Loài Người (12): Thảo Luận Thần Học
Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2OTM4X1Vqenpz
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống MP3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTIyMTE4XzB1MlRH
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/117_loainguoi
Phần âm thanh có nhiều chi tiết hơn phần bài viết
Kính thưa Hội Thánh,
Gần đây, tôi có nhận được từ một con dân Chúa vài câu hỏi Thần học về loài người. Tôi xin tóm lược ý chính của các câu hỏi ấy và các câu trả lời của tôi, đồng thời khai triển thêm các câu trả lời trong bài viết này. Tôi mong rằng, sự trao đổi giữa chúng tôi giúp ích phần nào cho một số con dân Chúa, trong việc tìm hiểu những điều Đức Chúa Trời dạy về loài người trong Thánh Kinh.
Câu hỏi 1:
Thánh Kinh dạy rằng: “ Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7). Nhưng Thánh Kinh cũng dạy rằng: “Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29); và “Đến nỗi, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng ấy từ trước khi lập nền thế gian, để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được, trước Ngài, trong tình yêu.” (Ê-phê-sô 1:4).
Vậy, thật ra Cơ-đốc nhân đã thực hữu từ trước buổi sáng thế hay sau khi tạo dựng? Nếu Cha đã chọn chúng ta từ trước buổi sáng thế, phải chăng, chúng ta đã thực hữu từ trước buổi sáng thế, đã tồn tại trước buổi sáng thế. Và chúng ta được đưa vào thế gian qua công cuộc sáng tạo loài người?
Có phải Ngài “biết trước” chúng ta và “chọn” chúng ta trước buổi sáng thế, có nghĩa là chúng ta tồn tại – thực hữu trước buổi sáng thế, chứ không phải chúng ta được chọn lựa sau khi sáng tạo và ngay khi chúng ta quyết định tin Chúa Jesus?
Trong Thánh Kinh có mô tả về sự biết trước này, dường như có hai sự biết trước:
(1) Từ trong cõi đời đời, Chúa biết chúng ta “đã” là ai, tức là Chúa biết chúng ta trong trạng thái hiện hữu phi vật chất trước khi sáng tạo.
(2) Từ trong cõi đời đời, trước khi sáng thế, Chúa biết chúng ta “sẽ” là ai, chúng ta sẽ trở nên như thế nào sau khi chúng ta được sáng tạo.
Câu Trả Lời 1:
Thánh Kinh cho chúng ta biết: Loài người là loài thọ tạo, và được tạo dựng trong thế giới vật chất, vì thế, loài người chỉ thực hữu vào ngày Thứ Sáu trong tuần lễ sáng tạo. Trước đó, loài người chỉ có trong khái niệm của Thiên Chúa.
Tương tự như bức tranh trước khi trở thành hiện thực trên khung vải thì khái niệm về nó đã thực hữu trong tâm trí của họa sĩ; sự Đức Chúa Trời biết tôi trước khi Ngài dựng nên tôi, không hề có nghĩa là tôi đã thực hữu trong thế giới tạo vật, mà chỉ có nghĩa, tôi là một khái niệm thực hữu trong tâm trí của Ngài. Ngài nghĩ về sự tạo dựng nên tôi và nghĩ về sự Ngài sẽ làm ra những gì cho tôi. Đồng thời, vì Ngài là Thiên Chúa toàn tri nên Ngài biết trước được mọi ý nghĩ, lời nói, và việc làm của tôi sau khi tôi thực hữu.
Điều này vượt ngoài khả năng suy luận của chúng ta, nhưng đó chính là ý nghĩa của sự Thiên Chúa là Đấng Toàn Tri. Toàn tri là biết từng chi tiết về những sự quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Thánh Kinh dạy về sự sáng tạo loài người, như sau:
“Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất! Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài. Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa. Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ.” (Sáng Thế Ký 1:26-27).
“Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7).
Chúng ta chú ý đến từ ngữ “làm ra” trong mệnh đề “Chúng Ta hãy làm ra loài người” được dùng trong thời hiện tại, sau khi các loài sinh vật khác đã được dựng nên. Điều đó cho thấy trước đó loài người chưa được Thiên Chúa làm ra. Ngoài ra, chúng ta cũng chú ý đến sự kiện hai từ ngữ “làm ra” và “sáng tạo” được dùng trong Sáng Thế Ký 1:26 và 27. Trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, các loài tạo vật khác được sáng tạo bởi lời phán của Thiên Chúa từ không ra có; riêng về các loài thú đồng, các loài chim, và loài người, thì Thiên Chúa vừa sáng tạo bằng lời phán từ không ra có (phần hồn), vừa sáng tạo bằng hành động làm ra (phần xác) từ nguyên liệu vật chất đã được Ngài sáng tạo trước đó, là bụi đất.
Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trên đây, dẫn chúng ta đến các ý niệm như sau:
(1) Thiên Chúa dùng các vật liệu thiêng liêng và vật chất, bao gồm linh của Thiên Chúa và bụi đất do Ngài đã dựng nên, để tạo ra bản thể của loài người, gồm có tâm thần và xác thịt. Linh hồn, tức bản ngã, lập tức thực hữu trong bản thể đó.
(2) Trước khi Thiên Chúa gom bụi đất thành thân thể vật chất của loài người và thổi hơi sống của Ngài vào đó để làm thân thể thiêng liêng của loài người, thì loài người chỉ là một khái niệm trong tâm trí của Thiên Chúa. Nghĩa là, bản ngã không có trước khi bản thể được dựng nên.
(3) Hơi thở của Thiên Chúa tạo ra thân thể thuộc linh của loài người là tâm thần, bụi đất tạo ra thân thể vật chất của loài người là xác thịt; nhưng ý muốn của Thiên Chúa đã tạo ra bản ngã loài người là linh hồn. Thiên Chúa muốn, thì loài người thực hữu và thực hữu trong hai thân thể: tâm thần và xác thịt. Nhờ đó, loài người nhận thức và sinh hoạt được trong cả hai thế giới: thuộc thể lẫn thuộc linh.
Thiên Chúa biết trước về chúng ta và Ngài chọn chúng ta từ trước khi sáng thế không có nghĩa là chúng ta thực hữu từ trước khi sáng thế. Giả sử, một họa sĩ suy nghĩ rằng, năm sau, anh ta sẽ vẽ ra mười bức tranh với những đề tài, đường nét mà anh đang suy diễn trong tâm trí (anh ta biết chi tiết về mười bức tranh). Sau đó, anh ta sẽ bán đi chín bức, chỉ giữ lại một bức tặng cho người yêu (anh ta chọn các bức tranh cho mục đích của anh ta). Thì như vậy, không có nghĩa là mười bức tranh đó đã thực hữu trong năm nay. Mặc dù, chúng đã được biết trước trong tâm trí của họa sĩ và đã được chọn trước cho các mục đích khác nhau, theo ý muốn của họa sĩ từ trong năm nay.
Quan điểm cho rằng, loài người nói chung hoặc Cơ-đốc nhân nói riêng, thực hữu trong một bản thể phi vật chất trước sáng tạo là không có trong Thánh Kinh. Trước sáng tạo, chỉ có Thiên Chúa là thực thể phi vật chất. Ngay cả các thực thể phi vật chất là thiên sứ cũng chỉ thực hữu bởi sự sáng tạo và thực hữu trong thời điểm sáng tạo, khi Thiên Chúa dựng nên các tầng trời (Sáng Thế Ký 1:1). Cơ-đốc nhân thực hữu sau khi loài người được dựng nên và ra từ A-đam (thứ nhất), nghĩa là không có A-đam thì không có Cơ-đốc nhân. Cơ-đốc nhân được tái sinh (tức được sinh ra cách thiêng liêng) trong bản thể người của Đức Chúa Jesus Christ (A-đam thứ nhì), mà bản thể người của Đức Chúa Jesus Christ được sinh ra từ dòng dõi người nữ, là Ê-va (Sáng Thế Ký 3:15). Vì thế, không có chuyện Cơ-đốc nhân thực hữu từ trước khi sáng thế. Phần linh của loài người là tâm thần thì ra từ linh của Thiên Chúa, nhưng trước khi linh đó kết hợp với bụi đất để thành bản thể của người thì người không thực hữu. Trước đó chỉ có bụi của đất và linh của Thiên Chúa, không có người.
Dĩ nhiên, Thiên Chúa biết chúng ta từ trước khi sáng thế, tức là trước khi chúng ta thực hữu, vì Ngài là Thiên Chúa toàn tri. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta đã thực hữu, chúng ta chỉ thực hữu khi chúng ta được sáng tạo, mà chúng ta được sáng tạo sau các loài động vật khác để cai quản chúng (Sáng Thế Ký 1:26-27). Sự kiện Thiên Chúa biết trước về chúng ta có nghĩa là Ngài biết trước những gì Ngài sẽ làm ra; như một nhà văn biết trước nhân vật và đời sống của một nhân vật trong tác phẩm mà ông ta sẽ viết ra. Nhưng nhân vật đó chỉ “thực hữu” trong tác phẩm khi nhà văn bắt đầu đặt bút, và nhân vật ấy “sống” từng ngày theo từng trang sách được hình thành.
Trước sáng thế, Thiên Chúa “đã” biết chúng ta “sẽ” là ai trong công cuộc sáng tạo của Ngài; chứ không phải Ngài biết chúng ta “đã” là ai trước khi sáng thế; vì trước khi sáng thế, chúng ta không thực hữu. Sự kiện Thiên Chúa “đã” biết về chúng ta không chứng minh chúng ta đã thực hữu vào thời điểm Thiên Chúa biết. Nhà văn biết trước nhân vật của ông ta “sẽ” như thế nào, chứ không phải “đã” như thế nào. Vì thế, Thiên Chúa biết trước thời điểm thực hữu của chúng ta và biết trước chúng ta sẽ như thế nào sau khi chúng ta thực hữu. Sự biết của Thiên Chúa về chúng ta trước khi chúng ta thực hữu là sự biết dự phóng trong chương trình sáng tạo của Ngài.
Về phương diện triết lý thì chúng ta có thể nói: “Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng ta sẽ, đang, và đã như thế nào, trước khi chúng ta được Ngài sáng tạo”. Vì thế, theo cái nhìn của triết học, thì sự thực hữu của chúng ta trước sáng thế, nếu có thể gọi là thực hữu, chỉ là sự thực hữu trong tâm trí của Thiên Chúa.
Sự kiện Thiên Chúa biết trước mọi sự và thiết lập mọi sự theo sự biết trước của Ngài là điều Thánh Kinh xác nhận: “Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của Ta sẽ lập, và Ta sẽ làm ra mọi sự Ta đẹp ý.” (Ê-sai 46:10). Vì thế, không có gì mâu thuẫn khi nói: “Chúng ta “đã” được Thiên Chúa chọn trong Đức Chúa Jesus Christ từ trước khi sáng thế, và chúng ta “sẽ” trở nên giống như hình bóng của Con Đức Chúa Trời!” Vì đó là ý muốn và chương trình của Thiên Chúa từ trước khi Ngài sáng tạo loài người.
Giả sử, có đôi vợ chồng làm di chúc giao trọn tài sản cho con của mình lúc nó tốt nghiệp đại học, mặc dù đứa con chưa được hoài thai. Thì đó chính là sự họ đã chọn đứa con làm người thừa kế, từ trước khi đứa con thực hữu. Điều đó hoàn toàn không chứng minh đứa con đã thực hữu khi cha mẹ nó chọn nó. Tất cả các chương trình, ý định đôi vợ chồng dành cho con của họ, hoàn toàn có thể được định sẵn trước khi đứa con thực hữu.
Câu hỏi 2:
Đức Chúa Trời là ai “trước khi sáng thế?” Trong công cuộc sáng tạo, Đức Chúa Trời trở thành Đấng Tạo Hóa, nhưng trước đó, trước công cuộc sáng tạo, Ngài là Đức Chúa Trời – nhưng không là Đấng Tạo Hóa!
Câu trả lời 2:
Trước hết, chúng ta cần phân biệt hai từ ngữ:
-
Từ ngữ “Thiên Chúa” dùng để gọi thực thể Ba Ngôi Thiên Chúa: Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha, Thiên Chúa trong thân vị Đức Con, và Thiên Chúa trong thân vị Đức Thánh Linh. Cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng là Đấng Tạo Hóa. Danh từ Thiên Chúa và danh từ Đấng Tạo Hóa là một danh từ tập hợp, như các danh từ: chính quyền, gia đình, Hội Thánh.
-
Từ ngữ “Đức Chúa Trời” dùng để gọi Thiên Chúa trong thân vị Đức Cha, khi Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải trong Tân Ước. Vì lý do đó mà Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 đã hiệu đính từ ngữ Đức Chúa Trời trong Cựu Ước thành Thiên Chúa [1].
Đương nhiên, có một lúc Thiên Chúa không là Đấng Tạo Hóa, mà Ngài chỉ là một thực thể cao siêu tuyệt đối, duy nhất, tự có và có mãi mãi, thể hiện trong ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Tâm trí của chúng ta không thể nào suy nghĩ được về sự tự có của Thiên Chúa và về sự Ngài đã làm gì trong cõi đời đời quá khứ, trước khi Ngài tạo dựng nên muôn loài trong cõi thuộc linh lẫn cõi thuộc thể.
Thiên Chúa là ai trước khi sáng thế? Ngài tự trả lời: “Ta là: Ta Tự Có và Có Mãi Mãi!” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14). Vì thế, triết học và Thần học gọi Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu và Hằng Hữu!
Vì Thiên Chúa là Đấng “Ta Tự Có và Có Mãi Mãi”, nên trước khi sáng thế, trong khi sáng thế, và sau khi sáng thế, Ngài đều là Đấng “Ta Tự Có và Có Mãi Mãi!”
Câu hỏi 3:
Về sự thờ phượng: Đức Chúa Jesus đặt hai vấn đề:
(1) là sự thờ phượng Cha, chứ không đặt vấn đề thờ phượng Đấng Tạo Hóa như các tác giả khác đã khai triển trong Thánh Kinh;
(2) thờ phượng Cha thì phải bằng linh và chân lý vì Đức Chúa Trời là thần linh.
Khi Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, muôn vật thọ tạo, từ chim muông cá nước cây cỏ sóng biển núi đồi đều thờ phượng Đấng Tạo Hóa, bao gồm cả nhân loại được thọ tạo.
Nhưng khi đặt vấn đề thờ phượng Đức Chúa Trời của Cơ-đốc nhân, Đức Chúa Jesus không đặt vấn đề thờ phượng Chúa Tể Vũ Trụ mà đặt vấn đề thờ phượng Cha. Đức Chúa Jesus không đặt vấn đề thờ phượng Đấng Tạo Hóa mà đặt vấn đề thờ phượng Thần.
Sự thờ phượng Đấng Tạo Hóa là do muôn loài như đã nêu trên, nhưng sự thờ phượng Cha thì Đức Chúa Jesus không đề cập Cha là Đấng Tạo Hóa, Cha là Đấng Hằng Sống… mà Đức Chúa Jesus chỉ minh thị Cha là Thần. Và phương cách thờ phượng Cha là phải lấy linh và chân lý mà thờ phượng. Đây chắc chắn không hề là sự thờ phượng của tạo vật đối với Đấng Tạo Hóa mà là của các linh “con” thờ phượng Linh Cha.
Và do đó, Cơ-đốc nhân phải là “linh” mới có thể thờ phượng Đức Chúa Trời là Thần được. Cơ-đốc nhân là tạo vật như muôn loài tạo vật khác hay Cơ-đốc nhân trở thành khác với muôn loài? Cơ-đốc nhân giống như loài người, hay Cơ-đốc nhân vẫn là loài người?
Vấn đề nêu ra: quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Cơ-đốc nhân là mối quan hệ cha – con có trước hay quan hệ tạo hóa – tạo vật có trước (quan hệ cha – con trong Con Độc Sanh Ngài)? Phải chăng, về sự được sáng tạo thành tạo vật mới thì Cơ-đốc nhân được sáng tạo trong A-đam thứ hai, nhưng về bản tính thần linh thì Cơ-đốc nhân được sáng tạo và được chọn trong Ngôi Hai Thiên Chúa, không phải trong A-đam thứ hai?
Chất liệu của Cơ-đốc nhân là linh cùng bản tính thần của Đức Chúa Trời trong quan hệ cha – con dẫn dắt đến mối tương giao thờ phượng Cha Thần Linh bằng tâm thần.
Câu trả lời 3:
Loài người là một tạo vật đặc biệt trong các tạo vật của Thiên Chúa, vì bản thể của loài người vừa là thần (spirit) vừa là vật chất (matter). Trong khi đó, các thiên sứ là tạo vật có bản thể là thần, muôn loài khác là tạo vật có bản thể là vật chất. Loài người được tạo nên giống như hình Thiên Chúa, như tượng Thiên Chúa về cả hai phương diện: thần và vật chất.
Trong ngày loài người được sáng tạo, thì thân thể thiêng liêng của loài người giống như hình thiêng liêng hằng có của Thiên Chúa, còn thân thể vật chất của loài người thì giống như tượng vật chất của Thiên Chúa khi Ngài sẽ hiện ra trong thế giới vật chất. Từ ngữ “hình” trong mệnh đề “theo hình Chúng Ta”, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh có nghĩa là: ảo ảnh (tức không có hình thể sờ chạm được bằng xác thịt), hay là bóng của một hình thể. Còn từ ngữ “tượng” trong mệnh đề “như tượng Chúng Ta”, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh có nghĩa là: tượng được chạm hay đúc theo một hình thể thật, có thể sờ chạm bằng xác thịt được. Vì thế, không phải chờ khi được tái sinh trong Đấng Christ thì loài người mới có phần linh, tức tâm thần.
Sự thờ phượng Đức Chúa Trời bất kỳ lúc nào và bất cứ ở đâu cũng phải là sự thờ phượng bằng tâm thần (spirit) và lẽ thật, tức là, thờ phượng bằng thân thể thiêng liêng và bằng Lời Chúa (Lời Chúa là lẽ thật).
Thờ phượng là gì? Là vâng phục đối tượng được thờ phượng một cách tuyệt đối. Vâng phục Đức Chúa Trời một cách tuyệt đối tức là thờ phượng Ngài: “… Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài sao? Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (I Sa-mu-ên 15:22). Làm sao để chúng ta biết ý Đức Chúa Trời mà vâng phục Ngài? Ý Ngài là lẽ thật đã giãi bày cho chúng ta trong Thánh Kinh, vì thế, Thánh Kinh còn được gọi là Lời của Đức Chúa Trời, và Lời Ngài là lẽ thật (Giăng 17:17). Lời Chúa phán: “Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8). Lời ấy chính là sự giải thích cho chúng ta biết cách thức thờ phượng Đức Chúa Trời nói riêng và thờ phượng Thiên Chúa nói chung. Nói cách khác, thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm thần và lẽ thật có nghĩa là, từ trong thần trí, chúng ta tuyệt đối tin và vâng theo mọi sự phán dạy của Ngài trong Thánh Kinh. Đức tin đó phải thể hiện thành hành động của thân thể xác thịt, tức là thân thể xác thịt phải làm theo điều tâm thần đã tin. Chính linh hồn nắm quyền tự do quyết định.
Thánh Kinh Cựu Ước chưa giãi bày về các thân vị của Thiên Chúa vì lúc ấy, Thiên Chúa Ngôi Hai chưa nhập thế và Thiên Chúa Ngôi Ba chưa giáng lâm. Ngày nay, Ngôi Hai đã nhập thế, Đức Thánh Linh đã giáng lâm, mà nhiều người vẫn còn không hiểu được lẽ thật về Một Thiên Chúa Ba Thân Vị thì làm sao những người trong Thời Cựu Ước có thể hiểu? Vì vậy, Thánh Kinh Cựu Ước chỉ nói đến sự thờ phượng Thiên Chúa (Elohiym), thờ phượng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (YHWH).
Thánh Kinh Tân Ước nói đến sự thờ phượng Đức Cha, vì trong Thời Tân Ước Thiên Chúa Ngôi Hai đã nhập thế và giãi bày Đức Cha cho loài người (Giăng 1:18); Thiên Chúa Ngôi Ba, tức Đức Thánh Linh, đã giáng lâm và ngự trong thân thể người tin Chúa, giúp họ hiểu biết mọi lẽ thật của Lời Ngài (Giăng 16:13). Nhờ đó, Cơ-đốc nhân nhận thức được ba thân vị của Thiên Chúa, nhận thức được rằng: Bởi Đức Thánh Linh, trong Đức Chúa Jesus Christ, mà họ thờ phượng Đức Chúa Trời.
Tại sao Đức Chúa Jesus chỉ nói đến thờ phượng Đức Cha mà không nói là thờ phượng Ba Ngôi Thiên Chúa hay thờ phượng Đấng Tạo Hóa? Bởi vì:
-
Thiên Chúa Ngôi Ba đã ở trong thân thể vật chất của Cơ-đốc nhân, thân thể vật chất của Cơ-đốc nhân đương nhiên là Đền Thờ Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 3:16), có Ngôi Ba Thiên Chúa ngự trị. Nhờ đó, thân thể vật chất của Cơ-đốc nhân làm ra các việc lành trong thế giới vật chất để tôn vinh Thiên Chúa. Đó là sự thờ phượng Đức Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 6:19), là sự hoàn toàn tin và vâng theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, “tôn vinh Đức Chúa Trời trong thân thể” mình (I Cô-rinh-tô 6:20).
-
Linh hồn tức bản ngã, tức thân vị của Cơ-đốc nhân đã kết hợp làm một với thân vị người của Đấng Christ; vì mỗi Cơ-đốc nhân là một chi thể của Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 12:27). Linh hồn luôn yêu thương, vâng phục Đấng Christ và yêu thương mọi người, kể cả yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, thậm chí chết thay cho kẻ thù, để chiếu ra bản tính của Đấng Christ cho thế gian. Đó là sự thờ phượng Đức Chúa Con bằng cách “bước đi như chính Ngài đã bước đi” (I Giăng 2:6).
-
Chỉ còn lại phần thân thể thiêng liêng là tâm thần cần phải tuyệt đối tin cậy và vâng phục Lời của Thiên Chúa Ngôi Cha đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Đó là sự thờ phượng Đức Chúa Cha “trong thần trí và trong lẽ thật” (Giăng 4:23-24).
Nhiều Cơ-đốc nhân không thờ phượng Đức Chúa Trời bằng thân thể thiêng liêng là tâm thần. Họ bác bỏ lẽ thật là Lời Cha (Giăng 17:17), họ thay thế Lời Cha bằng các truyền thống do loài người đặt ra trong các giáo hội (Ma-thi-ơ 15:3, 6; Mác 7:8-9, 13). Tâm thần họ chấp nhận các triết lý và mê tín dị đoan của thế gian, các tín ngưỡng của ngoại giáo, các lý thuyết của khoa học… thay vì chấp nhận lẽ thật của Lời Cha. Thánh Kinh đã răn dạy con dân Chúa rằng: “Hãy coi chừng! Kẻo có ai dẫn các anh chị em đi lạc bởi triết học và sự gạt gẫm hư không, theo truyền thống của loài người, theo các lề thói của thế gian, không theo Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:8). Nếu Cơ-đốc nhân không trước hết thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách từ trong thần trí của tâm thần hết lòng tin và vâng theo mọi Lời Cha phán, thì Cơ-đốc nhân sẽ bị diệt.
Lời Cha phán rõ trong Ô-sê 4:6-7 “Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng sẽ bỏ ngươi để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi. Chúng nó thêm nhiều bao nhiêu, thì chúng nó phạm tội nghịch lại Ta bấy nhiêu. Ta sẽ đổi sự vinh quang của chúng nó ra sự sỉ nhục.”
Quan hệ giữa loài người với Đức Chúa Trời khi vừa được sáng tạo là quan hệ giữa loài thọ tạo với Đấng Tạo Hóa và quan hệ cha con, vì Thánh Kinh gọi loài người (A-đam) là con của Đức Chúa Trời (Lu-ca 3:38).
A-đam là con của Đức Chúa Trời trong tổng thể: linh hồn, tâm thần, và xác thịt. Sau khi A-đam phạm tội thì ông và dòng dõi loài người bị mất quyền làm con của Đức Chúa Trời. Nhưng vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian nên Ngài ban cho loài người sự cứu rỗi. Hễ ai tin nhận sự cứu rỗi ấy thì được ban cho quyền làm con cái của Thiên Chúa.
Chúng ta để ý các chi tiết này. Thánh Kinh không nói vì Đức Chúa Trời yêu thương loài người, mà Thánh Kinh nói, vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian. Thế gian bao gồm toàn bộ loài người và cơ nghiệp trên đất của loài người mà Chúa đã ban cho từ khi loài người được dựng nên. Khi loài người phạm tội thì đem sự băng hoại đến trên chính mình và cơ nghiệp của mình, tức là muôn vật trong thế gian. Vì thế, không phải chỉ loài người than thở trong hậu quả của tội lỗi mà là toàn thể tạo vật được Đức Chúa Trời ban cho loài người trong thế gian cũng đều than thở và chịu khó nhọc (Rô-ma 8:22)… Kế tiếp, người tin Chúa được Đấng Christ ban cho quyền làm con của Thiên Chúa, Giăng 1:12: “Nhưng những ai tiếp nhận Ngài thì Ngài ban cho họ, tức là những ai vẫn tin vào danh của Ngài, quyền làm những con cái của Thiên Chúa”, chứ không phải được ban cho địa vị con của Thiên Chúa. Từ ngữ “quyền” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh (G1849) có nghĩa là “sức mạnh, tư thế, năng khiếu, và thẩm quyền để làm ra một điều gì”.
Người tin Chúa phải dùng sức mạnh, tư thế, năng khiếu, và thẩm quyền được Đấng Christ ban cho đó, để đạt đến địa vị con của Đức Chúa Trời, tức là quyết tâm từ bỏ tội lỗi, vâng phục các điều răn của Đức Chúa Trời, hoàn toàn tin cậy nơi sự cứu rỗi của Đấng Christ, và trung tín cho đến chết! Nếu không, thì sẽ không còn cơ hội ăn năn:
“Vì không thể nào những người đã một lần được soi sáng, đã nếm sự ban cho từ trên trời, được trở nên những người dự phần về thánh linh, đã nếm Lời phán lành của Thiên Chúa và những năng lực của đời sau, rồi họ lại sa ngã, mà được phục hồi vào trong sự ăn năn. Vì họ đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài.” (Hê-bơ-rơ 6:4-6).
Hê-bơ-rơ 10:26-29
26 Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi.
27 Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.
28 Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, thì chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba nhân chứng.
29 Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước bởi đó kẻ ấy được nên thánh là ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.
“Vì nếu sau khi chúng nó đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, nhờ sự tri thức về Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, rồi chúng nó lại vướng mắc những sự đó và bị bắt phục, thì sự kết thúc sau này của chúng nó sẽ xấu hơn lúc đầu. Vì thà chúng nó không biết đường công chính, thì tốt cho chúng nó hơn là sau khi chúng nó biết rồi, lại lui đi về điều răn thánh đã ban truyền cho chúng nó. Nhưng, đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ chân thật: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.” (II Phi-e-rơ 2:20-22).
Thánh Kinh định nghĩa những người thuộc về Chúa là: “những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Jesus.” (Khải Huyền 14:12). Thánh Kinh cũng cho biết: “Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều, thì cũng bị tội như đã phạm hết thảy.” (Gia-cơ 2:10). Thánh Kinh cũng khẳng định: “Vậy, chúng ta bởi đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.” (Rô-ma 3:31). Cả ba câu này đều ở trong Tân Ước; thế nhưng, ngày nay những giáo sư giả trong các giáo hội công khai dạy rằng, con dân Chúa không cần giữ điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn.
Quan hệ cha con giữa Đức Chúa Trời và loài người được tái lập khi loài người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, quan hệ cha con giữa loài người và Đức Chúa Trời khác với quan hệ cha con giữa Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ. Vì Đức Chúa Jesus Christ là con cùng một bản thể Thiên Chúa với Đức Chúa Trời, trong khi loài người là con bởi sự sáng tạo. Thánh Kinh dùng từ ngữ “con nuôi” để nói đến mối quan hệ cha con giữa Đức Chúa Trời và loài người.
Tất cả loài người luôn luôn là con của A-đam thứ nhất, bị mất quyền làm con của Đức Chúa Trời vì phạm tội và sẽ là con của Đức Chúa Trời trong A-đam thứ hai nếu tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh ghi rõ, Đấng Christ là con của A-đam thứ nhất (Lu-ca 3:23-38). Vì thế, Cơ-đốc nhân vẫn là con của A-đam thứ nhất nhưng được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời trong A-đam thứ nhì.
A-đam thứ nhất là con của Đức Chúa Trời trong mục đích do Đức Chúa Trời đặt ra và ông đã không đạt được mục đích ấy, vì không vâng phục Đức Chúa Trời. A-đam thứ nhì là con của Đức Chúa Trời trong sự vâng phục Đức Chúa Trời trọn vẹn, thậm chí vâng phục đến chết, Đấng Christ đã đạt được mục đích ấy. Khi chúng ta nói đến danh JESUS (Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi) là chúng ta nói về thần tính; khi chúng ta nói đến CHRIST (người được xức dầu) thì chúng ta nói về nhân tính; khi chúng ta nói đến JESUS CHRIST thì chúng ta cùng lúc nói đến thần tính và nhân tính của Ngôi Hai Thiên Chúa. I Cô-rinh-tô 15:45 nói đến Đấng Christ là A-đam Sau Cùng, vì thế, Cơ-đốc nhân được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời bởi vì sự vâng phục của Đấng Christ (một người trọn vẹn) và bởi sự vâng phục của mỗi Cơ-đốc nhân khi người ấy đã được tái sinh và được ban cho năng quyền bởi Đấng Christ.
Chúng ta cần phân biệt: JESUS trong thân vị Ngôi Hai Thiên Chúa là Con của Đức Chúa Trời vì cùng bản thể Thiên Chúa với Đức Chúa Trời; nhưng CHRIST trong thân vị A-đam thứ hai là con của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo (bản thể người của Ngài ra từ dòng dõi người nữ), và Ngài giữ vững địa vị ấy bởi sự vâng phục trọn vẹn. Vì mỗi Cơ-đốc nhân được dựng nên mới trong Đấng Christ nên họ cũng có năng quyền của Đấng Christ để vâng phục Đức Chúa Trời cách trọn vẹn. Ai không vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết thì không phải là Cơ-đốc nhân, không hề ở trong Đấng Christ. Thánh Kinh khẳng định:
I Giăng 2:3-6
3 Và bởi điều này mà chúng ta biết mình đã biết Ngài: ấy là chúng ta giữ các điều răn của Ngài.
4 Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy.
5 Nhưng ai giữ lời Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết chúng ta ở trong Ngài.
6 Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.
Bước đi như Đấng Christ đã bước đi tức là vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết, bởi sự vâng giữ các điều răn của Ngài! “Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” (I Giăng 5:3). Thế nhưng, ngày nay các giáo sư giả trong các giáo hội tuyên bố rằng, ai bảo Cơ-đốc nhân phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là chất gánh nặng lên con dân Chúa!
Không phải chỉ có tâm thần của Cơ-đốc nhân là con của Đức Chúa Trời mà thân thể xác thịt của Cơ-đốc nhân cũng là con của Đức Chúa Trời; vì ngay trong đời này, thân thể xác thịt của người tin Chúa đã trở thành Đền Thờ Thiên Chúa, đã trở thành đồ dùng cho sự công chính của Đức Chúa Trời (Rô-ma 6:13, 19). Vì chúng ta là một với Đấng Christ trong sự chết và trong sự sống lại của Ngài (Rô-ma 6:5) thì thân thể xác thịt của chúng ta cũng là con của Đức Chúa Trời như thân thể xác thịt của Đấng Christ.
Loài người được tái sinh, tức là được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, là được dựng nên trong bản thể người của Đức Chúa Jesus Christ, chứ không phải được dựng nên trong bản thể Thiên Chúa của Ngài, vì thế Thánh Kinh gọi Ngài là “A-đam Sau Cùng” để phân biệt với A-đam thứ nhất (I Cô-rinh-tô 15:45). Ngay cả khi loài người được kết hợp với Đức Chúa Jesus Christ trong Hôn Lễ Chiên Con, cũng chỉ là sự kết hợp trong bản thể người của Ngài, về cả ba phương diện: bản ngã (linh hồn), tâm thần (thân thể thiêng liêng), và xác thịt (thân thể siêu vật chất).
Câu hỏi 4:
Theo như anh Tim trình bày, sự cứu rỗi bao gồm ba phần: linh, hồn, thân thể… và theo trình tự giải cứu tâm linh trước, rồi linh hồn, rồi thân thể, rồi hiệp chung ba phần biến hóa trọn vẹn…
Vậy Đức Chúa Jesus chết thay phần nào trên đất? Nếu Chúa chết phần xác “thân – huyết” thì tại sao chúng ta không được cứu phần xác trước mà được cứu phần linh trước? Còn nếu Chúa chết phần linh thì phải chăng, Ngài không thể là Đức Chúa Trời? Nếu cho rằng, chết phần linh là sự phân cách tâm linh với Đức Chúa Trời, thì sau khi qua đời linh trở về cùng Đức Chúa Trời thì cả chúng ta và người không được cứu cũng đều như nhau, cuộc sống trên đất như nhau, chỉ khác về sự chung kết trong cõi đời đời mà thôi.
Câu trả lời 4:
Trước sáng thế chỉ có Ba Ngôi Thiên Chúa. Muôn loài thọ tạo đã được Thiên Chúa sáng tạo theo ý muốn của Ngài, và Ngài biết từng chi tiết trước khi Ngài sáng tạo chúng. Trong sự sáng tạo, thế giới thuộc linh được sáng tạo trước, bao gồm thiên đàng và các thiên sứ. Riêng loài người chỉ thực hữu khi được Thiên Chúa sáng tạo như đã ghi chép trong Thánh Kinh. Ma-la-chi 2:15 giúp chúng ta biết, Thiên Chúa chỉ dựng nên loài người trong thế giới vật chất: “Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh. Vậy, các ngươi hãy cẩn thận trong thần trí mình; chớ lừa dối vợ của mình lấy lúc tuổi trẻ.”
Thiên Chúa tìm một dòng dõi thánh qua một thực thể loài người Ngài đã tạo dựng, là A-đam. Ngay cả khi A-đam phạm tội, Thiên Chúa vẫn tiếp tục chương trình ấy qua dòng dõi người nữ, là một thân vị ra từ thực thể A-đam. Thiên Chúa Ngôi Hai đã nhập thế làm người qua dòng dõi của người nữ. Nghĩa là, khi Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thế làm người, Ngài trở nên người 100%, và được gọi là A-đam Sau Cùng, vì qua Ngài mà những ai tin nhận Đức Chúa Trời được tái sinh.
Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa và là người. Không phải Thiên Chúa nhập vào một thân thể xác thịt có sẵn như cách các tà linh nhập vào một người, cũng không phải Đức Con ở trong một thân thể xác thịt như Đức Thánh Linh ở trong Cơ-đốc nhân. Mà là Thiên Chúa tự mình thể hiện trong vật chất, Ngài trở thành vật chất. Khi Thiên Chúa sáng tạo các hạt vật chất thì trong các hạt vật chất đó đã có năng lực và mục đích của Ngài.
Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh. Không phải “giáo hoàng” hay “tổng hội trưởng” hay “chủ tịch” của các tổ chức tôn giáo hay bất cứ ai khác, mà chính Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh:
“…bắt muôn vật phục dưới chân Đấng ấy và ban cho Đấng ấy làm đầu Hội Thánh trong mọi sự. Hội ấy là thân thể của Đấng ấy. Sự đầy dẫy của Đấng ấy đổ đầy mọi sự trong mọi loài.” (Ê-phê-sô 1:22-23). Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là “sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài” khiến cho khó hiểu.
Mọi sự mà Đấng Christ đổ đầy trong mọi loài tức là ý muốn và năng lực của Đức Chúa Trời. Mỗi loài được Đấng Christ tạo dựng theo ý muốn của Đức Chúa Trời và được Ngài ban cho năng lực để chúng hoàn thành mục đích mà Ngài đã đặt để cho chúng. Từ một con ong, con kiến cho đến một ngọn cỏ và ngay cả một hạt bụi, một giọt nước… cũng đều được Đấng Christ đổ đầy ý muốn và năng lực của Đức Chúa Trời trong chúng.
Nói về một giọt nước, chúng ta biết nước được cấu tạo bởi hai nguyên tố hóa học là hai nguyên tử hy-drô (hydrogen) và một nguyên tử ô-xy (oxygen). Khoa học cho chúng ta biết, nguyên tố hy-drô được cấu thành bởi một hạt dương điện tử (proton) và một hạt âm điện tử (electron). Hạt âm điện tử xoay chung quanh hạt dương điện tử trong nguyên tử hy-drô với vận tốc 2.200 km/giây đồng hồ. Với vận tốc này, chúng ta có thể đi vòng quanh trái đất chỉ trong khoảng 18 giây đồng hồ! Ngày nay, khoa học có thể kích động một hạt điện tử khiến cho vận tốc của nó tăng lên gần bằng vận tốc của ánh sáng (300.000 km/giây đồng hồ).
Khoa học cũng cho chúng ta biết, một giọt nước ra từ một ống nhểu như ống nhểu thuốc nhỏ mắt chứa đến 3.340.000.000.000.000.000.000 (ba ngàn ba trăm bốn mươi tỉ tỉ) nguyên tử hy-drô, tức là nhiều gấp 477 tỉ lần dân số hiện nay trên thế giới! Hy-drô là nguyên tố tạo ra nước và phổ biến nhất trong vũ trụ, chiếm đến 75% tổng khối lượng của vũ trụ, và chiếm đến hơn 90% tổng số lượng các nguyên tử trong vũ trụ.
Và một trong các mục đích mà Thiên Chúa đổ vào trong các hạt vật chất khi Ngài sáng tạo chúng, ấy là, Thiên Chúa sẽ tự mình thể hiện trong vật chất qua một thân vị của loài người. Hình ảnh thân thể vật chất của loài người chính là hình ảnh mà Thiên Chúa đã có trong tâm trí của Ngài về sự Ngài sẽ như thế nào khi Ngài tự mình thể hiện trong vật chất.
Sự chết luôn luôn có nghĩa là bị phân rẽ. Khi loài người phạm tội thì bị phân rẽ ra khỏi mối tương giao với Thiên Chúa. Khi loài người tiếp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa thì được sống lại, tức là được tương giao trở lại với Thiên Chúa. (Đức Cha yêu thương ban sự tha thứ, Đức Con trả giá cho sự tha thứ, Đức Thánh Linh phục hồi và bảo tồn người được tha thứ). Sự sống lại, tức tái sinh, tức sinh từ trên cao, tức dựng nên mới trong Đấng Christ chỉ có nghĩa là sự được phục hồi mối tương giao đã “chết”. Sự phục hồi đó bởi ý muốn và hành động của Thiên Chúa. “Trong Đấng Christ” vừa có nghĩa là bởi hành động của Đấng Christ, vừa có nghĩa là bản ngã của người tin được phục hồi như bản ngã của Đấng Christ. Con người cũ, tức bản ngã cũ với bản tính tội di truyền từ A-đam thứ nhất được thay thế bởi bản tính thánh của Đấng Christ, và được gọi là con người mới hoặc bản ngã mới. Khi Cơ-đốc nhân chọn sống như bản ngã cũ thì Cơ-đốc nhân tự mình phạm tội như A-đam xưa kia tự mình phạm tội, chứ không phải vì bản ngã cũ của A-đam có quyền trên Cơ-đốc nhân. Chính vì vậy, mà không còn tế lễ chuộc tội cho Cơ-đốc nhân nào chọn sống nếp sống thù nghịch thập tự giá (Hê-bơ-rơ 6:4-6; Phi-líp 3:18).
Vì Thiên Chúa Ngôi Hai là người 100% nên Ngài có một thân thể vật chất 100% như loài người, bản ngã Thiên Chúa và thân thể thần của Ngài bị giới hạn trong thân thể vật chất của người. Ngài vẫn là Thiên Chúa trong khi tự thể hiện trong thân thể vật chất và Ngài chịu sự giới hạn do chính Ngài đặt ra cho loài thọ tạo:
“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2:6-8).
Khi Ngài chết trên thập tự giá thì:
-
Thân thể vật chất của Ngài gánh lấy hậu quả của tội lỗi cho chúng ta, bị đau đớn, sỉ nhục, và chết. Đó là cái chết thuộc thể.
-
Thân thể thiêng liêng (spirit) của Ngài gánh lấy hậu quả của tội lỗi cho chúng ta, bị Đức Chúa Trời lìa bỏ, cắt mối tương giao. Đó là cái chết thuộc linh.
-
Linh hồn, tức bản ngã của chính Ngài phải gánh lấy hậu quả của tội lỗi cho chúng ta, bị Thiên Chúa rủa sả (Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:23), nghĩa là chính Ngài cũng rủa sả địa vị tội nhân của Ngài. Ngài bối rối, cô đơn, sợ hãi… Đó là cái chết của một thân vị.
Đấng Christ “chết” phần tâm thần và linh hồn trước khi “chết” phần xác thịt. Tâm thần bị mất đi sự tương giao với Đức Chúa Trời; linh hồn bị Thiên Chúa rủa sả. Vì thế, Ngài đã kêu lên: “Linh hồn Ta buồn bực cho đến chết!” (Ma-thi-ơ 26:38); “Đức Chúa Trời của tôi ơi! Đức Chúa Trời của tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Mác 15:34), trước khi linh hồn và tâm thần rời khỏi thể xác, dẫn đến cái chết thuộc thể!
Sự chết của Đấng Christ giúp thỏa mãn sự công chính của Đức Chúa Cha trong sự hình phạt tội lỗi. Vì thế, ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ thì được Đức Chúa Cha tha tội. Vì được tha tội nên thân thể thiêng liêng được tương giao trở lại với Đức Chúa Cha (tái sinh thuộc linh), dẫn đến việc linh hồn được phục hồi như nguyên thủy, không còn bị bản tính tội chế ngự (tái sinh thân vị), cuối cùng, dẫn đến việc tái sinh của thuộc thể.
Cuộc sống trên thế gian của những Cơ-đốc nhân khác với những người không tin là: Người thế gian không nhận biết Chúa, bị nô lệ tội lỗi, không được tương giao với Thiên Chúa; còn người tin Chúa thì được buông tha khỏi tội lỗi, thắng được điều ác, làm được điều lành; được tương giao với Thiên Chúa; có tri thức về Thiên Chúa; được bình an trong mọi cảnh ngộ; và có hy vọng chắc chắn trong Thiên Chúa.
Kết luận:
Loài người không thực hữu trước ngày Thứ Sáu của tuần lễ sáng tạo. Những Cơ-đốc nhân là những thân vị người đã được tạo dựng trong A-đam, mang bản chất tội di truyền từ A-đam, làm ra những sự nghịch lại các điều răn của Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha); nhưng biết ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho, nên được sinh ra trong bản thể người của Đức Chúa Jesus Christ. Thánh Kinh dùng danh xưng “A-đam Sau Cùng” cho Đức Chúa Jesus Christ là để nhấn mạnh:
(1) Ngài là người 100%.
(2) Cơ-đốc nhân được sinh ra trong bản thể người của Đức Chúa Jesus Christ, không phải được sinh ra trong bản thể Thiên Chúa của Ngài. Vì thế, Cơ-đốc nhân vẫn là người. Nếu Cơ-đốc nhân được sinh ra trong bản thể Thiên Chúa thì sẽ trở thành Thiên Chúa. Đó là điều không thể có.
Được sinh ra trong Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là:
-
Thân thể thiêng liêng, tức tâm thần, được phục hồi mối tương giao với Đức Chúa Trời, gọi là tâm thần được tái sinh, để có thể nhận biết và vâng phục tuyệt đối Lời Ngài, tức là “vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài”; tức là thờ phượng Cha bằng tâm thần và lẽ thật.
-
Bản ngã, tức linh hồn, được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời, gọi là linh hồn được tái sinh, được kết hợp với Thiên Chúa Ngôi Hai, để có thể “bước đi như chính Ngài đã bước đi”; tức là thờ phượng Đấng Christ.
-
Thân thể vật chất, tức xác thịt, được trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa qua sự hiện diện của Đức Thánh Linh. Thân thể xác thịt hành động theo ý muốn của Đức Thánh Linh, để trở thành “công cụ của sự công chính”, tức là thờ phượng Đức Thánh Linh. Thân thể xác thịt sẽ được phục sinh và biến hóa thành siêu vật chất, tức vật chất có thể sinh hoạt trong thế giới thuộc linh, như thân thể xác thịt phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ.
Chất liệu của các Cơ-đốc nhân hoàn toàn không có gì khác biệt với chất liệu mà Thiên Chúa đã dùng để tạo ra A-đam. Chỉ khác một điều, các chất liệu ấy đã được thánh hóa và tiếp tục được thánh hóa khỏi sự ô uế của tội lỗi. Cơ-đốc nhân được phục hồi như A-đam lúc chưa phạm tội, mà còn hơn A-đam ở chỗ được Đức Thánh Linh ngự trong xác thịt, ban cho năng lực của Đức Chúa Trời để có thể vừa muốn vừa làm theo ý Ngài. Cơ-đốc nhân khác A-đam lúc chưa phạm tội ở chỗ đó và còn khác ở chỗ Cơ-đốc nhân phải tiếp tục sống trong môi trường vật chất đã bị băng hoại cho đến khi Chúa đến. Nói tóm lại, chúng ta chỉ khác A-đam lúc chưa phạm tội có hai điều đó thôi.
Đức Chúa Trời không hề sáng tạo ra một loài người khác. Ngài chỉ tái sinh, Ngài chỉ phục hồi loài người Ngài đã sáng tạo theo hình Ngài, như tượng Ngài. Nếu Đức Chúa Trời sáng tạo một loài người khác thì Sa-tan đã đắc thắng trong việc phá vỡ ý định của Đức Chúa Trời khi Ngài dựng nên loài người để làm con kế nghiệp của Ngài. Đấng Christ vẫn phải ra từ dòng dõi loài người và thân thể xác thịt đó của Đấng Christ vẫn ở trong địa vị con của Đức Chúa Trời.
Sự kiện Đức Chúa Jesus Christ chỉ nói đến sự thờ phượng Đức Cha là vì khi Cơ-đốc nhân thật sự thờ phượng Đức Cha thì Cơ-đốc nhân cũng ở trong sự thờ phượng Đức Con và Đức Thánh Linh. Thờ phượng Ba Ngôi Thiên Chúa tức là thờ phượng Đấng Tạo Hóa. Dĩ nhiên sự thờ phượng Đấng Tạo Hóa của Cơ-đốc nhân khác với muôn loài thọ tạo khác, vì Cơ-đốc nhân thờ phượng Đấng Tạo Hóa trong địa vị vừa là tạo vật, vừa là con thừa kế của Đấng Tạo Hóa. Các loài thọ tạo không có thân vị vẫn có thể thờ phượng Đấng Tạo Hóa không bằng tâm thần, vì chúng không có tâm thần. Chúng thờ phượng Ngài bằng cách triệt để vâng theo các quy luật của Ngài (thờ phượng là vâng phục tuyệt đối).
Quan hệ của loài người ngay từ buổi sáng thế là quan hệ giữa loài thọ tạo với Đấng Tạo Hóa cùng lúc là quan hệ cha con với Đấng Tạo Hóa. Thánh Kinh dạy rõ: Thiên Chúa dựng nên A-đam và A-đam là con Đức Chúa Trời! Trước buổi sáng thế không có loài người, cho nên, không có mối quan hệ giữa loài người với Thiên Chúa trước khi loài người được dựng nên vào ngày Thứ Sáu của tuần lễ sáng tạo.
Cơ-đốc nhân chỉ được phục hồi, tức dựng nên mới trong Đấng Christ sau khi Ngài phục sinh cho nên không thể có chuyện Cơ-đốc nhân có mối quan hệ cha con với Đức Chúa Trời trong Đức Con từ trước khi sáng thế. Nếu Cơ-đốc nhân đã ở trong Đức Con từ trước khi sáng thế và có quan hệ cha con với Đức Cha, thì Cơ-đốc nhân cũng là Thiên Chúa (như Đức Con ở trong Đức Cha, Đức Con là Thiên Chúa; Đức Linh ở trong Đức Cha và ở trong Đức Con, Đức Linh là Thiên Chúa; như Ê-va ở trong A-đam, Ê-va là “người”; Ca-in ở trong A-đam và ở trong Ê-va, Ca-in là “người”). Cơ-đốc nhân ở trong Đấng Christ là ở trong bản thể con người Đấng Christ, không phải ở trong bản thể Ngôi Hai Thiên Chúa.
Nguyện Đức Thánh Linh, Thần Lẽ Thật, dẫn mọi con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời, và ban cho họ năng lực để họ sống và rao giảng các lẽ thật của Lời Chúa. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
02/08/2013
Ghi Chú
[1] Xem phần phân tích chi tiết về hai danh từ Thiên Chúa và Đức Chúa Trời cùng một số từ ngữ khác trong bài viết này: https://www.thanhkinhvietngu.net/thien-chua-duc-chua-troi-the-trang-cua-thien-chua/
[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.
[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet:
-
Xem nghĩa và nghe cách phát âm các từ ngữ Hê-bơ-rơ: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H0001
(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra). -
Xem nghĩa và nghe cách phát âm các từ ngữ Hy-lạp: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G0001
(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).