Chú Giải Ê-phê-sô 01:01-14 Thiên Chúa Lựa Chọn, Tiền Định, và Ấn Chứng Hội Thánh

9,721 views

Chú Giải Ê-phê-sô 1:1-14
Thiên Chúa Lựa Chọn, Tiền Định, và Ấn Chứng Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

 

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/download/o5cetc6ql8nf5o8/9049010_Epheso_1_1-14.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDIzMDc4MTVf/9049010_Epheso_1_1-14.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9049010-e-phe-so-1_1-14-thien-chua-lua-chon-tien-dinh-va-an-chung-hoi-thanh

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ê-phê-sô 01:01-14

1 Phao-lô, sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ bởi ý muốn của Thiên Chúa, gửi cho các thánh đồ ở tại Ê-phê-sô, và cho những người trung tín trong Đấng Christ Jesus.

2 Nguyện ân điển ở cùng các anh chị em, cùng sự bình an từ Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ!

3 Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng đã ban phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời.

4 Đến nỗi, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng ấy từ trước khi lập nền thế gian, để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được, trước Ngài, trong tình yêu.

5 Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên những con nuôi của chính Ngài bởi Đức Chúa Jesus Christ, theo ý muốn tốt lành của Ngài,

6 để tôn vinh sự vinh quang của ân điển Ngài, mà trong sự ấy, Ngài đã làm cho chúng ta trở nên đáng nhận trong Đấng rất yêu dấu.

7 Trong Đấng ấy, chúng ta có sự cứu chuộc bởi máu của Đấng ấy, sự tha thứ những lỗi lầm, theo sự dư dật của ân điển Ngài,

8 mà Ngài đã thêm nhiều cho chúng ta trong mọi sự khôn sáng và thông sáng;

9 khiến cho chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài, theo sự tốt lành của Ngài, mà Ngài đã định trong chính Ngài;

10 để trong kỳ đầy trọn của thời gian, thì Ngài hiệp muôn vật làm một trong Đấng Christ, cả những vật ở trên trời và những vật ở trên đất, trong Đấng ấy.

11 Trong Đấng ấy chúng ta cũng nhận phần kế nghiệp, như đã định trước theo mục đích của Đấng khiến mọi sự xảy ra y theo ý muốn của Ngài,

12 để cho chúng ta trở thành sự tôn vinh của sự vinh quang Ngài, là những người đã trước hết tin cậy Đấng Christ.

13 Trong Đấng ấy các anh chị em cũng đã nghe Lời của Lẽ Thật, là Tin Lành về sự cứu rỗi của các anh chị em. Cũng trong Đấng ấy mà sau khi các anh chị em tin, thì được đóng dấu bằng thánh linh của lời hứa.

14 Ấy là vật làm tin về sự hưởng cơ nghiệp của chúng ta, cho đến kỳ chuộc lại những sản nghiệp đã mua về cho sự tôn vinh của sự vinh quang Ngài.

Thư Ê-phê-sô được Sứ Đồ Phao-lô viết cho con dân Chúa tại Ê-phê-sô và cho Hội Thánh chung trong khoảng thời gian từ năm 61 đến 63. Đó là khoảng thời gian Phao-lô bị tù tại Rô-ma. Đầu mùa thu năm 61, Tổng Đốc Phê-tu giải Phao-lô đến thành Rô-ma cùng với các phạm nhân khác. Chuyến đi này được xem là hành trình truyền giáo lần thứ tư của Phao-lô. Trên đường đi thì bị đắm tàu, Phao-lô và những người đồng hành trôi dạt lên đảo Man-tơ và ở lại đó khoảng ba tháng, cho đến cuối mùa đông mới theo một tàu tại Man-tơ đi đến thành Bu-xô-lơ. Phao-lô ở lại với các môn đồ tại Bu-xô-lơ bảy ngày rồi mới đến thành Rô-ma. Phao-lô được phép thuê một nhà trọ để ở với một người lính La-mã canh giữ ông trong khi chờ đợi được xét xử bởi Sê-sa. Phao-lô ở trọn hai năm tại Rô-ma và công khai rao giảng Đạo Chúa, không bị ai ngăn cấm (Công Vụ Các Sứ Đồ 25-28). Trong thời gian hai năm này Phao-lô viết các thư tín: Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se và Phi-lê-môn. Vào mùa xuân năm 63 Phao-lô được trắng án và được trả tự do.

Nội dung của thư Ê-phê-sô nhấn mạnh về địa vị của Hội Thánh và nếp sống của con dân Chúa ở giữa thế gian. Trong bài thứ nhất học về thư Ê-phê-sô, chúng ta sẽ học về địa vị đặc biệt của Hội Thánh trong chương trình của Đức Chúa Trời. Hội Thánh được Đức Chúa Trời tuyển chọn, tiền định, và ấn chứng cho làm con nuôi của Đức Chúa Trời. Phao-lô đã trình bày cách rõ ràng trong Ê-phê-sô 1:1-14.

1 Phao-lô, sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ bởi ý muốn của Thiên Chúa, gửi cho các thánh đồ ở tại Ê-phê-sô, và cho những người trung tín trong Đấng Christ Jesus.

Phao-lô tự giới thiệu về mình ngay trong câu mở đầu. Sứ đồ tức là người được chủ sai đi để thay chủ làm một công việc gì đó. Sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ là người được Đức Chúa Jesus Christ sai đi rao giảng Tin Lành cứu rỗi của Ngài cho muôn dân. Phao-lô cũng nhiều lần khẳng định rằng, ông làm sứ đồ cho Đức Chúa Jesus Christ là bởi ý muốn của Thiên Chúa. Cách nói “bởi ý muốn của Thiên Chúa” hay “theo ý muốn của Thiên Chúa” là cách nói xác nhận chức vụ sứ đồ của Phao-lô đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Chúng ta cần ghi nhớ điểm quan trọng này, trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp, danh xưng Thiên Chúa không có mạo từ xác định đứng trước là chỉ chung về Ba Ngôi Thiên Chúa; còn khi có mạo từ xác định đứng trước thì chỉ về thân vị đại diện cho Thiên Chúa, được dịch là Đức Chúa Trời.

Mục đích của Phao-lô khi viết thư này, trước hết là gửi cho con dân Chúa tại thành Ê-phê-sô; kế tiếp là gửi cho tất cả những ai trung tín trong Đấng Christ Jesus, tức là Hội Thánh chung ở khắp nơi trong mọi thời đại. Trung tín trong Đấng Christ Jesus có nghĩa là luôn sống đúng theo Lời Chúa và luôn tin cậy nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Danh xưng Đấng Christ Jesus nhấn mạnh đến sự chết chuộc tội của Ngài. Danh xưng Đức Chúa Jesus Christ nhấn mạnh đến địa vị Đấng Cứu Rỗi của Ngài. Xin đọc thêm bài: “Jesus Christ và Christ Jesus” [1].

Ngày nay, trong thế gian có trên hai tỉ người xưng nhận mình là môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Tuy nhiên, số người được gọi là trung tín trong Đấng Christ Jesus thì không có bao nhiêu. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri về sự kiện, khi Ngài trở lại, sẽ không có bao nhiêu người thật sự có đức tin nơi Ngài, tức là nghe và làm theo mọi lời phán dạy của Ngài:

“Ta nói với các ngươi rằng, trong sự vội vàng, Ngài sẽ làm sự bênh vực họ. Dù vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?(Lu-ca 18:8).

Hàng tỉ người xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ, nhưng họ không thật sự có đức tin nơi Đấng Christ, thay vào đó, họ chỉ có đức tin nơi các giáo hội, vâng phục các giáo hội và bỏ đi các điều răn của Thiên Chúa! Những người như vậy chắc chắn không phải là những người trung tín trong Đấng Christ. Thư Ê-phê-sô không được viết cho những người như vậy. Cho dù họ có đọc, cũng không thể nào hiểu hoặc chấp nhận sứ điệp của thư Ê-phê-sô.

2 Nguyện ân điển ở cùng các anh chị em, cùng sự bình an từ Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ!

Ân điển là ơn thương xót của Thiên Chúa ban cho những người không xứng đáng để nhận. Khi có ân điển thì đương nhiên có sự bình an, và sự bình an ấy là tuyệt đối, đến nỗi tai ương, hoạn nạn, bắt bớ, khốn cùng, và ngay cả sự chết cũng không thể lấy đi sự bình an ấy ra khỏi những người trung tín trong Đấng Christ. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã nói về sự bình an ấy như sau:

“Ta để lại sự bình an cho các ngươi. Ta ban cho các ngươi sự bình an của Ta. Ta ban cho các ngươi chẳng phải như thế gian cho. Đừng để lòng của các ngươi bối rối, cũng đừng để nó sợ hãi.” (Giăng 14:27).

Ngoài Thiên Chúa, không ai có ân điển thật và bình an thật để ban cho loài người. Chính vì thế mà câu này cũng đã chứng minh thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, nghĩa là, Ngài chính là Thiên Chúa nhập thế làm người.

3 Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng đã ban phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời.

Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ, như chính Đức Chúa Jesus Christ đã công bố, sau khi Ngài phục sinh:

“Đức Chúa Jesus phán với bà: Đừng chạm vào Ta! Vì Ta chưa lên đến Cha Ta! Nhưng hãy đi đến với các anh chị em cùng Cha của Ta và nói với họ, Ta lên đến Cha Ta và Cha các ngươi, Đức Chúa Trời của Ta và Đức Chúa Trời của các ngươi.” (Giăng 20:17).

Thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ đã được sinh ra bởi Đức Chúa Trời qua một người nữ. Ngài là dòng dõi của người nữ, như lời tiên tri của Thiên Chúa trong Sáng Thế Ký 3:15. Nhưng Ngài cũng là Con của Đức Chúa Trời.

Vì Ngài là một người được sinh ra bởi Đức Chúa Trời nên Ngài gọi Đức Chúa Trời là Cha. Vì Ngài là loài người nên Đức Chúa Trời cũng chính là Đức Chúa Trời của Ngài. Nhưng trong thân vị Thiên Chúa với danh xưng Ngôi Lời thì Ngài bình đẳng, bình quyền với Đức Chúa Trời, vì Ngài cùng tự có, và có mãi với Đức Chúa Trời. Giăng 1:1 ghi rõ: “Vào lúc ban đầu, hằng Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng Thiên Chúa.” Xin đọc thêm bài: “Hỏi & Đáp: Thần Tính, Con của Đức Chúa Trời, Con Một và Con Đầu Lòng” [2].

Đức Chúa Trời là Đấng ban phước cho những người trung tín trong Đấng Christ. Trong Đấng Christ, Ngài ban cho họ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời. Vì thế, mà Phao-lô dâng lời tôn vinh Ngài.

Dĩ nhiên, không phải Đức Chúa Trời chỉ ban phước cho những ai ở trong Đấng Christ. Ngài ban phước chung cho toàn thể loài người, dù là người công chính hay người gian ác:

…Ngài khiến mặt trời của Ngài mọc lên trên những kẻ dữ cùng những người lành, và Ngài làm mưa trên những người công chính lẫn những kẻ không công chính.” (Ma-thi-ơ 5:45).

Nhưng có những thứ phước, gọi là: “mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời” Ngài chỉ dành ban cho những ai ở trong Đấng Christ. Đã gọi là phước thiêng liêng thì không phải là những phước thuộc về thế giới vật chất như mưa, như nắng, như tiền bạc, của cải, quyền thế, và ngay cả sự sống lâu trong thân thể xác thịt hiện tại. Có ít nhất là bảy thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời được Đức Chúa Trời ban xuống cho những ai ở trong Đấng Christ:

1. Phước được tha tội và làm cho sạch tội.

2. Phước được dựng nên mới và được thánh hóa mỗi ngày.

3. Phước được làm con nuôi của Đức Chúa Trời và nhận lãnh năng lực của Thiên Chúa.

4. Phước được sống lại hoặc được biến hóa thân thể xác thịt hiện tại và được sống đời đời.

5. Phước được ở trong thành thánh Giê-ru-sa-lem với Thiên Chúa.

6. Phước được kết hiệp với Thiên Chúa qua Đấng Christ.

7. Phước được nhận cơ nghiệp từ Đức Chúa Trời và cùng ngồi trong các tầng trời, đồng trị với Đấng Christ.

Phước có nghĩa là sự gì khiến cho chúng ta vui mừng, thỏa lòng trong tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa. Chúng ta nhận được một cách giới hạn đủ cho sự cần dùng mỗi ngày của chúng ta về những phước vật chất. Những phước vật chất rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng thật là cảm tạ Đức Chúa Trời, Cha của chúng ta, Ngài ban cho chúng ta đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời, là các phước vô cùng cao quý, và còn lại đời đời.

4 Đến nỗi, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng ấy từ trước khi lập nền thế gian, để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được, trước Ngài, trong tình yêu.

Để có thể ban cho chúng ta đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời thì trước hết, Đức Chúa Trời làm công việc chọn chúng ta trong Đấng Christ. Sự chọn chúng ta đã ở trong chương trình và ý định của Đức Chúa Trời ngay cả trước khi Ngôi Lời lập nền thế gian. Thuật ngữ “lập nền thế gian” nói lên sự sáng tạo các tầng trời và đất bởi lời phán của Ngôi Lời, để chuẩn bị cho sự sáng tạo các vật sống trong thế giới vật chất.

Ngày hôm nay, chúng ta hãy dành thời gian để suy ngẫm sự kiện: Đức Chúa Trời đã chọn bản thân mình từ trước khi sáng thế. Từ hàng bao nhiêu ngàn năm trước, Đức Chúa Trời đã biết đến chúng ta và chọn chúng ta. Ngài thật là toàn tri, toàn năng, và toàn ái. Ngài biết hết mọi sự, biết tương lai từ trong quá khứ. Ngài làm được mọi sự, kể cả sự chống nghịch của Sa-tan và sự phạm tội của loài người cũng không ngăn cản được mọi chương trình và ý định của Ngài. Ngài yêu thương một cách trọn vẹn, không cất đi quyền tự do chọn lựa đã ban cho chúng ta, và sẵn lòng tha thứ, tiếp nhận chúng ta trở lại khi chúng ta biết ăn năn.

Nếu quý ông bà anh chị em suy ngẫm sự kiện này một cách nghiêm túc thì sẽ thấy được tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời dành riêng cho chính mình, thấy được cái giá trị cao quý của bản thân mình trước Chúa! Chúng ta được Chúa yêu không phải vì chúng ta đáng yêu, trái lại, chúng ta vốn bội nghịch Chúa, và vô cùng xấu xa, tội lỗi. Chúng ta có cái giá trị cao quý không phải vì bản thân chúng ta cao quý, mà vì Chúa yêu chúng ta và đặt chúng ta vào trong địa vị cao quý. Chúng ta nên sống như thế nào cho xứng đáng với tình yêu Chúa yêu chúng ta? Chúng ta nên sống như thế nào cho xứng đáng với cái giá trị cao quý Chúa đã ban cho chúng ta?

Đức Chúa Trời chọn chúng ta là chọn trong Đấng Christ. Có nghĩa là Ngài chỉ chọn những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, hết lòng sống theo lời dạy của Đấng Christ. Ngài chọn chúng ta để chúng ta được nên thánh, tức là chúng ta được thuộc riêng về Ngài, được Ngài làm cho chúng ta lại trở nên giống như Ngài, được Ngài giao cho làm những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta. Và trước Đức Chúa Trời, chúng ta không chỗ trách được, vì chúng ta ở trong máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Mọi thiếu sót, lầm lỗi của chúng ta đều được bôi xóa bởi máu thánh của Đấng Christ; và chúng ta luôn ở trong tình yêu của Đức Chúa Trời, phát huy tình yêu ấy khắp thế gian qua nếp sống thánh khiết của chúng ta.

5 Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên những con nuôi của chính Ngài bởi Đức Chúa Jesus Christ, theo ý muốn tốt lành của Ngài,

6 để tôn vinh sự vinh quang của ân điển Ngài, mà trong sự ấy, Ngài đã làm cho chúng ta trở nên đáng nhận trong Đấng rất yêu dấu.

Từ trong ý định đời đời của Đức Chúa Trời, Ngài đã định cho chúng ta được làm con nuôi của Ngài. Chúng ta được gọi là con nuôi, vì chúng ta không có cùng bản thể Thiên Chúa như Đức Chúa Trời. Chỉ có Đức Chúa Jesus Christ là có cùng bản thể Thiên Chúa với Đức Chúa Trời.

  • Đức Chúa Jesus Christ là “Con của Đức Chúa Trời” nhưng là con có cùng bản thể Thiên Chúa với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus Christ vừa hoàn toàn là Thiên Chúa, vừa hoàn toàn là loài người.

  • Chúng ta là “con của Đức Chúa Trời” nhưng là con không có cùng bản thể Thiên Chúa, nên gọi là “con nuôi”, được cùng Đấng Christ hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

  • Các thiên sứ là “con của Đức Chúa Trời” nhưng là con không có cùng bản thể Thiên Chúa, cũng không có quyền hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Họ là con của Đức Chúa Trời trong địa vị phụng sự Thiên Chúa và phục vụ chúng ta.

Chúng ta được làm con nuôi của Đức Chúa Trời là nhờ sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Và đó là ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời. Mục đích của sự Đức Chúa Trời chọn chúng ta làm con nuôi của Ngài trong Đấng Christ từ trước khi lập nền thế gian, là để chúng ta trở thành đối tượng tôn vinh ân điển của Ngài. Ân điển ấy là ơn thương xót của Đức Chúa Trời đã khiến chúng ta từ địa vị những tội nhân đang bị hư mất, trở thành những thánh đồ, xứng đáng làm con của Đức Chúa Trời và hưởng cơ nghiệp của Ngài, được kết hiệp cùng Thiên Chúa. Trong Đấng Christ, chúng ta trở nên những người thánh đáng cho Đức Chúa Trời tiếp nhận. Đức Chúa Jesus Christ là Đấng rất yêu dấu đối với Đức Chúa Trời, vì Ngài đã hy sinh, vâng phục cho đến chết, để hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngài cũng là Đấng rất yêu dấu đối với chúng ta, vì Ngài đã hy sinh cho chúng ta để chúng ta được trở nên đáng nhận bởi Đức Chúa Trời.

Đời sống của chúng ta hiện nay có đang tôn vinh ân điển của Đức Chúa Trời hay không? Hay là chúng ta vẫn đang cố ý phạm tội, tiếp tục đóng đinh Đấng Christ cách công khai, chà đạp máu thánh của Ngài, và xem thường Đức Thánh Linh đang ngự trong chúng ta?

7 Trong Đấng ấy, chúng ta có sự cứu chuộc bởi máu của Đấng ấy, sự tha thứ những lỗi lầm, theo sự dư dật của ân điển Ngài,

8 mà Ngài đã thêm nhiều cho chúng ta trong mọi sự khôn sáng và thông sáng;

9 khiến cho chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài, theo sự tốt lành của Ngài, mà Ngài đã định trong chính Ngài;

Trong Đấng Christ chúng ta luôn có sự cứu chuộc bởi máu thánh của Ngài qua sự tha thứ những tội lỗi của chúng ta bởi ơn thương xót dư dật của Đức Chúa Trời. Nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta có thể thản nhiên phạm tội rồi xin Chúa tha thứ. Người thật lòng ăn năn tội là người gớm ghét tội, sợ tội, và tìm đủ cách xa lánh mọi sự cám dỗ. Còn người vẫn đến gần những sự cám dỗ, tìm cách thỏa mãn những sự ham muốn bất chính của xác thịt mà tiếp tục phạm tội hết lần này đến lần khác, thì người ấy chưa thật lòng ăn năn và chưa được cứu khỏi quyền lực của tội lỗi.

Cũng bởi ơn thương xót dư dật của Đức Chúa Trời mà Ngài đã thêm nhiều cho chúng ta sự khôn sáng và thông sáng. Khôn sáng là nhận biết đúng sai, hiểu biết Lời Chúa. Thông sáng là biết áp dụng sự khôn sáng vào trong cuộc sống.

Khi chúng ta khôn sáng, chúng ta nhận biết sự mầu nhiệm trong ý muốn của Đức Chúa Trời và chúng ta biết mọi ý muốn của Đức Chúa Trời đều là tốt lành, do chính Ngài tự định lấy. Nền tảng của sự hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời là Thánh Kinh. Nhờ sự khôn sáng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta mà chúng ta hiểu biết Thánh Kinh. Nhờ sự thông sáng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta mà chúng ta biết áp dụng sự hiểu biết Thánh Kinh vào nếp sống mỗi ngày. Càng áp dụng sự hiểu biết Thánh Kinh vào trong nếp sống thì chúng ta lại càng khôn sáng, càng kinh nghiệm sự mầu nhiệm trong ý muốn của Đức Chúa Trời, qua Thánh Kinh.

10 để trong kỳ đầy trọn của thời gian, thì Ngài hiệp muôn vật làm một trong Đấng Christ, cả những vật ở trên trời và những vật ở trên đất, trong Đấng ấy.

Kỳ đầy trọn của thời gian là thời điểm kết thúc trời cũ đất cũ và lập ra trời mới đất mới. Thời gian như chúng ta đang biết sẽ kết thúc vào lúc ấy, nhưng không có nghĩa là không còn thời gian, mà thời gian cũng sẽ đổi mới như thân thể xác thịt của chúng ta.

Trong trời mới, đất mới chúng ta có không gian mới và vật chất mới, thì thời gian cũng sẽ đổi mới theo định luật vật lý mới. Ê-sai 66:23 cho chúng ta biết trong trời mới đất mới vẫn có ngày trăng mới, tức ngày đầu tháng, và ngày Sa-bát, tức một tuần lễ vẫn có bảy ngày.

Trong trời mới đất mới, Đức Chúa Trời sẽ hiệp muôn vật làm một trong Đấng Christ, bao gồm những vật ở trên trời và những vật ở dưới đất. Đó là ngày muôn loài tạo vật của Thiên Chúa được chung vui với các thánh đồ của Đức Chúa Trời trong Vương Quốc Đời Đời:

Rô-ma 8:19-22

19 Vì sự xao xuyến mong ngóng của muôn vật chờ đợi sự tỏ ra của con cái của Đức Chúa Trời.

20 Vì muôn vật đã bị làm cho phục sự hư không, chẳng phải tự ý, mà là bởi Đấng bắt chúng chịu phục, để mong rằng

21 chính muôn vật cũng sẽ được giải cứu khỏi sự nô lệ của sự hư hoại, mà vào trong sự tự do vinh quang của con cái của Đức Chúa Trời.

22 Vì chúng ta biết rằng, cả muôn vật cùng than thở và cùng chịu khó nhọc cho đến ngày nay.

Muôn vật hiệp một trong Đấng Christ có nghĩa là muôn vật được phục hồi bởi Đấng Christ, được bảo tồn bởi Đấng Christ, và được cai trị bởi Đấng Christ.

11 Trong Đấng ấy chúng ta cũng nhận phần kế nghiệp, như đã định trước theo mục đích của Đấng khiến mọi sự xảy ra y theo ý muốn của Ngài,

12 để cho chúng ta trở thành sự tôn vinh của sự vinh quang Ngài, là những người đã trước hết tin cậy Đấng Christ.

Chúng ta, những người ở trong Đấng Christ, đã được Đức Chúa Trời chọn từ trước khi lập nền thế gian, được nhận phần cơ nghiệp Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Sự chúng ta nhận cơ nghiệp của Đức Chúa Trời là sự Ngài đã định trước cho chúng ta, và đó là mục đích, ý muốn của Ngài trước khi Ngài dựng nên chúng ta. Bởi đó, chúng ta trở thành những người đời đời tôn vinh sự vinh quang của Đức Chúa Trời, tức là tôn vinh tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa.

Chúng ta là những người “đã trước hết tin cậy Đấng Christ”. Câu này có hai nghĩa:

1. Chúng ta là những người đã xem sự tin cậy Đấng Christ là đứng đầu trong mọi sự.

2. Chúng ta là nhóm người thứ nhất tin cậy Đấng Christ, được biệt riêng làm Hội Thánh. Nhóm người thứ nhì là những người tin cậy Đấng Christ trong thời đại nạn. Nhóm người thứ ba là những người tin cậy Đấng Christ trong Vương Quốc Ngàn Năm.

Mong rằng quý ông bà anh chị em sống xứng đáng với địa vị của những người đã trước hết tin cậy Đấng Christ.

13 Trong Đấng ấy các anh chị em cũng đã nghe Lời của Lẽ Thật, là Tin Lành về sự cứu rỗi của các anh chị em. Cũng trong Đấng ấy mà sau khi các anh chị em tin, thì được đóng dấu bằng thánh linh của lời hứa.

14 Ấy là vật làm tin về sự hưởng cơ nghiệp của chúng ta, cho đến kỳ chuộc lại những sản nghiệp đã mua về cho sự tôn vinh của sự vinh quang Ngài.

Chúng ta được nghe Lời của Lẽ Thật, là Tin Lành về sự cứu rỗi của chúng ta qua những người rao giảng Tin Lành cho chúng ta hoặc tặng Thánh Kinh cho chúng ta trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng sau khi chúng ta đã tin nhận Ngài, được ở trong Ngài, thì chúng ta được tiếp tục nghe Lời của Lẽ Thật và Tin Lành cứu rỗi trong Hội Thánh. Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ. Được nghe trong Hội Thánh là được nghe trong Đấng Christ.

Trong Đấng Christ và trong Hội Thánh, chúng ta được đóng dấu bằng thánh linh của lời hứa bởi Đức Thánh Linh. Được đóng dấu bằng thánh linh có nghĩa là được Đức Thánh Linh đổ đầy thánh linh của Ngài trong chúng ta, để ấn chứng rằng, chúng ta đã được tha tội, đã được làm cho sạch tội, đã được dựng nên mới, đã được ban cho địa vị làm con nuôi của Đức Chúa Trời, đã được ban cho lời hứa về sự sống đời đời và sự nhận lãnh cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, luôn được thánh hoá để lúc nào cũng giống như Thiên Chúa.

Thánh linh của lời hứa là năng lực và sức sống mới từ Thiên Chúa mà Đức Chúa Jesus Christ đã hứa:

“Ai tin nơi Ta thì những dòng nước của sự sống sẽ chảy ra từ trong lòng của người ấy, như Thánh Kinh đã nói. (Ngài phán điều này về Đấng Thần Linh mà những ai tin nơi Ngài sẽ nhận lấy, vì bấy giờ chưa có thánh linh được ban cho, bởi Đức Chúa Jesus chưa được vinh hiển.)” (Giăng 7:38-39).

Người có thánh linh của lời hứa tuôn tràn trong lòng là người đã được Thiên Chúa đóng ấn của Thiên Chúa trong tâm thần của người ấy, chứng minh người ấy đã thuộc về Thiên Chúa. Thánh linh trong người tin Chúa còn được xem như vật làm tin, để những người tin Chúa biết chắc rằng, họ sẽ nhận lãnh sự sống đời đời và cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

Những người không tin Chúa cũng có thể nhận biết một người đã được Thiên Chúa đóng ấn, tức là một người đầy dẫy thánh linh, sinh ra trái của tâm thần: Tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ. (Ga-la-ti 5:22-23).

Trái lại, một người xưng nhận mình là con dân của Chúa nhưng chưa thật sự được đóng ấn, thì những người không tin Chúa cũng nhìn biết được. Vì người ấy sinh ra bông trái của xác thịt: Ngoại tình, tà dâm, ô uế, phóng đãng, thờ hình tượng, dùng ma túy, thù nghịch, cãi lẫy, ganh tị, thịnh nộ, cạnh tranh, chia rẽ, phe đảng, ganh ghét, giết người, say rượu, thác loạn, cùng các sự khác giống như vậy (Ga-la-ti 5:19-21).

Kỳ chuộc lại những sản nghiệp đã mua về cũng chính là kỳ dựng nên trời mới đất mới. Trong kỳ ấy, toàn thể những người đã được cứu chuộc, chính là những sản nghiệp mà Đức Chúa Jesus Christ đã dùng máu của Ngài để mua về, đều được ban cho một thân thể xác thịt mới, được phục hồi bản thể, bản tính, và địa vị làm con của Đức Chúa Trời như Đức Chúa Trời đã định cho họ từ lúc ban đầu. Riêng những người thuộc về Hội Thánh là những trái đầu mùa, thì thân thể xác thịt của họ sẽ được sống lại hoặc được biến hóa trong ngày Đức Chúa Jesus Christ giáng xuống giữa không trung, để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Ngày ấy có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, và chắc chắn là không còn bao lâu nữa.

Mỗi một người được cứu chuộc là một bài ca tôn vinh sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Sự thực hữu của người ấy là để đời đời tôn vinh tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa. Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa, bởi tình yêu của Đức Cha, ân điển của Đức Con, và sự thông công của Đức Thánh Linh mà chúng ta ngay lúc này đây, đã có thể tôn vinh sự vinh quang của Thiên Chúa qua nếp sống mỗi ngày của chúng ta, ngay trong thân thể xác thịt này:

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Nguyện Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta hiểu biết và kinh nghiệm sự mầu nhiệm Lời của Lẽ Thật, Tin Lành cứu rỗi chúng ta, như đã được ghi chép đầy đủ trong Thánh Kinh. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ thêm sức cho chúng ta để chúng ta áp dụng cách thông sáng sự hiểu biết của mình vào trong từng chi tiết của đời sống. Nguyện Đức Chúa Trời giữ gìn chúng ta không chỗ trách được trong ngày Đấng Christ xuất hiện, đem chúng ta ra khỏi thế gian. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/07/2016

Ghi Chú

[1] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/jesus-christ-va-christ-jesus-270/

[2] http://www.timhieutinlanh.net/hoi-dap-than-tinh-con-cua-duc-chua-troi-con-mot-va-con-dau-long/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.