Lời Kêu Gọi Thứ Sáu:
Hãy Giảng Tin Lành cho Mọi Người, Khiến Muôn Dân Nên Môn Đồ Ta!
Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5
Bấm vào nút “play” ► để nghe
Bấm vào nút “play” ► để nghe
Phần âm thanh của bài giảng này được xếp trong CD_Bồi Linh 2014
https://timhieuthanhkinh.com/?page_id=343
Sau khi một người thật lòng ăn năn tội và đến với Chúa, thì người ấy trở thành tín đồ, tức là người tin nhận Chúa.
Sau khi tín đồ mang lấy ách của Chúa, học theo Chúa, và đi theo Chúa, thì trở thành môn đồ, tức là người học và sống theo Lời Chúa dạy.
Sau khi môn đồ được đầy dẫy thánh linh của Chúa, thì trở thành thánh đồ, tức là người không còn yêu thích thế gian và những sự thuộc về thế gian nữa; nhưng là một người hết lòng sống cho Chúa, sống vì Chúa, và sống trong Chúa [1]. Những thánh đồ được Đức Chúa Trời biệt riêng ra để làm những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho họ (Ê-phê-sô 2:10). Chỉ có những thánh đồ mới có tư cách và năng lực để làm những việc lành mà Chúa kêu gọi con dân của Ngài làm. Quan trọng nhất trong những việc lành ấy là công việc giảng Tin Lành cho mọi người và khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa.
Lời kêu gọi giảng Tin Lành và khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa được ghi lại trong Mác 16:15 và Ma-thi-ơ 28:18-20, như sau:
“Ngài phán với họ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.” (Mác 16:15).
“Đức Chúa Jesus đến và phán với họ. Ngài phán: Hết thảy thẩm quyền ở trên trời và dưới đất đã được giao cho Ta. Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:18-20).
Việc giảng Tin Lành và việc khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa là hai việc liên kết với nhau. Không rao giảng Tin Lành thì không thể nào khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa. Chỉ có rao giảng Tin Lành mà không thực hiện việc khiến cho người tin nhận Tin Lành trở nên môn đồ của Chúa, thì người tin nhận Chúa sẽ bị diệt vì thiếu sự thông biết (Ô-sê 4:6).
Thông thường, người rao giảng Tin Lành có bổn phận giúp cho những người tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của mình được sớm trở nên môn đồ của Chúa, bằng cách: báp-tem họ vào trong danh Tự Hữu Hằng Hữu của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh; dạy cho họ Lời Chúa là Thánh Kinh. Khi hoàn cảnh cho phép thì việc môn đồ hóa có thể giao lại cho các anh chị em khác trong Hội Thánh. Nhưng không thể vì một lý do gì mà bỏ qua việc môn đồ hóa người đã tin nhận Chúa. Cảm tạ Chúa, trong thời đại của chúng ta, việc môn đồ hóa những tín đồ người Việt được thuận tiện hơn, qua việc tặng một cuốn Thánh Kinh cho người tin Chúa và giới thiệu người ấy vào đọc, nghe các bài trên hai trang web:
Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của lời kêu gọi thứ sáu.
Hãy Giảng Tin Lành cho Mọi Người
Giảng Tin Lành không phải chỉ là nói về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại, mà còn là sống sao cho thế gian nhìn thấy năng lực của Tin Lành trong chính đời sống của chúng ta. Nếu một người rao giảng về sự cứu rỗi của Chúa mà chính bản thân của người ấy vẫn đang sống trong tội, thì việc giảng Tin Lành của người ấy chỉ là một sự dối trá và lường gạt trắng trợn.
Ngày nay, có biết bao nhiêu người mang danh là người giảng Tin Lành, nhưng bản thân họ chưa bao giờ là môn đồ của Chúa, tức là chưa mang lấy ách của Chúa, chưa học theo Chúa, chưa liều mình vác thập tự giá của mình mà theo Chúa. Thậm chí, có người còn chưa là tín đồ, tức là chưa thật lòng ăn năn tội, tin nhận Chúa. Họ được các giáo hội đào tạo và phong chức hoặc họ tự phong chức là người truyền đạo, là giáo sĩ, là sứ đồ, là người chăn… Họ có thể giảng đúng những điều cơ bản về Tin Lành, như: mọi người đều đã phạm tội, đều đã chống nghịch Thiên Chúa; mọi người cần ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời; sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá là phương cách duy nhất để cứu loài người ra khỏi hậu quả và sức mạnh của tội lỗi… Nhưng họ không thể chứng minh được quyền năng giải cứu của Tin Lành ngay chính trong đời sống của họ.
Dù có được rao giảng bởi ý xấu (Phi-líp 1:15-17) hay bởi một người không xứng đáng, thì Tin Lành của Đức Chúa Trời vẫn có năng lực để cứu tất cả những ai tin (Rô-ma 1:16). Và, Đức Chúa Trời sẽ phán xét những kẻ rao giảng Tin Lành với ý xấu hoặc những kẻ rao giảng Tin Lành mà không sống bởi năng lực của Tin Lành.
Trong Ma-thi-ơ 5:13 Chúa phán rằng, các môn đồ của Ngài là muối của đất! Điều đó có nghĩa là đời sống của các môn đồ của Chúa phải giúp khử trùng thuộc linh cho thế gian, giúp chữa lành các thương tích thuộc linh của thế gian, giúp bảo tồn những phẩm chất cao quý Đức Chúa Trời đã ban cho loài người, và giúp cho cuộc sống của thế gian thêm mặn mà hương vị từ trái của tâm thần. Đó chính là bước đầu tiên của sự giảng Tin Lành cho mọi người. Qua chính đời sống của chúng ta, chúng ta thể hiện năng lực cứu rỗi và tái sinh của Tin Lành. Rồi chúng ta mới có thể công bố Tin Lành bằng môi miệng của mình.
Tôi thành thật khuyên tất cả những ai rao giảng Tin Lành, làm chứng về Chúa mà vẫn còn đang sống trong tội, tức là, lòng vẫn yêu thích và nghĩ đến những sự vui thú của tội lỗi, cứ tiếp tục phạm tội, thì những người ấy hãy ngậm miệng lại, đừng nói đến ngay cả danh Chúa, cho đến khi thật lòng ăn năn, từ bỏ tội. Nếu không, sự phán xét của Chúa sẽ rất là nặng nề trên họ, trên ba bốn đời con cháu của họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5).
Tin Lành được giảng ra cho mọi người, nhưng sự giảng Tin Lành phải theo sự phân công và dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Chúng ta đọc thấy trong Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-3 nói đến sự kiện Đức Thánh Linh phân công cho Ba-na-ba và Phao-lô làm công việc giảng Tin Lành cho những người không thuộc dân tộc I-sơ-ra-ên. Điều đó không có nghĩa là họ không được phép giảng Tin Lành cho người I-sơ-ra-ên, mà chỉ có nghĩa là, họ ưu tiên chuyên lo việc giảng Tin Lành cho các dân tộc không phải là I-sơ-ra-ên. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16:6-7 chúng ta thấy Đức Thánh Linh không cho phép Phao-lô và Ti-mô-thê vào miền Tiểu Á để giảng Tin Lành, vì thời điểm Chúa định cho dân chúng nơi ấy được nghe Tin Lành chưa đến.
Ngày nay, chúng ta có thể xin Chúa hướng dẫn một cách cụ thể cho chúng ta trong việc giảng Tin Lành cho những người tại địa phương mà chúng ta sinh sống, trong môi trường mà chúng ta học tập hoặc làm việc. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể xin Chúa hướng dẫn chúng ta tận dụng email và các trang mạng xã hội để rao giảng Tin Lành. Chúng ta cũng có thể sao chép nội dung các bài giảng về Tin Lành vào CD, DVD, các thẻ nhớ, thanh USB rồi phân phát cho người chưa biết Chúa. Chúng ta cũng có thể in danh thiếp giới thiệu trang www.timhieuthanhkinh.com và phát cho mọi người. Nếu có ai được sự kêu gọi của Chúa để chuyên tâm lo việc rao giảng Tin Lành, thì hãy hết lòng đáp lại tiếng gọi của Chúa và hành động theo sự dẫn dắt của Ngài. Người giảng Tin Lành sẽ được nuôi mình bởi Tin Lành (I Cô-rinh-tô 9:14).
Giảng Tin Lành (Mác 16:15) khác với làm chứng về Đức Chúa Jesus Christ (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8). Giảng Tin Lành chỉ là một phần trong sự làm chứng về Đức Chúa Jesus Christ. Giảng Tin Lành là công bố sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người đang hư mất trong tội lỗi qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Đồng thời, nói rõ điều kiện để một người nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, là người ấy phải thật lòng ăn năn từ bỏ tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Người giảng Tin Lành phải kêu gọi tội nhân thật lòng ăn năn tội và đến với Đức Chúa Jesus Christ, chứ không phải kêu gọi tội nhân đọc một lời gọi là “lời cầu nguyện tin Chúa” rồi gia nhập vào một tổ chức giáo hội. Người giảng Tin Lành cũng phải nói rõ cho tội nhân biết, sự cứu rỗi chỉ giúp cho tội nhân nhận được sự tha tội và sự làm cho sạch tội, được dựng nên mới và được ban cho thánh linh, tức là năng lực của Thiên Chúa, để có thể sống một đời sống không còn phạm tội. Bước kế tiếp là người tin Chúa phải tự mình sử dụng năng lực Chúa ban để vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Chỉ những ai trung tín trong sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ, thì mới nhận được sự sống đời đời.
Làm chứng về Đức Chúa Jesus Christ là thuật lại chuyện tích cuộc đời của Đức Chúa Jesus Christ, những sự giảng dạy của Ngài, và các việc Ngài làm, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Tuyệt đối không nói ra những gì liên quan đến Đức Chúa Jesus Christ mà không được ghi chép trong Thánh Kinh. Một số giáo hội mang danh Chúa rao giảng những truyền thuyết về Đức Chúa Jesus Christ, tức là những điều truyền khẩu không có trong Thánh Kinh. Chúng ta cần tuyệt đối gạt bỏ tất cả những truyền thuyết ấy và gạt bỏ cả những tấm hình gọi là hình của Đức Chúa Jesus; vì chúng không phải là hình của Đức Chúa Jesus. Gọi bất cứ một tấm hình nào là hình Chúa Jesus đều là việc làm dối trá và sỉ nhục Chúa của chúng ta. Làm chứng về Đức Chúa Jesus Christ còn là thuật lại những gì Đức Chúa Jesus Christ đã làm ra trong đời sống của mình từ khi mình ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.
Khiến cho Muôn Dân Trở Nên Môn Đồ của Chúa
Như đã nói trên đây, không có sự rao giảng Tin Lành cho mọi người thì không thể có sự khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa. Khi Tin Lành được rao giảng thì sẽ có những người thật lòng tin nhận và họ sẽ được năng lực của Tin Lành giải cứu họ ra khỏi tội lỗi, tái sinh họ thành những người mới trong Đức Chúa Jesus Christ. Khi ấy, họ là những người tin Chúa, được gọi là những tín đồ. Nhưng đó chỉ là bước đầu của một đời sống thuộc về Chúa.
Tất cả tín đồ cần được dạy cho biết cách để họ trở nên những môn đồ, tức là những người học theo Chúa và đi theo Chúa. Việc ăn năn tội và đến với Chúa, tức là việc tin Chúa là tự do quyết định của mỗi người. Việc trở nên môn đồ của Chúa thì cần sự giúp đỡ của những môn đồ đi trước trong Hội Thánh. Có hai điều cơ bản cần được thực hiện để một người trở nên môn đồ của Chúa. Đó là:
1. Báp-tem người ấy vào trong danh của Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Xin tham khảo về cách thức làm báp-tem trong bài “Hội Thánh: 15 Lễ Báp-tem” [2].
2. Dạy cho người ấy tất cả những gì mà Đức Chúa Jesus Christ đã truyền cho các môn đồ của Ngài, tức là tất cả những gì đã được ghi lại trong Thánh Kinh.
Việc làm báp-tem không nên chậm trễ, vì đó là biểu hiện của sự người tin Chúa vâng phục Chúa và sốt sắng muốn được gia nhập vào Hội Thánh của Chúa. Dù phép báp-tem bằng nước không phải là một bí tích, tức là không mang lại một ơn phước thuộc linh nào, không khiến cho một người được tái sinh như một số các giáo hội giảng dạy; nhưng tấm lòng sốt sắng vâng phục lời dạy của Chúa sẽ đem lại phước hạnh cho người làm báp-tem và người chịu báp-tem.
Trong Thánh Kinh, việc làm báp-tem thường được thực hiện ngay khi một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Chúa. Thậm chí, được làm vào lúc nửa đêm, như được ghi chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16:33. Ngày nay, phần lớn các giáo hội buộc người mới tin Chúa phải chờ đợi một thời gian dài, phải học giáo lý và thi đậu các bài khảo hạch giáo lý, rồi mới làm báp-tem cho họ. Có nơi phải chờ cho đến khi có người chăn mới làm báp-tem cho tân tín hữu. Các việc làm ấy hoàn toàn vô lý, nghịch lại Thánh Kinh.
Việc dạy cho người mới tin Chúa tất cả những gì mà Đức Chúa Jesus Christ đã truyền cho các môn đồ chính là việc dạy Thánh Kinh cho họ. Tức là, có những buổi ngồi lại với họ cùng đọc Thánh Kinh với họ và giúp họ hiểu biết những lẽ thật của Lời Chúa.
Chúng ta có thể bắt đầu với Mười Điều Răn [3], tức là cùng học Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17 với người mới tin Chúa. Kế tiếp là học về “Các Tín Lý Cơ Bản” [4] và loạt bài về Hội Thánh [5]. Rồi học Sáng Thế Ký từ đoạn 1 đến đoạn 3 để giúp người mới tin Chúa hiểu nguồn gốc của muôn loài và nguyên cớ tội lỗi vào trong thế gian. Loạt bài học “Chương Trình của Đức Chúa Trời cho Mọi Thời Đại” [6] có thể được dùng để dạy cho người mới tin Chúa. Sau đó, có thể lần lượt học các sách Ma-thi-ơ, Giăng, Rô-ma với các bài giảng chú giải [7], [8], [9], và giới thiệu cho họ tự đọc, nghe các bài giảng về Kỳ Tận Thế [10], cùng tất cả các loại bài giảng khác đã có sẵn trên hai trang web:
Người mới tin Chúa cần được ưu tiên học về Mười Điều Răn, Các Tín Lý Cơ Bản, và Hội Thánh. Sau khi học xong các bài ấy và hết lòng làm theo những điều đã học, thì tín đồ trở thành môn đồ. Sự học Lời Chúa là một tiến trình trong đời sống của con dân Chúa, nhưng nếu chúng ta tặng cho người mới tin Chúa một cuốn Thánh Kinh, dạy cho người ấy các bài căn bản trên đây, và giới thiệu các website hoặc tặng cho họ các CD, thẻ nhớ, thanh USB các bài giảng, thì có thể nói, chúng ta đã xong bổn phận khiến cho người ấy trở nên môn đồ của Chúa. Việc còn lại là người ấy tự mình đáp lại lời kêu gọi “Hãy Đầy Dẫy Thánh Linh” để trở nên một thánh đồ. Khi đã là một thánh đồ thì người ấy mới có tư cách và năng lực để đáp lại lời kêu gọi: “Hãy Giảng Tin Lành cho Mọi Người, Khiến Muôn Dân Nên Môn Đồ Ta!” Và lời kêu gọi: “Hãy Trung Tín cho đến Chết!”
Một người chỉ mới tin Chúa, nhưng không chịu mang lấy ách của Chúa, học theo Chúa, và đi theo Chúa, tức là bản thân chưa phải là môn đồ của Chúa, thì không thể nào có tư cách để khiến cho người khác trở nên môn đồ của Chúa.
Một người là môn đồ của Chúa nhưng không chịu đổ đầy thánh linh, thì người ấy cũng không thể nào giảng Tin Lành và khiến cho người khác trở nên môn đồ của Chúa, theo thánh ý của Chúa. Mọi việc làm của người ấy chỉ là theo ý riêng, bởi sức riêng và người ấy sẽ chẳng nhận được một phần thưởng nào từ Chúa.
Nguyện mỗi một chúng ta luôn là tín đồ, môn đồ, và thánh đồ của Chúa, hết lòng sống cho Chúa, sống vì Chúa, và sống trong Chúa, cho đến ngày chúng ta ra khỏi cuộc đời này, bước vào cõi đời đời, ở mãi với Đức Chúa Jesus Christ yêu quý của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
03/05/2014
Ghi Chú
[1] https://timhieuthanhkinh.com/bay-loi-keu-goi-cua-chua-4/ “Sống cho Chúa là sống để làm theo thánh ý của Ngài. Sống vì Chúa là sống để tôn vinh Ngài. Sống trong Chúa là sống để vui hưởng tình yêu và năng lực của Ngài.”
[2] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-15-le-bap-tem/
[3] https://timhieutinlanh.com/cac-dieu-ran-cua-thien-chua/
[4] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-12-cac-tin-ly-can-ban/
[5] Bấm vào đây: https://timhieuthanhkinh.com và dò xuống vần “H” trong khung “Mục Lục Theo Vần ABC” ở cột bên trái.
[6] https://timhieutinlanh.com/cd_chuong-trinh-cua-duc-chua-troi/
[7] https://timhieutinlanh.com/cd_chu-giai-ma-thi-o/
[8] https://timhieutinlanh.com/cd_chu-giai-giang/
[9] https://timhieutinlanh.com/cd_chu-giai-ro-ma/
[10] https://kytanthe.net
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.