Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Thần Tính
Theo định nghĩa của Thánh Kinh, Thiên Chúa là Đấng tự có và có mãi. Ngài là Đấng sáng tạo nên muôn loài vạn vật, gọi là Đấng Tạo Hóa. Ngài là toàn năng, toàn tri, toàn ái, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ, vì thế, Ngài toàn tại. Có nghĩa là:
- Thiên Chúa làm được mọi sự, không sự gì Ngài không làm được, tùy theo thánh ý của Ngài. Có những việc Ngài chọn không làm, không phải vì Ngài không có năng lực để làm, mà vì việc ấy nghịch lại bản tính yêu thương, công chính, và thánh khiết của Ngài. Thiên Chúa hoàn toàn tự do trong sự thể hiện sức toàn năng của Ngài.
- Thiên Chúa biết hết mọi sự từ những sự trong quá khứ, ngay trong hiện tại, và những sự sẽ đến trong tương lai mãi mãi. Ba chiều của thời gian: quá khứ, hiện tại, và tương lai không hề có ảnh hưởng gì đến sự biết của Thiên Chúa. Không một sự gì, dù là những sự sâu kín trong tấm lòng của mỗi người hay là những tương tác vật lý sâu kín trong từng hạt bụi có thể ở ngoài sự tri thức của Thiên Chúa.
- Thiên Chúa là toàn ái, vì Ngài chính là tình yêu. Không phải Thiên Chúa có tình yêu, mà là Thiên Chúa là tình yêu. Mỗi chúng ta có thể có tình yêu từ Thiên Chúa. Hãy hình dung ra đại dương bao la với muôn loài sinh vật lớn nhỏ trong đại dương. Mỗi sinh vật đều có chất nước của đại dương trong bản thể của chúng, nhưng đại dương chính là khối nước to lớn. Tình yêu từ Thiên Chúa là tình yêu trọn vẹn vì nó ra từ Đấng Tự Có và Có Mãi.
- Trong Thiên Chúa không có sự dối trá. Ngài là chân thật, mọi ý tưởng, lời phán, và việc làm của Ngài là chân thật, đáng tin. Ngài luôn làm thành mọi lời hứa của Ngài, dù là lời hứa về sự ban phước hay lời hứa về sự giáng họa. Trong lời hứa về sự ban phước hoặc giáng họa thì có kèm theo điều kiện. Nghĩa là khi điều kiện để nhận phước bị vi phạm thì lời hứa ban phước sẽ vô hiệu lực, hoặc khi điều kiện ăn năn được đáp ứng thì lời hứa giáng họa cũng sẽ vô hiệu lực.
- Thiên Chúa là toàn thiện, nghĩa là trong Ngài không có sự gì nghịch lại các tiêu chuẩn thánh khiết của chính Ngài, là những tiêu chuẩn đã được chiếu ra trong lương tâm của loài người, được ghi chép thành Mười Điều Răn trong Thánh Kinh. Bất cứ sự gì nghịch lại với Thiên Chúa, nghịch lại tiêu chuẩn thánh khiết của Ngài, thì đó là sự ác. Dù Thiên Chúa là thiện, nhưng Ngài vẫn có thể làm ra sự dữ để sửa phạt những kẻ vi phạm sự thánh khiết của Ngài. Thoạt nhìn thì sự dữ cũng giống như sự ác, vì nó đem tới đau thương, mất mát, chết chóc, và tủi nhục. Tuy nhiên, sự dữ và sự ác hoàn toàn khác nhau về mục đích. Mục đích của sự dữ là Thiên Chúa dùng đau khổ để sửa trị những kẻ chống nghịch Thiên Chúa, mục đích của sự ác là loài người và thiên sứ phản nghịch Thiên Chúa làm ra những sự nghịch lại sự thánh khiết của Thiên Chúa, để thỏa mãn ý riêng. Ê-sai 45:7 chép: “Ta hình thành sự sáng và sáng tạo sự tối tăm. Ta làm ra sự bình an và sáng tạo sự dữ. Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, làm mọi sự đó.”
- Thiên Chúa là toàn mỹ, vì thế tất cả những sự oai nghi đẹp đẽ thuộc về Ngài, và muôn vật phản chiếu sự vinh quang đẹp đẽ của Thiên Chúa. Sự vinh quang đẹp đẽ của Thiên Chúa không phải chỉ về hình thức của bản thể và công việc Ngài làm, mà còn là bản tính của Thiên Chúa, mà chúng ta gọi là các mỹ đức, như đã được nhắc đến trong Ga-la-ti 5:22-23 “tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ.”
- Thiên Chúa là toàn tại, có nghĩa là sự hiện diện của Ngài ở khắp nơi, kể cả trong âm phủ và trong hỏa ngục. Chúng ta cần phân biệt rõ: Sự hiện diện của Thiên Chúa ở khắp nơi hoàn toàn khác với ý tưởng của Ấn Giáo và Phong Trào Thời Đại Mới (New Age), cho rằng, Thiên Chúa ở trong mọi sự. Thiên Chúa không cần ở trong mọi sự để biết hết mọi sự. Sự toàn tại hay sự hiện diện của Thiên Chúa có nghĩa là Ngài vĩ đại hơn muôn vật; không một điều gì thoát khỏi tầm nhìn của Ngài.
Như vậy, danh từ thần tính được dùng để gọi chung các tính chất chỉ thuộc riêng về Thiên Chúa. Phải là Thiên Chúa thì mới có các tính chất ấy, ngoài Thiên Chúa không ai, không sự gì có được thần tính. Thần tính, tức là tính chất riêng của Thiên Chúa!
Thiên Tính
Thiên tính bao gồm nhân tính và thêm đặc tính được đầy dẫy năng lực của Thiên Chúa để sống đúng theo tiêu chuẩn thánh khiết của Thiên Chúa và làm ra những sự lạ lùng, vượt trên nhân tính. Thiên tính khác với thần tính. Thần tính chỉ thuộc riêng về Thiên Chúa và là nguồn của thiên tính. Thần tính là vô hạn, còn thiên tính là có giới hạn.
Tất cả các ân tứ của Đức Thánh Linh ban cho con dân Chúa như được mô tả trong I Cô-rinh-tô 12, đều là thiên tính.
Nhân Tính
Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình và tượng của Thiên Chúa:
“Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất!” (Sáng Thế Ký 1:26).
Ngay trong lời phán này của Thiên Chúa, chúng ta đã thấy là Thiên Chúa có nhiều thân vị, mà qua suốt Thánh Kinh, chúng ta biết là ba thân vị. Ba thân vị của Thiên Chúa, được Đức Chúa Jesus dạy cho Hội Thánh gọi là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.
Ngay từ lúc loài người được dựng nên, chúng ta thấy loài người có hồn sống ở trong một thân thể vật chất gọi là xác thịt. Loài người được Thiên Chúa dùng thánh linh của Ngài, tức là năng lực và sự sống trực tiếp từ Thiên Chúa tạo nên một thân thể thiêng liêng gọi là tâm thần. Chính nhờ tâm thần đó mà loài người có thể giao tiếp với Thiên Chúa và thế giới thuộc linh, tức là thế giới thiêng liêng, khác với thế giới vật chất.
Loài người được Thiên Chúa dựng nên giống như Ngài để cai trị đất và muôn vật trên đất, nên loài người mang lấy các đặc tính giống như Thiên Chúa nhưng bị giới hạn trong bản thể, trong năng lực, trong tri thức. Về bản thể, loài người được Thiên Chúa dựng nên. Về năng lực loài người bị giới hạn trong các định luật vật chất. Về tri thức loài người chỉ biết sự thiện, không có khả năng phân biệt thiện và ác như Thiên Chúa. Về ý chí loài người được Thiên Chúa ban cho quyền tự do chọn lựa.
Vậy nhân tính là bản tính tri thức về sự thiện, về Thiên Chúa, là năng lực cai trị thế giới vật chất theo ý muốn của Thiên Chúa cùng với năng lực vâng phục Thiên Chúa, là ý chí tự do chọn lựa.
Sau khi loài người dùng ý chí tự do của mình để chống nghịch ý muốn của Thiên Chúa, mà Thánh Kinh gọi là phạm tội, thì nhân tính bị băng hoại. Từ đó, loài người thể hiện quỷ tính và thú tính.
Quỷ Tính
Quỷ tính là tính chất vu khống Thiên Chúa và phản nghịch Thiên Chúa. Một số trong những thần linh, còn gọi là các thiên sứ, do Thiên Chúa dựng nên đã vu khống và phản nghịch Thiên Chúa. Họ bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi nơi ngự của Thiên Chúa là thiên đàng. Các thần linh này bị Thánh Kinh gọi là tà linh hoặc ma quỷ. Từ ngữ “ma quỷ” hoặc “quỷ” trong nguyên ngữ của Thánh Kinh có nghĩa đen là “kẻ vu khống”; nghĩa bóng là “kẻ phản nghịch Thiên Chúa”.
Đặc tính của ma quỷ là giết người, nói dối, tức vu khống, và cám dỗ loài người phạm tội. Phạm tội tức là suy tưởng đến hoặc nói đến hoặc làm ra bất cứ một điều gì nghịch lại với tiêu chuẩn thánh khiết của Thiên Chúa, còn gọi là các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.
Thú Tính
Thú tính là bản năng sinh tồn của loài thú. Chúng cứ hành động theo sự đòi hỏi của xác thịt, như Thiên Chúa đã định cho chúng. Đôi khi chúng ta nói người nào đó thỏa mãn thú tính, có nghĩa là chúng ta nói người ấy chỉ biết hành động theo sự đòi hỏi của xác thịt như loài thú mà bất chấp lương tâm, bất chấp tiêu chuẩn đạo đức và luật pháp của loài người lẫn tiêu chuẩn thánh khiết và luật pháp của Thiên Chúa. Loài thú hành động theo bản năng là điều Thiên Chúa đã định cho chúng, cho nên loài thú không hề phạm tội chống nghịch Thiên Chúa. Loài người hành động như loài thú, bất chấp điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, thì loài người phạm tội.
Thân Vị
Thân vị là một thực thể có khả năng quyết định dựa trên nhận thức, lý luận, và cảm xúc. Thiên Chúa là một thực thể bao gồm ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Mỗi thân vị của Thiên Chúa đều có khả năng quyết định dựa trên nhận thức, lý luận, và cảm xúc. Tuy nhiên, ba thân vị của Thiên Chúa vượt lên trên tất cả mọi thân vị của loài người và thiên sứ, vì Thiên Chúa là nguồn gốc và tiêu chuẩn của sự nhận thức, sự lý luận, và sự cảm xúc.
Mỗi thiên sứ là một thực thể có thân vị, được Thiên Chúa dựng nên để hầu việc Ngài. Mỗi thiên sứ là một linh hồn ở trong một tâm thần, còn gọi là thể thần linh. Thiên sứ mang thiên tính.
Loài người là một thực thể do Thiên Chúa tạo thành và chia thành hai thân vị nam, nữ. Từ đó, các thân vị nam và nữ của loài người phối hợp để sinh ra nhiều thân vị người khác nhau. Dù cho loài người sinh ra nhiều thân vị khác nhau, nhưng vẫn chỉ là một thực thể người, ra từ A-đam đầu tiên, sau khi sa ngã phạm tội, được ban cho cơ hội tái sinh, tức được Đức Chúa Trời sinh ra trong A-đam Sau Cùng là Đức Chúa Jesus Christ.
Thân Vị, Nhân Tính, Thiên Tính, và Thần Tính của Đức Chúa Jesus Christ
Thánh Kinh đã cho chúng ta biết rõ nguồn gốc của “Con Người” Jesus. Ngài được sinh ra bởi một người nữ và hoàn toàn mang lấy bản thể của loài người với trọn vẹn nhân tính. Tuy nhiên, thân thể xác thịt của Con Người Jesus không ra từ một người cha xác thịt mà ra từ thân vị Thiên Chúa không thể thấy được bằng con mắt xác thịt của loài người, mà Thánh Kinh gọi là Đức Chúa Trời. Chính vì thế, mà Đức Chúa Jesus vừa xưng nhận Ngài là “Con Người” mà Ngài cũng là “Con Đức Chúa Trời”. Ngài gọi Ma-ri là mẹ và Ngài gọi Đức Chúa Trời là “Cha!” Quan hệ cha con giữa Con Người Jesus với Đức Chúa Trời chỉ bắt đầu khi Ngài được sinh ra làm người. Quan hệ cha con đó vẫn còn lại cho đến đời đời, vì Đức Chúa Jesus ở lại trong bản thể loài người cho đến đời đời và kết hợp cách mầu nhiệm với Hội Thánh.
Là Con Người, Đức Chúa Jesus mang lấy bản thể xác thịt của loài người và có đầy đủ nhân tính không băng hoại, tức là: Ngài có tri thức về sự thiện, về Thiên Chúa, có năng lực cai trị thế giới vật chất theo ý muốn của Thiên Chúa, cùng với năng lực vâng phục Thiên Chúa, và Ngài có ý chí tự do chọn lựa.
Đức Chúa Jesus cũng mang thiên tính, tức là đầy dẫy thánh linh của Thiên Chúa trong Con Người xác thịt của Ngài để có thể làm ra những việc siêu nhiên.
Tuy nhiên, trong Con Người Jesus lại có thần tính, vì Ngài là Thiên Chúa thành người, mặc dù, Ngài không thể hiện thần tính của Ngài qua thân thể xác thịt. Không thể hiện khác với không có. Ngài có thần tính nhưng Ngài không thể hiện thần tính.
Quan hệ cha con giữa Con Người Jesus với Đức Chúa Trời không hề tác động đến sự bình đẳng, bình quyền của Ngài với Đức Chúa Trời trong thân vị Thiên Chúa.
Thánh Kinh cho chúng ta biết Đức Chúa Jesus chính là Ngôi Lời nhập thế làm người, mà Ngôi Lời là Thiên Chúa, nên Ngài cùng tự có và có mãi với Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh. Quan hệ cha con giữa Ngài và Đức Chúa Trời chỉ có giữa thân vị loài người của Ngài với Đức Chúa Trời. Còn giữa thân vị Ngôi Lời của Ngài với Đức Chúa Trời thì Ngài hằng là Thiên Chúa và hằng ở bên cạnh Đức Chúa Trời. Thân vị Ngôi Lời không hề được Đức Chúa Trời sinh ra. Vì nếu Ngôi Lời được Đức Chúa Trời sinh ra, thì Ngôi Lời không phải là Thiên Chúa.
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: “Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.” (Giăng 1:1).
Thánh Kinh Nguyên Ngữ Hy-lạp: “εν [Trong] G1722 PREP αρχη [ban đầu/nguồn gốc] G746 N-DSF ην [Ngài hằng có] G1510 V-IAI-3S ο [Ngôi/Đức/Đấng] G3588 T-NSM λογος [Lời] G3056 N-NSM και [và] G2532 CONJ ο [Ngôi/Đức/Đấng] G3588 T-NSM λογος [Lời] G3056 N-NSM ην [Ngài hằng có] G1510 V-IAI-3S προς [cùng] G4314 PREP τον [Ngôi/Đức/Đấng] G3588 T-ASM θεον [Thiên Chúa/Chúa Trời] G2316 N-ASM και [và] G2532 CONJ θεος [Thiên Chúa/Chúa Trời] G2316 N-NSM ην [Ngài hằng là] G1510 V-IAI-3S ο [Ngôi/Đức/Đấng] G3588 T-NSM λογος [Lời] G3056 N-NSM ” (Giăng 1:1).
Theo ngữ pháp Hy-lạp, Giăng 1:1 chỉ có thể dịch là: “…Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.” Tức là, Ngôi Lời cũng là một thân vị Thiên Chúa như Đức Chúa Trời, và hằng ở bên cạnh Đức Chúa Trời.
Không thể dịch:
- “Ngôi Lời hằng ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời hằng là Đức Chúa Trời.” Vì như vậy có nghĩa Ngôi Lời và Đức Chúa Trời cùng là một thân vị.
- “Ngôi Lời hằng ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời hằng là một thần.” Vì nếu là một thần mà không phải là Thiên Chúa, thì chỉ là loài thọ tạo. Mà Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời thì không thể do Đức Chúa Trời tạo ra hay sinh ra. Thực tế, Thánh Kinh không hề nói Đức Chúa Trời sinh ra Ngôi Lời. Thánh Kinh chỉ nói Đức Chúa Trời sinh ra Con Người Jesus, như ngày nay Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục sinh ra những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus. Thánh Kinh gọi đó là sự tái sinh hoặc sinh bởi Đức Chúa Trời.
Từ ngữ “Theos” (θεος – trong trực tiếp cách là θεον) khi có mạo từ xác định “O” đứng trước thì luôn luôn được dùng để chỉ thân vị Thiên Chúa không thể nhìn thấy được, và được dịch sang tiếng Việt là Đức Chúa Trời. Còn khi từ ngữ “Theos” không có mạo từ đi kèm luôn luôn được Thánh Kinh dùng để gọi chung Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin quý bạn đọc tham khảo bài “Danh Xưng Thiên Chúa Trong Nguyên Ngữ của Thánh Kinh” sẽ được đăng trên website www.timhieuthanhkinh.com.
Tiếp theo, Thánh Kinh khẳng định Ngôi Lời nhập thế làm người:
“Ngôi Lời đã chịu trở nên xác thịt và đã đóng trại giữa chúng ta. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài; sự vinh quang như của Con Một đến từ Cha, đầy dẫy ân điển và lẽ thật.” (Giăng 1:14).
Và Thánh Kinh cho biết, khi Ngôi Lời nhập thế làm người thì Ngài đã tự bỏ đi hình thể của Thiên Chúa, để cho thân thể Con Người Jesus được hoàn toàn mang nhân tính:
“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người…” (Phi-líp 2:6-7).
Thánh Kinh Nói Rõ Đức Chúa Jesus Christ Là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu
Theo Thánh Kinh, chỉ có một Thiên Chúa và tên riêng của Thiên Chúa là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14), nghĩa là “Ta tự có và có mãi!” Tuy nhiên, trong lời phán truyền của Đức Chúa Jesus Christ được ghi lại trong Ma-thi-ơ 28:19, thì chúng ta thấy Đức Chúa Jesus Christ dùng một tên gọi chung cho ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh:
“Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh…”
Danh của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh được nói đến ở đây đương nhiên là danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”. Vì Thánh Kinh cho biết, chính Đức Chúa Trời, tức Đức Cha, tự xưng Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu:
“Môi-se thưa với Đức Chúa Trời rằng: Này, tôi sẽ đi đến dân I-sơ-ra-ên, nói với họ rằng: Thiên Chúa của tổ phụ các ngươi sai ta đến với các ngươi; nhưng nếu họ hỏi: Tên Ngài là gì? Thì tôi nói với họ làm sao? Thiên Chúa phán rằng: Ta là Ta Là. Rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân I-sơ-ra-ên như vầy: Đấng “Ta Là” đã sai ta đến với các ngươi. [Động từ “là” có nghĩa “thực hữu” được dùng trong câu phán của Thiên Chúa mang ý nghĩa sau đây: “Ta Đã Tự Có, Ta Vẫn Đang Có, và Ta Sẽ Mãi Có”. Vì thế, cách nói: “Ta là Ta Là” có nghĩa: “Ta là Đấng đã tự có! Ta là Đấng vẫn có như Ta đang có! Và Ta là Đấng sẽ có như Ta mãi có!” Nói cách khác, Thiên Chúa tự xưng rằng, tên Ngài là: “Ta Đã Tự Có, Ta Vẫn Đang Có, và Ta Sẽ Mãi Có!” Tên riêng của Thiên Chúa đã được dịch khá chính xác sang tiếng Hán Việt là: “Ta Tự Hữu Hằng Hữu”.] Thiên Chúa lại phán với Môi-se rằng: Ngươi sẽ nói cho dân I-sơ-ra-ên như vầy: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của tổ phụ các ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sác, Thiên Chúa của Gia-cốp, sai ta đến với các ngươi. Ấy đó là tên đời đời của Ta, ấy sẽ là kỷ niệm của Ta trải qua các đời.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13-15).
Thánh Kinh lại xác nhận Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà Tiên Tri Ê-sai nhìn thấy trong một khải tượng (Ê-sai 6:1-5), chính là Đức Chúa Jesus, tức Đức Con:
“Ê-sai nói các điều đó, khi ông nhìn thấy sự vinh quang của Ngài và nói về Ngài.” (Giăng 12:41).
Thánh Kinh cũng xác nhận Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà Tiên Tri Giê-rê-mi nói đến trong Giê-rê-mi 31:31-34 chính là Đức Thánh Linh:
“Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta. Vì theo lời phán trước đây, Chúa phán: Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó. Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng. Ta sẽ chẳng còn nhớ đến những tội lỗi và những sự vô luật pháp của họ nữa. [Giê-rê-mi 31:33-34]” (Hê-bơ-rơ 10:15-17).
Vì thế, chúng ta hiểu được rằng, chỉ có một Thiên Chúa tên là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Thiên Chúa ấy thể hiện trong ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Đức Cha là Thiên Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Đức Con là Thiên Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đức Thánh Linh là Thiên Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Nhưng không phải có ba Thiên Chúa hay có ba Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vì thế, chúng ta hiểu, danh từ “Thiên Chúa” là một danh từ tập hợp để gọi chung ba thân vị của Thiên Chúa. Tên “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” là tên riêng của Thiên Chúa.
Qua đó, chúng ta hiểu rằng Đức Con chính là Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa thì đương nhiên Ngài có thần tính. Việc còn lại là chúng ta ghi nhớ:
- Quan hệ giữa thân vị Con Người của Ngôi Lời với Đức Chúa Trời là quan hệ cha con.
- Quan hệ giữa thân vị Thiên Chúa của Ngôi Lời với Đức Chúa Trời là quan hệ bình đẳng, bình quyền, đồng tự có và có mãi.
Đó là lẽ thật đã được Thánh Kinh bày tỏ. Khước từ thân vị Thiên Chúa của Ngôi Lời là khước từ thần tính của Ngài. Khước từ thần tính của Ngài là chối bỏ Thánh Kinh, là phạm thượng Đức Thánh Linh, vì không tin Thánh Kinh do Ngài thần cảm để tuyên bố Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đức Chúa Jesus Christ!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/05/2014
Ghi Chú
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
- Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
- Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.