Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL102 Giá Phải Trả để Trở Nên Môn Đồ của Đức Chúa Jesus, Ngụ Ngôn về Muối Bị Mất Mặn…

87 views

YouTube https://youtu.be/yWngC3Zmmvo

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL102 Giá Phải Trả để Trở Nên Môn Đồ của Đức Chúa Jesus, Ngụ Ngôn về Muối Bị Mất Mặn, Ngụ Ngôn về Con Chiên Bị Lạc, Ngụ Ngôn về Đồng Tiền Bị Mất
Lu-ca 14:25-35; 15:1-10

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 14:25-35

25 Có các đám dân đông cùng đi với Ngài. Ngài đã xoay lại và phán với họ:

26 “Ai đến với Ta mà không ghét cha, mẹ, vợ, con, anh em, chị em của mình, và thậm chí chính sự sống của mình, thì người ấy không thể là môn đồ của Ta.

27 Ai không vác thập tự giá của mình mà đến, theo sau Ta, thì không được làm môn đồ của Ta.

28 Vì ai trong các ngươi muốn xây một ngọn tháp, mà trước hết không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của để làm xong việc?

29 Nếu không, khi người đã xây nền rồi, lại không thể hoàn tất, thì bị mọi người nhìn thấy, bắt đầu chê cười người,

30 rằng: “Người này đã khởi công xây, mà đã không thể làm xong.”

31 Hay là có vua nào đi đánh trận nghịch vua khác, mà trước hết không ngồi bàn luận xem, mình có thể đem đi mười ngàn lính để gặp kẻ đến nghịch lại mình với hai mươi ngàn lính?

32 Nếu không, khi kẻ kia còn ở xa, thì người sai sứ giả đi, xin giao hòa.

33 Cũng vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì kẻ ấy không thể làm môn đồ của Ta.

34 Muối thì tốt. Nhưng nếu muối mất mặn, thì nó được nêm với gì?

35 Nó cũng không có ích cho ruộng hoặc cho phân. Người ta ném nó ra ngoài. Ai có tai để nghe, hãy nghe!”

Lu-ca 15:1-10

1 Hết thảy các người thu thuế và những người có tội đã đến gần Ngài để nghe Ngài.

2 Những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo đã lầm bầm rằng: “Người này tiếp những người có tội và ăn với họ.”

3 Ngài đã phán ngụ ngôn này cho họ, rằng:

4 “Người nào trong các ngươi có một trăm con chiên, nếu người ấy mất một con trong chúng, mà không để chín mươi chín con trong đồng vắng, để đi tìm con đã mất cho tới khi người tìm được nó?

5 Khi người đã tìm được, thì vui mừng, vác nó trên vai mình.

6 Người về nhà, gọi những bằng hữu và những người lân cận, bảo họ: “Hãy vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên đã bị mất của ta.”

7 Ta bảo các ngươi rằng, cũng vậy, trên trời sẽ có sự vui mừng cho một tội nhân ăn năn hơn là cho chín mươi chín người công chính vốn không có sự cần ăn năn.

8 Hay là, người đàn bà kia có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà người không thắp đèn, quét nhà, kiếm kỹ càng cho tới khi tìm được nó?

9 Khi người đã tìm được, thì gọi những bằng hữu và những người lân cận rằng: “Hãy vui với ta, vì ta đã tìm được đồng bạc mà ta đã mất.”

10 Ta bảo các ngươi, cũng vậy, sẽ có sự vui mừng trước các thiên sứ của Đức Chúa Trời cho một tội nhân ăn năn.”

Trong bài này, một lần nữa chúng ta sẽ cùng nhau học về cái giá phải trả để trở nên môn đồ của Đức Chúa Jesus. Đồng thời chúng ta cũng sẽ học về ba ngụ ngôn ngắn của Chúa về muối bị mất mặn, con chiên bị lạc, và đồng tiền bị mất. Nguyện Lời Chúa đem lại sự khôn sáng cho chúng ta.

Lu-ca 14:25-27

25 Có các đám dân đông cùng đi với Ngài. Ngài đã xoay lại và phán với họ:

26 “Ai đến với Ta mà không ghét cha, mẹ, vợ, con, anh em, chị em của mình, và thậm chí chính sự sống của mình, thì người ấy không thể là môn đồ của Ta.

27 Ai không vác thập tự giá của mình mà đến, theo sau Ta, thì không được làm môn đồ của Ta.

Vào thời điểm Đức Chúa Jesus phán dạy những điều được Lu-ca ghi lại trong hai đoạn Thánh Kinh mà chúng ta cùng nhau học hôm nay, có lẽ Ngài cùng các môn đồ đã đi dọc bờ tây của Sông Giô-đanh và đã vào trong lãnh thổ của xứ Giu-đa. Các đám dân đông vẫn cùng nhau đi theo Chúa. Danh từ “các đám dân đông” hàm ý có nhiều đoàn người đến từ các địa phương khác nhau. Trong các đám dân đông ấy có nhiều người thu thuế, nhiều người thuộc các thành phần bất hảo, nhưng cũng có nhiều người Pha-ri-si và những thầy thông giáo trong Do-thái Giáo.

Trước đây, ngay sau khi Đức Chúa Jesus sai mười hai sứ đồ đi đến các thành và các làng của dân I-sơ-ra-ên để giảng Tin Lành thì Ngài đã có nói đến điều kiện phải có để một người có thể theo Ngài. Lời phán ấy của Chúa đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 10:37-38 mà chúng ta đã học:

“Ai yêu cha hay mẹ hơn Ta thì không đáng cho Ta. Ai yêu con trai hay con gái hơn Ta thì không đáng cho Ta. Ai không vác thập tự giá của mình mà theo sau Ta, thì không đáng cho Ta.” (Ma-thi-ơ 10:37-38).

Giờ đây, vào thời điểm Đức Chúa Jesus trên đường từ Ga-li-lê về lại thành Giê-ru-sa-lem để chịu thương khó và bị đóng đinh trên thập tự giá, một lần nữa, Ngài đã phán về cái giá phải trả để một người có thể trở nên môn đồ của Ngài. Lần này, Đức Chúa Jesus không dùng cách nói “yêu cha hay mẹ hơn Ta” “yêu con trai hay con gái hơn Ta”, nhưng Ngài dùng cách nói “ghét cha, mẹ, vợ, con, anh em, chị em của mình, và thậm chí chính sự sống của mình”.

Động từ “ghét” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là “μισέω” (miseō) /mis-eh’-o – mi-xeo/ có nghĩa đen là “ghét” nhưng cũng có nghĩa rộng là “yêu kém hơn”. Trong Rô-ma 9:13, chúng ta đọc thấy “Ta yêu Gia-cốp nhưng ghét Ê-sau”. Lời ấy chỉ có nghĩa là Đức Chúa Trời yêu Gia-cốp nhiều hơn Ê-sau. Tương tự như vậy là trường hợp Gia-cốp yêu Ra-chên hơn Lê-a. Sáng Thế Ký 29:30-31 là trường hợp cụ thể cho thấy, động từ “ghét” được dùng tương đương với nhóm chữ “yêu kém hơn”.

Điều răn của Đức Chúa Trời là loài người hãy yêu người lân cận như chính mình nên không thể nào động từ “ghét” trong lời phán của Đức Chúa Jesus trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa đen, mà phải hiểu theo nghĩa rộng.

Loài người phải yêu cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em như chính mình và làm trọn mọi bổn phận đối với họ, nhưng không thể yêu họ hơn yêu Đức Chúa Jesus, nếu muốn trở nên môn đồ của Ngài. Thêm vào đó, người muốn làm môn đồ của Đức Chúa Jesus cũng không được yêu chính sự sống của mình, bao gồm mạng sống lẫn phương tiện kiếm sống, hơn là yêu Ngài. Chính Đức Chúa Jesus đã hy sinh mạng sống của Ngài để cứu chuộc loài người thì lẽ đương nhiên là những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài cũng phải sẵn sàng yêu Ngài trên hết mọi sự và hy sinh mạng sống của mình. Có như vậy thì những người ấy mới có thể sống nếp sống vâng phục Ngài và phụng sự Ngài.

Hình ảnh của thập tự giá tiêu biểu cho sự bị đau đớn, bị sỉ nhục, và bị giết chết. Sự vác thập tự giá là hành động thể hiện sự gánh chịu các điều ấy. Đức Chúa Jesus đã vác thập tự giá ra pháp trường để gánh thay loài người án phạt của tội lỗi. Môn đồ của Đức Chúa Jesus vác thập tự giá của chính mình là hành động thể hiện sự bằng lòng chịu khổ và chịu chết vì danh Chúa.

Chúng ta đã học về lời phán của Đức Chúa Jesus trong Lu-ca 9:23: “Nếu ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” Lời phán ấy cho thấy sự chịu khổ vì danh Chúa là sự xảy ra mỗi ngày. Hành động từ bỏ chính mình có nghĩa là không còn sống vì mình mà sống vì Chúa, sẵn sàng hy sinh tất cả những gì thuộc về mình, kể cả điều quý nhất là mạng sống để sống theo Lời Chúa, làm sáng danh Chúa, trong nếp sống phụng sự Chúa.

Theo sau Chúa có nghĩa là học theo Ngài và sống như Ngài đã sống, trọn phần đời còn lại biệt riêng để phụng sự Ngài.

Danh từ “môn đồ” trong nguyên ngữ Hy-lạp là “μαθητής” (mathētēs) /math-ay-tes’ – ma-tay-tết/ (G3102), có nghĩa đen là học trò, người tiếp nhận sự dạy dỗ của một giáo sư. Trong Tân Ước, khi danh từ này được dùng để gọi những người tin nhận sự giảng dạy của Đức Chúa Jesus và đi theo Ngài thì nó có nghĩa rộng là người tin Đức Chúa Jesus, vâng phục sự giảng dạy của Ngài, sống theo sự giảng dạy của Ngài, và phụng sự Ngài.

Thực tế, từ xưa tới nay, những ai thật lòng tin Đức Chúa Jesus, vâng phục sự giảng dạy của Ngài, sống theo sự giảng dạy của Ngài, phụng sự Ngài đều phải chịu khổ vì danh Ngài. Thế gian luôn chống nghịch những ai thuộc về Đức Chúa Jesus. Chính Ngài đã phán dạy các sứ đồ của Ngài:

“Nếu thế gian ghét các ngươi, các ngươi hãy biết rằng, nó đã ghét Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi vẫn ra từ thế gian có lẽ thế gian vẫn yêu thích sự thuộc về nó; nhưng vì các ngươi không còn ra từ thế gian mà Ta đã chọn các ngươi ra khỏi thế gian, bởi cớ ấy, thế gian ghét các ngươi. Hãy nhớ lời Ta đã nói với các ngươi, tôi tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bách hại Ta thì họ cũng bách hại các ngươi. Nếu họ đã giữ lời của Ta thì họ cũng sẽ giữ lời của các ngươi.” (Giăng 15:18-20).

Trong những ngày cuối cùng, trước khi Đấng Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và trong suốt Kỳ Tận Thế, thế gian sẽ càng chống nghịch, bách hại con dân Chúa càng hơn.

Lu-ca 14:28-30

28 Vì ai trong các ngươi muốn xây một ngọn tháp, mà trước hết không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của để làm xong việc?

29 Nếu không, khi người đã xây nền rồi, lại không thể hoàn tất, thì bị mọi người nhìn thấy, bắt đầu chê cười người,

30 rằng: “Người này đã khởi công xây, mà đã không thể làm xong.”

Nội dung của Lu-ca 14:28-33 không được ghi lại trong các sách Tin Lành khác. Phân đoạn này ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus, nhấn mạnh đến sự một người cần suy tính cẩn thận, trước khi quyết định theo Chúa, làm môn đồ của Ngài.

Đức Chúa Jesus đưa ra thí dụ về một người muốn xây cất một ngọn tháp thì phải ngồi lại, tính toán phí tổn của việc xây cất, để biết xem mình có đủ tài sản dùng cho việc xây cất tháp, hay không.

Tuy nhiên, việc theo Đức Chúa Jesus để làm môn đồ của Ngài không đòi hỏi phải có khối lượng tài sản là bao nhiêu, mà chỉ cần một người yêu Chúa trên tất cả mọi sự, sẵn sàng từ bỏ những sự thuộc về mình và chính mình, mỗi ngày sẵn sàng chịu khổ và hy sinh mạng sống vì danh Chúa.

Lu-ca 14:31-32

31 Hay là có vua nào đi đánh trận nghịch vua khác, mà trước hết không ngồi bàn luận xem, mình có thể đem đi mười ngàn lính để gặp kẻ đến nghịch lại mình với hai mươi ngàn lính?

32 Nếu không, khi kẻ kia còn ở xa, thì người sai sứ giả đi, xin giao hòa.

Đức Chúa Jesus lại đưa ra một thí dụ khác về một người làm vua, trước khi ra trận, giao chiến, nghịch lại vua khác thì phải kiểm điểm xem quân lực của mình có thể đánh thắng kẻ địch, hay không. Nếu không thì điều tốt nhất là cầu hòa với đối thủ, trước khi xảy ra giao tranh. Tuy khả năng mười ngàn lính đánh thắng hai mươi ngàn lính có thể xảy ra, nhưng nếu người làm vua cảm thấy không tự tin thì phải xin cầu hòa, chịu các điều kiện do kẻ thù đưa ra.

“Mười ngàn lính” đối nghịch với “hai mươi ngàn lính” tiêu biểu cho sự đi theo Chúa, làm môn đồ của Ngài là hành động phải đương đầu với những thử thách, khó khăn có thể vượt quá khả năng của một người. Một người có thể kiên quyết chịu khổ và cậy ơn Chúa, gắng sức vượt qua mọi nghịch cảnh để làm môn đồ của Chúa. Nhưng nếu không tự tin mình có thể chịu khổ để theo Chúa, làm môn đồ của Chúa thì người ấy có thể chọn chỉ tin nhận sự cứu rỗi của Chúa mà không chọn nếp sống làm môn đồ của Chúa để phụng sự Chúa.

Chúng tôi tin rằng, người ấy vẫn có sự cứu rỗi nếu thật lòng ăn năn tội, từ bỏ nếp sống phạm tội, và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus. Vì sự cứu rỗi đến bởi sự ăn năn tội và tin nhận ơn cứu rỗi. Nhưng người ấy sẽ không có phần thưởng trong đời sau. Người ấy thuộc về trường hợp được cứu dường như qua lửa, được nói đến trong I Cô-rinh-tô 3:15.

Lu-ca 14:33

33 Cũng vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì kẻ ấy không thể làm môn đồ của Ta.

Đức Chúa Jesus khẳng định, nếu một người không từ bỏ mọi sự thuộc về mình, kể cả mạng sống của mình, thì người ấy không thể làm môn đồ của Ngài. Mọi sự thuộc về một người bao gồm: những người thân trong gia đình, bạn bè, tài sản, học thức, địa vị, danh tiếng, quyền thế, mạng sống, phương tiện kiếm sống. Sự từ bỏ được nói đến ở đây không có nghĩa là không còn quan tâm, chăm sóc người thân, bạn bè; hoặc không còn giữ lại tài sản, học thức, địa vị, danh tiếng, quyền thế, mạng sống, phương tiện kiếm sống. Nhưng chỉ có nghĩa là không yêu những sự ấy hơn Chúa. Chỉ khi người thân, bạn bè chống nghịch Chúa thì môn đồ của Chúa phải từ bỏ họ. Chỉ khi tài sản, học thức, địa vị, danh tiếng, quyền thế, mạng sống, phương tiện kiếm sống khiến môn đồ vi phạm Lời Chúa hoặc cản trở sự phụng sự Chúa thì môn đồ của Chúa mới phải từ bỏ chúng.

Tất cả những gì thuộc về một môn đồ của Chúa phải được tận dụng để phụng sự Chúa, làm tôn cao danh Chúa. Khi đó, chúng trở thành phương tiện trong tay Chúa để môn đồ của Chúa làm ra nhiều việc lành.

Lu-ca 14:34-35

34 Muối thì tốt. Nhưng nếu muối mất mặn, thì nó được nêm với gì?

35 Nó cũng không có ích cho ruộng hoặc cho phân. Người ta ném nó ra ngoài. Ai có tai để nghe, hãy nghe!”

Đức Chúa Jesus đã nhiều lần nói đến sự muối bị mất mặn để nói đến sự con dân Chúa bị mất đi đức tính yêu thương. Ma-thi-ơ 5:13 và Mác 9:50 đều ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus về sự muối bị mất mặn. Chúng tôi xin trích đăng tại đây lời chú giải Ma-thi-ơ 5:13.

[Trích:]

Chất mặn của muối là đặc tính của muối. Chất mặn của muối giúp sát trùng, diệt khuẩn trong một số trường hợp, giúp vết thương mau lành, làm thực phẩm tươi lâu, và làm tăng lên hương vị của thực phẩm. Đức Chúa Jesus ví các môn đồ của Ngài như muối của đất, là nói đến đức tính yêu thương của họ, là đức tính có được từ tình yêu của Đức Chúa Trời ở trong họ. Đức tính ấy giúp làm đẹp cuộc đời. Vì con dân Chúa luôn làm ra những gì đem lại ích lợi cho thế gian. Việc làm ích lợi lớn nhất cho thế gian là rao giảng Tin Lành cho nhiều người được cứu.

Nếu con dân Chúa không còn tình yêu của Đức Chúa Trời ở trong họ thì họ không còn có ích gì cho thế gian. Lý do con dân Chúa không còn tình yêu của Đức Chúa Trời trong họ là vì chính họ đã bỏ đi tình yêu ban đầu của họ dành cho Ngài. Tình yêu ban đầu đó ở trong họ, khi họ tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài với lòng biết ơn sâu đậm. Tình yêu của một người đối với Đức Chúa Trời khiến cho tình yêu của Đức Chúa Trời ở lại và phát triển trong họ. Giúp họ yêu bằng chính tình yêu của Ngài. Khi một người không còn yêu Đức Chúa Trời thì tình yêu của Đức Chúa Trời cũng không còn trong họ.

[Hết trích.]

Vào thời của Đức Chúa Jesus, muối trong vùng Trung Đông thường là muối lấy từ Biển Chết hoặc các nguồn địa phương. Các loại muối ấy không tinh khiết và thuần chất như muối ăn của chúng ta ngày nay nên dễ bị mất mặn. Chúng có thể trở nên nhạt do lẫn với nhiều tạp chất hoặc khi bị ẩm ướt. Muối đã “mất mặn” thì không còn giá trị để nêm thức ăn, bảo quản thực phẩm, hay dùng trong tế lễ (Lê-vi 2:13). Người ta thường ném muối đã mất mặn ra đường.

Lu-ca 15:1-2

1 Hết thảy các người thu thuế và những người có tội đã đến gần Ngài để nghe Ngài.

2 Những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo đã lầm bầm rằng: “Người này tiếp những người có tội và ăn với họ.”

Tính từ “hết thảy” được dùng trong câu 1 hàm ý, tất cả những người thu thuế và những người có tội trong các đám đông đi theo Chúa đã đến gần Ngài để được nghe Ngài giảng dạy.

Cùng lúc đó, những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo có mặt trong các đám đông thấy vậy, đã lầm bầm, trách móc Đức Chúa Jesus. Theo quan điểm của họ, những ai nhận mình là người tin kính Thiên Chúa thì không thể tiếp xúc hoặc đến gần những người có tội. Những người thu thuế bị dân Do-thái xem là những người có tội nghiêm trọng vì phục vụ cho chính quyền La-mã, thu gom thuế từ dân I-sơ-ra-ên, và thường xuyên lạm thu để bỏ túi riêng.

“Những người có tội” hàm ý, những người thuộc thành phần bất hảo trong các đám dân đông, được nhiều người nhận biết. Họ có thể là những đĩ điếm, những kẻ trộm cắp…

Qua lời lầm bầm của những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo, chúng ta hiểu rằng, chẳng những họ chứng kiến Đức Chúa Jesus giảng dạy cho những người có tội mà còn thấy Ngài ngồi ăn với những người ấy.

Lu-ca 15:3-4

3 Ngài đã phán ngụ ngôn này cho họ, rằng:

4 “Người nào trong các ngươi có một trăm con chiên, nếu người ấy mất một con trong chúng, mà không để chín mươi chín con trong đồng vắng, để đi tìm con đã mất cho tới khi người tìm được nó?

Đức Chúa Jesus đã đáp trả lời lầm bầm của những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo bằng hai ngụ ngôn: ngụ ngôn về con chiên bị lạc và ngụ ngôn về đồng tiền bị mất. Ngụ ngôn về con chiên bị lạc đã từng được Ngài phán dạy và được ghi lại trong Ma-thi-ơ 18:12-13.

Ma-thi-ơ 18:12-13 ví những con chiên như những người đã tin Chúa và con chiên bị lạc là người đã tin Chúa nhưng lỡ quay về sống trong tội. Lu-ca 15:4-7 ví những con chiên như những người cần được cứu rỗi, 99 con chiên không bị lạc là những người đã tin nhận ơn cứu rỗi. Con chiên lạc là người chưa có sự cứu rỗi.

Lu-ca 15:5-7

5 Khi người đã tìm được, thì vui mừng, vác nó trên vai mình.

6 Người về nhà, gọi những bằng hữu và những người lân cận, bảo họ: “Hãy vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên đã bị mất của ta.”

7 Ta bảo các ngươi rằng, cũng vậy, trên trời sẽ có sự vui mừng cho một tội nhân ăn năn hơn là cho chín mươi chín người công chính vốn không có sự cần ăn năn.

Người chủ của bầy chiên cùng bạn bè và những người lân cận của người ấy vui mừng về việc người ấy tìm được con chiên lạc tiêu biểu cho sự vui mừng trong thiên đàng, khi có người tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Chín mươi chín người đứng vững trong đức tin, được gọi là những người công chính là điều đáng vui mừng, nhưng sự kiện một người đang ở trong sự chết đời đời tin nhận ơn cứu rỗi còn đáng vui mừng hơn.

Lu-ca 15:8-10

8 Hay là, người đàn bà kia có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà người không thắp đèn, quét nhà, kiếm kỹ càng cho tới khi tìm được nó?

9 Khi người đã tìm được, thì gọi những bằng hữu và những người lân cận rằng: “Hãy vui với ta, vì ta đã tìm được đồng bạc mà ta đã mất.”

10 Ta bảo các ngươi, cũng vậy, sẽ có sự vui mừng trước các thiên sứ của Đức Chúa Trời cho một tội nhân ăn năn.”

“Đồng bạc” được nói đến ở đây là đồng tiền Hy-lạp đúc bằng bạc, tương đương với một đơ-ni-ê của La-mã, là tiền công lao động một ngày vào thời của Đức Chúa Jesus.

Đối với một người lao động bình thường thì mất một đồng bạc là một tổn thất đáng kể. Vì thế, người đàn bà đã “thắp đèn, quét nhà, kiếm kỹ càng cho tới khi tìm được nó”. Hành động tìm kiếm cẩn thận cho thấy tầm quan trọng của đồng bạc đối với người đàn bà và quyết tâm tìm kiếm đồng tiền bị mất của bà.

Tương tự như người tìm được con chiên lạc, người đàn bà tìm được đồng tiền bị mất cũng mời gọi bạn bè và những người lân cận chung vui với bà. Trong văn hóa của dân I-sơ-ra-ên vào thời bấy giờ, việc chia sẻ niềm vui với hàng xóm là điều tự nhiên.

Người đàn bà tiêu biểu cho Đức Chúa Trời. Mười đồng tiền tiêu biểu cho trọn vẹn số người được cứu. Đồng tiền bị mất tiêu biểu cho những người cuối cùng được Đức Chúa Trời kéo đến với Đức Chúa Jesus (Giăng 6:44) để họ được ở trong sự cứu rỗi, làm cho đủ số người được cứu theo ý muốn và sự biết trước của Đức Chúa Trời. Niềm vui của người đàn bà là niềm vui của Đức Chúa Trời. Niềm vui của những bạn bè và những người lân cận là niềm vui của những thiên sứ và những thánh đồ trong thiên đàng.

Ý muốn và sự biết trước của Đức Chúa Trời về số người được cứu đã được ghi lại trong Thánh Kinh, qua các câu sau đây: Công Vụ Các Sứ Đồ 13:48; Rô-ma 8:29-30; Ê-phê-sô 1:4-5; II Ti-mô-thê 1:9.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
19/04/2025

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Con Luôn Thỏa Vui Trong Tình Ngài”:
https://karaokethanhca.net/con-luon-thoa-vui-trong-tinh-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.

Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt. Các chữ nằm trong hai dấu { và } là chú thích của người dịch, không có trong nguyên văn của Thánh Kinh. Các chữ nằm trong hai dấu ( và ) là chú thích của người viết Thánh Kinh.