Chú Giải I Ti-mô-thê 4:1-16
Bổn Phận của Giám Mục
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
1 Nhưng Đấng Thần Linh phán tỏ tường rằng, trong những thời buổi sẽ đến, một số người sẽ từ bỏ đức tin, mà theo các thần lừa dối và những giáo lý của ma quỷ.
2 Chúng nói những lời nói dối trong sự giả hình, làm cho lương tâm của chúng chai lì.
3 Chúng cấm cưới gả, kiêng các thức ăn mà Đức Chúa Trời đã dựng nên cho những ai tin và biết lẽ thật nhận lấy với lời cảm tạ.
4 Vì mọi vật được dựng nên của Thiên Chúa {là} tốt lành, không một vật gì đáng bỏ, miễn là nhận lãnh với lời cảm tạ.
5 Vì {mọi vật ấy} được nên thánh bởi Lời của Thiên Chúa và lời hiệp nguyện.
6 Con nhắc những sự ấy cho các anh chị em cùng Cha, thì con sẽ là người giúp việc ngay lành của Đức Chúa Jesus Christ, được nuôi bởi các lời của đức tin và giáo lý lành, mà con đã theo.
7 Nhưng hãy tránh những lời thô tục và những câu chuyện không có thật của các phụ nữ lớn tuổi. Chính mình con hãy tập tành hướng về sự tin kính.
8 Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao nhiêu, còn như sự tin kính là ích lợi cho mọi việc, có lời hứa về đời này và về đời sau nữa.
9 {Ấy là} lời đáng tin, xứng đáng với mọi sự tiếp nhận.
10 Vì chúng ta lao khổ và chịu sỉ nhục, ấy là chúng ta tin cậy nơi Thiên Chúa Hằng Sống. Ngài là Đấng Giải Cứu của mọi người, đặc biệt là của những tín đồ.
11 Con hãy truyền và dạy những sự ấy.
12 Chớ để người ta khinh tuổi trẻ của con, nhưng con hãy làm gương cho những tín đồ trong lời nói, trong sự cư xử, trong tình yêu, trong thần trí, trong đức tin, trong sự tinh sạch.
13 Hãy chăm chỉ đọc sách, khuyên bảo, dạy dỗ, cho đến khi ta đến.
14 Đừng bỏ quên ơn trong con, {là} điều đã ban cho con bởi lời tiên tri với sự đặt tay của Hội Đồng Trưởng Lão.
15 Hãy chuyên tâm suy ngẫm và ở trong những sự đó, để mọi người thấy sự tấn tới của con.
16 Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con. Cứ ở lại trong mọi sự đó, vì làm như vậy, thì con và những người nghe con sẽ được cứu.
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTgzODg3NjFf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9054040-i-ti-mo-the-4_1-16
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/n30r4tbbqe5nhjs/9054040_I_Timothe_4_1-16.mp3
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
Ti-mô-thê là giám mục của Hội Thánh tại Ê-phê-sô và những lời Phao-lô viết cho Ti-mô-thê là những lời khuyên dạy về bổn phận của một giám mục. Tuy nhiên, những lời khuyên dạy ấy vẫn có thể áp dụng chung cho mỗi con dân Chúa.
1 Nhưng Đấng Thần Linh phán tỏ tường rằng, trong những thời buổi sẽ đến, một số người sẽ từ bỏ đức tin, mà theo các thần lừa dối và những giáo lý của ma quỷ.
Đấng Thần Linh là danh xưng của Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh [1], [2]. Khi Ngài ngự trong thân thể của con dân Chúa và trực tiếp phán dạy con dân Chúa trong tâm thần của họ, thì Thánh Kinh dùng danh xưng “Đức Thánh Linh”, để phân biệt với tà linh là các thiên sứ phạm tội, và linh của loài người là tâm thần. Khi Ngài hành động hoặc phán dạy ngoài thân thể của con dân Chúa, thì Thánh Kinh dùng cách gọi: “Đấng Thần Linh”.
Đấng Thần Linh phán tỏ tường: Thánh Kinh không nói rõ Đấng Thần Linh đã phán tỏ tường với ai, khi nào. Nhưng dựa vào sự kiện động từ “phán” được dùng với thì hiện tại, chúng ta có thể hiểu là Đấng Thần Linh phán với Phao-lô, khi ông đang viết hay đọc cho người khác viết thư I Ti-mô-thê. Sự kiện này tương tự như khi Đấng Thần Linh phán với Chấp Sự Phi-líp (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:29), phán với Sứ Đồ Phi-e-rơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:19).
Phán tỏ tường có nghĩa là không dùng ngụ ngôn, không nói bóng gió, nhưng nói một cách rõ ràng, cụ thể, mà người nghe có thể hiểu đúng ý. Đó là những điều được Phao-lô liệt kê tiếp theo cho đến hết câu 3.
Trong những thời buổi sẽ đến: Không phải là “trong đời sau rốt” như Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã dịch. Những thời buổi sẽ đến chỉ về các thời kỳ lịch sử của Hội Thánh, sau khi thư I Ti-mô-thê được viết. Lịch sử của Hội Thánh bao gồm các thời kỳ chính như sau:
-
Từ năm 27 đến năm 100: Thời kỳ mới thành lập; bị bách hại bởi Do-thái Giáo, bởi Hoàng Đế Nê-rô (Nero) và Hoàng Đế Đô-mi-tiên (Domitian) của La-mã; Thánh Kinh Tân Ước được hoàn tất với sách Khải Huyền được viết vào khoảng năm 95.
-
Từ năm 100 đến năm 313: Thời kỳ bị bách hại bởi đế quốc La-mã.
-
Từ năm 313 đến năm 380: Thời kỳ bị tiêm nhiễm ngoại giáo, mê tín dị đoan.
-
Từ năm 380 đến năm 1517: Thời kỳ La-mã quốc giáo hóa Đạo Chúa; Công Giáo được chính thức thành lập vào ngày 27/02/380 [3].
-
Từ năm 1517 đến năm 1661: Thời kỳ cải chính do Mạc-tin Lu-te (Martin Luther) khởi động vào năm 1517; Thánh Kinh Anh Ngữ Bản Dịch King James ra đời vào năm 1661.
-
Từ năm 1661 đến 1948: Thời kỳ Tin Lành được rao giảng khắp nơi trong thế gian; Quốc Gia I-sơ-ra-ên được tái lập trên vùng Đất Hứa Ca-na-an vào ngày 14/05/1948, mở đầu cho thời kỳ cuối cùng trước khi tận thế.
-
Từ năm 1948 đến hiện tại: Sự bội đạo lớn xảy ra trong Hội Thánh qua các phong trào: Nói Tiếng Lạ (lắp bắp những âm thanh vô nghĩa – Speaking in Tongues), Dấu Kỳ Phép Lạ (giả mạo việc chữa bệnh, đuổi quỷ trong danh Chúa – Signs and Wonders), Cội Nguồn Hê-bơ-rơ (buộc con dân Chúa gọi danh Chúa theo tiếng Hê-bơ-rơ, giữ các ngày lễ hội thời Cựu Ước, và kiêng các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước – Hebrew Roots), Tin Lành Thịnh Vượng (dạy rằng, con dân Chúa phải giàu có về vật chất, dạy rằng, bệnh tật, khó nghèo là hậu quả của sự thiếu đức tin, hậu quả của tội lỗi – Prosperity Gospel), Thần Học Hội Nhập (hội nhập văn hóa và tâm lý học của thế gian vào nếp sống của con dân Chúa – Theology of Integration); qua các tà giáo chối bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh, như Giáo Hội Chứng Nhân Giê-hô-va (Jehovah’s Witnesses)…
Những gì Đấng Thần Linh phán cách tỏ tường, được Phao-lô ghi lại trong I Ti-mô-thê 4:1-3, là những sự xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh, kể từ khi thư I Ti-mô-thê được viết ra.
Một số người sẽ từ bỏ đức tin mà theo các thần lừa dối và những giáo lý của ma quỷ: Đức tin của con dân Chúa vào chính Thiên Chúa và sự cứu rỗi của Ngài luôn luôn dựa trên lẽ thật là Lời của Thiên Chúa, được ghi chép trong Thánh Kinh. Nếu con dân Chúa tin bất cứ điều gì không đúng với Thánh Kinh, thì trở thành từ bỏ đức tin mà tin theo các thần lừa dối, tin theo những giáo lý của ma quỷ.
Các thần lừa dối bao gồm các tà linh, tức là các thiên sứ phạm tội, theo Sa-tan chống nghịch Thiên Chúa, có thể nhập vào thân thể xác thịt của loài người; lẫn những người có tâm thần chống nghịch Thiên Chúa, chọn phục vụ Sa-tan; và chính bản thân Sa-tan. Lời Chúa chép:
“Vì những kẻ như vậy {là} những sứ đồ giả, những kẻ làm công lừa dối, giả dạng thành những sứ đồ của Đấng Christ. Nào có lạ gì, vì chính Sa-tan giả dạng thành thiên sứ sáng láng. Vậy nên, chẳng {có gì là} vĩ đại nếu những kẻ giúp việc của nó giả dạng như những người giúp việc công bình. Sự cuối cùng của chúng nó sẽ xứng với việc làm của chúng nó.” (II Cô-rinh-tô 11:13-15).
Những giáo lý của ma quỷ: Là tất cả những sự dạy dỗ nào không đúng với Thánh Kinh, như dạy rằng: Con dân Chúa phải biết nói tiếng lạ, tức là phải biết lắp ba, lắp bắp những âm thanh vô nghĩa, không có cấu trúc của một ngôn ngữ; trong khi ơn nói ngoại ngữ là ơn nói các thứ ngôn ngữ của loài người, như đã được liệt kê trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 2. Hoặc dạy rằng: Con dân Chúa phải được giàu có về vật chất; trong khi Lời Chúa dạy:
“Như vậy, được có ăn, có mặc thì chúng ta phải thỏa lòng. Còn những kẻ muốn được giàu có, thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, {rơi vào} nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất. Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.” (I Ti-mô-thê 6:8-10).
Có một giáo lý của ma quỷ được công khai giảng dạy trong phần lớn các giáo hội mang danh Chúa, là giáo lý dạy rằng, con dân Chúa không cần giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy. Ma quỷ chỉ cần con dân Chúa vi phạm MỘT ĐIỀU RĂN, vì nó biết rõ câu Thánh Kinh này:
“Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều, thì cũng bị tội như đã phạm hết thảy.” (Gia-cơ 2:10).
Đồng thời, ma quỷ lại dựng lên nhiều giáo hội mang danh Chúa, kêu gọi giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, nhưng lồng vào đó là những giáo lý sai trật Thánh Kinh khác, như: buộc con dân Chúa phải kiêng các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước, hoặc buộc con dân Chúa phải giữ các ngày lễ hội trong Cựu Ước, hoặc buộc con dân Chúa phải gọi danh Chúa theo tiếng Hê-bơ-rơ, hoặc là kêu gọi con dân Chúa thờ phượng một “Đức Chúa Trời Mẹ”…
Con dân Chúa thực sự cần phải bước ra khỏi các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa, mà quay về với Thánh Kinh. Nhóm hiệp với những người cùng đức tin nơi lẽ thật của Thánh Kinh. Đó mới là sự nhóm hiệp của Hội Thánh.
Những người rao giảng tà giáo đương nhiên là công cụ trong tay Sa-tan. Con dân Chúa không thể thông công với những người rao giảng tà giáo (Tít 3:10).
2 Chúng nói những lời nói dối trong sự giả hình, làm cho lương tâm của chúng chai lì.
Những lời nói dối là những lời không đúng Thánh Kinh. Nói trong sự giả hình là nói những lời nói dối trong danh Chúa. Chúng càng nói dối bao nhiêu thì lương tâm của chúng càng chai lì bấy nhiêu.
3 Chúng cấm cưới gả, kiêng các thức ăn mà Đức Chúa Trời đã dựng nên cho những ai tin và biết lẽ thật nhận lấy với lời cảm tạ.
Trước khi Công Giáo được chính thức thành lập thì Hội Thánh đã tiêm nhiễm nhiều các thói tục của ngoại giáo, và phát sinh nhiều tà thuyết. Một trong các tà thuyết ấy dạy rằng, những người mang các chức vụ trong Hội Thánh phải sống độc thân. Theo nghị quyết 33 của Công Đồng Elvira vào năm 305, (Elvira ngày nay là thành phố Granada, Tây-ban-nha,) thì tất cả các giám mục, người chăn, chấp sự không được kết hôn, nếu đã kết hôn thì không được tiếp tục quan hệ tính dục với vợ, không được sinh con. Sự cấm cưới gả ấy được duy trì trong Giáo Hội Công Giáo cho đến ngày nay.
Sự kiêng các thức ăn bao gồm sự hoàn toàn kiêng ăn thịt, chỉ ăn chay, lẫn sự kiêng ăn các thức ăn bị xem là không tinh sạch trong thời Cựu Ước. Ngày nay, vẫn có một số giáo hội mang danh Chúa kiêng các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước, như: Cơ-đốc Phục Lâm, Hội Thánh của Đức Chúa Trời (Church of God), Liên Hiệp Hội Thánh của Đức Chúa Trời (United Church of God), Hội Thánh của Đức Chúa Trời Vĩ Đại (Church of the Great God), và một vài nhóm Cội Nguồn Hê-bơ-rơ (Hebrew Roots).
Trong khải tượng Chúa ban cho Sứ Đồ Phi-e-rơ, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9-16, chúng ta nhận thấy những ý nghĩa sau đây:
-
Đức Chúa Trời đã làm sạch mọi thứ không tinh sạch, từ loài vật cho đến loài người. Đức Chúa Trời ba lần lập lại cùng một lời phán với Phi-e-rơ: “Bất cứ vật gì Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ xem là ô uế.”
-
Từ đó trở đi, người Do-thái không được coi khinh các dân tộc khác là ô-uế, không tinh sạch vì cớ họ không chịu cắt bì.
-
Cũng không còn sự phân biệt các loài thú vật tinh sạch hoặc không tinh sạch. Các loài thú vật đều được dùng làm thực phẩm cho loài người như trước thời kỳ Cựu Ước.
Cô-lô-se 1:19-20 cho chúng ta biết muôn vật đã được phục hòa với Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, nghĩa là đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch qua Đấng Christ. Vì thế, loài người có thể ăn mọi động vật miễn là không ăn máu, như mệnh lệnh của Đức Chúa Trời trong Sáng Thế Ký 9:3-4:
“Bất cứ vật gì hành động và có sự sống thì sẽ là đồ ăn cho các ngươi như mọi thứ rau xanh mà Ta đã ban cho các ngươi. Nhưng thịt có sự sống, nghĩa là có máu, thì các ngươi đừng ăn.”
Con dân Chúa có thể chọn sống độc thân hoặc chọn kiêng ăn thịt, nhưng con dân Chúa không chấp nhận tà giáo cấm cưới gả và cấm ăn thịt, hoặc cấm ăn các thức ăn bị xem là không tinh sạch thời Cựu Ước. Xin đọc thêm hai bài biện giáo về “Thức Ăn Không Tinh Sạch” trên trang: www.tinlanhbiengiao.net [4], [5].
4 Vì mọi vật được dựng nên của Thiên Chúa {là} tốt lành, không một vật gì đáng bỏ, miễn là nhận lãnh với lời cảm tạ.
5 Vì {mọi vật ấy} được nên thánh bởi Lời của Thiên Chúa và lời hiệp nguyện.
Mỗi một loài do Thiên Chúa dựng nên đều rất là tốt lành, như chính lời Ngài đã xác nhận trong Sáng Thế Ký 1:31. Sau khi loài người phạm tội, thì muôn vật trên đất bị băng hoại vì hậu quả của sự phạm tội. Một số loài vật làm thức ăn cho loài người trở nên không thích hợp cho loài người vì mang nhiều mầm bệnh, và có lẽ vì vậy mà bị liệt kê là các thức ăn không tinh sạch. Nhưng sau sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, thì có thể ăn các thức ăn vốn bị xem là không tinh sạch. Vì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng được tinh sạch, nghĩa là chúng không còn khả năng gây bệnh cho con dân của Ngài.
Tất cả các thức ăn bị cho là không tinh sạch trong thời Cựu Ước đã được tinh sạch bởi lời phán của Thiên Chúa trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10:15, và bởi lời hiệp nguyện cảm tạ của con dân Chúa.
6 Con nhắc những sự ấy cho các anh chị em cùng Cha, thì con sẽ là người giúp việc ngay lành của Đức Chúa Jesus Christ, được nuôi bởi các lời của đức tin và giáo lý lành, mà con đã theo.
Những sự ấy: Là tất cả những gì đã được nói từ câu 1 đến câu 5, là sự kiện các thần lừa dối rao giảng tà giáo trong Hội Thánh.
Người giúp việc ngay lành của Đức Chúa Jesus Christ: Là người luôn canh giữ Hội Thánh của Chúa, cảnh giác con dân Chúa trước nguy cơ tà giáo và sự phạm tội; người luôn rao giảng đúng theo lẽ thật của Lời Chúa, được gọi là các lời của đức tin và giáo lý lành.
Các lời của đức tin là Lời Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh. Các lời của giáo lý lành là các lời giảng dạy đúng theo Thánh Kinh.
7 Nhưng hãy tránh những lời thô tục và những câu chuyện không có thật của các phụ nữ lớn tuổi. Chính mình con hãy tập tành hướng về sự tin kính.
Tránh: Không nói, không nghe, không ngồi chung với những người nói và nghe những lời thô tục, những câu chuyện không có thật (Thi Thiên 1).
Những lời thô tục: Bao gồm những lời tục tĩu, dâm dật, mắng nhiếc, chửi thề mà trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là những lời ô uế đem lại sự hổ thẹn cho người nói lẫn người nghe.
Những câu chuyện không có thật của các phụ nữ lớn tuổi: Những điều bịa đặt, nói xấu người khác, hoặc những sự khoe khoang dối trá, hoặc những tin “giật gân” bịa đặt nhằm khích động người nghe, thường được các phụ nữ lớn tuổi “ngồi lê đôi mách” [6].
Tập tành hướng về sự tin kính: Sự tin kính là đức tin và lòng kính yêu Thiên Chúa. Tập tành hướng về sự tin kính là thực hành mệnh lệnh của Chúa trong Giô-suê 1:8, tức là ngày đêm suy ngẫm Lời Chúa và luôn cẩn thận áp dụng Lời Chúa vào trong đời sống.
8 Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao nhiêu, còn như sự tin kính là ích lợi cho mọi việc, có lời hứa về đời này và về đời sau nữa.
9 {Ấy là} lời đáng tin, xứng đáng với mọi sự tiếp nhận.
Sự tập luyện thân thể xác thịt có ích nhưng không có ích bằng sự tập luyện thân thể thuộc linh. Ý nghĩa của câu 8 không hề bác bỏ sự luyện tập thân thể xác thịt, mà chỉ so sánh sự ích lợi giữa luyện tập thân thể xác thịt với luyện tập thân thể thuộc linh. Thực tế, những người sống bằng các nghề lao động chân tay vất vả thì không cần phải dành thêm thời gian để tập thể dục.
Một người có nếp sống suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm và cẩn thận áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống, thì luôn được thịnh vượng trong cuộc sống và luôn khôn sáng trong mọi hành động, nhận được các lời hứa của Chúa ngay trong đời này lẫn đời sau.
Nội dung của câu 8 đáng cho mọi người tin nhận. Tin nhận là tin và làm theo.
10 Vì chúng ta lao khổ và chịu sỉ nhục, ấy là chúng ta tin cậy nơi Thiên Chúa Hằng Sống. Ngài là Đấng Giải Cứu của mọi người, đặc biệt là của những tín đồ.
Việc rao giảng Tin Lành, giảng dạy Thánh Kinh, chăm sóc Hội Thánh luôn là việc lao khổ và phải gánh chịu nhiều sỉ nhục từ những kẻ chống đối. Nhưng những người được Chúa giao cho chức vụ như Phao-lô và Ti-mô-thê vẫn vững lòng tin cậy nơi Thiên Chúa Hằng Sống. Danh xưng Thiên Chúa Hằng Sống được dùng để diễn đạt danh xưng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu. Nếu chúng ta hoàn toàn tin cậy và vâng phục Thiên Chúa Hằng Sống, thì chúng ta hiểu rằng: Không có việc gì xảy ra mà không có sự cho phép của Thiên Chúa. Mọi sự hiệp lại là để làm ích cho chúng ta. Ngài không cho phép sự thử thách và cám dỗ quá sức chịu đựng của chúng ta. Ngài luôn mở đường cho chúng ta ra khỏi mọi thử thách và cám dỗ. Vì Ngài là Đấng yêu chúng ta và là Đấng Giải Cứu của chúng ta.
Thiên Chúa không chỉ giải cứu những ai tin cậy Ngài, mà Ngài giải cứu mọi người. Vấn đề là không phải mọi người đều tin nhận sự giải cứu của Ngài. Một người chỉ có thể nhận được sự giải cứu trọn vẹn của Thiên Chúa, sau khi tin nhận sự Ngài giải cứu người ấy ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
11 Con hãy truyền và dạy những sự ấy.
Truyền và dạy những điều đã được trình bày từ câu 1 đến câu 10. Động từ “truyền” trong câu này mang ý nghĩa “truyền lệnh”, tức là truyền các điều Thiên Chúa phán bảo. Động từ “dạy” có nghĩa là giảng giải cho hiểu rõ. Vì thế, nếu có ai không làm theo những lời đã truyền, sau khi đã được giảng dạy cách rõ ràng, thì người ấy phải bị kỷ luật, vì đã cố ý không vâng theo mệnh lệnh của Chúa.
12 Chớ để người ta khinh tuổi trẻ của con, nhưng con hãy làm gương cho những tín đồ trong lời nói, trong sự cư xử, trong tình yêu, trong thần trí, trong đức tin, trong sự tinh sạch.
Vào thời điểm thư I Ti-mô-thê được viết, có lẽ Ti-mô-thê đã quá 30 tuổi. Chúng ta không có cách nào để xác định tuổi của Ti-mô-thê. Chúng ta chỉ biết vào năm 49 Phao-lô bắt đầu đem Ti-mô-thê theo trong hành trình truyền giáo thứ nhì (Công Vụ Các Sứ Đồ 16). Lúc đó, Ti-mô-thê có lẽ vào khoảng từ 16 đến 20 tuổi. Mười sáu năm sau, năm 65, Phao-lô viết thư I Ti-mô-thê. Như vậy, lúc thư I Ti-mô-thê được viết thì Ti-mô-thê đã quá 30 tuổi. Công Vụ Các Sứ Đồ 7:58 cũng gọi Phao-lô (Sau-lơ) là một người trẻ, trong khi vào thời điểm ấy Phao-lô đã vào khoảng 34 tuổi.
Người đời hay xem thường những người tuổi trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Nhưng trong Chúa, điều quan trọng không phải là lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm sống, mà là lòng tin cậy, vâng phục Chúa và thẩm quyền cùng ân tứ Chúa ban cho. Tiên Tri Sa-mu-ên được Chúa kêu gọi và sai dùng khi ông còn là một đứa bé khoảng 12 tuổi. Tiên Tri Giê-rê-mi cũng được Chúa kêu gọi và sai dùng khi ông còn là một thiếu niên khoảng 13 tuổi. Vì thế, cho dù một người trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm sống, nhưng nếu hết lòng tin cậy Chúa, vâng phục Chúa thì sẽ được Ngài khiến cho được ơn trước mọi người và trong mọi việc làm.
Bổn phận của một giám mục, ngoài việc giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa, điều hành các mục vụ trong Hội Thánh, bảo vệ Hội Thánh trước sự xâm nhập của tà giáo và tội lỗi, còn là làm gương tốt cho con dân Chúa. Sự làm gương thể hiện qua lời nói chân thật và có ân hậu; qua cách cư xử công chính và tôn trọng mọi người; thể hiện trong tình yêu thật đối với mọi người; thể hiện qua sự khôn sáng hiểu biết Lời Chúa và kính sợ Chúa trong thần trí; thể hiện qua sự vững vàng trong đức tin trước mọi cảnh ngộ trong cuộc sống; thể hiện trong nếp sống thánh khiết từ thuộc thể đến thuộc linh, siêng năng tắm rửa thân thể, ăn mặc sạch sẽ, tránh mọi sự liên quan đến tà dâm và hình tượng ô uế.
13 Hãy chăm chỉ đọc sách, khuyên bảo, dạy dỗ, cho đến khi ta đến.
Người giám mục cũng phải thường xuyên trau dồi kiến thức và trí thức qua sự đọc sách. Động từ “đọc sách” được dùng trong câu này không giới hạn trong sự đọc Thánh Kinh (thời bấy giờ chỉ có Thánh Kinh Cựu Ước). Chính Phao-lô cũng có sự hiểu biết về nội dung của một số sách không phải là Thánh Kinh (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:28; Tít 1:12). Ngày nay, với sự thuận tiện của Internet, một người có thể đọc sách miễn phí về đủ mọi thể loại. Ngoài sự đọc sách còn là sự đọc các tin tức thời sự, để nhận thấy những tiến bộ của khoa học càng minh chứng sự thực hữu của Thiên Chúa và công trình sáng tạo mầu nhiệm của Ngài; để nhận thấy loài người đã ngày càng lún sâu trong tội lỗi, xứng đáng với sự hình phạt sẽ đến trong Kỳ Tận Thế; và nhận biết thời điểm Đức Chúa Jesus Christ trở lại, để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã rất gần.
Với sự hiểu biết Lời Chúa, với những hiểu biết thu thập qua sự đọc sách và tin tức, người giám mục ngày nay cần hết lòng khuyên bảo và dạy dỗ Hội Thánh cho đến khi Đấng Christ đến.
14 Đừng bỏ quên ơn trong con, {là} điều đã ban cho con bởi lời tiên tri với sự đặt tay của Hội Đồng Trưởng Lão.
Ơn đã ban trong Ti-mô-thê là ơn làm giám mục, được các trưởng lão trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô công nhận và đặt tay chúc phước, trong ngày Phao-lô công bố chức vụ giám mục của Ti-mô-thê. Lời chúc phước của Hội Đồng Trưởng Lão cũng chính là lời tiên tri về thành quả chức vụ giám mục của Ti-mô-thê.
Hội Đồng Trưởng Lão là sự nhóm hiệp của tất cả các trưởng lão trong một Hội Thánh địa phương.
15 Hãy chuyên tâm suy ngẫm và ở trong những sự đó, để mọi người thấy sự tấn tới của con.
16 Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con. Cứ ở lại trong mọi sự đó, vì làm như vậy, thì con và những người nghe con sẽ được cứu.
Chuyên tâm suy ngẫm và ở trong những sự đó: Thường xuyên hết lòng suy ngẫm và thi hành bổn phận và trách nhiệm của một giám mục, suy ngẫm và làm cho ứng nghiệm những lời tiên tri của các trưởng lão về chức vụ giám mục. Có như vậy, Hội Thánh mới nhìn thấy sự tiến bộ của Ti-mô-thê.
Người giám mục phải luôn giữ mình, sống đúng theo lời giảng dạy của mình; luôn giữ cho sự giảng dạy của mình đúng theo Lời Chúa, không theo ý riêng; luôn sống trong Lời Chúa bằng cách rao giảng và làm theo Lời Chúa. Kết quả là bản thân và những người nghe mình rao giảng đều sẽ được cứu.
Sự được cứu được nói đến ở đây không phải là sự cứu rỗi khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Vì những ai ở trong Hội Thánh thì đã được sự cứu rỗi ấy rồi. Sự được cứu ở đây là được cứu khỏi sự sa ngã vào tà giáo, vào sự ham mến những sự thuộc về thế gian, mà trở lại phạm các điều răn của Thiên Chúa.
Chúng ta thấy rõ, hầu hết những điều được ghi chép trong I Ti-mô-thê 4:1-16 đều có thể và cần áp dụng vào trong đời sống của tất cả con dân Chúa. Chính Phao-lô đã kêu gọi con dân Chúa hãy bắt chước ông như ông bắt chước Chúa. Vì thế, mỗi con dân Chúa có thể sống như Phao-lô, sống như Đấng Christ, sống như một giám mục trong Hội Thánh.
Cảm tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta những lời dạy bảo quý giá về bổn phận của giám mục. Nhờ đó, những giám mục trong Hội Thánh biết rõ bổn phận của họ, và Hội Thánh có thể đối chiếu nếp sống của giám mục với Lời Chúa, để biết giám mục trong Hội Thánh địa phương của mình có làm tròn bổn phận hay không.
Nguyện Chúa ban ơn cho chúng ta trong việc góp ý, gây dựng giám mục trong Hội Thánh địa phương của chúng ta khi cần. Nguyện Chúa thêm sức cho chúng ta trong việc noi theo gương tốt của giám mục. Trên hết mọi sự, nguyện Chúa luôn nhắc cho chúng ta nhớ rằng, chính Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Chăn Chiên và Đấng Giám Mục của linh hồn chúng ta (I Phi-e-rơ 2:25). A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/09/2017
Ghi Chú
Karaoke: “Jesus Yêu Tôi Nhiều Lắm”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-jesus-yeu-toi-nhieu-lam/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
[1] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-004_mot-thien-chua-ba-ngoi/
[2] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua08_than-vi-va-than-tinh-cua-duc-thanh-linh/
[3] Bruce L. Shelley. “Church History In Plain Language”, trang 94-97. Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995.
Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo sau này. Hoàng Đế Theodosius I (379-392) thuộc Đông Đế Quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (367-375) thuộc Tây Đế Quốc La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn Đế Quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380: http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica.
[4] http://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=43
[5] http://timhieutinlanh.com/biengiao/?p=44
[6] Tục ngữ “Ngồi lê đôi mách”: Ngồi thì lê la, bạ đâu ngồi đấy. Đôi co thì mách lẻo. Đôi co là lời qua tiếng lại với người khác có tính cách tranh cãi. Mách lẻo là thuật lại việc riêng của người khác với ý xấu.