Thiên Chúa: 00_Lời Nói Đầu

5,341 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Kính thưa quý bạn đọc,

Có thể nói, trong sâu kín mỗi một người đều có tín ngưỡng về một Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối, là Đấng tạo ra và cai trị muôn loài vạn vật, định sẵn kết quả cho muôn loài vạn vật, và là Đấng duy nhất có quyền ban ơn hoặc giáng họa. Tín ngưỡng ấy không phải ngẫu nhiên mà loài người có được. Tín ngưỡng ấy chính là đức tin mà Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối đã ban cho loài người, khi Ngài dựng nên loài người.

Vì sự không vâng phục của loài người đối với Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối mà mối tương giao giữa loài người với Ngài bị cắt đứt; từ đó, sự nhận thức của loài người về Ngài bị mai một. Cho đến một lúc, loài người vì bất lực và khiếp sợ trước thiên nhiên, trước sự quấy phá của các tà thần mà nảy sinh lòng sùng bái các tà thần và các tạo vật khác. Từ đó, xã hội loài người phát sinh sự thờ lạy các tà thần, những hình tượng của các tà thần, các ý tưởng triết học, các sở thích của xác thịt, các loại côn trùng, điểu, thú… hoặc thờ lạy lẫn nhau; và cũng từ đó, đủ loại tôn giáo phát sinh!

Trong tình yêu đời đời của Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối dành cho nhân loại, Ngài đã bày tỏ chính mình Ngài cho nhân loại qua các ngôn ngữ mà Ngài đã ban cho họ; bằng cách Ngài trực tiếp phán truyền với họ. Nhờ đó, loài người có cơ hội nhận thức rõ về Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối, nhận thức rõ sự bội nghịch của mình đối với Ngài, nhận thức rõ sự tha thứ và cứu chuộc Ngài ban cho nhân loại.

Qua sự nhận thức đó, loài người được tự do lựa chọn. Chọn sống theo ý riêng của mình, tiếp tục chống nghịch Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối; hoặc chọn ăn năn sự phản nghịch của mình mà tiếp nhận ơn tha thứ của Ngài. Phần định của những ai chọn sống theo ý riêng, tiếp tục phản nghịch Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối, là đời đời bị xa cách Ngài, bị giam trong hỏa ngục. Phần định của những ai chọn ăn năn sự phản nghịch của mình, tin nhận sự cứu chuộc của Ngài, và nhờ năng lực của chính Ngài để sống theo thánh ý Ngài, là đời đời hạnh phúc trong vương quốc của Ngài.

Tất cả những sự bày tỏ đó đã được ghi chép thành một cuốn sách, gọi là Thánh Kinh. Thánh Kinh gọi Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối là “Thiên Chúa.”

Cuốn sách này được viết ra để trình bày những lẽ thật về Thiên Chúa, đã được chính Ngài bày tỏ trong Thánh Kinh.

Trước khi luận về Thiên Chúa, chúng ta cần thông qua một số thuật ngữ sẽ được dùng trong sách này.

Ngôn ngữ là phương tiện để diễn đạt tư tưởng, cảm xúc, và nhận thức. Ngôn ngữ có quy luật của ngôn ngữ và ngôn ngữ có sự phát triển không ngừng. Một từ ngữ được dùng hôm qua, có thể không còn được dùng hôm nay. Một từ ngữ mới có thể được tạo ra, để diễn đạt chính xác hơn một từ ngữ cũ; hoặc để diễn đạt một khái niệm mới, một thực thể mới. Một từ ngữ có thể mang nghĩa khác hẳn nghĩa thường dùng, khi được dùng trong một lĩnh vực chuyên biệt. Hai từ ngữ dù có cách phát âm và cách viết giống nhau nhưng có thể mang hai nghĩa hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng, mà phần lớn các từ ngữ không thể nào được hoàn toàn chuyển dịch chính xác sang ngôn ngữ của một dân tộc khác.

Loạt bài khảo luận trong sách này được viết bằng tiếng Việt. Một số từ ngữ dùng trong các bài này là thuật ngữ trong lĩnh vực Thánh Kinh và Thần học. Các thuật ngữ ấy được dịch trực tiếp từ nguyên ngữ của Thánh Kinh là tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew) và tiếng Hy-lạp (Greek). Có một số từ ngữ thuộc lĩnh vực triết học cũng được dùng trong sách này. Tuy nhiên, khi được dùng trong lĩnh vực Thánh Kinh và Thần học thì các từ ngữ ấy không còn mang ý nghĩa thường dùng. Vì thế, sự lập thành một bảng ngữ vựng các thuật ngữ chính được dùng trong loạt bài khảo luận này là cần thiết.

Thuật Ngữ

Bản chất: (Danh từ). Chất liệu tạo thành một thực thể. Thí dụ: Bản chất của Thiên Chúa là thần. Bản chất của loài người là thần và bụi đất. Bản chất thần của loài người ra từ hơi linh của Thiên Chúa [1].

Bản ngã: (Danh từ). Cùng nghĩa với “linh hồn”. Phần chủ động của một thực thể có thân vị. Thí dụ: Linh hồn, còn gọi là bản ngã, của một người thuộc về Chúa điều khiển tâm thần và xác thịt của mình, thờ phượng Thiên Chúa theo lẽ thật của Thánh Kinh.

Bản thể: (Danh từ). Thân thể, hình dáng của một thực thể. Một thực thể có thể:

  • có thân thể, hình dáng vật chất, hoặc

  • có thân thể, hình dáng thiêng liêng, hoặc

  • có thân thể, hình dáng vật chất lẫn thân thể, hình dáng thiêng liêng:

I Cô-rinh-tô 15:39-44

39 Mọi xác thịt chẳng phải cùng xác thịt. Nhưng thực tế, xác thịt của loài người khác, xác thịt của loài thú khác, xác thịt của loài cá khác, xác thịt của loài chim khác.

40 Cũng có những hình thể thuộc về trời và những hình thể thuộc về đất. Nhưng thực tế, sự vinh quang của hình thể thuộc về trời khác và sự vinh quang của hình thể thuộc về đất khác.

41 Sự vinh quang của mặt trời khác. Sự vinh quang của mặt trăng khác. Sự vinh quang của những ngôi sao khác. Vì ngôi sao này khác ngôi sao kia trong sự vinh quang.

42 Sự sống lại của những người chết cũng như vậy. Vật được gieo ra trong sự hư nát nhưng được sống lại trong sự không thể hư nát.

43 Vật được gieo ra trong sự nhục nhưng được sống lại trong sự vinh. Vật được gieo ra trong sự yếu đuối nhưng được sống lại trong sức mạnh.

44 Vật được gieo ra trong thân thể thiên nhiên nhưng được sống lại trong thân thể thiêng liêng. Có thân thể thiên nhiên và có thân thể thiêng liêng.

Người là một thực thể vừa có thân thể thiêng liêng (tâm thần) vừa có thân thể vật chất (bụi đất); thân thể vật chất còn được gọi là thân thể xác thịt.

Bản tính: (Danh từ). Đặc tính của một thực thể. Thí dụ: Bản tính của Thiên Chúa là nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn…

Chúa: (Danh từ). Dùng để dịch các danh từ:

  • “a-đôn” (adon, H113) tiếng Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Cựu Ước;

  • “a-đô-nai” (adonay, H136) tiếng Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Cựu Ước;

  • “ê-lô-ah” (eloahh, H433) tiếng Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Cựu Ước;

  • “kú-ri-ot-s” (kurios, G2962) tiếng Hy-lạp trong Thánh Kinh Tân Ước.

Từ ngữ này được dùng để gọi chung ba thân vị của Thiên Chúa hoặc gọi riêng mỗi thân vị; thường được dùng để gọi Đức Con. Từ ngữ này cũng được dùng để vợ gọi chồng, tôi tớ gọi chủ, dân chúng gọi vua.

Đấng: (Nhân xưng đại danh từ ngôi thứ ba số ít). Từ ngữ này được dùng để gọi các thân vị của Thiên Chúa và các thiên sứ. Thí dụ: “Nhưng họ sẽ khai trình với Đấng đã sẵn sàng  phán xét những người sống và những kẻ chết.” (I Phi-e-rơ 4:5).

Đấng và Đức: (Mạo từ). Hai từ ngữ này được dùng làm mạo từ xác định trước các danh xưng thuộc về Thiên Chúa. Thí dụ: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh.

Đấng Thần Linh: (Danh từ). Dùng để dịch danh từ “ru-a-kh” (ruach) tiếng Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Cựu Ước và danh từ “niếu-ma” (pneuma) tiếng Hy-lạp trong Thánh Kinh Tân Ước khi đi kèm với mạo từ xác định; và để chỉ thân vị Đức Thánh Linh trong ba thân vị của Thiên Chúa, khi thân vị này hành động bên ngoài thân thể của con dân Chúa.

Đức Chúa Trời: (Danh từ). Dùng để dịch danh từ “ê-lô-him” (elohiym) tiếng Hê-bơ-rơ, có mạo từ xác định đi chung, trong Thánh Kinh Cựu Ước hoặc danh từ “thê-ót-s” (theos) tiếng Hy-lạp, có mạo từ xác định đi chung, trong Thánh Kinh Tân Ước; và để chỉ về thân vị Đức Cha trong ba thân vị của Thiên Chúa.

Đức Thánh Linh: (Danh từ). Dùng để dịch danh từ “niếu-ma” tiếng Hy-lạp trong Thánh Kinh Tân Ước khi đi kèm với mạo từ xác định và tính từ “há-ghi-ot-s” (hagios – có nghĩa là thánh); và để chỉ thân vị Đức Thánh Linh trong ba thân vị của Thiên Chúa, khi thân vị này hành động bên trong thân thể của con dân Chúa.

Linh: (Danh từ). Dùng để dịch danh từ “ru-a-kh” tiếng Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Cựu Ước và danh từ “niếu-ma” tiếng Hy-lạp trong Thánh Kinh Tân Ước. Từ ngữ này mang nhiều nghĩa khác nhau:

1. Thể chất thiêng liêng của Thiên Chúa.

2. Đức Thánh Linh, một trong ba thân vị của Thiên Chúa.

3. Hơi linh của Thiên Chúa.

So sánh hai câu Thánh Kinh dưới đây:

“Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7). Thân thể thiêng liêng của loài người, tức tâm thần, được tạo thành.

“Khi Ngài phán điều đó rồi, thì thổi hơi trên môn đồ và phán với họ: Hãy nhận thánh linh.” (Giăng 20:22). Thân thể thiêng liêng của loài người, tức tâm thần, được tái sinh.

4. Năng lực của Thiên Chúa.

5. Các thần linh do Thiên Chúa dựng nên, bao gồm các thiên sứ không phạm tội lẫn các thiên sứ phạm tội. Thánh Kinh gọi các thiên sứ phạm tội là ma quỷ hoặc tà linh.

6. Thân thể thiêng liêng của loài người ra từ hơi linh của Thiên Chúa, khi Ngài thổi vào thân thể vật chất của loài người, trong ngày loài người được sáng tạo, thường gọi là tâm thần.

7. Tri thức đến từ Thiên Chúa, còn gọi là thần trí. Thí dụ: “Nhưng các anh chị em không ở trong xác thịt mà ở trong thần trí, nếu thần trí của Thiên Chúa thật ở trong các anh chị em. Nếu ai không có thần trí của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” (Rô-ma 8:9). “Vì bất cứ những ai được thần trí của Thiên Chúa dắt dẫn, thì họ là con cái của Thiên Chúa.” (Rô-ma 8:14).

8. Khuynh hướng trong tâm thần của loài người, còn gọi là tinh thần. Thí dụ: “Sự kiêu ngạo đi trước sự bại hoại; và tinh thần tự cao đi trước sự sa ngã. (Châm Ngôn 16:18).

Ngôi: (Danh từ). Cùng nghĩa với “thân vị”. Một thực thể có nhận thức, phân tích, suy luận, cảm giác, và ý chí. Ngôi hay thân vị chỉ được dùng cho Thiên Chúa, loài người, và các thần linh. Chữ ngôi này khác với chữ ngôi trong “ngôi thứ” của quy luật văn phạm, cũng khác với chữ ngôi cùng nghĩa với “ngai”, để chỉ chỗ ngồi.

Thánh linh: (Danh từ). Năng lực của Đức Chúa Trời ra từ Đức Thánh Linh và tác động trong hoặc qua thân thể của con dân Chúa.

Thần: (Danh từ). Cách dùng (1): để dịch các danh từ “ru-a-kh” tiếng Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Cựu Ước và “niếu-ma” tiếng Hy-lạp trong Thánh Kinh Tân Ước, để chỉ về bản chất thiêng liêng của một thực thể. Thí dụ: Bản chất của Thiên Chúa.

Cách dùng (2) để dịch các danh từ số ít:

  • “eo” (el, H410) tiếng Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Cựu Ước;

  • “ê-lô-ah” (eloahh, H433) tiếng Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Cựu Ước (thể nhấn mạnh của H410);

và các danh từ số nhiều:

  • “ê-lô-him” (elohim, H430) tiếng Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Cựu Ước;

  • “thê-ót-s” (theos) tiếng Hy-lạp trong Thánh Kinh Tân Ước;

để gọi những thần của các ngoại giáo.

Thần tính: (Danh từ). Những đặc tính thuộc về Thiên Chúa.

Thiên Chúa: (Danh từ). Chúa ở trên trời hoặc Chúa của các tầng trời (thiên = trời; chúa = chủ). Danh từ này được dùng để dịch danh từ “ê-lô-him” tiếng Hê-bơ-rơ trong Thánh Kinh Cựu Ước và danh từ “thê-ót-s” tiếng Hy-lạp trong Thánh Kinh Tân Ước; và chỉ được dùng để gọi Đấng Tạo Hóa, là thực thể duy nhất tự có và có đến mãi mãi. Thực thể Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị, tự xưng là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, với tên riêng tự xưng là: “Ta Tự Có và Có Mãi Mãi” (tiếng Hán Việt là: “Ta Tự Hữu và Hằng Hữu”).

Danh từ Thiên Chúa là một danh từ riêng, khái quát, và chỉ định [2], như danh từ “dân tộc Việt Nam” hoặc danh từ “gia đình Nguyễn Văn A”. Vì thế, khi nói đến Thiên Chúa là cùng một lúc nói đến cả ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, vì danh từ Thiên Chúa là một danh từ tập hợp như các danh từ “gia đình”, “dân tộc”, cho nên, ở trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp danh từ này được dùng với các động từ và tính từ số ít.

Thực hữu: (Tính từ). Có thật. Thí dụ: Thiên Chúa thực hữu. Tôi thực hữu.

Thực thể: (Danh từ). Sự có thật. Thí dụ: Thiên Chúa là một thực thể. Tôi là một thực thể. Chỉ có một thực thể duy nhất tự có và có đến mãi mãi là Thiên Chúa. Tất cả những thực thể khác đều do Thiên Chúa sáng tạo và sẽ còn lại mãi mãi, dù chúng có thể trải qua những trạng thái và hình thể khác nhau. Vì thế, Thiên Chúa được gọi là Đấng Tạo Hóa, tức là, Đấng sáng tạo ra muôn loài vạn vật và biến hóa chúng theo thánh ý của Ngài, trong thời điểm ấn định bởi Ngài. Một thực thể có thể mang nhiều thân vị khác nhau; như Thiên Chúa có ba thân vị, loài người có vô số thân vị, mỗi thiên sứ chỉ có một thân vị.

Ngữ Vựng Việt Anh Đối Chiếu

Để giúp quý bạn đọc thông thạo Anh ngữ tiện việc tra cứu, chúng tôi xin lập bảng ngữ vựng Việt Anh đối chiếu các thuật ngữ, như sau:

  • Bản chất: Nature; essence.

  • Bản ngã: Ego; self; soul.

  • Bản thể: The form of an entity.

  • Bản tính: Attribute.

  • Chúa: Lord.

  • Đấng: He, him, who, whom.

  • Đấng và Đức: The.

  • Đấng Thần Linh: The Spirit.

  • Đức Chúa Trời: The God.

  • Đức Thánh Linh: The Holy Spirit; The Holy Ghost.

  • Linh: Spirit.

  • Ngôi: Person.

  • Thánh linh: Holy Spirit.

  • Thần: Spirit.

  • Thần tính: Divinity, Deity.

  • Thiên Chúa: God.

  • Thực hữu: Being.

  • Thực thể: Entity.

Chúng tôi thành kính dâng tác phẩm này lên Thiên Chúa, nguyện Ngài dùng nó để đem lại nhiều ích lợi thuộc linh cho những ai có lòng khao khát tìm biết về Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa phán:

“Thiên Chúa từ trên trời ngó xuống con loài người, để xem thử có ai thông sáng, tìm kiếm Thiên Chúa chăng.” (Thi Thiên 53:2).

“Ta yêu mến những người yêu mến Ta, bất cứ ai tìm kiếm Ta sẽ gặp Ta.” (Châm Ngôn 8:17).

“Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:13).

Chúng tôi kính chúc mỗi độc giả của sách này đều gặp được Thiên Chúa, tin nhận Ngài, và mãi mãi ở trong vương quốc của Ngài.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

17/07/2013

Ghi Chú

[1] Xin đọc loạt bài giảng về loài người tại đây:
https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/

[2] Danh từ là tên gọi một thực thể, một khái niệm. Danh từ chung là tên gọi chung một giống loài, như “dân tộc”, “sinh viên”. Danh từ riêng là tên gọi riêng của một thực thể nhất định, như “Việt Nam”, “Trường Sơn”. Danh từ khái quát không cho chúng ta biết nhiều chi tiết, như “Việt Nam” là một danh từ riêng khái quát. Danh từ chỉ định cho chúng ta biết chi tiết chính xác, như “người Việt Nam”, “chính phủ Việt Nam” là các danh từ riêng chỉ định.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.