Tự Xét Mình

7,717 views

Tự Xét Mình

Huỳnh Christian Timothy
Bài Giảng Trong Ngày Kiêng Ăn và Cầu Nguyện

Cho Hội Thánh Việt Nam và Dân Tộc Việt Nam
29/06/2013 – Toronto – Canada

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTkzX0Jic2dl

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Mỗi khi dự Tiệc Thánh, chúng ta thường nghe đọc I Cô-rinh-tô 11:23-32. Trong đó, câu 31 dạy rằng: “Nếu chúng ta tự xét mình thì chúng ta không bị phán xét.”

Sự chúng ta, những con dân Chúa, tự xét mình không phải chỉ được thực hiện mỗi khi chúng ta dự Tiệc Thánh, mà phải là điều chúng ta làm ra mỗi ngày trong đời sống của chúng ta. Vì nếu chúng ta không tự xét mình để ăn năn và xưng tội với Chúa, thì chúng ta sẽ bị Ngài phán xét và sửa phạt.

Mỗi con dân Chúa được gọi là thánh đồ, không phải vì họ không còn phạm tội, mà vì họ được Ngài thánh hóa. Họ hiểu biết lẽ thật của Lời Chúa và hết lòng sống theo Lời Chúa, để không phạm các điều răn của Ngài (Giăng 17:17). Họ không cố tình tìm kiếm cơ hội phạm tội, không vui thú trong sự phạm tội. Nếu có khi nào vì yếu đuối hoặc vì thiếu hiểu biết mà phạm tội, thì họ lập tức ăn năn và xưng tội với Chúa, để được Ngài tha tội và làm cho sạch tội (I Giăng 1:9). Mọi tội lỗi của họ được rửa sạch bởi máu thánh của Đức Chúa Jesus Christ (Khải Huyền 1:5).

Là thánh đồ, chúng ta phải thường xuyên tự xét mình. Tiêu chuẩn để chúng ta tự xét mình là lẽ thật của Lời Chúa.

Phần mở đầu của sách Khải Huyền ghi lại bảy lá thư của Đức Chúa Jesus Christ gửi cho bảy Hội Thánh địa phương tại vùng Tiểu Á. Bảy Hội Thánh ấy tiêu biểu cho Hội Thánh chung trong suốt thời kỳ của Hội Thánh. Những ưu điểm và khuyết điểm của Hội Thánh được Chúa nêu lên trong bảy bức thư ấy, là tiêu chuẩn mà chúng ta có thể dựa vào đó để tự xét mình.

Khi chúng ta tự xét mình thì trước hết, chúng ta xét xem mình có được những ưu điểm làm vui lòng Chúa hay không. Kế tiếp, chúng ta xét xem mình có lâm vấp những khuyết điểm mà Chúa lên án hay không. Sau cùng, chúng ta ăn năn, xưng tội với Chúa về những ưu điểm chúng ta chưa có và về những khuyết điểm chúng ta lâm vấp. Rồi, chúng ta cảm tạ ơn thương xót Ngài luôn ban cho chúng ta cách rời rộng!

Những Ưu Điểm Phải Có của Con Dân Chúa

Có 10 ưu điểm đẹp lòng Chúa mà mỗi con dân của Chúa phải có:

1. Chịu khó nhọc, vững vàng và nhẫn nại hầu việc Chúa mà không mòn mỏi.

2. Không dung túng những kẻ ác.

3. Thử nghiệm những kẻ tự xưng là tôi tớ Chúa để tìm ra những kẻ giả dối.

“Ta biết những việc làm của ngươi, sự khó nhọc ngươi, sự nhẫn nại ngươi, và ngươi đã không dung túng những kẻ ác như thế nào. Ngươi đã thử những kẻ tự xưng là các sứ đồ mà không phải, và đã tìm ra chúng là những kẻ dối trá; đã vững vàng và nhẫn nại; đã vì danh Ta lao nhọc mà không mòn mỏi.” (Hội Thánh tại Ê-phê-sô – Khải Huyền 2:2-3).

4. Khốn khó, nghèo khổ về vật chất nhưng giàu có về thuộc linh.

“Ta biết những việc làm của ngươi, sự khốn khổ và nghèo nàn ngươi – nhưng ngươi giàu có…” (Hội Thánh tại Si-miệc-nơ – Khải Huyền 2:9).

5. Trung tín, vững lòng tôn danh Chúa, không chối bỏ đức tin của Chúa, dù sống giữa sự bách hại của Sa-tan, đến nỗi có người phải tử Đạo.

“Ta biết những việc làm ngươi và nơi ngươi ở là ngai của Sa-tan. Ngươi vẫn giữ vững Danh Ta và đã không chối bỏ đức tin Ta trong những ngày mà An-ti-ba – người làm chứng trung tín của Ta – bị giết giữa các ngươi, là nơi Sa-tan cư trú.” (Hội Thánh tại Bẹt-găm – Khải Huyền 2:13).

6. Có lòng yêu thương.

7. Làm nhiều việc cho Chúa.

8. Không chấp nhận tà giáo.

“Ta biết những việc làm của ngươi, lòng yêu thương, sự phục vụ, đức tin, sự nhẫn nại và những việc làm sau cùng của ngươi lớn hơn những việc làm trước.” (Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ – Khải Huyền 2:19).

“Tuy nhiên, Ta phán với các ngươi và những người còn lại tại Thi-a-ti-rơ: Hết thảy những ai chưa biết giáo lý đó và chưa biết bề sâu của Sa-tan như chúng nói, Ta sẽ không đặt thêm gánh nặng nào cho các ngươi.” (Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ – Khải Huyền 2:24).

9. Không thỏa hiệp với thế gian, không làm ô uế sự công chính Chúa ban cho.

“Tuy nhiên, ngươi có một vài người tại Sạt-đe chưa làm ô uế áo xống họ. Họ sẽ mặc áo trắng và đi với Ta, vì họ xứng đáng.” (Hội Thánh tại Sạt-đe – Khải Huyền 3:4).

10. Dù có ít năng lực nhưng giữ vững Lời Chúa, không chối bỏ danh Chúa.

“Ta biết những việc làm của ngươi. Kìa, Ta đã đặt trước ngươi một cửa đã mở mà không ai có thể đóng; vì ngươi có ít sức mà vẫn giữ Lời Ta và không chối danh Ta.” (Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi – Khải Huyền 3:8).

Những Khuyết Điểm Phải Tránh của Con Dân Chúa

Có 10 khuyết điểm Chúa quở trách mà mỗi con dân của Chúa phải tránh:

1. Sa sút, bỏ lòng kính mến Chúa lúc ban đầu.

“Tuy nhiên, Ta trách ngươi, vì ngươi đã bỏ tình yêu ban đầu của ngươi.” (Hội Thánh tại Ê-phê-sô – Khải Huyền 2:4).

2. Chấp nhận tà giáo.

3. Ăn đồ cúng thần tượng.

4. Phạm tà dâm.

5. Cứng lòng, không chịu ăn năn.

“Tuy nhiên, Ta có vài điều trách ngươi; vì tại đó, ngươi có những người giữ giáo lý của Ba-la-am là kẻ dạy Ba-lác ném cớ vấp phạm trước con cái I-sơ-ra-ên, khiến họ ăn thịt cúng thần tượng và phạm tà dâm. Ngươi lại có những người giữ giáo lý của bọn Ni-cô-la là điều Ta ghét.” (Hội Thánh tại Bẹt-găm – Khải Huyền 2:14-15).

“Tuy nhiên, Ta có vài điều trách ngươi; vì ngươi để cho người đàn bà Giê-sa-bên, kẻ tự xưng mình là nữ tiên tri, được giảng dạy và quyến rũ các tôi tớ Ta phạm tà dâm cùng ăn thịt cúng thần tượng. Ta đã cho nó thời gian để cải hối sự tà dâm nó mà nó chẳng chịu cải hối.” (Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ – Khải Huyền 2:20-21).

6. Công việc chết.

“Hãy viết cho thiên sứ của Hội Thánh tại Sạt-đe: Đây là những lời phán của Đấng có Bảy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao: Ta biết những việc làm của ngươi. Ngươi mang tiếng là sống mà đang chết! Hãy tỉnh thức và làm cho vững những sự còn lại là những sự sắp chết; vì Ta không thấy những việc làm của ngươi là trọn vẹn trước Đức Chúa Trời Ta.” (Hội Thánh tại Sạt-đe – Khải Huyền 3:1-2).

7. Tinh thần hâm hẩm, không hết lòng sống cho Chúa.

8. Kiêu ngạo, khoe khoang.

9. Nương cậy nơi của cải vật chất.

10. Thiếu hiểu biết thuộc linh.

“Ta biết những việc làm của ngươi. Rằng ngươi là không lạnh cũng không nóng. Ta ước gì ngươi là lạnh hoặc nóng! Vì ngươi là hâm hẩm như vậy, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta. Vì ngươi nói rằng: Ta giàu và thịnh vượng, không cần gì cả; mà không biết rằng ngươi khốn khó, thảm thương, nghèo thiếu, mù lòa và lõa lồ.” (Hội Thánh tại Lao-đi-xê – Khải Huyền 3:15-17).

Sự tự xét mình của chúng ta dù được dựa trên các tiêu chuẩn của Lời Chúa, nhưng chúng ta cũng cần xin Chúa giúp cho chúng ta nhìn biết được chính mình, như Chúa nhìn biết chúng ta. Tâm trí xác thịt bất toàn của loài người khó mà phán xét chính xác những sự thuộc linh. Sứ Đồ Phao-lô viết trong II Cô-rinh-tô 5:16 như sau:

“Bởi đó, từ nay chúng tôi đã không theo xác thịt mà nhận biết bất cứ sự gì. Nhưng nếu chúng tôi cũng đã học biết Đấng Christ theo xác thịt, thì bây giờ, chúng tôi chẳng còn học biết Ngài như vậy nữa.”

Nghĩa là, từ khi Phao-lô và Ti-mô-thê tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, thì hai ông không còn phán xét theo xác thịt, mà là phán xét theo thần trí, tức là phán xét theo sự nhận thức của một tâm thần đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ.

Có những điều, đang khi chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt, thì chúng ta phán xét theo tâm trí của xác thịt, như: đói thì phải ăn, khát thì phải uống… Nhưng những điều về thuộc linh thì chúng ta phải phán xét bằng thần trí. Ngay cả khi chúng ta ăn và uống để thỏa mãn nhu cầu chính đáng của xác thịt, thì chúng ta cũng phải phán xét bằng thần trí xem sự ăn và sự uống của mình có làm cho Chúa được vinh hiển hay không:

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Tâm trí xác thịt của chúng ta có thể nhìn thấy sự kiêu ngạo của người khác, nhưng không thể nhìn thấy sự kiêu ngạo của chính mình. Tâm trí xác thịt của chúng ta cũng không thể nhận biết những sự ô uế về thuộc linh, trái lại, còn tôn kính những sự ô uế đó; như những hình vẽ được gọi là “hình Chúa”, như những tượng đúc được gọi là “tượng Chúa”, như những danh xưng phạm thượng, tự đưa mình lên cao hơn người khác, tiêu biểu là danh xưng “reverend”, có nghĩa là đáng tôn kính! Lời Chúa dạy chúng ta “hãy khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình.” (Phi-líp 2:3). Lời Chúa không dạy chúng ta khiến cho người khác gọi mình là “the reverend”, người đáng tôn kính! [1].

Sau khi chúng ta nhờ thần trí, tự xét lấy mình, thì chúng ta cũng nên dạn dĩ, đến gần Ngai Ân Điển của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 4:16), để xin Ngài tra xét chúng ta:

“Thiên Chúa ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi… (Thi Thiên 139:23).

Điều đó nói lên sự chân thật của một tấm lòng hoàn toàn muốn sống trọn vẹn theo thánh ý của Thiên Chúa.

Mối tương giao giữa chúng ta và Ba Ngôi Thiên Chúa phải là mối tương giao mật thiết trong sự chúng ta yêu thương và tin cậy Ngài một cách tuyệt đối, đến nỗi, chúng ta sẵn sàng hy sinh mạng sống để không vi phạm Lời Ngài. Còn về phần Ngài, Ngài đã yêu chúng ta hơn tất cả mọi sự và ban cho chúng ta tất cả mọi sự (Rô-ma 8:32). Để có thể ở mãi trong mối tương giao phước hạnh tuyệt vời ấy, chúng ta phải dựa trên Lời của Đức Chúa Trời, tự xét lấy mình mỗi ngày bởi thần trí Đức Thánh Linh ban cho chúng ta, và nương cậy nơi ơn thương xót, tha thứ và phục hồi của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
Sa-bát 29/06/2013

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] Ngày nay, người Do-thái vẫn gọi những người giảng và dạy đạo của họ là Ra-bi. Người Mỹ và người Việt bắt chước Mỹ thì gọi những người làm công tác chăn dắt thuộc linh bằng từ ngữ “Reverend”, viết tắt là “Rev.” là một từ ngữ có nghĩa tương đương với chữ Ra-bi. Điều lạ lùng là có một số người, Mỹ cũng như Việt, tự tôn xưng mình bằng cách ghi thêm chữ “Reverend” hoặc “Rev.” đàng trước tên và chức vụ của mình. Thí dụ: “The Reverend Pastor ABC Nguyễn”. Làm như vậy có phải là vi phạm lời Chúa dạy hay không? Chúng ta hãy cùng xem định nghĩa của chữ “Reverend”:

  • Webster’s 1828 Dictionary: Worthy of reverence; entitled to respect mingled with fear and affection; nghĩa là đáng tôn quý, kính sợ; xứng đáng được sự tôn kính pha trộn với lòng yêu thương và kính sợ.
  • Thánh Kinh chỉ dùng từ ngữ này một lần để nói về danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, trong Thi Thiên 111:9. Từ ngữ này trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ (Hebrew) là  ירא, H3372, phiên âm là /yârê’/, và phát âm là (yaw-ray’). Từ điển “Strong’s Hebrew Dictionary” định nghĩa như sau: A primitive root; to fear; morally to revere; causatively to frighten: – affright, be (make) afraid, dread (-ful), (put in) fear (-ful, -fully, -ing), (be had in) reverence (-end), X see, terrible (act, -ness, thing). Tạm dịch: Một từ gốc nguyên thủy; sợ, kính sợ trong tinh thần đạo đức; khiến cho hoảng sợ: kinh sợ, bị (làm cho) sợ hãi, (một cách) kinh khủng, (khiến cho) lo sợ, (ở trong) sự tôn kính, dùng trong nghĩa rộng: chiêm ngưỡng, nhìn thấy những (hành vi, sự việc, sự) hoành tráng, kinh khiếp.

Bản Dịch Phan Khôi dịch Thi Thiên 111:9 như sau:

“Ngài đã sai cứu chuộc dân Ngài, truyền lập giao ước Ngài đến đời đời. Danh Ngài là thánh, đáng kính sợ.”

Bản Dịch King James dịch:

“He sent redemption unto his people: he hath commanded his covenant for ever: holy and reverend is his name.”

Theological controversy: Some Christians, particularly members of the Churches of Christ and some Baptist groups, reject using the term “reverend” for human beings and maintain that it should be reserved for God alone. (See Matthew 23:5–10.) The word “reverend” is used only once in most translations of the Bible: “[God] sent redemption unto his people: he hath commanded his covenant forever: holy and reverend is his name.” [Psalm 111:9; italics added] They also assert that even the apostles refused to be revered and that they claimed they were only men (Acts 10:25-26). From this principle the Churches of Christ typically refer to their preachers as “ministers” or “evangelists” and some Baptists use the term “minister” or “pastor.”

Some Christians also object to the use of “Father” as a form of address for Catholic, Orthodox and Anglican clergy and to the use of “Rabbi” (teacher) for Jewish religious leaders, citing Jesus’ teaching in Matthew 23:8-9.”

Tạm dịch:

Tranh luận Thần học: Một số Cơ-đốc nhân, đặc biệt là các thành viên của Giáo Hội Các Hội Thánh của Đấng Christ và một số nhóm Báp-tít, từ chối việc dùng từ “reverend” cho loài người, và cho rằng từ này chỉ nên dùng cho Đức Chúa Trời mà thôi. (Xem Ma-thi-ơ 23:5-10). Chữ “reverend” chỉ được dùng có một lần trong hầu hết các bản dịch của Thánh Kinh: “[Đức Chúa Trời] ban sự cứu rỗi cho dân Ngài: Ngài đã truyền giao ước của Ngài cho đến đời đời: thánh thay và đáng tôn kính thay là Danh Ngài.” [Thi Thiên 111:9; kiểu chữ nghiêng được thêm vào.] Họ cũng quả quyết rằng ngay cả các sứ đồ cũng từ chối được tôn kính và chỉ nhận rằng mình là loài người (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:25-26). Từ nguyên tắc này mà Giáo Hội Các Hội Thánh của Đấng Christ đề cập đến các giảng viên của họ một cách thông thường là “mục vụ viên” hoặc “truyền đạo viên” còn một số người Báp-tít thì dùng danh từ “mục vụ viên” hoặc “người chăn”.

Một số Cơ-đốc nhân cũng phản đối việc dùng “Cha” như là hình thức xưng hô với giới tăng lữ của các Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống Giáo, và Anh Giáo cũng như sự dùng “Rabbi” (thầy) để gọi những lãnh tụ tôn giáo của Do-thái Giáo, trích dẫn lời phán dạy của Đức Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 23:8-9.”

Người Công Giáo mở đầu cho sự lấy “Reverend” làm danh xưng cho các chức sắc trong Giáo Hội Công Giáo. Sau đó, các Giáo Hội Chính Thống, Anh Giáo, và Lutheran cũng bắt chước theo. Theo thời gian, thói quen này thâm nhập vào trong hầu hết các giáo phái Tin Lành.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.