Hội Thánh: 13 Lễ Sa-bát
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p
Bấm vào nút “play” ► để nghe
Bấm vào nút “play” ► để nghe
Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một số từ ngữ sau đây:
1. Lễ: là lòng tôn kính của mình trong khi giao tiếp với người khác hoặc trong khi thờ phượng một thần linh.
2. Nghi: là dáng vẻ, hình thức.
3. Lễ nghi: là sự thể hiện lòng tôn kính bằng lời nói, thái độ, cử chỉ, việc làm.
Trong sinh hoạt của Hội Thánh, có ba lễ nghi mà theo lệnh truyền của Chúa, mọi con dân Chúa phải vâng giữ. Đó là: Lễ Sa-bát, Lễ Báp-tem, và Lễ Tiệc Thánh.
Lễ Sa-bát
Có hai loại Lễ Sa-bát: Lễ Sa-bát vào mỗi ngày Thứ Bảy cuối tuần và Lễ Sa-bát vào bảy kỳ lễ hội của Thiên Chúa. Từ ngữ “sa-bát” trong tiếng Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh là “שׁבּת” H7676, [1]; phiên âm tiếng Việt là /sa-bát/ và có nghĩa là: Nghỉ ngơi khỏi sự làm việc.
Lễ Sa-bát cuối tuần, trước hết, chú trọng vào sự nghỉ ngơi lao động, để thân thể của loài người và súc vật được phục hồi năng lực; kế tiếp, là cơ hội để con dân Chúa thông công với nhau và cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Chúa, nhận các ơn phước đặc biệt từ nơi Chúa.
Lễ Sa-bát trong các kỳ lễ hội, chú trọng vào sự trọn ngày thờ phượng Chúa, mà con dân Chúa phải nghỉ làm việc để tập trung thời gian và công sức cho sự thờ phượng Chúa, vui hưởng các phước hạnh trong sự thờ phượng Chúa. Các kỳ lễ hội được tổ chức trong Cựu Ước để mạc khải về những điều mà Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ nhập thế làm người, để làm ra, trong chương trình cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Trời.
Lễ Sa-bát Cuối Tuần
Thánh Kinh ghi rất rõ ràng, ngày thứ bảy trong tuần lễ, tức là ngày sau các ngày thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, thứ tư, thứ năm, và thứ sáu là ngày Sa-bát. Thánh Kinh không nói là bất cứ ngày nào trong bảy ngày của tuần lễ. Chúng ta hãy so sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 16:22-23 qua hai bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ và Thánh Kinh Anh ngữ King James Version:
Bản Dịch Truyền Thống:
22 Đến ngày thứ sáu, dân sự lượm lương thực gấp hai; mỗi người hai ô-me. Các hội trưởng đến thuật lại cho Môi-se rõ.
23 Người đáp rằng: Ấy là lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán rằng: Mai là ngày nghỉ, tức ngày Sa-bát thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, hãy nướng món chi các ngươi muốn nướng, hãy nấu món chi các ngươi muốn nấu; hễ còn dư, hãy để dành đến sáng mai.
Bản Dịch King James Version:
22 And it came to pass, that on the sixth day they gathered twice as much bread, two omers for one man: and all the rulers of the congregation came and told Moses.
23 And he said unto them, This is that which the LORD hath said, To morrow is the rest of the holy Sabbath unto the LORD: bake that which ye will bake to day, and seethe that ye will seethe; and that which remaineth over lay up for you to be kept until the morning.
Từ ngữ “thứ sáu” trong tiếng Việt, “the sixth” trong tiếng Anh được dịch từ chữ “שׁשּׁי” /sơ-si/, H8345, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ [2]. Chữ này có nghĩa là hàng thứ sáu, hạng thứ sáu, lượt thứ sáu, vật thứ sáu, việc thứ sáu, điều thứ sáu, v.v., tính theo thứ tự. Như vậy, theo Xuất Ê-díp-tô Ký 16:23 thì ngày theo sau ngày thứ sáu, tức là ngày thứ bảy trong tuần lễ, là ngày Sa-bát chứ không phải bất cứ ngày nào theo ý riêng của mỗi người. Chúng ta cũng biết rằng, nếu Đức Chúa Trời cho phép mỗi người tự ý chọn một ngày làm ngày Sa-bát, thì chắc chắn là không thể có sự nhóm hiệp thánh của toàn thể con dân Chúa trong ngày Sa-bát. Và Đức Chúa Trời cũng không thể lên án ném đá người bị bắt gặp lượm củi trong ngày Thứ Bảy Sa-bát (Dân Số Ký 15:32-36), vì anh ta có quyền nói, tôi chọn ngày Thứ Nhất làm ngày Sa-bát. Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của sự rối loạn (I Cô-rinh-tô 14:33).
(Tôi nhân cơ hội này, kêu gọi tất cả những ai xưng mình là con dân Chúa mà đang lý luận rằng, con dân Chúa có quyền chọn bất kỳ một ngày nào trong tuần lễ làm ngày Sa-bát, hãy ăn năn! Quý vị đang cứng lòng vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời! Hậu quả sẽ rất là nghiêm trọng!)
Mệnh lệnh truyền cho con dân Chúa phải nhớ ngày Thứ Bảy Sa-bát và biệt riêng ngày đó ra khỏi các ngày khác, không được làm việc trong ngày đó, được ghi chép trong điều răn thứ tư của Mười Điều Răn:
Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11
8 Hãy nhớ đến ngày Sa-bát để thánh hóa nó.
9 Ngươi sẽ lao động và làm hết công việc của mình trong sáu ngày;
10 nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, và súc vật của ngươi, và khách ở trong các cửa của ngươi.
11 Vì trong sáu ngày, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dựng nên các tầng trời và trái đất, biển và muôn vật. Ngài nghỉ vào ngày Thứ Bảy. Vậy nên, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho ngày Sa-bát và thánh hóa nó.
Mệnh lệnh truyền cho con dân Chúa phải nhóm hiệp thánh trong ngày Thứ Bảy Sa-bát được ghi chép trong Lê-vi Ký 23:3:
“Công việc được làm trong sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, là một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở.”
Mệnh lệnh truyền cho con dân Chúa, hễ ngày Chúa trở lại càng gần chừng nào thì càng chớ bỏ qua sự nhóm hiệp thánh trong ngày Sa-bát chừng nấy, được chép trong Hê-bơ-rơ 10:25:
“Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần. [Thánh Kinh chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp trong những ngày Sa-bát Thứ Bảy hoặc những ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội.]”
Mục đích thứ nhất của ngày Lễ Sa-bát cuối tuần là: để người và vật được nghỉ ngơi thân thể sau sáu ngày lao động.
Mục đích thứ nhì là: để con dân Chúa cùng nhau nhóm hiệp thánh, thờ phượng, cảm tạ, tôn vinh Thiên Chúa, dâng hiến lên Thiên Chúa, nhận phước từ Thiên Chúa, lắng nghe Lời Chúa, và thông công với nhau.
Mục đích thứ ba là: để con dân Chúa được mang dấu ấn của Đức Chúa Trời trên thân thể mình và trong tâm thần mình. Thân thể mang dấu ấn của sự nghỉ ngơi sự làm việc để thờ phượng Đức Chúa Trời. Tâm thần mang dấu ấn của sự thuận phục Lời của Đức Chúa Trời:
“Ta cũng cho chúng nó những ngày Sa-bát của Ta để làm một dấu giữa Ta và chúng nó, để chúng nó biết rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu biệt chúng nó ra thánh.” (Ê-xê-chi-ên 20:12).
“Ta là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi, hãy đi theo luật lệ Ta, vâng giữ mệnh lệnh Ta và làm theo. Hãy biệt những ngày Sa-bát Ta ra thánh, nó sẽ làm dấu giữa Ta và các ngươi, để cho chúng nó biết rằng Ta là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các ngươi.” (Ê-xê-chi-ên 20:19-20).
Vì mục đích chính của Lễ Sa-bát cuối tuần nhắm vào sự hồi phục thân thể xác thịt, cho nên, Lễ Sa-bát cuối tuần phải được con dân Chúa vâng giữ cho đến khi ra khỏi thân thể xác thịt hiện tại. Đó cũng là lý do vì sao sự vâng giữ Lễ Sa-bát cuối tuần thuộc về Mười Lời Giao Ước của Đức Chúa Trời.
Tất cả những ai không vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa, đều là những người say mê thần tượng. Đó là:
Thần kiêu ngạo: tự ý bỏ đi ngày Sa-bát của Chúa và dạy cho người khác làm như vậy.
Thần tiền bạc: vì lợi nhuận tiền bạc do mua bán, làm lụng trong ngày Sa-bát mà cố ý không giữ ngày Sa-bát của Chúa.
Thần danh vọng, địa vị: vì chức vụ, địa vị trong giáo hội mà không dám giữ ngày Sa-bát của Chúa.
Lời Chúa dạy rõ:
“Vì chúng nó đã bỏ mệnh lệnh Ta, không đi theo lệ luật Ta, và phạm những ngày Sa-bát Ta; bởi lòng chúng nó đã hướng về thần tượng mình.” (Ê-xê-chi-ên 20:16).
Lễ Sa-bát Trong Các Kỳ Lễ Hội của Thiên Chúa
Ngoài Lễ Sa-bát vào mỗi ngày Thứ Bảy cuối tuần, Đức Chúa Trời còn lập ra bảy kỳ lễ hội trong năm. Trong đó, có các lễ hội có riêng ngày Sa-bát trong kỳ lễ. Bảy kỳ lễ hội trong năm được tính theo lịch Do-thái (Lê-vi Ký 23):
1. Lễ Vượt Qua: Nhằm ngày 14 tháng Một (tháng Nisan). Bắt đầu sau khi mặt trời lặn ngày 13 và kết thúc khi mặt trời lặn vào ngày 14. Hình bóng cho sự chết của Đức Chúa Jesus Christ để chuộc tội cho nhân loại.
2. Lễ Bánh Không Men: Nhằm ngày 15 đến 22 tháng Một. Bắt đầu sau khi mặt trời lặn ngày 14 tháng Một, kết thúc vào lúc mặt trời lặn ngày 22 tháng Một. Ngày thứ nhất và thứ tám của lễ đều là ngày Sa-bát, nghĩa là con dân Chúa phải nghỉ làm việc và nhóm hiệp thánh để thờ phượng Chúa. Hình bóng cho sự những người tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ được phục hòa với Thiên Chúa và tiếp nhận tiêu chuẩn thánh khiết của Ngài, tức là tiếp nhận các luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời vào trong lòng của họ. Hình bóng cho một đời sống thánh khiết trong suốt hành trình trên đất của con dân Chúa, trước khi họ bước vào Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời. Ngày Sa-bát thứ nhất tiêu biểu cho sự nghỉ ngơi khỏi gánh nặng của tội lỗi. Ngày Sa-bát thứ tám tiêu biểu cho sự nghỉ ngơi khỏi công tác hầu việc Chúa trong thân thể xác thịt hiện tại.
3. Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa: Nhằm ngày 16 tháng Một, tiếp liền theo ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men. Bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày 15 và kết thúc khi mặt trời lặn của ngày 16. Hình bóng cho sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ, trái đầu mùa của sự sống lại, và hy vọng phục sinh của con dân Chúa.
4. Lễ Ngũ Tuần: Còn gọi là Lễ Các Tuần Lễ hoặc Lễ Mùa Gặt. Nhằm ngày thứ 50 sau ngày Lễ Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men, tức là ngày 6 tháng Ba (Sivan). Bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày 5 tháng Ba và kết thúc khi mặt trời lặn của ngày 6 tháng Ba. Ngày Lễ Ngũ Tuần là một ngày Lễ Sa-bát. Hình bóng cho sự kiện Hội Thánh được thành lập, kết quả đầu mùa về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
5. Lễ Thổi Kèn: Nhằm ngày 1 tháng Bảy (Tishrei). Bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày 29 tháng Sáu và kết thúc vào lúc mặt trời lặn của ngày 1 tháng Bảy. Ngày Lễ Thổi Kèn là một ngày Lễ Sa-bát. Hình bóng cho sự nhóm hiệp con dân Chúa ra khỏi thế gian. Hình bóng cho sự nhóm hiệp lớn của Hội Thánh trong ngày Đức Chúa Jesus Christ xuất hiện giữa chốn không trung. Hình bóng cho sự nhóm hiệp của con dân Chúa sau ngày Đức Chúa Jesus Christ tiêu diệt thế lực của AntiChrist. Hình bóng cho sự nhóm hiệp của muôn dân trên đất bước vào Vương Quốc Đời Đời trong cõi trời mới đất mới.
6. Lễ Chuộc Tội: Nhằm ngày 10 tháng Bảy. Bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày 9 tháng Bảy và kết thúc vào lúc mặt trời lặn của ngày 10 tháng Bảy. Lễ Chuộc Tội là một ngày Lễ Sa-bát. Hình bóng cho sự phán xét tội lỗi đã được hoàn tất trên Đức Chúa Jesus Christ cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Hình bóng cho sự phán xét tội lỗi của toàn thế gian trong Kỳ Đại Nạn. Hình bóng cho sự phán xét chung cuộc tất cả những ai không ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
7. Lễ Lều Tạm: Nhằm ngày 15 tháng Bảy. Bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 14 tháng Bảy và kết thúc lúc mặt trời lặn của ngày 21 tháng Bảy. Ngày thứ nhất của Lễ Lều Tạm là ngày Lễ Sa-bát. Ngày thứ tám tiếp liền theo Lễ Lều Tạm cũng là một ngày Lễ Sa-bát. Hình bóng cho sự cai trị của Đức Chúa Jesus Christ trong lòng của con dân Chúa trong thời kỳ ân điển. Hình bóng cho sự cai trị của Đức Chúa Jesus Christ trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Ngày thứ tám sau Lễ Lều Tạm hình bóng cho sự mở đầu cho Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời.
Các Lễ Sa-bát thường niên thuộc về bảy kỳ lễ hội của Đức Chúa Trời, làm hình bóng cho những việc mà khi Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế làm người, Ngài sẽ làm ra cho nhân loại. Thiên Chúa Ngôi Con đã đến và đã làm trọn những điều luật pháp đòi hỏi, cho nên, ngày nay con dân Chúa không buộc phải giữ các ngày lễ hội của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, con dân Chúa vẫn có thể kỷ niệm các lễ ấy, để nhớ đến những điều Đức Chúa Jesus Christ đã làm ra cho mình.
Chính vì vậy mà Đức Thánh Linh đã dạy con dân Chúa trong Cô-lô-se 2:16-17:
“Vì vậy, chớ để ai phán xét các anh chị em trong thức ăn hay trong thức uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ hội, hoặc của Lễ Trăng Mới, hoặc của những Sa-bát. [Những Sa-bát trong các kỳ lễ hội.] Các sự ấy là bóng của các việc sẽ tới, nhưng hình thì thuộc về Đấng Christ.”
Từ ngữ “vì vậy” trong câu 16, tức là vì Đức Chúa Jesus Christ đã hoàn thành tất cả những việc mà bảy kỳ lễ hội làm hình bóng về sự cứu chuộc nhân loại, như câu 13 đến 15 trước đó đã đề cập:
“Khi các anh chị em đã chết bởi những lỗi lầm của mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Ngài đã khiến các anh chị em cùng sống lại với Đấng ấy, tha thứ cho các anh chị em mọi sự vi phạm; xóa bỏ bản chép tay các điều luật nghịch lại chúng ta, các điều đối nghịch chúng ta, đem nó ra khỏi giữa chúng ta mà đóng đinh nó trên cây thập tự; truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, phơi bày chúng nó tỏ tường, đắc thắng chúng nó trong thập tự giá. [Quyền cai trị và thế lực của ma quỷ, của tội lỗi, của sự chết.]”
Chính vì Đức Chúa Jesus Christ đã hoàn thành mọi đòi hỏi của luật pháp (Ma-thi-ơ 5:17) qua sự hoàn thành bảy công việc đã được tiên tri trong bảy kỳ lễ hội, để cứu chuộc nhân loại, mà ngày nay con dân Chúa không cần phải giữ các lễ ấy nữa.
Lễ Nghi Sa-bát
Lễ nghi Sa-bát là sự thể hiện lòng tôn kính, thánh hóa ngày Sa-bát của Đức Chúa Trời. Khi lòng chúng ta tôn kính và thánh hóa (tức là biệt riêng cho Chúa) ngày Sa-bát của Chúa, thì chúng ta sẽ theo Lời Chúa mà thể hiện sự tôn kính và thánh hóa ngày ấy, qua hành động, như sau:
1. Ngày Sa-bát là ngày Thứ Bảy trong tuần (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:9-10).
2. Mọi người và cả súc vật không làm việc trong ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10; Lê-vi Ký 23:3; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:14).
3. Không mua bán trong ngày Sa-bát (Nê-hê-mi 10:31; 13:15-17).
4. Không mang vác nặng trong ngày Sa-bát (Nê-hê-mi 13:19; Giê-rê-mi 17:21).
5. Nhóm hiệp để thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát (Lê-vi Ký 23:3).
6. Dâng hiến lên Chúa trong ngày Sa-bát (Dân Số Ký 28:9-10).
7. Giảng Lời Chúa trong ngày Sa-bát (Lu-ca 4:31; 6:6; Công Vụ Các Sứ Đồ 13:14, 15, 44; 17:2; 18:4).
8. Đọc Lời Chúa trong ngày Sa-bát (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:27; 15:21).
9. Làm những việc lành trong ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 12:12; 13:16; Giăng 9:14).
10. Được phép giải quyết những nhu cầu thiết thực như ăn uống, bảo vệ tài sản trong lúc cấp bách (Ma-thi-ơ 12:1; Lu-ca 13:15; 14:1).
Kết Luận
Lễ Sa-bát nhằm ngày Thứ Bảy cuối tuần được Chúa thiết lập và sẽ tồn tại cho đến khi trời cũ đất cũ qua đi:
“Vì Ta phán với các ngươi, thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho tới khi mọi sự được trọn. Vậy, nếu ai bỏ đi một trong các điều cực nhỏ nào của các điều răn, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy các điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 5:18-19).
Lễ Sa-bát nhằm ngày Thứ Bảy cuối tuần không dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên, nhưng cũng áp dụng cho tất cả những người không phải I-sơ-ra-ên, nếu họ tin nhận và thờ phượng Thiên Chúa, giữ vững Mười Lời Giao Ước của Ngài, tức là Mười Điều Răn:
“Các con của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, là tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế nó, và giữ lời giao ước của Ta.” (Ê-sai 56:6).
Hễ chúng ta còn lao động trong thân thể xác thịt này, thì chúng ta cần phải được nghỉ ngơi vào ngày Sa-bát thánh của Chúa để được Ngài phục hồi sức khoẻ và ban phước cho chúng ta. Dù chúng ta không còn lao động, thì chúng ta cũng vẫn phải giữ ngày Sa-bát thánh của Chúa để nhóm hiệp với Hội Thánh mà thờ phượng Ngài. Chúng ta không được phép bỏ qua sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong mỗi ngày Sa-bát Thứ Bảy (Hê-bơ-rơ 10:25).
Lời Chúa đã khẳng định, trong Vương Quốc Ngàn Năm, con dân Chúa vẫn giữ các ngày Sa-bát thánh của Đức Chúa Trời:
“Sẽ xảy ra thường xuyên từ ngày trăng mới đến ngày trăng mới và thường xuyên từ ngày Sa-bát đến ngày Sa-bát, mọi xác thịt sẽ đến thờ phượng trước mặt Ta. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán.” (Ê-sai 66:23).
“Và dân sự của đất, họ sẽ thờ phượng tại cửa của cổng ấy vào những ngày Sa-bát và vào những ngày trăng mới, trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Ê-xê-chi-ên 46:3).
Nếu có thể được, thì chúng ta cũng nên giữ bảy kỳ lễ hội trong Cựu Ước, để nhớ đến những điều Đức Chúa Jesus Christ đã làm ra cho chúng ta.
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/10/2013
Ghi Chú
[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H7676
[2] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H8345
[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.
[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet:
-
Xem nghĩa và nghe cách phát âm các từ ngữ Hê-bơ-rơ: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H0001
(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra). -
Xem nghĩa và nghe cách phát âm các từ ngữ Hy-lạp: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G0001
(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).