Hội Thánh: 16 Các Lễ Nghi Khác

6,487 views

Hội Thánh: 16 Các Lễ Nghi Khác

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài ghi âm có nhiều chi tiết và thí dụ hơn bài viết.
Mỗi con dân Chúa nên dành thời gian nghe ít nhất là 27 phút đầu tiên của bài giảng này, để phân biệt: Sa-bát thuộc thể với Sa-bát thuộc linh và Sa-bát đời đời của thân thể phục sinh. Xin quý vị hãy nghe 27 phút đầu tiên của bài giảng này với lòng khao khát tìm kiếm lẽ thật. Lẽ thật của Lời Chúa sẽ làm thay đổi nếp sống Đạo của quý vị.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe

 Bấm vào nút “play” ► để nghe

Ngoài ba lễ nghi do Chúa truyền cho con dân Chúa: Lễ Sa-bát Ngày Thứ Bảy, Lễ Tiệc Thánh, và Lễ Báp-tem, thì Hội Thánh cũng có thể kỷ niệm bảy kỳ lễ hội của Thiên Chúa, như đã được ghi chép trong Lê-vi Ký 23.

Sự kỷ niệm bảy kỳ lễ hội của Thiên Chúa giúp cho con dân Chúa nhớ đến những gì Ngài đã và đang làm cho Hội Thánh; những gì Ngài sẽ làm cho con dân Chúa trong các thời kỳ sau khi Hội Thánh được Chúa đem ra khỏi thế gian.

Hội Thánh không cần phải giữ bảy kỳ lễ hội này, vì những ý nghĩa bóng của bảy kỳ lễ hội ứng dụng cho Hội Thánh đã được Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành:

“Vì vậy, chớ để ai phán xét các anh chị em trong thức ăn hay trong thức uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ hội, hoặc của Lễ Trăng Mới, hoặc của những Sa-bát. [Những Sa-bát trong các kỳ lễ hội.] Các sự ấy là bóng của các việc sẽ tới, nhưng hình thì thuộc về Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:16-17).

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt những ngày Sa-bát trong thời Cựu Ước làm bóng cho các việc sẽ tới là những ngày Sa-bát của các kỳ lễ hội, chứ không phải là “Ngày Sa-bát Thứ Bảy”. Vì ngày Sa-bát Thứ Bảy là ngày được Đức Chúa Trời vì loài người mà dựng nên, để cho loài người được nghỉ ngơi thể xác, sau sáu ngày lao động. Ngày Sa-bát Thứ Bảy là một sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và không hề làm bóng cho một sự gì trong Đấng Christ cả. Mệnh lệnh giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy là một trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Mà Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là nền tảng của một đời sống thánh khiết, vâng phục Chúa, chứ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời không là bóng cho một sự gì cả. Khi Đức Chúa Con nhập thế làm người, Ngài cũng vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn.

Con dân của Chúa trong Thời Tân Ước có ba hình thức Sa-bát:

1. Sa-bát thuộc thể: Là ngày Thứ Bảy mỗi tuần, đã được Đức Chúa Trời lập nên từ khi sáng thế, để cho thân thể xác thịt loài người được nghỉ ngơi sau sáu ngày lao động. Trong ngày nghỉ ngơi đó, con dân Chúa cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Chúa. Con dân Chúa có bổn phận vâng giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, nếu không, là phạm điều răn của Chúa, là phạm tội.

2. Sa-bát thuộc linh: Là sự yên nghỉ trên luật pháp, ra khỏi gánh nặng của quyền lực tội lỗi, của hậu quả tội lỗi, nhờ sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Con dân Chúa đương nhiên được hưởng Sa-bát này, mà không cần phải làm gì hết, chỉ cần thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

3. Sa-bát sau khi thân thể phục sinh: Là sự đời đời yên nghỉ khỏi mọi hậu quả của tội lỗi, bao gồm: sự lao động đổ mồ hôi trán để kiếm ăn, sự già yếu, bệnh tật, sự chết; và khỏi mọi sự mệt nhọc, thương khó trong các công tác hầu việc Chúa (Hê-bơ-rơ 4:1-11; Khải Huyền 14:13). Đây là Sa-bát mà con dân Chúa phải sốt sắng để được vào, chứ không phải là sự ban cho vô điều kiện như nhiều người lầm tưởng:

“Vậy, chúng ta hãy sốt sắng đi vào bên trong sự yên nghỉ đó, để cho không ai sa ngã cùng một cách của kẻ chẳng tin.” (Hê-bơ-rơ 4:11).

Sốt sắng trong câu phán này của Chúa có nghĩa là gì? Nghĩa là trung tín cho đến chết trong sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ (Khải Huyền 2:10; 14:12). Những ai không vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời là những kẻ chẳng tin, sẽ không nhận được Sa-bát đời đời này.

Ngoài ra, con dân Chúa trong Hội Thánh cũng có thể tùy ý tổ chức một số lễ nghi trong danh Chúa; miễn sao các lễ nghi ấy không rườm rà, lãng phí, không tiêm nhiễm hay ảnh hưởng bởi các thói tục mê tín dị đoan, biến thành dịp để phạm tội. Tất cả phải theo tiêu chuẩn của Lời Chúa: Có ích lợi, làm gương tốt, vì sự vinh quang của Đức Chúa Trời, và được làm trong danh Chúa, theo các tiêu chuẩn thánh thiện của Thánh Kinh:

“Dù mọi sự hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Dù mọi sự hợp pháp đối với tôi nhưng tôi sẽ chẳng bị bắt phục bởi sự gì.” (I Cô-rinh-tô 6:12).

“Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều xây dựng.” (I Cô-rinh-tô 10:23).

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

“Mặc dù các anh chị em nói hay làm, cũng phải trong danh Đức Chúa Jesus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha.” (Cô-lô-se 3:17).

Một Số Lễ Nghi Nên Theo

Dưới đây là một số lễ nghi mà con dân Chúa, nếu có khả năng và hoàn cảnh thuận tiện, thì có thể làm trong tinh thần tôn kính Chúa và biết ơn Chúa; cùng lúc, gia đình và Hội Thánh được thêm cơ hội thông công với nhau. Dĩ nhiên, những ai có ý dùng các dịp này để khoe của, khoe tài thì họ sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa.

1. Mừng Sinh Nhật: Sự thực hữu của mỗi một chúng ta, ngày chúng ta ra đời, ngày chúng ta lìa đời, đều đã được Thiên Chúa định sẵn:

“Mắt của Ngài đã thấy thể chất chưa thành hình của tôi. Trong sách của Ngài, đã ghi khắc tất cả các ngày được hình thành của tôi, khi chưa có một ngày nào trong các ngày ấy.” (Thi Thiên 139:16).

Vì thế, mỗi năm chúng ta có thể tổ chức Lễ Mừng Sinh Nhật để cảm tạ Chúa đã cho mình được thực hữu làm người. Chỉ riêng đối với con dân Chúa, thì Lễ Mừng Sinh Nhật mới có ý nghĩa. Đối với tất cả những người không thuộc về Chúa, thì đó là một ngày đáng buồn, vì nó là ngày khởi đầu cho sự đau khổ đến đời đời!

2. Mừng Tốt Nghiệp: Con dân Chúa, sau khi hoàn thành sự học trong từng giai đoạn, có thể tổ chức Lễ Mừng Tốt Nghiệp để cảm tạ Chúa đã ban ơn cho mình trong sự học, và cũng là dịp để cầu xin Chúa hướng dẫn mình trong bước đường sắp tới, về sự tiếp tục việc học hay tìm kiếm việc làm.

3. Mừng Tân Gia: Khi mua hay cất được một căn nhà, dùng làm nơi cư trú hay một cơ sở thương mại, con dân Chúa cũng có thể tổ chức Lễ Mừng Tân Gia, Lễ Mừng Cơ Sở Mới để cảm tạ Chúa, và xin Chúa dùng căn nhà và cơ sở của mình làm tôn vinh danh Chúa. Đó cũng là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự thịnh vượng vật chất Chúa ban. Lễ mừng giúp cho con dân Chúa tỏ lòng biết ơn Chúa và nhắc cho con dân Chúa sự quan phòng, ban ơn của Chúa trong đời sống mình. Con dân Chúa cũng có thể tổ chức Lễ Mừng Cất Nhà Mới hoặc Lễ Mừng Cất Cơ Sở Mới trong ngày khởi công xây cất.

4. Hôn Lễ: Là nghi thức kết hợp một người nam và một người nữ thành vợ thành chồng. Hôn Lễ có thể chỉ là một nghi thức đơn sơ giữa một người nam và một người nữ trước mặt Chúa, trước mặt Hội Thánh, khi hai bên thật lòng cam kết nhận nhau làm vợ, làm chồng; và hứa với nhau, với Chúa, trước Hội Thánh sẽ làm tròn bổn phận vợ chồng trong ơn Chúa. Hôn lễ có thể thực hiện tại căn nhà mà đôi vợ chồng sẽ cùng nhau chung sống. Hình thức có thể như sau, hai người cùng quỳ đối diện nhau:

a) Người nam nói: “Kính lạy Cha ở trên trời của chúng con! Trong danh của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, con xin tiếp nhận (nói họ tên của người nữ) làm vợ của con. Con xin hứa sẽ nhờ ơn Chúa mà yêu và hy sinh cho vợ con như Đấng Christ đã yêu và hy sinh cho Hội Thánh. A-men!” Rồi đeo nhẫn vào tay người nữ.

b) Người nữ nói: “Kính lạy Cha ở trên trời của chúng con! Trong danh của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, con xin tiếp nhận (nói họ tên của người nam) làm chồng của con. Con xin hứa sẽ nhờ ơn Chúa mà yêu và vâng phục chồng con như Hội Thánh vâng phục Đấng Christ. A-men!” Rồi đeo nhẫn vào tay người nam.

c) Người chồng trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, cầu nguyện cảm tạ Chúa, xin Chúa ban ơn cho gia đình mới của mình, giúp cho mình luôn làm gương tốt cho vợ và các con. Kế tiếp, người vợ trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, cầu nguyện cảm tạ Chúa, xin Chúa ban ơn cho gia đình mới của mình, giúp cho mình trong việc chăm sóc chồng và nuôi dạy con cái.

Sau đó là lời chúc mừng và quà tặng của Hội Thánh, rồi một tiệc cưới đơn sơ để cả Hội Thánh cùng chung vui.

Dĩ nhiên, Hội Thánh cũng có thể hát các bài thánh ca tôn vinh Chúa, người chăn bầy hay các trưởng lão có thể giảng Lời Chúa về ý nghĩa của tình vợ chồng trong Chúa, và thay cho Hội Thánh chúc phước cho đôi vợ chồng mới. Các chi tiết khác, tùy ý mà thêm vào, miễn sao không quá rườm rà, lãng phí, hay tiêm nhiễm các thói tục của ngoại giáo, của mê tín dị đoan. Điều gì không biết rõ ý nghĩa thì không làm. Tránh tục dùng lễ vật trầu cau. Tránh dùng các hình long phụng.

5. Tiệc Cưới: Tránh ca hát những bản nhạc đời không có nội dung lành mạnh trong tiệc cưới.

Các lễ hỏi, lễ đính hôn… không cần thiết!

6. Mừng Ngày Cưới: Hàng năm, con dân Chúa cũng có thể tổ chức Lễ Mừng Ngày Cưới để cảm tạ Chúa về những ơn phước của Ngài trong cuộc sống vợ chồng; đồng thời, nhắc nhau lời hứa hy sinh và vâng phục. Đó cũng là cơ hội để vợ chồng tâm tình với nhau về những bất đồng trong cuộc sống; và xin Chúa ban ơn để cùng nhau sửa đổi các thói hư tật xấu, chiều nhau và tha thứ nhau để luôn sống trong hạnh phúc.

7. Lễ Dâng Con: Mục đích của Lễ Dâng Con là dâng con lên Chúa, xin Chúa cứu chúng nó và gìn giữ, dạy dỗ chúng nó trong ân điển của Ngài. Lễ Dâng Con có thể tổ chức bất cứ lúc nào, nhưng càng sớm càng tốt, sau khi con ra đời. Trường hợp con đã lớn (nhưng vẫn dưới 20 tuổi) rồi cha mẹ mới tin Chúa, thì vẫn có thể dâng con khi thuận tiện. Trường hợp chỉ có một trong hai người vợ hoặc chồng tin Chúa, thì người tin Chúa vẫn có thể trong tư cách cha hay mẹ mà dâng con của mình lên Chúa.

Lễ Dâng Con có thể tổ chức riêng trong gia đình hoặc trong buổi nhóm hiệp của Hội Thánh. Người cha hoặc mẹ (nếu không có cha hoặc cha không tin Chúa) bồng con mình trên tay, nếu con còn nhỏ, hoặc nắm tay con, nếu con đã lớn, đặt tay phải trên đầu con và cầu nguyện dâng con lên Chúa; đại khái như sau: “Trong danh của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, con kính dâng Cha ở trên trời của chúng con, con (trai hoặc gái) của chúng con là: (nói tên con). Xin Cha tiếp nhận cháu, ban ơn cho cháu, gìn giữ cháu, và dạy cháu bước đi trong đường lối của Ngài. A-men!”

Sau đó, cha mẹ cầu nguyện xin Chúa ban ơn, thêm sức cho mình trong việc nuôi dạy con. Kế tiếp, nếu là dâng con trước sự hiện diện của Hội Thánh, thì một người thay mặt cho Hội Thánh cầu nguyện chúc phước cho con trẻ và cha mẹ của cháu.

8. Tang Lễ và Lễ An Táng: Lễ Tang là lễ than khóc người đã qua đời. Lễ An Táng là lễ chôn cất người đã qua đời. Con dân Chúa khi qua đời là được về bên Chúa. Đó là một phước hạnh. Thánh Kinh chép rõ:

“Tôi nghe một tiếng từ trời phán với tôi: Hãy viết: Từ nay, phước cho những kẻ chết, chết trong Chúa. Đấng Thần Linh phán: Phải, vì họ được yên nghỉ khỏi những sự lao nhọc của họ và những việc làm của họ sẽ theo họ.” (Khải Huyền 14:13).

Vì thế, nếu thân nhân còn sống cũng là con dân Chúa, thì sẽ không cần tổ chức Lễ Tang để đau buồn, than khóc, mà chỉ cần tổ chức Lễ An Táng. Trong Lễ An Táng thì không cần phải mặc đồ tang, đeo dấu tang; vì sự ra đi của một người đã được cứu là một sự vui mừng, không phải là một sự than khóc. Đành rằng sự chia tay nào cũng đem lại một nỗi buồn ly biệt. Trái lại, nếu người ra đi là một người không tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, thì con dân Chúa có thể tổ chức Lễ Tang để than khóc cho sự hư mất đời đời của một người thân yêu. Khi ấy, có thể mặc áo tang, đội khăn tang, thời gian là bao lâu thì tùy ý; nhưng cũng đừng dựa theo các tập tục của dân ngoại. Áo tang và khăn tang may cách đơn sơ bằng vải thô trắng, rẻ tiền.

Sự an táng có thể là hỏa thiêu hoặc tẩm liệm rồi chôn xuống đất. Xác chết của một người là ô uế, vì là nguồn của bệnh tật. Sau khi phân rã hay thiêu đốt thì là bụi đất trở về bụi đất, không có gì là thiêng liêng, đáng kính.

Sự thiêu xác hợp vệ sinh, ít tốn kém, hoàn toàn không nghịch lại sự dạy dỗ nào trong Thánh Kinh, không ảnh hưởng gì đến sự phục sinh. Trong lịch sử của Hội Thánh, biết bao nhiêu con dân Chúa đã bị thiêu chết vì không chịu chối Chúa!

Lễ An Táng có thể tổ chức cách đơn sơ tại nhà riêng hay tại nhà quàn, nơi thiêu xác, hoặc tại nghĩa trang. Người chủ gia đình hoặc một trưởng lão trong Hội Thánh có thể đứng ra, dùng Lời Chúa an ủi thân nhân của người đã qua đời và nhắc nhở mọi người luôn sống thánh sạch trong Chúa, sẵn sàng ra đi với Chúa bất cứ lúc nào. Sau đó là lời cầu nguyện cảm tạ Chúa và xin Chúa an ủi những người còn lại. Hội Thánh có thể tôn vinh Chúa và an ủi lẫn nhau qua các bài thánh ca liên quan đến sự chết trong Chúa và hy vọng gặp lại nhau trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Sự viếng xác (nhìn mặt người chết) là không cần thiết. Con dân Chúa không nên đến gần xác chết, trừ khi là thân nhân (Lê-vi Ký 21:1-3; ngày nay, mỗi con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và xác chết vẫn là ô uế). Một tấm ảnh của người chết cũng có thể được dùng trong Lễ An Táng để mọi người nhìn và nhớ đến người đã qua đời. Ảnh của người chết cũng có thể được treo cách bình thường trong nhà để kỷ niệm, miễn là không biến thành đối tượng để dâng hoa, dâng đèn, không để trên một cái bệ như là hình thức của một bàn thờ.

Trong Lễ An Táng, không nên thắp nến, đốt hương, cũng không cần phải theo thói tục người đời mà tặng hoa, chưng hoa, mà nên tập trung tiền bạc phụ giúp gia đình người chết trong việc chi phí cho Lễ An Táng và các nhu cầu khác.

9. Lễ Cầu Nguyện Quốc Thái Dân An: Thường được tổ chức trong ngày đầu năm mới hoặc trong ngày Quốc Khánh. Có thể là do chính quyền địa phương yêu cầu Hội Thánh, có thể là do Hội Thánh tự ý tổ chức. Lễ Cầu Nguyện Quốc Thái Dân An là một lễ nghi tốt. Bổn phận của con dân Chúa là:

“…trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người: cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật.” (I Ti-mô-thê 2:1-2).

Vì thế, chúng ta nên thường xuyên cầu thay cho dân tộc của mình và cho các bậc cầm quyền trên đất nước mình. Cầu xin Chúa thương xót, tha thứ các tội lỗi của dân tộc chúng ta và ban cho những ai chưa biết Chúa có thêm cơ hội được nghe biết Tin Lành, để họ ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Chúa. Cầu xin Chúa khiến cho các bậc cầm quyền biết tin kính Chúa mà cai trị cách chính trực.

Trong các dịp Lễ Quốc Khánh hoặc trong ngày đầu năm (dương lịch lẫn âm lịch), Hội Thánh nên dành ra một ngày để cầu thay (hoặc kiêng ăn và cầu thay) cho sự thái bình của đất nước, sự bình an của dân tộc, để việc rao giảng Tin Lành của Chúa giữa lòng dân tộc được thuận lợi và nếp sống Đạo của con dân Chúa cũng được an lành.

Trong Lễ Cầu Nguyện Quốc Thái Dân An, Hội Thánh nhóm họp, tôn vinh Chúa và mỗi người lần lượt dâng lên Chúa lời cầu thay cho quê hương, dân tộc, cho các bậc cầm quyền.

10. Lễ Cảm Tạ (Thanksgiving): Mặc dù nguồn gốc của Lễ Cảm Tạ ra từ các di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ, nhưng con dân Chúa cũng có thể tiếp nhận thói tục tốt này, mà tổ chức Lễ Cảm Tạ. Mục đích chính của Lễ Cảm Tạ là dâng lên Chúa lòng biết ơn về sự quan phòng của Ngài trong đời sống của chúng ta. Trong Lễ Cảm Tạ, mỗi con dân Chúa nên thuật lại các điều phước hạnh nhất Chúa đã ban cho mình, đọc thuộc lòng một câu Thánh Kinh đem lại nhiều ơn phước nhất cho mình, trong suốt một năm qua.

11. Lễ Biết Ơn Cha, Lễ Biết Ơn Mẹ (Father’s Day, Mother’s Day): Cũng ra từ văn hóa của Hoa Kỳ. Cũng là thói tục tốt nên tiếp nhận. Lễ Biết Ơn Cha hay Lễ Biết Ơn Mẹ giúp cho cha mẹ và con cái có một ngày thông công phước hạnh, để con cái tỏ lòng biết ơn cha mẹ và ông bà. Bậc ông bà, cha mẹ cũng trong dịp này kiểm điểm lại sự thi hành bổn phận làm ông bà, cha mẹ và dâng lời tạ ơn, cầu thay cho con cháu.

12. Lễ Tết: Dù là theo dương lịch, theo âm lịch, hay theo Lịch Thánh Kinh (Ngày 1 tháng Nisan), thì ngày bắt đầu một năm lịch cũng đáng là ngày cho mọi người nhớ đến Đấng Tạo Hóa và công trình sáng tạo của Ngài; nhớ đến mục đích sự sáng tạo của Ngài. Con dân Chúa có thể nhóm hiệp trong ngày đầu năm để cảm tạ Chúa về chương trình và ý định, cùng những việc làm đời đời của Ngài dành cho con dân Ngài.

Một Số Lễ Nghi Không Nên Theo

Có những lễ nghi mà con dân Chúa không nên theo, kể cả những lễ nghi truyền thống trong các giáo hội. Chúng ta không theo các lễ nghi ấy vì chúng có nguồn gốc từ ngoại giáo hoặc tiêm nhiễm các thói tục mê tín, dị đoan:

1. Đám Giỗ (lễ nhớ người chết) [1].

2. Đám Chạp (lễ cúng mả người chết) [2].

3. Lễ Đầy Tháng [3].

4. Lễ Thôi Nôi [4].

5. Tết Trung Thu [5].

6. Lễ Tình Nhân (Valentine) [6].

7. Lễ Easter [7].

8. Lễ Christmas [8].

9. Lễ Halloween [9].

10. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương [10].

Kết Luận

Nếp sống Đạo của con dân Chúa hoàn toàn dựa trên Lời Chúa và sự tự do trong Chúa. Dựa trên Lời Chúa có nghĩa là: mọi suy nghĩ, ý muốn, lời nói, việc làm đều không nghịch lại Lời Chúa. Dựa trên sự tự do trong Chúa có nghĩa là: các lễ nghi nào Chúa không truyền dạy thì con dân Chúa không cần phải làm; các lễ nghi nào làm bóng cho các việc làm của Đức Chúa Jesus Christ, như các lễ nghi Thời Cựu Ước, thì con dân Chúa tùy ý kỷ niệm hoặc không kỷ niệm. Và trên hết, nếp sống Đạo của con dân Chúa luôn luôn thể hiện những phẩm chất thánh thiện của Đạo Chúa:

“Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Bất cứ những điều gì chân thật, những điều gì đáng tôn, những điều gì công chính, những điều gì thánh sạch, những điều gì đáng yêu chuộng, những điều gì có tiếng tốt, nếu là trọn lành và nếu là đáng khen thì các anh chị em phải nghĩ đến những điều ấy.” (Phi-líp 4:8).

Những ai hết lòng yêu kính Chúa, khao khát sống đúng theo Lời Chúa, siêng năng đọc và suy ngẫm Lời Chúa, thì Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt họ luôn bước đi trong lẽ thật của Lời Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

16/11/2013

Ghi Chú

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BB%97

[2] https://tuoitre.vn/chap-ma—moi-nguoi-da-khuat-cung-an-tet-298658.htm

[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A7y_th%C3%A1ng

[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%B4i_n%C3%B4i

[5] http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%BFt_Trung_thu

[6] “Ngày Lễ Tình Yêu Có Ý Nghĩa Gì Đối với Thiên Chúa”:
https://grace-jay.net/viet/58/

[7] “Easter: Huyền Thoại Easter”: https://timhieutinlanh.com/easter-huyen-thoai-ve-easter/

[8] “Christmas: Sự Thật về Christmas”: https://timhieutinlanh.com/christmas-su-that-ve-christmas/

[9] “Nguồn Gốc và Ý Nghĩa của Halloween”: https://grace-jay.net/viet/nguon-goc-va-y-nghia-cua-halloween/

[10] http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BB%97_T%E1%BB%95_H%C3%B9ng_V%C6%B0%C6%A1ng

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: