Chú Giải Ga-la-ti 03:15-29 Vai Trò của Luật Pháp

5,231 views


YouTube: https://youtu.be/Gwobs34o8Cs

904807 Chú Giải Ga-la-ti 3:15-29
Vai Trò của Luật Pháp

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 3:15-29

15 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi nói theo cách của loài người: Dù là giao ước của loài người, nhưng khi đã làm thành thì không ai được phép bỏ đi hay thêm vào sự gì.

16 Các lời hứa là cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi của ông. Ngài không phán: Và cho các dòng dõi, như chỉ về nhiều người; nhưng như chỉ về một người: Và cho dòng dõi ngươi. Tức là Đấng Christ. [Sáng Thế Ký 22:18; 26:4; 28:14]

17 Vậy thì tôi nói rằng: Giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã lập thành trong Đấng Christ rồi, thì luật pháp là sự có sau đó bốn trăm ba mươi năm không thể vô hiệu hóa nó, mà làm cho lời hứa trở nên vô giá trị.

18 Vì, nếu sự hưởng cơ nghiệp là bởi luật pháp, thì không còn là bởi lời hứa nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cơ nghiệp cho Áp-ra-ham bởi lời hứa.

19 Vậy thì tại sao có luật pháp? Nó đã được thêm vào vì những sự phạm pháp, cho tới khi người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã lập cho. Nó đã được ban ra bởi các thiên sứ vào trong tay của một người trung bảo.

20 Người trung bảo chẳng phải là người trung bảo của một bên, và Đức Chúa Trời là một bên.

21 Vậy thì luật pháp nghịch lại các lời hứa của Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy! Vì nếu đã ban cho một luật pháp ban sự sống, thì sự công chính chắc phải bởi luật pháp mà đến.

22 Nhưng Thánh Kinh đã nhốt mọi người dưới tội lỗi, để lời hứa bởi đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ được ban cho những ai tin.

23 Trước khi đức tin đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin được bày ra.

24 Vậy nên, luật pháp đã là người giám hộ của chúng ta, cho tới khi Đấng Christ đến, để chúng ta bởi đức tin mà được xưng công chính.

25 Nhưng khi đức tin đã đến thì chúng ta không còn ở dưới người giám hộ.

26 Vì hết thảy các anh chị em đều là con cái của Đức Chúa Trời bởi đức tin trong Đấng Christ Jesus.

27 Vì bất cứ ai trong các anh chị em chịu báp-tem vào trong Đấng Christ, thì mặc lấy Đấng Christ.

28 Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.

29 Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu: sự khác biệt giữa giao ước và luật pháp, vai trò của luật pháp đối với loài người, và sự tất cả những ai có đức tin trong Đấng Christ thì đều thuộc về dòng dõi của Áp-ra-ham. Quý ông bà anh chị em có thể đọc và nghe thêm bài giảng “Điều Răn, Luật Pháp, Giao Ước, Ân Điển” trên khu mạng: www.timhieuthanhkinh.com [1].

15 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi nói theo cách của loài người: Dù là giao ước của loài người, nhưng khi đã làm thành thì không ai được phép bỏ đi hay thêm vào sự gì.

Phao-lô dùng danh từ “các anh chị em cùng Cha” để nhấn mạnh sự hiệp một của mọi thành viên trong Hội Thánh. Tiếp theo, Phao-lô nhắc đến nguyên tắc kết ước của loài người. Đó là, một khi giao ước đã được làm thành thì có hiệu lực y theo nội dung của các điều khoản đã lập ra trong giao ước, mà không ai, không sự gì có thể hủy bỏ giao ước ấy hoặc thêm hay bớt một điều gì vào trong giao ước ấy. Tương tự như vậy là giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập ra với Áp-ra-ham.

Giao ước Đức Chúa Trời đã lập ra với Áp-ra-ham không phải là giao ước mà chúng ta thường gọi là Cựu Ước (cựu = cũ, trước kia; ước = lời hứa, lời cam kết). Đức Chúa Trời lập ra nhiều giao ước khác nhau với loài người. Trước hết là giao ước với A-đam, kế đến là giao ước với Nô-ê, rồi đến giao ước với Áp-ra-ham là giao ước được tái cam kết với I-sác và Gia-cốp, trước khi Ngài lập giao ước với dân I-sơ-ra-ên tại Núi Si-na-i, qua Môi-se, mà chúng ta thường gọi là Cựu Ước. Sau đó, Ngài còn lập giao ước với A-rôn và Đa-vít. Cuối cùng là Đức Chúa Trời lập ra Tân Ước với toàn thể loài người qua Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 3:16). Giao ước Đức Chúa Trời lập ra với Áp-ra-ham là giao ước mà Phao-lô nói đến trong phân đoạn này, và được chép trong Sáng Thế Ký 12:1-3; 22:16-18. Có bảy điều khoản được lập ra trong giao ước ấy:

  1. Áp-ra-ham phải ra khỏi quê hương của ông, đi đến một xứ mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ chỉ cho ông (Sáng Thế Ký 12:1). Ngay trong điều khoản này cũng hàm ý sự Thiên Chúa làm cho Áp-ra-ham, đó là Ngài kêu gọi ông đến với tình yêu của Ngài và Ngài sẽ ban cho ông một vùng đất làm cơ nghiệp.
  2. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ làm cho ông thành một dân lớn (Sáng Thế Ký 12:2; 22:17).
  3. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ ban phước cho ông (Sáng Thế Ký 12:2; 22:17).
  4. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ làm cho ông được nổi danh (Sáng Thế Ký 12:2).
  5. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ làm cho ông trở thành một sự phước hạnh (Sáng Thế Ký 12:2).
  6. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ ban phước cho ai chúc phước ông và sẽ rủa sả ai rủa sả ông (Sáng Thế Ký 12:3).
  7. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ khiến cho mọi dân tộc trên đất được hưởng phước trong ông (Sáng Thế Ký 12:3; 22:18).

Áp-ra-ham đã tin và vâng theo lời phán truyền của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã và đang làm ra những điều Ngài hứa với Áp-ra-ham.

Điều mầu nhiệm là giao ước ấy được Thiên Chúa làm ra với Áp-ra-ham và dòng dõi của ông, nhưng giao ước ấy đem lại ơn phước cho muôn dân trên đất. Vì từ trong dòng dõi của Áp-ra-ham, Đấng Christ được sinh ra, hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại. Mà bất cứ ai, thuộc bất cứ dân tộc nào trên đất, nếu thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, thì liền được cứu ra khỏi hậu quả của tội lỗi, quyền lực của tội lỗi, và được kết hiệp vào dòng dõi của Áp-ra-ham.

16 Các lời hứa là cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi của ông. Ngài không phán: Và cho các dòng dõi, như chỉ về nhiều người; nhưng như chỉ về một người: Và cho dòng dõi ngươi. Tức là Đấng Christ. [Sáng Thế Ký 22:18; 26:4; 28:14]

Phao-lô giải thích rằng, trong lời hứa của Thiên Chúa, danh từ “dòng dõi ngươi” không phải để chỉ về nhiều người, mặc dù, dòng dõi của Áp-ra-ham, nếu xét về phương diện xác thịt có thể lên đến hàng tỉ người. Phao-lô khẳng định, danh từ “dòng dõi ngươi”, với hình thức số ít, được dùng để chỉ một người sẽ ra từ dòng dõi của Áp-ra-ham. Người ấy chính là Đức Chúa Jesus Christ. Nghĩa là, qua chính Đấng Christ mà mọi lời hứa của Đức Chúa Trời đối với Áp-ra-ham được hoàn thành.

Trong số tất cả những người ra từ dòng dõi của Áp-ra-ham, không ai có thể đem lại ơn phước của Thiên Chúa cho muôn dân, ngoại trừ Đức Chúa Jesus Christ. Ơn phước ấy lại là một ơn phước to lớn vô cùng, đứng đầu mọi thứ ơn kể từ sau khi loài người sa ngã, phạm tội. Đó là ơn được cứu chuộc ra khỏi hậu quả của tội lỗi và quyền lực của tội lỗi, mà không cần phải làm gì cả, ngoại trừ thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

17 Vậy thì tôi nói rằng: Giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã lập thành trong Đấng Christ rồi, thì luật pháp là sự có sau đó bốn trăm ba mươi năm không thể vô hiệu hóa nó, mà làm cho lời hứa trở nên vô giá trị.

Luật pháp được nói đến ở đây là luật pháp được Đức Chúa Trời ban hành tại Núi Si-na-i, khi Ngài lập giao ước với dân I-sơ-ra-ên. Luật pháp ấy được chép trong Thánh Kinh Cựu Ước, từ Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1 cho đến Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:47. Luật pháp ấy có Mười Điều Răn, mà Thánh Kinh gọi là Mười Lời Phán của Thiên Chúa, đứng đầu và làm nền tảng (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28; Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:13; 10:4).

18 Vì, nếu sự hưởng cơ nghiệp là bởi luật pháp, thì không còn là bởi lời hứa nữa. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cơ nghiệp cho Áp-ra-ham bởi lời hứa.

Luật pháp không hề hứa ban bất cứ điều gì cho loài người, mà chỉ hứa sự hình phạt cho những ai vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Phao-lô gọi tất cả những gì Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham là cơ nghiệp. Cơ nghiệp đó được Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham và Áp-ra-ham đã bởi đức tin mà nhận lãnh, chứ không phải do Áp-ra-ham vâng giữ trọn vẹn luật pháp chép thành chữ, là điều mãi 430 năm sau đó mới có.

Nói như thế không có nghĩa là Áp-ra-ham tùy tiện sống theo ý riêng của mình và vui thú trong một nếp sống tội lỗi. Trước khi luật pháp chép thành chữ được ban hành tại Núi Si-na-i thì Áp-ra-ham đã nhận biết và vâng theo mọi sự Thiên Chúa phán truyền cho ông, quy định cho ông. Trong đó có các điều răn, các luật lệ, và các luật pháp của Thiên Chúa:

“Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.” (Sáng Thế Ký 26:5).

Không riêng gì Áp-ra-ham mà còn nhiều người khác đã biết vâng giữ các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa từ trước khi dân I-sơ-ra-ên được hình thành. Gióp là một người đồng thời với Áp-ra-ham hoặc có trước Áp-ra-ham, là lúc luật pháp chưa viết thành chữ, nhưng Gióp đã biết kính sợ Thiên Chúa và giữ mình không phạm tội tà dâm:

“Tôi đã lập giao ước với mắt của tôi. Sao tôi có thể tư tưởng đến một người nữ đồng trinh?” (Gióp 31:1).

Gióp cho biết, ông không hề lìa bỏ các điều răn từ môi Thiên Chúa:

“Tôi chẳng hề lìa bỏ các điều răn của môi Ngài, vẫn vâng theo lời của miệng Ngài hơn là ý muốn lòng tôi.” (Gióp 23:12).

Ê-li-pha, một trong ba người bạn của Gióp, cũng biết đến luật pháp của Thiên Chúa:

“Tôi xin ông hãy nhận luật pháp từ nơi miệng của Ngài, và để các lời của Ngài trong lòng của ông.” (Gióp 22:22).

Mặc dù các điều răn và luật pháp được chép thành chữ tại Núi Si-na-i nhưng trong ấy có những điều đã có từ ban đầu, như sự thánh hóa ngày Sa-bát, sự dâng sinh tế; hoặc đã có từ hàng ngàn, hàng trăm năm trước đó, như sự cấm ăn máu, sự con cháu Áp-ra-ham phải chịu cắt bì…

Rô-ma 1:18-32 khẳng định: Từ khi sáng thế, Đức Chúa Trời đã bày tỏ mọi sự về chính Ngài cho loài người, nhưng loài người vẫn ngoan cố, vi phạm luật pháp của Ngài, mặc dù họ biết rằng, phạm luật pháp của Đức Chúa Trời là đáng chết. Rô-ma 2:15 khẳng định, luật pháp được chép trong lòng của loài người.

Vì thế, khi nói đến luật pháp của Thiên Chúa, chúng ta cần ghi nhớ rằng:

  • Luật pháp của Thiên Chúa đã có từ ban đầu, từ khi có loài người.
  • Luật pháp của Thiên Chúa được viết thành chữ, ghi lại trong Thánh Kinh, sau khi Ngài giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô và khiến họ nên dân thánh của Ngài.
  • Luật pháp của Thiên Chúa sẽ còn nguyên cho đến khi trời cũ đất cũ này qua đi.

Trong luật pháp không hề có điều luật nào bác bỏ các giao ước của Đức Chúa Trời. Trong luật pháp cũng không có lời hứa về sự cứu rỗi, nhưng trong giao ước thì có lời hứa về sự cứu rỗi. Chúng ta cần ghi nhớ rằng:

  • Luật pháp là thánh, công chính, và tốt lành (Rô-ma 7:12).
  • Luật pháp buộc tội tất cả mọi người (Rô-ma 3:19).
  • Luật pháp không đem lại sự cứu rỗi (Ga-la-ti 2:16).
  • Luật pháp không thể hủy bỏ giao ước (Ga-la-ti 3:17).
  • Giao ước có thể được lập ra, dựa trên luật pháp, như Giao Ước Cũ giữa Đức Chúa Trời với dân I-sơ-ra-ên, tại Núi Si-na-i, vào năm 1446 TCN (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28; Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:13), và Giao Ước Mới giữa Đức Chúa Trời với loài người qua Đức Chúa Jesus Christ, tại đồi Gô-gô-tha, vào năm 27 (Ma-thi-ơ 26:28; Mác 14:24; Lu-ca 22:20; Hê-bơ-rơ 9:20; 12:24).
  • Giao Ước Mới bổ sung cho Giao Ước Cũ và làm thành sự đòi hỏi của luật pháp trong Giao Ước Cũ một lần đủ cả (Ga-la-ti 3:13; Hê-bơ-rơ 7:27; 10:10).
  • Giao Ước Mới đem lại sự cứu rỗi (Ma-thi-ơ 26:28).
  • Giao Ước Mới có sau luật pháp cũng không hủy bỏ luật pháp (Ma-thi-ơ 5:17).

Vậy, luật pháp và giao ước là hai điều riêng biệt, có liên quan đến nhau nhưng không thay thế nhau. Luật pháp là ý muốn của Thiên Chúa đối với loài người về nếp sống của loài người. Giao ước là ý muốn của Thiên Chúa về những sự Thiên Chúa ban cho loài người, bao gồm: các ơn phước, cơ nghiệp của Thiên Chúa, và sự cứu rỗi khi loài người vi phạm luật pháp.

19 Vậy thì tại sao có luật pháp? Nó đã được thêm vào vì những sự phạm pháp, cho tới khi người dòng dõi đến, là người mà lời hứa đã lập cho. Nó đã được ban ra bởi các thiên sứ vào trong tay của một người trung bảo.

“Vậy thì tại sao có luật pháp?” Danh từ “luật pháp” trong câu này là chỉ về “luật pháp đã viết thành chữ”, được ghi chép trong Thánh Kinh. Nói cách khác: Nếu sự hưởng cơ nghiệp không liên quan gì đến luật pháp thì tại sao luật pháp lại được viết thành chữ?

Luật pháp được viết thành chữ vì những sự phạm luật pháp của loài người ngày càng gia tăng, đến nỗi lương tâm, tức là chức năng nhận biết Thiên Chúa và luật pháp của Thiên Chúa trong loài người đã băng hoại, khiến họ không còn nhớ đến Thiên Chúa và luật pháp của Thiên Chúa nữa. Luật pháp viết thành chữ được ban hành cho tuyển dân của Đức Chúa Trời, để họ đọc, nghe, ghi nhớ, và làm theo, cho tới khi sự cứu rỗi đến. Khi sự cứu rỗi đến, những ai tin nhận sự cứu rỗi thì được tái sinh, có lại một lương tâm thanh sạch, được Thiên Chúa ghi chép lại luật pháp của Ngài vào trong tấm lòng (Hê-bơ-rơ 8:10; 10:16). Đối với một người đã thật sự được cứu rỗi, thì dù không có luật pháp viết thành chữ người ấy vẫn biết và vâng giữ các điều răn, luật pháp của Thiên Chúa y như Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham và Gióp.

Sự cứu rỗi đến bởi một người thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham, là người làm nền tảng cho lời của Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham. Người ấy là Đức Chúa Jesus Christ, Đấng hoàn thành mọi lời hứa của Đức Chúa Trời.

Luật pháp viết thành chữ tại Núi Si-na-i bao gồm nền tảng của luật pháp là Mười Điều Răn, được tuyên phán bởi Đức Chúa Trời và do chính tay Ngài hai lần chép trên hai bảng đá, cùng với các luật lệ khác được các thiên sứ truyền đạt cho Môi-se. Môi-se là người trung bảo giữa dân I-sơ-ra-ên với Đức Chúa Trời và cũng là hình bóng tiêu biểu cho vai trò trung bảo của Đức Chúa Jesus Christ giữa Đức Chúa Trời với toàn thể nhân loại.

20 Người trung bảo chẳng phải là người trung bảo của một bên, và Đức Chúa Trời là một bên.

Trung = ở giữa. Bảo = chịu trách nhiệm. Người trung bảo là người đứng giữa hai hay nhiều bên, giúp cho các bên thương lượng với nhau, cam kết với nhau, và chịu trách nhiệm về sự giữ lời hứa của các bên. Người trung bảo có bổn phận và trách nhiệm đồng đều với các bên.

Trong Giao Ước Luật Pháp lập tại Núi Si-na-i, còn gọi là Cựu Ước, thì Môi-se là người trung bảo giữa Đức Chúa Trời với dân I-sơ-ra-ên. Khi dân I-sơ-ra-ên tưởng rằng Đức Chúa Trời đã bỏ rơi họ, thì họ đòi ném đá Môi-se. Khi Đức Chúa Trời hình phạt dân I-sơ-ra-ên vì sự họ vi phạm luật pháp của Ngài thì Môi-se đứng ra cầu thay cho họ.

21 Vậy thì luật pháp nghịch lại các lời hứa của Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy! Vì nếu đã ban cho một luật pháp ban sự sống, thì sự công chính chắc phải bởi luật pháp mà đến.

Danh từ “luật pháp” trong câu này cũng vẫn chỉ về “luật pháp được viết thành chữ”. Luật pháp được viết thành chữ không hề nghịch lại bất cứ một lời hứa (giao ước) nào của Đức Chúa Trời. Vì như đã nói, luật pháp là ý muốn của Đức Chúa Trời về cách thức loài người sinh sống; còn lời hứa là ý muốn của Đức Chúa Trời về những sự Ngài sẽ ban cho loài người. Cả hai: luật pháp và lời hứa, đều là thánh ý của Thiên Chúa, cho nên không có sự mâu thuẫn giữa luật pháp và lời hứa.

Trong luật pháp có hình phạt, vì thế, luật pháp không ban sự sống. Loài người được xưng công chính không bởi việc làm theo luật pháp, vì không ai giữ trọn luật pháp.

22 Nhưng Thánh Kinh đã nhốt mọi người dưới tội lỗi, để lời hứa bởi đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ được ban cho những ai tin.

Danh từ “Thánh Kinh” trong câu này là chỉ về phần Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại luật pháp được viết thành chữ (từ Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1 đến Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:47). Luật pháp đã nhốt mọi người dưới tội lỗi vì mọi người đều vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời và đáng bị hình phạt. Bị nhốt dưới tội lỗi là bị mang án phạt vì đã phạm tội. Động từ “nhốt” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là bị giam giữ lại một nơi mà mọi bề đều đóng lại, như bị nhốt vào tù.

Mọi người ở trong hoàn cảnh chờ ngày thi hành án phạt bị hư mất đời đời, vì mọi người đều đã phạm tội. Nhưng bởi tình yêu của Đức Chúa Trời, Ngài ban lời hứa cứu rỗi ra khỏi án phạt của luật pháp cho những ai tin nhận Đức Chúa Jesus Christ. Đây là trường hợp dành cho những người sống trong thời Tân Ước. Những người sống trước thời Tân Ước thì chỉ cần tin và vâng phục Đức Chúa Trời. Dù là những người tin nhận Đức Chúa Trời trong thời Cựu Ước và trước Cựu Ước hay những người tin nhận Đức Chúa Jesus Christ trong thời Tân Ước, thì sự cứu rỗi của mỗi người đều bởi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

23 Trước khi đức tin đến, chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin được bày ra.

Đức tin được nói đến ở đây là đức tin vào trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là tin vào trong mọi lời giảng dạy của Ngài, dẫn đến sự ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Trước khi chúng ta có đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ thì luật pháp nhốt chúng ta trong án phạt về những tội lỗi của chúng ta, và tiếp tục canh giữ chúng ta, để thêm án cho chúng ta mỗi lần chúng ta phạm tội, cho đến khi chúng ta tin nhận Đức Chúa Jesus Christ.

24 Vậy nên, luật pháp đã là người giám hộ của chúng ta, cho tới khi Đấng Christ đến, để chúng ta bởi đức tin mà được xưng công chính.

25 Nhưng khi đức tin đã đến thì chúng ta không còn ở dưới người giám hộ.

Luật pháp không phải chỉ lên án chúng ta mà còn dạy cho chúng ta biết thánh ý của Đức Chúa Trời về nếp sống của chúng ta, là điều mà chúng ta đã quên đi vì lương tâm tội lỗi đã chai lì của chúng ta. Vì thế, luật pháp được ví như người giám hộ thuộc linh. Danh từ “người giám hộ” trong Thánh Kinh được dùng để chỉ một tôi tớ hoặc một người được thuê mướn làm công việc dạy dỗ, chăm sóc, và kỷ luật con cái của chủ, cho đến khi con cái của chủ trưởng thành. Luật pháp chỉ làm người giám hộ chúng ta cho đến khi chúng ta tin nhận Đấng Christ. Bởi sự tin nhận Đấng Christ mà chúng ta được Đức Chúa Trời xưng là công chính, được thoát khỏi sự giám hộ của luật pháp, tức là không còn bị luật pháp cáo trách và lên án.

26 Vì hết thảy các anh chị em đều là con cái của Đức Chúa Trời bởi đức tin trong Đấng Christ Jesus.

Phao-lô nhắc cho con dân Chúa tại Ga-la-ti rằng, bất kể họ thuộc chủng tộc nào, tất cả đều là con cái của Đức Chúa Trời vì họ đã tin nhận Đức Chúa Jesus Christ. Lẽ thật ấy đúng với tất cả mọi người trong thời Tân Ước, kể từ khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá cho đến cuối của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

27 Vì bất cứ ai trong các anh chị em chịu báp-tem vào trong Đấng Christ, thì mặc lấy Đấng Christ.

Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy được báp-tem vào trong sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ (Rô-ma 6:1-14). Người ấy được dựng nên mới giống như Đấng Christ, có năng lực vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Đức Chúa Trời như Đấng Christ.

Phần lớn những người xưng nhận là tín đồ của Đấng Christ chỉ là những người tuyên xưng đức tin bằng môi miệng, nhưng trong lòng không thật sự ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ. Họ cũng chịu báp-tem trong danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, tham dự vào các sinh hoạt của Hội Thánh, nhưng họ không hề được dựng nên mới, không hề mặc lấy Đấng Christ. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã cảnh báo cho con dân chân thật của Ngài: Hãy nhìn trái để biết cây! Nhìn vào nếp sống tội của một người mà chúng ta biết người ấy không phải là một người ở trong Đấng Christ, cho dù người ấy được sinh ra trong gia đình tin Chúa, thuộc lòng thật nhiều câu Thánh Kinh, và thậm chí là một “mục sư” trong các giáo hội.

28 Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.

Trong Đấng Christ, tức là trong Hội Thánh, không có một sự phân biệt, kỳ thị nào, ngoại trừ trong gia đình phụ nữ phải ở dưới quyền cai trị của chồng, và trong Hội Thánh mọi người ở dưới quyền cai trị của các giám mục, trưởng lão. Mọi người hưởng sự cứu rỗi như nhau. Mọi người có phần trong sự ban ân tứ của Đức Thánh Linh. Mọi người đều là thầy tế lễ phục vụ Đức Chúa Trời. Mỗi người là một chi thể liên kết với nhau thành thân thể của Đức Chúa Jesus Christ.

29 Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.

Vì Đức Chúa Jesus Christ thuộc về dòng dõi của Áp-ra-ham, cho nên, bất cứ ai thuộc về Đấng Christ, hiệp làm một với Ngài trong sự chết và sự sống lại của Ngài, thì người ấy đương nhiên trở thành con cháu của Áp-ra-ham. Mà nếu đã là con cháu của Áp-ra-ham thì được kế tự theo lời hứa, tức là được hưởng tất cả những điều Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham:

  • Người ấy sẽ được Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban cho cơ nghiệp (Ê-phê-sô 1:14, 18; Cô-lô-se 1:12; 3:24; Hê-bơ-rơ 9:15; I Phi-e-rơ 1:4; Khải Huyền 21:7).
  • Người ấy sẽ được Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho thuộc về một dân lớn là dân của Thiên Chúa (I Phi-e-rơ 2:10).
  • Người ấy sẽ được Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban đủ các thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời (Ê-phê-sô 1:3).
  • Người ấy sẽ được Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho được nổi danh, bằng cách ban cho người ấy danh của Ngài (II Sử Ký 7:14; Ê-sai 43:7; Giê-rê-mi 15:16; Đa-ni-ên 9:19), và ban cho một danh mới, còn lại đời đời (Ê-sai 56:5; Khải Huyền 2:17).
  • Người ấy sẽ được Đấng Tự Hữu Hằng Hữu làm cho trở thành một sự phước hạnh, là người rao giảng Tin Lành của sự sống cho muôn dân (Ma-thi-ơ 28:19-20).
  • Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ ban phước cho ai chúc phước người ấy và sẽ rủa sả ai rủa sả người ấy (Ma-thi-ơ 25:31-46).
  • Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ khiến cho mọi dân tộc trên đất được hưởng phước trong người ấy, bằng cách khiến người ấy thành muối của đất và sự sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5:13-14).

Nguyện Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật ban cho chúng ta sự khôn sáng, thông sáng, để hiểu rõ sự khác nhau giữa luật pháp và lời hứa; để nhận biết mình đã thuộc về Đấng Christ, thuộc về dân thánh của Đức Chúa Trời, bởi đức tin vào trong Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyện Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật giúp cho chúng ta hiểu rằng, tin Đức Chúa Jesus Christ tức là công nhận và làm theo mọi lời phán dạy của Ngài một cách hết lòng; là ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, và sống theo Thánh Kinh.

Nguyện Đức Thánh Linh là Thiên Chúa Toàn Năng đổ đầy thánh linh trong mỗi chúng ta, để chúng ta thắng mọi thử thách, cám dỗ, và làm trọn những sự lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta.

A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/04/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/dieu-ran-luat-phap-giao-uoc-an-dien/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.