Chú Giải Giu-đe 01-07

6,261 views

Chú Giải Giu-đe 1-7
Những Kẻ Giả Hình Trong Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzEyNzAzOV9NT2ZWNw
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/9065_chu-giai-thu-giu-de

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzEyNzA3MF9jTWVEag

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Giu-đe 1-7

1 Giu-đe, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ và là em ruột của Gia-cơ, gửi cho những người đã được thánh hóa bởi Thiên Phụ và được giữ gìn trong Đức Chúa Jesus Christ; được kêu gọi!

2 Nguyện sự thương xót ở cùng anh chị em, và sự bình an, và tình yêu được thêm lên.

3 Hỡi anh chị em yêu dấu, trong khi tôi sốt sắng để viết cho anh chị em về sự cứu rỗi chung; thì tôi cần phải viết cho anh chị em và khích lệ anh chị em hãy tranh đấu cho đức tin đã một lần truyền cho những thánh đồ.

4 Vì có mấy kẻ kia lẻn vào trong vòng chúng ta, chúng nó là những kẻ đã bị định cho án phạt từ trước, là những kẻ chẳng tin kính, biến ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác. Chúng nó chối Đấng Thiên Chúa Chủ Tể Duy Nhất và là Chúa của chúng ta, là Đức Chúa Jesus Christ.

5 Mặc dù anh chị em đã biết, tôi vẫn muốn nhắc cho anh chị em nhớ: Chúa đã cứu dân Ngài ra khỏi đất Ê-díp-tô như thế nào, sau đó Ngài hủy diệt những kẻ chẳng tin.

6 Cũng vậy, những thiên sứ chẳng giữ thứ bậc ban đầu của họ nhưng lìa bỏ nơi cư trú của họ, thì Ngài đã dùng xiềng xích còn mãi mà nhốt họ dưới nơi tối tăm, cho đến ngày phán xét lớn.

7 Như thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cùng các thành lân cận cũng buông theo sự dâm dục và đi theo xác thịt lạ, thì đã chịu sự hình phạt trong lửa vĩnh cửu, để làm gương.

Lời Chào Thăm

1 Giu-đe, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ và là em ruột của Gia-cơ, gửi cho những người đã được thánh hóa bởi Thiên Phụ và được giữ gìn trong Đức Chúa Jesus Christ; được kêu gọi!

Giu-đe là một cách phát âm khác của tên Giu-đa trong tiếng Hy-lạp. Tên ấy có nghĩa là: “tôn vinh”. Như đã nói đến trong phần giới thiệu, Giu-đe là em cùng mẹ với Đức Chúa Jesus và Gia-cơ. Trong khi Gia-cơ là giám mục của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, thì Giu-đe là một trưởng lão trong Hội Thánh.

Ngay trong buổi đầu lịch sử của Hội Thánh, đã có những người tin nhận Chúa nhưng vẫn còn ham thích những sự danh tiếng trong thế gian. Chúng ta nhớ câu chuyện đôi vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra muốn được khen là người dâng hiến tài sản vào trong Hội Thánh, nhưng lại nói dối Đức Thánh Linh. Chúng ta nhớ đến cựu Thuật Sĩ Si-môn xứ Sa-ma-ri muốn dùng tiền để mua ân tứ của Đức Thánh Linh. Bên cạnh đó, Ma Quỷ lại cài đặt rất nhiều những con sói đội lốt chiên vào trong Hội Thánh, mà trong số những kẻ giả hình ấy, lại có những kẻ tự xưng là sứ đồ hoặc người giảng dạy Lời Chúa. Những kẻ ấy sống trong tội lỗi và bẻ cong Lời Chúa để bao che cho nếp sống tội lỗi, dẫn dụ những người thiếu hiểu biết về Lời Chúa cùng đi vào nếp sống tội lỗi như chúng nó.

Trong bối cảnh ấy, Giu-đe đã viết thư gửi cho con dân Chúa khắp nơi, tố cáo những sự tội lỗi của những kẻ ấy và kêu gọi con dân Chúa tránh xa chúng nó, giải cứu những người yếu đuối, thiếu hiểu biết bị mắc bẫy của chúng nó.

Dù là em cùng mẹ phần xác với Đức Chúa Jesus, nhưng Giu-đe không nhắc đến mối quan hệ ấy, mà chỉ xưng mình là “tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ”. Danh từ “tôi tớ” được dùng trong câu này, vốn có nghĩa là “kẻ nô lệ!” Nô lệ là người hoàn toàn lệ thuộc vào chủ, sự sống sự chết ở trong bàn tay của chủ, và nô lệ tuyệt đối vâng phục mọi ý muốn của chủ. Ông xưng mình là em của Gia-cơ, để phân biệt với Sứ Đồ Giu-đa là con của một Gia-cơ khác.

Bức thư của Giu-đe không gửi riêng cho một Hội Thánh địa phương nào, mà là gửi chung cho con dân Chúa khắp nơi. Rất có thể, sau khi bản chính được viết ra, thì được sao chép thành nhiều bản để gửi đến các Hội Thánh địa phương ở khắp nơi thời bấy giờ. Giu-đe gọi con dân Chúa là “những người đã được thánh hóa bởi Thiên Phụ và được giữ gìn trong Đức Chúa Jesus Christ; được kêu gọi!”

Chúng ta vốn quen với ý tưởng: Con dân Chúa được thánh hóa bởi sự máu của Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội chúng ta; và bởi sự Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta, đổ đầy thánh linh của Ngài trong chúng ta. Tuy nhiên, sự thánh hóa đó xảy ra cho chúng ta là bởi thánh ý của Đức Chúa Trời, là Cha của chúng ta ở trên trời.

Từ ngữ thánh hóa bao gồm các ý nghĩa: được làm cho tinh sạch, không còn ô uế; được dành riêng cho Đức Chúa Trời sử dụng; và được trở nên giống như Thiên Chúa. Trong khi máu của Đức Chúa Jesus Christ làm cho chúng ta được tinh sạch; Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta và đổ đầy thánh linh của Ngài trong chúng ta để chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời; thì chính Đức Chúa Trời dùng Lời của Ngài để khiến chúng ta ngày càng giống như Đức Chúa Jesus Christ:

“Xin Ngài thánh hóa họ bởi lẽ thật của Ngài. Lời Ngài là lẽ thật.” (Giăng 17:17).

“Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

Tất cả những người đã được thánh hóa bởi Thiên Phụ, tức được Đức Chúa Trời đã định sẵn để nên giống như hình ảnh của Đức Chúa Jesus, đều được giữ gìn trong chính Đức Chúa Jesus. Khi nói đến được giữ gìn trong chính Đức Chúa Jesus là hàm ý chúng ta được hiệp một với Đức Chúa Jesus, đã trở nên thân thể của Ngài. Chúng ta trở nên một với Đức Chúa Jesus đến nỗi, chúng ta có cùng sự vinh quang với Ngài, có cùng sự sống với Ngài, và có cùng các chức vụ như Ngài: tiên tri của Đức Chúa Trời, thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, và vua cai trị trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta cũng mang danh Christ. Chúng ta là những người được Đức Chúa Trời xức dầu để nhận lãnh các chức vụ và hầu việc Đức Chúa Trời. Chúng ta được đổ đầy thánh linh để làm tròn các bổn phận được Đức Chúa Trời giao phó (I Cô-rinh-tô 12).

Chính Đức Chúa Trời, Cha ở trên trời của chúng ta, giữ gìn chúng ta trong Đức Chúa Jesus Christ:

“Nhưng chính Đức Chúa Trời của Sự Bình An khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

Từ ngữ “được kêu gọi” nói đến sự kêu gọi của Đức Chúa Trời:

“Và những ai Ngài đã định sẵn thì Ngài cũng đã gọi họ. Những ai Ngài đã gọi thì Ngài cũng đã xưng họ là công chính. Những ai Ngài đã xưng là công chính thì Ngài cũng đã làm cho họ vinh hiển.” (Rô-ma 8:30).

Sự kêu gọi ở đây là sự kêu gọi vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Sự kêu gọi ấy bắt đầu bởi sự kêu gọi ăn năn để dọn lòng tiếp nhận Tin Lành. Tiếp theo là sự kêu gọi nên thánh. Nên thánh tức là đừng làm theo thế gian, đừng sống cho thế gian, nhưng làm theo mọi lời phán dạy của Chúa và sống cho Chúa.

Nhiều người đáp lại tiếng gọi ban đầu của Đức Chúa Trời. Họ thật lòng ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Nhưng rồi sau đó, họ sợ khổ, hoặc họ ham muốn thế gian, hoặc họ lo lắng những sự thuộc về thế gian, mà họ không đáp lại sự kêu gọi thứ nhì của Đức Chúa Trời. Họ trở thành những kẻ bị trật phần ân điển, tức là, bị mất đi ơn thương xót của Đức Chúa Trời, bị rơi trở về vị trí hư mất lúc ban đầu.

“Hãy coi chừng! Kẻo có người trật phần ân điển của Đức Chúa Trời! Kẻo có rễ đắng nào sinh ra, làm ngăn trở, và bởi đó nhiều người bị ô uế! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:18]” (Hê-bơ-rơ 12:15).

“Vì nếu sau khi chúng nó đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, nhờ sự tri thức về Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, rồi chúng nó lại vướng mắc những sự đó và bị bắt phục, thì sự kết thúc sau này của chúng nó sẽ xấu hơn lúc đầu. Vì thà chúng nó không biết đường công chính, thì tốt cho chúng nó hơn là sau khi chúng nó biết rồi, lại lui đi về điều răn thánh đã ban truyền cho chúng nó. Nhưng, đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ chân thật: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.” (II Phi-e-rơ 2:20-22).

Đức Chúa Trời không chỉ định sẵn một số người nào đó trong số tất cả những người được sinh ra trong thế gian này. Ngài tiền định cho mỗi một người hoặc là được vào trong sự sống đời đời hoặc là vào trong sự hư mất đời đời. Ngài tiền định vì Ngài biết trước sự lựa chọn của mỗi người. Tức là Ngài dựa vào sự lựa chọn của chúng ta mà tiền định sự chung cuộc của chúng ta, chứ không phải Ngài dùng quyền tể trị của Ngài mà tiền định chúng ta; mặc dù Ngài có quyền làm như vậy.

Tuy nhiên, dù là một người được tiền định cho sự sống đời đời hay bị tiền định cho sự hư mất đời đời, thì Đức Chúa Trời đều kêu gọi họ hãy ăn năn và hãy nên thánh. Những ai đáp lại lời kêu gọi “hãy ăn năn” của Đức Chúa Trời, thì họ đều được Ngài xưng là công chính, tức là tuyên bố họ được tha tội. Tiếp theo sự xưng là công chính ấy, thì Ngài làm cho họ vinh quang bởi sự tái sinh họ, dựng họ thành những người mới trong Đức Chúa Jesus Christ, “là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:24). Mỗi một người được dựng nên mới chiếu sáng vinh quang của Đức Chúa Trời, tức là sự công chính và thánh sạch của Lời Chúa được thể hiện qua nếp sống mới của họ.

Đức Chúa Trời vẫn kêu gọi những kẻ mà Ngài đã biết trước là họ sẽ không đáp lại tiếng gọi của Ngài, là những kẻ tự ý chọn sống một nếp sống chống nghịch Thiên Chúa, dẫn đến sự hư mất đời đời. Bởi vì, nếu Ngài dựa trên sự biết trước của Ngài mà không kêu gọi họ, thì trong ngày phán xét chung cuộc, họ sẽ có lý do để chạy tội. Họ sẽ nói là vì Đức Chúa Trời không hề ban cho họ cơ hội được cứu.

Chứng cớ về sự Đức Chúa Trời cũng kêu gọi những kẻ mà Ngài đã định cho họ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục, đó là mệnh lệnh rao giảng Tin Lành cho muôn dân, và thực tế trong thời Đại Nạn, chính thiên sứ của Đức Chúa Trời sẽ bay giữa trời, rao giảng Tin Lành cho muôn dân, muôn nước, muôn tiếng nói (Khải Huyền 14:6). Chính vì thế mà Tin Lành là mùi sự sống cho người này, là người tin nhận; nhưng là mùi sự chết cho kẻ kia, là kẻ chối bỏ (II Cô-rinh-tô 2:16). Đức Chúa Jesus Christ phán:

“Kẻ nào chối bỏ Ta và không nhận những lời nói của Ta, thì có sự phán xét kẻ ấy. Lời mà Ta đã nói, chính lời ấy sẽ phán xét kẻ ấy trong ngày sau cùng.” (Giăng 12:48).

Lời rao giảng của Đức Chúa Jesus Christ chính là Tin Lành!

2 Nguyện sự thương xót ở cùng anh chị em, và sự bình an, và tình yêu được thêm lên.

Câu thứ nhì là lời Giu-đe cầu thay và chúc phước cho con dân Chúa. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, đại danh từ ngôi thứ nhì “sy”, phiên âm /su/ [1] được dùng với hình thức số nhiều, gọi chung nhiều người, không phân biệt giống tính, nên chúng tôi dịch là “các anh chị em”. Chắc chắn rằng, phụ nữ trong Hội Thánh cũng là “những người đã được thánh hóa bởi Thiên Phụ và được giữ gìn trong Đức Chúa Jesus Christ; được kêu gọi!” Trong Hội Thánh của Chúa, địa vị được cứu chuộc và được làm con của Đức Chúa Trời không hề có sự phân biệt phái tính (Rô-ma 3:22).

Sự thương xót là tình yêu và sự cảm thông của Đức Chúa Trời dành cho muôn loài. Có được ở trong sự thương xót của Đức Chúa Trời, tức là tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài, thì mới có bình an. Bình an vì không còn ở trong sự hình phạt và không còn ở dưới quyền lực của tội lỗi. Chính nhờ ở trong sự thương xót của Đức Chúa Trời mà một người kinh nghiệm được tình yêu và biết yêu. Sự bình an và tình yêu sẽ cứ thêm lên trong cuộc sống của con dân Chúa tùy theo lượng đức tin của họ. Đức tin của con dân Chúa gia tăng là nhờ kinh nghiệm Chúa mỗi ngày trong cuộc sống, qua sự đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, và cẩn thận làm theo mọi điều Chúa phán dạy (Giô-suê 1:8).

Sói Đội Lốt Chiên

3 Hỡi anh chị em yêu dấu, trong khi tôi sốt sắng để viết cho anh chị em về sự cứu rỗi chung; thì tôi cần phải viết cho anh chị em và khích lệ anh chị em hãy tranh đấu cho đức tin đã một lần truyền cho những thánh đồ.

Giu-đe gọi con dân Chúa là “anh chị em yêu dấu”. Lời gọi ấy có nghĩa là: hỡi anh chị em là những người mà tôi rất yêu! Chúng ta biết rằng, đây là tình yêu chân thật của Giu-đe đối với con dân Chúa, chứ không phải là một lời nói đầu môi, chót lưỡi, nói chiếu lệ hay nói để lấy lòng. Chúng ta biết như vậy, vì ông viết câu này trong sự thần cảm của Đức Thánh Linh.

Lẽ ra, thư của Giu-đe viết cho Hội Thánh là để luận bàn về sự cứu rỗi chung, tức là luận bàn về Tin Lành và tác động của Tin Lành trong đời sống của những người tin nhận Tin Lành, thì ông cảm nhận rằng, ông cần phải viết về một vấn đề khác. Vấn đề khác chính là khích lệ con dân Chúa hãy tranh đấu cho đức tin; và đức tin được nói đến ở đây là đức tin về Tin Lành, là đức tin đã một lần được truyền cho những ai chọn để tin Tin Lành.

Chúng ta thường hiểu lầm đức tin là do chúng ta tự có, nhưng thật ra, đức tin là sự ban cho từ Đức Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 12:9). Mỗi một người đều được Đức Thánh Linh ban cho đức tin để có thể tin nhận Tin Lành của Đức Chúa Trời, bằng cách “sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ.” (Rô-ma 1:19), để khi họ nghe giảng Tin Lành thì họ có thể tin. Sự ban cho là bởi Đức Thánh Linh nhưng sự tiếp nhận và thực thi đức tin thuộc về quyền tự do lựa chọn của mỗi người. Tất cả những ai chọn tin nhận Tin Lành thì sở hữu đức tin và trở thành thánh đồ, tức người được Đức Chúa Trời thánh hóa. Đức tin ấy lưu truyền từ các môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus Christ cho đến ngày nay, từ thánh đồ này sang thánh đồ khác, và sẽ tiếp tục lưu truyền cho đến cuối cùng của thời Vương Quốc Ngàn Năm.

Từ ngữ “epagōnizomai”, phiên âm /ê-ba-gô-ní-dô-mai/ [2] được dịch sang tiếng Việt là “tranh đấu” trong thư Giu-đe câu 3, chỉ được dùng một lần trong toàn Thánh Kinh, và nghĩa của nó là sự tranh đấu để thắng trong chiến tranh. Tại sao Giu-đe khích lệ con dân Chúa tranh đấu cho đức tin? Là tại vì những gì mà ông viết tiếp trong câu 4:

4 Vì có mấy kẻ kia lẻn vào trong vòng chúng ta, chúng nó là những kẻ đã bị định cho án phạt từ trước, là những kẻ chẳng tin kính, biến ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác. Chúng nó chối Đấng Thiên Chúa Chủ Tể Duy Nhất và là Chúa của chúng ta, là Đức Chúa Jesus Christ.

Từ ngữ “pareisdynō”, phiên âm /ba-rai-đú-nô/ [3] được dịch sang tiếng Việt là “lẻn vào”, có nghĩa là lén lút bò vào để nhập bọn. Hình thức của sự lẻn vào của những kẻ này là giả vờ tin nhận Tin Lành để được tiếp nhận vào trong Hội Thánh, rồi từ từ dùng lời quỷ biện, bẻ cong Lời Chúa, để gieo rắc tà giáo. Trong khi đó, họ lạm dụng các tài sản vật chất của Hội Thánh, tranh giành các địa vị, chức vụ trong Hội Thánh, thậm chí, tạo ra các chức vụ, bằng cấp hoàn toàn xa lạ với Hội Thánh. Họ cũng cám dỗ các phụ nữ nhẹ dạ trong Hội Thánh cùng phạm tà dâm với họ… Sứ đồ Phi-e-rơ đã dùng trọn đoạn 2 của thư II Phi-e-rơ để nói về họ.

Giu-đe xác nhận họ là những kẻ đã bị Đức Chúa Trời tiền định cho bị đoán phạt. Bản tính thật của họ là không tin kính, tức là không tin nhận và biết ơn Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi của Ngài, trái lại, họ còn biến sự thương xót của Đức Chúa Trời dành cho những kẻ không xứng đáng như họ, thành ra việc tà ác. Bởi vì, họ nhân danh là người rao giảng ân điển của Chúa, tuyên xưng mình ở trong ân điển của Chúa, mà họ lại cám dỗ và lường gạt những người đã thật lòng tin nhận ân điển của Chúa. Họ vừa chối bỏ Đức Chúa Jesus Christ qua nếp sống thù nghịch thập tự giá của họ mà vừa chối bỏ thần tính của Ngài, không công nhận Ngài là Thiên Chúa. Danh xưng: “Đấng Thiên Chúa Chủ Tể Duy Nhất” và là Chúa, Đấng làm chủ hoàn toàn của chúng ta đã được Đức Thánh Linh thần cảm Giu-đe dùng, để gọi Đức Chúa Jesus Christ. Đây là một trong số nhiều câu trong Thánh Kinh công bố Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa!

Không phải mãi đến thế kỷ 19 mới xuất hiện những kẻ chối bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ cùng chối bỏ thần tính và thân vị của Đức Thánh Linh như các Giáo Hội Giê-hô-va Chứng Nhân (Jehovah’s Witnesses) và Mọt-môn (Mormon). Lịch sử của Hội Thánh cho biết, tà giáo này đã xuất hiện ngay từ cuối thế kỷ thứ nhất với nhiều trường phái khác nhau. Giu-đe câu 4 là bằng chứng cụ thể về những kẻ chối bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, không công nhận Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người. I Giăng 4:3 thì nói đến những kẻ không công nhận Đức Chúa Jesus Christ thật sự là người.

Cùng với các tà thuyết phủ nhận thần tính hoặc phủ nhận nhân tính của Đức Chúa Jesus Christ, còn có tà thuyết cho rằng, một khi đã tin nhận Tin Lành thì không bao giờ bị hư mất, cho dù nếp sống có như thế nào. Tà thuyết này cho rằng, vì cớ Đức Chúa Jesus Christ đã chịu chết thay cho tất cả tội lỗi của những ai tin nhận Ngài, cho nên, hễ ai tin nhận Ngài thì không thể bị hình phạt về bất cứ điều tội lỗi nào họ làm ra trong suốt phần đời còn lại của họ. Đó chính là tà thuyết mà Giu-đe gọi là: “Biến ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác”.

Trong buổi Sứ Đồ Phao-lô chia tay Hội Thánh tại Ê-phê-sô, ông đã căn dặn các trưởng lão tại đó những lời tâm huyết như sau:

“Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh chị em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài. Vì tôi biết điều này rằng, sau sự ra đi của tôi, sẽ có những sói dữ tợn xông vào trong vòng các anh chị em; chúng chẳng tiếc bầy đâu. Và từ chính các anh chị em sẽ dấy lên những kẻ nói những lời gian tà, lôi kéo những môn đồ theo họ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28-30).

Về sau, trong thư gửi cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, Phao-lô cũng đã viết rất là rõ ràng, lời cảnh báo sau đây:

“Vì những kẻ như vậy là những sứ đồ giả, những kẻ làm công lừa dối, giả dạng thành những sứ đồ của Đấng Christ. Và chẳng lạ gì, vì chính Sa-tan tự giả dạng thành thiên sứ của sự sáng. Vậy nên, chẳng có gì là vĩ đại nếu những kẻ giúp việc của nó cũng được giả dạng như những người giúp việc của sự công chính. Sự cuối cùng của chúng nó sẽ là xứng với những việc làm của chúng nó.” (II Cô-rinh-tô 11:13-15).

Bởi đó, chúng ta biết rằng, ngay từ buổi ban đầu lịch sử của Hội Thánh, tệ trạng sói đội lốt chiên và giáo sư giả, tiên tri giả cũng đã xảy ra. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri rằng, trong những ngày cuối cùng, những kẻ giả mạo đó càng gia tăng nhiều, thậm chí làm ra những dấu kỳ, phép lạ, và giả mạo làm Đấng Christ! (Ma-thi-ơ 24:4-5; 11; 24). Vì thế, đừng chạy theo các phong trào dấu kỳ, phép lạ mang danh Chúa, đừng tin vào bất cứ một sự giảng dạy nào mang danh Chúa mà lại không có trong Thánh Kinh. Cũng hãy cẩn thận đối với những kẻ trích dẫn Thánh Kinh mà lại bẻ cong ý nghĩa của Thánh Kinh. Ma Quỷ là cha của chúng nó, từ xưa đã dám trích dẫn Thánh Kinh để cám dỗ Đức Chúa Jesus Christ (Ma-thi-ơ 4:6).

Bài Học Lịch Sử

5 Mặc dù anh chị em đã biết, tôi vẫn muốn nhắc cho anh chị em nhớ: Chúa đã cứu dân Ngài ra khỏi đất Ê-díp-tô như thế nào, sau đó Ngài hủy diệt những kẻ chẳng tin.

Giu-đe nhắc cho con dân Chúa nhớ lại, điều mà họ đã biết qua Thánh Kinh. Đó là, mặc dù Chúa đã nhận dân I-sơ-ra-ên là con dân của Ngài và cứu họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô; nhưng Ngài cũng đã hủy diệt cả một thế hệ không tin. Vào năm thứ nhì, sau khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, vì cớ sự bội nghịch, không tin của họ, mà toàn thể những ai từ 20 tuổi trở lên phải bị chết trong đồng vắng, không được vào Đất Hứa Ca-na-an. Trong số những người bị hình phạt đó, có cả Môi-se và A-rôn. Chỉ có Giô-suê và Ca-lép là hai người có đức tin trọn vẹn nơi Chúa, cùng với thế hệ I-sơ-ra-ên dưới 20 tuổi, mới được vào đất hứa 38 năm sau đó! (Dân Số Ký 14; 20). Đó là nói về cách Chúa đối xử với loài người đã được Ngài nhận làm con dân Ngài mà phản nghịch của Ngài.

6 Cũng vậy, những thiên sứ chẳng giữ thứ bậc ban đầu của họ nhưng lìa bỏ nơi cư trú của họ, thì Ngài đã dùng xiềng xích còn mãi mà nhốt họ dưới nơi tối tăm, cho đến ngày phán xét lớn.

Những thiên sứ mà Giu-đe đề cập đến trong câu 6 phải là những thiên sứ đã được nói đến trong Sáng Thế Ký 6:1-4:

1 Loài người bắt đầu thêm nhiều trên mặt đất và sinh được những con gái.

2 Các con trai của Đức Chúa Trời thấy những con gái của loài người xinh đẹp, thì họ lấy làm vợ những người họ chọn. [Danh từ “các con trai của Đức Chúa Trời” được dùng để gọi các thiên sứ. Xem: Gióp 1:6; 2:1. Các thiên sứ không có thân thể xác thịt nên họ đã nhập vào thân thể xác thịt của những người nam để có thể kết hôn với những người nữ.]

3 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Thần của Ta sẽ chẳng mãi tranh chấp với loài người. Nó chỉ là xác thịt; các ngày của nó sẽ là một trăm hai mươi năm. [Từ ngày Thiên Chúa phán cho đến ngày loài người bị tiêu diệt là 120 năm.]

4 Trong những ngày đó và sau đó, có những người cao lớn trên mặt đất, sau khi các con trai của Đức Chúa Trời đến với những con gái của loài người và họ sinh con cho chúng. Ấy là những người dũng mãnh thời xưa, là những kẻ nổi danh. [Trong những ngày đó và sau đó: hàm ý nhiều thế hệ trôi qua.]

Gióp 1:6 và 2:1 cũng dùng từ ngữ “những con trai của Đức Chúa Trời” còn Gióp 38:7 thì dùng từ ngữ “những con trai của Thiên Chúa”, mà văn mạch giúp cho chúng ta hiểu là chỉ về những thiên sứ.

Trong khi Sa-tan cầm đầu khoảng 1/3 những thiên sứ phản nghịch Chúa và cả bọn bị đuổi ra khỏi thiên đàng (Khải Huyền 12:4), thì chúng vẫn là những thần linh cầm quyền trong chốn không trung, rồi cầm quyền trên đất sau khi loài người phạm tội:

“Còn các anh chị em đã chết vì những lỗi lầm và những tội lỗi của mình, những sự mà trước kia các anh chị em đã bước đi theo cuộc sống của đời này, theo kẻ cầm quyền cai trị chốn không gian, là đấng thần linh hiện đang tác động trong những con cái bội nghịch.(Ê-phê-sô 2:1-2).

“Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.(Ê-phê-sô 6:12).

Nhưng trong số những thiên sứ phản nghịch, trở thành ma quỷ ấy, lại có một số nhập vào thân thể xác thịt của những người đàn ông trong thời trước Cơn Nước Lụt, để làm băng hoại dòng dõi của loài người, bằng cách kết hôn và sinh ra một dòng giống hung bạo. Có thể, đây là một chính sách của Sa-tan nhằm vô hiệu hóa lời tiên tri của Thiên Chúa trong Sáng Thế Ký 3:15:

“Ta sẽ đặt sự nghịch thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ. Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ làm tổn thương gót chân người. [Chữ người trong câu này chỉ về một người sẽ ra từ dòng dõi người nữ, tức là Đức Chúa Jesus.]”

Đức Chúa Jesus Christ dạy rằng, những thiên sứ không có chức năng sinh sản cũng không kết hôn (Lu-ca 20:34-36), cho nên, Sáng Thế Ký 6:1-4 phải được hiểu là một số những thiên sứ phạm tội đã nhập vào thân thể xác thịt của những người đàn ông trên đất. Vì sự tự ý ám nhập vào thân thể loài người mà họ bị giam lại, thay vì được tự do cầm quyền ở các miền trên trời và đi lại trên đất.

Lu-ca 8:27-33 thuật lại câu chuyện Đức Chúa Jesus đuổi một bầy quỷ dữ ra khỏi một người mà chúng ám nhập, thì chúng sợ hãi, xin Ngài đừng khiến chúng xuống vực sâu:

“Chúng nó đã cầu xin Ngài rằng, Ngài đừng khiến chúng nó đi vào vực sâu không đáy.” (Lu-ca 8:31).

Câu chuyện ấy giúp cho chúng ta hiểu rằng, những thiên sứ phạm tội biết rất rõ cái giá phải trả khi chúng tự ý nhập vào một người. Đó là phải bị giam vào trong vực sâu tối tăm để chờ ngày phán xét.

Như Ê-phê-sô 6:12 cho chúng ta biết, các thiên sứ phạm tội, vẫn ở dưới quyền Sa-tan mà cầm quyền trong các tầng trời, tức là trong vũ trụ vật chất của chúng ta. Có thể 1/3 những thiên sứ do Thiên Chúa tạo nên, đã được Ngài giao cho cai trị vũ trụ vật chất của chúng ta, trong khi loài người thì được cai trị đất và muôn vật trên đất, cho đến khi Vương Quốc của Đức Chúa Trời được thể hiện. Vì sự phạm tội của những thiên sứ đó mà vũ trụ trở nên hỗn loạn, hành tinh này va chạm hành tinh kia, thiên hà này va chạm thiên hà nọ, thậm chí các mảnh vụn từ các hành tinh xa xôi vẫn thường va chạm vào trái đất. Một số các thiên sứ trong những thiên sứ phạm tội ấy lại bỏ nơi cư trú của họ, là các hành tinh, để nhập vào loài người trên đất, nên Đức Chúa Trời đã dùng sự trói buộc đời đời để nhốt họ lại trong vực sâu không đáy. Từ ngữ xiềng xích đời đời là nói đến sự giam cầm đời đời. Hiện nay, họ vẫn bị giam cầm trong vực sâu cho đến ngày phán xét. Có lẽ đó cũng là ngày phán xét chung cuộc của loài người như được tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15. Sau khi bị phán xét, thì họ lại bị giam cầm đời đời trong hỏa ngục (Ma-thi-ơ 25:41).

7 Như thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cùng các thành lân cận cũng buông theo sự dâm dục và đi theo xác thịt lạ, thì đã chịu sự hình phạt trong lửa vĩnh cửu, để làm gương.

Trong câu 5 Giu-đe nói đến sự nghiêm khắc của Đức Chúa Trời đối với loài người đã được ở trong địa vị làm con dân của Ngài. Trong câu 6 Giu-đe nói đến sự nghiêm khắc của Đức Chúa Trời đối với các thiên sứ phạm tội. Trong câu 7 Giu-đe nói đến sự nghiêm khắc của Đức Chúa Trời đối với loài người không tin nhận Ngài, không là con dân của Ngài. Ông dùng sự hình phạt hai thành Sô-đôm, Gô-mô-rơ và các thành lân cận hai thành ấy làm điển hình. Tội lỗi nổi bật nhất của các thành ấy là: “Buông theo sự dâm dục và đi theo xác thịt lạ”, tức là phạm đủ mọi hình thức tà dâm bao gồm đồng tính luyến ái và tà dâm với thú vật. Từ ngữ “xác thịt lạ” hàm ý sự tà dâm với loài thú, vì xác thịt của loài thú khác với xác thịt của loài người. Họ đã đem xác thịt mang hình Thiên Chúa ra kết hiệp với loài thú để trở nên một với loài thú. Sáng Thế Ký 19:5 cho thấy là đàn ông cả thành Sô-đôm, từ già đến trẻ, đều là những kẻ đồng tính luyến ái. Họ đòi ông Lót phải giao nộp hai thiên sứ mang hình dáng người nam ra cho họ, để họ “được biết”; và chữ “được biết” ở đây có nghĩa là được quan hệ tính dục, như được dùng trong Sáng Thế Ký 4:1, nói về sự A-đam “biết” (mà Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là “ăn ở”) Ê-va, và bà sinh ra Ca-in.

Trong thực tế, lửa từ trời đã thiêu hủy Sô-đôm, Gô-mô-rơ, và các thành lân cận; nhưng đó không phải là lửa đời đời mà Giu-đe nói đến trong câu 7. Hình phạt bằng lửa đời đời dành cho dân chúng các thành ấy là lửa của hỏa ngục. Dù vậy, trong ngày phán xét chung cuộc, Sô-đôm và Gô-mô-rơ sẽ chịu phạt nhẹ hơn là thành Ca-bê-na-um đương thời của Đức Chúa Jesus. Chính Đức Chúa Jesus phán như vậy và lời phán ấy được ghi lại trong: Ma-thi-ơ 10:15; 11:24; Lu-ca 10:12.

Ngày nay, nhiều thành phố trong thế gian còn phạm tội nặng hơn cả thành Ca-bê-na-um, nhất là những thành phố tại các nước tây phương, là những thành phố tràn ngập các nhà thờ của các giáo hội mang danh Chúa. Các giáo hội ấy cùng mang chung danh xưng Cơ-đốc Giáo, với số lượng tín đồ lên đến hơn hai tỉ người, là cái ổ và là mẹ của “những kẻ chẳng tin kính, biến ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác”. Con dân Chúa hãy ra khỏi những Sô-đôm và Gô-mô-rơ thuộc linh ấy (II Cô-rinh-tô 6:14-18). “Hãy tranh đấu cho đức tin đã một lần truyền cho những thánh đồ!” Hãy cùng nhau chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ! (II Ti-mô-thê 2:3). Hãy chiến đấu để thắng! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
08/11/2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G4771

[2] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G1864

[3] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G3921

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.