Thiên Chúa: 06_Giáo Lý Một Thiên Chúa Ba Ngôi

7,924 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Giáo lý Một Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là sự dạy dỗ của Thánh Kinh về lẽ thật này: “Chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị, bình đẳng, bình quyền trên mọi phương diện” là một trong các giáo lý bị Sa-tan tấn công mạnh mẽ nhất. Bởi vì, Sa-tan hiểu rất rõ: Nếu một người tin nhận Thiên Chúa nhưng không tin Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, không tin Đức Thánh Linh là Thiên Chúa, thì người ấy chối bỏ lẽ thật của Thánh Kinh. Mà hễ ai chối bỏ lẽ thật của Thánh Kinh, thì đương nhiên tiếp nhận lẽ giả, lẽ dối của Sa-tan, và rơi vào bẫy rập của nó, bị nó khống chế, trở thành nô lệ của nó, rồi người ấy sẽ nhân danh Chúa mà đánh phá Hội Thánh của Chúa.

Thánh Kinh đã để lại cho chúng ta một trường hợp điển hình, về sự một người có thể rất chân thành nhân danh Chúa để đánh phá Hội Thánh của Chúa, tàn sát Hội Thánh của Chúa, đó là Sứ Đồ Phao-lô, trước khi ông nhìn biết lẽ thật về Đức Chúa Jesus Christ. Lịch sử cũng để lại cho chúng ta những bằng chứng cụ thể về sự những người, những tổ chức tôn giáo mang danh là con dân Chúa, Hội Thánh Chúa lại bách hại, tàn sát những ai in, phát, và đọc Thánh Kinh. Điển hình là Giáo Hội Công Giáo! Ngay trong thời hiện đại, trước mắt chúng ta, hàng chục triệu người xưng mình là con dân Chúa, Hội Thánh Chúa, đầy dẫy thánh linh của Chúa, nhưng lại nhảy múa, quay cuồng, khóc, cười, gào, thét, tru, hú như thú vật, phát ra những âm thanh vô nghĩa, té nằm bất tỉnh… chẳng khác gì những kẻ bị quỷ nhập!

Hai phân đoạn Thánh Kinh dưới đây rất đáng cho mọi con dân Chúa đọc và suy ngẫm:

“Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng sẽ bỏ ngươi để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.” (Ô-sê 4:6).

“Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.” (Ma-thi-ơ 7:21-23).

Hiện nay, hàng chục triệu người trên thế giới mang danh là con dân Chúa trong các giáo hội giáo phái: Giê-hô-va Chứng Nhân, Hội Thánh của Đức Chúa Trời, Hội Thánh Ngũ Tuần Oneness, và một vài nhóm trong Phong Trào Cội Nguồn Hê-bơ-rơ (Hebrew Roots) là những người phủ nhận giáo lý Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Một trong những lý do chính do các giáo sư giả đưa ra để bác bỏ giáo lý Một Thiên Chúa Ba Ngôi, là vì họ cho rằng không thể hiểu được ý tưởng một Thiên Chúa được thể hiện trong ba thân vị.

Để biết một người có phải là rao giảng Lời chân thật của Chúa hay không, thì chúng ta chỉ cần xét xem lời giảng của người ấy có đúng với Thánh Kinh hay không. Chắc chắn, có nhiều điều trong Thánh Kinh chúng ta chưa hiểu thấu, nhưng chúng ta vẫn có thể biết một điều được rao giảng có nghịch lại Thánh Kinh hay không. Một em bé mới học lớp năm, sẽ không hiểu gì về phương trình cơ bản của vật lý điện tử như hình dưới đây:

Nhưng em vẫn có thể tra tìm trong sách toán học để biết có thật phương trình ấy đã được công nhận và ghi vào trong sách toán học, hay không. Khi tra tìm và thấy rằng phương trình ấy thật sự được ghi chép trong sách toán học, thì em chỉ cần tin, và nỗ lực học toán, để theo thời gian, em có thể hiểu được phương trình ấy và áp dụng sự hiểu biết của mình vào trong thực tế của đời sống.

Giáo lý Một Thiên Chúa Ba Ngôi dạy rằng: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh được Đức Chúa Jesus Christ nói đến trong Ma-thi-ơ 28:19, là ba thân vị của một Thiên Chúa, mang cùng một danh. Danh ấy đã được mạc khải trong Thánh Kinh Cựu Ước, tức là danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, còn được phiên âm là Giê-hô-va hoặc Gia-vê trong một số bản dịch Thánh Kinh tiếng Việt.

Đức tin là sự tin bởi lòng vâng phục mọi lời Thiên Chúa phán chứ không phải nhờ hiểu hết những gì Thiên Chúa phán mà tin. Nhờ hiểu mà tin thì không gọi là đức tin.

Chỉ sau khi chúng ta có đức tin vào Lời của Thiên Chúa, thì chúng ta mới được Thiên Chúa giảng dạy cho chúng ta những sự sâu nhiệm về các lẽ thật của Lời Ngài. Nếu những gì Lời Chúa đã công bố và được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh, mà chúng ta không tin, viện lý do là không thể hiểu được, thì không bao giờ chúng ta có thể hiểu được điều mà chúng ta đã chối bỏ.

Vì thế, khi được dạy về giáo lý Một Thiên Chúa Ba Ngôi, con dân Chúa chỉ cần làm sáng tỏ các điểm sau đây:

1. Danh từ “ngôi” được nói đến ở đây là để chỉ về một thân vị, tức là một hình thể có thật, biết nhận thức, biết cảm xúc, biết lý luận, và có ý chí; chứ không phải là cái ngai vị để cai trị.

2. Đức Cha là một thân vị của Thiên Chúa, Đức Con là một thân vị của Thiên Chúa, Đức Thánh Linh là một thân vị của Thiên Chúa. Nhưng không phải có ba Thiên Chúa, mà là chỉ có một Thiên Chúa. Vì Thánh Kinh khẳng định: Chỉ có một Thiên Chúa.

3. Vậy, chỗ nào trong Thánh Kinh cho biết: Đức Cha là Thiên Chúa, Đức Con là Thiên Chúa, và Đức Thánh Linh là Thiên Chúa, nhưng chỉ có một Thiên Chúa?

Sau khi tìm gặp những câu Thánh Kinh xác nhận Đức Cha là Thiên Chúa, Đức Con là Thiên Chúa, Đức Thánh Linh là Thiên Chúa, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, thì con dân Chúa phải tin nhận lẽ thật này: “Chỉ có một Thiên Chúa được thể hiện trong ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh!” Còn việc làm sao để có thể hiểu được lẽ thật này là việc khác.

Lẽ thật của Thánh Kinh vẫn đời đời là lẽ thật, cho dù loài người có hiểu được hay là không hiểu được, chấp nhận hay là chối bỏ.

Trong bài này, trước hết chúng tôi cậy ơn Chúa để trưng dẫn các câu Thánh Kinh khẳng định Đức Cha là Thiên Chúa, Đức Con là Thiên Chúa, Đức Thánh Linh là Thiên Chúa, nhưng không phải có ba Thiên Chúa, mà chỉ có một Thiên Chúa. Chúng tôi kêu gọi quý bạn đọc là con dân Chúa, sau khi đọc xong các câu Thánh Kinh ấy, hãy dành ra một phút, tuyên xưng đức tin của mình về giáo lý Một Thiên Chúa Ba Ngôi, và xin Đức Thánh Linh giúp cho mình hiểu biết sâu nhiệm về lẽ thật này. Có như vậy, quý bạn đọc mới có thể hiểu được phần nào sự mầu nhiệm của lẽ thật Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Xin luôn ghi nhớ lời này:

“Vì hiện nay, chúng ta nhìn qua một cái gương với sự mờ tối; nhưng rồi sẽ đến lúc mặt đối mặt. Hiện nay, tôi biết chỉ một phần; nhưng rồi sẽ đến lúc tôi biết như tôi được biết vậy.” (I Cô-rinh-tô 13:12).

Có như vậy, mới tránh được hai lời quỷ biện (lời biện luận đến từ Ma Quỷ) sau đây:

Quỷ biện 1: “Nếu là con dân chân thật của Chúa, hết lòng kêu cầu Chúa thì sẽ tự mình hiểu được cách thấu đáo Lời của Chúa.” Lẽ thật là: Không phải ai cũng được Đức Thánh Linh ban cho ơn ấy. Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ đã lập ra các chức vụ người chăn và người giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh, và Đức Thánh Linh ban ơn cho những người ấy có thời gian, có phương tiện, có năng lực, có sự thông sáng hơn những người khác trong sự học biết và rao giảng Lời Chúa.

Quỷ biện 2: “Thánh Kinh không có gì khó hiểu, vì Thánh Kinh được viết ra cho mọi người, nên người bình dân đọc cũng hiểu. Nếu chúng ta không hiểu được Giáo Lý Một Thiên Chúa Ba Ngôi, thì giáo lý đó không đúng với Thánh Kinh.” Lẽ thật là: Thánh Kinh được viết ra cho mọi người cũng như Tin Lành được rao giảng cho mọi người, nhưng không phải bất cứ ai cũng hiểu. Chỉ những ai khiêm nhường, hạ mình, tìm kiếm Thiên Chúa và lẽ thật của Ngài thì mới có thể hiểu. Còn những ai vẫn sống trong tội, ưa thích sự phạm tội thì sẽ: “học luôn mà không thể đạt tới sự tri thức về lẽ thật” (II Ti-mô-thê 3:7). Vì họ không tin nhận những điều Thánh Kinh đã chép mà “Đức Chúa Trời của đời này [Sa-tan] đã làm mù lý trí của những kẻ chẳng tin” (II Cô-rinh-tô 4:4). Lại có những kẻ kiêu ngạo thuộc linh, tự lập làm thầy (Gia-cơ 3:1) trong khi bản thân mình thì dốt nát Lời Chúa, đức tin về Lời Chúa không vững vàng, tùy ý diễn dịch sai lạc Lời Chúa: “Lại phải nhìn biết rằng, sự nhẫn nại lâu dài của Chúa chúng ta là vì sự cứu rỗi, cũng như Phao-lô, anh cùng Cha rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn sáng được ban cho mình mà viết thư cho các anh chị em vậy. Cũng như anh ấy đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.” (II Phi-e-rơ 3:15-16).

Lẽ Thật về Giáo Lý Một Thiên Chúa Ba Ngôi Trong Thánh Kinh

Dưới đây là những câu Thánh Kinh khẳng định chỉ có một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị, mà Đức Chúa Jesus Christ gọi là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh trong Ma-thi-ơ 28:19:

“Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh…”

Từ ngữ “danh” được dùng trong câu phán của Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là tên gọi, và được dùng bởi hình thức số ít. Có nghĩa là: chỉ một tên được dùng chung cho Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Danh ấy chính là tên riêng của Thiên Chúa do Thiên Chúa tự xưng với Môi-se trong Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14, dịch sang tiếng Hán Việt là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”, có nghĩa là: Đấng Tự Có và Có Mãi!

Chúng ta cũng cần phân biệt rằng: Từ ngữ “Thiên Chúa” trong tiếng Hê-bơ-rơ và trong tiếng Hy-lạp khi không có mạo từ xác định đi chung thì là danh từ được Thánh Kinh dùng để gọi chung Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc chỉ về bản thể, bản tính của Thiên Chúa; khi có mạo từ xác định đi chung thì được Thánh Kinh dùng để chỉ về thân vị không thể thấy được của Thiên Chúa, mà chúng ta quen gọi là “Đức Chúa Trời”. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết về sự khác biệt giữa ý nghĩa của từ ngữ “Thiên Chúa” và “Đức Chúa Trời” trong bài “Danh Xưng Thiên Chúa Trong Nguyên Ngữ Thánh Kinh”. Trong bài ấy, chúng ta sẽ cùng nhau đối chiếu những câu Thánh Kinh có các danh từ được dịch là “Thiên Chúa” và “Đức Chúa Trời”, để thấy sự thống nhất cách dùng từ ngữ trong Thánh Kinh.

Trong bài này, chúng tôi chỉ xin quý bạn đọc ghi nhớ cho các lẽ thật của Thánh Kinh về Ba Ngôi Thiên Chúa được nêu ra dưới đây, mà quý bạn đọc có thể tự mình kiểm chứng cách dễ dàng trong Thánh Kinh:

Đức Cha

Đức Cha, còn gọi là “Thiên Phụ” (Cha Trên Trời), và thường được gọi là “Đức Chúa Trời” để chỉ về thân vị Thiên Chúa ngự trong thiên đàng mà loài người không thể nhìn thấy bằng con mắt xác thịt được. Chúng ta có thể gọi là Ngôi Một Thiên Chúa để phân biệt với hai ngôi còn lại. Tuy nhiên, gọi như vậy không có nghĩa là Ngôi Một lớn hơn Ngôi Hai và Ngôi Hai lớn hơn Ngôi Ba.

Danh xưng Đức Cha dành riêng cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ và chính Đức Chúa Jesus Christ, trong tư cách và thân vị “Con Người”, gọi Ngôi Một Thiên Chúa là Cha.

Thánh Kinh xác định Đức Cha là Thiên Chúa, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu:

“Hết thảy chúng ta chẳng phải là có chung một Cha sao? Chẳng phải chỉ có một Thiên Chúa đã sáng tạo chúng ta sao? Vậy sao ai nấy đãi anh em mình cách gian dối, phạm giao ước của tổ phụ chúng ta?” (Ma-la-chi 2:10).

“Đền Thờ của Thiên Chúa với đền thờ của các thần tượng có sự đồng thuận gì? Vì các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ ở trong họ và Ta sẽ đi lại giữa họ. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân của Ta. [Lê-vi Ký 26:11-12; Giê-rê-mi 32:38; Ê-xê-chi-ên 37:27] Bởi vậy, Chúa phán: Các ngươi hãy ra khỏi giữa chúng nó và các ngươi hãy phân rẽ; các ngươi cũng đừng đụng đến đồ ô uế. Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. [Ê-sai 52:11; Giê-rê-mi 51:45] Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán. [II Sa-mu-ên 7:14]” (II Cô-rinh-tô 6:16-18).

Ngôi Một Thiên Chúa là Cha của con người xác thịt Jesus và Cha của tất cả những người được tái sinh:

Cha của con người xác thịt Jesus: “Ta sẽ truyền ra về sắc lệnh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Ta: Ngươi là Con của Ta. Ngày nay, Ta đã sinh ra Ngươi.” (Thi Thiên 2:7).

Cha của những người được tái sinh: “Ai tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ thì đã được sinh bởi Đức Chúa Trời…” (I Giăng 5:1).

Trong khi đó, Ma Quỷ (Sa-tan) là cha của những kẻ không thuộc về Thiên Chúa:

“Các ngươi là ra từ cha Ma Quỷ của các ngươi. Các ngươi sẽ làm theo sự tham muốn của cha các ngươi. Nó đã là kẻ giết người từ lúc ban đầu; chẳng đứng vững trong lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó. Khi nó nói dối, nó nói bởi chính nó, vì nó là kẻ nói dối và là cha của sự nói dối.” (Giăng 8:44).

Chúng ta cần phân biệt rõ: Ngôi Một Thiên Chúa là Cha của con người xác thịt Jesus, như Ma-ri là mẹ của con người xác thịt Jesus. Chứ Ngôi Một Thiên Chúa không phải là Cha của Ngôi Hai Thiên Chúa. Bởi vì, Thánh Kinh xác định Ngôi Hai Thiên Chúa cũng chính là Thiên Chúa Quyền Năng (Ê-sai 9:6). Mà hễ là Thiên Chúa thì phải: tự có và có mãi mãi, toàn năng, toàn tri, toàn tại, toàn ái, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ, không thể được sinh ra hay được tạo thành bởi một chủ thể khác. Người Công Giáo vì không biết phân biệt thần tính và nhân tính của Ngôi Hai Thiên Chúa, nên đã phạm thượng, gọi bà Ma-ri là “Mẹ Thiên Chúa!” Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu thì sao lại có mẹ? Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu thì sao lại có cha? Sự Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thế làm người là một huyền nhiệm, chúng ta chỉ có thể tin bởi đức tin chứ không thể hiểu được qua suy luận.

Những câu Thánh Kinh được liệt kê tiếp theo đây, là những câu nói về “Thiên Phụ” (Cha Trên Trời): Rô-ma 1:7; I Cô-rinh-tô 1:3; I Cô-rinh-tô 8:6; II Cô-rinh-tô 1:2; Ga-la-ti 1:1; Ga-la-ti 1:3; Ê-phê-sô 1:2; Ê-phê-sô 6:23; Phi-líp 1:2; Phi-líp 2:11; Phi-líp 4:20; Cô-lô-se 1:2; Cô-lô-se 2:2; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1; I Tê-sa-lô-ni-ca 3:11; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:2; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:16; I Ti-mô-thê 1:2; II Ti-mô-thê 1:2; Tít 1:4; Phi-lê-môn 1:3; Gia-cơ 3:9; I Phi-e-rơ 1:2; II Phi-e-rơ 1:17; II Giăng câu 3; Giu-đe câu 1.

Đức Con

Đức Con, còn gọi là “Jesus” hoặc “Jesus Christ” hoặc “Con Người” khi Ngài ở trong thân vị của loài người, nhưng được gọi là “Ngôi Lời” hoặc “Lời của Đức Chúa Trời” khi Ngài ở trong thân vị Thiên Chúa. Ngài là thân vị Thiên Chúa nhập thế làm người mà loài người có thể nhìn thấy hình thể người của Ngài bằng con mắt xác thịt. Chúng ta có thể gọi là Ngôi Hai Thiên Chúa. Thánh Kinh khẳng định Ngài là Thiên Chúa:

“Vì một con trẻ được sinh ra, một con trai ban cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ ở trên vai của Ngài và danh của Ngài sẽ được gọi là: Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Thiên Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An.” (Ê-sai 9:6).

Ngôi Hai Thiên Chúa là “Cha Đời Đời” vì mặc dù Ba Ngôi Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài vạn vật, nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa là Đấng trực tiếp thi hành công cuộc sáng tạo, nên Ngài là Cha Đời Đời của muôn loài thọ tạo:

“Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.” (Giăng 1:3).

“Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực, tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài.” (Cô-lô-se 1:16).

Chúng ta có thể tạm so sánh: Trong công cuộc sáng tạo muôn loài và trong công cuộc cứu chuộc loài người của Thiên Chúa, thì Ngôi Một Thiên Chúa như là kỹ sư thiết kế, Ngôi Hai Thiên Chúa như là kỹ sư thi công, và Ngôi Ba Thiên Chúa như là kỹ sư cung ứng vật liệu.

Kính mời quý bạn đọc cẩn thận đối chiếu Lời Chúa trong hai phân đoạn Thánh Kinh dưới đây, để xem, có phải “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân” mà Ê-sai nhìn thấy trong một khải tượng và ghi lại trong Ê-sai 6:1-5, đã được Giăng 12:35-41 xác nhận Đấng ấy là Đức Chúa Jesus, hay không:

Ê-sai 6:1-5 chép:

1 Về năm Vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy Đền Thờ.

2 Những sê-ra-phim đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phim có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay.

3 Các sê-ra-phim cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh quang Ngài!

4 Bởi tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng động, và Đền đầy những khói.

5 Bấy giờ tôi nói: Khốn thay cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân!

Giăng 12:35-41 chép:

35 Đức Chúa Jesus đáp rằng: Sự sáng còn ở giữa các ngươi ít lâu; hãy đi trong khi các ngươi còn có sự sáng, coi chừng sự tối tăm đến thình lình cùng các ngươi chăng; kẻ đi trong nơi tối tăm thì chẳng biết mình đi đâu.

36 Các ngươi đang có sự sáng, hãy tin sự sáng, để cho trở nên con cái của sự sáng. Đức Chúa Jesus phán như vậy, rồi đi, và ẩn mình cách xa họ.

37 Dẫu Ngài đã làm bấy nhiêu phép lạ trước mặt chúng, họ cũng không tin Ngài,

38 để được ứng nghiệm lời này của đấng tiên tri Ê-sai: Lạy Chúa, ai đã tin lời giảng chúng tôi, và cánh tay Chúa đã tỏ ra cho ai?

39 Chúng không thể tin, vì Ê-sai lại có nói rằng:

40 Ngài đã khiến mắt họ mù, lòng họ cứng, để cho mắt chẳng thấy, lòng chẳng hiểu, không tự hối cải, và Ta chẳng chữa lành cho.

41 Ê-sai nói các điều đó, khi ông nhìn thấy sự vinh quang của Ngài và nói về Ngài.

Tất cả những chữ “Ngài” trong Giăng 12:35-41 đều chỉ về Đức Chúa Jesus. Có phải, chính Thánh Kinh đã xác nhận Đức Chúa Jesus là Vua, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân?

Đức Thánh Linh

Đức Thánh Linh, còn gọi là Đấng Thần Linh, Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời, là thân vị Thiên Chúa ngự trong lòng con dân Chúa thời Tân Ước, mà loài người không thể nhìn thấy bằng con mắt xác thịt được. Chúng ta có thể gọi là Ngôi Ba Thiên Chúa.

I Cô-rinh-tô 12:6-11

6 Có các việc làm khác nhau, nhưng hết thảy là cùng một Thiên Chúa hành động trong mọi sự.

7 Sự tỏ ra của Đấng Thần Linh được ban cho mỗi người, cho sự ích lợi.

8 Thực tế, người thì được ban cho bởi Đấng Thần Linh lời nói của sự khôn sáng; nhưng người khác được ban cho lời nói của sự hiểu biết bởi cùng Đấng Thần Linh.

9 Người khác được ban cho đức tin bởi cùng Đấng Thần Linh; nhưng người khác được ban cho ân tứ chữa lành tật bệnh bởi cùng Đấng Thần Linh.

10 Người khác được ban cho sự làm những việc quyền năng; người khác được ban cho sự nói tiên tri; người khác được ban cho sự nhận thức tinh tế các thần; người khác được ban cho sự nói các nhánh ngôn ngữ; người khác được ban cho sự thông giải nhiều ngôn ngữ.

11 Hết thảy những sự ấy là cùng một Đấng Thần Linh tác động, theo ý Ngài muốn, phân phát riêng cho mỗi người.

Kính mời quý bạn đọc cẩn thận đối chiếu Lời Chúa trong hai phân đoạn Thánh Kinh dưới đây, để xem, có phải “Chúa” mà Ê-sai nghe tiếng phán và ghi lại trong Ê-sai 6:8-13, đã được Công Vụ Các Sứ Đồ 28:25-27 xác nhận Chúa ấy là Đức Thánh Linh, hay không:

Ê-sai 6:8-13 chép:

8 Kế đó, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho Chúng Ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi.

9 Ngài phán: Đi đi! Nói với dân này rằng: Các ngươi hãy nghe, nhưng chẳng hiểu chi; hãy xem, nhưng chẳng thấy gì.

10 Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, kẻo mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa lành chăng!

11 Tôi lại nói: Lạy Chúa, cho đến chừng nào? Ngài đáp rằng: Cho đến chừng các thành bị hoang vu, không có dân ở, nhà không có người, và đất đã nên hoang vu cả;

12 cho đến chừng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dời dân đi xa, và trong xứ rất là tiêu điều.

13 Giả sử còn lại một phần mười dân cư tại đó, họ sẽ lại bị thiêu nuốt. Nhưng, như khi người ta hạ cây thông cây dẻ, chừa gốc nó lại, thì cũng vậy, giống thánh là gốc của nó.

Công Vụ Các Sứ Đồ 28:25-27 chép:

25 Bởi vì họ không đồng ý với nhau và ra về, nên Phao-lô chỉ nói thêm lời này: Đức Thánh Linh đã phán phải lắm, khi Ngài dùng đấng tiên tri Ê-sai mà phán với tổ phụ các ngươi rằng:

26 Hãy đến nơi dân này và nói rằng: Các ngươi lấy lỗ tai nghe mà chẳng hiểu chi; lấy mắt xem mà không thấy gì.

27 Vì lòng dân này đã nặng nề. Họ bịt lỗ tai, nhắm mắt lại, ngại rằng, mắt mình tự thấy, tai mình tự nghe, lòng mình tự hiểu, và họ trở lại mà Ta chữa cho lành được chăng.

Có phải, Phao-lô đã xưng nhận Đức Thánh Linh là Thiên Chúa hay không? Đức Thánh Linh đã thay cho Ba Ngôi Thiên Chúa phán với Ê-sai, vì Ngài phán: “Ai sẽ đi cho Chúng Ta?”

Dựa vào câu Thánh Kinh tiếp theo đây chúng ta sẽ thấy rằng, việc sai người đi là do Đức Thánh Linh đảm trách:

“Đang khi môn đồ phụng sự Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ để làm công việc Ta đã gọi làm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2).

Những ai đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 8:25-27 và câu này mà không công nhận Đức Thánh Linh là một thân vị thì chỉ có một kết luận: Họ đã bị Đức Chúa Trời của đời này (Sa-tan) làm cho mù lý trí của họ! (II Cô-rinh-tô 4:4).

Tiếp theo, xin quý bạn đọc cẩn thận đối chiếu hai phân đoạn dưới đây, để xem, có phải Hê-bơ-rơ 10:15-17 xác nhận Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong Giê-rê-mi 31:31-34 là Đức Thánh Linh, hay không:

Giê-rê-mi 31:31-34 chép:

31 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này! Những ngày đến, Ta sẽ kết một giao ước mới với nhà I-sơ-ra-ên và với nhà Giu-đa;

32 sẽ không theo giao ước mà Ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày Ta nắm tay dắt họ ra khỏi đất Ê-díp-tô; là giao ước của Ta mà chúng nó đã phá đi, mặc dù Ta là chồng của chúng nó. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vậy.

33 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp của Ta bên trong chúng nó và chép trong lòng của chúng nó. Ta sẽ làm Thiên Chúa của chúng nó và chúng nó sẽ làm dân Ta.

34 Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy người lân cận mình hay là anh em mình, nói rằng: Hãy nhìn biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì hết thảy chúng nó đều sẽ nhìn biết Ta, người nhỏ cũng như người lớn. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta sẽ tha sự gian ác của chúng nó, và Ta sẽ chẳng nhớ tội lỗi của chúng nó nữa.

Hê-bơ-rơ 10:15-17 chép: Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta. Vì theo lời phán trước đây, Chúa phán: Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó. Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng. Ta sẽ chẳng còn nhớ đến những tội lỗi và những sự vô luật pháp của họ nữa.”

Thiên Chúa Là Cha

Chúng ta rất quen thuộc với những câu Thánh Kinh dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa Đức Chúa Trời là Cha, một ít người nhớ ra, Thánh Kinh cũng gọi Thiên Chúa Ngôi Lời là “Cha Đời Đời”. Nhưng rất là ít người biết rằng Thiên Chúa Đức Thánh Linh cũng là Cha của con dân Chúa.

Ê-phê-sô 4:6 chép rằng: “Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.”

Trước hết, chúng ta phải hiểu đây là lời Chúa phán với Hội Thánh, vì Thiên Chúa không hề ở trong những ai chưa được tái sinh.

Thiên Chúa là Cha trên cả mọi người trong Hội Thánh là Ngôi Một Thiên Chúa, vì Ngài là Cha sinh ra thân thể không phạm tội của họ như Ngài đã sinh ra thân thể không phạm tội của Đức Chúa Jesus. Tức là: tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, thì lập tức người ấy được sinh bởi Đức Chúa Trời. Thân thể xác thịt hiện tại của người ấy lập tức trở nên thánh, không còn nhiễm tội, và trở thành Đền Thờ của Đức Chúa Trời, như thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus, khi Ngài nhập thế làm người. Từ đó, mỗi người có thánh linh, tức là năng lực của Thiên Chúa đổ đầy trong thân thể mình, để thắng mọi cám dỗ, tội lỗi. Thân thể đã được sinh bởi Đức Chúa Trời thì không thể kết quả tội.

“Ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng kết quả tội, vì hạt giống của Ngài ở trong người, và người không có sức mạnh phạm tội, vì đã được sinh bởi Đức Chúa Trời.” (I Giăng 3:9).

“Ai tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ thì đã được sinh bởi Đức Chúa Trời; và ai yêu Đấng đã sinh ra, thì cũng yêu người đã được sinh ra bởi Ngài.” (I Giăng 5:1).

“Vì bất cứ ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế gian; và này sự đắc thắng đã thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta.” (I Giăng 5:4).

“Chúng ta biết rằng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng sống trong tội; nhưng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, ma quỷ chẳng làm hại người được.” (I Giăng 5:18).

Thiên Chúa là Cha giữa mọi người trong Hội Thánh là Ngôi Hai Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng thi hành công cuộc sáng tạo nên muôn loài vạn vật trong đời này và trong cả đời sau, là Cha Đời Đời của muôn vật. Ngài là Cha tái sinh thực thể, tức linh hồn của chúng ta, Ngài là Đấng đi lại giữa Hội Thánh (Khải Huyền 1:12, 13, 20). Dựa vào Giăng 1:1 và Khải Huyền 19:13 mà chúng ta biết Ngôi Hai Thiên Chúa tức là Ngôi Lời, tức là Lời của Đức Chúa Trời, và cũng là Lời của Thiên Chúa, vì Đức Chúa Trời là Thiên Chúa:

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi LờiNgôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.” (Giăng 1:1).

“Ngài được khoác áo đã nhúng trong máu và tên Ngài được xưng là “Ngôi Lời của Đức Chúa Trời.”” (Khải Huyền 19:13).

“Vì một con trẻ được sinh ra, một con trai ban cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ ở trên vai của Ngài và danh của Ngài sẽ được gọi là: Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Thiên Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An.” (Ê-sai 9:6).

“…đã được tái sinh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hay hư nát, bởi Lời Hằng Sống và còn lại cho đến vĩnh cửu của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 1:23).

“Chúng nó cố ý không nhận biết rằng, có các tầng trời xưa kia, và đất ra từ nước, ở giữa nước, là bởi Lời của Đức Chúa Trời.” (II Phi-e-rơ 3:5).

Thiên Chúa là Cha ở trong mọi người trong Hội Thánh là Ngôi Ba Thiên Chúa, vì Ngài là Cha tái sinh tâm thần của họ và ngự trong thân thể của họ:

“Sự được sinh bởi xác thịt là xác thịt và sự được sinh bởi Đấng Thần Linh là thần linh. Chớ lấy làm lạ vì Ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải được sinh lại. Gió thổi nơi nào nó muốn. Ngươi nghe tiếng của nó nhưng chẳng biết từ đâu nó đến và nơi nào nó đi. Ai được sinh bởi Đấng Thần Linh thì cũng như vậy. (Giăng 3:6-8).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (I Cô-rinh-tô 6:19).

Lý Luận về Sự Bình Đẳng Bình Quyền của Ba Ngôi Thiên Chúa

Sau khi chúng ta đã tin nhận lẽ thật của Thánh Kinh về giáo lý: Chỉ có một Thiên Chúa được thể hiện trong ba thân vị, còn gọi là ba ngôi; thì chúng ta có thể nhờ Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta dựa vào những điều thực tế trong cuộc sống, mà chúng ta có thể hiểu được bằng tâm trí xác thịt, để giúp cho chúng ta qua đó hiểu được sự mầu nhiệm của các lẽ thật thuộc linh.

Một trong những thí dụ thích hợp nhất để chúng ta hiểu được sự hiệp một nhưng khác biệt giữa Ba Thân Vị Thiên Chúa là mô hình chính quyền dân chủ pháp định của Hoa Kỳ. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét và so sánh các điểm sau đây:

1. Danh từ “chính quyền” tương tự như danh từ “Thiên Chúa” được dùng để chỉ về một thực thể.

2. Tên gọi “Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ” tương tự như tên gọi “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” là tên riêng của một thực thể.

3. Câu: “Chỉ có một chính quyền Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”; tương tự như câu: “Chỉ có một Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu.”

4. Câu: “Chính quyền Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được thể hiện qua ba ngành: lập pháp, hành pháp, và tư pháp”; tương tự như câu: “Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu được thể hiện qua ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.”

5. Câu: “Lập pháp là chính quyền, hành pháp là chính quyền, tư pháp là chính quyền, nhưng không phải có ba chính quyền, mà chỉ có một chính quyền”; tương tự như câu: “Đức Cha là Thiên Chúa, Đức Con là Thiên Chúa, Đức Thánh Linh là Thiên Chúa, nhưng không phải có ba Thiên Chúa, mà chỉ có một Thiên Chúa.”

Thật vậy, khi Quốc Hội Hoa Kỳ (lập pháp) ban hành một đạo luật nào, thì đó là chính quyền Hoa Kỳ ban hành luật. Khi Tổng Thống Hoa Kỳ (hành pháp) tuyên bố một điều gì, ký kết một văn kiện gì, thì đó là chính quyền Hoa Kỳ tuyên bố và ký kết. Khi Tối Cao Pháp Viện (tư pháp) ra một phán quyết gì, thì đó là phán quyết của chính quyền Hoa Kỳ. Nhưng rõ ràng là không phải có ba chính quyền Hoa Kỳ.

Từ trong cõi đời đời quá khứ, ba thân vị Thiên Chúa đã tự có và hiệp một, và sẽ có đến mãi mãi. Tuy nhiên, không gọi là Ba Thiên Chúa, mà gọi là Một Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là một thực thể có ba thân vị. Cả ba thân vị Thiên Chúa đều bình đẳng, bình quyền trên mọi phương diện; nghĩa là: cùng tự có, cùng có đến mãi mãi; cùng toàn năng, toàn tri, toàn tại, toàn ái, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.

Lý Luận về Sự Vâng Phục Giữa Các Ngôi Thiên Chúa

Để có thể hiểu được vì sao Ba Ngôi Thiên Chúa bình đẳng, bình quyền trên mọi phương diện mà lại có sự Ngôi Lời vâng phục Ngôi Đức Chúa Trời và Ngôi Đức Thánh Linh vâng phục Ngôi Lời cùng Ngôi Đức Chúa Trời, thì chúng ta hãy cùng xem qua thí dụ dưới đây:

Thí dụ: Có ba người sinh ba (cùng lúc được sinh ra) cùng mang họ Huỳnh. Vì được bác sĩ giải phẫu lấy ra cùng một lúc nên không phân biệt ai là anh, ai là em.

  • Khi lớn lên, ra đường, người ngoài gặp bất cứ ai trong ba người cũng đều gọi là ông Huỳnh.
  • Ba người hùn vốn, cùng nhau thành lập một công ty lấy tên là “Huỳnh Công Ty”. Số vốn ba người bỏ ra đều bằng nhau và lời lỗ của công ty cũng được chia đều cho cả ba. Quyền quyết định mọi việc trong công ty cũng chia đều cho cả ba.
  • Để thuận tiện trong việc điều hành công ty và điều khiển các nhân viên trong công ty, ba người tự ý chấp nhận đảm trách các chức vụ: Chủ Tịch Công Ty, Thư Ký Công Ty, và Thủ Quỹ Công Ty. Nhân viên trong công ty và mọi người trong xã hội có việc liên quan đến công ty thì gọi họ là: Huỳnh Chủ Tịch, Huỳnh Thư Ký, Huỳnh Thủ Quỹ.
  • Và như vậy, Huỳnh Thư Ký phải vâng phục Huỳnh Chủ Tịch, và Huỳnh Thủ Quỹ phải theo lệnh Huỳnh Chủ Tịch và Huỳnh Thư Ký để xuất quỹ. Tất cả mọi sinh hoạt trong công ty đều phải dưới quyền của Huỳnh Chủ Tịch. Khi cần, thì Huỳnh Chủ Tịch giao phó cho Huỳnh Thư Ký toàn quyền quyết định. Dù Huỳnh Thư Ký có toàn quyền quyết định mọi sự trong công ty nhưng vẫn phải báo cáo đầy đủ mọi sự cho Huỳnh Chủ Tịch. Tất cả những công việc phân bố tài chính, kiểm soát thu nhập chi tiêu của công ty đều do Huỳnh Thủ Quỹ phụ trách.
  • Tuy nhiên, chính sách, kế hoạch của công ty đều do cả ba người họ Huỳnh họp bàn và quyết định, không ai có quyền hơn ai, không ai điều khiển ai, mà là một sự đồng tâm hiệp ý.
  • Khi kế hoạch chính sách đã được đồng thuận thì mỗi người thi hành chính sách, kế hoạch ấy theo chức vụ và thẩm quyền của mình trong công ty.

Đối với người ngoài thì rõ ràng Huỳnh Thủ Quỹ dưới quyền Huỳnh Thư Ký và Huỳnh Chủ Tịch, còn Huỳnh Thư Ký thì dưới quyền Huỳnh Chủ Tịch. Tuy nhiên, đó chỉ là sự phân quyền một cách hợp lý để làm việc, và cũng là gương mẫu cho các ban ngành khác trong công ty, nhưng trong thực tế thì cả ba người họ Huỳnh bình đẳng, bình quyền trong cổ phần của công ty. Và, sau giờ làm việc, về đến nhà thì không có ai phải vâng phục ai, ai ra lệnh cho ai… Họ yêu thương, hòa thuận lẫn nhau. Nếu có sự vâng phục thì họ vì yêu nhau mà vâng phục lẫn nhau, như trong Hội Thánh của Chúa, mọi người đều bình đẳng và vì Đức Chúa Jesus Christ mà vâng phục lẫn nhau.

Cách nói: Đức Con ra từ Đức Cha, Đức Thánh Linh ra từ Đức Cha và ra từ Đức Con, là cách nói để thể hiện sự phân công làm việc giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong công cuộc chuộc tội loài người. Đó là thời khoảng từ khi Ngôi Lời nhập thế làm người cho đến khi Ngôi Lời thiết lập Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới. Còn trước sáng thế, thậm chí, ngay trong thời Cựu Ước, và trong cõi đời đời của trời mới đất mới, thì Ba Ngôi Thiên Chúa bình đẳng, bình quyền trên mọi phương diện, như thí dụ về Huỳnh Công Ty mà tôi đã đưa ra.

Trong sách Khải Huyền, sau ba đoạn đầu nói về quan hệ giữa Đức Chúa Jesus Christ và Hội Thánh, từ đoạn 4 trở đi, dù vẫn có lúc nhắc đến quan hệ giữa Ngài và dân I-sơ-ra-ên, nhưng không bao giờ Thánh Kinh đề cập đến quan hệ cha con giữa Ngôi Một Thiên Chúa và Ngôi Hai Thiên Chúa:

Khải Huyền 5:5

  • Sư Tử của Chi Tộc Giu-đa
  • Chồi của Đa-vít

Khải Huyền 5:6

  • Chiên Con

Khải Huyền 19:11

  • Đấng Thành Tín và Chân Thật

Khải Huyền 19:13

  • Ngôi Lời của Đức Chúa Trời

Khải Huyền 19:16

  • Vua của Các Vua Chúa của Các Chúa

Khải Huyền 22:13

  • Đấng An-pha và Đấng Ô-mê-ga
  • Đấng Khởi Đầu và Đấng Kết Thúc
  • Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng

Khải Huyền 22:16

  • Jesus, nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi
  • Chồi và hậu tự của Đa-vít
  • Sao Mai sáng chói

Sự kiện Khải Huyền 5:5 và Khải Huyền 22:16 nhắc đến các danh hiệu “Sư Tử của Chi Tộc Giu-đa”, “Chồi của Đa-vít” và “Chồi và hậu tự Đa-vít” là để khẳng định Ngôi Hai Thiên Chúa vẫn còn mang nhân tính trong cõi đời đời, và Ngài có một quan hệ đặc biệt với tuyển dân I-sơ-ra-ên. Tuyển dân I-sơ-ra-ên sẽ là một nước thầy tế lễ trong Vương Quốc Ngàn Năm Bình An (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6; Xa-cha-ri 8:23), trong khi Hội Thánh thì đồng trị với Ngôi Hai Thiên Chúa, cùng ngồi trong các nơi trên trời với Ngài (II Ti-mô-thê 2:12; Ê-phê-sô 2:6).

Chính vì Ngài mang nhân tính mà Hội Thánh mới có thể kết hiệp cách nhiệm mầu với Ngài trong Lễ Cưới Chiên Con (Khải Huyền 19:6-9). Danh xưng “Chiên Con” của Ngài để tôn vinh công cuộc Thiên Chúa cứu rỗi loài người, qua cái chết chuộc tội của Ngài.

Nói cách khác, Ngài vẫn hiệp một với Thiên Chúa Đức Chúa Trời và Thiên Chúa Đức Thánh Linh, vì Ngài là Thiên Chúa. Nhưng Ngài cũng hiệp một với Hội Thánh, vì Ngài đã mang lấy trọn vẹn nhân tính.

Các danh xưng: An-pha và Ô-mê-ga, Đấng Khởi Đầu và Đấng Kết Thúc, Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng, đã nói lên thần tính “tự có và có đến mãi mãi” của Ngài.

Danh xưng: “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” bao gồm các vua chúa trong thế giới loài người lẫn các vua chúa trong thế giới thần linh của các thiên sứ. Vì thế, Ngài phải là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, vì Thánh Kinh gọi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân là “Vua” (Ê-sai 6:5).

Kết Luận

Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thể hiện trong ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Lẽ thật đó được chính Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa công bố. Nếu Thiên Chúa không thể hiện trong ba thân vị, thì Thiên Chúa không toàn hảo. Vì thế, con số 3 trong Thánh Kinh được tiêu biểu cho sự toàn hảo về thần tính. Dấu ấn về sự toàn hảo của Thiên Chúa cũng ghi rõ trên các công trình sáng tạo của Ngài:

  • Loài người gồm: linh hồn, tâm thần, và xác thịt.
  • Thân vị thể hiện qua: tư tưởng, lời nói, và hành động.
  • Vũ trụ gồm: thời gian, không gian, và vật chất.
  • Thời gian gồm: quá khứ, hiện tại, và tương lai.
  • Không gian gồm: chiều dài, chiều rộng, và chiều cao.
  • Vật chất gồm: trọng lượng, năng lượng, và quán tính.
  • Đền Thờ Thiên Chúa gồm: hành lang, nơi thánh, và nơi chí thánh.
  • Ba điều cơ bản cho Hội Thánh: đức tin, hy vọng, và tình yêu.

Nếu Thánh Kinh đã rõ ràng khẳng định Đức Con là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, Đức Thánh Linh là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, thì ai có thẩm quyền phủ nhận thân vị và thần tính tự hữu hằng hữu của Ngôi Hai và Ngôi Ba Thiên Chúa? Ai dám nói Đức Con và Đức Thánh Linh không phải là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu?

Tâm trí loài người có hiểu được lẽ thật ấy hay không, không phải là vấn đề. Vấn đề là: Dù hiểu hay không hiểu, không ai có thẩm quyền chối bỏ lời khẳng định của Thánh Kinh! Chối bỏ, không công nhận Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, không công nhận Đức Thánh Linh là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tức là chối bỏ Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Tội này còn nặng hơn tội chối bỏ danh Chúa, vì Thiên Chúa đã làm cho Lời của Ngài được tôn cao hơn cả danh của Ngài (Thi Thiên 138:2). Tội này dẫn đến tội phạm Đức Thánh Linh, vì dám phủ nhận sự thần cảm của Ngài trên Thánh Kinh hoặc đương nhiên cho rằng Ngài đã nói dối qua Thánh Kinh!

Những ai đã được rao giảng về lẽ thật Một Thiên Chúa Ba Ngôi mà vẫn chối bỏ thân vị và thần tính tự hữu hằng hữu của Ngôi Lời và Đức Thánh Linh, thì người ấy sẽ không được tha thứ trong đời này, lẫn đời sau. Tôi tha thiết kêu gọi con dân Chúa đừng để cho tà giáo của Sa-tan kéo mình vào chỗ hư mất đời đời. Tôi kêu gọi quý con dân Chúa in bài viết này ra, sao chép CD bài giảng này ra, trao đến mỗi con dân Chúa, để họ hiểu và đứng vững trong lẽ thật về thân vị của Thiên Chúa.

Xin quý bạn đọc dành thời gian tham khảo thêm các bài viết về Thiên Chúa trên trang www.timhieuthanhkinh.com [1]. Xin quý bạn đọc cũng đón xem trên cùng website bài “Danh Xưng Thiên Chúa Trong Nguyên Ngữ Thánh Kinh.”

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/05/2014

Ghi Chú

[1] Bấm vào nối mạng này để đọc và nghe loạt bài giảng về Thiên Chúa: https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.