lý sai lạc Thánh Kinh được rao giảng, trong các giáo hội mang danh Chúa.

Nhóm chữ “có vẻ mặt quyết định” cũng là một thành ngữ để chỉ sự quyết định đã được đưa ra và sẽ không thay đổi. Đức Chúa Jesus đã quyết định về lại Giê-ru-sa-lem, dự Lễ Lều Trại và hoàn thành những việc còn lại cần phải làm, trước khi Ngài về lại thiên đàng.

Vào thời của Đức Chúa Jesus, hành trình đi bộ từ Ga-li-lê về Giê-ru-sa-lem, ngang qua xứ Sa-ma-ri, là một chặng đường dài khoảng từ 120 km đến 150 km, tùy lộ trình. Với tốc độ trung bình mỗi ngày đi chừng 30 km, hành trình sẽ kéo dài từ bốn tới năm ngày. Đức Chúa Jesus đã sai vài người trong các môn đồ đi trước Ngài, vào một làng của dân Sa-ma-ri để tìm chỗ nghỉ chân cho Ngài và các môn đồ của Ngài.

Lu-ca 9:53-54

53 Nhưng họ đã không tiếp đón Ngài, vì vẻ mặt của Ngài đã như là đi đến Giê-ru-sa-lem.

54 Thấy vậy, các môn đồ của Ngài, Gia-cơ và Giăng, đã nói: “Thưa Chúa, Ngài muốn chúng tôi gọi lửa từ trời xuống để thiêu họ, như Ê-li đã làm chăng?”

Nhóm chữ “vẻ mặt của Ngài đã như là” cũng là một thành ngữ để chỉ sự quyết định đã được đưa ra và sẽ không thay đổi.

Những người Sa-ma-ri khi ấy đã biết danh tiếng của Đức Chúa Jesus, nhưng khi họ biết Ngài chỉ ở lại qua đêm để hôm sau tiếp tục đi đến Giê-ru-sa-lem, chứ không ở lại nhiều ngày với họ, thì họ từ chối đón tiếp Ngài. Có lẽ họ có ý làm như vậy để buộc Đức Chúa Jesus phải ở lại nhiều ngày với họ. Nếu là vậy thì họ đã không hiểu rằng, Đức Chúa Jesus hành động theo ý muốn và chương trình của Đức Chúa Trời, không theo ý riêng của Ngài hay của bất cứ ai. Những người Sa-ma-ri đã bỏ qua cơ hội được đón tiếp Chúa, và rất có thể được nghe Ngài giảng dạy.

Ngày nay, nhiều con dân Chúa cũng thường khi có ý muốn và thái độ bắt ép Chúa làm theo ý mình. Chúng ta cần phải cẩn thận tra xét mình để biết chắc mình luôn sống trong Chúa, là sống bởi đức tin vào sự cứu rỗi của Ngài; sống cho Chúa, là sống để phụng sự Chúa; sống vì Chúa, là sống theo Lời Chúa để tôn vinh Ngài.

Gia-cơ và Giăng là hai người có tính nóng nảy, bộc trực. Hai ông đã từng được Đức Chúa Jesus đặt cho biệt danh là “Bô-a-nẹt, nghĩa là các con trai của sấm sét” (Mác 3:17). Khi hai ông thấy những người Sa-ma-ri từ chối đón tiếp Chúa thì có lẽ hai ông đã tức giận, nên đã hỏi Ngài có muốn hai ông gọi lửa từ trời xuống để thiêu họ, như xưa kia Tiên Tri Ê-li đã làm đối với quân lính của Vua Ê-xê-chia (II Các Vua 1:10-12).

Câu hỏi của Gia-cơ và Giăng cho thấy, hai ông được nghe biết nhiều về các câu chuyện trong Thánh Kinh. Hai ông thật sự tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ và tin rằng, với sự cho phép của Chúa, hai ông có thể gọi lửa từ trời giáng xuống để thiêu đốt những người Sa-ma-ri không chịu đón tiếp Ngài. Nhưng phản ứng ấy cũng chứng tỏ sự thiếu suy xét của hai ông, khi muốn giải quyết các sự việc. Đồng thời cũng chứng minh rằng, “sự giận của loài người không làm nên sự công chính của Thiên Chúa” (Gia-cơ 1:20). Sự tức giận dẫn đến sự ghét và sự ghét có thể khiến cho người ta muốn giết người. Sau này, chính Sứ Đồ Giăng đã viết:

“Ai ghét anh chị em cùng Cha của mình, là kẻ giết người. Các con biết rằng, chẳng một kẻ nào giết người mà có sự sống vĩnh cửu ở trong mình.” (I Giăng 3:15).

Trong nguyên tác Hy-lạp của Thánh Kinh, có một số bản chép tay không có nhóm chữ “như Ê-li đã làm” ở cuối câu 54. Vì thế, một số bản dịch Thánh Kinh sang các ngôn ngữ khác, trong đó có bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống, đã không có nhóm chữ ấy.

Lu-ca 9:55-56

55 Xoay lại, Ngài đã trách họ và phán: “Các ngươi đã không biết thần trí nào là của các ngươi.

56 Vì Con Người đã không đến để hủy diệt mạng sống của loài người, nhưng để cứu.” Rồi, họ đã đi đến làng khác.

Có lẽ khi ấy, Gia-cơ và Giăng đang đứng phía sau Đức Chúa Jesus nên Ngài đã xoay lại để phán với họ.

Thần trí của loài người là sự nhận thức bởi sự suy luận của thân thể thiêng liêng, tức là tâm thần, do tiếp xúc với thế giới thiêng liêng, còn gọi là thế giới thuộc linh; dẫn đến tình cảm và quyết định của tâm thần. Thần trí cũng lưu lại tình cảm và quyết định của bản ngã là linh hồn thành những quan điểm và khuynh hướng của một người. Thần trí thiếu sự soi dẫn bởi Thiên Chúa thì cảm xúc và quyết định của tâm thần sẽ không đúng với Lời Chúa.

Lời quở trách của Đức Chúa Jesus hàm ý, thần trí của Gia-cơ và Giăng đã không có sự soi dẫn của Thiên Chúa, thiếu sự hiểu biết trọn vẹn về chức vụ Christ của Ngài.

Lời phán tiếp theo của Ngài xác định sự cuối cùng trong sứ mạng của Ngài, trong thế gian. Nhiều chỗ khác trong Thánh Kinh cũng đã ghi lại mục đích ấy:

“Vì Con Người đã đến, cứu sự đã mất.” (Ma-thi-ơ 18:11).

“Cũng vậy, Con Người đã đến, không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và phó mạng sống của mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:28; Mác 10:45).

“Vì Con Người đã đến, tìm và cứu sự đã mất.” (Lu-ca 19:10).

Sự gọi lửa từ trời xuống để thiêu đốt những người Sa-ma-ri chỉ có thể xảy ra, sau khi họ đã bị phán xét. Nhưng Đức Chúa Jesus đến thế gian không phải để phán xét thế gian, cho dù thế gian không tin Ngài.

“Và nếu ai nghe những lời của Ta mà không tin, thì Ta không phán xét kẻ đó; vì Ta đã đến, chẳng để phán xét thế gian, nhưng để cứu thế gian.” (Giăng 12:47).

Mục đích sự đến thế gian của Đức Chúa Jesus trong lần thứ nhất là để hoàn thành sự chuộc tội loài người, ban sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho loài người. Không còn bao lâu nữa, Ngài sẽ phán xét toàn thế gian trong Kỳ Tận Thế, như lời tiên tri của Ngài được ghi lại trong sách Khải Huyền. Vào cuối Kỳ Tận Thế, Ngài sẽ đến thế gian để tiêu diệt tất cả những kẻ chống nghịch Ngài và thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm.

Chúng ta không biết, khi Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đi đến làng khác thì có được dân chúng của làng đó tiếp đón hay không. Nếu không thì Chúa và các môn đồ phải ăn lương khô và ngủ ngoài trời.

Lu-ca 10:1-2

1 Sau các sự ấy, Chúa đã chọn bảy mươi người khác. Ngài đã sai họ từng đôi trước mặt Ngài, đến mỗi thành và chỗ mà chính Ngài sắp đến.

2 Kế đó, Ngài đã phán với họ: “Mùa gặt thật lớn, nhưng người làm công thì ít. Vậy, các ngươi hãy xin Chúa của mùa gặt để Ngài sẽ sai những người làm công vào trong mùa gặt của Ngài.

“Sau các sự ấy” là sau khi xảy ra các sự được ghi lại trong Lu-ca đoạn 9. Có lẽ khi Đức Chúa Jesus sai bảy mươi người đi trước Ngài để giảng Tin Lành thì Ngài và các môn đồ vẫn còn ở trong xứ Sa-ma-ri. Số môn đồ theo Ngài lúc ấy có lẽ đã lên đến hàng trăm người.

Bảy mươi người được Đức Chúa Jesus chọn trong số các môn đồ của Ngài và sai đi không bao gồm mười hai sứ đồ mà Ngài đã sai đi trước đó. Ngài đã truyền cho họ cũng cùng một mệnh lệnh mà Ngài đã truyền cho mười hai sứ đồ. Nơi mà họ sẽ đến là các thành và các làng mà Đức Chúa Jesus sẽ đi qua, trên đường về lại Giê-ru-sa-lem.

Câu “Ngài đã sai họ từng đôi trước mặt Ngài” hàm ý, bảy mươi môn đồ, chia thành ba mươi lăm cặp, đã trực tiếp đứng trước Đức Chúa Jesus để nhận sự sai phái của Ngài.

Lời phán của Đức Chúa Jesus trong câu 2 không phải chỉ phán riêng với bảy mươi người được sai đi mà phán chung cho tất cả các môn đồ đang có mặt. Gần hai năm trước, khi Ngài đi vào địa phận Sa-ma-ri, Ngài cũng đã từng phán: “Hãy ngước mắt của các ngươi lên và nhìn xem các đồng ruộng. Vì chúng đã trắng, sẵn sàng cho mùa gặt” (Giăng 4:35). Trong một dịp khác, Đức Chúa Jesus cũng đã phán với các môn đồ: “Mùa gặt thì thật trúng, nhưng người làm thì ít. Vậy, các ngươi hãy cầu xin Chúa của mùa gặt rằng, Ngài sẽ sai những người làm vào trong mùa gặt của Ngài” (Ma-thi-ơ 9:37-38).

“Mùa gặt” là cơ hội rao giảng Tin Lành để thu nhận những người tin nhận Tin Lành vào trong Vương Quốc Trời. Trong trường hợp này, Đức Chúa Jesus chỉ nói đến những người I-sơ-ra-ên. Họ đã được các tiên tri “gieo” hạt giống về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời (Giăng 4:36-37). Lòng của nhiều người I-sơ-ra-ên đang khao khát sự cứu rỗi. Họ cần được nghe biết Tin Lành để hiểu và tin nhận sự cứu rỗi đã đến với họ, qua Đức Chúa Jesus Christ.

“Người làm công” là những người được thuê mướn làm việc, tiêu biểu cho những người được Đức Chúa Trời dùng để rao giảng Tin Lành.

“Chúa của mùa gặt” là Đức Chúa Trời.

Những người rao giảng Tin Lành được gọi là “những người làm công” hàm ý, họ sẽ được Đức Chúa Trời ban thưởng cách xứng đáng cho công lao rao giảng Tin Lành của họ.

Từ sau khi Đức Chúa Jesus hoàn thành sự chết chuộc tội cho loài người thì “mùa gặt” không còn nói riêng về cơ hội giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên nữa. Nhưng “mùa gặt” đã trở thành cơ hội giảng Tin Lành cho muôn dân. Mỗi một con dân Chúa trong Hội Thánh đều có bổn phận rao giảng Tin Lành. Đó là ý nghĩa của mệnh lệnh “rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (I Cô-rinh-tô 11:26).

Con dân Chúa “rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” qua lời nói và qua chính nếp sống của mỗi người. Lời nói giãi bày ý nghĩa Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời. Nếp sống chứng minh người nói đã thật sự ở trong sự cứu rỗi, mỗi việc làm của người ấy chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa, thể hiện tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa trong mọi nơi và mọi lúc.

Lu-ca 10:3-4

3 Hãy đi! Này, Ta sai các ngươi như những chiên con trong giữa bầy chó sói.

4 Đừng đem theo túi tiền, bao hành lý, giày, và đừng chào ai dọc đường.

Loài chiên với đặc tính hiền lành, không có khả năng tự vệ, sống hợp đoàn và cần người chăn dắt được dùng để tiêu biểu cho con dân Chúa. Trong khi đó, chó sói được dùng để tiêu biểu cho các thế lực gian ác chống nghịch Chúa và con dân Chúa, bao gồm ma quỷ và loài người.

Ma quỷ vẫn luôn tìm cách cám dỗ và hãm hại con dân Chúa, chúng cũng có thể xúi giục những người không tin Chúa chống nghịch con dân Chúa. Những người không tin Chúa cũng có thể tự mình chống nghịch con dân Chúa. Con dân Chúa sống trong thế gian là sống trong sự thù nghịch của ma quỷ và của phần lớn những người không tin Chúa.

“Nếu các ngươi vẫn ra từ thế gian có lẽ thế gian vẫn yêu thích sự thuộc về nó; nhưng vì các ngươi không còn ra từ thế gian mà Ta đã chọn các ngươi ra khỏi thế gian, bởi cớ ấy, thế gian ghét các ngươi.” (Giăng 15:19).

Tuy nhiên, trong Đức Chúa Jesus Christ, con dân Chúa luôn đắc thắng, vì Ngài đã thắng thế gian, bao gồm sự thắng mọi thế lực của ma quỷ và loài người.

“Ta đã bảo các ngươi những điều đó để trong Ta các ngươi có sự bình an. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian nhưng hãy can đảm! Ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33).

Vì thế, dù con dân Chúa được ví như những chiên con giữa bầy chó sói nhưng họ được sự chăn dắt và bảo vệ của Chúa.

Có một giai thoại trong Hội Thánh, kể rằng, khi Đức Chúa Jesus phán bảo mười hai sứ đồ, Ngài sai họ đi như chiên trong giữa bầy chó sói (Ma-thi-ơ 10:16) thì Phi-e-rơ đã hỏi Chúa: “Nhưng nếu chó sói cắn xé chiên thì sao?” Đức Chúa Jesus đã trả lời: “Hãy để những con chiên không sợ hãi những con sói khi những con chiên đã chết.” Và sau đó là Ngài phán thêm lời đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 10:28 “Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn. Nhưng thà sợ Đấng hủy diệt được cả linh hồn và thân thể trong hỏa ngục.”

Giai thoại là câu chuyện có ý nghĩa được kể lại về một nhân vật hay sự kiện lịch sử nào đó mà không nhất thiết hoàn toàn đúng với lịch sử. Đối với những giai thoại trong Hội Thánh, chúng ta chỉ suy ngẫm những gì có thể học được qua chúng, như suy ngẫm những ngụ ngôn. Chúng ta không nên xem các chi tiết trong giai thoại là có thật.

Các môn đồ được Đức Chúa Jesus sai đi rao giảng Tin Lành trong dân I-sơ-ra-ên không cần mang theo tiền, áo quần, và giày dự phòng. Vì họ sẽ được sự chu cấp từ những người tin nhận lời rao giảng của họ. Dân I-sơ-ra-ên vốn có tính tôn trọng các tiên tri và những người giảng dạy Lời Chúa. Vì thế, nếu họ tin nhận sự rao giảng của các môn đồ thì họ sẽ chu cấp cho các nhu cầu của các môn đồ.

Theo phong tục trong dân I-sơ-ra-ên, khi một người được giao cho một sứ mạng quan trọng và khẩn cấp thì người ấy sẽ không tốn thời gian cho việc chào hỏi, trò chuyện xã giao. Trong thời Cựu Ước, Tiên Tri Ê-li-sê sai tôi tớ của mình là Ghê-ha-xi cầm gậy của ông đến nhà của người đàn bà tại Su-nem để cứu sống con trai của bà. Ê-li-sê đã truyền cho Ghê-ha-xi trên đường đi không được chào ai và nếu có ai chào thì không được đáp lại (II Các Vua 4:29).

Lu-ca 10:5-7

5 Các ngươi vào trong nhà nào, trước hết hãy nói: “Bình an cho nhà này!”

6 Nếu con của sự bình an ở đó, sự bình an của các ngươi sẽ giáng trên người ấy. Nếu không, nó sẽ trở về trên các ngươi.

7 Hãy ở lại trong nhà đó, ăn và uống từ họ. Vì người làm công là đáng được tiền công của mình. Đừng đi từ nhà này sang nhà khác.

Sự chúc bình an cho căn nhà mình bước vào cũng là một phong tục của dân I-sơ-ra-ên. Đó là một phong tục tốt mà con dân Chúa nên theo. Lời chúc “Bình an cho nhà này!” hàm ý, sự bình an của Đức Chúa Trời bao phủ căn nhà và mọi người cư trú trong nó.

“Con của sự bình an” có nghĩa là người ưa chuộng sự bình an, tìm kiếm sự bình an, và sống bình an với mọi người.

Các môn đồ của Chúa có sự bình an với họ. Đó là sự bình an Chúa ban cho họ. Khi họ chúc bình an cho nhà nào thì nhà ấy sẽ nhận được sự bình an, nếu trong nhà có người được gọi là “con của sự bình an”. Nếu không thì lời chúc trở thành vô giá trị.

Nhà nào có người chịu tiếp đón các môn đồ của Chúa thì các môn đồ của Chúa lưu lại đó, trong khi rao giảng Tin Lành trong thành hoặc trong làng đó. Chủ nhà sẽ chu cấp thức ăn và thức uống cho họ, như là một sự Đức Chúa Trời trả công cho sự họ rao giảng Lời Chúa qua chủ nhà. Phần của chủ nhà chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng, như lời khẳng định của Đức Chúa Jesus:

“Vì bất cứ ai sẽ cho các ngươi uống một chén nước trong danh Ta, vì các ngươi thuộc về Đấng Christ, Ta bảo các ngươi, thật, người ấy sẽ không mất phần thưởng của mình.” (Mác 9:41).

Chúa không muốn các môn đồ đi từ nhà này sang nhà khác, khi đã có nhà chịu tiếp đón họ. Có lẽ trước hết là để không tốn thời gian tìm kiếm nhà khác chịu tiếp đón họ. Kế tiếp là để trong trường hợp chủ nhà chỉ có thức ăn đạm bạc thì các môn đồ sẽ không vì thế mà tìm đến nhà khác, làm buồn lòng chủ nhà.

Lu-ca 10:8-9

8 Các ngươi vào trong thành nào, mà người ta tiếp đón các ngươi, hãy ăn thức ăn được dọn cho các ngươi.

9 Hãy chữa những kẻ bệnh tại đó, và bảo họ: “Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến gần với các ngươi.”

Thành nào có nhà tiếp đón các môn đồ thì họ sẽ ở lại, chữa bệnh cho những người có bệnh và rao giảng trong thành ấy. Họ sẽ ăn bất cứ thức ăn nào được dọn ra cho họ. Sự ăn uống thức ăn được mời hàm ý sự thông công với người tiếp đón họ.

Sự chữa bệnh là sự nhân danh của Đức Chúa Jesus Christ để truyền cho tật bệnh ra khỏi thân thể người có bệnh. Tương tự như vậy là sự đuổi quỷ.

Câu “Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến gần với các ngươi” là nền tảng cho những lời rao giảng của các môn đồ. Trong lời rao giảng của họ, họ sẽ giãi bày cho người nghe về sự ăn năn tội để chuẩn bị đón nhận Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Sự chữa bệnh, đuổi quỷ của họ chứng minh cho sự Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến gần.

Người I-sơ-ra-ên hiểu rằng, Vương Quốc của Đức Chúa Trời là một quốc gia I-sơ-ra-ên được phục hồi và được cai trị bởi Đấng Mê-si-a, trong bình an và thịnh vượng. Nhưng thực tế Vương Quốc của Đức Chúa Trời không đến riêng với dân I-sơ-ra-ên và không đến với sự quan sát bằng con mắt xác thịt. Vì trước hết, Vương Quốc của Đức Chúa Trời đến trong lòng những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận Tin Lành.

“Khi được những người Pha-ri-si hỏi, khi nào Vương Quốc của Đức Chúa Trời sẽ đến, thì Ngài đã đáp lời họ rằng: “Vương Quốc của Đức Chúa Trời không đến với sự quan sát. Người ta cũng sẽ không nói: “Kìa, ở đây!” Hay là: “Kìa, ở đó!” Vì này, Vương Quốc của Đức Chúa Trời ở bên trong các ngươi.”” (Lu-ca 17:20-21).

Chỉ trong thời Vương Quốc Ngàn Năm thì Vương Quốc của Đức Chúa Trời mới được nhận thức bằng sự quan sát của con mắt xác thịt.

Lu-ca 10:10-12

10 Nhưng các ngươi vào trong thành nào, mà người ta không tiếp đón các ngươi, hãy đi vào trong các đường phố của nó mà nói:

11 “Ngay cả bụi từ thành của các ngươi bám chúng ta nơi chân, chúng ta cũng phủi đi. Nhưng các ngươi hãy biết điều này, rằng Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến gần với các ngươi.”

12 Ta bảo các ngươi rằng, trong ngày ấy, sẽ là dễ chịu cho Sô-đôm hơn thành ấy.

Thành không có người đón tiếp các môn đồ tức là thành mà không có một nhà nào trong thành ấy đón tiếp họ. Dù vậy, các môn đồ cũng phải công bố sự đến của Vương Quốc của Đức Chúa Trời trên các đường phố của nó. Sự công bố không nhằm để khiến cho dân chúng trong thành ấy tin nhận nhưng để làm chứng rằng, Tin Lành đã được rao giảng trong thành ấy mà dân chúng của thành ấy đã chối từ. Chính vì vậy mà trong “ngày ấy”, tức ngày phán xét chung cuộc, dân chúng của thành ấy sẽ bị hình phạt nặng hơn dân chúng của thành Sô-đôm.

Hành động phủi bụi là hành động thể hiện sự không còn trách nhiệm.

Lu-ca 10:13-15

13 Khốn cho ngươi, Cô-ra-xin! Khốn cho ngươi, Bết-sai-đa! Vì nếu những phép lạ đã làm trong các ngươi được làm trong Ti-rơ và Si-đôn, thì từ lâu chúng đã ăn năn, ngồi trong áo gai và tro.

14 Sẽ là dễ chịu cho Ti-rơ và Si-đôn hơn ngươi, trong sự phán xét.

15 Còn ngươi, Ca-bê-na-um, ngươi đã được nhấc lên trời nhưng sẽ bị hạ xuống tới âm phủ!

Lời phán của Đức Chúa Jesus trong Lu-ca 10:13-15 cũng là lời Ngài đã phán sau khi sai mười hai sứ đồ đi giảng Tin Lành, như đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 11:20-24. Chúng tôi xin trích dẫn phần chú giải Ma-thi-ơ 11:20-24 dưới đây:

Nhìn vào bản đồ chúng ta thấy, thành Cô-ra-xin thuộc xứ Ga-li-lê, nằm về phía tây của sông Giô-đanh và ở phía bắc của thành Ca-bê-na-um. Cô-ra-xin (G5523) có nghĩa là “lò bốc khói”. Thành Bết-sai-đa cũng thuộc xứ Ga-li-lê nhưng nằm về phía đông của sông Giô-đanh, bên bờ Biển Ga-li-lê, đối ngang với thành Ca-bê-na-um. Đây là sinh quán của các sứ đồ Phi-líp, Phi-e-rơ, và Anh-rê. Và rất có thể cũng là sinh quán của hai sứ đồ Gia-cơ và Giăng. Bết-sai-đa (G966) có nghĩa là: “nhà đánh cá”.

Thành Cô-ra-xin, thành Bết-sai-đa, và thành Ca-bê-na-um đều là các thành của dân I-sơ-ra-ên. Dân chúng trong các thành này được ưu tiên nghe giảng Tin Lành và còn được chính Đức Chúa Jesus rao giảng cho họ. Đức Chúa Jesus đã làm ra nhiều phép lạ, cứu giúp những người đau yếu, tật bệnh; bao gồm các chứng: câm, điếc, mù, què, phong hủi, sốt rét; đuổi quỷ cho những người bị quỷ ám; thậm chí, gọi người chết sống lại. Thế nhưng, họ đã không ăn năn, không từ bỏ nếp sống tội để được vào trong Vương Quốc Trời.

Thành Ti-rơ và thành Si-đôn là hai thành thuộc dân ngoại. Ti-rơ nằm trên một hòn đảo bằng đá, còn Si-đôn thì nằm trên bờ Địa Trung Hải. Ti-rơ (G5184) có nghĩa là: “hòn đá”. Si-đôn (G4605) có nghĩa là: “săn bắn”. Hiện nay, cả hai thành này đều thuộc về Li-băng (Lebanon).

Khi Đức Chúa Jesus đã nói rằng, “Vì những phép lạ đã làm trong các ngươi nếu đã làm ra trong thành Ti-rơ và thành Si-đôn, thì họ đã ăn năn từ lâu trong áo gai và tro.” Thì chúng ta tin rằng, dân Ti-rơ và Si-đôn sẽ ăn năn, nếu họ được nghe Chúa giảng và thấy Chúa làm ra các phép lạ. Điều này dẫn đến một câu hỏi quan trọng. Chúa đã biết chắc dân thành Ti-rơ và Si-đôn sẽ ăn năn nếu Chúa đến giảng và làm ra những phép lạ, thì tại sao Chúa lại không thi hành linh vụ tại hai thành ấy? Câu trả lời chắc chắn là vì: Chúa muốn làm ơn cho ai thì Ngài sẽ làm ơn, Chúa muốn thương xót ai thì Ngài sẽ thương xót, và Chúa muốn làm cứng lòng ai thì Ngài sẽ làm (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19; Rô-ma 9:18). Còn lý do là vì Đức Chúa Jesus chỉ rao giảng cho dân I-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 15:24). Rồi chính dân I-sơ-ra-ên sẽ rao giảng cho các dân tộc khác. Đó là chương trình của Đức Chúa Trời. Trong thực tế, Đức Chúa Jesus cũng có ghé qua Ti-rơ và Si-đôn. Tại đó, Ngài đã đuổi quỷ cho đứa con gái của một người đàn bà Ca-na-an (Ma-thi-ơ 15:21-28).

Ăn năn trong áo gai và tro” là hình thức thể hiện sự ăn năn của dân Trung Đông từ thời Cựu Ước cho tới lúc ấy. Người ăn năn tội mặc áo dệt bằng vải cây gai, thô nhám, rắc tro hoặc bụi đất trên đầu, và kiêng ăn.

Trong ngày phán xét chung cuộc, dân thành Ti-rơ và Si-đôn sẽ chịu án phạt nhẹ hơn dân thành Cô-ra-xin và dân thành Bết-sai-đa vào thời Đức Chúa Jesus.

Ca-bê-na-um (G2584) có nghĩa là: “làng của sự an ủi”. Thành Ca-bê-na-um nằm trên bờ phía tây bắc của Biển Ga-li-lê. Thành này cũng được gọi là thành của Đức Chúa Jesus, vì Ngài cư trú tại đó, sau khi Ngài rời bỏ trú quán gần 30 năm của Ngài là thành Na-xa-rét.

Mệnh đề “đã được nâng lên đến trời” có lẽ bao gồm hai ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất là thành Ca-bê-na-um đã có vinh dự được Đức Chúa Jesus chọn làm nơi cư trú; và từ đó, Ngài đã rao giảng và làm nhiều phép lạ, chọn và sai 12 sứ đồ đi giảng Tin Lành. Nghĩa thứ nhì là thành Ca-bê-na-um vào thời ấy rất thịnh vượng, giàu có.

Mệnh đề “sẽ bị hạ xuống đến âm phủ” hàm ý thành sẽ bị hủy diệt và dân chúng sẽ bị hư mất đời đời. Trong thực tế, cả ba thành Cô-ra-xin, Bết-sai-đa, và Ca-bê-na-um vào thời ấy đã hoàn toàn bị hủy diệt bởi quân Hồi giáo, vào thế kỷ thứ 7 và 8. Ngày nay, chỉ còn lại những tàn tích.

Dân Sô-đôm là độc ác và là những kẻ phạm tội rất nghiêm trọng trước Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (Sáng Thế Ký 13:13). Cùng với thành Gô-mô-rơ bên cạnh, thành Sô-đôm đã bị Đức Chúa Trời hủy diệt bằng lửa. Thế nhưng, trong ngày phán xét chung cuộc, dân thành Ca-bê-na-um vào thời của Đức Chúa Jesus sẽ bị án phạt nặng hơn dân thành Sô-đôm. Điều này khiến cho chúng ta hiểu rằng: Mọi việc làm tội lỗi của mỗi người sẽ bị phán xét cách công chính và bị hình phạt cách xứng đáng. Nhưng những ai có cơ hội nghe giảng Tin Lành mà không ăn năn, không tin nhận Tin Lành, thì sẽ bị hình phạt nặng hơn. Điều này cũng giúp cho chúng ta hiểu rằng, những người đã tin nhận Tin Lành nhưng về sau, quay lại sống trong tội, thì họ sẽ bị hình phạt nặng nhất [2].

Sự Đức Chúa Jesus lặp lại lời quở trách các thành Cô-ra-xin, Bết-sai-đa, và Ca-bê-na-um giúp cho chúng ta hiểu rằng, những ai đã được nghe giảng Tin Lành nhưng cương quyết không tin nhận thì sẽ bị hình phạt nặng hơn những người không được nghe Tin Lành. Sự hình phạt dành cho những người nghe mà không tin nhận Tin Lành vừa có tính cách cá nhân vừa có tính cách tập thể trên địa phương mà họ sinh sống.

Chúng tôi nghĩ rằng, những người sẽ chịu hình phạt nặng hơn những người đã nghe Tin Lành mà không tin nhận Tin Lành là những người xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ nhưng không sống theo Lời Chúa, ngang nhiên vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Còn những người chịu hình phạt nặng nhất là những người biết rõ những sự giảng dạy sai nghịch Thánh Kinh trong các giáo hội mang danh Chúa mà vẫn thản nhiên giảng dạy chúng cho những người khác.

Lu-ca 10:16

16 Ai nghe các ngươi, nghe Ta. Ai chối bỏ các ngươi, chối bỏ Ta. Ai chối bỏ Ta, chối bỏ Đấng đã sai Ta.”

Lời phán này rất là quan trọng. Bất cứ ai không tin lời rao giảng chân thật của con dân Chúa thì cũng chính là không tin Đức Chúa Jesus Christ và Đức Chúa Trời. Bất cứ ai không vâng theo sự giảng dạy đúng Thánh Kinh của những người được Chúa ban cho chức vụ giảng dạy trong Hội Thánh cũng chính là không vâng theo Đức Chúa Jesus Christ và Đức Chúa Trời.

“Hãy vâng lời những người dắt dẫn các anh chị em và chính mình các anh chị em chịu phục họ. Vì họ thức canh về linh hồn của các anh chị em, mà họ phải khai trình, để cho họ làm việc đó với sự vui mừng, mà không phiền lòng. Vì sự phiền lòng ấy chẳng ích lợi cho các anh chị em.” (Hê-bơ-rơ 13:17).

Bất cứ ai nghe và vâng theo sự giảng dạy đúng Thánh Kinh là nghe và vâng theo Đức Chúa Jesus Christ cùng Đức Chúa Trời.

Lu-ca 10:17-18

17 Bảy mươi người đã trở lại với sự vui mừng, thưa rằng: “Lạy Chúa! Những quỷ chịu phục chúng tôi trong danh của Ngài.”

18 Nhưng Ngài đã bảo họ: “Ta đã thấy Sa-tan từ trời sa xuống như tia chớp.

Bảy mươi môn đồ đã trở lại là trở lại gặp Đức Chúa Jesus, không phải trở lại điểm mà họ đã xuất phát. Lúc bấy giờ, có lẽ đã là ngày cuối của hành trình, Đức Chúa Jesus và các môn đồ khác đã đến gần làng Bê-tha-ni. Bảy mươi người đã vui mừng, khai trình với Chúa về sự họ đã thành công trong sự nhân danh Chúa đuổi quỷ.

Câu trả lời của Đức Chúa Jesus mở ra một sự hiểu biết mới cho các môn đồ. Động từ “đã thấy” trong nguyên ngữ Hy-lạp ở thì chưa hoàn thành, thể chủ động, lối tường thuật (Imperfect indicative active) nói lên sự đang quan sát trong quá khứ. Khi Sa-tan sa ngã, Đức Chúa Jesus trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời đã quan sát sự sa ngã của nó. Sự sa ngã đó nhanh chóng như chớp nhoáng, xuất phát từ sự kiêu ngạo của Sa-tan. Đức Chúa Jesus phán ra lời này để cảnh giác các môn đồ về hậu quả của sự kiêu ngạo.

Sa-tan đã từ chỗ thánh khiết sa ngã vào trong sự phạm tội nhưng cũng từ tầng trời thứ ba là thiên đàng bị đánh hạ xuống tầng trời thứ nhì và thứ nhất trong vũ trụ của thế giới vật chất. Tầng trời thứ nhì là không gian bao la trong vũ trụ. Tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển chung quanh trái đất. Vào giữa Kỳ Tận Thế, Sa-tan sẽ bị Thiên Sứ Trưởng Mi-chen ném xuống đất, như lời tiên tri trong Khải Huyền 12:7-17.

Lu-ca 10:19-20

19 Này, Ta ban cho các ngươi quyền giày đạp trên những rắn và những bọ cạp, trên mọi năng lực của kẻ thù, không gì có thể làm hại các ngươi.

20 Dù vậy, trong sự ấy, chớ mừng vì những linh chịu phục các ngươi; nhưng thà mừng vì tên của các ngươi đã được ghi trên trời.”

“Những rắn và những bọ cạp” có thể hiểu theo nghĩa đen là những con vật có chất độc có thể làm chết người nhưng chúng sẽ không thể làm hại các môn đồ của Chúa, như đã được chép trong Mác 16:18, và đã được chứng minh trong Công Vụ Các Sứ Đồ 28:3-5. Có thể hiểu theo nghĩa bóng là những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê chống nghịch Chúa cùng những ai tin Ngài. Cả Giăng Báp-tít và Đức Chúa Jesus đều gọi họ là dòng dõi của rắn độc. Nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa bóng là Sa-tan và những sứ giả của nó, gọi chung là ma quỷ. Sáng Thế Ký 3:15 tiên tri về sự dòng dõi của người nữ sẽ giày đạp đầu của con rắn, là Sa-tan. Dòng dõi của người nữ bắt đầu với Đức Chúa Jesus và bao gồm tất cả những ai tin nhận Ngài. Rô-ma 16:20 nói đến sự Đức Chúa Trời giày đạp Sa-tan dưới chân của con dân Chúa; nghĩa là Ngài dùng con dân Chúa để giày đạp Sa-tan.

Nói chung, con dân Chúa có quyền trên mọi sự độc ác chống nghịch họ từ thuộc thể đến thuộc linh, và trên mọi năng lực của kẻ thù, kể cả Sa-tan.

Trong thực tế, kẻ thù của con dân Chúa có thể giết hại thân thể xác thịt của họ nhưng đó chỉ là sự tạm thời xảy ra, bởi sự cho phép của Đức Chúa Trời. Cuối cùng thì mỗi con dân trung tín của Chúa đều đắc thắng trong vinh quang, với mão của sự sống (Khải Huyền 2:10).

Điều đáng mừng của con dân Chúa không phải là được có thẩm quyền và năng lực trên mọi kẻ thù mà là tên được ghi trong Sách Sự Sống. Một số giáo hội mang danh Chúa cổ võ cho sự tìm kiếm và theo đuổi các ân tứ chữa bệnh, đuổi quỷ quá mức, khiến cho phát sinh sự kiêu ngạo và cạnh tranh lẫn nhau trong các thành viên của họ. Khi sự kiêu ngạo và cạnh tranh phát sinh thì ma quỷ dùng đó để khiến cho họ càng lún sâu vào trong tội lỗi. Vì thế, không có gì lạ khi có những người có nếp sống hoàn toàn sai nghịch Lời Chúa nhưng lại khoe mình trong sự chữa bệnh, đuổi quỷ trong danh Chúa.

Chính Đức Chúa Jesus khoảng 2.000 năm trước đã nói là có nhiều người nhân danh Ngài nói tiên tri, trừ quỷ, làm nhiều phép lạ nhưng Ngài chẳng biết họ bao giờ.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/01/2025

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/tin-lanh-cua-duc-chua-jesus-christ-tl060-loi-quo-trach-va-loi-moi-goi-cua-duc-chua-jesus/

Karaoke Thánh Ca: “Mùa Xuân Mới”
https://karaokethanhca.net/mua-xuan-moi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.

Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, hoặc đó là chú thích của người dịch.