Loài Người (06): Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Tâm Thần – Phần 3

5,689 views

Loài Người (06): Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Tâm Thần – Phần 3

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2OTM4X1Vqenpz

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống MP3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTIyMTE4XzB1MlRH
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/117_loainguoi

Phần âm thanh có nhiều chi tiết hơn phần bài viết

“Vì người nào nói một ngôn ngữ khác thì không phải nói với loài người, nhưng nói với Đức Chúa Trời. Vì chẳng có ai nghe hiểu khi người ấy nói những sự mầu nhiệm trong thần trí.” (I Cô-rinh-tô 14:2).

Nói một ngôn ngữ khác ở đây là nói ngoại ngữ bởi ơn Đức Thánh Linh ban cho. Chúng ta nên nhớ, I Cô-rinh-tô 14 là nói về sự nhóm họp thờ phượng Chúa trong Hội Thánh. Phần lớn Hội Thánh Cô-rinh-tô thời bấy giờ là những người nói tiếng Hy-lạp. Ngay cả những người Do-thái trong Hội Thánh, nếu có, cũng là những người sống xa quê hương và đã quen dùng tiếng Hy-lạp. Nếu trong sự nhóm lại, có tín đồ nào nói ngoại ngữ thì những người khác trong Hội Thánh sẽ không hiểu gì hết. Ngay chính người nói cũng không hiểu, vì sự nói đó phát xuất từ tâm thần. Phao-lô khuyên những tín đồ được ơn nói ngoại ngữ không nên thực hành ơn đó trong sự nhóm họp của Hội Thánh, trừ khi có người được ơn thông giải ngoại ngữ làm công việc thông giải. Dù vậy, mỗi buổi nhóm cũng chỉ hai hay ba người, theo thứ tự mà nói. Nếu không có người thông giải thì không được thực hành ơn nói ngoại ngữ trong Hội Thánh. Điều này bao gồm cả sự cầu nguyện bằng ngoại ngữ trong Hội Thánh. Cầu nguyện, tức là “nói”. Sự nhóm họp của Hội Thánh là sự thờ phượng tập thể, không hề có chuyện một ai đó cầu nguyện riêng với Đức Chúa Trời trong sự nhóm họp của Hội Thánh. Phao-lô nói rất rõ:

I Cô-rinh-tô 14:14-17

14 Vì nếu tôi cầu nguyện trong một ngôn ngữ khác, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng sự hiểu biết của tôi thì không được kết quả.

15 Vậy thì sao? Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ cầu nguyện bằng sự hiểu biết. Tôi sẽ hát bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ hát bằng sự hiểu biết.

16 Vì khi các anh chị em cầu phước bằng tâm thần, thì người thuộc hạng bình dân làm sao nói a-men với lời tạ ơn của các anh chị em? Bởi người ấy chẳng hiểu các anh chị em nói gì.

17 Thật! Các anh chị em nói lời cảm tạ cách tốt lành nhưng người khác chẳng được gây dựng.


“Thần trí của các tiên tri vâng phục các tiên tri.” (I Cô-rinh-tô 14:32).

Câu này có nghĩa là mỗi tiên tri làm chủ thần trí của mình trong khi nói tiên tri. Thân thể thuộc linh của những người được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ tiên tri chịu sự quản trị của linh hồn, tức là của chính người ấy. Dù cho thân thể thuộc linh của tiên tri nhận thức và nghe được, thấy được những điều Đức Chúa Trời mạc khải nhưng không có nghĩa là tiên tri mất đi quyền tự chủ tâm thần hoặc xác thịt của mình. Chữ “vâng phục” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “chịu sự cai trị”. Vì thế, tất cả các hiện tượng té ngã bất động hoặc cười, la, khóc, rú, co giật, lắc lư thân hình… không thể tự kiểm soát được là những hiện tượng đến từ tà linh, không phải đến từ Đức Thánh Linh.

Chúng ta cần ghi nhớ, nói tiên tri bao gồm nhưng không giới hạn trong sự nói về những việc sẽ xảy ra trong tương lai theo như Đức Chúa Trời đã mạc khải. Phần lớn, nói tiên tri là công bố Lời Chúa và rao giảng những ý nghĩa của Lời Chúa.


“Vì họ sẽ làm tươi mới tâm thần của tôi và của các anh chị em. Vậy, hãy nhận biết những người như vậy.” (I Cô-rinh-tô 16:18).

Trong nguyên ngữ Hy-lạp là “làm cho tâm thần của tôi và của anh em được yên nghỉ để được làm tươi tỉnh lại”. Phao-lô nói đến những người đã tiếp đãi, chăm sóc, hỗ trợ, thăm viếng, an ủi ông trong mục vụ. Phần ông được yên tâm và bổ sức lại trong sự lao nhọc rao giảng Tin Lành và dạy dỗ Hội Thánh, phần Hội Thánh thì được yên tâm vì biết Phao-lô được nhiều người tiếp trợ.

Trong Hội Thánh có những người không hề được Chúa giao cho các chức vụ như liệt kê trong Ê-phê-sô 4:11 “Thực tế, Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy”, nhưng họ đã hết lòng dự phần trong việc chăm sóc và tiếp trợ cho những người ở trong chức vụ. Lời Chúa phán về những người đó được ghi lại trong Ma-thi-ơ 10:41 như sau: “Ai tiếp nhận một tiên tri trong danh của một tiên tri thì sẽ nhận phần thưởng của tiên tri. Ai tiếp nhận một người công chính trong danh của một người công chính thì sẽ nhận phần thưởng của người công chính.”


“Vậy, hỡi những người yêu dấu! Chúng ta có các lời hứa ấy, thì chúng ta hãy làm cho sạch chính mình khỏi mọi sự dơ bẩn của xác thịt và của thần trí, làm trọn sự nên thánh trong sự kính sợ Thiên Chúa.” (II Cô-rinh-tô 7:1).

Lời hứa dường ấy là lời hứa của Đức Chúa Trời trong II Cô-rinh-tô 6:17-18 rằng: “Các ngươi hãy ra khỏi giữa chúng nó và các ngươi hãy phân rẽ; các ngươi cũng đừng đụng đến đồ ô uế. Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán.” Vì có lời hứa đó mà chúng ta phải làm cho cả thân thể xác thịt lẫn thân thể thiêng liêng của chúng ta được sạch bằng cách phân rẽ khỏi mọi sự ô uế thuộc thể lẫn thuộc linh. Chúng ta không thờ lạy hình tượng nhưng chúng ta cũng không đi vào những nơi có thờ lạy hình tượng và không đụng chạm đến hình tượng. Chúng ta không phạm tà dâm nhưng chúng ta cũng không đụng chạm đến những hình ảnh, sách báo khiêu dâm, nhất là tránh xa tất cả những trang web có quảng cáo về khiêu dâm. Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải ra khỏi những tổ chức tôn giáo nào không giảng và sống theo Lời Chúa. Chúng ta có thể đến với họ để rao giảng lẽ thật của Lời Chúa nhưng chúng ta không dự phần trong các nghi thức thờ phượng Chúa trái nghịch Thánh Kinh của họ.

II Cô-rinh-tô 6:18 là câu duy nhất trong Thánh Kinh nói đến con trai và con gái của Đức Chúa Trời. Trong các nơi khác, Thánh Kinh dùng từ ngữ “con trai” của Đức Chúa Trời để gọi chung con dân Chúa, không phải hàm ý phân biệt nam nữ mà là chú trọng về quyền thừa kế, vì theo phong tục Trung Đông thời bấy giờ, chỉ có con trai mới được quyền thừa kế tài sản của cha mình. Riêng II Cô-rinh-tô 6:18 với nhóm chữ “những con trai và những con gái” là nói đến địa vị làm con của Đức Chúa Trời ngay trong lúc chúng ta còn ở trong thân thể xác thịt này.


“Qua đó, chúng tôi đã được an ủi bởi sự an ủi của các anh chị em; nhưng chúng tôi đã được vui mừng vượt trội càng hơn bởi sự vui mừng của Tít. Vì tâm thần của người đã được tươi mới từ hết thảy các anh chị em.” (II Cô-rinh-tô 7:13).

Tương tự như I Cô-rinh-tô 16:18, tâm thần được yên lặng là tâm thần được yên nghỉ để được làm tươi tỉnh lại.


“Sao các anh chị em ngu dại đến thế? Các anh chị em đã bắt đầu trong tâm thần, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?” (Ga-la-ti 3:3).

Bắt đầu trong tâm thần là khi một người được nghe giảng Tin Lành thì người ấy bắt đầu nhận thức Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Ngài qua sự tác động của Đức Thánh Linh trong tâm thần.

Các tín đồ tại Ga-la-ti đã nhận được sự tái sinh và Đức Thánh Linh sau khi họ nghe Tin Lành và tin nhận Tin Lành, nay, nghe theo lời các giáo sư giả, họ chịu cắt bì vì tin rằng có chịu cắt bì thì mới được cứu rỗi. Điều đó có nghĩa là cậy vào việc làm theo luật pháp để được xưng công chính. Không ai có thể cậy việc làm theo luật pháp để được xưng công chính trước Đức Chúa Trời, vì không ai có thể giữ trọn luật pháp. Chỉ có đức tin vào sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mới khiến cho một người được Đức Chúa Trời xưng là công chính. Sau khi đã được xưng công chính bởi đức tin thì một người cậy ơn Chúa để không còn vi phạm luật pháp của Chúa. Nếu có ai lỡ vi phạm thì bởi đức tin vào sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ với lòng ăn năn, xưng tội thì Chúa sẽ tiếp tục tha thứ và làm cho người ấy được sạch tội (I Giăng 1:9).

Chúng ta cần phân biệt rõ: cậy luật pháp để được cứu rỗi và sau khi được cứu rỗi thì sống theo luật pháp là hai điều hoàn toàn khác nhau.


“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với tâm thần của các anh chị em! A-men.” (Ga-la-ti 6:18).

“Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với tâm thần các anh chị em! A-men!” (Phi-lê-môn 1:25).

Ân điển của Đức Chúa Jesus Christ là tất cả các ơn thuộc linh đến từ Ngài: ơn cứu chuộc, ơn tiếp tục làm cho chúng ta được sạch tội, ơn ban năng lực cho chúng ta để chúng ta có thể làm được mọi sự, v.v… (Phi-líp 4:13) và sự yêu thương cho đến đời đời của Ngài dành cho chúng ta (Giăng 13:1). Bởi tâm thần mà chúng ta nhận được ân điển của Đức Chúa Jesus Christ và ân điển ấy tiếp tục ở trong tâm thần của chúng ta, khiến cho chúng ta ngày càng giống Đấng Christ càng hơn (Rô-ma 8:29). Lời chúc của Phao-lô hàm ý: Tôi mong rằng tâm thần của các anh em luôn phát huy ân điển của Đấng Christ.


Ê-phê-sô 6:18 “Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ.” (Bản Dịch Truyền Thống).

Ê-phê-sô 6:18 “Trong mọi lúc, hãy cầu nguyện với mọi lời cầu nguyện và khẩn xin trong thần trí! Hãy tỉnh thức về điều ấy, và với mọi sự kiên trì mà cầu thay cho tất cả thánh đồ…” (Bản Hiệu Đính 2012).

Cầu nguyện là một trong bảy thứ khí giới của Đức Chúa Trời ban cho con dân Chúa để chiến cự cùng Sa-tan. Các thứ khí giới đó được liệt kê trong Ê-phê-sô 6:14-18 như sau:

  1. Dây thắt lưng lẽ thật
  2. Áo giáp công chính
  3. Giày sẵn sàng của Tin Lành
  4. Thuẫn đức tin
  5. Mão cứu chuộc
  6. Gươm Đấng Thần Linh
  7. Sự cầu nguyện

Trong đó, năm vũ khí đầu giúp bảo vệ chúng ta, vũ khí thứ sáu giúp chúng ta tấn công Sa-tan, và vũ khí thứ bảy giúp chúng ta tiếp viện lẫn nhau.

Trong mọi lúc, hãy cầu nguyện với mọi lời cầu nguyện và khẩn xin trong thần trí”, có nghĩa là tất cả những sự cầu nguyện phải xuất phát từ tâm thần chứ không phải chỉ là một hình thức bên ngoài của thân thể xác thịt. Không ích lợi gì nếu chỉ là một sự hô hào nhóm họp cầu nguyện mà tâm thần thì không có sự cảm xúc nào hết. Sự cầu nguyện trong tâm thần phát xuất từ đức tin, tin rằng Chúa luôn luôn đáp lời cầu xin của chúng ta và dựa trên ý muốn của Đức Chúa Trời, được bày tỏ bởi Đức Thánh Linh trong tâm thần của chúng ta.


“Chỉ xin các anh chị em sống nếp sống công dân xứng đáng với Tin Lành của Đấng Christ, để khi tôi đến gặp các anh chị em hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết về các anh chị em rằng, các anh chị em đứng vững trong một thần trí, trong một linh hồn, cùng nhau phấn đấu vì đức tin của Tin Lành.” (Phi-líp 1:27).

Đứng vững trong một thần trí” có nghĩa là Hội Thánh cùng chung một sự nhận thức về Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa, dẫn đến một đức tin vững chắc; nhờ đó mà tà giáo không thể xâm nhập Hội Thánh. “Trong một linh hồn, cùng nhau phấn đấu vì đức tin của Tin Lành”, có nghĩa là Hội Thánh cùng chung một sự sống trong Đấng Christ mà chống cự kẻ thù, bảo vệ đức tin vào trong Tin Lành của Thiên Chúa. Nhóm chữ “trong một linh hồn” có thể dịch là “cùng một sự sống” hay “cùng một hơi thở”, nghĩa là, không một ai trong Hội Thánh vì quyền lợi hay sự an ninh riêng tư của mình.

Ngày nay, trong Hội Thánh có nhiều con dân Chúa chỉ biết sống riêng cho mình, không quan tâm đến gánh nặng của các anh chị em khác trong Hội Thánh. Những người như vậy, đã không “sống nếp sống công dân xứng đáng với Tin Lành của Đấng Christ”.

Ngày nay, nhiều tiên tri giả và giáo sư giả nổi lên, rao giảng đủ các thứ tà giáo, tìm đủ cách để phá vỡ đức tin của con dân Chúa vào trong Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ. Đó là các thứ:

  • “Tin Lành Phép Lạ”, chủ trương chạy theo dấu kỳ phép lạ, điển hình là các phong trào Ân Tứ và Ngũ Tuần.
  • “Tin Lành Nói Tiếng Lạ”, chủ trương biết nói tiếng lạ thì mới được cứu rỗi, điển hình là giáo phái Ngũ Tuần Oneness.
  • “Tin Lành Thịnh Vượng”, chủ trương con dân Chúa phải được khỏe mạnh và giàu sang về vật chất, điển hình là các phong trào Ân Tứ và Ngũ Tuần.
  • “Tin Lành Hội Nhập”, chủ trương văn hóa dân tộc phải được đưa vào Thánh Kinh, thí dụ: sửa lời phán “Hỡi bà” của Đức Chúa Jesus Christ thành “Thưa mẹ” cho phù hợp văn hóa Việt Nam. Hoặc chủ trương Tin Lành phải được rao giảng theo giá trị văn hóa của thời đại, thí dụ: không gọi đồng tính luyến ái là tội.
  • “Tin Lành Xã Hội…” chủ trương tích cực thực hiện các công tác xã hội để qua đó từ từ giới thiệu Tin Lành cho người được cứu giúp.
  • Vv…

“Vì chúng ta là những người chịu cắt bì thật, là những người phụng sự Thiên Chúa trong tâm thần, vui mừng trong Đấng Christ Jesus, và không nương cậy trong xác thịt.” (Phi-líp 3:3).

Thờ phượng Thiên Chúa trong tâm thần là sự thờ phượng xuất phát từ trong tâm thần, trước hết, bắt đầu bằng sự cắt bì trong tâm thần, tức là sự gớm ghét và phân rẽ với tội lỗi. Kế tiếp, là luôn tìm hiểu ý Chúa qua Thánh Kinh và hết lòng làm theo. Đây không phải là sự khổ sở ép mình tìm kiếm các luật lệ của Chúa để tuân thủ, mà là sự ưa thích tìm kiếm xem Chúa muốn gì để chúng ta vui mừng và hết lòng làm theo bởi lòng kính yêu Chúa.


Cô-lô-se 1:8 “Và đã tỏ ra cho chúng tôi biết lòng yêu thương mà anh em cảm chịu bởi Đức Thánh Linh.” (Bản Dịch Truyền Thống).

Cô-lô-se 1:8 “Anh ấy cũng đã tỏ ra cho chúng tôi biết tình yêu của các anh chị em trong thần trí.” (Bản Hiệu Đính 2012).

Tình cảm có thể phát xuất từ những cảm xúc của thân thể xác thịt và tình cảm cũng có thể phát xuất từ thân thể thiêng liêng là tâm thần. Chúng ta có thể yêu một người vì chúng ta giao tiếp, nhận thức người ấy qua thân thể xác thịt của chúng ta nhưng với Chúa thì chúng ta yêu Ngài, tin Ngài, và biết ơn Ngài hoàn toàn bởi sự giao tiếp và nhận thức qua tâm thần. Trong Hội Thánh, chúng ta yêu nhau qua sự giao tiếp và nhận thức bởi cả thân thể xác thịt lẫn thân thể thuộc linh. Tuy nhiên, có những trường hợp sự cảm xúc của thân thể xác thịt không giúp chúng ta yêu được một người, như trường hợp thân thể của người ấy bị tàn phá bởi đau ốm, tật bệnh, trở nên xấu xí và hôi hám, nhưng sự cảm xúc của tâm thần khiến cho chúng ta tha thiết yêu thương người ấy.

Con dân chân thật của Chúa yêu nhau bởi sự cảm xúc của tâm thần, nhận biết rằng mỗi người là một chi thể trong cùng một thân thể thiêng liêng của Đức Chúa Jesus Christ, và mỗi người có trách nhiệm liên đới với nhau.


“Nhưng chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

Sự cứu rỗi và sự thánh hóa của chúng ta diễn tiến như sau: Xác thịt được nghe giảng Tin Lành, tâm thần được Đức Thánh Linh thần cảm cho hiểu được Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời, linh hồn quyết định tiếp nhận sự cứu rỗi. Khi linh hồn tiếp nhận Tin Lành cứu rỗi thì Đấng Christ đem mọi tội lỗi ra khỏi thân thể xác thịt chúng ta, Đức Thánh Linh tái sinh tâm thần và linh hồn chúng ta. Từ đó:

  • Tâm thần chúng ta được tương giao với Ba Ngôi Thiên Chúa: được gọi Đức Chúa Cha là Cha, và được hưởng mọi cơ nghiệp của Ngài, được đồng cai trị với Đấng Christ – bắt đầu với sự cai trị thân thể xác thịt của chúng ta, được hiểu biết những điều sâu nhiệm của Thiên Chúa qua sự giảng dạy của Đức Thánh Linh.
  • Linh hồn chúng ta được nên một với Đức Chúa Jesus Christ và nhận lãnh sự sống từ chính Đức Chúa Jesus Christ.
  • Thân thể xác thịt được biệt riêng ra để làm những việc lành mà Đức Chúa Cha đã sắm sẵn cho chúng ta, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ và trong năng lực của Đức Thánh Linh.

Vì thế, từ tâm thần, linh hồn cho đến xác thịt của chúng ta đều thuộc riêng về Thiên Chúa, sống trong Thiên Chúa, và sống cho Thiên Chúa. Nên thánh có nghĩa là biệt riêng ra cho Thiên Chúa và trở nên giống như Thiên Chúa.

Hiện nay, thân thể của chúng ta có thể già yếu, bệnh tật, hư hoại và thậm chí tan rã thành cát bụi, nhưng khi Đấng Christ đến thì thân thể của chúng ta sẽ được biến hóa, phục sinh thành thân thể siêu vật chất vinh quang và sống động cho đến đời đời.

Nếu chúng ta hoàn toàn nương cậy trên Lời Chúa và sức toàn năng của Đức Chúa Jesus Christ thì chắc chắn tâm thần, linh hồn và thể xác của chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời giữ cho toàn vẹn, không chỗ trách được, trong ngày Đấng Christ hiện ra.


“…giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin trong một lương tâm thanh sạch.” (I Ti-mô-thê 3:9).

Mặc dù trong câu này không nói đến tâm thần, nhưng lương tâm là một chức năng của tâm thần, vì thế, chúng ta cũng nên tìm hiểu ý nghĩa của câu này, và dựa vào đó để hiểu rõ ý nghĩa của những câu Thánh Kinh có liên quan đến lương tâm.

Sự nhận thức của tâm thần về Thiên Chúa và thế giới thuộc linh được gọi là trực giác, tức là sự tự nhiên mà nhận biết, không qua học tập, không qua kinh nghiệm của thân thể xác thịt. Tất cả những gì tâm thần nhận biết về Thiên Chúa được lưu giữ trong lương tâm. Dựa trên những lẽ thật về Thiên Chúa được bày tỏ trong lương tâm mà đức tin vào Thiên Chúa phát sinh. Vì thế, hễ lương tâm luôn trong sạch bởi những lẽ thật của Thiên Chúa (mà chúng ta nhận lãnh qua sự đọc và suy ngẫm, cẩn thận làm theo Lời Chúa mỗi ngày) thì sự mầu nhiệm của đức tin luôn tồn tại. Khi lương tâm bị ô uế bởi những nhận thức sâu nhiệm về Sa-tan thì lẽ mầu nhiệm của đức tin sẽ bị mất đi. Khải Huyền 2:24 nói đến sự kiện tại Hội Thánh Thi-a-ti-rơ có những người tiếp nhận giáo lý của Giê-sa-bên và biết bề sâu của Sa-tan. Giáo lý của Giê-sa-bên là giáo lý dạy rằng, trong các giao dịch mua bán, con dân Chúa có thể tham dự những buổi tế lễ của ngoại giáo, ăn uống của cúng thần tượng và phạm tà dâm cùng các tế sư phục vụ trong các đền thờ tà thần.


“Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt, đã được xưng nghĩa trong tâm thần, đã được các thiên sứ trông thấy, đã được giảng ra trong các dân ngoại, đã được tin cậy trong thế gian, đã được cất lên trong sự vinh quang.” (I Ti-mô-thê 3:16).

Câu Thánh Kinh này nói về Đức Chúa Jesus Christ. Ngài là Thiên Chúa đã hiện ra trong xác thịt. Trong xác thịt đó, Ngài đã gánh lấy hình phạt cho tội lỗi của toàn thế gian, bị đánh, bị đóng đinh, bị rủa sả, và bị chết. Nhưng trong tâm thần Ngài được xưng là công chính, vì Ngài không hề phạm tội. Các thiên sứ, kể cả các thiên sứ phạm tội, đều trông thấy sự thương khó của Ngài trong thân thể xác thịt và trông thấy sự công chính của Ngài trong thân thể thiêng liêng. Ngài đã được giảng ra cho các dân tộc không cùng chủng tộc xác thịt với Ngài, trở thành nguồn trông cậy cho toàn thế gian. Sau khi làm tròn công cuộc cứu rỗi nhân loại, Ngài đã được cất lên trong sự vinh quang, và phục hồi thẩm quyền Thiên Chúa của Ngài.


“Ta cảm tạ Đức Chúa Trời, Đấng ta phụng sự không ngừng nghỉ bằng lương tâm thanh sạch như các tổ phụ. Cả ngày lẫn đêm ta ghi nhớ đến con trong sự khẩn xin.” (II Ti-mô-thê 1:3).

Hầu việc Đức Chúa Trời bằng lương tâm thanh sạch là hầu việc Đức Chúa Trời trong tâm thần, theo như sự nhận thức đúng đắn của tâm thần về Đức Chúa Trời, là sự nhận thức không hề pha trộn các tư tưởng triết học, Thần học, tâm lý học… của loài người. Ngày nay, biết bao nhiêu người hầu việc Đức Chúa Trời không bằng lương tâm thanh sạch, vì lương tâm của họ đã tiếp nhận đủ mọi quan điểm của loài người, đến nỗi họ đã xóa bỏ những lẽ thật của Lời Chúa trong lương tâm của họ.


II Ti-mô-thê 1:7 “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và giè giữ.” (Bản Dịch Truyền Thống).

II Ti-mô-thê 1:7 “Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta thần trí của sự sợ hãi, nhưng của năng lực, của tình yêu, và của sự tự kỷ luật.” (Bản Hiệu Đính 2012).

Sự sợ hãi có thể đến với chúng ta qua sự nhận thức của thân thể xác thịt hoặc qua sự nhận thức của thân thể thiêng liêng, là tâm thần. Thần trí của sự sợ hãi là tâm thần bị tà linh hù dọa và điều khiển. Hễ ai thuộc về Đức Chúa Trời thì Ngài tái sinh tâm thần của họ và ban cho năng lực của chính Ngài, là thánh linh, để họ có thể làm được mọi sự trong Đức Chúa Jesus Christ; tuôn đổ tình yêu của chính Ngài trong họ để họ có thể yêu Ngài và yêu người khác bằng tình yêu thiên thượng; đồng thời khiến họ trở nên giống như Ngài trong sự công chính và thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24) để họ biết giữ mình tiết độ trong mọi sự.


“Nguyện Đức Chúa Jesus Christ ở với tâm thần của con! Nguyện ân điển ở cùng các anh chị em! A-men!” (II Ti-mô-thê 4:22).

Chúa ở cùng tâm thần chúng ta và ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở cùng tâm thần chúng ta là hai điều khác nhau. Ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở cùng tâm thần chúng ta, như đã nói ở trên, là tất cả những ơn đến từ Ngài (Ga-la-ti 6:18). Chúa ở cùng tâm thần chúng ta là sự hiện diện của tâm thần Đức Chúa Jesus Christ trong tâm thần của chúng ta. Chúng ta thường hay nói thân thể chúng ta là Đền Thờ của Đức Thánh Linh và Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta; nhưng thực tế là, mỗi một con dân chân thật của Đức Chúa Trời đều có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong tâm thần mình. Đức Chúa Jesus Christ phán rõ ràng: “Nếu ai yêu Ta, người ấy sẽ vâng giữ những lời của Ta. Cha Ta sẽ yêu người ấy. Chúng Ta sẽ đến với người ấy và làm ra chỗ ở của Chúng Ta với người ấy.” (Giăng 14:23). Trước khi thăng thiên, Ngài cũng đã hứa với các môn đồ: “…Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:20).


“Thực tế, mọi sự chắc chắn là tinh sạch cho những người tinh sạch; nhưng chẳng có sự gì là tinh sạch cho những kẻ ô uế và chẳng tin, mà tâm trí và lương tâm của họ cũng bị ô uế.” (Tít 1:15).

Từ ngữ “tinh sạch” được dùng ở đây, có nghĩa là “được Đức Chúa Trời chấp nhận”. Một người tinh sạch là một người được Đức Chúa Trời tha tội và làm cho sạch tội, sau khi người ấy thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ. Một người đã được tinh sạch thì phải luôn luôn ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ để tiếp tục ở trong sự tinh sạch. Tội lỗi là sự vi phạm điều răn của Chúa, ăn năn tội tức là hối tiếc vì đã vi phạm điều răn của Chúa và quyết định sống theo Lời Chúa.

Mọi sự chắc chắn là tinh sạch cho những người tinh sạch”, có nghĩa là đối với những người đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch thì không có một sự gì có thể làm ô uế họ, ngoại trừ sự họ cố ý không vâng theo Lời Ngài.

Những kẻ ô uế tức là những người bị tội lỗi làm cho trở nên ô uế. Những người ô uế vẫn cứ ở trong sự ô uế cho đến khi họ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ. Đối với họ, không có một sự gì là tinh sạch, bởi vì, chính họ là nguồn của sự ô uế. Nước sạch đem rót vào trong một cái ly dơ bẩn thì cả ly và nước đều là dơ bẩn. Tâm trí ô uế là tâm thần tương giao với tà linh (I Cô-rinh-tô 10:20-21). Lương tâm ô uế là lương tâm không còn những tiêu chuẩn yêu thương, công chính, và thánh khiết của Thiên Chúa.


“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Lời của Đức Chúa Trời được nói đến ở đây, tức là những gì được ghi chép trong Thánh Kinh, truyền lại cho chúng ta đến ngày nay. Thời Cựu Ước, Lời của Đức Chúa Trời phán qua các tiên tri. Thời Tân Ước, Lời của Đức Chúa Trời phán qua Đức Chúa Jesus Christ hoặc được Đức Thánh Linh thần cảm cho các môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ ghi chép lại.

Lời của Đức Chúa Trời không phải chỉ là một thứ văn bản cổ xưa, chỉ có giá trị lịch sử, nhưng Lời của Đức Chúa Trời là Lời Sống và năng động. Từ ngữ “sống” nói đến sự phát triển và hành động. Từ ngữ “năng động” có nghĩa là có sức mạnh tác động lên các vật thể để điều động chúng. Lời của Đức Chúa Trời có tính năng động vì Lời của Ngài làm thành mọi ý muốn của Ngài. Gươm hai lưỡi nói đến ở đây là một dụng cụ để xẻ thịt, rất là sắc bén. Loài người là sự kết hợp chặt chẽ giữa tâm thần, linh hồn, và xác thịt; chỉ có sự chết mới có thể làm phân rẽ. Tuy nhiên, đang khi loài người còn sống trong thân thể xác thịt thì Lời của Đức Chúa Trời có năng lực thấu vào bản thể của loài người, để phân chia tâm thần, linh hồn và các nơi sâu kín nhất của xác thịt, cùng lúc, xem xét các ý tưởng và dự tính của một người.


“Các anh chị em đã làm sạch linh hồn mình trong sự vâng phục lẽ thật bởi tâm thần, trong tình yêu thương anh chị em cách chân thật. Hãy yêu lẫn nhau với tấm lòng tinh sạch, sốt sắng…” (I Phi-e-rơ 1:22).

Chính Đức Chúa Jesus Christ dùng huyết của Ngài để rửa sạch mọi tội của chúng ta (Khải Huyền 1:5) nhưng mỗi chúng ta phải tiếp nhận sự rửa sạch đó bằng cách vâng theo Lời Chúa. Sự vâng theo lẽ thật, tức vâng theo Lời Chúa, phát xuất từ trong tâm thần, và bắt đầu với sự ăn năn tội, ghê tởm tội, quyết tâm tránh xa tội. Một linh hồn đã được sạch tội thì ngập tràn tình yêu của Thiên Chúa, nhờ đó mà con dân Chúa yêu nhau một cách chân thật và nồng thắm, với mọi cảm xúc hoàn toàn đến từ sự nhận thức của tâm thần.


“…nhưng theo con người giấu kín ở trong lòng, trong sự chẳng hư nát của một tâm thần nhu mì, yên tĩnh. Ấy là điều rất quý trước mặt Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 3:4).

Đây là lời khuyên về sự trang điểm dành cho các phụ nữ trong Hội Thánh. Sự trang sức bên ngoài giúp làm tăng vẻ đẹp của thân thể xác thịt thì sự trang sức bề trong giúp làm tăng vẻ đẹp của thân thể thiêng liêng. Sự nhu mì, yên tĩnh là món trang sức quý của tâm thần. Sự chẳng hư nát là những sự thuộc linh được Đức Chúa Trời chấp nhận và còn lại mãi mãi. Khải Huyền 19:8 cho chúng ta biết trang phục mịn, sạch và trắng của mỗi thánh đồ chính là những việc làm công chính của họ. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, mỗi hành vi, cử chỉ trong nếp sống Đạo của chúng ta đúng theo Lời Chúa đều là những việc làm công chính và là những sự còn lại cho đến đời đời. Chính những điều đó là trang sức cho thân thể thiêng liêng của chúng ta.

Tâm thần nhu mì và yên tĩnh là tâm thần của những phụ nữ kính sợ Chúa và vâng phục chồng trong mọi sự, không cãi trả chồng. Ê-phê-sô 5:22 dạy rằng: “Hỡi những người vợ! Hãy vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa”. Vì là “vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa” cho nên, người làm vợ không thể cãi lại chồng nếu lời nói của chồng không nghịch lại sự dạy dỗ của Lời Chúa. Điều đó không có nghĩa là người vợ không được nói lên ý kiến hay sở thích của mình. Thí dụ, chồng thích sơn phòng ngủ màu trắng nhưng vợ thích sơn phòng ngủ màu hồng. Vợ có thể nhỏ nhẹ nói lên ý thích của mình, nhưng nếu chồng vẫn giữ nguyên ý định sơn phòng ngủ màu trắng, thì vợ phải vui vẻ, vâng phục. Người chồng nào “yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:25), thì sẽ luôn chiều vợ để vợ được vui, miễn là những điều vợ muốn không nghịch lại Thánh Kinh.


Kết Luận

Qua Thánh Kinh, Đức Chúa Trời đã mạc khải cho chúng ta biết một cách rõ ràng về thân thể thiêng liêng của loài người là tâm thần. Chúng ta nhận thấy thân thể thiêng liêng cũng có đủ các giác quan như thân thể xác thịt để linh hồn, tức bản ngã của một người, có thể nhận thức và giao tiếp với thế giới thuộc linh. Có những việc làm được thể hiện bằng thân thể xác thịt trong thế giới vật chất thì cũng có những việc làm được thể hiện bởi thân thể thiêng liêng trong thế giới thuộc linh. Đời sống lý tưởng là đời sống dựa trên sự nhận thức và hành động của thân thể thuộc linh có sự tương giao mật thiết với Thiên Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
10/11/2012

Ghi Chú

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:

[C] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hy-lạp trên Internet: