YouTube: https://youtu.be/DJW2h55MhYE
Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL095 Đức Chúa Jesus Dạy về Sự Cầu Nguyện
Lu-ca 11:1-13
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Lu-ca 11:1-13
1 Đã xảy ra, Ngài đang cầu nguyện ở một nơi kia, khi Ngài đã cầu nguyện xong, một trong các môn đồ của Ngài đã thưa với Ngài: “Lạy Chúa! Xin dạy chúng tôi cầu nguyện, cũng như Giăng đã dạy các môn đồ của người.”
2 Ngài đã phán với họ: “Khi các ngươi cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha chúng con, Đấng ở trên các tầng trời! Danh Ngài là thánh! Vương quyền Ngài hãy đến! Ý muốn Ngài hãy nên, trên đất cũng như trên trời!
3 Xin ban cho chúng con thức ăn cần có mỗi ngày của chúng con!
4 Xin tha thứ chúng con những tội lỗi của chúng con! Vì chúng con cũng tha cho những kẻ thiếu nợ chúng con. Xin dẫn chúng con không vào trong sự cám dỗ, nhưng giải cứu chúng con khỏi Kẻ Dữ!”
5 Kế đó, Ngài đã phán với họ: “Ai trong các ngươi là người có người bạn nửa đêm đến với người ấy và nói với người ấy: “Bạn ơi, cho tôi mượn ba cái bánh,
6 vì người bạn của tôi đi đường mới đến với tôi, và tôi không có gì để dọn ra trước người.”
7 Nếu người ở trong nhà trả lời rằng: “Đừng khuấy rối tôi, cửa đã đóng rồi, con cái tôi ở trên giường với tôi. Tôi không thể dậy lấy bánh cho bạn.”
8 Ta bảo các ngươi, dù người ấy không chịu dậy cho bánh người kia, là bạn của mình, nhưng vì cớ sự quấy rối của người kia, người ấy sẽ dậy và cho người kia đủ sự cần dùng.
9 Ta bảo các ngươi: Hãy xin, sẽ được ban cho ngươi. Hãy tìm, ngươi sẽ gặp. Hãy gõ cửa, sẽ được mở cho ngươi.
10 Vì bất cứ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và ai gõ cửa thì nó sẽ mở.
11 Ai trong các ngươi là cha, khi con xin bánh mà cho nó đá chăng? Hay nếu nó xin cá mà cho nó rắn thay vì cá chăng?
12 Hay là nó xin trứng mà cho nó bọ cạp chăng?
13 Vậy, nếu các ngươi là xấu mà biết cho con cái mình những quà tốt, thì Cha ở trên trời sẽ ban thánh linh cho những người xin Ngài càng hơn.”
Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự Đức Chúa Jesus phán dạy các môn đồ của Ngài về sự cầu nguyện. Lần phán dạy này của Đức Chúa Jesus khác với lần Ngài phán dạy các môn đồ trong bài giảng trên núi của Ngài. Lần Đức Chúa Jesus phán dạy các môn đồ trong bài giảng trên núi đã xảy ra vào buổi đầu linh vụ của Ngài. Còn lần phán dạy này đã xảy ra vào cuối linh vụ của Ngài.
Các câu Đức Chúa Jesus phán dạy trong bài giảng trên núi được ghi lại trong Ma-thi-ơ 6:9-13 được lặp lại trong Lu-ca 11:2-4. Các câu Ngài phán dạy trong Ma-thi-ơ 7:7-11 được lặp lại trong Lu-ca 11:9-13.
Lu-ca 11:1
1 Đã xảy ra, Ngài đang cầu nguyện ở một nơi kia, khi Ngài đã cầu nguyện xong, một trong các môn đồ của Ngài đã thưa với Ngài: “Lạy Chúa! Xin dạy chúng tôi cầu nguyện, cũng như Giăng đã dạy các môn đồ của người.”
Đức Chúa Jesus có thói quen tìm đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện, sau một ngày đi đường mệt nhọc, hoặc sau một ngày giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng, hoặc vào lúc sáng sớm. Có lẽ sau khi đi tới làng Bê-tha-ni và vào trọ trong nhà của Ma-thê và Ma-ri, buổi tối hôm đó hoặc buổi sáng sớm hôm sau, Đức Chúa Jesus đã đi ra một nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Trong số các môn đồ đi theo Chúa đã có một người xin Ngài dạy cho các môn đồ cầu nguyện.
Người môn đồ ấy có lẽ đã chưa theo Chúa, khi Ngài phán dạy các môn đồ của Ngài về sự cầu nguyện trong bài giảng trên núi. Người ấy có lẽ cũng từng là môn đồ của Giăng Báp-tít, sau khi Giăng Báp-tít bị Vua Hê-rốt An-ti-ba giết thì người ấy đã trở nên môn đồ của Đức Chúa Jesus.
Chúng ta không biết Giăng Báp-tít đã dạy cho các môn đồ của ông cầu nguyện như thế nào. Vì Thánh Kinh không ghi lại chi tiết ấy. Nếu người môn đồ xin Chúa dạy cầu nguyện thật sự từng là môn đồ của Giăng Báp-tít và đã được ông dạy cầu nguyện, thì có lẽ người ấy muốn biết, có sự khác biệt gì giữa lời dạy của Giăng Báp-tít với lời dạy của Đức Chúa Jesus.
Lu-ca 11:2
2 Ngài đã phán với họ: “Khi các ngươi cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha chúng con, Đấng ở trên các tầng trời! Danh Ngài là thánh! Vương quyền Ngài hãy đến! Ý muốn Ngài hãy nên, trên đất cũng như trên trời!
Có lẽ từ khi Đức Chúa Jesus phán dạy các môn đồ về sự cầu nguyện, trong bài giảng trên núi, thì đã có thêm nhiều môn đồ mới theo Ngài. Họ đã không có dịp nghe sự phán dạy của Ngài trong bài giảng trên núi. Vì thế, Đức Chúa Jesus đã đáp ứng yêu cầu của người môn đồ xin được Ngài dạy họ cầu nguyện.
Lời phán dạy của Đức Chúa Jesus về sự cầu nguyện không có nghĩa đó là một lời cầu nguyện cần học thuộc lòng để mỗi lần muốn cầu nguyện với Đức Chúa Trời thì đọc lên. Nhưng đó là hình thức tiêu biểu của một lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Nếu có ai học thuộc lòng lời phán dạy của Đức Chúa Jesus và chân thành thưa với Đức Chúa Trời trong khi cầu nguyện, thì đó cũng là điều sẽ được Đức Chúa Trời tiếp nhận. Trong các giáo hội mang danh Chúa, các tín đồ thường đọc chung lời cầu nguyện Đức Chúa Jesus dạy. Công Giáo gọi là “Kinh Lạy Cha”, Tin Lành gọi là “Bài Cầu Nguyện Chung”.
Chúng ta thấy, Giăng đoạn 17 ghi lại lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus, trước khi Ngài bị bắt, đã hoàn toàn không lặp lại những gì Ngài đã phán dạy cho các môn đồ về sự cầu nguyện. Đức Chúa Jesus đã thưa trình với Đức Chúa Trời vấn đề Ngài đang đối diện, việc Ngài đã làm, và điều Ngài mong muốn. Vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, lời cầu nguyện Đức Chúa Jesus phán dạy các môn đồ là lời tôn vinh Đức Chúa Trời, cầu xin sự quan phòng và sự cứu rỗi của Ngài. Đó là các điều ít nhất phải có trong mối tương giao giữa con dân Chúa và Đức Chúa Trời. Nhưng con dân Chúa cũng có thể thưa trình với Đức Chúa Trời về những nhu cầu, nan đề, và ước muốn khác.
“Lạy Cha chúng con” là lời mở đầu cho sự cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Con dân Chúa gọi Đức Chúa Trời là “Cha”, vì Ngài là Đấng tái sinh họ và ban cho họ địa vị làm con nuôi của Ngài. Họ là những con trai và những con gái của Ngài. Thánh Kinh nói rất rõ về địa vị làm con Đức Chúa Trời của những ai tin nhận Tin Lành.
“Vì các anh chị em đã chẳng nhận lấy thần trí của nô lệ để lại sợ hãi; nhưng các anh chị em đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, nhờ đó, chúng ta gọi: A-ba! Cha!” (Rô-ma 8:15).
“Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán.” (II Cô-rinh-tô 6:18).
“Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên những con nuôi của chính Ngài bởi Đức Chúa Jesus Christ, theo ý muốn tốt lành của Ngài, để tôn vinh sự vinh quang của ân điển Ngài, mà trong sự ấy, Ngài đã làm cho chúng ta trở nên đáng nhận trong Đấng rất yêu dấu.” (Ê-phê-sô 1:5-6).
“Đấng ở trên các tầng trời” là Đấng cầm quyền cai trị các tầng trời, bao gồm tầng trời thứ ba (II Cô-rinh-tô 12:2), nơi có thiên đàng và ngai của Thiên Chúa; tầng trời thứ nhì là khoảng không gian bao la của vũ trụ, chứa những ngôi sao và những hành tinh; tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển của địa cầu.
“Danh Ngài là thánh” là danh xưng “Đức Chúa Trời” được tôn thánh. Tính từ “thánh” (G37) khi dùng cho Thiên Chúa có nghĩa là riêng biệt, vượt trên muôn loài thọ tạo, đáng tôn kính, đáng vâng phục, và đáng thờ phượng.
“Vương quyền Ngài hãy đến” là xin cho quyền cai trị của Đức Chúa Trời như một nhà vua, trên vương quốc của Ngài, mau đến. Hiện nay, Vương Quốc của Đức Chúa Trời chưa hình thành trên đất mà chỉ đến trong lòng những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài (Lu-ca 17:21). Vương Quốc của Đức Chúa Trời trên đất sẽ được thiết lập lần thứ nhất, ngay sau Kỳ Tận Thế, là Vương Quốc Ngàn Năm. Sau khi trời cũ đất cũ qua đi, Vương Quốc của Đức Chúa Trời sẽ được thiết lập lần thứ nhì, trong trời mới đất mới, là Vương Quốc Đời Đời.
Sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh, Vương quyền của Đức Chúa Trời đã được Ngài trao cho Đức Chúa Jesus Christ:
“Đức Chúa Jesus đã đến, phán với họ rằng: Hết thảy quyền trên trời và trên đất đã được trao cho Ta.” (Ma-thi-ơ 28:18).
Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ có danh hiệu “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” (I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 19:16).
Điều quan trọng đối với mỗi con dân Chúa là hiện nay, Đức Chúa Jesus Christ đang cai trị trong lòng họ, trong đời sống của họ. Vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến trong lòng của những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài.
“Ý muốn Ngài hãy nên, trên đất cũng như trên trời” là xin cho những ý muốn của Đức Chúa Trời được thành toàn trên đất như chúng đã được thành toàn trên trời. Ở trên trời, ý muốn của Đức Chúa Trời luôn được thi hành. Tất cả những ai nghịch lại ý muốn của Ngài đều đã bị đuổi ra khỏi trời. Sa-tan và những thiên sứ phản loạn đều đã bị đuổi ra khỏi trời. Cho nên sự nghịch lại ý muốn của Đức Chúa Trời không thể tồn tại ở trên trời. Nhưng ở trên đất thì sự nghịch lại ý muốn của Đức Chúa Trời rất nhiều. Vì Đức Chúa Trời đã ban quyền tự quyết cho loài người. Loài người được tự do vâng phục Đức Chúa Trời hoặc chống nghịch Ngài. Khi thời điểm đến, Ngài sẽ phán xét toàn thế gian về sự phạm tội của loài người và hoàn thành ý muốn tốt lành của Ngài trên đất.
Ý muốn thứ nhất của Đức Chúa Trời trên đất là ban sự cứu rỗi cho loài người. Ý muốn ấy đã được thành toàn. Ý muốn quan trọng còn lại của Đức Chúa Trời trên đất sẽ được thành toàn trong hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là sự thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm và giai đoạn thứ nhì là sự thiết lập Vương Quốc Đời Đời. Là con dân Chúa chúng ta nên cầu xin cho ý muốn của Đức Chúa Trời trên đất sớm được thành toàn để chúng ta sớm được vui sống đời đời trong vương quốc của Ngài.
Lu-ca 11:3
3 Xin ban cho chúng con thức ăn cần có mỗi ngày của chúng con!
Danh từ “thức ăn” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là “bánh làm bằng bột mì” (G740), là thức ăn chính của dân I-sơ-ra-ên cũng như của nhiều dân tộc khác.
“Thức ăn cần có mỗi ngày của chúng con” có nghĩa là thức ăn cần thiết nuôi sống chúng con mỗi ngày đã được Đức Chúa Trời định sẵn cho chúng con. Thân thể của mỗi người cần có một lượng thức ăn đủ để nuôi sống người ấy, theo như Đức Chúa Trời đã định.
Tuy nhiên, lời cầu xin cho có thức ăn đủ dùng không có nghĩa là chỉ cầu xin về thức ăn mà thôi, nhưng hàm ý là xin được ban cho đầy đủ các nhu cầu trong cuộc sống, bao gồm nhu cầu thuộc thể lẫn nhu cầu thuộc linh. Về thuộc thể ít nhất chúng ta cần có cơm ăn, nước uống, quần áo mặc, nhà ở, các phương tiện làm việc kiếm sống. Về thuộc linh chúng ta luôn cần Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, là Thánh Kinh. Thánh Kinh thì chúng ta luôn có bên mình nhưng chúng ta cần Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự hiểu biết Thánh Kinh, qua sự soi dẫn của Đức Thánh Linh.
Khi chúng ta cầu xin được Đức Chúa Trời ban cho thức ăn thuộc thể cần có mỗi ngày, thì chúng ta sẽ luôn thỏa lòng với sự có ăn, có mặc mà không có lòng ham muốn được giàu có, dẫn đến sự phạm tội:
“Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng. Còn những kẻ muốn được giàu có thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.” (I Ti-mô-thê 6:8-9).
Khi chúng ta biết cầu xin được ban cho thức ăn thuộc linh cần có mỗi ngày, thì chúng ta sẽ biết ngồi lại, đọc và suy ngẫm Lời Chúa để cẩn thận làm theo. Và như vậy, chúng ta được thịnh vượng và hành động khôn sáng, trong mọi đường lối của mình.
Lu-ca 11:4
4 Xin tha thứ chúng con những tội lỗi của chúng con! Vì chúng con cũng tha cho những kẻ thiếu nợ chúng con. Xin dẫn chúng con không vào trong sự cám dỗ, nhưng giải cứu chúng con khỏi Kẻ Dữ!”
Trong Ma-thi-ơ 6:12, Đức Chúa Jesus dùng danh từ “các món nợ” (G3783) có nghĩa đen là sự thiếu nợ về vật chất nhưng có nghĩa bóng là sự phạm lỗi, phạm tội với ai đó mà chưa giải quyết ổn thỏa. Trong Lu-ca 11:4, Đức Chúa Jesus đã dùng danh từ “những tội lỗi”.
Con dân Chúa thiếu nợ Đức Chúa Trời khi phạm tội, tức là khi vi phạm các điều răn của Ngài, dù là vô tình hay cố ý. Ngày nào chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt này thì chúng ta vẫn còn có thể phạm tội. Chúng ta có thể phạm tội vì vô ý. Chúng ta có thể phạm tội vì thiếu hiểu biết, không biết rằng, làm như vậy là phạm tội. Chúng ta có thể phạm tội vì yếu đuối nhất thời, trước cám dỗ hoặc thử thách. Nguyên nhân chính là vì chúng ta chưa yêu Chúa đủ để đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, cẩn thận làm theo. Vì thế, chúng ta không có đủ sự khôn sáng và năng lực để sống theo Lời Chúa.
Nhiều người để cho sự bận rộn kiếm sống mỗi ngày lấy đi thời gian đọc và suy ngẫm Lời Chúa. Chính vì thế mà đời sống của họ thiếu ơn phước của Chúa, thiếu sự khôn sáng đến từ Lời Chúa, khiến cho họ cứ ngày càng mệt mỏi càng hơn trong cuộc sống. Ma quỷ nhân cơ hội cám dỗ họ phạm tội. Và chắc chắn là những ai thiếu sự đọc, suy ngẫm Lời Chúa thì sẽ bị chết đói thuộc linh, nghĩa là sớm hay muộn gì thì họ sẽ lui đi trong đức tin, trở lại sống trong tội, và bị trật phần ân điển. Nếu họ có con thì họ còn làm gương xấu cho con của họ và đồng thời cũng khiến cho con của họ không được hưởng các ơn phước của Đức Chúa Trời.
Thật khó hiểu khi một người luôn lo tìm thức ăn thuộc thể để duy trì sự sống của thể xác và có sức làm việc nhưng lại bỏ qua thức ăn thuộc linh để nuôi dưỡng linh hồn của mình.
Khi Giô-suê nhận lãnh trách nhiệm thống lĩnh hàng triệu dân I-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, chiến đấu với bảy giống dân Ca-na-an, Đức Chúa Trời chỉ truyền cho ông một mệnh lệnh:
“Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).
Ngày nay, có ai trong chúng ta có trách nhiệm nặng hơn Giô-suê? Có ai trong chúng ta bận rộn hơn Giô-suê để không thể thực hành mệnh lệnh của Đức Chúa Trời trong Giô-suê 1:8? Nếu có ai đó chỉ vì bận rộn mưu sinh cho gia đình mà bỏ qua sự thực hành Giô-suê 1:8 thì người ấy đã quá dại khờ, tự chiến đấu với cuộc đời này bằng sức riêng, thay vì bằng sức toàn năng của Thiên Chúa. Chúng tôi mong rằng, những người như vậy sẽ sớm ăn năn kịp lúc.
Lời cầu xin được Đức Chúa Trời tha tội chỉ được Ngài tiếp nhận nếu người cầu xin thật lòng ăn năn và xưng tội với Ngài. Sự tha tội kèm theo sự thánh hóa.
“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).
Lời cầu xin được tha thứ những tội lỗi bao gồm cả những tội mà chúng ta vô ý phạm, không biết mình phạm tội, như Vua Đa-vít đã kêu cầu trong Thi Thiên 19:12.
Điều đặc biệt là sự Đức Chúa Trời tha thứ chúng ta còn tùy thuộc vào sự chúng ta tha thứ những người có lỗi với chúng ta. Nói cách khác, chúng ta tha thứ người khác như thế nào thì Đức Chúa Trời sẽ tha thứ chúng ta như thế ấy. Nếu chúng ta không tha thứ người khác thì Đức Chúa Trời cũng không tha thứ chúng ta.
Sự con dân Chúa tha cho những kẻ thiếu nợ mình vừa là tha cho những kẻ thiếu nợ mình về vật chất mà không có khả năng trả nợ, vừa là tha cho những kẻ phạm tội nghịch lại mình, khi họ biết lỗi và xin lỗi. Sẽ không có sự tha thứ nếu không có sự ăn năn. Nhưng con dân Chúa cần có tấm lòng sẵn tha thứ cho mọi người như Đức Chúa Trời đã sẵn tha thứ cho mình. Đức Chúa Trời đã sẵn lòng tha thứ cho chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội. Ngài đã tiến hành công cuộc cứu rỗi chúng ta, trước khi chúng ta biết ăn năn tội (Rô-ma 5:8).
“Xin dẫn chúng con không vào trong sự cám dỗ” trong ngữ pháp Hy-lạp có nghĩa là xin dẫn dắt chúng con bước đi trong cuộc sống để chúng con không sa ngã vào trong sự cám dỗ.
Động từ “πειρασμός” (peirasmos) /pi-ras-mos – pai-ra-mót/ (G3986) vừa có nghĩa là cám dỗ vừa có nghĩa là thử thách. Nếu đến từ ma quỷ thì là sự cám dỗ nhưng đến từ Đức Chúa Trời thì là sự thử thách. Như trong câu chuyện của Gióp, Sa-tan cám dỗ Gióp nhưng Đức Chúa Trời cho phép sự cám dỗ ấy xảy ra để thử đức tin của Gióp. Con dân Chúa vẫn thường khi đối diện với cám dỗ hoặc thử thách. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ không cho phép sự cám dỗ hoặc thử thách xảy ra quá sức chịu đựng của con dân Chúa.
“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).
Con dân Chúa cần cầu xin Đức Chúa Trời giữ cho mình không sa vào sự cám dỗ.
“Nhưng giải cứu chúng con khỏi Kẻ Dữ” là lời cầu xin được giải cứu khỏi Sa-tan. Danh từ “Kẻ Dữ” có hình thức số ít và có mạo từ xác định được dùng để chỉ Sa-tan, là kẻ chuyên làm ra những sự nghịch lại Lời Chúa, gây đau khổ, thiệt hại cho loài người. Được giải cứu khỏi Sa-tan là được giải cứu khỏi những mưu kế, những cám dỗ, và những sự khuấy rối của nó hoặc của những tà linh dưới quyền của nó.
Lu-ca 11:5-8
5 Kế đó, Ngài đã phán với họ: “Ai trong các ngươi là người có người bạn nửa đêm đến với người ấy và nói với người ấy: “Bạn ơi, cho tôi mượn ba cái bánh,
6 vì người bạn của tôi đi đường mới đến với tôi, và tôi không có gì để dọn ra trước người.”
7 Nếu người ở trong nhà trả lời rằng: “Đừng khuấy rối tôi, cửa đã đóng rồi, con cái tôi ở trên giường với tôi. Tôi không thể dậy lấy bánh cho bạn.”
8 Ta bảo các ngươi, dù người ấy không chịu dậy cho bánh người kia, là bạn của mình, nhưng vì cớ sự quấy rối của người kia, người ấy sẽ dậy và cho người kia đủ sự cần dùng.
Đức Chúa Jesus đã dùng một ngụ ngôn để nói về kết quả của sự kiên trì cầu nguyện cho những điều cầu xin phải lẽ. Điều cầu xin phải lẽ là điều cầu xin không nghịch lại Lời Chúa.
Ngụ ngôn giả định rằng, trong các môn đồ có ai đó, gặp tình huống nửa đêm có bạn đến gõ cửa, hỏi mượn ba ổ bánh để tiếp đãi khách của bạn từ xa mới đến. Nhưng vì đã khuya, con cái đã lên giường đi ngủ nên người ấy không muốn trở dậy để lấy bánh cho bạn mượn. Tuy nhiên, vì người bạn cứ tiếp tục gõ cửa, nài xin nên người ấy đành phải trỗi dậy, lấy bánh cho bạn mình. Ý nghĩa của ngụ ngôn là vì sự tiếp tục quấy rầy của người bạn mà chủ nhà đành phải trỗi dậy, đáp ứng yêu cầu của người ấy. Ngụ ngôn này cùng một ý với ngụ ngôn về người đàn bà góa và quan án không công chính (Lu-ca 18:1-8).
Ngụ ý của Đức Chúa Jesus là loài người vì sự bị quấy rầy mà đáp ứng lời cầu xin của nhau. Còn Đức Chúa Trời là Đấng luôn sẵn sàng cứu giúp con dân của Ngài thì Ngài sẽ đáp lời cầu nguyện phải lẽ của họ càng hơn. Vì thế, con dân Chúa cần kiên trì trong sự cầu nguyện.
Con dân Chúa cần kiên trì trong sự cầu nguyện để thể hiện đức tin mãnh liệt của mình nơi Đức Chúa Trời. Sự kiên trì cầu nguyện giúp cho con dân Chúa hiểu biết càng hơn ý muốn của Đức Chúa Trời liên quan sự mình cầu xin. Sự kiên trì cầu nguyện thêm lên thời gian con dân Chúa được tương giao với Đức Chúa Trời. Sự kiên trì cầu nguyện giúp con dân Chúa rèn luyệt tính nhẫn nại. Sự kiên trì cầu nguyện giúp con dân Chúa thêm thời gian nhận thức những gì cần thay đổi nơi bản thân để nhận được sự mình đang cầu xin. Cô-lô-se 4:2 và Ê-phê-sô 6:18 dạy con dân Chúa kiên trì trong sự cầu nguyện cho bản thân và cho các anh chị em cùng Cha.
Lu-ca 11:9-10
9 Ta bảo các ngươi: Hãy xin, sẽ được ban cho ngươi. Hãy tìm, ngươi sẽ gặp. Hãy gõ cửa, sẽ được mở cho ngươi.
10 Vì bất cứ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và ai gõ cửa thì nó sẽ mở.
Chúng tôi xin trích lại lời chú giải Ma-thi-ơ 7:7-8 như sau:
Người ta xin những gì họ cần. Người ta tìm những gì họ muốn. Và người ta gõ cửa để được cứu giúp hay được tiếp nhận.
Điều trước tiên một người cần xin là xin được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tức là xin được tha thứ mọi tội, được làm cho sạch tội, được dựng nên mới, được ban cho thánh linh để có thể sống một đời sống mới thánh khiết trong Chúa.
Điều trước tiên một người cần tìm là tìm Vương Quốc Trời và sự công chính của Đức Chúa Trời. Để sau đó người ấy sẽ được ban cho mọi sự khác, kể cả sự sống đời đời.
Để có thể được ban cho điều mình xin, gặp được điều mình tìm thì một người phải gõ đúng cửa. Cửa ấy chính là Đức Chúa Jesus Christ.
Khi một người đến với Đức Chúa Jesus Christ, ăn năn tội, tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình thì người ấy đã tìm gặp Thiên Chúa, được mở cửa cho bước vào Vương Quốc Trời. Và từ đó, mọi sự người ấy cần, người ấy có thể cầu xin trong danh của Đức Chúa Jesus Christ.
“Đến bây giờ, các ngươi chưa từng nhân danh Ta mà cầu xin điều gì hết. Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được, để cho sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn.” (Giăng 16:24).
“Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:13).
Trong cuộc sống, có nhiều khi con dân Chúa cầu xin những điều rất hợp lý, như: xin được chữa lành bệnh, xin được thoát khỏi sự khó nghèo hoặc sự bị bách hại đức tin. Nhưng sự cầu xin không được ban cho. Người cầu xin vẫn bị bệnh cho tới chết, hoặc vẫn khó nghèo cho tới chết, hoặc vẫn bị giam cầm vì đức tin cho tới chết. Đó là những trường hợp ngoại lệ, khi Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài điều tốt hơn sự họ cầu xin. Trong chương trình và ý định của Ngài dành cho người ấy, người ấy đã được kêu gọi chịu khổ vì danh Chúa cho tới chết. Vì thế, khi chúng ta đã trình dâng các sự cầu xin của mình lên Đức Chúa Trời mà không nhận được sự mình cầu xin thì hãy tin rằng, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta điều tốt nhất. Rô-ma 8:28-39 là lời giải thích và an ủi chúng ta. Chúng ta cần vui mừng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ân điển chịu khổ vì danh Chúa. Chúng ta theo gương của Gióp, mạnh dạn công bố cho các thiên sứ, ma quỷ, và loài người biết rằng: “Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài!” (Gióp 13:15a).
Chúng tôi tin rằng, không một lời cầu xin phải lẽ nào của con dân Chúa được cầu xin trong đức tin mà không được Đức Chúa Trời tiếp nhận. Nhưng Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của con dân Chúa theo thánh ý và thời điểm của Ngài. Có khi Đức Chúa Trời dùng chính sự chết để giải cứu con dân của Ngài ra khỏi sự bách hại của kẻ thù, như trong trường hợp của Chấp Sự Ê-tiên (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:58-60). Không có sự giải cứu nào lớn hơn là được Đức Chúa Trời đưa ra khỏi cuộc đời này, vào trong thiên đàng. Trong gần hai ngàn năm lịch sử của Hội Thánh, hàng chục triệu con dân Chúa đã được Đức Chúa Trời giải cứu họ bằng sự chết.
Lu-ca 11:11-13
11 Ai trong các ngươi là cha, khi con xin bánh mà cho nó đá chăng? Hay nếu nó xin cá mà cho nó rắn thay vì cá chăng?
12 Hay là nó xin trứng mà cho nó bọ cạp chăng?
13 Vậy, nếu các ngươi là xấu mà biết cho con cái mình những quà tốt, thì Cha ở trên trời sẽ ban thánh linh cho những người xin Ngài càng hơn.”
Chúng tôi xin trích lại lời chú giải Ma-thi-ơ 7:9-11 như sau:
Đức Chúa Jesus đưa ra thí dụ về tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Ngài nói đến lương tâm bình thường chưa hoàn toàn bị băng hoại của bậc làm cha mẹ. Lương tâm ấy là sự tri thức và cảm xúc mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm thần của loài người. Không cần học tập, không cần sai bảo, một người làm cha hay làm mẹ mà lương tâm chưa hoàn toàn bị băng hoại luôn tự nhiên yêu con của mình, sẵn sàng hy sinh cho con của mình, và luôn cho con của mình những gì tốt nhất, trong khả năng hoặc có khi vượt khả năng của mình. Loài người đã bị băng hoại vì tội lỗi mà còn biết yêu và hy sinh cho con như thế, huống gì Đức Chúa Trời là Thiên Chúa Tình Yêu, Cha của những ai vâng phục Ngài.
Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ luôn ban cho con dân của Ngài những điều họ cầu xin phải lẽ. Cầu xin phải lẽ là cầu xin trong danh của Đức Chúa Jesus Christ những điều không sai nghịch Thánh Kinh. Hoặc Ngài sẽ ban cho họ điều tốt hơn cả điều họ cầu xin. Chính Ngài khẳng định:
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết, những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để ban cho các ngươi sự trông cậy cuối cùng.” (Giê-rê-mi 29:11).
Ngày nay, qua tin tức mỗi ngày, chúng ta thấy có những kẻ làm cha, làm mẹ mà lương tâm đã bị hoàn toàn băng hoại nên họ không còn biết yêu thương con. Trái lại, họ ngược đãi và lạm dụng con để thỏa mãn những thú vui tội lỗi của họ. Đó cũng là dấu hiệu thế gian đã sẵn sàng cho sự phán xét của Đức Chúa Trời trong Kỳ Tận Thế.
Điều quan trọng là mọi lời cầu xin của con dân Chúa dù phải lẽ nhưng phải cầu xin bởi đức tin. Nếu cầu xin mà không tin rằng, Đức Chúa Trời sẽ ban cho mình điều mình cầu xin, thì lời cầu xin ấy sẽ không bao giờ được Đức Chúa Trời tiếp nhận.
“Hết thảy mọi sự các ngươi xin trong sự cầu nguyện, nếu các ngươi tin, các ngươi sẽ nhận được.” (Ma-thi-ơ 21:22).
“Và bất cứ điều gì các ngươi xin trong danh Ta, Ta sẽ làm cho để Cha được vinh hiển nơi Con. Nếu các ngươi xin bất cứ điều gì trong danh Ta, Ta sẽ làm cho.” (Giăng 14:13-14).
“Nhưng người ấy phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ chút nào; vì kẻ nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió khuấy động. Người như thế chớ nên nghĩ rằng, mình sẽ nhận được điều gì từ nơi Chúa.” (Gia-cơ 1:6-7).
Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/01/2025
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
Karaoke Thánh Ca: “Nguyện Luôn Theo Jesus”
https://karaokethanhca.net/nguyen-luon-theo-jesus/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, hoặc đó là chú thích của người dịch.