Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL103 Ngụ Ngôn về Đứa Con Trai Hoang Đàng

44 views

YouTube: https://youtu.be/qhAlsaS7Sh0

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL103 Ngụ Ngôn về Đứa Con Trai Hoang Đàng
Lu-ca 15:11-32

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 15:11-32

11 Ngài đã phán: “Một người kia đã có hai con trai.

12 Đứa nhỏ hơn trong chúng đã nói với cha: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản sẽ thuộc về con.” Người đã chia sản nghiệp của mình cho chúng.

13 Không nhiều ngày sau đó, đứa con trai nhỏ hơn đã tóm thu hết, đi tới phương xa, và tại đó, nó đã sống phóng đãng, tiêu hết gia tài của mình.

14 Khi nó đã tiêu xài hết của, trong xứ ấy đã nổi lên một cơn đói lớn; nó đã bắt đầu bị nghèo thiếu.

15 Nó đã đi, nhập với một người dân của xứ ấy. Kẻ ấy đã sai nó ra các cánh đồng của kẻ ấy, chăn heo.

16 Nó đã muốn làm no bụng với vỏ đậu ca-róp mà heo ăn, nhưng chẳng ai cho nó gì cả. {“đậu ca-róp” = carob bean.}

17 Nó đã tỉnh ngộ, nói rằng: “Biết bao nhiêu người làm mướn của cha ta có bánh dư dật, mà ta bị chết đói!

18 Ta sẽ đứng dậy, đi đến cha ta, và sẽ thưa với ông: “Thưa cha! Con đã phạm tội nghịch lại Trời trước mặt người,

19 con là không đáng được gọi là con của người. Xin khiến con như một trong những người làm mướn của người.””

20 Nó đã đứng dậy, đến với cha của nó. Khi nó vẫn còn ở đàng xa, cha nó đã thấy nó thì động lòng thương xót. Người đã chạy đến, ôm lấy cổ nó và hôn nó.

21 Đứa con trai đã thưa với người: “Thưa cha! Con đã phạm tội nghịch lại Trời trước mặt người. Con là không đáng được gọi là con của người.”

22 Nhưng người cha đã bảo các đầy tớ của người: “Hãy đem ra áo tốt nhất và mặc cho nó. Hãy đeo nhẫn vào tay nó, mang giày vào chân nó.

23 Hãy đem bò con mập làm thịt. Chúng ta hãy ăn mừng!

24 Vì con trai của ta đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại tìm được.” Họ đã khởi sự vui mừng.

25 Con trai cả của người đã ở ngoài đồng. Khi nó đã đến gần nhà, nó đã nghe có tiếng nhạc và sự nhảy múa.

26 Nó đã gọi một trong các đầy tớ mà hỏi đã xảy ra điều gì.

27 Người ấy đã bảo nó: “Em của ông đã đến, nên cha của ông đã làm thịt bò con mập, vì đã tiếp nhận người bình an, vô sự.”

28 Nó đã nổi giận và không muốn vào nhà. Vậy, cha nó đã ra và khuyên nó.

29 Nó đã đáp lời, thưa với cha: “Này, con đã giúp việc người bấy nhiêu năm, chưa từng trái lệnh người mà người chưa hề cho con một con dê con để con vui thỏa với các bạn của con.

30 Nhưng khi đứa con trai này của người, đứa đã ăn hết gia tài của người với những đĩ điếm, đến thì người đã vì nó làm thịt bò con mập.”

31 Người đã bảo nó: “Hỡi con trai! Con luôn ở cùng ta. Hết thảy của ta là của con.

32 Nhưng nên vui vẻ và mừng rỡ, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại tìm được.””

Ngụ ngôn về đứa con trai hoang đàng chỉ được Lu-ca ghi lại, không thấy Ma-thi-ơ, Mác, và Giăng ghi lại ngụ ngôn này. Đức Chúa Jesus đã kể ngụ ngôn này khi Ngài và các môn đồ đang trên đường từ Ga-li-lê về lại Giê-ru-sa-lem, trước ngày Lễ Vượt Qua của năm 27. Đó là ngày Lễ Vượt Qua mà Ngài đã bị bắt và bị đóng đinh trên thập tự giá để hoàn thành sự chết chuộc tội cho loài người.

Đức Chúa Jesus đã cùng lúc kể ba ngụ ngôn để đáp lại lời lầm bầm của những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo. Họ đã quở trách Ngài, khi họ thấy Ngài giảng dạy cho những người thu thuế, những người có tội khác, và ăn chung với những người ấy. Vì theo quan điểm của Do-thái Giáo, người tin kính Thiên Chúa không được giao tiếp hoặc đến gần những người mà xã hội xem là có tội, như những người thu thuế, những đĩ điếm, và những kẻ trộm cắp.

Liền trước ngụ ngôn về đứa con trai hoang đàng thì Đức Chúa Jesus đã kể ngụ ngôn về con chiên bị lạc và đồng bạc bị mất. Mỗi ngụ ngôn nói lên một khía cạnh trong ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người.

Ngụ ngôn về con chiên bị lạc trong Lu-ca 15:4-7 ví những con chiên như những người cần được cứu rỗi. Chín mươi chín con chiên không bị lạc là những người đã tin nhận ơn cứu rỗi. Con chiên lạc là người chưa có sự cứu rỗi, cần được cứu.

Mười đồng bạc trong ngụ ngôn về đồng bạc bị mất trong Lu-ca 15:8-10 tiêu biểu cho trọn vẹn số người được cứu. Đồng bạc bị mất tiêu biểu cho những người cuối cùng được Đức Chúa Trời kéo đến với Đức Chúa Jesus để họ được ở trong sự cứu rỗi, làm cho đủ số người được cứu, theo ý muốn và sự biết trước của Đức Chúa Trời.

Ngụ ngôn về đứa con trai hoang đàng mà chúng ta học trong bài này có cùng ý nghĩa như ngụ ngôn về con chiên lạc trong Ma-thi-ơ 18:12-13. Những con chiên trong hai câu Thánh Kinh ấy, và hai đứa con trai trong Lu-ca 15:11-32 được ví như những người đã tin Chúa. Con chiên bị lạc và đứa con trai hoang đàng được ví như người đã tin Chúa nhưng lỡ phạm tội, vì sống theo ý riêng.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu trong Lu-ca 15:11-32.

Lu-ca 15:11-12

11 Ngài đã phán: “Một người kia đã có hai con trai.

12 Đứa nhỏ hơn trong chúng đã nói với cha: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản sẽ thuộc về con.” Người đã chia sản nghiệp của mình cho chúng.

Trong ngụ ngôn, người cha được tiêu biểu cho Đức Chúa Trời, hai đứa con trai tiêu biểu cho hai loại người trong Hội Thánh. Cả hai đều được ban cho địa vị làm con thừa hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, thuộc về gia đình của Ngài.

Đứa con lớn tiêu biểu cho những con dân Chúa siêng năng phụng sự Chúa, làm lợi cho công việc của nhà Chúa, nhưng có tính kiêu ngạo và thiếu tình yêu thương đối với những người lầm lạc. Đứa con nhỏ tiêu biểu cho những con dân Chúa có tính ích kỷ, không có lòng phụng sự Chúa, thích sống theo ý riêng, ham muốn những thú vui của thế gian, dễ bị sa ngã, phạm tội.

Lời cầu xin cha chia tài sản của đứa con nhỏ tiêu biểu cho sự ích kỷ của những con dân Chúa lạm dụng hoặc đòi hỏi các phước lành của Đức Chúa Trời để theo đuổi những thú vui thế gian, thay vì sử dụng chúng để phụng sự Chúa.

Sự người cha chia sản nghiệp tiêu biểu cho việc Đức Chúa Trời ban các phước lành đặc biệt cho mỗi con dân Ngài và tôn trọng tự do ý chí của họ. Điều này cũng hàm ý rằng, Đức Chúa Trời cho phép mỗi người tự do chọn lựa nếp sống, kể cả sự chọn con đường không vâng phục Chúa, dẫn đến sự xa cách thuộc linh và hậu quả của sự phạm tội.

Ngoài những phước lành Đức Chúa Trời ban chung cho loài người, như sự sống và các nhu cầu của sự sống, Đức Chúa Trời còn ban cho con dân của Ngài các phước lành đặc biệt. Gọi là “các phước lành đặc biệt” vì đó là các phước lành Đức Chúa Trời chỉ ban riêng cho con dân của Ngài, như sự bình an trong linh hồn, sự được tương giao với Thiên Chúa, và sự được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh.

Lu-ca 15:13

13 Không nhiều ngày sau đó, đứa con trai nhỏ hơn đã tóm thu hết, đi tới phương xa, và tại đó, nó đã sống phóng đãng, tiêu hết gia tài của mình.

“Không nhiều ngày sau đó” chứng tỏ đứa con nhỏ đã vội vã làm theo ý riêng, thiếu suy nghĩ.

“Tóm thu hết” ám chỉ việc gom toàn bộ phần tài sản được cha chia, thể hiện sự quyết tâm ra đi, cắt đứt mối liên hệ với gia đình.

“Đi tới phương xa” là đi tới một nơi không còn có sự quản lý và bảo vệ của người cha.

“Tại đó, nó đã sống phóng đãng, tiêu hết gia tài của mình” hàm ý, đứa con nhỏ hoàn toàn buông mình, chạy theo các thú vui của xác thịt, phung phí hết tài sản đã nhận được từ cha. Đứa con nhỏ chẳng những không gây dựng cho sự nghiệp của gia đình mà cũng không gây dựng sự nghiệp cho bản thân.

Trong đời sống thuộc linh, những con dân Chúa nào còn yêu thích những thú vui trong thế gian thì họ dễ bị cám dỗ lạm dụng các ơn phước đặc biệt do Đức Chúa Trời ban cho để chạy theo sự ham muốn của xác thịt. Nếu không tỉnh thức, họ có thể xa rời Hội Thánh, dấn mình vào các môi trường tội lỗi, và hoang phí tuổi trẻ, sức khỏe, thời gian, năng lực, tài nguyên cho những điều không tôn vinh Chúa.

Lu-ca 15:14-15

14 Khi nó đã tiêu xài hết của, trong xứ ấy đã nổi lên một cơn đói lớn; nó đã bắt đầu bị nghèo thiếu.

15 Nó đã đi, nhập với một người dân của xứ ấy. Kẻ ấy đã sai nó ra các cánh đồng của kẻ ấy, chăn heo.

“Cơn đói lớn” là cơn thiếu thức ăn lớn, tiêu biểu cho sự đói thuộc linh rất nghiêm trọng. Sự đói thuộc linh nghiêm trọng là sự thiếu Lời Chúa, thiếu sự hiểu biết Lời Chúa, thiếu sự chăm sóc, dẫn dắt từ Chúa, và thiếu những ơn phước khác từ Chúa.

“Bắt đầu bị nghèo thiếu” hàm ý, sự khó khăn thiếu thốn từ từ đến với đứa con nhỏ, sau khi nó đã hoang phí tài sản. Con dân Chúa xa cách Chúa, xa cách Hội Thánh cũng từ từ bị nghèo thiếu thuộc linh và trở nên đói thuộc linh; vì không còn có được những ơn phước đặc biệt từ nơi Chúa. Cơn đói lớn xảy ra khi người con nhỏ xa cách cha, cho thấy rằng, sự đói khát thuộc linh là hậu quả của việc rời bỏ mối liên hệ với Đức Chúa Trời, nguồn cung ứng mọi ơn phước. Sự nghèo thiếu thuộc linh không chỉ là mất đi các ơn phước, mà còn là mất đi sự bình an, mục đích của đời sống, và mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa.

“Nhập với một người dân của xứ ấy” là hạ mình, kiếm sống nơi xứ lạ quê người, nương cậy vào những người không thân thích. Con dân Chúa mà sa ngã, phạm tội cũng dễ dàng bám víu vào những người không tin Chúa trong thế gian.Trong sự tuyệt vọng, con dân Chúa đã sa ngã có thể tìm kiếm sự an ủi hoặc sự hỗ trợ từ những người hoặc các hệ thống của thế gian, thay vì quay về với Chúa và Hội Thánh.

“Kẻ ấy đã sai nó ra các cánh đồng của kẻ ấy, chăn heo” hàm ý, đứa con nhỏ từ chỗ có tài sản, giàu có, hưởng thụ những thú vui trong cuộc sống đã trở thành một người lao động vất vả, không đủ sống. Trong Thánh Kinh, heo là loài súc vật bị xem là không tinh sạch. Điều đó hàm ý, con dân Chúa khi đã sa ngã, phạm tội, sống theo thế gian thì sẽ đến lúc bị mất các ơn phước đặc biệt của Chúa và trở thành ô uế trong tội lỗi, bị thế gian khinh chê và áp bức. Tuy nhiên, Chúa vẫn chờ đợi họ quay về với lòng thương xót và ân điển của Ngài.

Lu-ca 15:16

16 Nó đã muốn làm no bụng với vỏ đậu ca-róp mà heo ăn, nhưng chẳng ai cho nó gì cả. {“đậu ca-róp” = carob bean.}

Tại Trung Đông, vỏ quả đậu ca-róp là thức ăn rẻ tiền dành cho gia súc, đặc biệt là heo, và chỉ những người trong hoàn cảnh cùng cực mới khao khát ăn nó. Đứa con nhỏ vì đói, muốn được ăn thức ăn dành cho heo, nhưng không ai trong xứ đó cho nó bất cứ thứ gì. Điều đó cho thấy sự cô lập và khốn cùng của nó. Điều đó cũng nói lên sự suy sụp tận cùng, dường như không còn lối thoát của đứa con nhỏ. Nhưng đó cũng chính là cơ hội để nó thức tỉnh, nhận ra tình trạng của mình và ăn năn, quay về với cha.

Những con dân Chúa sa ngã, phạm tội vì sống theo thế gian cũng sẽ tới lúc không còn kinh nghiệm được các ơn phước đặc biệt của Chúa và bị thế gian cư xử không thương xót. Họ sẽ hoàn toàn rơi vào trong sự tuyệt vọng, không lối thoát. Sự tuyệt vọng này, dù rất đau đớn, nhưng cũng là cơ hội để con dân Chúa đã sa ngã nhận ra tình trạng của mình và kêu cầu sự thương xót của Chúa, Đấng luôn sẵn lòng tha thứ và phục hồi.

Lu-ca 15:17-19

17 Nó đã tỉnh ngộ, nói rằng: “Biết bao nhiêu người làm mướn của cha ta có bánh dư dật, mà ta bị chết đói!

18 Ta sẽ đứng dậy, đi đến cha ta, và sẽ thưa với ông: “Thưa cha! Con đã phạm tội nghịch lại Trời trước mặt người,

19 con là không đáng được gọi là con của người. Xin khiến con như một trong những người làm mướn của người.””

Sự “tỉnh ngộ” hàm ý, đứa con nhỏ đã biết mình sai, đồng thời cũng nhận biết mình không còn xứng đáng với tình yêu của cha. Đứa con nhỏ đã nhận ra, trong gia đình của mình, ngay cả những người làm mướn cũng được đối xử tốt và có dư dật thức ăn.

“Con đã phạm tội nghịch lại Trời” hàm ý, đứa con nhận biết hành động của mình không chỉ là có lỗi với cha mà còn là nghịch lại thiên lý, tức là nghịch lại ý muốn và điều răn của Đức Chúa Trời, khi nó không vâng phục cha.

“Trước mặt người” hàm ý, đứa con nhỏ thừa nhận tội lỗi của mình đã gây tổn thương cho cha, người mà nó đã bất kính.

“Con là không đáng được gọi là con của người” thể hiện sự nhận thức đúng đắn và sự thật lòng ăn năn.

“Xin khiến con như một trong những người làm mướn của người” là lời cầu xin sự thương xót từ người cha, đồng thời tiếp tục thể hiện sự hạ mình, khiêm nhường, ăn năn của đứa con nhỏ. Lời cầu xin này, dù khiêm nhường, cho thấy đứa con nhỏ chưa nhận ra lòng thương xót vô biên của cha, người sẽ đón nhận nó không chỉ như người làm mướn mà như một người con.

Trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, những người bị xem là thấp hèn nhất cũng được vui thỏa và dư dật trong tình yêu và ân điển của Thiên Chúa. Điều này cho thấy, ngay cả những người bị xã hội khinh chê, ruồng bỏ như những người thu thuế và những người có tội khác, nếu thật lòng ăn năn, họ cũng sẽ có phần dư dật trong Vương Quốc Trời.

Sự không chu toàn bổn phận đối với nhau cũng chính là sự phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài và ban cho muôn loài những quy luật sinh tồn. Trong đó, loài người có các bổn phận đối với nhau, như con cái phải vâng phục cha mẹ, cha mẹ phải chăm sóc, bảo vệ các con; tôi tớ trung thành và tận tụy phục vụ chủ, chủ đối xử tốt và công bình đối với tôi tớ; dân chúng phải vâng phục nhà cầm quyền, nhà cầm quyền phải vì lợi ích của người dân. Sự không chu toàn bổn phận đối với nhau, như người con nhỏ bất kính với cha, là tội lỗi nghịch lại Đức Chúa Trời, Đấng thiết lập các trật tự, các bổn phận trong gia đình và xã hội. Sự ăn năn chân thành là cách để sửa chữa những sai lầm như vậy.

Khi con dân Chúa lỡ sa ngã, phạm tội thì phải sớm ăn năn, kêu cầu sự thương xót của Đức Chúa Trời để được quay lại với tình yêu và ân điển của Ngài. Lòng ăn năn phải chân thành và được thể hiện qua sự nhu mì, khiêm nhường, sẵn sàng gánh lấy hậu quả sự sai trái của mình. Lòng thương xót của Đức Chúa Trời luôn vượt xa sự mong đợi của bất cứ ai, Ngài sẵn sàng tha thứ và phục hồi những ai quay lại với Ngài. Lời kêu gọi của Ngài từ ngàn xưa vẫn còn đó: “Hỡi con cái bội nghịch, hãy trở lại! Ta sẽ chữa sự bội nghịch của các ngươi” (Giê-rê-mi 3:22).

Lu-ca 15:20-21

20 Nó đã đứng dậy, đến với cha của nó. Khi nó vẫn còn ở đàng xa, cha nó đã thấy nó thì động lòng thương xót. Người đã chạy đến, ôm lấy cổ nó và hôn nó.

21 Đứa con trai đã thưa với người: “Thưa cha! Con đã phạm tội nghịch lại Trời trước mặt người. Con là không đáng được gọi là con của người.”

“Nó đã đứng dậy, đến với cha của nó” hàm ý, sự ăn năn cần phải biến thành hành động và hành động ăn năn cần phải dứt khoác. Hành động “đứng dậy, đến với cha” cho thấy, sự ăn năn phải được thể hiện qua quyết định dứt khoát, chuyển từ tuyệt vọng sang hy vọng, dựa trên niềm tin vào lòng thương xót của cha.

“Khi nó vẫn còn ở đàng xa, cha nó đã thấy nó thì động lòng thương xót” nói lên sự người cha luôn yêu thương, lo lắng, và mong đợi đứa con hoang đàng quay lại. Có lẽ mỗi ngày ông vẫn đứng ngóng về phía con đường dẫn vào nhà.

“Người đã chạy đến, ôm lấy cổ nó và hôn nó” người cha đã chủ động chạy đến với đứa con hoang đàng. Hành động ôm cổ con và hôn con thể hiện tình yêu và sự tha thứ của ông dành cho nó. Đó cũng là hành động thể hiện sự người cha chủ động phục hồi mối quan hệ cha con.

Đứa con nhỏ đã thưa với cha đúng như nó đã dự tính, khi nó tỉnh ngộ. Điều đó chứng tỏ sự chân thành ăn năn của nó. Nó đã không lạm dụng sự đón nhận niềm nở của cha mà tìm cách làm giảm đi mức độ nghiêm trọng sự phạm tội của nó.

Đức Chúa Trời luôn mong chờ và kêu gọi những “đứa con hoang đàng” ăn năn, quay lại với tình yêu và ân điển của Ngài. Lời kêu gọi của Ngài đã được chép nhiều chỗ trong Thánh Kinh:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: “Bấy giờ, hãy đến và chúng ta hãy biện luận cùng nhau! Dù những tội của các ngươi như chỉ đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như tuyết; dù chúng đỏ màu đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như len.”” (Ê-sai 1:18).

“Hãy xé lòng của các ngươi, đừng xé áo của các ngươi. Hãy trở lại với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi. Vì Ngài là từ ái và thương xót, chậm giận và nhiều sự lành, đổi ý về sự dữ.” (Giô-ên 2:13).

“Vậy hãy nói với chúng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán như vầy: “Các ngươi hãy trở lại với Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán, thì Ta sẽ trở lại với các ngươi, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán.”” (Xa-cha-ri 1:3).

Ma quỷ sẽ gieo vào tâm trí của những con dân Chúa lỡ sa ngã, phạm tội rằng, Đức Chúa Trời sẽ không tha thứ cho họ, vì họ đã phạm tội rất nghiêm trọng. Họ không xứng đáng để quay lại với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã từ bỏ họ.

Đúng là họ đã phạm tội rất nghiêm trọng. Đúng là họ không xứng đáng với tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời không từ bỏ họ vì sự từ ái và lòng thương xót của Ngài cao đến các tầng trời (Thi Thiên 36:5); sự thương xót của Ngài chẳng dứt (Ca Thương 3:22). Ngài không lưu cơn giận của Ngài mãi vì Ngài ưa thích sự từ ái (Mi-chê 7:18). Mỗi con dân Chúa cần học thuộc lòng hai câu này:

“Vì như các tầng trời cao trên đất thì sự từ ái của Ngài cũng lớn cho những ai kính sợ Ngài.” (Thi Thiên 103:11).

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).

Con dân Chúa lỡ sa ngã, phạm tội hãy tin vào Lời Chúa; đừng tin vào những ý tưởng phát sinh trong tâm trí vì mặc cảm phạm tội hoặc do ma quỷ gieo rắc.

Lu-ca 15:22-24

22 Nhưng người cha đã bảo các đầy tớ của người: “Hãy đem ra áo tốt nhất và mặc cho nó. Hãy đeo nhẫn vào tay nó, mang giày vào chân nó.

23 Hãy đem bò con mập làm thịt. Chúng ta hãy ăn mừng!

24 Vì con trai của ta đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại tìm được.” Họ đã khởi sự vui mừng.

Người cha hoàn toàn không dừng lại ở lời nói của đứa con mà ngay lập tức bày tỏ niềm vui và lòng thương xót qua hành động, vì ông biết đứa con đã thật lòng ăn năn. Ông vô cùng vui mừng, vì đứa con ông xem như đã chết, đã mất mà nay nó vẫn sống và đã tìm về với ông. Ông không có một lời quở trách. Vì là không cần thiết. Chính đứa con đã nhận thức cách sâu sắc về sự sai trái của nó. Ngay lập tức, người cha đã sai các đầy tớ mang áo tốt nhất ra mặc cho con, đeo nhẫn vào tay con, và mang giày vào chân con, thể hiện sự tha thứ và phục hồi không chút do dự.

“Áo tốt nhất” tiêu biểu cho sự phục hồi địa vị làm con.

“Nhẫn” tiêu biểu cho sự phục hồi quyền hạn đối với các tôi tớ và quyền thừa kế trong gia đình.

“Giày” tiêu biểu cho sự phục hồi tự do từ địa vị nô lệ. Vì kẻ nô lệ thời ấy chỉ đi chân trần.

“Bò con mập” là thức ăn ngon, thích hợp cho sự vui mừng về sự đứa con hoang đàng được phục hồi.

Khi một người tự ý xa rời tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời thật lòng ăn năn, quay về với sự thương xót của Đức Chúa Trời thì người ấy được Đức Chúa Trời phục hồi địa vị làm con của Ngài, phục hồi địa vị đồng cai trị Vương Quốc Trời với Đấng Christ, phục hồi địa vị tự do trong Đấng Christ, thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và ma quỷ. Cả thiên đàng sẽ vui mừng vì sự ăn năn của người ấy.

Lu-ca 15:25-27

25 Con trai cả của người đã ở ngoài đồng. Khi nó đã đến gần nhà, nó đã nghe có tiếng nhạc và sự nhảy múa.

26 Nó đã gọi một trong các đầy tớ mà hỏi đã xảy ra điều gì.

27 Người ấy đã bảo nó: “Em của ông đã đến, nên cha của ông đã làm thịt bò con mập, vì đã tiếp nhận người bình an, vô sự.”

Ngày hôm ấy, đứa con lớn vẫn siêng năng làm việc ngoài đồng như thường lệ. Khi về đến gần nhà, nghe có tiếng nhạc và tiếng nhảy múa thể hiện sự vui mừng phát ra từ trong nhà, đứa con lớn đã ngạc nhiên, gọi một trong các đầy tớ để hỏi cho biết việc gì đang xảy ra. Người đầy tớ cho biết, đứa con nhỏ đã trở về, bình an, vô sự nên người cha đã giết bò con mập để mở tiệc ăn mừng.

Đây là một sự bất ngờ và không vừa ý đối với đứa con lớn. Các câu kế tiếp cho thấy sự suy nghĩ, tâm trạng, và phản ứng của đứa con lớn, thể hiện cá tính của nó.

Đứa con lớn siêng năng làm việc ngoài đồng như thường lệ, thể hiện sự trung thành nhưng cũng là tiền đề cho thái độ tự cao, khi đối diện với sự tha thứ của cha dành cho em mình.

Lu-ca 15:28-30

28 Nó đã nổi giận và không muốn vào nhà. Vậy, cha nó đã ra và khuyên nó.

29 Nó đã đáp lời, thưa với cha: “Này, con đã giúp việc người bấy nhiêu năm, chưa từng trái lệnh người mà người chưa hề cho con một con dê con để con vui thỏa với các bạn của con.

30 Nhưng khi đứa con trai này của người, đứa đã ăn hết gia tài của người với những đĩ điếm, đến thì người đã vì nó làm thịt bò con mập.”

Lời chỉ trích của người con lớn trong câu 30 cho thấy, nó biết về lối sống phóng đãng của em mình, có thể qua tin đồn hoặc thông tin lan truyền, điều này làm tăng sự bất mãn của nó khi người cha tổ chức tiệc mừng. Vì thế, khi đứa con lớn nghe rằng, người cha đã cho giết bò con mập, đãi tiệc ăn mừng sự quay về của đứa em hoang đàng, thì nó đã nổi giận.

Đứa con lớn nổi giận về hành động của cha nên không muốn vào nhà để chứng kiến điều mà nó thấy trái mắt. Sự tức giận của đứa con lớn khi nghe về tiệc mừng với bò con mập không chỉ là phản ứng trước sự bất ngờ, mà còn bộc lộ sự thiếu lòng thương xót và thái độ tự cho mình là công chính.

Khi người cha hay tin đứa con lớn đã về nhưng không vào nhà thì ông đã đích thân ra gặp nó và khuyên bảo. Nhưng đứa con lớn đã không lắng nghe lời khuyên của cha mà nói ra những lời chỉ trích cha, hàm ý, ông đã đối xử bất công với nó, thiên vị em nó. Lời chỉ trích cha của người con lớn bộc lộ sự ganh tị và thiếu hiểu biết về tình yêu của cha, người yêu thương cả hai con và mong cả hai cùng vui thỏa trong hạnh phúc của gia đình.

Tuy nhiên, trong thực tế, người cha đã chia tài sản cho cả hai con. Theo phong tục của dân I-sơ-ra-ên, con trưởng nam được chia phần gấp đôi các em của mình (Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:17). Phần còn lại người cha giữ cho mình, ông hoàn toàn muốn làm gì với nó thì làm, kể cả trường hợp ông đem cho hết cho đứa con nhỏ cũng không phải là ông cư xử bất công. Đứa con lớn đã nhận phần tài sản lớn hơn, nhưng nó hiểu lầm tình yêu của cha qua lăng kính công trạng, không nhận ra rằng, lòng thương xót của cha là dành cho cả hai con.

Đứa con lớn siêng năng làm việc và không trái nghịch các mệnh lệnh của cha không phải vì lòng yêu thương tôn kính cha và muốn gây dựng sự nghiệp của gia đình. Nhưng nó hành động với tinh thần của một người làm mướn trung thành và có lòng ganh tị với em nó. Vì thế, nó khoe công và bất mãn hành động thương xót của cha đối với em nó. Nó chỉ trích sự sai lầm của em mà không quan tâm đến sự ăn năn của em. Nó cũng không vui mừng khi thấy em mình được bình an, vô sự. Tinh thần của người làm mướn trong đứa con lớn khiến cho nó không hiểu tình yêu của cha, mà chỉ tập trung vào công trạng của mình và lòng ganh tị với em nó.

Sự tức giận của đứa con lớn tiêu biểu cho sự tức giận của những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo, khi họ thấy Đức Chúa Jesus giảng dạy và ăn chung với những người thu thuế và những người có tội khác. Đồng thời cũng tiêu biểu cho những con dân Chúa trong Hội Thánh sốt sắng trong các công việc của Hội Thánh, nhưng thích kể công vì kiêu ngạo, và không có lòng thương xót đối với những người lỡ lầm đã biết ăn năn. Họ là những người tự cho mình là công chính, nhưng thiếu lòng thương xót và không vui mừng, khi người khác được tha thứ.

Thái độ của đứa con lớn là lời cảnh báo cho con dân Chúa để họ tránh kiêu ngạo và kể công, mà thay vào đó, học theo lòng thương xót của Đức Chúa Trời, vui mừng khi những người sa ngã biết ăn năn và được phục hồi.

Lu-ca 15:31-32

31 Người đã bảo nó: “Hỡi con trai! Con luôn ở cùng ta. Hết thảy của ta là của con.

32 Nhưng nên vui vẻ và mừng rỡ, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại tìm được.””

Lời nói của người cha: “Hỡi con trai! Con luôn ở cùng ta”, vừa khẳng định rằng, đứa con lớn hoàn toàn được hưởng sự yêu thương, chu cấp, ban cho của người cha; vừa nhắc khéo cho đứa con lớn về sự phước hạnh được luôn ở bên cạnh cha là lớn hơn mọi của cải vật chất. So với đứa con nhỏ, đứa con lớn đã có phước hạnh lớn hơn, khi nó không phải trải qua sự khốn cùng và xa cách cha.

“Hết thảy của ta là của con” hàm ý, người cha biết sự làm việc vất vả của đứa con lớn, đóng góp nhiều cho sự gia tăng giá trị của tài sản gia đình; và ông đã có ý sẽ để phần tài sản còn lại của ông cho nó, khi ông qua đời. Vì thế, đứa con lớn không nên bất mãn vì một con bò con mập bị giết để ăn mừng em của nó đã bình an trở về trong sự ăn năn chân thành. Sự bất mãn của đứa con lớn vì một con bò con mập cho thấy, nó đã không hiểu lòng thương xót và ân sủng của cha.

Một lần nữa, người cha nhấn mạnh đến cảm xúc của ông về đứa con nhỏ, thể hiện tình yêu bao la của ông đối với nó, ông nói: “Nhưng nên vui vẻ và mừng rỡ, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại tìm được.” Nếu với đứa con hoang đàng mà ông còn yêu như thế thì đối với đứa con không hoang đàng nhưng biết sốt sắng làm việc gây dựng sản nghiệp của gia đình thì ông lại chẳng yêu nó sao. Nói tóm lại, đứa con lớn không có lý do gì để ganh tị với em và chỉ trích cha, cho rằng, ông đã cư xử bất công.

Trên một phương diện, đứa con lớn cũng chính là đứa con hoang đàng. Vì nó đã bất kính với cha, chỉ trích cha, không hiểu được tình yêu của cha dành cho nó, không có lòng thương xót, bao dung đối với đứa em có lỗi nhưng biết ăn năn. Tiêu phá gia tài vật chất là điều nghiêm trọng nhưng tiêu phá gia tài tình cảm giữa cha con còn nghiêm trọng hơn nhiều. Đứa con lớn cũng cần thật lòng ăn năn và hòa mình vào niềm vui của gia đình, trong tình yêu của cha.

Nhiều con dân Chúa kiêu ngạo, kể công về sự phụng sự Chúa của mình, và ganh tị với những người có lỗi biết ăn năn, được Chúa tiếp nhận trở lại vào Hội Thánh. Họ không biết rằng, cá tính đó của họ chứng tỏ họ còn tệ hơn người có lỗi nhưng đã thật lòng hạ mình ăn năn.

Chúng ta hãy cùng nhau ghi nhớ lời này:

“Hãy đi! Các ngươi hãy học cho biết câu này nghĩa là gì: “Ta muốn sự thương xót, chẳng phải sinh tế.” Vì Ta không đến để gọi những người công chính, nhưng gọi những kẻ có tội vào sự ăn năn.” (Ma-thi-ơ 9:13).

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/04/2025

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Về bên Chúa”:
https://karaokethanhca.net/ve-ben-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.

Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt. Các chữ nằm trong hai dấu { và } là chú thích của người dịch, không có trong nguyên văn của Thánh Kinh. Các chữ nằm trong hai dấu ( và ) là chú thích của người viết Thánh Kinh.