Địa Vị Làm Con Đức Chúa Trời
Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://www.mediafire.com/file/xsbvjjl8hxg42u1/DiaViLamConDucChuaTroi.pdf/file
https://od.lk/d/MV8yNTM1MzYwOTNf/DiaViLamConDucChuaTroi.pdf
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF
Phần âm thanh có nhiều chi tiết hơn phần bài viết
Bấm vào nút “play” ► để nghe:
Phần âm thanh của bài giảng này được xếp trong
CD_Bồi Linh 2014
https://timhieuthanhkinh.com/?page_id=343
Theo từ điển Hán Việt, “địa” là nơi chốn; “vị” là thứ bậc; danh từ “địa vị” được dùng để chỉ “chỗ đứng” tức là thứ bậc hoặc trình độ hoặc cảnh ngộ hoặc bổn phận của một người trong xã hội.
Về thứ bậc, chúng ta có địa vị làm vua, địa vị làm dân; địa vị làm cha, địa vị làm con; địa vị làm chủ, địa vị làm tôi tớ; địa vị làm thầy, địa vị làm môn đệ… Về trình độ chúng ta có địa vị kỹ sư, địa vị công nhân; địa vị chuyên gia, địa vị cán sự… Về cảnh ngộ chúng ta có địa vị tự do, địa vị nô lệ; địa vị giàu sang, địa vị nghèo hèn… Mỗi thứ bậc, trình độ hoặc cảnh ngộ đều kèm theo bổn phận của một người đối với xã hội.
Trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, địa vị con Đức Chúa Trời bao gồm thứ bậc, trình độ, cảnh ngộ, và bổn phận. Về thứ bậc là con của Đức Chúa Trời; về trình độ có sự hiểu biết về Đức Chúa Trời; về cảnh ngộ được tự do và giàu có trong Đức Chúa Trời; về bổn phận luôn luôn phát huy sự giàu có của Đức Chúa Trời, Thánh Kinh còn gọi là làm lợi các ta-lâng được Đức Chúa Trời ban cho, để tôn vinh Ngài.
Mỗi hình thức địa vị con Đức Chúa Trời có những điểm khác nhau:
1. Địa vị con Đức Chúa Trời bởi sự sáng tạo: Muôn loài vạn vật ở trong thứ bậc, trình độ, cảnh ngộ Đức Chúa Trời đã đặt để cho và chịu trách nhiệm về bổn phận đã được Đức Chúa Trời giao phó. Thí dụ: đất nuôi sống muôn loài bằng sự sản xuất của mình; các loài ong, bướm… giúp cho các loài cây cỏ phát triển; loài người cai trị đất và muôn vật trên đất, các thiên sứ cai trị các thiên thể… tất cả đều phục vụ ý muốn của Thiên Chúa và làm sáng danh Đức Chúa Trời. Đối với các loài thọ tạo được ban cho ý chí tự do để chọn lựa như các thiên sứ và loài người thì địa vị này có thể mất vì sự chống nghịch Thiên Chúa.
2. Địa vị con Đức Chúa Trời bởi sự đồng bản thể: Thuộc riêng về một mình Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Chúa Jesus. Trong địa vị này Đức Chúa Jesus sáng tạo muôn loài, cứu chuộc muôn loài, và cai trị muôn loài. Đức Chúa Jesus còn là tiếng nói của Đức Chúa Trời (Ngôi Lời) để bày tỏ về Đức Chúa Trời cho loài người. Đây là địa vị còn lại đời đời.
3. Địa vị con Đức Chúa Trời bởi sự thừa hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời: Đây là địa vị dành riêng cho các thiên sứ và loài người. Hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời là được dự phần trong sự vui hưởng và cai trị những gì thuộc về Đức Chúa Trời. Đối với các thiên sứ, Thánh Kinh cho biết họ được Đức Chúa Trời ban cho quyền cai quản các thiên thể, tức các vì tinh tú trong vũ trụ. Đối với loài người, Thánh Kinh cho biết họ được ban cho quyền cai trị đất và muôn vật trên đất. Địa vị này có thể mất và thật sự một số đông các thiên sứ và toàn thể loài người đã mất đi địa vị con Đức Chúa Trời vì họ đã phạm tội chống nghịch Ngài.
4. Địa vị con Đức Chúa Trời bởi sự được cứu chuộc và được ban cho quyền thừa hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời: Địa vị này chỉ dành riêng cho loài người. Hễ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài thì họ được phục hồi địa vị làm con Đức Chúa Trời, được ban cho quyền thừa hưởng cơ nghiệp của Ngài. Trong cuộc sống mai sau, loài người được ban cho quyền cai trị đất và muôn vật trên đất cùng các vì tinh tú (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19). Riêng những người thuộc về Hội Thánh của Chúa, tức các thánh đồ Thời Tân Ước, còn được đồng ngồi trong các nơi trên trời mà cai trị muôn vật với Đức Chúa Jesus Christ (Ê-phê-sô 2:6; II Ti-mô-thê 2:12). Địa vị này có thể mất đi nếu một người quay về sống trong tội (Hê-bơ-rơ 6:4-6; 10:26-29).
Một thiên sứ hay một người khi bị mất đi địa vị “con Đức Chúa Trời” thì sẽ đương nhiên rơi vào địa vị “bị rủa sả” và địa vị “bị hư mất!” Đối với các thiên sứ, một khi chọn phản nghịch Thiên Chúa thì sẽ bị rơi vào địa vị bị rủa sả và địa vị bị hư mất đời đời. Đối với loài người, một khi chọn phản nghịch Thiên Chúa thì cũng bị rơi vào địa vị bị rủa sả và địa vị bị hư mất nhưng chỉ là tạm thời, vì Đức Chúa Trời có ban cho loài người cơ hội ăn năn tội để được tha tội và được phục hồi địa vị con Đức Chúa Trời. Nếu một người đang ở trong địa vị bị rủa sả và địa vị hư mất mà thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì người ấy được phục hồi địa vị con Đức Chúa Trời. Sau khi được phục hồi địa vị con Đức Chúa Trời mà một người lại trở về sống trong tội, phản nghịch Đức Chúa Trời thì người ấy sẽ vĩnh viễn rơi vào địa vị bị rủa sả và địa vị bị hư mất đời đời. Tất cả những người không ăn năn tội, không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, sau khi qua khỏi cuộc đời này, sẽ ở lại trong địa vị bị rủa sả và địa vị bị hư mất cho đến đời đời. Muôn loài thọ tạo khác, vì sự phạm tội của các thiên sứ và loài người mà tạm thời bị ở trong địa vị bị rủa sả, nhưng một ngày kia, Đức Chúa Trời sẽ làm mới lại muôn vật. Muôn vật sẽ được phục hồi địa vị con bởi sự sáng tạo của Đức Chúa Trời.
Nguyện xin Đức Thánh Linh giúp cho chúng con hiểu rõ ý nghĩa của sự được làm con Đức Chúa Trời mà Đức Chúa Jesus Christ đã hy sinh mạng sống của Ngài để phục hồi cho chúng con. Xin Đức Thánh Linh giúp cho chúng con thấy rõ sự cao trọng và bổn phận thiêng liêng của chúng con trong địa vị con Đức Chúa Trời (Giăng 14:26; 16:13-14). Xin Đức Chúa Jesus Christ yêu dấu của chúng con luôn ban cho chúng con chính năng lực của Ngài để trong Ngài và qua Ngài mà chúng con làm được mọi sự mà Đức Chúa Trời là Cha trên trời của chúng con đã sắm sẵn cho chúng con:
“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).
“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).
Trong mối quan hệ cha con của loài người chúng ta nhận biết có những trường hợp nhận làm con nuôi mà cũng có những trường hợp từ bỏ con ruột vì sự ngỗ nghịch của chúng. Khi một người được nhận làm con nuôi thì lập tức người ấy có mối quan hệ cha con với người nhận mình làm con. Khi một người bị cha từ bỏ thì người ấy mất đi địa vị làm con lẫn mối quan hệ cha con với cha của mình. Địa vị làm con dẫn đến quan hệ cha con. Không thể có quan hệ cha con nếu không có địa vị làm con.
Mối quan hệ cha con là nền tảng cho sự tương giao giữa cha với con cùng với tất cả những quyền lợi cha ban cho con và những bổn phận con phải có đối với cha.
Tương tự như vậy là địa vị làm con Đức Chúa Trời của những người tin nhận Chúa và mối quan hệ cha con giữa Đức Chúa Trời với họ. Đức Chúa Trời dựng nên loài người để làm con của Ngài nhưng sự phạm tội của loài người đã khiến cho mỗi một người được sinh ra trong thế gian đều mất đi quyền làm con Đức Chúa Trời. Qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà loài người có cơ hội được khôi phục địa vị làm con qua sự được Đức Chúa Trời nhận làm con nuôi của Ngài.
“Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài bởi một người nữ sinh ra, sinh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, để chúng ta được nhận làm con nuôi.” (Ga-la-ti 4:4-5).
“Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên những con nuôi của chính Ngài bởi Đức Chúa Jesus Christ, theo ý muốn tốt lành của Ngài…” (Ê-phê-sô 1:5).
Địa vị được làm con nuôi của Đức Chúa Trời dẫn đến mối quan hệ cha con một cách riêng tư giữa mỗi người với Đức Chúa Trời. Mỗi người được tương giao với Ngài, tức là được tự do trò chuyện với Ngài, kêu cầu Ngài, được thừa hưởng cơ nghiệp của Ngài và nhận đủ các thứ ơn thiêng liêng từ nơi Ngài, đồng thời có bổn phận đối với Ngài.
Làm thế nào để thể hiện mối tương giao của một người với Đức Chúa Trời? Đó là mỗi ngày thưa chuyện trực tiếp với Chúa về tất cả mọi điều trong tình cảm, trong cuộc sống, đọc Thánh Kinh và suy ngẫm để nhận biết ý Chúa dành cho mình, cùng những câu trả lời cho mọi nan đề trong cuộc sống. Đức Chúa Trời đáp lời con dân của Ngài trước hết qua Lời của Ngài trong Thánh Kinh, kế tiếp là tiếng phán trực tiếp bên tai, trong tai hoặc trong tâm thần của con dân Ngài [1].
Bổn phận của loài người trong địa vị làm con nuôi của Đức Chúa Trời là: giữ lòng tin Đức Chúa Jesus và giữ các điều răn của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 14:12).
Khi một người đang ở trong địa vị con nuôi của Đức Chúa Trời mà không còn giữ lòng tin nơi Đức Chúa Jesus hoặc không còn vâng giữ bất cứ một điều răn nào của Đức Chúa Trời (Gia-cơ 2:10) thì mối quan hệ cha con giữa Đức Chúa Trời và người ấy có vấn đề.
Điều gì sẽ xảy ra khi con nuôi của Đức Chúa Trời không làm tròn bổn phận của mình đối với Đức Chúa Trời? Trước hết, Đức Chúa Trời sẽ sửa phạt người ấy để người ấy biết lỗi và ăn năn:
“Nếu chúng ta tự xét mình thì chúng ta không bị phán xét. Nhưng bởi những sự phán xét của Chúa mà chúng ta bị sửa phạt, để chúng ta không bị định tội với thế gian.” (I Cô-rinh-tô 11:31-32).
“Những ai Ta yêu thì Ta quở trách và sửa phạt. Vậy, hãy sốt sắng và cải hối.” (Khải Huyền 3:19).
Nếu sau khi bị Đức Chúa Trời sửa phạt mà vẫn không ăn năn, không xưng tội, không từ bỏ tội thì người đang ở trong địa vị con nuôi của Đức Chúa Trời sẽ bị chính Đức Chúa Trời “chặt bỏ” (Rô-ma 11:22); và số phận của họ sẽ là bị đốt cháy đời đời trong hỏa ngục:
“Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi. Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.” (Hê-bơ-rơ 10:26-27).
Đức Chúa Trời không bao giờ chấp nhận tội lỗi. Tội lỗi tức là sự trái luật pháp của Đức Chúa Trời (I Giăng 3:4). Đức Chúa Trời đã hình phạt Con Một yêu dấu của Ngài vì tội lỗi của nhân loại để những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Con Ngài, được tha tội, được làm cho sạch tội, và được ban cho địa vị làm con nuôi của Ngài. Thì không vì một lý do gì mà Ngài cho phép những con nuôi của Ngài được sống trong tội.
Dĩ nhiên, con dân của Đức Chúa Trời vẫn có những sự lầm lỡ và vấp phạm, làm nghịch lại các điều răn của Ngài, vì thiếu hiểu biết hoặc vì vô ý, thậm chí vì yếu đuối trước sự đòi hỏi bất chính của xác thịt. Những lúc như vậy, Đức Chúa Trời vẫn dùng Lời của Ngài để cáo trách và sửa trị họ (II Ti-mô-thê 3:16-17).
Chính Đức Chúa Jesus Christ đã đồng trải sự yếu đuối của loài người, cho nên, đối với những kẻ đã thuộc về Ngài mà còn phạm tội vì yếu đuối hoặc vì thiếu hiểu biết, thì Ngài thương xót họ, quở trách họ, và kêu gọi họ ăn năn (Khải Huyền 3:19):
“…có thể đồng cảm với những kẻ không hiểu biết và bị dẫn dắt sai lạc, khi chính mình người cũng bị sự yếu đuối bao vây.” (Hê-bơ-rơ 5:2).
Nhưng nếu những kẻ phạm tội vẫn không ăn năn, không từ bỏ tội, cứ tiếp tục sống trong tội, cứ tiếp tục làm ra những sự nghịch lại các điều răn của Đức Chúa Trời, thì số phận sau cùng của họ còn xấu hơn là lúc họ chưa tin nhận Chúa (II Phi-e-rơ 2:20). Khi đó, mối quan hệ cha con giữa Đức Chúa Trời với những kẻ phạm tội hoàn toàn chấm dứt; địa vị làm con Đức Chúa Trời của họ hoàn toàn bị mất đi, thay vào đó là địa vị bị rủa sả và địa vị bị hư mất đời đời (Ma-thi-ơ 25:41).
Lạy Cha yêu thương ở trên trời của chúng con. Xin Cha giúp cho chúng con luôn ghi nhớ giá trị quý báu và thiêng liêng của địa vị được làm con nuôi của Đức Chúa Trời mà Ngài đã ban cho chúng con. Xin Đức Chúa Jesus Christ luôn ban cho chúng con năng lực của chính Ngài để chúng con sống một đời sống đắc thắng tội lỗi. Xin Đức Thánh Linh giúp cho chúng con hiểu rõ sự cao trọng của Lời Chúa để chúng con hết lòng làm theo, không sai phạm. Không phải làm theo cách máy móc trên bề mặt của chữ viết mà là làm theo trong sự hiểu biết, ưa thích, và hết lòng những lẽ chân thật và mầu nhiệm của Lời Đức Chúa Trời. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Tổng Hợp Từ “Những Ý Tưởng Trong Ngày”
18/05/2013 & 19/05/2013
Ghi Chú
[1] http://www.timhieutinlanh.net/?p=2587
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.