Thiên Chúa: 10_Jesus Christ: Đấng Ta Là

6,565 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Trước hết, chúng ta cần phải ghi nhớ lẽ thật này của Thánh Kinh: “Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời.” (Giăng 1:1-2 – Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời).

Có nghĩa là: Từ trước khi muôn loài thọ tạo được Thiên Chúa dựng nên, thì hằng có Ngôi Lời và Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời, chứ không phải Ngôi Lời được Đức Chúa Trời sinh ra. Bởi vì Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa (tự có và có mãi), như Đức Chúa Trời hằng là Thiên Chúa. Vì Đức Thánh Linh biết trước rằng, Sa-tan sẽ tìm đủ cách bẻ cong Lời Chúa để gieo rắc tà giáo, bác bỏ sự kiện Ngôi Lời là Thiên Chúa, cho nên, Ngài đã thần cảm cho Sứ Đồ Giăng, lập lại trong Giăng 1:2 một lần nữa: “Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời.” Vì thế, ai nói rằng Ngôi Lời không cùng tự hữu hằng hữu với Đức Chúa Trời, mà được Đức Chúa Trời sinh ra vào một lúc nào đó, trước khi sáng thế, thì người ấy chống trả với lẽ thật của Thánh Kinh.

Kế tiếp, chúng ta cần ghi nhớ lẽ thật này: “Ngôi Lời đã chịu trở nên xác thịt” (Giăng 1:14), tức là Thiên Chúa Ngôi Lời đã hiện ra trong một thân thể xác thịt của loài người, và đã trở nên người, tự xưng là “Con Người” và “Con Đức Chúa Trời

  • “Con Người”: Chỉ về xác thịt của Ngài ra từ bà Ma-ri, cùng mang bản thể bụi đất như bà Ma-ri, và Ngài thuộc về dòng dõi người nữ (Sáng Thế Ký 3:15).
  • “Con Đức Chúa Trời”: Chỉ về tâm thần và linh hồn thân vị loài người của Ngài ra từ Đức Chúa Trời (như A-đam thứ nhất), chứ không ra từ một người cha xác thịt nào. Vì thế, Thánh Kinh gọi Ngài là A-đam Sau Cùng và là “Thần Ban Sự Sống” (I Cô-rinh-tô 15:45).
  • A-đam thứ nhất, xác thịt ra từ bụi đất, tâm thần và linh hồn ra từ Đức Chúa Trời, được Thánh Kinh gọi là “Con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 3:38). Nhưng A-đam thứ nhất chỉ là một “linh hồn sống” vì A-đam thứ nhất không phải là Thiên Chúa.
  • A-đam Sau Cùng, xác thịt cũng ra từ bụi đất (thân thể bà Ma-ri), tâm thần và linh hồn cũng ra từ Đức Chúa Trời, cũng được Thánh Kinh gọi là “Con Đức Chúa Trời”. Nhưng A-đam Sau Cùng lại là “Thần Ban Sự Sống”, vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa là sự sống (Giăng 14:6) và là Đấng ban sự Sống. Không một ai ngoài Thiên Chúa có thể xưng mình là sự sống, là Thần Ban Sự Sống.

Đức Chúa Jesus Christ vừa là người, vừa là Thiên Chúa, nhưng trong khoảng thời gian từ khi nhập thế, thân thể xác thịt được sinh ra, cho đến khi thân thể ấy phục sinh:

1. Ngài không dùng thần tính, tức là các đặc tính chỉ Thiên Chúa mới có, như: sự toàn năng, toàn tri, toàn tại. Vì không toàn năng nên Ngài không vác nổi cây thập tự. Vì không toàn tri nên Ngài không biết ngày mà Ngài sẽ trở lại với Hội Thánh. Vì không toàn tại nên Ngài vẫn phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Bởi vì, Ngài phải là một người hoàn toàn, bị giới hạn trong thế gian như tất cả bao nhiêu người khác.

2. Ngài chỉ dùng nhân tính và thiên tính. Nhân tính của Ngài là trọn vẹn như khi A-đam thứ nhất chưa phạm tội. Thiên tính của Ngài tức là thánh linh do Đức Thánh Linh đổ xuống đầy tràn trong con người của Ngài, để Ngài làm ra những việc siêu nhiên, các phép lạ, và rao giảng bởi thẩm quyền và năng lực của Thiên Chúa. Đó là điều mà tất cả những ai được sinh ra bởi Đức Chúa Trời (I Giăng 3:9; 5:1, 4, 18), tức là các con dân chân thật trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, đều có được.

3. Có những lúc Ngài phán trong thân vị người. Có những lúc Ngài phán trong thân vị Thiên Chúa. Có những lúc Ngài phán trong thân vị người và Thiên Chúa.

Lời Đức Chúa Jesus Christ Phán Trong Thân Vị Người

Lời Đức Chúa Jesus Christ phán ra trong thân vị người là những lời tỏ ra thân vị loài người của Ngài:

  • được Đức Chúa Trời sinh ra;
  • được Đức Chúa Trời sai đến thế gian;
  • luôn vâng lời Đức Chúa Trời;
  • hầu việc Đức Chúa Trời;
  • tôn Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời và Cha.

Bởi vì, Đức Chúa Trời đương nhiên tôn trọng hơn loài người; và khi Đức Chúa Jesus ở trong thân vị loài người, sống như một người, thì đương nhiên Con Người Jesus phải hầu việc Đức Chúa Trời, vâng phục Đức Chúa Trời, gọi Đức Chúa Trời là Cha, và cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, thờ phượng Đức Chúa Trời.

Câu phán: “Cha tôn trọng hơn Ta” (Giăng 14:28), không hề mang ý nghĩa Thiên Chúa Ngôi Đức Chúa Trời tôn trọng hơn Thiên Chúa Ngôi Lời. Nó chỉ có nghĩa là Đức Chúa Trời tôn trọng hơn thân vị loài người của Ngôi Lời.

Đức Chúa Trời không thể tôn trọng hơn Ngôi Lời, vì Đức Chúa Trời và Ngôi Lời đều là Thiên Chúa; mà hễ là Thiên Chúa thì tự có và có mãi, toàn năng, toàn tri, toàn tại… làm sao có ai có quyền hơn Thiên Chúa, đáng tôn trọng hơn Thiên Chúa. Nói cách khác, Đức Chúa Trời chỉ có thể tôn trọng hơn Ngôi Lời khi Ngôi Lời không phải là Thiên Chúa như Đức Chúa Trời. Tuy nhiên Giăng 1:1 đã khẳng định: Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa, Ngôi Lời hằng có, và Ngôi Lời hằng ở bên cạnh Đức Chúa Trời.

Trong Hê-bơ-rơ 1:8-9, chính Đức Chúa Trời đã gọi Ngôi Lời trong xác thịt là “Đức Chúa Trời!” Khi chúng ta đọc trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, hay bản dịch Anh ngữ, hoặc đọc trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012, thì chúng ta sẽ thấy rõ:

“Nhưng về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời! Ngai của Ngài còn tới đời đời. Vương trượng công chính là vương trượng của vương quyền Ngài. Ngài yêu sự công chính và Ngài ghét sự phạm pháp. Bởi cớ ấy, hỡi Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời của Ngài xức dầu cho Ngài với dầu vui mừng, bên cạnh những người cùng dự phần của Ngài. (Hê-bơ-rơ 1:8-9 – Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012).

“But unto the Son He saith, “Thy throne, O God, is for ever and ever; a scepter of righteousness is the scepter of Thy Kingdom. Thou hast loved righteousness and hated iniquity; therefore God, even Thy God, hath anointed Thee with the oil of gladness above Thy fellows”” (Hebrews 1:8-9 – King James Version).

Từ ngữ “Đức Chúa Trời” trong câu hai câu trên, ở trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là từ ngữ “οθρονος” (Ô Thê-ốt) chỉ được Thánh Kinh Tân Ước dùng để gọi Ngôi Một mà Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời dịch là “Đức Chúa Trời”. Ngoại trừ trong Hê-bơ-rơ 1:8-9 và trong lời tuyên xưng của Thô-ma (Giăng 20:28), được dùng để gọi Ngôi Lời.

Lời Đức Chúa Jesus Christ Phán Trong Thân Vị Thiên Chúa

Bên cạnh những lời phán trong thân vị loài người, thì có những lời Đức Chúa Jesus Christ phán trong thân vị Thiên Chúa, như:

“Đức Chúa Jesus phán với họ: Thật sự! Thật sự! Ta nói với các ngươi, trước khi có Áp-ra-ham, Ta Là! [Có nghĩa: Ta Tự Hữu Hằng Hữu! Xem chú thích ở câu 24.]” (Giăng 8:58 – Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời).

Chữ “có” dùng cho Áp-ra-ham là động từ thời quá khứ bất định, để chỉ một việc đã xảy ra vào một lúc nào đó và đã hoàn tất trong quá khứ; trong khi chữ “là” dùng cho Đức Chúa Jesus lại ở thời hiện tại. Vì thế, nếu dịch diễn ý, thì lời phán của Chúa có nghĩa như thế này: “Trước khi Áp-ra-ham được sinh ra và qua đời, thì Ta đã có và mãi có.” Cách nói “Ta Là” của Đức Chúa Jesus chính là cách Thiên Chúa phán với Môi-se trong Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14. Nếu dịch chữ qua chữ thì là “Ta là Đấng Ta Là” như trong bản dịch Anh ngữ:

“And God said unto Moses, “I AM THAT I AM.” And He said, “Thus shalt thou say unto the children of Israel, ‘I AM hath sent me unto you'”” (King James Version).

Còn dịch như trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 thì là: “Ta là Ta Là” ( Có nghĩa: Ta Tự Hữu Hằng Hữu).

Chúng ta đều quen thuộc Giăng 10:30, “Ta với Cha là một”. Tuy nhiên, khi dịch sát với nguyên ngữ Hy-lạp thì câu ấy sẽ là: “Ta và Cha, Chúng Ta là một” (Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời). Lời phán đó cũng là lời Đức Chúa Jesus Christ phán trong thân vị Thiên Chúa. Động từ “là” được dùng với thời hiện tại, để chỉ một sự thật không hề thay đổi, có nghĩa là: Từ trước vô cùng và mãi mãi về sau, Ta và Cha, Chúng Ta là một.

“Chúng Ta là một” khác với “Ta là một với Cha!”

“Chúng Ta là một” có nghĩa là Đức Cha và Đức Con cùng là một Thiên Chúa, cùng bản thể, cùng thần tính, bình đẳng bình quyền.

“Ta là một với Cha” có nghĩa là đồng tâm tình, đồng ý chí, đồng mục đích… nhưng chưa hẳn là đồng bản thể, đồng đặc tính, đồng quyền.

Các thí dụ sau đây tạm giúp cho chúng ta hiểu được sự khác biệt giữa “Chúng Ta là một” với “Ta là một với Cha!” Tuy nhiên, không một thí dụ nào trong ngôn ngữ và kinh nghiệm của loài người có thể giúp chúng ta hiểu thấu đáo những lẽ mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Thí dụ 1: Ba chiều không gian là một, nhưng không chiều nào dài hơn chiều nào, không chiều nào ngắn hơn chiều nào. Bất cứ chiều nào cũng có thể kéo dài đến vô cực. Thí dụ này giúp chúng ta có thể hiểu được câu: “Chúng Ta là một!”

Thí dụ 2: Nhiều thanh ngang là một với hai thanh dọc để tạo ra cái thang. Dù là một, nhưng độ dài ngắn của các thanh ngang và thanh dọc khác nhau. Thí dụ này giúp chúng ta có thể hiểu được câu: “Ta là một với Cha!”

Trong thân vị loài người, có một lúc Đức Con bị phân rẽ với Đức Cha, là lúc Ngài chịu khổ và chịu chết trên thập tự giá trong thân phận một tội nhân. Chính Ngài đã kêu lên: “Đức Chúa Trời của tôi ơi! Đức Chúa Trời của tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” Nhưng trong thân vị Thiên Chúa Ngài hằng ở bên cạnh Đức Chúa Trời và Ngài với Đức Chúa Trời là một.

Trong lúc thân vị loài người của Ngài gục đầu chết trên thập tự giá, thì thân vị Thiên Chúa của Ngài vẫn cai trị muôn loài vạn vật. Vì theo lời tuyên xưng của Ê-sai trong Ê-sai 9:6 Ngài là “Thiên Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời” Trong Ê-sai 6:5 thì Ê-sai tuyên xưng Ngài là “Vua, tức là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân!”

Sa-tan đã cài đặt tà giáo bác bỏ lẽ thật Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đức Chúa Jesus Christ vào trong tâm trí của những kẻ dốt nát, không phân biệt được thần tính và nhân tính của Ngôi Lời, nhưng lại kiêu ngạo, luôn dùng lý trí xác thịt để giải thích Thánh Kinh (II Phi-e-rơ 3:16). Trong số họ, có những kẻ đã được gọi là con dân Thiên Chúa, như Ô-sê 4:6 đã chép.

Lời Đức Chúa Jesus Christ Phán Trong Thân Vị Người Lẫn Thân Vị Thiên Chúa

Ngoài những lời phán trong thân vị loài người, trong thân vị Thiên Chúa, thì cũng có những lời Đức Chúa Jesus Christ phán trong thân vị Thiên Chúa lẫn thân vị loài người. Điển hình là lời phán được ghi lại trong Giăng 14:6:

“Đức Chúa Jesus phán với ông: Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống. Không ai đến cùng Cha nếu chẳng bởi Ta.” (Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời)

Mệnh đề thứ nhất: “Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống” được phán trong thân vị Thiên Chúa. Đại danh từ “Ta” trong câu phán thay thế cho danh xưng Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới có thể xưng nhận là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống.

Mệnh đề thứ nhì: “Không ai đến cùng Cha nếu chẳng bởi Ta“, được phán trong thân vị loài người. Đại danh từ “Ta” trong câu phán thay thế cho danh xưng Con Người Jesus. Phải bởi sự chết chuộc tội của Ngài trong thân vị loài người thì loài người mới có thể đến cùng Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, hai mệnh đề ấy không thể tách rời nhau, mà phải là một câu. Bởi vì, nếu chỉ có “Ta là Thiên Chúa” thì chỉ có sự hình phạt tội lỗi. Còn nếu chỉ có “Ta là Con Người” thì sự chuộc tội chỉ có thể thực hiện cho một người mà thôi. Phải là mạng sống vô hạn của Thiên Chúa mới có thể chết thay cho toàn thế gian. Nhưng mạng sống Thiên Chúa phải ở trong thân vị người thì mới có thể chết!

Nói tóm lại, sự mầu nhiệm về lẽ thật Thiên Chúa thành người chết thay cho tội lỗi của toàn thể nhân loại là điều vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Chúng ta chỉ bởi đức tin mà nhận lấy ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, tức là ân điển của Đức Con, sự yêu thương của Đức Cha, và sự Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta được thông công với Thiên Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

21/07/2014

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.