Tóm Lược Lịch Sử Loài Người Theo Thánh Kinh

10,395 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Trích từ Tác Phẩm “Kỳ Tận Thế”

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:

https://www.mediafire.com/file/eizgd7829sz7452/003_TomLuocLichSuLoaiNguoi.pdf/file

https://od.lk/f/MV8yNzQ1NDMyMzlf

Trong chương này, chúng tôi tổng hợp các dữ kiện trong Thánh Kinh, đối chiếu với các chi tiết của thế giới sử để lập thành bảng tóm lược biên niên sử loài người từ khi sáng thế cho đến khi dân I-sơ-ra-ên được hình thành, và biên niên sử của dân I-sơ-ra-ên từ khi được hình thành cho đến hiện tại. Dân I-sơ-ra-ên đã được Thiên Chúa chọn để hoàn thành chương trình và ý muốn của Ngài dành cho nhân loại. Dân I-sơ-ra-ên, vì thế, đã trở nên “chiếc đồng hồ lịch sử của nhân loại”, nghĩa là, nhìn vào dân I-sơ-ra-ên sẽ biết được khi nào thì Kỳ Tận Thế sẽ đến.

Từ khi dân I-sơ-ra-ên, với tính cách tập thể, chối bỏ Đức Chúa Jesus Christ là Cứu Chúa của nhân loại, tức là chối bỏ sự cứu rỗi của Thiên Chúa, bằng cách nộp Ngài cho người La-mã đóng đinh Ngài trên thập tự giá vào năm 27, thì Thiên Chúa tạm ngưng chương trình của Ngài đối với dân I-sơ-ra-ên và tiến hành sự cứu rỗi trong các dân tộc khác. Sứ Đồ Phao-lô đã tiên tri từ hơn 1.900 năm trước: “Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết đến sự mầu nhiệm này, kẻo các anh chị em tự cho mình là khôn sáng chăng. Ấy là sự đui mù đã xảy ra cho một phần của dân I-sơ-ra-ên, cho đến chừng sự đầy trọn của các dân ngoại đến. Rồi thì cả dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép: Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự không tin kính ra khỏi Gia-cốp. Vì ấy là sự giao ước của Ta với họ, khi Ta sẽ cất đi những tội lỗi của họ. (Rô-ma 11:25-27).

Khi số người trong các dân tộc khác, còn gọi là dân ngoại (ngoại tộc I-sơ-ra-ên), chịu tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa được đủ số, thì cả dân I-sơ-ra-ên sẽ tiếp nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Chúng ta không biết con số dân ngoại tiếp nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa lên đến bao nhiêu thì gọi là “đủ số”, vì đó là một huyền nhiệm của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta biết thời điểm sự đầy trọn của các dân ngoại đã gần. Bởi vì, ngày 14 tháng 5 năm 1948, Thiên Chúa đã tiếp tục trở lại chương trình của Ngài đối với dân I-sơ-ra-ên. Trong một ngày, Thiên Chúa đã dựng lại quốc gia I-sơ-ra-ên trong một bối cảnh lịch sử tưởng chừng như đó là việc không thể xảy ra: Ai đã từng nghe một sự như thế này? Ai đã từng thấy một sự giống như vậy? Lãnh thổ có thể nào được hình thành trong một ngày? Dân tộc có thể nào được sinh ra trong một lúc? Mà Si-ôn mới vừa trong cơn chuyển dạ thì đã sinh ra con của mình!” (Ê-sai 66:8). (Si-ôn là tên ngọn núi nơi thủ đô Giê-ru-sa-lem được xây dựng và được tiêu biểu cho đất nước I-sơ-ra-ên.) Đó là lời tiên tri về sự tái lập quốc I-sơ-ra-ên được chính Thiên Chúa tiên tri từ hơn 2.700 năm trước, (Ê-sai được Thiên Chúa sai làm tiên tri cho dân I-sơ-ra-ên vào khoảng năm 767 TCN). Chiếc đồng hồ báo giờ kết thúc lịch sử tự trị đầy tội lỗi của toàn thể nhân loại đã bắt đầu chạy lại, sau hơn 1.900 năm tạm thời đứng yên! Những chi tiết lịch sử trong chương này sẽ giúp bạn thấy được sự chính xác tuyệt vời của các lời tiên tri trong Thánh Kinh.

Có bốn loại lịch được dùng trong biên niên sử dưới đây: Thứ nhất là Lịch Julian (Julian Calendar), thứ nhì là Lịch Do-thái (Hebrew Calendar), thứ ba là Lịch Thánh Kinh, và thứ tư là Lịch Gregorian, là lịch thông dụng ngày nay trên thế giới.

  • Lịch Julian: Được cải thiện từ một loại lịch của người La-mã và được Hoàng Đế Julius của La-mã đưa vào sử dụng từ năm 46 TCN. Châu Âu dùng lịch này cho đến khi Lịch Gregorian được dùng và thông dụng khắp nơi như ngày nay. Trong biên niên sử này, các dữ kiện lịch sử trước năm 1582, là năm Lịch Gregorian được đưa vào sử dụng, thì được đánh dấu bằng Lịch Julian.

  • Lịch Do-thái: Được thiết lập vào khoảng năm 359 TCN. Lịch Do-thái bắt đầu với ngày 1 tháng Tishrei (tháng 7) năm 1, nhằm Thứ Hai, ngày 7 tháng 10 năm 3761 TCN của Lịch Julian.

  • Lịch Thánh Kinh: Là một hệ thống lịch do chúng tôi đề nghị. Lịch Thánh Kinh tương tự như Lịch Hê-bơ-rơ, chỉ khác hai điều, là năm thứ nhất của Lịch Thánh Kinh được bắt đầu từ khi dân I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa ban hành lịch, như được ghi chép trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký chương 12 của Thánh Kinh, và bắt đầu bằng tháng Nisan (tháng 1). Ngày 1 tháng 1 năm 1 của Lịch Thánh Kinh tương đương với Thứ Năm, ngày 12 tháng 3 năm 1446 TCN của Lịch Julian, và tương đương với Thứ Năm, ngày 1 tháng Nisan năm 2315 của Lịch Hê-bơ-rơ. Mục đích của Lịch Thánh Kinh là giúp cho chúng ta nhận thức ngay, từ khi Thiên Chúa ban hành lịch cho loài người, qua dân I-sơ-ra-ên, đến nay là bao nhiêu năm. Những năm trước năm 1 của Lịch Thánh Kinh sẽ được gọi là những năm “trước lịch”, viết tắt là “TL”. Thí dụ, năm 1 TL, năm 2 TL, năm 3 TL, v.v.. Muốn biết năm hiện tại là năm thứ bao nhiêu theo Lịch Thánh Kinh thì cộng 1446 cho năm hiện tại. Thí dụ: Năm 2016 tương đương với năm 3462 của Lịch Thánh Kinh.

  • Lịch Gregorian: Còn được gọi là Dương Lịch hoặc Tây Lịch, do Giáo Hoàng Gregory XIII của Công Giáo La-mã ra sắc lệnh ngày 24 tháng 2 năm 1582, đưa vào sử dụng. Ngày nay, Lịch Gregorian đã trở thành một thứ lịch quốc tế, được tất cả các quốc gia trên thế giới sử dụng. Trong biên niên sử này, các dữ kiện lịch sử kể từ năm 1582 trở về sau, được đánh dấu bằng Lịch Gregorian.

Trong sách này, thuật ngữ “Trước Công Nguyên” viết tắt là “TCN” được dùng để chỉ những năm trước năm 1 làm chuẩn của Lịch Julian hoặc Lịch Gregorian. Những năm sau năm 1 TCN thường được dùng thuật ngữ “Công Nguyên” để chỉ định. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không dùng thuật ngữ “Công Nguyên”, viết tắt là “CN”, theo sau những năm từ năm 1 trở đi, để đơn giản hóa câu văn.

Giáo Hội Công Giáo cho rằng, năm 1 làm chuẩn của Lịch Gregorian (tương đương năm 1 Lịch Julian) là năm sinh của Chúa nên gọi những năm từ năm 1 trở đi là “Trong Năm của Chúa”, trong tiếng La-tinh là “Anno Domini”, viết tắt là AD. Những năm trước đó, được giới Cơ-đốc Giáo gọi là “Before Christ” trong tiếng Anh, viết tắt là BC, và khởi đếm từ 1 BC. Giữa năm 1 AD và năm 1 BC không có năm 0. Vì thế, từ năm 2 BC đến năm 2 AD là khoảng thời gian dài 3 năm. Tuy nhiên, năm 1 không phải là năm Chúa giáng sinh, mà Chúa giáng sinh khoảng bảy năm trước đó, vào năm 7 BC. Vì sự tính sai đó mà cách dùng AD và BC trở thành vô nghĩa. Thay vào đó, cách dùng “Công Nguyên” (“Common Era” viết tắt là CE) và “Trước Công Nguyên” (“Before Common Era” viết tắt là BCE) hợp lý hơn. Công (common) là chung, Nguyên (era) là bắt đầu một thời đại. Công Nguyên là thời đại mà nhân loại bắt đầu dùng chung một thứ lịch.

Chúng tôi dùng nhu liệu hoán chuyển lịch từ website http://www.abdicate.net/cal.aspx, là một nhu liệu đáng tin cậy, để thiết lập bảng tóm lược dưới đây. Tất cả các số liệu về thời gian từ khi sáng thế đến khi Vua Sa-lô-môn xây dựng Đền Thờ của Thiên Chúa chỉ có tính cách phỏng đoán, dựa trên những chi tiết lịch sử được ghi chép trong Thánh Kinh đối chiếu với các sử liệu ngoài Thánh Kinh. Về các sử liệu ngoài Thánh Kinh, chúng tôi chỉ chọn lấy những sử liệu đúng sát nhất với Thánh Kinh.

Thí dụ 1: Về việc dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập, có tài liệu ghi là vào khoảng năm 1250 đến 1200 TCN, có tài liệu ghi là vào năm 1446 TCN. Chúng tôi chọn tài liệu ghi năm 1446 TCN, vì năm ấy phù hợp với các sử liệu trong Thánh Kinh.

Thí dụ 2: Về việc Vua Nê-bu-cát-nết-sa hủy phá thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thứ Nhất, có tài liệu ghi là vào năm 423 TCN, có tài liệu ghi là vào năm 587 TCN. Chúng tôi chọn tài liệu ghi năm 587 TCN, vì năm ấy phù hợp với các sử liệu trong Thánh Kinh.

Năm Julian: 4114 TCN
Năm Thánh Kinh: 2668 TL

Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất cùng muôn vật trong các tầng trời và đất: “Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất…” (Sáng Thế Ký 1:1).

Công trình sáng tạo kéo dài trong sáu ngày, ngày Thứ Bảy được Thiên Chúa ban phước và làm thành ngày yên nghỉ, tạo thành chu kỳ một tuần lễ bảy ngày: “Thiên Chúa thấy mọi việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Sáu.” (Sáng Thế Ký 1:31). “Ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày Thứ Bảy, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm.” (Sáng Thế Ký 2:2-3).

Thiên Chúa dựng nên loài người và ban cho loài người một thân thể bằng vật chất: “Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7).

Năm Julian: 3984 TCN
Năm Thánh Kinh: 2538 TL

A-đam sinh ra Sết: “A-đam sống đến một trăm ba mươi tuổi thì sinh con như tượng của mình, theo hình của mình, và đặt tên cho nó là Sết.” (Sáng Thế Ký 5:3).

Năm Julian: 3879 TCN
Năm Thánh Kinh: 2433 TL

Sết sinh ra Ê-nót: “Sết được một trăm lẻ năm tuổi, sinh Ê-nót.” (Sáng Thế Ký 5:6).

Năm Julian: 3789 TCN
Năm Thánh Kinh: 2343 TL

Ê-nót sinh ra Kê-nan: “Ê-nót được chín mươi tuổi, sinh Kê-nan.” (Sáng Thế Ký 5:9).

Năm Do-thái: 1
Năm Julian: 3761 TCN
Năm Thánh Kinh: 2315 TL

Lịch Do-thái bắt đầu với ngày 1 tháng Tishrei (tháng 7) năm 1, nhằm Thứ Hai ngày 7 tháng 10 năm 3761 TCN của Lịch Julian.

Năm Do-thái: 43
Năm Julian: 3719 TCN
Năm Thánh Kinh: 2273 TL

Kê-nan sinh ra Ma-ha-la-le: “Kê-nan được bảy mươi tuổi, sinh Ma-ha-la-le.” (Sáng Thế Ký 5:12).

Năm Do-thái: 107
Năm Julian: 3654 TCN
Năm Thánh Kinh: 2208 TL

Ma-ha-la-le sinh ra Giê-rệt: “Ma-ha-la-le được sáu mươi lăm tuổi, sinh Giê-rệt.” (Sáng Thế Ký 5:15).

Năm Do-thái: 269
Năm Julian: 3492 TCN
Năm Thánh Kinh: 2046 TL

Giê-rệt sinh ra Hê-nóc: “Giê-rệt được một trăm sáu mươi hai tuổi, sinh Hê-nóc.” (Sáng Thế Ký 5:18).

Năm Do-thái: 334
Năm Julian: 3427 TCN
Năm Thánh Kinh: 1981 TL

Hê-nóc sinh ra Mê-tu-sê-la: “Hê-nóc được sáu mươi lăm tuổi, sinh Mê-tu-sê-la.” (Sáng Thế Ký 5:21).

Năm Do-thái: 521
Năm Julian: 3240 TCN
Năm Thánh Kinh: 1794 TL

Mê-tu-sê-la sinh ra Lê-méc: “Mê-tu-sê-la được một trăm tám mươi bảy tuổi, sinh Lê-méc.” (Sáng Thế Ký 5:25).

Năm Do-thái: 577
Năm Julian: 3184 TCN
Năm Thánh Kinh: 1738 TL

A-đam qua đời: “Vậy, trọn những ngày mà A-đam sống là chín trăm ba mươi năm, rồi ông qua đời.” (Sáng Thế Ký 5:5).

Năm Do-thái: 634
Năm Julian: 3127 TCN
Năm Thánh Kinh: 1681 TL

Hê-nóc được Thiên Chúa cất ra khỏi thế gian: “Vậy, trọn những ngày của Hê-nóc là ba trăm sáu mươi lăm năm. Hê-nóc cùng đi với Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Thiên Chúa mang ông đi.” (Sáng Thế Ký 5:23-24).

“Bởi đức tin, Hê-nóc đã được biến hóa, không thấy sự chết. Ông không được tìm thấy nữa, vì Đức Chúa Trời đã biến hóa ông. Vì trước khi sự biến hóa xảy ra, ông đã được chứng rằng, ông đã ở vừa lòng Đức Chúa Trời. (Hê-bơ-rơ 11:5).

Hê-nóc tiêu biểu cho sự kiện: Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ, bao gồm những người trung tín đồng đi với Chúa, tức là hết lòng sống theo Lời Chúa, là Thánh Kinh, cũng sẽ được Đức Chúa Trời đem ra khỏi thế gian trước bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế. Khải Huyền 3:10 khẳng định: “Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất.”

Năm Do-thái: 703
Năm Julian: 3058 TCN
Năm Thánh Kinh: 1612 TL

Lê-méc sinh ra Nô-ê: “Lê-méc được một trăm tám mươi hai tuổi, sinh một trai, đặt tên là Nô-ê, và nói rằng: Đứa này sẽ an ủi lòng ta về công việc và về sự nhọc nhằn, mà đất bắt tay ta phải làm, là đất Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã rủa sả.” (Sáng Thế Ký 5:28-29).

Năm Do-thái: 1205
Năm Julian: 2556 TCN
Năm Thánh Kinh: 1110 TL

Nô-ê sinh ra Sem. Sáng Thế Ký 5:32 chép: “Còn Nô-ê, khi đến năm trăm tuổi, sinh Sem, Cham, và Gia-phết”, là nói một cách tổng quát rằng, khi Nô-ê được 500 tuổi thì ông bắt đầu sinh con, rồi liệt kê tên ba người con của ông. Điều đó không có nghĩa là khi Nô-ê được 500 tuổi thì cùng một lúc sinh được ba người con. Sáng Thế Ký 11:10 cho biết, hai năm sau Cơn Nước Lụt, Sem mới được 100 tuổi, trong khi đó, Cơn Nước Lụt xảy ra lúc Nô-ê được 600 tuổi (Sáng Thế Ký 7:6). Vậy, Sem phải được sinh ra khi Nô-ê được 502 tuổi [1]. Theo Sáng Thế Ký 9:24 thì Cham là con thứ nhì. Theo Sáng Thế Ký 10:21 thì Gia-phết là con cả. Như vậy: khi Nô-ê 500 tuổi thì sinh Gia-phết, 501 tuổi thì sinh Cham, và 502 tuổi thì sinh Sem. Sem được liệt kê đầu tiên trong danh sách vì Sem là tổ phụ của Vua Đa-vít và của Đức Chúa Jesus.

Năm Do-thái: 1303
Năm Julian: 2458 TCN
Năm Thánh Kinh: 1012 TL

Mê-tu-sê-la qua đời: “Vậy, trọn những ngày của Mê-tu-sê-la là chín trăm sáu mươi chín năm, rồi ông qua đời.” (Sáng Thế Ký 5:27).

Nô-ê được 600 tuổi. Vào ngày 17 tháng 2, Cơn Lụt Lớn xảy ra hủy diệt mọi sinh vật trên đất, trừ gia đình Nô-ê tám người và các loài sinh vật đã vào trong một chiếc tàu lớn, do Thiên Chúa sai ông đóng thành: “Vào năm sáu trăm của đời Nô-ê, tháng Hai, ngày mười bảy, trong cùng ngày đó, các nguồn của vực lớn nổ ra, và các cửa sổ trên trời mở xuống. Mưa trên mặt đất bốn mươi ngày và bốn mươi đêm. Trong cùng ngày đó, Nô-ê và Sem, Cham, Gia-phết là các con trai của Nô-ê, vợ của Nô-ê, cùng với ba người vợ của các con trai ông đều vào tàu.” (Sáng Thế Ký 7:11-13).

Nô-ê tiêu biểu cho sự kiện: Trong bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế, là lúc Hội Thánh của Chúa đã được cất ra khỏi thế gian, sẽ có nhiều người tin Chúa được cứu khỏi các tai nạn. Sau cơn đại nạn, họ sẽ trở thành những công dân của Vương Quốc Ngàn Năm Bình An trên đất, cai trị bởi Đức Chúa Jesus Christ và Hội Thánh của Ngài. Từ nơi họ, loài người sẽ tiếp tục được sinh ra trong suốt một ngàn năm, để làm đầy dẫy đất và chuẩn bị công dân cho Vương Quốc Đời Đời.

Năm Do-thái: 1304
Năm Julian: 2457 TCN
Năm Thánh Kinh: 1011 TL

Ngày 1 tháng 1 năm thứ 601 của đời Nô-ê, nước lụt lui đi: “Vào năm sáu trăm lẻ một của đời Nô-ê, ngày một, tháng Một, nước đã rút khỏi đất. Nô-ê mở mui tàu mà nhìn. Này, mặt đất đã khô.” (Sáng Thế Ký 8:13).

Đến ngày 27 tháng 2 thì mặt đất hoàn toàn khô hẳn. Thiên Chúa phán truyền cho gia đình Nô-ê và các loài sinh vật ra khỏi tàu: “Đến tháng Hai, ngày hai mươi bảy, đất đã khô hẳn. Thiên Chúa phán với Nô-ê rằng: Hãy ra khỏi tàu, ngươi, vợ ngươi, các con trai ngươi, và các vợ của các con trai ngươi. Hãy thả ra với ngươi mọi vật sống của mọi xác thịt đã ở cùng ngươi: nào chim, nào súc vật, nào côn trùng bò trên đất, để cho chúng tràn ra khắp đất, sinh sản và thêm nhiều trên đất. Vậy, Nô-ê cùng các con trai, vợ, và các vợ của các con trai của ông ra khỏi tàu. Mọi vật sống, mọi côn trùng, mọi chim, cùng bất cứ loài gì bò trên đất tùy theo loại đều ra khỏi tàu.” (Sáng Thế Ký 8:14-19).

Năm Do-thái: 1305
Năm Julian: 2456 TCN
Năm Thánh Kinh: 1010 TL

Sem sinh ra A-bác-sát: “Đây là dòng dõi của Sem: Cách hai năm, sau Cơn Nước Lụt, Sem được một trăm tuổi, sinh A-bác-sát.” (Sáng Thế Ký 11:10).

Năm Do-thái: 1340
Năm Julian: 2421 TCN
Năm Thánh Kinh: 975 TL

A-bác-sát sinh ra Sê-lách: “A-bác-sát được ba mươi lăm tuổi, sinh Sê-lách.” (Sáng Thế Ký 11:12).

Năm Do-thái: 1370
Năm Julian: 2391 TCN
Năm Thánh Kinh: 945 TL

Sê-lách sinh ra Hê-be: “Sê-lách được ba mươi tuổi, sinh Hê-be.” (Sáng Thế Ký 11:14).

Năm Do-thái: 1404
Năm Julian: 2357 TCN
Năm Thánh Kinh: 911 TL

Hê-be sinh ra Bê-léc: “Hê-be được ba mươi bốn tuổi, sinh Bê-léc.” (Sáng Thế Ký 11:16).

Bê-léc có nghĩa là “chia”. Sáng Thế Ký 10:25 cho biết, trong đời Bê-léc đất được chia ra. Sự chia đất này có thể là sự đất tách rời thành các đại lục như chúng ta biết ngày hôm nay. Cũng có thể là sự phân tán các dân tộc và định biên giới cho họ:

“Ấy là các gia tộc của các con trai của Nô-ê tùy theo các dòng dõi của họ trong các dân tộc của họ. Do nơi họ mà các dân tộc được chia ra trên đất sau Cơn Nước Lụt.” (Sáng Thế Ký 10:32).

“Rồi, từ đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ ngưng công việc xây cất thành. Thế nên, thành được gọi là Ba-bên, vì tại nơi đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm lộn xộn tiếng nói của cả đất. Cũng từ đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất.” (Sáng Thế Ký 11:8-9).

“Khi Đấng Chí Cao phân phát sản nghiệp cho muôn dân, phân rẽ những con cháu của A-đam, thì Ngài định bờ cõi của các dân, cứ theo số con cháu của dân I-sơ-ra-ên.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:8).

“Ngài cũng đã làm ra mỗi dân tộc của loài người từ một dòng máu, để ở khắp trên mặt đất. Ngài xác định thời gian đã được định sẵn cùng các biên giới chỗ ở của họ; để cho họ tìm kiếm Chúa. Nếu như họ thật lòng cảm nhận Ngài và tìm kiếm Ngài, dù Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:26-27).

Năm Do-thái: 1434
Năm Julian: 2327 TCN
Năm Thánh Kinh: 881 TL

Bê-léc sinh ra Rê-hu: “Bê-léc được ba mươi tuổi, sinh Rê-hu.” (Sáng Thế Ký 11:18).

Năm Do-thái: 1466
Năm Julian: 2295 TCN
Năm Thánh Kinh: 849 TL

Rê-hu sinh ra Sê-rúc: “Rê-hu được ba mươi hai tuổi, sinh Sê-rúc.” (Sáng Thế Ký 11:20).

Năm Do-thái: 1496
Năm Julian: 2265 TCN
Năm Thánh Kinh: 819 TL

Sê-rúc sinh ra Na-cô: “Sê-rúc được ba mươi tuổi, sinh Na-cô.” (Sáng Thế Ký 11:22).

Năm Do-thái: 1525
Năm Julian: 2236 TCN
Năm Thánh Kinh: 790 TL

Na-cô sinh ra Tha-rê: “Na-cô được hai mươi chín tuổi, sinh Tha-rê.” (Sáng Thế Ký 11:24).

Năm Do-thái: 1595
Năm Julian: 2166 TCN
Năm Thánh Kinh: 720 TL

Tha-rê sinh ra Áp-ram: “Còn Tha-rê được bảy mươi tuổi, sinh Áp-ram, Na-cô, và Ha-ran.” (Sáng Thế Ký 11:26).

Năm Do-thái: 1605
Năm Julian: 2156 TCN
Năm Thánh Kinh: 710 TL

Sa-rai, vợ của Áp-ram được sinh ra. Theo chi tiết trong Sáng Thế Ký 17:17, thì lúc Áp-ram được 100 tuổi, Sa-ra được 90 tuổi.

Năm Do-thái: 1653
Năm Julian: 2108 TCN
Năm Thánh Kinh: 662 TL

Nô-ê qua đời lúc Áp-ram được 58 tuổi: “Sau cơn lụt, Nô-ê còn sống ba trăm năm mươi năm. Vậy, trọn những ngày của Nô-ê là chín trăm năm mươi năm, rồi ông qua đời.” (Sáng Thế Ký 9:28-29).

Năm Do-thái: 1670
Năm Julian: 2091 TCN
Năm Thánh Kinh: 645 TL

Áp-ram lúc 75 tuổi, cùng với cháu mình là Lót, rời Cha-ran, theo tiếng gọi của Thiên Chúa:

Sáng Thế Ký 12:1-5

1 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Áp-ram: Hãy ra khỏi vùng đất của ngươi, khỏi thân tộc của ngươi, và khỏi nhà cha của ngươi, để đến một xứ mà Ta sẽ chỉ cho ngươi.

2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ ban phước cho ngươi, làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một sự phước hạnh.

3 Ta sẽ ban phước cho những ai chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi. Trong ngươi, hết thảy các gia tộc trên đất sẽ được ban phước.

4 Vậy, Áp-ram ra đi, theo như lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán với ông. Lót cùng đi với ông. Khi Áp-ram ra khỏi Cha-ran, ông được bảy mươi lăm tuổi.

5 Áp-ram đem Sa-rai, vợ ông, Lót, con trai của em trai ông, cả gia tài họ đã thu gom, và những người họ đã có được tại Cha-ran, ra đi, để đến xứ Ca-na-an. Họ đều vào trong xứ Ca-na-an.

Năm Do-thái: 1680
Năm Julian: 2081 TCN
Năm Thánh Kinh: 635 TL

Áp-ram lấy A-ga, nữ nô lệ người Ai-cập của Sa-rai, làm vợ thứ: “Sau khi Áp-ram đã ở mười năm tại xứ Ca-na-an, Sa-rai, vợ của ông, đem A-ga, là tớ gái người Ê-díp-tô của mình, đưa cho chồng mình là Áp-ram, để làm vợ của ông. Ông vào cùng A-ga thì nàng có thai. Khi nàng thấy mình có thai thì nhìn khinh bỉ bà chủ mình.” (Sáng Thế Ký 16:3-4).

Năm Do-thái: 1681
Năm Julian: 2080 TCN
Năm Thánh Kinh: 634 TL

Ích-ma-ên, con trai của Áp-ram và A-ga được sinh ra: “Khi A-ga sinh Ích-ma-ên cho Áp-ram, thì Áp-ram đã được tám mươi sáu tuổi.” (Sáng Thế Ký 16:16).

Năm Do-thái: 1694
Năm Julian: 2067 TCN
Năm Thánh Kinh: 621 TL

Áp-ram được Thiên Chúa đổi tên thành Áp-ra-ham, lúc ông được 99 tuổi: “Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện đến với Áp-ram và phán với ông: Ta là Thiên Chúa Toàn Năng! Ngươi hãy đi ở trước mặt Ta và ngươi hãy trở nên trọn vẹn… Tên của ngươi cũng sẽ chẳng được gọi là Áp-ram nữa, nhưng tên của ngươi sẽ là Áp-ra-ham. Vì Ta đã đặt ngươi làm cha của nhiều dân tộc.” (Sáng Thế Ký 17:1, 5). Áp-ra-ham có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”.

Vợ của Áp-ra-ham được đổi tên từ Sa-rai thành Sa-ra: “Thiên Chúa phán với Áp-ra-ham: Còn Sa-rai, vợ ngươi, ngươi chớ gọi tên nàng là Sa-rai nữa, nhưng Sa-ra là tên của nàng.” (Sáng Thế Ký 17:15). Sa-ra có nghĩa là “công chúa” hoặc “người nữ cao quý”.

Cùng lúc ấy, Thiên Chúa hứa với Áp-ra-ham, qua năm sau, Sa-ra sẽ sinh một con trai, đặt tên là I-sác, và Ngài sẽ lập giao ước đời đời cùng dòng dõi của I-sác, (sau này là dân I-sơ-ra-ên): “Thiên Chúa phán: Thật vậy! Sa-ra vợ ngươi, sẽ sinh cho ngươi một con trai, rồi ngươi đặt tên cho nó là I-sác. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó, một giao ước đời đời với dòng dõi của nó theo sau nó.” (Sáng Thế Ký 17:19).

Thiên Chúa hứa với Áp-ra-ham, Ích-ma-ên sẽ trở nên tổ phụ của 12 chi tộc, (sau này là dân Ả-rập): “Còn về Ích-ma-ên, Ta đã nghe ngươi. Này, Ta ban phước cho nó và sẽ làm cho nó sinh sản, thêm lên thật nhiều. Nó sẽ sinh ra mười hai lãnh tụ, và Ta làm cho nó thành một dân lớn.” (Sáng Thế Ký 17:20).

Thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị Thiên Chúa hủy diệt vì tội lỗi của cư dân: “Rồi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu giáng mưa lưu huỳnh và lửa từ nơi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở trên trời, xuống trên Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Ngài hủy diệt các thành ấy, cả đồng bằng, và hết thảy dân sự của các thành cùng chồi non mọc ra từ đất.” (Sáng Thế Ký 19:24-25).

Năm Do-thái: 1700
Năm Julian: 2061 TCN
Năm Thánh Kinh: 615 TL

I-sác thôi bú, A-ga và Ích-ma-ên bị đuổi ra khỏi gia đình Áp-ra-ham: “Sáng sớm, Áp-ra-ham trỗi dậy, lấy bánh và một bầu nước, đưa cho A-ga, để trên vai nàng, cùng đứa trẻ, rồi đuổi nàng đi. Nàng ra đi, lang thang trong đồng vắng Bê-e-sê-ba.” (Sáng Thế Ký 21:14).

Năm Do-thái: 1732
Năm Julian: 2029 TCN
Năm Thánh Kinh: 583 TL

Sa-ra qua đời: “Sa-ra được một trăm hai mươi bảy tuổi. Ấy là các năm của đời Sa-ra.” (Sáng Thế Ký 23:1).

Năm Do-thái: 1735
Năm Julian: 2026 TCN
Năm Thánh Kinh: 580 TL

I-sác kết hôn cùng Rê-bê-ca: “I-sác được bốn mươi tuổi khi ông lấy Rê-bê-ca, con gái của Bê-tu-ên, người A-ra-mai, xứ Pha-đan-a-ram, và em gái của La-ban, người A-ra-mai, làm vợ.” (Sáng Thế Ký 25:20).

Năm Do-thái: 1755
Năm Julian: 2006 TCN
Năm Thánh Kinh: 560 TL

Rê-bê-ca sinh ra Ê-sau và Gia-cốp cho I-sác: “Đến ngày sinh nở của nàng, này trong bụng của nàng có thai đôi. Đứa ra trước đỏ hồng, lông cùng mình như một áo khoác lông. Họ đặt tên cho nó là Ê-sau. Kế đó, em trai nó ra, tay nắm lấy gót chân của Ê-sau; và tên nó được gọi là Gia-cốp. I-sác được sáu mươi tuổi khi nàng sinh chúng.” (Sáng Thế Ký 25:24-26).

Năm Do-thái: 1795
Năm Julian: 1966 TCN
Năm Thánh Kinh: 520 TL

Ê-sau kết hôn với Giu-đít: “Ê-sau được bốn mươi tuổi khi ông lấy vợ, là Giu-đít, con gái của Bê-e-ri, người Hê-tít, và Bách-mát, con gái của Ê-lôn, cũng người Hê-tít.” (Sáng Thế Ký 26:34).

Năm Do-thái: 1875
Năm Julian: 1886 TCN
Năm Thánh Kinh: 440 TL

I-sác qua đời: “Những ngày của I-sác là một trăm tám mươi năm.” (Sáng Thế Ký 35:28).

Năm Do-thái: 1885
Năm Julian: 1876 TCN
Năm Thánh Kinh: 430 TL

Gia-cốp di cư đến Ai-cập: “Giô-sép đem Gia-cốp, cha mình, đến trước Pha-ra-ôn. Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn. Pha-ra-ôn hỏi Gia-cốp: Ngươi được bao nhiêu tuổi? Gia-cốp đáp lời Pha-ra-ôn: Các năm tha hương của tôi là một trăm ba mươi năm. Các năm của đời tôi thì ít và nhọc nhằn, chẳng bằng số ngày trong những năm của các tổ phụ tôi trong những ngày tha hương của họ.” (Sáng Thế Ký 47:7-9).

Năm Do-thái: 1902
Năm Julian: 1859 TCN
Năm Thánh Kinh: 413 TL

Gia-cốp qua đời: “Gia-cốp sống trong xứ Ê-díp-tô được mười bảy năm. Những ngày của Gia-cốp, những năm của đời ông là một trăm bốn mươi bảy năm.” (Sáng Thế Ký 47:28).

Năm Do-thái: 2315
Năm Julian: 1446 TCN
Năm Thánh Kinh: 1

Dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập: “Thời kiều ngụ của con cái I-sơ-ra-ên, là những người ở tại xứ Ê-díp-tô, là bốn trăm ba mươi năm. Đã xảy ra vào cuối của bốn trăm ba mươi năm, cũng trong ngày đó, đã xảy ra sự tất cả quân đội của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ra khỏi đất của Ê-díp-tô.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:40-41).

Thời kiều ngụ của dân I-sơ-ra-ên bắt đầu vào năm sáng thế 2238, khi Gia-cốp và các con trai mình di cư đến Ai-cập.

Dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập vào Thứ Năm, ngày 15 tháng Nisan năm 2315 Lịch Do-thái, nhằm Thứ Năm, ngày 26 tháng 3 năm 1446 TCN Lịch Julian: “Họ ra đi từ Ram-se vào tháng Một. Ngày mười lăm tháng Một, ngày sau Lễ Vượt Qua, con dân I-sơ-ra-ên ra đi với tay đưa cao trước mắt của tất cả dân Ê-díp-tô. [Thành ngữ tay đưa cao có nghĩa là mạnh dạn.]” (Dân Số Ký 33:3).

Dựa vào I Các Vua 6:1 và dữ kiện lịch sử về việc Vua Sa-lô-môn lên ngôi năm 970 TCN mà chúng ta tính ra được năm dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập nhằm năm 1446 TCN theo Lịch Julian: “Vào năm bốn trăm tám mươi, sau khi con dân I-sơ-ra-ên ra khỏi đất Ê-díp-tô, là năm thứ tư của Sa-lô-môn cai trị trên I-sơ-ra-ên, nhằm tháng Xíp, tức là tháng Hai, thì ông xây cất Đền Thờ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.”

Vua Sa-lô-môn lên ngôi năm 970 TCN tương đương với năm thứ 2791 Lịch Do-thái. Vậy, lấy năm thứ tư của đời Vua Sa-lô-môn, tức là năm 2795 Lịch Do-thái, trừ đi 480 năm, chúng ta sẽ có năm 2315 Lịch Do-thái, tương đương với năm 1446 TCN Lịch Julian.

Như vậy, theo Thánh Kinh chúng ta có thể thiết lập được: Từ khi A-đam được dựng nên cho đến khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập là 2668 năm. Chúng ta đi từ dữ kiện lịch sử năm lên ngôi của Vua Sa-lô-môn là năm 970 TCN Lịch Julian và I Các Vua 6:1 để tính ra năm 1446 TCN Lịch Julian tương đương với năm 2668 Lịch Sáng Thế. Theo lịch sử, năm 1 của Lịch Do-thái tương đương với năm 3761 TCN của Lịch Julian, nên chúng ta biết dân I-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập vào năm 2315 theo Lịch Do-thái.

Chúng ta thấy: Ngày dân I-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập là đúng 430 năm kể từ khi Gia-cốp, tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên di cư đến Ai-cập, mà cũng đúng 480 năm nếu tính đến năm thứ tư của triều Vua Sa-lô-môn. Như vậy, dữ kiện lịch sử đã chứng minh lẽ thật của Thánh Kinh như đã ghi rõ trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:40-41 và I Các Vua 6:1.

Có một điểm trùng hợp quan trọng: Ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên do chính Thiên Chúa thiết lập vào Thứ Tư, ngày 14 tháng Nisan năm 2315 Lịch Do-thái, nhằm Thứ Tư, ngày 25 tháng 3 năm 1446 TCN Lịch Julian. Đức Chúa Jesus Christ, Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi mọi tội lỗi của thế gian, chết trên thập tự giá vào ngày Lễ Vượt Qua, Thứ Tư, ngày 14 tháng Nisan năm 3787 Lịch Do-thái, nhằm Thứ Tư, ngày 9 tháng 4 năm 27 Lịch Julian, làm ứng nghiệm ý nghĩa thuộc linh của Lễ Vượt Qua.

Trong vài bài giảng của chúng tôi, khi nói đến ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên, chúng tôi đã nghĩ rằng, ngày 14 tháng Nisan là ngày Sa-bát. Sự suy nghĩ đó dựa trên Xuất Ê-díp-tô Ký 12:2, “Tháng này sẽ làm đầu cho các tháng đối với ngươi, nó sẽ là tháng thứ nhất trong năm đối với các ngươi”, để cho rằng, ngày mùng một của tháng Một phải là ngày Thứ Nhất (Chủ Nhật), và như vậy, các ngày 7, 14, 21, và 28 của tháng Một sẽ đương nhiên là các ngày Sa-bát. Tuy nhiên, có lẽ Thiên Chúa đã phán với Môi-se nhằm ngày Thứ Năm trong tuần, và như vậy, ngày đầu tiên của tháng Một mới mà Thiên Chúa thiết lập cho dân I-sơ-ra-ên chính là ngày Thứ Năm, để bảo tồn sự chính xác của ngày Sa-bát từ khi sáng thế, dẫn đến ngày 14 tháng Nisan (tháng Một) của Lễ Vượt Qua đầu tiên là một ngày Thứ Tư. Sự kiện trùng lập của ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên và ngày chết của Đức Chúa Jesus Christ cùng là Thứ Tư ngày 14 tháng Nisan là một dấu chứng mạnh mẽ cho giả thuyết lời phán của Thiên Chúa trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12 với Môi-se nhằm ngày Thứ Năm trong tuần lễ. Ngoài ra, trong tuần lễ sáng tạo, ngày Thứ Tư Thiên Chúa mới dựng nên mặt trời, mặt trăng và các tinh tú để làm dấu hiệu tính lịch. Vì vậy, ngày đầu tiên của lịch phải là ngày Thứ Năm của tuần lễ sáng tạo.

Năm Do-thái: 2355
Năm Julian: 1406 TCN
Năm Thánh Kinh: 41

Dân I-sơ-ra-ên tiến vào đất hứa Ca-na-an nhằm ngày 10 tháng Nisan năm 2355 Lịch Do-thái, và toàn thể dân sự chịu lễ cắt bì: “Ngày mười tháng Một, dân sự đi lên khỏi sông Giô-đanh, và đóng trại tại Ghinh-ganh, ở cuối phía đông của Giê-ri-cô.” (Giô-suê 4:19).

Sau đó, dân I-sơ-ra-ên giữ Lễ Vượt Qua lần đầu tiên trong đất Ca-na-an nhằm Thứ Sáu, ngày 14 tháng Nisan năm 2355 Lịch Do-thái, tròn 40 năm sau Lễ Vượt Qua lần đầu tiên tại xứ Ai-cập. Qua ngày 15 tháng Nisan thì họ ăn thổ sản của xứ và ma-na không còn ban xuống từ trời cho họ nữa: “Con dân I-sơ-ra-ên đóng trại tại Ghinh-ganh, trong đồng bằng Giê-ri-cô; và giữ Lễ Vượt Qua nhằm ngày mười bốn của tháng, vào lúc tối. Ngày sau Lễ Vượt Qua, trong chính ngày ấy, họ đã ăn thổ sản trong kho của xứ, bánh không men, hạt nướng. Ma-na ngưng vào ngày hôm sau, sau khi họ đã ăn thổ sản trong kho của xứ. Con dân I-sơ-ra-ên cũng không bao giờ có ma-na nữa, nhưng trong năm đó, họ ăn những thổ sản của đất Ca-na-an.” (Giô-suê 5:10-12).

Năm Do-thái: 2711
Năm Julian: 1050 TCN
Năm Thánh Kinh: 397

Vua Sau-lơ lên ngôi, cai trị 40 năm [2].

Năm Do-thái: 2751
Năm Julian: 1010 TCN
Năm Thánh Kinh: 437

Vua Đa-vít lên ngôi, cai trị 40 năm [2].

Năm Do-thái: 2791
Năm Julian: 970 TCN
Năm Thánh Kinh: 477

Vua Sa-lô-môn lên ngôi, cai trị 40 năm [2].

Năm Do-thái: 2795
Năm Julian: 966 TCN
Năm Thánh Kinh: 481

Đền Thờ của Thiên Chúa, còn gọi là Đền Thờ Thứ Nhất, được Vua Sa-lô-môn khởi công xây cất: “Vào năm bốn trăm tám mươi, sau khi con dân I-sơ-ra-ên ra khỏi đất Ê-díp-tô, là năm thứ tư của Sa-lô-môn cai trị trên I-sơ-ra-ên, nhằm tháng Xíp, tức là tháng Hai, thì ông xây cất Đền Thờ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (I Các Vua 6:1).

Năm Do-thái: 3039
Năm Julian: 722 TCN
Năm Thánh Kinh: 725

Vương quốc I-sơ-ra-ên bị hủy diệt bởi đế quốc A-si-ri (II Các Vua 17).

Năm Do-thái: 3155
Năm Julian: 606 TCN
Năm Thánh Kinh: 841

Vua Nê-bu-cát-nết-sa của đế quốc Ba-bi-lôn tiến công Giê-ru-sa-lem và bắt dân Giu-đa đem về Ba-bi-lôn làm nô lệ lần thứ nhất, bắt đầu cho hình phạt 70 năm lưu đày của dân Giu-đa.

Năm Do-thái: 3174
Năm Julian: 587 TCN
Năm Thánh Kinh: 860

Vương quốc Giu-đa bị hủy diệt bởi đế quốc Ba-bi-lôn (II Các Vua 24 và 25).

Thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thứ Nhất bị hủy diệt bởi Vua Nê-bu-cát-nết-sa của đế quốc Ba-bi-lôn vào ngày 29 tháng 7 năm 587 TCN [3].

Năm Do-thái: 3225
Năm Julian: 536 TCN
Năm Thánh Kinh: 911

Vua Si-ru của vương quốc Phe-rơ-sơ (Iran ngày nay) xâm chiếm Ba-bi-lôn và ra chiếu chỉ cho phép dân I-sơ-ra-ên được quay về, xây dựng lại tường thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ, kết thúc 70 năm dân Giu-đa bị lưu đày tại Ba-bi-lôn (606 TCN – 536 TCN): “Năm thứ nhất đời Si-ru, vua Phe-rơ-sơ cai trị, để ứng nghiệm Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu qua miệng của Giê-rê-mi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã khuấy động tâm thần của Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, khiến ông rao truyền trong khắp vương quốc mình, và cũng ra chiếu chỉ, nói rằng: Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, truyền như thế này, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thần của Các Tầng Trời đã ban cho ta các vương quốc của đất, và chỉ định ta xây cất cho Ngài một cái đền ở tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa. Trong các ngươi, bất cứ ai thuộc về dân sự Ngài, nguyện Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của người ấy ở cùng người ấy, và người ấy hãy đi lên [Giê-ru-sa-lem].” (II Sử Ký 36:22-23).

Có 49.897 người I-sơ-ra-ên quay về Giê-ru-sa-lem xây dựng lại Đền Thờ (Ê-xơ-ra 2) [4].

Năm Do-thái: 3246
Năm Julian: 515 TCN
Năm Thánh Kinh: 932

Đền Thờ Thiên Chúa được hoàn tất, còn gọi là Đền Thờ Thứ Nhì: “Ngày ba tháng A-đa, nhằm năm thứ sáu đời Vua Đa-ri-út, cái Đền này được xây cất xong.” (Ê-xơ-ra 6:15).

Năm Do-thái: 3304
Năm Julian: 457 TCN
Năm Thánh Kinh: 990

Chúng ta không biết chính xác ngày tháng Vua Ạt-ta-xét-xe ra chiếu chỉ, nhưng chúng ta biết ngày mà chiếu chỉ đó được Ê-xơ-ra thi hành. Đó là ngày 01 tháng 01 năm thứ bảy của triều Vua Ạt-ta-xét-xe, nhằm ngày 14 tháng 09 năm 457 TCN (Ê-xơ-ra 7:9). Vào thời của Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi thì triều đại của các vua Phe-rơ-sơ được người I-sơ-ra-ên tính theo niên lịch dân sự; nghĩa là một năm cai trị của vua bắt đầu từ đầu tháng 7 (tháng Tishrei) và kết thúc vào cuối tháng 6 (tháng Elul), theo Lịch Do-thái. Rất có thể chiếu chỉ đã được ban hành vào khoảng đầu tháng 04 năm 457 TCN, vào dịp Lễ Vượt Qua. Ê-xơ-ra đã cần hơn năm tháng để chuẩn bị nhân lực và tài lực cho chuyến đi từ Ba-bi-lôn về Giê-ru-sa-lem, như đã ghi lại trong Ê-xơ-ra đoạn 8.

Theo Đa-ni-ên 9:24-26, Đức Chúa Jesus Christ sẽ bị giết vào cuối của tuần thứ 69 trong 70 tuần năm Thiên Chúa đã định cho dân I-sơ-ra-ên, kể từ ngày Vua Ạt-ta-xét-xe ra chiếu chỉ cho Ê-xơ-ra.

Mỗi một tuần năm có 7 năm: “Có bảy mươi tuần năm định trên dân ngươi và thành thánh ngươi, để đóng lại sự phạm pháp, kết thúc sự phạm tội, làm sự chuộc tội, và đem sự công chính đời đời vào, để kết thúc khải tượng và lời tiên tri, và để xức dầu cho sự rất thánh. Vậy, hãy biết và hiểu rằng, từ khi ra lệnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng Thủ Lãnh Mê-si-a, thì được bảy tuần năm và sáu mươi hai tuần năm; đường phố và hào sẽ được xây lại, dù trong các thời kỳ khó khăn. Sau sáu mươi hai tuần năm, Đấng Mê-si-a sẽ bị trừ đi, và sẽ không có gì hết. Có dân của thủ lãnh sẽ đến sẽ hủy phá thành và Nơi Thánh; cuối cùng nó sẽ như bị nước lụt ngập, và những sự hoang vu đã định cho đến khi chiến tranh chấm dứt.”

Từ năm 457 TCN đến năm 27 CN là đúng 483 năm (457 + 27 = 484, trừ cho 1 vì giữa năm 1 TCN và năm 1 CN không có năm 0 = 483 năm). Ứng nghiệm lời tiên tri trong Đa-ni-ên 9:24-26.

Năm Do-thái: 3328
Năm Julian: 433 TCN
Năm Thánh Kinh: 1014

Ma-la-chi, tiên tri cuối cùng của Thời Cựu Ước [5].

Năm Do-thái: 3754
Năm Julian: 7 TCN
Năm Thánh Kinh: 1440

Đức Chúa Jesus giáng sinh tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đa. Lu-ca 2:1-11 chép:

1 Trong những ngày ấy, có chiếu chỉ của Sê-sa Au-gút-tơ ban ra, truyền cho lập sổ dân trong khắp thế gian.

2 Việc lập sổ dân này được thực hiện lần đầu, khi Qui-ri-ni-u làm thống đốc xứ Si-ri.

3 Mọi người đều đi khai tên vào sổ. Mỗi người đi đến thành của mình.

4 Giô-sép cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, đi lên thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, vì ông thuộc về nhà và dòng dõi Đa-vít,

5 để khai vào sổ với Ma-ri, là người đã hứa gả cho ông, đang có thai đã lớn.

6 Trong khi hai người đang ở nơi đó, thì ngày sinh đẻ của Ma-ri đã đến.

7 Nàng sinh con trai đầu lòng của nàng, lấy khăn bọc con, đặt nằm trong máng cỏ, vì quán trọ không có chỗ cho họ.

8 Cũng trong miền đó, có mấy người chăn chiên trú ngoài đồng, ban đêm canh giữ bầy chiên của họ.

9 Kìa! Một thiên sứ của Chúa đến trên họ, và sự vinh quang của Chúa chiếu sáng chung quanh họ. Họ rất sợ hãi.

10 Thiên sứ phán với họ: Đừng sợ! Vì này, ta báo cho các ngươi một Tin Lành của một sự vui mừng lớn cho muôn dân.

11 Bởi vì hôm nay tại thành Đa-vít đã sinh cho các ngươi một Đấng Cứu Rỗi, là Christ, là Chúa.

Đức Chúa Jesus Christ có thể được sinh ra vào đêm 15 tháng Tishrei (tháng 7) năm 3755 Lịch Do-thái, nhằm ngày thứ nhất của Lễ Lều Tạm (Lê-vi Ký 23:34). Ý nghĩa của Lễ Lều Tạm là kỷ niệm sự dân I-sơ-ra-ên phải ở trong các lều trại khi được Thiên Chúa giải phóng ra khỏi xứ Ai-cập (Lê-vi Ký 23:42-43). Tuy nhiên, một trong các ý nghĩa thuộc linh của Lễ Lều Tạm thì Lễ Lều Tạm làm hình bóng về sự Thiên Chúa Ngôi Con sẽ nhập thế làm người, mà Thánh Kinh gọi là “đóng trại giữa chúng ta” để giải cứu nhân loại ra khỏi ách nô lệ và hậu quả của tội lỗi: “Ngôi Lời đã chịu trở nên xác thịt và đã đóng trại giữa chúng ta. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài; sự vinh quang như của Con Một đến từ Cha, đầy dẫy ân điển và lẽ thật.” (Giăng 1:14).

Đức Chúa Jesus phải được sinh ra ít nhất là 3 năm trước khi Vua Hê-rốt qua đời. Khi Vua Hê-rốt được các nhà thông thái báo tin về sự sinh ra của Đức Chúa Jesus, thì Ngài đã được sinh ra cách đó khoảng hai năm. Đó là lý do khiến Vua Hê-rốt ra lệnh giết các bé trai từ hai tuổi sắp xuống. Sau đó khoảng một năm, vào năm 4 TCN, thì Vua Hê-rốt qua đời.

Ngày nay, nếu con dân Chúa muốn kỷ niệm sinh nhật của Chúa thì nên kỷ niệm vào ngày Lễ Lều Tạm, thay vì kỷ niệm vào ngày 25 tháng 12 là ngày kỷ niệm sinh nhật Thần Mặt Trời của ngoại giáo, với đủ các thứ phong tục mê tín dị đoan và truyền thuyết của ngoại giáo. Cũng đừng gọi lễ kỷ niệm sự giáng sinh của Chúa là Christmas. Christmas là “Mass of Christ” tức là sự chết để làm sinh tế chuộc tội của Đấng Christ! Kỷ niệm Christmas là kỷ niệm sự chết của Chúa và thờ phượng Chúa qua lễ nghi của ngoại giáo chứ không bằng lẽ thật. Xin đọc thêm các bài: “Sự Thật về Christmas”, “Thờ Chúa Không Biết”, và “Sự Thật Hiển Nhiên về Christmas” [7].

Năm Do-thái: 3757
Năm Julian: 4 TCN
Năm Thánh Kinh: 1443

Vua Hê-rốt qua đời trong khoảng thời gian sau ngày 13 tháng 3 năm 4 TCN nhưng trước ngày Lễ Vượt Qua nhằm ngày 14 tháng 4 năm 4 TCN. Sử Gia Josephus ghi rằng, Vua Hê-rốt chết sau ngày nguyệt thực nhưng trước ngày Lễ Vượt Qua [6].

Năm Do-thái: 3770
Năm Julian: 10
Năm Thánh Kinh: 1456

Sê-sa Ti-be-rơ lên ngôi đồng trị với Sê-sa Au-gút-tơ vào năm 10, (Sê-sa Au-gút-tơ qua đời năm 14). Năm thứ 15 của đời Sê-sa Ti-be-rơ được ghi trong Lu-ca 3:1 là năm 25: “Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ, khi Bôn-xơ Phi-lát làm thống đốc xứ Giu-đê, Hê-rốt làm vua chư hầu xứ Ga-li-lê, Phi-líp em ruột của ông làm vua chư hầu xứ I-tu-rê và tỉnh Tra-cô-nít, Li-sa-ni-a làm vua chư hầu xứ A-bi-len…”

Như vậy, Giăng Báp-tít và Đức Chúa Jesus Christ đều bắt đầu chức vụ vào năm 25 và Đức Chúa Jesus Christ chịu chết vào năm 27.

Năm Do-thái: 3774
Năm Julian: 14
Năm Thánh Kinh: 1460

Sê-sa Au-gút-tơ qua đời, Sê-sa Ti-be-rơ toàn quyền cai trị đế quốc La-mã.

Năm Do-thái: 3785
Năm Julian: 25
Năm Thánh Kinh: 1471

Giăng Báp-tít bắt đầu chức vụ: “Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ, khi Bôn-xơ Phi-lát làm thống đốc xứ Giu-đê, Hê-rốt làm vua chư hầu xứ Ga-li-lê, Phi-líp em ruột của ông làm vua chư hầu xứ I-tu-rê và tỉnh Tra-cô-nít, Li-sa-ni-a làm vua chư hầu xứ A-bi-len, An-ne và Cai-phe làm thầy tế lễ thượng phẩm, thì có Lời của Thiên Chúa truyền cho Giăng, con của Xa-cha-ri, ở nơi đồng vắng. Ông đi qua tất cả các miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-tem về sự ăn năn để được tha tội…” (Lu-ca 3:1-3).

Đức Chúa Jesus Christ chịu báp-tem và bắt đầu chức vụ: “Khi tất cả dân chúng đã chịu báp-tem, thì Đức Chúa Jesus cũng chịu báp-tem. Ngài đang cầu nguyện thì trời mở ra, Đức Thánh Linh ngự xuống trên Ngài trong một thân thể có hình dạng như một con chim bồ câu; và có một tiếng từ trên trời phán: Con là Con yêu dấu của Ta! Trong Con, Ta được thỏa lòng!” (Lu-ca 3:21-22).

Đức Chúa Jesus Christ bắt đầu chức vụ vào lúc khoảng 30 tuổi: “Bản thân Đức Chúa Jesus vào khoảng ba mươi tuổi, theo phong tục là con của Giô-sép; Giô-sép con của Hê-li.” (Lu-ca 3:23).

Đức Chúa Jesus Christ được sinh ra vào khoảng đầu tháng 10 năm 7 TCN. Có thể là Ngài được sinh ra vào đêm 15 tháng Tishrei (tháng 7) năm 3755 Lịch Do-thái, nhằm ngày thứ nhất của Lễ Lều Tạm (Lê-vi Ký 23:34), nhằm đêm Thứ Tư ngày 7 bước sang Thứ Năm ngày 8 tháng 10 năm 7 TCN. Ngài chịu báp-tem và bắt đầu chức vụ trước Lễ Vượt Qua năm 25 (Thứ Hai, 02/04/25 Lịch Julian) thì như vậy, Ngài chưa đầy 31 tuổi. Cách tính (1) theo Lịch Julian: Lấy năm 7 TCN trừ năm 1 TCN = 6. Lấy năm 25 trừ năm 1 = 24. Lấy 6+24=30. Nên nhớ, không có năm 0 giữa năm 1 TCN và năm 1. Cách tính (2) theo Lịch Do-thái: Lấy năm 3785 trừ cho năm 3754 = 31. Chúa được sinh ra vào khoảng đầu tháng Tishrei (tháng 7) năm 3754 và chịu báp tem trước tháng Nisan (tháng Một) năm 3785, cho nên, vào lúc chịu báp-tem để bắt đầu chức vụ, Ngài đã qua 30 tuổi nhưng chưa đến 31 tuổi.

Năm Do-thái: 3787
Năm Julian: 27
Năm Thánh Kinh: 1473

Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá và chết để chuộc tội cho nhân loại vào khoảng 3 giờ chiều Thứ Tư ngày 14 tháng Nisan năm 3787 Lịch Do-thái, nhằm Thứ Tư ngày 9 tháng 4 năm 27 Lịch Julian. Thân xác Ngài đã nghỉ yên trong lòng đất đúng ba ngày và ba đêm trước khi Ngài sống lại, vào khoảng trước khi mặt trời lặn của ngày Thứ Bảy (ngày Sa-bát); làm ứng nghiệm lời tiên tri của chính Ngài: Vì như Giô-na đã ba ngày và ba đêm ở trong bụng cá lớn, thì Con Người cũng sẽ ba ngày và ba đêm ở trong lòng đất. (Ma-thi-ơ 12:40 đối chiếu Giô-na 1:17).

Ngày nay, nếu chúng ta muốn kỷ niệm sự thương khó của Chúa thì chúng ta phải kỷ niệm vào ngày Lễ Vượt Qua, và nếu chúng ta muốn kỷ niệm sự phục sinh của Chúa thì chúng ta phải kỷ niệm vào buổi chiều, trước khi mặt trời lặn, sau ngày Lễ Vượt Qua ba ngày ba đêm. Ngày “Thứ Sáu Thương Khó” và Lễ Easter hàng năm do các giáo hội đặt ra không phải là ngày Chúa chết và ngày Chúa phục sinh. Chúa không chết vào ngày Thứ Sáu và Lễ Easter là một lễ của dân ngoại giáo mừng ngày phục sinh của nữ tà thần Easter với đủ các thứ phong tục và cách trang trí đầy mê tín dị đoan của ngoại giáo. Easter là tên nữ thần mùa màng và sự sinh sản của dân ngoại giáo. Kỷ niệm “Thứ Sáu Thương Khó” và Easter là thờ phượng Chúa qua lễ nghi của ngoại giáo và không bằng lẽ thật. Xin xem chi tiết về ngày Chúa chết và ngày Chúa phục sinh trong bài “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” [8].

Đức Thánh Linh giáng lâm và Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ được thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Thứ Sáu, ngày 6 tháng Sivan (tháng 3) năm 3787 Lịch Do-thái. Không phải là Chủ Nhật (ngày Thứ Nhất) trong tuần lễ như truyền thống của các giáo hội dạy. Ngũ Tuần là “năm nhật tuần”, mỗi nhật tuần là 10 ngày. Lễ Ngũ Tuần rơi vào ngày thứ 50, sau ngày Sa-bát của Lễ Bánh Không Men. Lê-vi Ký 23:5-16 chép về Lễ Ngũ Tuần như sau:

5 Ngày mười bốn tháng Một, giữa các buổi tối, là Lễ Vượt Qua của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

6 Ngày mười lăm cùng tháng là Lễ Bánh Không Men cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Các ngươi sẽ ăn bánh không pha men trong bảy ngày.

7 Ngày đầu, các ngươi sẽ có một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi chớ làm một công việc lao động nào.

8 Các ngươi sẽ dâng của lễ thiêu lên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong bảy ngày. Ngày thứ bảy, sẽ có một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi chớ làm một công việc lao động nào.

9 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lại phán với Môi-se rằng:

10 Hãy nói với con dân I-sơ-ra-ên và nói với họ: Khi các ngươi đã vào trong xứ mà Ta sẽ ban cho các ngươi, và đã gặt mùa màng rồi, thì các ngươi hãy đem đến cho thầy tế lễ một bó lúa đầu mùa của các ngươi.

11 Người sẽ vẫy bó lúa trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để được nhận cho các ngươi. Ngày sau ngày Sa-bát thầy tế lễ sẽ vẫy nó. [Vẫy là cầm bó lúa trong tay đưa lên đưa xuống.]

12 Trong ngày ấy, khi các ngươi vẫy bó lúa, các ngươi sẽ dâng lên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu một chiên con giáp năm, không có tì vết, để làm của lễ thiêu;

13 và một của lễ chay bằng hai phần mười bột lọc trộn với dầu, đốt trên lửa, có mùi thơm cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, với một của lễ thức uống bằng một phần tư hin rượu. [Một hin tương đương 1,5 gallons hoặc 5,7 lít.]

14 Các ngươi chớ ăn hoặc bánh, hoặc hạt lúa rang, hoặc lúa non cho đến chính ngày này, tức là ngày các ngươi đem của lễ dâng lên Thiên Chúa của mình. Ấy là một lệ định đời đời cho con cháu các ngươi trong mọi nơi các ngươi ở.

15 Các ngươi sẽ đếm cho các ngươi, từ ngày sau ngày Sa-bát, từ ngày các ngươi đem bó lúa làm của lễ vẫy, chúng sẽ là trọn bảy ngày Sa-bát; [ngày sau ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men, nhằm ngày 16 tháng Nissan, tức là tháng Một;]

16 cho đến ngày sau ngày Sa-bát thứ bảy, các ngươi đếm năm mươi ngày và các ngươi sẽ dâng một của lễ chay mới lên Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. [Trong Tân Ước gọi là Lễ Ngũ Tuần, nhằm ngày 6 tháng Sivan, tức tháng Ba.]

Ngày Lễ Sa-bát được dùng làm ngày dâng các bó lúa đầu mùa được nói đến trong phân đoạn nêu trên, chính là ngày Lễ Sa-bát 15 tháng Nisan, cũng là ngày đầu tiên của Lễ Bánh Không Men, và là ngày Lễ Sa-bát đầu tiên trong các ngày Lễ Sa-bát. Chúng ta có Lễ Vượt Qua của năm 3787 Lịch Do-thái (27 TCN Lịch Julian) nhằm ngày Thứ Tư, 14 tháng Nisan (tháng Một) và ngày Sa-bát đầu tiên của Lễ Bánh Không Men nhằm Thứ Năm ngày 15 tháng Nisan.

      • Tháng Nisan (tháng 1) có 30 ngày

      • Tháng Iyyar (tháng 2) có 29 ngày

      • Tháng Sivan (tháng 3) có 30 ngày

Vậy, 50 ngày sau ngày 15 tháng Nisan phải là Thứ Sáu, ngày 6 tháng Sivan (tháng 3). Lễ Ngũ Tuần luôn luôn rơi vào ngày 6 tháng Sivan theo Lịch Do-thái [9].

Ngày nay, con dân Chúa muốn kỷ niệm Lễ Ngũ Tuần thì phải kỷ niệm vào ngày 6 tháng Sivan theo Lịch Do-thái. Ngày đó có thể rơi vào các thứ tự khác nhau trong tuần lễ chứ không phải luôn luôn là Chủ Nhật như truyền thống của các giáo hội dạy.

Năm Do-thái: 3830
Năm Julian: 70
Năm Thánh Kinh: 1516

Thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa (còn gọi là Đền Thờ Thứ Nhì) bị hủy diệt bởi quân đội La-mã. Đền Thờ bị hủy diệt đến nỗi không còn một hòn đá nào chồng lên một hòn đá nào, ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ: Khi Đức Chúa Jesus ra khỏi Đền Thờ, đang đi, thì các môn đồ của Ngài đến, để chỉ cho Ngài xem các nhà thuộc về Đền Thờ. Ngài phán với họ: Các ngươi có thấy mọi sự đó chăng? Thật vậy! Ta nói với các ngươi, sẽ không còn một khối đá nào chồng trên một khối khác mà không bị đổ xuống.” (Ma-thi-ơ 24:1-2). Lời tiên tri này đã được Đức Chúa Jesus Christ tiên tri 43 năm trước khi Đền Thờ bị phá hủy.

Năm Do-thái: 5364
Năm Gregorian: 1604
Năm Thánh Kinh: 3050

Ghi chú: Kể từ đây trở đi chúng tôi dùng Lịch Gregorian để ghi lại các sự kiện trong thế giới sử.

Ngày 22/07/1604, Vua King James I của Anh Quốc ra chiếu chỉ phiên dịch toàn bộ Thánh Kinh từ nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp sang Anh ngữ.

Năm Do-thái: 5371
Năm Gregorian: 1611
Năm Thánh Kinh: 3057

Thánh Kinh Anh Ngữ Bản Dịch King James (The Holy Bibile – King James Version) được hoàn thành sau 7 năm phiên dịch bởi 47 học giả.

Năm Do-thái: 5380
Năm Gregorian: 1620
Năm Thánh Kinh: 3066

Những di dân đầu tiên từ Âu Châu đặt chân trên đất Mỹ.

Năm Do-thái: 5536
Năm Gregorian: 1776
Năm Thánh Kinh: 3222

Quốc Gia Hoa Kỳ được chính thức thành lập với 13 cựu thuộc địa của Anh Quốc vào ngày 04/07/1776.

Năm Do-thái: 5674
Năm Gregorian: 1914
Năm Thánh Kinh: 3360

Ngày 28/07/1914, Thế Giới Đại Chiến Lần Thứ Nhất khai diễn và kết thúc vào ngày 11/11/1918.

Thế Giới Đại Chiến Lần Thứ Nhất mở màn cho các cuộc chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh có tầm mức toàn cầu, làm ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ trước đó 1912 năm, khởi đầu cho các dấu hiệu báo điềm Chúa đến và Kỳ Tận Thế: “Các ngươi sẽ nghe nói về chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh. Hãy giữ mình! Các ngươi đừng bối rối, vì những sự ấy phải đến, nhưng sự cuối cùng chưa đến. Vì dân này sẽ nổi lên nghịch lại dân kia, vương quốc này nghịch lại vương quốc kia. Sẽ có những cơn đói kém, những cơn dịch bệnh, và những cơn động đất trong nhiều chỗ. Nhưng mọi điều đó chỉ là khởi đầu những cơn đau của sự thai nghén.” (Ma-thi-ơ 24:6-8).

Năm Do-thái: 5699
Năm Gregorian: 1939
Năm Thánh Kinh: 3385

Ngày 01/09/1939, Thế Giới Đại Chiến Lần Thứ Nhì khai diễn và kết thúc vào ngày 15/08/1945.

Năm Do-thái: 5708
Năm Gregorian: 1948
Năm Thánh Kinh: 3394

Thứ Sáu, ngày 14/05/1948, nhằm Thứ Sáu, ngày 5 tháng Iyyar (tháng 2) năm 5708 Lịch Do-thái. Quốc gia I-sơ-ra-ên được tái lập, ứng nghiệm lời tiên tri của Thiên Chúa từ hơn 2700 năm trước: “Ai đã từng nghe một sự như thế này? Ai đã từng thấy một sự giống như vậy? Lãnh thổ có thể nào được hình thành trong một ngày? Dân tộc có thể nào được sinh ra trong một lúc? Mà Si-ôn mới vừa trong cơn chuyển dạ thì đã sinh ra con của mình!” (Ê-sai 66:8).

Chính trong ngày đầu tiên vừa tái lập quốc đó, I-sơ-ra-ên đã phải chiến đấu chống lại sự tấn công của liên khối Hồi Giáo, bao gồm: Ai-cập, Giô-đanh, Si-ri-a, Lê-ba-non, và I-rắc. Cuộc chiến đó được mang tên là “Chiến Tranh Giành Độc Lập”, kéo dài 15 tháng và làm thiệt mạng trên 6.000 người I-sơ-ra-ên [10].

Ngày 14/12/1949, Giê-ru-sa-lem trở thành thủ đô của I-sơ-ra-ên [11].

Năm Do-thái: 5727
Năm Gregorian: 1967
Năm Thánh Kinh: 3413

Cuộc Chiến Sáu Ngày, từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 6 năm 1967, nhằm ngày 2 tháng Sivan (tháng 3) năm 5727 Lịch Do-thái, diễn ra giữa I-sơ-ra-ên và liên quân các nước Hồi Giáo. Kết quả, I-sơ-ra-ên chiếm được vùng Dải Gaza (Gaza Strip) và Bán Đảo Sinai từ Ai-cập, vùng Tây Ngạn (West Bank) và Đông Giê-ru-sa-lem từ Giô-đanh, vùng Cao Nguyên Golan (Golan Heights) từ Si-ri-a. Ngày 07/06/1967, lần đầu tiên I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem sau hơn 2.000 năm thành bị cai trị bởi dân ngoại [12].

Năm Do-thái: 5807
Năm Gregorian: 2047
Năm Thánh Kinh: 3493

Ngày 2 tháng Sivan (tháng 3) năm 5807 Lịch Do-thái, nhằm ngày 27/05/2037, sẽ tròn 70 năm kể từ ngày I-sơ-ra-ên chiếm lại toàn thành Giê-ru-sa-lem và thiết lập thủ đô tại Giê-ru-sa-lem.

Ma-thi-ơ 24:32-34 ghi lại lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ về Kỳ Tận Thế: “Hãy học ngụ ngôn về cây vả. Khi nhánh của nó còn non, lá mới đâm, thì các ngươi biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, hãy biết rằng, sự ấy là gần, ngay trước các cửa. [Sự ấy tức là sự Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất. Một số bản dịch Anh ngữ dịch rằng: Ngài đã gần, ngay trước các cửa!] Thật! Ta nói với các ngươi, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi điều ấy được ứng nghiệm! [Thế hệ này là thế hệ của những người nhìn thấy sự kiện nhành non của cây vả ra lá, biểu tượng cho sự dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc rồi chiếm lại quyền làm chủ thành thánh Giê-ru-sa-lem.] Thánh Kinh dùng cây vả làm hình ảnh tiêu biểu cho dân I-sơ-ra-ên. Nếu hiểu rằng, sự kiện nhành non của cây vả ra lá mới tiêu biểu cho sự dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc và tái chiếm lại thành Giê-ru-sa-lem, thì thế hệ sinh ra trong năm 1967 sẽ chẳng qua đi trước khi Kỳ Tận Thế đến.

Thi Thiên 90:10 cho biết, đời người là 70 năm hoặc 80 năm: Những ngày của những năm của chúng con là bảy mươi năm. Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi năm. Nhưng sự kiêu căng của chúng chỉ là lao khổ và buồn thảm. Vì chúng chóng qua, rồi chúng con bay mất đi.Vậy, chúng ta có thể suy diễn rằng, Kỳ Tận Thế ắt phải xảy ra vào thời điểm sớm nhất là tháng 6 năm 1967 và trễ nhất cũng không quá tháng 6 năm 2037 (nếu một dòng dõi là 70 năm) hoặc tháng 6 năm 2047 (nếu một dòng dõi là 80 năm).

Tuy nhiên, sự kiện Đức Chúa Jesus Christ sẽ đến giữa chốn không trung để đem Hội Thánh của Ngài, bao gồm những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Ngài, thì có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, trước Kỳ Tận Thế:

Ma-thi-ơ 24:36-42

36 Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết, ngay cả các thiên sứ trên trời cũng không biết, nhưng chỉ Cha Ta.

37 Trong những ngày của Nô-ê thế nào, khi Con Người đến cũng thế ấy.

38 Vì trong những ngày trước cơn lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả cho tới ngày Nô-ê vào trong tàu,

39 và không biết gì hết cho tới khi cơn lụt đến và đem đi hết thảy. Khi Con Người đến cũng như vậy.

40 Lúc ấy, sẽ có hai người ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại;

41 hai người đang xay cối, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại.

42 Vậy, hãy tỉnh thức! Vì các ngươi không biết giờ nào Chúa của các ngươi đến.

Vì Chúa sẽ đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian trước bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế, cho nên:

      • Nếu một dòng dõi tương đương với một đời người là 70 năm, thì kể từ tháng 06/2016 sẽ chỉ còn 21 năm để lời tiên tri về tận thế được hoàn thành. Như vậy, trừ ra 7 năm đại nạn sẽ còn lại 14 năm là khoảng thời gian dài nhất mà Hội Thánh còn ở lại trong thế gian. Tuy nhiên, Chúa có thể đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian bất kỳ lúc nào trong vòng 14 năm sắp tới, kể cả lúc quý bạn đọc đang đọc những dòng chữ này.

      • Nếu một dòng dõi tương đương với một đời người là 80 năm, thì kể từ tháng 06/2016, Chúa có thể đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian bất kỳ lúc nào trong vòng 24 năm sắp tới.

Những ai không thuộc về Hội Thánh của Chúa sẽ bị bỏ lại trong thế gian và chịu khổ suốt bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế, như đã được tiên tri và diễn tả trong sách Khải Huyền của Thánh Kinh, mà chúng tôi sẽ trình bày trong các chương kế tiếp.

Xin nhớ rằng: Chúng tôi hoàn toàn không đưa ra ngày giờ Chúa đến hay ngày giờ khởi đầu Kỳ Tận Thế. Chúng tôi chỉ đưa ra các dữ kiện giúp mọi người nhận biết: Ngày Chúa đến đã gần và như vậy, ngày tận thế cũng đã gần.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

[1] Theo Sáng Thế Ký 9:24 thì Cham là con thứ nhì. Theo Sáng Thế Ký 10:21 thì Gia-phết là con cả. Theo Sáng Thế Ký 11:10 thì sau Cơn Lụt Lớn hai năm, Sem được 100 tuổi. Như vậy: khi Nô-ê 500 tuổi thì sinh Gia-phết, 501 tuổi thì sinh Cham, và 502 tuổi thì sinh Sem. Sem được liệt kê đầu tiên trong danh sách vì Sem là tổ phụ của Vua Đa-vít và Đức Chúa Jesus.

[2] http://www.biblestudy.org/prophecy/israel-kings.html

[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Siege_of_Jerusalem_%28587_BC%29

[4] Ê-xơ-ra 2.

[5] http://www.miketaylor.org.uk/xian/bible/timeline.html

[6] Flavius Josephus. Jewish Antiquities, 17.6.4.

[7] https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/
https://timhieutinlanh.com/phunu/tho-chua-khong-biet/

[8] http://timhieuthanhkinh.net/?p=38

[9] http://www.jewfaq.org/holidayc.htm

[10] http://www.mfa.gov.il/MFA/History/History+of+I-sơ-ra-ên/HISTORY-%20The%20State%20of%20Israel

[11] http://www.answers.com/topic/jerusalem

[12] http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_S%C3%A1u_ng%C3%A0y

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/