Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Từ Ngữ
Trước khi chúng ta cùng nhau tìm hiểu các danh xưng của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, thì chúng ta cần ghi nhớ các điểm cơ bản sau đây:
1. Thánh Kinh Cựu Ước được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, ngoại trừ các phân đoạn sau đây được viết bằng tiếng A-ra-mai: Sáng Thế Ký 31:47; Ê-xơ-ra 4:8 – 6:18; 7:12-26; Giê-rê-mi 10:11; Đa-ni-ên 2:4 – 7:28.
2. Thánh Kinh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp.
Cả ba ngôn ngữ này đều là cổ ngữ. Ngôn ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp ngày nay khác nhiều so với ngôn ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp của mấy ngàn năm trước. Còn tiếng A-ra-mai thì chỉ được một số rất ít người còn nói. Vì thế, để có thể dịch chính xác ý nghĩa của Cựu Ước và Tân Ước sang một ngôn ngữ khác, các nhà phiên dịch phải có sự hiểu biết về ngữ vựng và ngữ pháp của ba loại cổ ngữ Hê-bơ-rơ, A-ra-mai, và Hy-lạp.
Dù vậy, các ngôn ngữ được dùng để dịch Thánh Kinh lại có những sự khác biệt lớn so với ngữ pháp của Hê-bơ-rơ, A-ra-mai, và Hy-lạp. Điển hình: Trong Thánh Kinh danh từ dùng để chỉ về Thiên Chúa, có khi có mạo từ xác định đi cùng, có khi không. Khi được dịch sang tiếng Anh, thì mạo từ xác định bị bỏ, không dịch; còn trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống thì lúc nào cũng có chữ “Đức” đứng trước danh từ “Chúa Trời”, như là hình thức của một mạo từ.
Tuy nhiên, trong cả tiếng Hê-bơ-rơ, tiếng A-ra-mai, lẫn tiếng Hy-lạp, danh từ dùng để chỉ về Thiên Chúa mà không có mạo từ xác định đi cùng, phải được hiểu là chỉ chung về ba thân vị của Thiên Chúa, mà Đức Chúa Jesus Christ đã dạy cho chúng ta gọi là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Nghĩa là, danh từ ấy được dùng để gọi chung cả ba thân vị hoặc gọi bất cứ thân vị nào trong ba thân vị. Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời chúng tôi chọn dịch là “Thiên Chúa”.
Khi danh từ dùng chỉ về Thiên Chúa trong tiếng Hê-bơ-rơ, A-ra-mai, hoặc Hy-lạp có mạo từ xác định đứng trước, thì danh từ ấy chỉ về một thân vị Thiên Chúa đại diện cho cả ba thân vị, mà trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời chúng tôi chọn dịch là “Đức Chúa Trời”.
Danh từ “Đức Chúa Trời” được dùng để chỉ về thân vị không thấy được của Thiên Chúa, là thân vị thể hiện ý chí của Thiên Chúa. Thân vị Đức Chúa Trời không thể thấy được khác với thân vị có thể thấy được của Thiên Chúa trong hình thể loài người, là thân vị Ngôi Lời. Thân vị Ngôi Lời thể hiện hành động của Thiên Chúa. Còn thân vị Đấng Thần Linh là thân vị thể hiện năng lực và sự sống của Thiên Chúa, ngự trong thân thể của người thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm bảng so sánh như sau:
Một Thiên Chúa Thể Hiện Trong Ba Thân Vị | ||
Trong Quan Hệ Thiên Chúa | Sự Thể Hiện của Thiên Chúa | Trong Quan Hệ với Loài Người |
Đức Chúa Trời | Ngôi Một Thể Hiện Ý Chí | Đức Cha |
Ngôi Lời | Ngôi Hai Thể Hiện Hành Động | Đức Con |
Đấng Thần Linh | Ngôi Ba Thể Hiện Năng Lực và Sự Sống | Đức Thánh Linh |
Khi chúng ta xác định ý nghĩa của từ ngữ “Thiên Chúa” và “Đức Chúa Trời” như trên đây, thì chúng ta sẽ dịch đúng và hiểu đúng những câu Thánh Kinh liên quan đến danh xưng Thiên Chúa.
Danh Xưng của Thiên Chúa Trong Cựu Ước
Thánh Kinh Cựu Ước dùng các từ ngữ sau đây để làm danh xưng của Thiên Chúa:
1. אל (Eo) H410, [1]: Danh từ số ít, không có mạo từ xác định, thường kèm theo các tính từ mô tả đặc tính của Thiên Chúa, được dịch là “Thiên Chúa” để chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa.
“Mên-chi-xê-đéc, vua của Sa-lem, đem bánh và rượu ra. Ông là thầy tế lễ của Thiên Chúa Chí Cao.“ (Sáng Thế Ký 14:18).
“Nàng gọi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà đã phán với mình, danh là “Thiên Chúa hay đoái xem,” vì nàng nói rằng: Chính tại đây, tôi chẳng có thấy được Đấng đoái xem tôi sao?“ (Sáng Thế Ký 16:13).
“Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện đến với Áp-ram và phán với ông: Ta là Thiên Chúa Toàn Năng! Ngươi hãy đi ở trước mặt Ta và ngươi hãy trở nên trọn vẹn.” (Sáng Thế Ký 17:1).
Danh từ này được phiên âm sang tiếng Hy-lạp là “Ê-li” G2241, xuất hiện hai lần trong Ma-thi-ơ 27:46: “Vào khoảng giờ thứ chín, Đức Chúa Jesus kêu lớn tiếng, rằng: Ê-li! Ê-li! Lam-ma sa-bách-ta-ni? Nghĩa là: Đức Chúa Trời của tôi ơi! Đức Chúa Trời của tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?“
Danh từ này ngoài việc được dùng để gọi chung Ba Ngôi Thiên Chúa, còn được dùng với các nghĩa sau đây:
(1) Kẻ giống như Thiên Chúa, kẻ mạnh sức.
“…nên Ta sẽ phó nó trong tay một đấng mạnh (eo) của các nước, người chắc sẽ xử với nó; Ta đã đuổi nó ra vì những tội ác nó.” (Ê-xê-chi-ên 31:11).
(2) Thần linh, tà thần, giả thần.
“Giữa ngươi chẳng nên có thần (eo) lạ nào, ngươi cũng chẳng nên thờ lạy thần (eo) kẻ ngoại.” (Thi Thiên 81:9).
“Ai là kẻ tạo một vị thần (eo), đúc một tượng, mà không có ích chi?” (Ê-sai 44:10).
(3) Sức mạnh, năng lực.
“Tay cậu có đủ quyền (eo) làm hại cháu; nhưng Thiên Chúa (Ê-lô-him) của cha cháu đã mách bảo cùng cậu tối hôm qua rằng: Dù lành hay dữ, ngươi hãy giữ mình đừng nói gì với Gia-cốp hết.” (Sáng Thế Ký 31:29).
2. האל (Ha Eo) H410: Danh từ số ít, có mạo từ xác định, được dịch là “Đức Chúa Trời” để chỉ về thân vị Thiên Chúa không thấy được, thể hiện ý chí của Ba Ngôi Thiên Chúa.
“Ta đây là Thiên Chúa của Bê-tên, tức nơi ngươi đã thoa dầu đầu cây trụ và đã cầu xin Ta. Bây giờ, hãy đứng dậy, ra khỏi xứ này và trở về xứ của bà con ngươi.” (Sáng Thế Ký 31:13).
3. אלה (Ê-la) H426, [2]: Danh từ số ít tiếng A-ra-mai, tương đương với danh từ “Eo” H410, được dịch là “Thiên Chúa” để chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi có mạo từ xác định א (a-lép) theo sau thành אלהא (Ê-la-ha), thì chỉ về thân vị Thiên Chúa không thấy được, thể hiện ý chí của Ba Ngôi Thiên Chúa, được dịch là “Đức Chúa Trời”. Danh từ này được dùng trong các đoạn Thánh Kinh được viết bằng tiếng A-ra-mai.
Không có mạo từ (אלה), chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa: “Chúng đáp lời như vầy: Chúng tôi vốn là kẻ tôi tớ của Thiên Chúa (Ê-la), Thần của Các Tầng Trời và Đất; chúng tôi đang xây cất lại cái Đền Thờ, đã lâu năm trước đây có một vua sang trọng của I-sơ-ra-ên lập lên và làm cho hoàn thành.” (Ê-xơ-ra 5:11).
Có mạo từ (אלהא), chỉ về Ngôi Một Thiên Chúa: “Vậy, công việc xây cất nhà của Thiên Chúa (Ê-la-ha) tại Giê-ru-sa-lem đình cho đến năm thứ hai đời Đa-ri-út, vua Phe-rơ-sơ trị vì.” (Ê-xơ-ra 4:24).
Danh từ này được phiên âm sang tiếng Hy-lạp là “Ê-lô-i” G1682, xuất hiện hai lần trong Mác 15:34 “Giờ thứ chín, Đức Chúa Jesus kêu lớn tiếng rằng: Ê-lô-i! Ê-lô-i! Lam-ma sa-bách-ta-ni? Nghĩa là: Đức Chúa Trời của tôi ơi! Đức Chúa Trời của tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?“
Danh từ này ngoài việc được dùng để gọi chung Ba Ngôi Thiên Chúa, còn có thể được dùng để gọi các tà thần hoặc các giả thần.
“Các ngươi khá nói với họ rằng: Những thần (ê-la) này không làm nên các tầng trời, cũng không làm nên đất, thì sẽ bị diệt đi khỏi trên đất và khỏi dưới các tầng trời.” (Giê-rê-mi 10:11).
4. אלהים (Ê-lô-him) H430, [3]: Hình thức số nhiều của danh từ “Eo” H410, không có mạo từ xác định, thường đứng một mình, được dịch là “Thiên Chúa” để chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa. Động từ theo sau luôn luôn là hình thức số ít.
Gọi chung Ba Ngôi Thiên Chúa: “Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất!“ (Sáng Thế Ký 1:26).
Danh từ này ngoài việc được dùng để gọi chung Ba Ngôi Thiên Chúa, còn có thể được dùng để gọi thiên sứ hoặc tà thần, giả thần với hình thức số nhiều.
Gọi các thiên sứ, các thần: “Ta đã nói: Các ngươi là thần (ê-lô-him), hết thảy đều là con trai của Đấng Chí Cao.” (Thi Thiên 82:6).
Gọi các tà thần: “Đêm đó, Ta sẽ đi qua đất Ê-díp-tô, đánh chết mọi con đầu lòng của đất Ê-díp-tô, cả loài người lẫn loài thú. Ta sẽ thi hành án phạt trên mọi thần linh (ê-lô-him) của Ê-díp-tô. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:12).
5. האלהים (Ha Ê-lô-him) H430: Là danh từ “Ê-lô-him” với mạo từ xác định ה (hê) đứng trước, được dịch là Đức Chúa Trời, để chỉ về thân vị Thiên Chúa không thấy được, thể hiện ý chí của Ba Ngôi Thiên Chúa. Động từ theo sau luôn luôn là hình thức số ít.
“Hê-nóc cùng đi với Đức Chúa Trời (Ha Ê-lô-him), rồi mất biệt, bởi vì Thiên Chúa (Ê-lô-him) mang ông đi.” (Sáng Thế Ký 5:24).
6. אלה (Ê-lô-a) H433, [4]: Danh từ số ít, chỉ chung về Ba Ngôi Thiên Chúa, có thể hình thức kéo dài, để nhấn mạnh của danh từ “Eo” H410, cách dùng tương tự như “Eo”.
7. יהוה (Bốn mẫu tự: dut-hay-va-hay) H3068, [5]: Còn được phiên âm là Giê-hô-va, Gia-vê, Ya-hu-a, là tên riêng của Ba Ngôi Thiên Chúa, được dịch là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Tên riêng này có thể được dùng để gọi chung Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc gọi riêng từng ngôi. Tên riêng này thường đi chung với danh từ “Ê-lô-him” và được dịch là: Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu.
Đức Chúa Trời là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: “Môi-se lên cùng Đức Chúa Trời, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên núi gọi người mà phán rằng: Ngươi hãy nói như vầy cho nhà Gia-cốp, và tỏ điều này cho dân I-sơ-ra-ên…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3).
Đức Chúa Jesus là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Giăng 12:41 xác nhận Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được nói đến trong Ê-sai 6:1-5 là Đức Chúa Jesus: “Ê-sai nói các điều đó, khi ông nhìn thấy sự vinh quang của Ngài và nói về Ngài.“ (Giăng 12:41).
Ê-sai 6:1-5
1 Về năm Vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy Đền Thờ.
2 Những sê-ra-phim đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phim có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay.
3 Các sê-ra-phim cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh quang Ngài!
4 Bởi tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng động, và Đền đầy những khói.
5 Bấy giờ tôi nói: Khốn thay cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân!
Đức Thánh Linh là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Hê-bơ-rơ 10:15-17 xác nhận Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được nói đến trong Giê-rê-mi 31:31-34 là Đức Thánh Linh: “Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta. Vì theo lời phán trước đây, Chúa phán: Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó. Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng. Ta sẽ chẳng còn nhớ đến những tội lỗi và những sự vô luật pháp của họ nữa.” (Hê-bơ-rơ 10:15-17).
Giê-rê-mi 31:31-34
31 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này! Những ngày đến, Ta sẽ kết một giao ước mới với nhà I-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa;
32 sẽ không theo giao ước mà Ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày Ta nắm tay dắt họ ra khỏi đất Ê-díp-tô; là giao ước của Ta mà chúng nó đã phá đi, mặc dù Ta là chồng của chúng nó. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vậy.
33 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp của Ta bên trong chúng nó và chép trong lòng của chúng nó. Ta sẽ làm Thiên Chúa của chúng nó và chúng nó sẽ làm dân Ta.
34 Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy người lân cận mình hay là anh em mình, nói rằng: Hãy nhìn biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì hết thảy chúng nó đều sẽ nhìn biết Ta, người nhỏ cũng như người lớn. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta sẽ tha sự gian ác của chúng nó, và Ta sẽ chẳng nhớ tội lỗi của chúng nó nữa.
Danh Xưng của Thiên Chúa Trong Tân Ước
Thánh Kinh Tân Ước chỉ dùng từ ngữ θεος (Thê-ốt) G2316 để làm danh xưng của Thiên Chúa. Khi từ ngữ này được dùng để chỉ về Thiên Chúa mà không có mạo từ xác định đứng trước, thì gọi chung Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc bất cứ một thân vị nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa, được dịch là “Thiên Chúa” trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời.
Gọi Đức Chúa Trời (Đức Cha) là Thiên Chúa: “Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của I-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, hay sao? Đức Chúa Trời không phải Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống.” (Ma-thi-ơ 22:32).
Gọi Ngôi Lời (Đức Con) là Thiên Chúa: “Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.” (Giăng 1:1).
Gọi Đấng Thần Linh (Đức Thánh Linh) là Thiên Chúa: “Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16).
“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (I Cô-rinh-tô 6:19).
Gọi chung Ba Ngôi Thiên Chúa: “Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.” (Ê-phê-sô 4:6) [6].
Khi danh từ θεος (Thê-ốt) G2316 được dùng để chỉ về Thiên Chúa nhưng có mạo từ xác định đứng trước, thì chỉ về thân vị không thấy được của Thiên Chúa, là thân vị thể hiện ý chí của Thiên Chúa, được dịch là “Đức Chúa Trời” trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời.
Giăng 1:1 là câu Thánh Kinh điển hình, giúp cho chúng ta hiểu rõ sự khác biệt ý nghĩa của từ ngữ θεος khi có mạo từ (được dịch là “Đức Chúa Trời”) và khi không có mạo từ (được dịch là “Thiên Chúa”):
“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời (Ho Thê-ốt). Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa (Thê-ốt).” (Giăng 1:1).
Kết Luận
Các bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ, khi dịch “ο θεος” (Ho Thê-ốt) đã tự ý bỏ đi mạo từ xác định “ο” (ho) và dịch “θεος” (Thê-ốt) cùng “ο θεος” (Ho Thê-ốt) thành “God”. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống và một số các bản dịch tiếng Việt khác, thì thêm mạo từ “Đức” trước từ ngữ “θεος” (Thê-ốt), và dịch “θεος” (Thê-ốt) cùng “ο θεος” (Ho Thê-ốt) thành “Đức Chúa Trời”.
Lỗi dịch thuật này khiến cho nhiều câu Thánh Kinh trở nên khó hiểu, như câu Giăng 1:1. Tuy nhiên, không vì thế mà ảnh hưởng đến các lẽ thật căn bản của Thánh Kinh.
Khi chúng ta hiểu rõ ngữ pháp của tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp, dịch lại cho đúng các câu Thánh Kinh có danh xưng của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ hiểu rõ ràng khi nào thì Thánh Kinh nói chung về Ba Ngôi Thiên Chúa, khi nào thì Thánh Kinh nói về một trong ba thân vị của Thiên Chúa, và khi nào thì Thánh Kinh nói về thân vị thể hiện ý chí của Thiên Chúa, tiêu biểu cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa, tức Ngôi Một Thiên Chúa, mà con dân Chúa gọi là Đức Cha, và được dịch sang tiếng Việt là “Đức Chúa Trời”.
Hiện nay, Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 đã hoàn tất việc hiệu đính các câu Thánh Kinh có danh xưng của Chúa, như sau:
- Dịch là “Thiên Chúa” các từ ngữ אל (Eo) H410, אלה (Ê-la) H426, אלהים (Ê-lô-him) H430, אלה (Ê-lô-a) H433, và θεος (Thê-ốt) G2316.
- Dịch là “Đức Chúa Trời” các từ ngữ: האל (Ha Eo) H410, אלהא (Ê-la-ha) H426, האלהים (Ha Ê-lô-him) H430, và “ο θεος” (Ho Thê-ốt) G3588, G2316.
- Dịch là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, nghĩa là “Đấng Tự Có và Có Mãi” bốn mẫu tự: יהוה (I-a-u-a) H3068.
- Dịch là “Đấng Thần Linh”, “đấng thần linh”, “tâm thần”, các từ ngữ: הרוח (Ha Ru-a) H7307 và το πνευμα (To Níu-ma) G3588, G4151.
- Dịch là “Đức Thánh Linh” các từ ngữ το αγιονπνευμα (To Há-ghi-ót Níu-ma) G3588, G40, G4151.
- Dịch là “thánh linh” các từ ngữ: αγιονπνευμα (Há-ghi-ót Níu-ma) G40, G4151.
- Dịch là “tinh thần”, “thần trí” các từ ngữ: πνευμα (Níu-ma) G4151.
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời cũng sẽ theo cùng nguyên tắc dịch đã được trình bày.
Cả hai bản dịch: Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời đều đang trong tiến trình hiệu đính và phiên dịch. Quý con dân Chúa có thể tham khảo trên mạng theo hai nối mạng dưới đây:
Nguyện Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật luôn dẫn dắt mỗi con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật của Lời Thiên Chúa. Vì, “…loài người sẽ sống chẳng phải chỉ nhờ bánh nhưng nhờ mỗi một lời phán ra từ miệng của Thiên Chúa.” (Ma-thi-ơ 4:4).
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/06/2014
Ghi Chú
[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H410
[2] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H426
[3] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H430
[4] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H433
[5] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H3068
[6] Xem “Giáo Lý Một Thiên Chúa Ba Ngôi”:
https://timhieuthanhkinh.com/giao-ly-mot-thien-chua-ba-ngoi/
Dưới đây là phần trích ngắn từ bài viết:
Thiên Chúa là Cha trên cả mọi người trong Hội Thánh là Ngôi Một Thiên Chúa, vì Ngài là Cha sinh ra thân thể không phạm tội của họ như Ngài đã sinh ra thân thể không phạm tội của Đức Chúa Jesus.
Thiên Chúa là Cha giữa mọi người trong Hội Thánh là Ngôi Hai Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng thi hành công cuộc sáng tạo nên muôn loài vạn vật trong đời này và trong cả đời sau, là Cha Đời Đời của muôn vật.
Thiên Chúa là Cha ở trong mọi người trong Hội Thánh là Ngôi Ba Thiên Chúa, vì Ngài là Cha tái sinh tâm thần của họ và ngự trong thân thể của họ.
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
- Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
- Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.