900106 Chú Giải Sáng Thế Ký 1:26-31
Thiên Chúa Dựng Nên Loài Người
(Chứng Minh Ba Ngôi Thiên Chúa)
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjI5Ml9JdGxPTw
Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải Sáng Thế Ký
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-sang-the-ky
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgyNjQ0OV9ycFJDWA
Bấm vào nút “play” ► để nghe:
Sáng Thế Ký 1:26-31
26 Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất! [Thiên Chúa tự xưng Chúng Ta trong câu này và các câu: Sáng Thế Ký 3:22; 11:7. Chữ Chúng Ta được dùng ở đây là để chỉ về ba thân vị của Thiên Chúa, không phải chỉ về Thiên Chúa và các thiên sứ. Vì không chỗ nào khác trong Thánh Kinh nói rằng, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của thiên sứ. Và các thiên sứ thì có các hình dáng khác nhau.]
27 Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài. Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa. Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ.
28 Thiên Chúa ban phước cho họ và phán: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất! Hãy làm cho đất phục tùng! Hãy quản trị loài cá biển, loài chim trời, cùng mỗi vật sống hành động trên mặt đất!
29 Thiên Chúa lại phán: Này! Ta đã ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất, và mọi loài cây sinh quả có hạt giống; ấy sẽ là thức ăn cho các ngươi!
30 Còn mọi vật sống của đất, mọi chim trời, và mọi côn trùng bò trên đất có hồn sống thì Ta đã ban cho mọi thứ cỏ xanh làm thức ăn! Thì có như vậy.
31 Thiên Chúa thấy mọi việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Sáu.
Theo lời tường thuật từ Sáng Thế Ký 1:1 đến Sáng Thế Ký 1:25 thì chúng ta có thể đúc kết như sau:
- Ngày Thứ Nhất: Thiên Chúa dựng nên các tầng trời và đất, rồi Ngài truyền lệnh cho ánh sáng xuất hiện.
- Ngày Thứ Nhì: Thiên Chúa dựng nên khoảng không bao chung quanh trái đất, tức là bầu khí quyển của địa cầu, để phân cách nước ở dưới khoảng không với nước ở trên khoảng không.
- Ngày Thứ Ba: Thiên Chúa phân rẽ đất liền khỏi biển. Rồi Ngài truyền cho đất phải sinh ra các loài cây cỏ có sẵn hạt giống, tùy theo loại.
- Ngày Thứ Tư: Thiên Chúa định hình mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao để làm các vì sáng soi sáng đất và dùng để tính lịch.
- Ngày Thứ Năm: Thiên Chúa truyền cho nước phải sinh ra các loài sinh vật, các loài chim phải bay trong khoảng không. Ngài làm ra các loài khủng long biển, các loài sinh vật trong nước, và các loài chim bay trong khoảng không tùy theo loại.
- Ngày Thứ Sáu: Thiên Chúa truyền cho đất phải sinh các vật sống tùy theo loại. Ngài làm ra các loài súc vật và côn trùng.
Thế rồi, sang Sáng Thế Ký 1:26-31 thì chúng ta học biết về sự Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình Thiên Chúa và theo tượng Thiên Chúa, để cai quản đất và muôn vật trên đất. Loài người là sinh vật sau cùng được Thiên Chúa dựng nên trong công cuộc sáng tạo của Ngài. Riêng ngày Thứ Bảy là hành động sáng tạo sau cùng của Thiên Chúa. Ngài dựng nên một ngày yên nghỉ cho loài người và cho các loài súc vật.
Chi tiết về sự Thiên Chúa dựng nên các loài chim, các loài súc vật, và loài người được ghi lại trong Sáng Thế Ký 2:7 và 2:18-25 thì chúng ta sẽ cùng nhau học đến, sau khi chúng ta kết thúc bài học về Sáng Thế Ký 1:26-31.
26 Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất! [Thiên Chúa tự xưng Chúng Ta trong câu này và các câu: Sáng Thế Ký 3:22; 11:7. Chữ Chúng Ta được dùng ở đây là để chỉ về ba thân vị của Thiên Chúa, không phải chỉ về Thiên Chúa và các thiên sứ. Vì không chỗ nào khác trong Thánh Kinh nói rằng, Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của thiên sứ. Và các thiên sứ thì có các hình dáng khác nhau.]
Ngay từ ban đầu, khi học về Sáng Thế Ký 1:1, chúng ta đã học biết danh xưng “Thiên Chúa” trong tiếng Hê-bơ-rơ là một danh từ số nhiều được dùng theo số ít. Đây là một cách dùng rất là độc đáo của Thánh Kinh để nói lên sự kiện CHỈ CÓ MỘT BẢN THỂ GỌI LÀ THIÊN CHÚA nhưng bản thể ấy bao gồm ba thân vị riêng biệt hiệp nhất với nhau. Tương tự như vậy, chỉ có MỘT BẢN THỂ GỌI LÀ LOÀI NGƯỜI nhưng bản thể ấy bao gồm hàng tỉ thân vị riêng biệt hiệp nhất với nhau. Chỉ đến khi tội lỗi vào trong loài người thì sự hiệp nhất không còn nữa. Sau khi tội lỗi được đem ra khỏi thế gian bởi máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đều được trở lại hiệp nhất với nhau trong Hội Thánh của Chúa.
Trong Sáng Thế Ký 1:26 chúng ta thấy Thiên Chúa tự xưng là “Chúng Ta” ba lần. Rồi, trong Sáng Thế Ký 3:22, một lần nữa, Thiên Chúa phán rằng: “Này, về sự biết điều thiện và điều ác, loài người đã trở nên như một trong Chúng Ta”. Đến Sáng Thế Ký 11:7 trước sự không vâng phục của loài người, thì Thiên Chúa phán rằng: “Nào! Chúng Ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, để chúng nó nghe không được lời nói của người này với người kia”.
Vì thế, chúng ta hiểu rằng: Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa có nhiều thân vị, mà đến khi một thân vị của Thiên Chúa nhập thế làm người để bày tỏ cho chúng ta về Thiên Chúa, thì chúng ta biết được rằng: Thiên Chúa bao gồm ba thân vị được gọi là Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. Trong quan hệ của Thiên Chúa đối với những người tin nhận Chúa thì ba thân vị của Thiên Chúa được gọi là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.
Trong lời phán truyền của Đức Chúa Jesus Christ được ghi lại trong Ma-thi-ơ 28:19-20, chúng ta thấy, Ngài truyền lệnh cho các môn đồ làm báp-tem cho người tin nhận Tin Lành vào trong MỘT DANH và danh ấy là danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh. Danh được dùng để gọi chung Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh là danh: Chúa, Thiên Chúa, và Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
Thiên Chúa phán rằng: “Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta”. Lời ấy có nghĩa là loài người được dựng nên theo hình Thiên Chúa và theo tượng Thiên Chúa chứ không phải theo hình của thiên sứ, theo tượng của thiên sứ hay bất cứ một thần linh nào khác do Thiên Chúa dựng nên. Đại danh từ “Chúng Ta” được dùng trong các câu phán của Thiên Chúa là sự tự xưng giữa ba thân vị của Thiên Chúa với nhau. Nếu cho rằng, đó là Đức Chúa Trời đang phán với các thiên sứ, thì cũng cùng lúc cho rằng, loài người được dựng nên theo hình và tượng của thiên sứ. Nhưng trong khắp Thánh Kinh, không một chỗ nào nói loài người được dựng nên theo hình và tượng của thiên sứ mà Thánh Kinh luôn luôn nói: Loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa. Vì thế, đại danh từ “Chúng Ta” trong mọi câu phán của Thiên Chúa, đều là để chỉ về các thân vị của Thiên Chúa, tức là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.
Trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa với muôn loài thọ tạo là mối quan hệ giữa Đấng Tạo Hóa và loài thọ tạo, thì danh xưng của ba thân vị Thiên Chúa là: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh.
Thân vị Đức Chúa Trời tiêu biểu cho ý muốn và thẩm quyền của Thiên Chúa. Thân vị Ngôi Lời tiêu biểu cho hành động của Thiên Chúa. Thân vị Đấng Thần Linh tiêu biểu cho năng lực của Thiên Chúa.
Trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa với Hội Thánh, là mối quan hệ giữa Đấng Cứu Rỗi và những người được cứu rỗi, thì danh xưng của ba thân vị Thiên Chúa là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.
Đức Chúa Trời được xưng là Đức Cha vì Ngài tái sinh thân thể xác thịt loài người của những ai tin nhận Ngài và nhận họ làm con để đồng trị cơ nghiệp của Thiên Chúa. Ngôi Lời được xưng là Đức Con vì Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra trong thân thể xác thịt loài người để cứu chuộc loài người và tái sinh linh hồn của những ai tin nhận sự cứu chuộc. Đấng Thần Linh được xưng là Đức Thánh Linh vì Ngài tái sinh tâm thần của những người được cứu và ngự trong thân thể của họ, ấn chứng họ là con được Đức Chúa Trời sinh ra trong Đức Chúa Jesus Christ; chữ “Thánh” được dùng để phân biệt Ngài với tâm thần của loài người và với tà linh có thể nhập vào một người.
Loài người được dựng nên giống như “hình” của Thiên Chúa, có nghĩa là được dựng nên với các đặc tính tốt lành như các đặc tính của Thiên Chúa. Đó là: yêu thương, công chính, và thánh khiết. Chữ “hình” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “hình bóng” hay là “tiêu biểu cho”. Như khi chúng ta nói: Con sư tử tiêu biểu cho sự dũng mãnh! Con sư tử là hình ảnh của sự dũng mãnh! Thì câu ấy có nghĩa là nhìn vào con sư tử người ta có thể hiểu được thế nào là dũng mãnh, chứ không phải sự dũng mãnh có một hình thể giống như hình thể của con sư tử.
Loài người được dựng nên giống như “tượng” của Thiên Chúa là nói đến sự giống như hình thể của Thiên Chúa trong thân thể thiêng liêng là tâm thần cũng như trong thân thể vật chất là xác thịt. Ngày nay, với con mắt xác thịt chúng ta không thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của chúng ta là tâm thần, cũng như chúng ta không thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa và các thiên sứ bằng con mắt xác thịt. Nhưng khi Thiên Chúa nhập thế làm người, thì chúng ta có thể nhìn thấy hình thể xác thịt của Thiên Chúa bằng con mắt xác thịt, và chúng ta có thể sờ chạm hình thể xác thịt của Ngài.
Có thể nói: Từ trong cõi đời đời, Thiên Chúa đã chọn cho Ngài một hình thể vật chất để xuất hiện trong thế giới vật chất mà Ngài sẽ tạo nên. Và Ngài đã tạo nên loài người với một thân thể vật chất giống như hình thể vật chất của Ngài mà Ngài đã chọn. Hình thể ấy được gọi là hình thể xác thịt của loài người.
Mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của mình, tức là tâm thần, bằng con mắt xác thịt, nhưng trong chiêm bao và khải tượng, chúng ta có thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của mình và hình thể phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Còn về sự nhìn ngắm hình thể thiêng liêng của Ba Ngôi Thiên Chúa thì chúng ta phải chờ ngày chúng ta vào trong thiên đàng (Ma-thi-ơ 5:8; I Cô-rinh-tô 13:12).
Hiện nay, chúng ta đang mang hình ảnh của A-đam thứ nhất, là hình ảnh đã bị băng hoại vì tội lỗi, đã mất hết vinh quang. Trong ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại giữa chốn không trung để đem Hội Thánh vào thiên đàng với Ngài, thì thân thể xác thịt của chúng ta sẽ được phục sinh hoặc biến hóa thành một thân thể xác thịt vinh quang, bất tử như thân thể phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ, là A-đam Sau Cùng, mà Thánh Kinh gọi là hình ảnh của người thuộc về trời:
“Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của người thuộc về trời.” (I Cô-rinh-tô 15:49).
Từ ngữ “hình ảnh” trong tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh Tân Ước bao gồm cả hai nghĩa của từ ngữ “hình” và “tượng” trong tiếng Hê-bơ-rơ. Vì thế, khi chúng ta gặp chữ “hình ảnh” trong Tân Ước, thì chúng ta hiểu rằng, chữ đó có thể dùng để nói đến sự giống về phẩm chất hoặc sự giống về hình thể hoặc cả hai, như được dùng trong I Cô-rinh-tô 15:49.
Mục đích của sự Thiên Chúa dựng nên loài người là để cai trị công trình sáng tạo của Ngài trên đất. Mục đích đó không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, trong loài người, Thiên Chúa đã chọn ra một số ít người, gọi là Hội Thánh của Ngài để cùng Đức Chúa Jesus Christ đồng trị toàn bộ cơ nghiệp của Thiên Chúa, đồng ngồi trên các nơi ở trên trời với Đức Chúa Jesus Christ (Ê-phê-sô 2:6; II Ti-mô-thê 2:12).
27 Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài. Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa. Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ.
Trong câu này, Thiên Chúa lặp lại nhiều lần để nhấn mạnh đến sự kiện loài người đã được Thiên Chúa tạo ra giống như Ngài, tức là giống như Thiên Chúa. Vì thế, đại danh từ “Chúng Ta” trong Sáng Thế Ký 1:26 là để chỉ về Thiên Chúa. Nói cách khác, khi chúng ta so sánh hai câu:
“Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta.”
“Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài. Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa.”
Thì chúng ta thấy ngay đại danh từ “Chúng Ta” là chỉ về Thiên Chúa. Có nghĩa là: Thiên Chúa có nhiều thân vị, và Thánh Kinh cho chúng ta biết Thiên Chúa có ba thân vị: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh; còn được gọi là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.
Loài người mà Thiên Chúa sáng tạo đó bao gồm hai thân vị gọi là nam và nữ. Bởi sự kết hiệp của hai thân vị nam và nữ mà loài người sinh ra nhiều thân vị khác. Cho dù suốt dòng lịch sử, có đến hàng tỉ, hàng tỉ thân vị loài người được tạo thành; nhưng chỉ có MỘT LOÀI NGƯỜI.
28 Thiên Chúa ban phước cho họ và phán: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất! Hãy làm cho đất phục tùng! Hãy quản trị loài cá biển, loài chim trời, cùng mỗi vật sống hành động trên mặt đất!
Đây là ơn phước và cũng là mệnh lệnh đầu tiên của Thiên Chúa ban cho loài người, sau khi dựng nên họ. Thiên Chúa ban phước cho loài người có nghĩa là Ngài ban cho loài người tất cả những gì tốt lành từ nơi Ngài, để loài người được vui sống và làm tròn các công việc được Thiên Chúa giao phó. Có ba công việc được Thiên Chúa giao phó cho loài người. Đó là:
- Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất.
- Hãy làm cho đất phục tùng, bắt đầu với công việc chăm sóc vườn tại Ê-đen.
- Hãy quản trị loài cá biển, loài chim trời, cùng mỗi vật sống và hành động trên đất.
Là con dân Chúa, mỗi chúng ta có bổn phận phải thực hiện ba công việc Chúa giao cho loài người từ khi sáng thế. Vì thế, con dân Chúa không ngừa thai, không phá thai. Con dân Chúa không phá hoại môi trường sinh sống. Con dân Chúa không lạm dụng và bắn giết bừa bãi các loài cá biển, chim trời, cùng mỗi vật sống và hành động trên đất.
29 Thiên Chúa lại phán: Này! Ta đã ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất, và mọi loài cây sinh quả có hạt giống; ấy sẽ là thức ăn cho các ngươi!
30 Còn mọi vật sống của đất, mọi chim trời, và mọi côn trùng bò trên đất có hồn sống thì Ta đã ban cho mọi thứ cỏ xanh làm thức ăn! Thì có như vậy.
Trong buổi đầu sáng thế, thực phẩm của loài người cũng như của mọi loài chim, loài thú trên đất đều là thực vật. Chỉ sau Cơn Lụt Lớn thì Thiên Chúa mới cho phép loài người ăn thịt. Đây là điều sẽ được tái lập trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm và đã được tiên tri:
Ê-sai 11:6-9
6 Bấy giờ, chó sói sẽ ở với chiên con; beo sẽ nằm với dê con; bò con và sư tử con được nuôi mập với nhau; một đứa trẻ sẽ dắt chúng nó.
7 Bò cái sẽ ăn với gấu; các con nhỏ của chúng nó nằm chung; sư tử sẽ ăn cỏ khô như bò.
8 Trẻ con đang bú sẽ chơi kề hang của rắn hổ mang; trẻ con thôi bú sẽ thò tay vào hang của rắn độc.
9 Chúng nó sẽ chẳng làm hại cũng chẳng hủy diệt trong cả núi thánh của Ta. Vì thế gian sẽ đầy dẫy sự tri thức về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, như nước che lấp biển.
Chúng ta sẽ cùng nhau suy luận về sự Thiên Chúa cho phép loài người ăn thịt khi chúng ta học đến Sáng Thế Ký 9.
31 Thiên Chúa thấy mọi việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Sáu.
Vào cuối của ngày Thứ Sáu, sau khi dựng nên loài người, Thiên Chúa “thấy mọi việc Ngài đã làm thật rất tốt lành”. Chữ “thấy” được dùng trong câu này hàm ý là một sự xem xét, để đưa ra lời nhận định. Và lời nhận định của Thiên Chúa về công cuộc sáng tạo của Ngài là: “Mọi việc Ngài đã làm thật rất tốt lành”. Chúng ta chú ý đến các từ ngữ sau:
Mọi việc: Tức là tất cả những gì Thiên Chúa đã làm từ ngày Thứ Nhất cho đến cuối ngày Thứ Sáu. Không ngoại trừ một việc nào cả.
Ngài đã làm: Không phải là một vị thần nào khác hay là một thiên sứ nào làm, mà là: Thiên Chúa đã làm! Điều này xác nhận cho chúng ta lẽ thật: NGÔI LỜI LÀ THIÊN CHÚA!
“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. [Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “ban đầu” có nghĩa là nguyên thủy hoặc nguồn gốc; được dùng ở đây hàm ý từ trước vô cùng. Động từ “có” và “là” trong các câu 1, 2, 4 ở trong thời quá khứ chưa hoàn thành, chỉ về sự việc đã xảy ra và vẫn cứ xảy ra, nên chúng tôi dịch là “hằng có”, “hằng là”.] Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.” (Giăng 1:1-3).
Thật rất tốt lành: Nghĩa là trong toàn thể công trình sáng tạo của Thiên Chúa, không thể thêm một điều gì vào cũng không thể bớt một điều gì ra. Nguyện rằng, mỗi chúng ta đây là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa, vì chúng ta đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ (II Cô-rinh-tô 5:17), sẽ luôn biết giữ mình sao cho lúc nào chúng ta cũng thật rất tốt lành, sẵn sàng cho ngày Đức Chúa Jesus Christ đến, đem chúng ta vào trong thiên đàng.
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/02/2015
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
- Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
- Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.