YouTube: https://youtu.be/F_4-t5j485Y
Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL089 Đức Chúa Jesus Chữa Lành Người Mù Bẩm Sinh
Giăng 9:1-23
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Giăng 9:1-23
1 Khi đang đi qua, Ngài đã thấy một người bị mù bẩm sinh.
2 Các môn đồ của Ngài đã hỏi Ngài rằng: “Ra-bi! Ai đã phạm tội, người này hay là cha mẹ của người, mà người đã được sinh ra bị mù?”
3 Đức Chúa Jesus đã trả lời: “Chẳng phải người này đã phạm tội cũng chẳng phải cha mẹ của người; nhưng để cho những việc của Đức Chúa Trời có thể được tỏ ra trong người.
4 Trong khi là ban ngày, Ta phải làm những việc của Đấng đã sai Ta. Tối lại, là lúc không ai có thể làm việc.
5 Đang khi Ta ở trong thế gian, Ta là sự sáng của thế gian.”
6 Nói xong các lời ấy, Ngài đã nhổ xuống đất, làm ra bùn với nước miếng. Ngài đã xức mắt của người mù với bùn.
7 Rồi, Ngài đã phán với người: “Hãy đi, rửa nơi ao Si-lô-ê!” (Nó được dịch là: đã được sai đi.) Vậy, người đã đi, đã rửa, và đã trở nên thấy được.
8 Vậy, những người hàng xóm và những người trước kia đã thấy rằng, người đã bị mù, đã nói: “Đây chẳng phải là người vẫn ngồi và ăn xin sao?”
9 Một số người đã nói: “Ấy là hắn.” Những người khác nói: “Là người giống hắn.” Người đã nói: “Là tôi!”
10 Vậy, họ đã hỏi người: “Làm thế nào mắt của ngươi đã được mở?”
11 Người đã đáp lời và nói: “Người được gọi là Jesus đã làm ra bùn và đã xức mắt tôi. Người đã bảo tôi: “Hãy đi đến ao Si-lô-ê và rửa!” Tôi đã đi và đã rửa, và tôi đã thấy được.”
12 Vậy, họ đã hỏi người: “Người ấy ở đâu?” Người đã trả lời: “Tôi không biết.”
13 Họ đã đem người trước đã mù đó đến những người Pha-ri-si.
14 Ấy là ngày Sa-bát, khi Đức Chúa Jesus đã làm ra bùn và mở mắt của người.
15 Vậy, những người Pha-ri-si cũng đã hỏi người lần nữa, làm thế nào người đã thấy được. Người đã trả lời họ: “Ngài đã xức bùn trên mắt của tôi, và tôi đã rửa, rồi thấy được.”
16 Vậy, vài người trong những người Pha-ri-si đã nói: “Người này không phải từ Đức Chúa Trời, vì hắn không giữ ngày Sa-bát.” Những người khác đã nói: “Làm sao một người là tội nhân làm ra các dấu lạ như vậy?” Rồi, có sự chia rẽ trong họ.
17 Họ hỏi người mù lần nữa: “Ngươi nói gì về người ấy, vì người đã mở mắt của ngươi?” Người đã nói: “Ngài là một tiên tri.”
18 Nhưng những người Do-thái đã không tin về người, rằng người đã mù và đã được thấy lại, cho tới khi họ gọi cha mẹ của người đã được thấy lại.
19 Họ đã hỏi họ rằng: “Có phải đây là con trai của các ngươi, người mà các ngươi nói đã mù bẩm sinh? Thế thì sao bây giờ nó thấy được?”
20 Cha mẹ của người đã trả lời họ, rằng: “Chúng tôi biết rằng, đây là con trai của chúng tôi, và rằng, nó đã mù bẩm sinh.
21 Nhưng hiện nay, bằng cách nào nó thấy được, chúng tôi không biết. Hoặc ai mở mắt của nó chúng tôi không biết. Hãy hỏi nó, nó có đủ tuổi, nó sẽ nói cho nó!”
22 Cha mẹ của người đã nói như vậy, bởi họ đã sợ những người Do-thái. Vì khi đó, những người Do-thái đã nhất định rằng, nếu ai xưng Ngài là Đấng Christ, người ấy sẽ bị dứt thông công.
23 Bởi đó, cha mẹ của người đã nói: “Nó có đủ tuổi, hãy hỏi nó!”
Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự Đức Chúa Jesus chữa lành một người bị mù từ khi được sinh ra. Sự chữa lành đã xảy ra trong một ngày Sa-bát, khiến cho những người Pha-ri-si càng thêm lên sự chống nghịch Đức Chúa Jesus.
Giăng 9:1-3
1 Khi đang đi qua, Ngài đã thấy một người bị mù bẩm sinh.
2 Các môn đồ của Ngài đã hỏi Ngài rằng: “Ra-bi! Ai đã phạm tội, người này hay là cha mẹ của người, mà người đã được sinh ra bị mù?”
3 Đức Chúa Jesus đã trả lời: “Chẳng phải người này đã phạm tội cũng chẳng phải cha mẹ của người; nhưng để cho những việc của Đức Chúa Trời có thể được tỏ ra trong người.
Vào ngày Sa-bát trọng thể theo sau Lễ Lều Trại, Đức Chúa Jesus đã làm chứng về mình, trước đoàn dân đông tại Đền Thờ, trong đó có những người Pha-ri-si chống nghịch Ngài. Ngài đã gọi những người Pha-ri-si ấy là con cái của Ma Quỷ và phán rằng, họ sẽ chết trong những tội lỗi của họ. Ngài đã ba lần xưng mình là “Ta Là”, hàm ý, Ngài là Thiên Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vì thế, những người Pha-ri-si ấy đã nhặt đá để ném Ngài, nhưng Ngài đã ẩn mình khỏi họ, ra khỏi Đền Thờ. Vài ngày sau, tới ngày Sa-bát cuối tuần, Đức Chúa Jesus lại đến Đền Thờ, có lẽ để tham dự sự cầu nguyện tại Đền Thờ. Rất có thể khi Ngài đang đi ngang qua Cửa Đẹp của vách tường phía đông của Đền Thờ và ngang qua một người bị mù từ khi được sinh ra, đang ngồi ăn xin, thì Ngài đã nhìn thấy người ấy.
Có lẽ người ấy thường ngồi ăn xin bên cạnh Cửa Đẹp và được nhiều người biết rõ. Các môn đồ của Chúa cũng nghe biết về người ấy. Vì thế, họ đã hỏi Ngài về nguyên cớ khiến cho người ấy bị mù từ khi được sinh ra.
Các môn đồ của Đức Chúa Jesus đã gọi Ngài bằng danh từ “Ra-bi” (G4461). Đó là danh xưng được dân I-sơ-ra-ên dùng để gọi các bậc thầy giảng dạy Thánh Kinh. Nó có nghĩa là: “Đấng Vĩ Đại, Đấng Đáng Tôn Kính, Bậc Thầy của tôi”. Danh xưng này tương đương với danh xưng “Reverend” trong tiếng Anh, thường được các giáo hội mang danh Chúa gọi một số người trong hàng giáo phẩm của họ. Chính những người được gọi cũng rất hãnh diện, tự xưng mình là Reverend. Đức Chúa Jesus đã truyền cho dân I-sơ-ra-ên và ngay cả các môn đồ của Ngài, đừng để cho ai gọi mình là Ra-bi. Vì họ chỉ có một “Thầy”, là Đấng Christ, còn họ là anh chị em cùng Cha của nhau (Ma-thi-ơ 23:8, 10). Chỉ có Đức Chúa Jesus là xứng đáng để được gọi bằng danh xưng Ra-bi hoặc Reverend. Trong tiếng Trung Hoa và tiếng Việt còn có danh xưng “Mục Sư” có nghĩa là “Thầy Chăn”. Chỉ có Đức Chúa Jesus, Đấng làm đầu những người chăn (I Phi-e-rơ 5:4), là xứng đáng để được gọi bằng danh xưng “Mục Sư”. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, là bản dịch đầu tiên dịch trọn bộ Thánh Kinh sang tiếng Việt, đã phạm một lỗi lớn, khi dịch danh từ “ποιμήν” (poimēn) /poy-mane’ – poi-men/ (G4166) thành “người chăn” cho Đức Chúa Jesus (Giăng 10:11) nhưng lại dịch là “mục sư” cho chức vụ chăn bầy trong Hội Thánh (Ê-phê-sô 4:11). Sự sai lầm này cần được sửa sai. Xin quý ông bà, anh chị em đọc bài “Về Danh Xưng Mục Sư và Reverend” trên timhieutinlanh.com [1].
Các môn đồ của Chúa có sẵn quan niệm rằng, tật bệnh là hậu quả của sự phạm tội. Vì thế, họ xin Chúa nói cho họ biết, là vì cha mẹ của người mù phạm tội hay bản thân người ấy phạm tội mà khi được sinh ra, người ấy đã bị mù. Câu trả lời của Đức Chúa Jesus đã giãi bày cho các môn đồ của Ngài một lẽ thật. Đó là có khi tật bệnh không phải là hậu quả của sự phạm tội, nhưng đó là phương tiện để Đức Chúa Trời tỏ ra trong loài người những việc làm của Ngài.
Chúng ta đã biết, Thánh Kinh có ghi lại bốn tai họa lớn xảy ra cho Gióp, khiến cho chết hết mười đứa con của ông và ông trở nên tán gia, bại sản, lại còn thêm chứng ung nhọt ngứa nhức khắp trên thân thể của ông. Nhưng đó không phải là do ông phạm tội mà là do Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan thử thách ông (Gióp 1-2). Còn sự chết của La-xa-rơ là để thể hiện sự vinh quang của Đức Chúa Trời, khi ông được Đức Chúa Jesus gọi ông sống lại, sau khi chết bốn ngày (Giăng 11:40).
Sự một người bị mù từ khi được sinh ra không phải là hậu quả sự phạm tội của bất cứ ai, nhưng là việc làm của Đức Chúa Trời, khiến cho chúng ta rút ra được vài bài học.
Chúng ta học được rằng, Đức Chúa Trời toàn quyền trong sự kêu gọi, lựa chọn, và dùng bất cứ ai cho những công việc của Ngài.
Chúng ta học được rằng, khi những việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người nào thì sự vinh quang của Đức Chúa Trời cũng được thể hiện trong người ấy.
Chúng ta học được rằng, có những việc của Đức Chúa Trời kéo dài suốt hàng chục năm, trước khi được hoàn thành và chiếu sáng sự vinh quang của Ngài.
Chúng ta không biết, khi được Đức Chúa Jesus chữa lành thì người mù đã được bao nhiêu tuổi, ngoài sự đó là một người trưởng thành. Theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh thì một người 20 tuổi là một người trưởng thành. Vậy, ít nhất là người ấy đã bị mù suốt 20 năm, từ khi được sinh ra. Chúng ta có thể nói, trong suốt khoảng thời gian bị mù, người ấy đã được Đức Chúa Trời chọn làm đồ dùng của Ngài. Như vậy, sự bị mù của người ấy là sự người ấy phụng sự Đức Chúa Trời. Bị mù là một sự vô cùng khốn khổ. Trong hàng chục năm khốn khổ vì sự bị mù, người ấy đã là một đồ dùng trong tay của Đức Chúa Trời. Chắc chắn Ngài sẽ ban thưởng xứng đáng cho người ấy.
Chúng ta được Lời Chúa dạy cho chúng ta biết rằng, con dân Chúa phải chịu khổ vì danh Chúa. Không phải Chúa không có năng lực cất đi mọi sự khổ cho con dân của Ngài. Nhưng sự chịu khổ là cần thiết để rèn luyện con dân Chúa về đức tin và sự nhẫn nại, giúp họ đồng cảm sự chịu khổ của Đấng Christ và của những anh chị em khác trong Hội Thánh, giúp họ thêm lên sự khôn sáng trong khi sống theo Lời Chúa. Sự chịu khổ của con dân Chúa chính là sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Sự chịu khổ vì khó khăn, thiếu thốn, tật bệnh, bị cư xử bất công, bị bách hại đức tin, và thậm chí bị chết của con dân Chúa đều thể hiện sự vinh quang của Đức Chúa Trời, qua thân thể xác thịt của họ, qua đời sống của họ, nếu họ giữ vững đức tin như Gióp. Phần thưởng của họ sẽ là rất lớn, trong Vương Quốc Trời.
Dưới đây là các câu Thánh Kinh nói về sự con dân Chúa chịu khổ mà mỗi con dân Chúa cần ghi nhớ và dùng đó để an ủi mình trong mọi cảnh khổ.
“Vì Đấng Christ, các anh chị em đã được ban cho: Không chỉ tin Ngài mà còn chịu khổ vì Ngài.” (Phi-líp 1:29).
“Vậy, con hãy chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ.” (II Ti-mô-thê 2:3).
“Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài. [Sự đó là sự chịu khổ vì danh Chúa.]” (I Phi-e-rơ 2:21).
“Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt cho chúng ta, thì các anh chị em cũng phải trang bị cho chính mình cùng một tâm trí; vì người nào cứ chịu khổ trong xác thịt, thì được dứt khỏi tội lỗi, để còn sống trong xác thịt bao lâu thì không còn theo những sự tham muốn của loài người, nhưng theo ý muốn của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 4:1-2).
“Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.” (I Phi-e-rơ 5:10).
Sự các môn đồ của Chúa thắc mắc rằng, có phải người mù bị mù từ khi được sinh ra là do người ấy phạm tội, có lẽ là do họ bị ảnh hưởng bởi triết lý “linh hồn chuyển kiếp” (the transmigration of souls) của Hy-lạp. Triết lý này đã có trước đó khoảng 500 năm và có điểm tương đồng với thuyết “luân hồi” của Ấn Giáo và Phật Giáo. Điểm tương đồng cho rằng, linh hồn có thể chuyển sinh từ sinh vật này sang sinh vật khác, kể cả giữa loài người và các loài thú. Những linh hồn làm ra những việc tốt sẽ chuyển sinh vào môi trường sống thuận lợi hơn. Những linh hồn làm ra những việc xấu sẽ chuyển sinh vào môi trường sống khó khăn hơn. Bởi đó, một người bị tật bệnh bẩm sinh được cho là người xấu hay người phạm tội trong tiền kiếp. Triết lý “linh hồn chuyển kiếp” của phương tây và thuyết “luân hồi” của phương đông chỉ là mưu kế của ma quỷ, nhằm lừa gạt loài người vào con đường tự cứu, tự giải thoát chính mình, là điều mà không ai có thể làm được. Một người chỉ có thể được cứu, được thoát khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi là nhờ thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Loài người phạm tội là phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời, nghịch lại lương tâm mà Ngài đã đặt để trong mỗi người. Vì thế, loài người chỉ có thể được giải cứu bởi ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh đã khẳng định:
“Chẳng có sự cứu rỗi trong ai khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho trong loài người, để chúng ta phải được cứu trong danh ấy.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).
“Danh ấy” tức là danh “Jesus Christ”. Đức Chúa Jesus Christ đã dâng mạng sống của chính Ngài lên Đức Chúa Trời, làm của lễ chuộc tội cho loài người. Ngoài sự thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, không có phương cách nào khác để một người được cứu.
Có vài câu hỏi mà chúng ta có thể tự hỏi chính mình khi học bài học này là: Chúng ta có tin rằng, mỗi một sự khổ nếu không phải là hậu quả đương nhiên do chúng ta sai trái nhưng do Đức Chúa Trời cho phép xảy ra cho chúng ta, đều chính là cơ hội Đức Chúa Trời thể hiện việc làm và sự vinh quang của Ngài trong chúng ta? Đã có bao giờ chúng ta chịu khổ vì danh Chúa về một sự gì đó, trong một thời gian dài ít nhất là 20 năm? Những sự chịu khổ vì danh Chúa của chúng ta có sự khổ nào bằng với sự chịu khổ vì bị mù từ khi được sinh ra trong ít nhất là 20 năm? Có sự khổ nào bằng với sự chịu khổ vì bị tù suốt 20 năm, cho tới chết, như Người Chăn Nghê Thác Thanh, tại Trung Quốc? Có sự khổ nào có thể sánh với các sự khổ mà Sứ Đồ Phao-lô đã trải qua, như ông đã kể lại trong thư II Cô-rinh-tô:
II Cô-rinh-tô 11:23-28
23 Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Tôi dại dột nói, tôi hơn nhiều trong những sự lao động; hơn nhiều trong những sự đòn roi quá mức; hơn nhiều trong những nhà tù; hơn nhiều những lần trong sự chết.
24 Năm lần tôi đã nhận đòn bởi những người Do-thái, thiếu một roi đầy bốn chục.
25 Ba lần tôi đã bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã chịu trong biển sâu một ngày một đêm.
26 Những cuộc hành trình thường xuyên nguy vì sông nước; nguy vì trộm cướp; nguy bởi dân mình; nguy bởi dân ngoại; nguy trong thành phố; nguy trong đồng vắng; nguy trong biển; nguy giữa những anh chị em giả dối,
27 trong sự lao động và sự khó nhọc, trong sự tỉnh thức. Thường xuyên ở trong sự đói và sự khát. Thường xuyên ở trong sự lạnh và sự lõa lồ.
28 Ngoài những sự bên ngoài, những sự chống nghịch tôi suốt ngày, còn sự lo lắng về hết thảy các Hội Thánh.
Có ai trong chúng ta đã từng trải qua những cảnh chịu khổ như vậy? Cầu xin Đức Chúa Trời giúp cho chúng ta luôn vui mừng và cảm tạ Ngài, mỗi khi chúng ta chịu khổ vì danh Chúa.
Giăng 9:4-5
4 Trong khi là ban ngày, Ta phải làm những việc của Đấng đã sai Ta. Tối lại, là lúc không ai có thể làm việc.
5 Đang khi Ta ở trong thế gian, Ta là sự sáng của thế gian.”
Đức Chúa Jesus đã biết trước Ngài sẽ chữa lành cho người bị mù bẩm sinh. Ngài biết rõ, Đức Chúa Trời đã sắm sẵn người bị mù bẩm sinh để Ngài làm phép lạ chữa lành cho người ấy; qua đó tỏ ra rằng, Ngài chính là Đấng Christ. Hôm ấy là ngày Sa-bát cuối tuần theo sau Lễ Lều Trại, Đền Thờ có đông người. Vì du khách và những người I-sơ-ra-ên từ xa về dự lễ vẫn còn lưu lại tại Giê-ru-sa-lem. Lễ Lều Trại năm ấy, năm 26, là cơ hội lớn để Đức Chúa Jesus tỏ ra cho số đông dân I-sơ-ra-ên biết, Ngài là Đấng Christ, qua sự giảng dạy của Ngài và qua các phép lạ Ngài làm ra tại Giê-ru-sa-lem, nhất là tại Đền Thờ.
“Trong khi là ban ngày” là khoảng thời gian Đức Chúa Jesus còn ở trong thế gian.
“Ta phải làm những việc của Đấng đã sai Ta” là Đức Chúa Jesus phải giãi bày cho dân I-sơ-ra-ên ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, trong đó có việc làm ra những phép lạ chữa bệnh, đuổi quỷ để chứng minh Ngài là Đấng Christ. Và sau cùng là chịu bị bắt và bị đóng đinh trên thập tự giá, dâng mạng sống của Ngài lên Đức Chúa Trời, làm của lễ chuộc tội cho loài người.
“Tối lại, là lúc không ai có thể làm việc” là khi Đức Chúa Jesus đã ra khỏi thế gian, sau khi hoàn tất sứ mạng của Ngài.
Đức Chúa Jesus đến thế gian, ở trong thế gian, và Ngài là sự sáng của thế gian. Có nghĩa là Ngài là sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa loài người nơi thế gian. Ngài giúp cho loài người hiểu biết về sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Ngài là sự cứu rỗi của loài người. Ngài là sự sống của loài người. Ngài là Thiên Chúa Ngôi Lời, là sự dẫn dắt và hướng dẫn loài người. Và Ngài là Đấng phơi bày mọi việc ác và mọi việc lành của loài người.
Giăng 9:6-7
6 Nói xong các lời ấy, Ngài đã nhổ xuống đất, làm ra bùn với nước miếng. Ngài đã xức mắt của người mù với bùn.
7 Rồi, Ngài đã phán với người: “Hãy đi, rửa nơi ao Si-lô-ê!” (Nó được dịch là: đã được sai đi.) Vậy, người đã đi, đã rửa, và đã trở nên thấy được.
Trong những lúc làm phép lạ chữa lành tật bệnh cho loài người, Đức Chúa Jesus thường chỉ dùng lời phán. Nhưng có các trường hợp ngoại lệ, Ngài đã làm ra một vài hành động kèm theo lời phán. Chúng ta đã học về sự Ngài chữa lành một người điếc và ngọng cách đặc biệt, như đã được ghi lại trong Mác 7:31-35; sự Ngài chữa lành một người mù ở Bết-sai-đa cách đặc biệt, như đã ghi lại trong Mác 8:22-25. Trong bài này, chúng ta lại thấy Ngài chữa lành cho người bị mù bẩm sinh cách đặc biệt. Chúng ta có thể hiểu, trong trường hợp của người điếc và ngọng, của người mù ở Bết-sai-đa, lẫn của người mù bẩm sinh tại cửa Đền Thờ, Đức Chúa Jesus đã dùng nước miếng, tức là dùng DNA của Ngài, một DNA của loài người nhưng không bị băng hoại vì tội lỗi, làm chất liệu chữa lành. Sự Ngài dùng bụi đất trộn với nước miếng, làm thành bùn để xức lên mắt của người mù bẩm sinh có lẽ để nhấn mạnh đến ý nghĩa, thân thể xác thịt của loài người ra từ bụi đất, nhưng vì sự khiếm khuyết trong sự hình thành đôi mắt của người mù trong lòng mẹ, nên Đức Chúa Jesus đã hành động như một sự dùng bụi đất để hoàn tất sự dựng nên thân thể xác thịt của người ấy.
Tuy nhiên, sự chữa lành đã không lập tức xảy ra mà chỉ xảy ra sau khi người mù vâng lời Đức Chúa Jesus, tìm đến ao Si-lô-ê để rửa đôi mắt. Câu Thánh Kinh ngắn gọn: “Vậy, người đã đi, đã rửa, và đã trở nên thấy được”, đã bao gồm sự thể hiện đức tin và lòng vâng phục của người mù, dẫn đến kết quả đem lại phước hạnh cho người ấy và làm tôn vinh Đức Chúa Trời.
Từ ngữ được dịch là “đã trở nên” trong câu 7 là một từ ngữ còn hàm ý là đã quay trở lại, giúp cho chúng ta hiểu rằng, người ấy đã đi, đã rửa, đã quay trở lại Đền Thờ và đã thấy được.
Con dân Chúa cần hoàn toàn tin vào mọi lời phán và mọi việc làm của Chúa, cần hoàn toàn vâng phục và sốt sắng làm theo Lời Chúa để có thể nhận được mọi lời hứa của Chúa.
Danh từ “Si-lô-ê” có nghĩa là: đã được sai đi. Có lẽ sự việc được sắp xếp để người mù bẩm sinh được xác chứng rằng, người ấy được Đức Chúa Trời sai đi làm chứng nhân, để chứng minh Đức Chúa Jesus là Đấng Christ và để làm tôn vinh danh của Đức Chúa Trời. Người được sai đi cần thể hiện đức tin và lòng vâng phục.
Ao Si-lô-ê nằm về phía nam của Đền Thờ, gần Thành Đa-vít, và cách Đền Thờ khoảng 600 m, theo đường chim bay. Từ Đền Thờ phải đi xuống dốc, qua các con phố đông đúc để tới được ao.
Giăng 9:8-9
8 Vậy, những người hàng xóm và những người trước kia đã thấy rằng, người đã bị mù, đã nói: “Đây chẳng phải là người vẫn ngồi và ăn xin sao?”
9 Một số người đã nói: “Ấy là hắn.” Những người khác nói: “Là người giống hắn.” Người đã nói: “Là tôi!”
Khi người ấy trở lại khu vực Đền Thờ thì những người hàng xóm của người ấy cùng với những người thường xuyên đến Đền Thờ nhận ra vóc dáng quen thuộc của người ấy, chỉ khác là người ấy có đôi mắt sáng. Người thì nhận rõ đúng người ấy. Người thì cho rằng là ai đó giống với người ấy. Nhưng người ấy đã xác nhận: “Là tôi!” Có nghĩa, là tôi, người vốn bị mù và thường ngồi ăn xin nơi đây.
Chúng ta không biết vì sao người ấy trở lại Đền Thờ. Có thể để tìm gặp người đã chữa lành cho mình. Có thể để vào Đền Thờ dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời. Có thể là cả hai lý do. Nhưng chúng ta khó mà hiểu được đầy đủ cảm xúc của người ấy, khi lần đầu tiên người ấy được nhìn thấy mọi sự, nhìn thấy khuôn mặt của những người hàng xóm mà người ấy đã quen nghe giọng nói, nhìn thấy sự huy hoàng tráng lệ của Đền Thờ.
Giăng 9:10-12
10 Vậy, họ đã hỏi người: “Làm thế nào mắt của ngươi đã được mở?”
11 Người đã đáp lời và nói: “Người được gọi là Jesus đã làm ra bùn và đã xức mắt tôi. Người đã bảo tôi: “Hãy đi đến ao Si-lô-ê và rửa!” Tôi đã đi và đã rửa, và tôi đã thấy được.”
12 Vậy, họ đã hỏi người: “Người ấy ở đâu?” Người đã trả lời: “Tôi không biết.”
Đương nhiên là mọi người có mặt tại đó đã muốn biết, vì sao một người bị mù bẩm sinh nhiều năm mà có thể được sáng mắt. Người ấy đã trung thực thuật lại sự việc đã xảy ra cho mình.
Chúng ta không biết, nhờ đâu mà người ấy biết, người đã chữa lành cho mình tên là Jesus. Vì từ đầu câu chuyện, chúng ta không thấy ghi lại có ai nói đến tên Chúa. Nhưng có thể trong lúc Đức Chúa Jesus làm ra hành động trộn nước miếng với bụi đất, để làm bùn và xức lên mắt của người ấy, thì đám đông dân chúng ở chung quanh đã nói đến tên của Ngài.
Khi người ấy rời Đền Thờ, đến ao Si-lô-ê để rửa mắt thì người ấy vẫn mù nên không thể thấy Đức Chúa Jesus đã đi đâu. Khi người ấy trở lại Đền Thờ với đôi mắt sáng thì người ấy chưa gặp lại Đức Chúa Jesus. Vì thế, khi đám đông hỏi, Ngài ở đâu thì người ấy đã trả lời là “Tôi không biết.”
Giăng 9:13-15
13 Họ đã đem người trước đã mù đó đến những người Pha-ri-si.
14 Ấy là ngày Sa-bát, khi Đức Chúa Jesus đã làm ra bùn và mở mắt của người.
15 Vậy, những người Pha-ri-si cũng đã hỏi người lần nữa, làm thế nào người đã thấy được. Người đã trả lời họ: “Ngài đã xức bùn trên mắt của tôi, và tôi đã rửa, rồi thấy được.”
Những người nghe lời chứng của người mù đã được sáng mắt cách siêu nhiên đã làm điều mà họ nghĩ là hợp lý và cần thiết trong xã hội I-sơ-ra-ên lúc bấy giờ. Đó làm đem người ấy đến trước những người Pha-ri-si. Vì thời ấy, những người Pha-ri-si nắm quyền về tín ngưỡng trong dân I-sơ-ra-ên. Họ là những người tự cho mình quyền xác nhận những việc gì đến từ Đức Chúa Trời hoặc những việc gì không đến từ Đức Chúa Trời. Chúng ta nên nhớ là trong số đám đông vẫn có những người tin Đức Chúa Jesus và vẫn có những người chống đối Ngài. Có lẽ họ muốn được xem sự phản ứng và nghe sự giải thích từ những người Pha-ri-si. Có lẽ họ đã báo cho những người Pha-ri-si rằng, Đức Chúa Jesus đã chữa lành người bị mù bẩm sinh.
Nếu không là hết thảy thì cũng là nhiều người trong những người Pha-ri-si nhận biết, người được đem đến trước họ chính là người mù mà họ thường thấy ngồi ăn xin, trước cổng của Đền Thờ. Họ đã hỏi người mù đã được sáng mắt cùng một câu hỏi như những người kia và nhận được câu trả lời xác định. Rất có thể họ đã đến gần, chăm chú xem xét đôi mắt của người ấy.
Giăng 9:16-17
16 Vậy, vài người trong những người Pha-ri-si đã nói: “Người này không phải từ Đức Chúa Trời, vì hắn không giữ ngày Sa-bát.” Những người khác đã nói: “Làm sao một người là tội nhân làm ra các dấu lạ như vậy?” Rồi, có sự chia rẽ trong họ.
17 Họ hỏi người mù lần nữa: “Ngươi nói gì về người ấy, vì người đã mở mắt của ngươi?” Người đã nói: “Ngài là một tiên tri.”
Một lần nữa, trong vòng những người Pha-ri-si lại chia ra làm hai phe. Phe chống đối và phe bênh vực Đức Chúa Jesus. Phe chống đối phủ nhận Đức Chúa Jesus là người đến từ Đức Chúa Trời. Vì họ cho rằng, Ngài đã vi phạm ngày Sa-bát, khi chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Họ tự định nghĩa cho sự thế nào là vi phạm ngày Sa-bát. Phe bênh vực thì cho rằng, kẻ phạm tội không thể nào làm ra các dấu lạ, như sự chữa lành cho người mù bẩm sinh đã bị mù hàng chục năm. Điều đó có nghĩa là sự chữa bệnh trong ngày Sa-bát không phải là sự vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời.
Những người Pha-ri-si quay sang hỏi ý kiến của người mù đã được sáng mắt, rằng, người ấy nghĩ gì về người đã chữa lành người ấy. Người ấy đã trả lời một cách chắc chắn và ngắn gọn: “Ngài là một tiên tri.”
Xưng nhận Đức Chúa Jesus là tiên tri cũng có nghĩa xưng nhận Ngài lớn hơn tất cả các Ra-bi. Lời xưng nhận ấy cũng hàm ý rằng, Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. Vì người I-sơ-ra-ên tin rằng, Đấng Christ là một nhà lãnh đạo mà cũng chính là một tiên tri, dựa vào lời Môi-se đã rao truyền và được ghi lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15, 18-19.
Giăng 9:18-19
18 Nhưng những người Do-thái đã không tin về người, rằng người đã mù và đã được thấy lại, cho tới khi họ gọi cha mẹ của người đã được thấy lại.
19 Họ đã hỏi họ rằng: “Có phải đây là con trai của các ngươi, người mà các ngươi nói đã mù bẩm sinh? Thế thì sao bây giờ nó thấy được?”
Chúng ta thấy, Sứ Đồ Giăng lại dùng cách gọi “những người Do-thái” để gọi những người Pha-ri-si, nhấn mạnh sự kiện họ thuộc về tuyển dân của Đức Chúa Trời trên phương diện thuộc thể nhưng lại không có sự nhận thức thuộc linh. Có lẽ những người Pha-ri-si ấy đã xem xét kĩ đôi mắt của người mù đã được sáng mắt, và không thấy có dấu tích gì của sự đã từng bị mù hàng chục năm. Vì thế, họ nghi rằng, người ấy chỉ là một người có vóc dáng giống như người mù bẩm sinh. Họ cho gọi cha mẹ của người vốn bị mù đến để tra hỏi. Họ muốn cha mẹ của người vốn bị mù xác nhận, người đang đứng trước họ chính là con trai của họ và đã từng bị mù bẩm sinh. Và nếu đúng như vậy thì tại sao bây giờ, người ấy được sáng mắt.
Giăng 9:20-21
20 Cha mẹ của người đã trả lời họ, rằng: “Chúng tôi biết rằng, đây là con trai của chúng tôi, và rằng, nó đã mù bẩm sinh.
21 Nhưng hiện nay, bằng cách nào nó thấy được, chúng tôi không biết. Hoặc ai mở mắt của nó chúng tôi không biết. Hãy hỏi nó, nó có đủ tuổi, nó sẽ nói cho nó!”
Dựa vào câu 22, chúng tôi nghĩ rằng, có ba trường hợp có thể xảy ra. Trường hợp thứ nhất, khi người vốn mù bẩm sinh được Đức Chúa Jesus chữa lành thì cha mẹ của người ấy có ở gần và chứng kiến; thậm chí, họ dìu người ấy đến ao Si-lô-ê để người ấy rửa mắt. Trường hợp thứ nhì, họ đã không có mặt và chứng kiến sự chữa lành nhưng sau khi được chữa lành, người ấy đã về nhà báo tin, rồi cùng họ đi đến Đền Thờ để tạ ơn Đức Chúa Trời và tìm Đức Chúa Jesus. Trường hợp thứ ba, họ chưa biết con trai của mình đã được chữa lành, cho tới khi được những người do những người Pha-ri-si sai đi tìm họ nói cho họ biết rằng, con trai của họ đã được Đức Chúa Jesus chữa lành. Dù trong trường hợp nào thì họ cũng biết rằng, Đức Chúa Jesus đã chữa lành cho con trai của họ.
Tuy nhiên, cha mẹ của người vốn bị mù bẩm sinh đã không dám nói với những người Pha-ri-si là con trai của họ đã được Đức Chúa Jesus chữa lành. Họ đã khôn khéo hướng những người Pha-ri-si đến sự phải chấp nhận câu trả lời của con trai họ.
Giăng 9:22-23
22 Cha mẹ của người đã nói như vậy, bởi họ đã sợ những người Do-thái. Vì khi đó, những người Do-thái đã nhất định rằng, nếu ai xưng Ngài là Đấng Christ, người ấy sẽ bị dứt thông công.
23 Bởi đó, cha mẹ của người đã nói: “Nó có đủ tuổi, hãy hỏi nó!”
Sứ Đồ Giăng đã giải thích lý do khiến cho cha mẹ của người vốn bị mù bẩm sinh trả lời những người Pha-ri-si, như đã ghi trong hai câu 20 và 21. Có thể Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Sứ Đồ Giăng hiểu như vậy. Có thể do những người thuật chuyện hoặc do chính cha mẹ của người ấy nói với Sứ Đồ Giăng.
Sự “bị dứt thông công” là bị cấm không cho vào Đền Thờ và các nhà hội, bị cấm tham gia các hoạt động xã hội của cộng đồng Do-thái Giáo. Bị dứt thông công có thể có những hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội, kinh tế, và tinh thần. Nó không chỉ là một sự trừng phạt tôn giáo mà còn là một sự cô lập xã hội, vì trong một cộng đồng tương đối nhỏ và thân thiết như cộng đồng Do-thái, sự cô lập này có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân.
Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/12/2024
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
[1] https://timhieuthanhkinh.com/danh-xung-muc-su-va-reverend/
Karaoke Thánh Ca: “Con Xin Suốt Đời Theo Jesus”
https://karaokethanhca.net/con-xin-suot-doi-theo-jesus/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, hoặc đó là chú thích của người dịch.