YouTube: https://youtu.be/f4J4I6FC81E
Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL106 Các Lời Dạy Khác của Đức Chúa Jesus
Lu-ca 17:1-10
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Lu-ca 17:1-10
1 Đức Chúa Jesus cũng đã phán với các môn đồ: “Không có thể khỏi xảy ra những sự gây nên sự phạm tội. Nhưng khốn thay cho kẻ mà chúng đến qua kẻ ấy!
2 Tốt cho kẻ mà cối đá do lừa kéo được buộc vào cổ của nó và nó bị ném xuống biển hơn là nó gây ra sự vấp phạm cho một trong những đứa trẻ này.
3 Các ngươi hãy giữ lấy mình! Nếu anh em cùng Cha của ngươi đã phạm tội nghịch lại ngươi, hãy quở trách người. Nếu người đã ăn năn thì hãy tha thứ.
4 Dù trong một ngày, người phạm tội nghịch lại ngươi bảy lần và bảy lần trong một ngày người trở lại cùng ngươi, nói: “Tôi ăn năn.” Ngươi hãy tha thứ cho người.”
5 Các sứ đồ đã thưa với Chúa: “Xin thêm lên đức tin của chúng tôi!”
6 Chúa đã phán: “Nếu các ngươi có đức tin như hạt mù-tạt, các ngươi có thể bảo cây dâu này: “Hãy bị bứng rể và bị trồng dưới biển!” Nó sẽ vâng lời các ngươi.
7 Ai trong các ngươi có đầy tớ cày ruộng hoặc chăn gia súc, khi nó từ đồng ruộng về, bảo ngay nó: “Hãy đến, ngồi ăn!”
8 Mà sẽ không bảo nó: “Hãy dọn cho ta ăn! Hãy thắt lưng ngươi, phục vụ ta, cho tới khi ta đã ăn và uống thì sau đó, ngươi sẽ ăn và uống”?
9 Người ấy có biết ơn đầy tớ ấy vì nó đã làm những việc đã được sai bảo nó? Ta nghĩ là không.
10 Các ngươi cũng vậy, khi làm xong mọi việc đã truyền cho các ngươi thì hãy nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô ích mà đã làm xong bổn phận chúng tôi phải làm.”
Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về một số lời dạy khác của Đức Chúa Jesus mà Ngài đã phán dạy cho các môn đồ của Ngài, tiếp theo sự giảng dạy của Ngài về âm phủ. Đó là các lời phán dạy về sự không khiến mình trở thành người gây ra sự vấp phạm cho người khác, sự tha thứ cho người có tội biết ăn năn, sự có đức tin, và bổn phận của đầy tớ. Lu-ca 17:1-10 có thể được xem như là lời kết thúc những gì mà Đức Chúa Jesus đã phán dạy, được lại trong Lu-ca 15 và 16.
Lu-ca 17:1-2
1 Đức Chúa Jesus cũng đã phán với các môn đồ: “Không có thể khỏi xảy ra những sự gây nên sự phạm tội. Nhưng khốn thay cho kẻ mà chúng đến qua kẻ ấy!
2 Tốt cho kẻ mà cối đá do lừa kéo được buộc vào cổ của nó và nó bị ném xuống biển hơn là nó gây ra sự vấp phạm cho một trong những đứa trẻ này.
Lời phán trên đây của Đức Chúa Jesus cũng đã được Ngài phán dạy tương tự, trong hai trường hợp khác mà chúng ta đã học. Trường hợp thứ nhất là khi Ngài phán dạy về sự vĩ đại trong Vương Quốc Trời, theo sau câu hỏi của các môn đồ: “Vậy, ai là lớn hơn trong Vương Quốc Trời?” Lời phán ấy do Ma-thi-ơ ghi lại:
“Nhưng bất cứ ai làm cho bị vấp phạm một trong những đứa trẻ đang tin nơi Ta này, thì tốt hơn cho kẻ ấy để cối đá do lừa kéo được buộc vào cổ của nó và nó bị ném xuống đáy biển. Khốn cho thế gian bởi những sự gây nên sự phạm tội, vì những sự gây nên sự phạm tội là phải đến. Nhưng khốn cho người mà sự gây nên sự phạm tội đến bởi nó.” (Ma-thi-ơ 18:6-7).
Trường hợp thứ nhì là sau sự tranh cãi của các môn đồ về sự ai là người lớn nhất và sự có những người lạ nhân danh Đức Chúa Jesus đuổi quỷ. Lời phán ấy do Mác ghi chép:
“Nhưng bất cứ ai làm cho bị vấp phạm một trong những đứa trẻ đang tin nơi Ta, thì tốt hơn cho kẻ ấy nếu cối đá được buộc vào cổ của nó và nó bị ném xuống biển.” (Mác 9:42).
Chúng tôi xin trích đăng phần chú giải Ma-thi-ơ 18:6-7 dưới đây.
[Trích:]
Làm cho một đứa trẻ đang tin nơi Chúa bị vấp phạm có nghĩa là khiến cho nó phạm tội; hoặc khiến cho nó mất đức tin nơi Chúa; hoặc cư xử bất công đối với nó, khiến cho nó bị thương tổn, bị khốn khổ.
Các bậc ông bà, cha mẹ cần suy ngẫm nhiều về lời phán này của Đức Chúa Jesus. Vì ông bà, cha mẹ có trách nhiệm trước Chúa đối với linh hồn của con cháu, là cơ nghiệp Đức Chúa Trời giao vào trong tay chúng ta. Chúng ta có thể làm cho con cháu của mình bị vấp phạm bằng cách để mặc cho chúng nó bị lây nhiễm những điều hư xấu trong xã hội; bằng cách không nghiêm khắc kỷ luật chúng bằng roi đòn, theo mệnh lệnh của Chúa, để cho chúng trở nên hư hỏng.
Một trong những sự làm cho con cháu vấp phạm lớn nhất là sự bỏ qua sự không vâng phục và hỗn hào của chúng. Đó là tội đáng chết theo Lời Chúa. Sự không nghiêm khắc kiểm soát sự dùng điện thoại và máy vi tính của con cháu, để chúng tiếp cận các khu mạng tà dâm, bạo lực, mê tín dị đoan, băng đảng côn đồ cũng chính là làm cho chúng vấp phạm. Ngoài ra, có lẽ sự làm cho con cháu vấp phạm thường xuyên xảy ra chính là thói hư, tật xấu của bậc ông bà, cha mẹ.
Khi trẻ con phạm tội mà không sớm ăn năn, xưng tội với Chúa và từ bỏ, thì ma quỷ sẽ nhân cơ hội để cám dỗ và xúi giục chúng phạm tội càng hơn.
Ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã gần. Bậc ông bà, cha mẹ cần nghiêm khắc chăn dắt con cháu của mình đúng theo Lời Chúa để chúng không bị bỏ lại, chịu khốn khổ trong bảy năm đại nạn. Hãy yêu con cháu theo Lời Chúa, đừng yêu theo cảm xúc xác thịt mà chiều chuộng những sự sai trái của chúng, làm cho chúng bị khốn khổ, rồi bị hư mất. Hãy dạy cho con cháu của mình “đừng làm theo đời này” (Rô-ma 12:2). Chính bản thân mình cũng đừng làm theo đời này mà tạo gương xấu cho con cháu.
Là những người được Chúa giao cho thức canh về linh hồn của con cháu, quý ông bà, anh chị em sẽ phải trả lời trước Chúa về sự hư mất của con cháu mình.
“Khốn cho thế gian” là “khốn khổ, đau buồn cho thế gian”. Lý do là vì trong thế gian có những sự gây nên sự phạm tội. Đức Chúa Trời cho phép những sự gây nên sự phạm tội xảy ra để loài người thi hành sự tự do lựa chọn của mình. Chọn sống theo Lời Chúa để được hạnh phúc đời đời bên Chúa, hay chọn sống nghịch Lời Chúa để bị đau khổ đời đời trong sự xa cách Chúa.
Ngay trong buổi đầu sáng thế, tổ phụ và tổ mẫu của loài người là A-đam và Ê-va đã có sự tự do lựa chọn vâng theo Lời Chúa hay không vâng theo Lời Chúa. Sa-tan đã qua một con rắn, nói dối, cám dỗ họ không vâng theo Lời Chúa, và họ đã chọn không vâng theo Lời Chúa. Từ đó, tội lỗi vào trong thế gian. Mọi sự đau khổ và sự chết là hậu quả của sự phạm tội cũng vào trong thế gian. Từ đó, loài người bị quyền lực của tội lỗi trói buộc, khiến họ cứ phạm tội, gây ra những sự bất công và những sự đau khổ cho chính mình và người khác.
Sự gây nên sự phạm tội có thể đến bởi một lời nói dối của ai đó; bởi một hành động bất công của ai đó; bởi lòng tham hoặc lòng kiêu ngạo của ai đó; bởi sự giả hình của ai đó; bởi hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, v.v.. Nhưng có lẽ nhiều nhất là bởi sự vô trách nhiệm của bậc ông bà, cha mẹ, là những người có bổn phận canh giữ con cháu, như canh giữ con ngươi của mắt mình.
Người nào gây cho người khác phạm tội thì người ấy sẽ chịu hình phạt rất nặng từ Thiên Chúa. Chúng tôi hiểu rằng, người gây cho người khác phạm tội cũng sẽ chịu trách nhiệm về sự phạm tội của người phạm tội.
[Hết trích.]
Xét về sự con dân Chúa có thể trở thành “sự gây nên sự phạm tội” chúng ta cần hiểu thêm rằng, không nhất thiết đó chỉ là sự con dân Chúa cám dỗ người khác phạm tội hay cư xử bất công với người khác. Đó còn là lời nói, việc làm dường như chính đáng của con dân Chúa có thể khiến cho người khác phạm tội.
Gọi là lời nói, việc làm dường như chính đáng là vì chúng được dựa trên Lời Chúa nhưng lại hiểu sai và áp dụng sai Lời Chúa.
Một người có thể hiểu sai điều răn hãy hiếu kính cha mẹ mà hàng tuần đưa cha mẹ đi đến sòng bạc, cờ bạc để giải trí, theo yêu cầu của cha mẹ.
Một người có thể hiểu sai Lời Chúa trong II Cô-rinh-tô 6:14-18 về sự phân rẽ mà từ bỏ, không phụng dưỡng cha mẹ không tin Chúa vì họ thờ lạy tà thần.
Một người có thể hiểu sai về sự con dân Chúa phải vâng phục lẫn nhau mà cho rằng, người khác có tội khi người ấy không làm theo ý của mình. Sự vâng phục lẫn nhau là sự vâng phục những lời nói, quyết định đúng theo Lời Chúa. Trong trường hợp ý kiến khác nhau của hai người đều không sai Lời Chúa thì nên chọn vâng theo ý kiến nào có nhiều ích lợi hơn hoặc thuận tiện hơn.
Ngoài ra, một người có thể hiểu sai về sự con dân Chúa trong Hội Thánh phải vâng phục người chăn, trưởng lão mà vâng theo các quyết định hoặc bắt chước các việc làm không đúng Lời Chúa hoặc không hợp lý của người chăn hay trưởng lão. Câu chuyện Sứ Đồ Phi-e-rơ cư xử cách giả hình trong Hội Thánh tại An-ti-ốt, khiến cho Ba-na-ba bị vấp phạm, đã được ghi lại trong Ga-la-ti 2:11-14.
Thực tế, sự những người chăn và những trưởng lão có thể có lời nói hoặc việc làm không đúng vẫn có thể xảy ra. Con dân Chúa cần phải luôn đối chiếu mọi sự với Lời Chúa và tìm cầu ý Chúa. Khi có sự khó hiểu hay nghi ngờ thì con dân Chúa phải trực tiếp nêu thắc mắc với người trong cuộc, trong danh Chúa, với mục đích giữ gìn sự yêu thương, thánh khiết, công chính, và sự hiệp một trong Hội Thánh.
“Cối đá do lừa kéo” là loại cối đá rất lớn và nặng, được dùng trong công nghiệp xay xát vào thời đó. Nếu một người bị buộc cối đá lớn như vậy vào cổ và bị ném xuống biển thì đó là một cái chết khủng khiếp, đau đớn, và chắc chắn. Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus dạy rằng, cái chết tạm thời của thể xác ấy còn tốt hơn so với hậu quả của việc làm cho trẻ con hoặc người yếu đuối trong đức tin vấp phạm. Mặc dù lời phán của Chúa không nêu cụ thể, nhưng khi kết hợp với những lời dạy khác của Chúa về sự phán xét chung cuộc, chúng ta hiểu rằng, hậu quả của việc gây vấp phạm như vậy là vô cùng nghiêm trọng. Hình phạt của nó sẽ là sự chịu khổ đời đời trong hồ lửa.
Lu-ca 17:3-4
3 Các ngươi hãy giữ lấy mình! Nếu anh em cùng Cha của ngươi đã phạm tội nghịch lại ngươi, hãy quở trách người. Nếu người đã ăn năn thì hãy tha thứ.
4 Dù trong một ngày, người phạm tội nghịch lại ngươi bảy lần và bảy lần trong một ngày người trở lại cùng ngươi, nói: “Tôi ăn năn.” Ngươi hãy tha thứ cho người.”
“Các ngươi hãy giữ lấy mình” là một mệnh lệnh ngắn gọn mà trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh chỉ là một từ ngữ “προσέχω” (prosechō – G4337) /pro-xé-khô/. Từ ngữ này, tùy theo văn mạch, bao gồm các nghĩa:
-
Giữ lấy chính mình và người mình chịu trách nhiệm. Canh giữ tình trạng thuộc linh của bản thân và của những người được Chúa giao cho mình chăm sóc.
-
Chú ý, lưu tâm, cẩn thận suy ngẫm Lời Chúa và các lẽ thật thuộc linh được rao giảng.
-
Giữ lấy những điều quan trọng đã học được trong đời sống đức tin.
-
Cẩn thận, coi chừng, tỉnh táo và cảnh giác trước những ảnh hưởng tiêu cực hoặc những tà giáo.
Mệnh lệnh “Các ngươi hãy giữ lấy mình” là câu liên kết hai lời dạy của Đức Chúa Jesus. Thứ nhất, Đức Chúa Jesus truyền cho các môn đồ giữ mình sao cho không là người gây cớ vấp phạm cho người khác. Thứ nhì, Ngài truyền cho họ cũng giữ mình sao cho không trở nên không có lòng thương xót, không có lòng tha thứ cho những người phạm tội nghịch lại mình mà đã ăn năn.
Sự phạm tội bảy lần trong một ngày và cũng trong một ngày bảy lần nói lời ăn năn không nên hiểu theo nghĩa đen là bảy lần. Mà nên hiểu theo nghĩa bóng của con số bảy, là sự trọn vẹn trên phương diện thuộc linh. Sự trọn vẹn trên phương diện thuộc linh là sự không có giới hạn. Điều đó có nghĩa là nếu trong một ngày, người khác phạm tội nghịch lại chúng ta bao nhiêu lần đi nữa mà mỗi lần phạm tội đều ăn năn thì chúng ta phải tha thứ. Dĩ nhiên, sự ăn năn cần phải thật lòng, tức là nhận biết đã làm ra điều sai trái, đau buồn về hành động sai trái đã làm, và không muốn tái phạm.
Ma-thi-ơ có ghi lại sự đối đáp giữa Phi-e-rơ và Đức Chúa Jesus về sự tha thứ mà chúng ta đã học, như sau:
“Phi-e-rơ đã đến gần Ngài, nói: “Thưa Chúa, nếu anh chị em cùng Cha của tôi phạm tội nghịch lại tôi, thì tôi sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần?” Đức Chúa Jesus phán với người: “Ta không bảo ngươi đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.” (Ma-thi-ơ 18:21-22).
Chúng tôi xin trích đăng phần chú giải Ma-thi-ơ 18:21-22 dưới đây.
[Trích:]
Vì Đức Chúa Jesus đang dạy các môn đồ cách giải quyết sự phạm tội trong Hội Thánh nên Sứ Đồ Phi-e-rơ đã hỏi Ngài một điều rất thực tế. Đó là ông sẽ tha cho người anh chị em phạm tội nghịch lại ông bao nhiêu lần, có phải là đến bảy lần chăng? Phi-e-rơ hiểu con số bảy theo nghĩa đen. Nếu con số bảy được hiểu theo nghĩa bóng, có nghĩa là sự trọn vẹn trong thuộc linh, thì tha thứ cho người khác đến bảy lần có nghĩa là hoàn toàn tha thứ một cách không giới hạn số lần.
Câu trả lời của Đức Chúa Jesus cũng không nên hiểu theo nghĩa đen là 490 lần. Nhưng nên hiểu theo nghĩa bóng, có nghĩa là tha thứ tuyệt đối, không giới hạn số lần. Bảy mươi là mười lần của bảy. Nghĩa bóng của số mười là sự trọn vẹn về số lượng. “Bảy mươi lần bảy” là một thành ngữ có từ xa xưa, hàm ý, tuyệt đối không giới hạn số lần. Trong Sáng Thế Ký 4:24 ghi lại lời của Lê-méc, con cháu đời thứ năm của Ca-in, về sự nếu Ca-in được báo thù bảy lần thì Lê-méc sẽ được báo thù bảy mươi lần bảy.
Sự con dân Chúa tha thứ một người đến “bảy mươi lần bảy” có nghĩa là lúc nào họ cũng sẵn lòng tha thứ. Sẵn lòng tha thứ có nghĩa là đã có ý tha thứ từ trước khi sự phạm tội xảy ra. Đó là điều Đức Chúa Trời đối với loài người, và những ai đã được tái sinh thì giống như Đức Chúa Trời về phương diện sẵn lòng tha thứ. Thực tế, khi chúng ta thật sự yêu anh chị em cùng đức tin hơn chính mình thì chúng ta luôn sẵn lòng tha thứ cho họ. Tuy nhiên, sự tha thứ chỉ được ban cho khi người phạm tội biết ăn năn.
Khi xét về sự Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta về sự phạm tội của chúng ta thì rõ ràng là Ngài đã và vẫn tha thứ cho chúng ta hơn 490 lần. Sự tha thứ của Đức Chúa Trời là vô giới hạn, nếu chúng ta thật lòng ăn năn và xưng tội với Ngài. Ê-sai 1:16-18 nói về sự từ ái và thương xót vô giới hạn của Đức Chúa Trời đối với những ai thật lòng ăn năn tội.
[Hết trích.]
Danh từ “anh em cùng Cha” nên được hiểu là anh chị em cùng đức tin nơi Đấng Christ.
Về sau, Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, đã dạy Hội Thánh:
“Hãy ở với nhau cách nhân từ, dịu dàng, thương xót. Hãy tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho các anh chị em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4:32).
“Nếu một người nào có sự gì phàn nàn với người khác thì hãy chịu đựng nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ các anh chị em thì các anh chị em cũng phải làm như vậy.” (Cô-lô-se 3:13).
Qua lời dạy của Đức Chúa Jesus, chúng ta cũng được an ủi rằng, trên bước đường theo Chúa, dù cho trong một ngày chúng ta có vấp ngã bao nhiêu lần, phạm các điều răn của Thiên Chúa, mà chúng ta biết thật lòng ăn năn thì Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho chúng ta. Lời hứa sau đây của Đức Thánh Linh cần được chúng ta học thuộc lòng:
“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là con dân Chúa có thể lạm dụng sự thương xót của Chúa mà nhởn nhơ phạm tội. Vì chính Đức Chúa Jesus đã phán:
“Ta là gốc nho thật. Cha của Ta là người trồng nho. Bất cứ nhánh nào trong Ta mà không mang trái, thì Ngài chặt bỏ nó; và bất cứ nhánh nào mang trái, thì Ngài tỉa nó, để nó mang trái nhiều hơn {Ê-sai 18:5}.” (Giăng 15:1-2).
“Vì ngươi là hâm hẩm như vậy, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta.” (Khải Huyền 3:16).
Đức Chúa Trời là Đấng biết tấm lòng của mỗi người nên ai thật lòng ăn năn tội hay ai không thật lòng ăn năn tội thì Ngài đều biết rõ. Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời biết rõ ai thật lòng tin Chúa và ai không thật lòng tin Chúa. Ngài sẽ đối xử với mỗi người tùy theo tấm lòng của họ đối với Ngài.
Khi nói đến sự ăn năn và sự tha thứ, chúng ta phải hiểu rằng:
-
Chúng ta cần nói rõ cho những người phạm tội biết, họ đã sai phạm Lời Chúa như thế nào, và kêu gọi họ ăn năn.
-
Chúng ta cần cầu thay cho những người phạm tội.
-
Chúng ta cần có lòng sẵn sàng tha thứ cho những người có tội, trước khi họ ăn năn.
-
Chúng ta phải chấp nhận lời ăn năn của những người có tội, nếu họ nhận biết sự phạm tội của họ, và không có lời nói hay hành động chứng tỏ họ không ăn năn.
-
Sự tha thứ phải được công bố ngay khi lời ăn năn được tiếp nhận.
-
Không được nhắc đến quá khứ phạm tội của người đã nói lời ăn năn.
-
Không được có thành kiến, cho rằng, người ăn năn đã không thật lòng, vì đã nhiều lần tái phạm. Hãy nhớ đến hai mệnh đề “bảy lần trong một ngày” và “bảy mươi lần bảy”.
-
Người đã ăn năn và được tha thứ thì phải được tức thời phục hồi địa vị của họ trong Hội Thánh.
-
Nếu người đã ăn năn, lại tái phạm hay phạm một tội khác thì Hội Thánh có bổn phận chỉ ra sự phạm tội đó để người ấy ăn năn.
-
Hội Thánh không được có thái độ kỳ thị hay xem thường đối với người có tội mà đã ăn năn. Vì như vậy là không thật sự tha thứ. Hãy nhớ, chúng ta phải tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta trong Đấng Christ.
Chúng tôi xin trích dẫn phần chú giải Ê-phê-sô 4:32 dưới đây.
[Trích:]
Là con dân Chúa chúng ta chiếu ra vinh quang của Thiên Chúa, tức là chiếu ra tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa qua nếp sống của chúng ta. Chúng ta cư xử cách nhân từ, dịu dàng thương xót với tất cả mọi người, kể cả kẻ thù của chúng ta.
Nhân từ là sự tốt lành đem lại ích lợi cho người khác. Dịu dàng, thương xót là thể hiện sự đồng cảm nỗi đau khổ, thiếu thốn, bất hạnh, và sự lầm lỗi của người khác một cách mềm mại, nhẹ nhàng.
Tha thứ người khác như Đức Chúa Trời đã tha thứ chúng ta trong Đấng Christ có nghĩa là sẵn sàng trả giá, để giúp cho người xúc phạm chúng ta, làm thiệt hại chúng ta có cơ hội ăn năn. Sự tha thứ ấy được làm ra trước khi người có lỗi ăn năn. Những gì cần làm để giúp cho người có lỗi ăn năn đều do chính chúng ta chủ động làm ra. Người có lỗi chỉ cần thật lòng tiếp nhận sự tha thứ của chúng ta và ăn năn. Nếu người có lỗi vẫn không ăn năn thì chúng ta cắt đứt quan hệ với người ấy và phó người ấy cho sự phán xét của Chúa.
Nếu người có lỗi làm thiệt hại chúng ta về vật chất và người ấy có khả năng bồi thường thì chúng ta có thể tiếp nhận sự bồi thường. Nhưng chúng ta không đòi hỏi phải được bồi thường thì mới tha thứ. Bổn phận của chúng ta là tha thứ để người có lỗi có cơ hội ăn năn. Sự tha thứ đi trước sự ăn năn.
[Hết trích.]
Chúng ta hãy nhớ đến ngụ ngôn về đứa con hoang đàng. Hãy học theo người Cha và tránh bắt chước người anh.
Lu-ca 17:5
5 Các sứ đồ đã thưa với Chúa: “Xin thêm lên đức tin của chúng tôi!”
Trước lời phán dạy của Đức Chúa Jesus về sự giữ mình, không khiến mình trở thành người gây ra sự vấp phạm cho người khác và sự phải tha thứ trọn vẹn cho người khác, các sứ đồ đã xin Chúa thêm lên đức tin của họ. Lu-ca không ghi là các môn đồ, nhưng ghi là “các sứ đồ” có lẽ là vì khi ấy, các sứ đồ ở gần bên Chúa nhất và là những người đã thưa với Chúa.
Lời cầu xin của các sứ đồ cho thấy lòng khiêm nhường, không cậy vào sức riêng của họ. Họ tự nhận thức rằng, họ chưa có đủ đức tin để giữ mình, không khiến mình trở thành kẻ gây ra sự vấp phạm cho người khác. Họ cũng nhận thấy thật khó mà hoàn toàn tha thứ cho người khác không giới hạn số lần. Chỉ có sự khôn sáng, tình yêu, và sức mạnh từ Thiên Chúa mới có thể khiến cho một người sống đúng theo những sự giảng dạy của Đức Chúa Jesus. Mà muốn có dư dật các sự ấy thì cần phải có đức tin nơi Thiên Chúa. Đó là đức tin vào sự thực hữu của Thiên Chúa; đức tin vào Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa; đức tin vào Đức Chúa Jesus Christ, vào mỗi lời phán dạy của Ngài và sự chết chuộc tội của Ngài.
Đức Chúa Trời ban cho mỗi người lượng đức tin khác nhau:
“Vậy, nhờ ân điển đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong các anh chị em, chớ có ai suy nghĩ về mình cao hơn như đáng phải nghĩ, nhưng phải suy nghĩ cách sáng suốt, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phân chia cho từng người.” (Rô-ma 12:3).
Chúng tôi xin trích đăng phần chú giải Rô-ma 12:3 dưới đây.
[Trích:]
Ngoài đức tin để được cứu rỗi là sự ban cho chung của Đức Chúa Trời cho mỗi người (Ê-phê-sô 2:8, II Phi-e-rơ 1:1), thì Đức Chúa Trời còn ban cho mỗi người trong Hội Thánh các lượng đức tin khác nhau, kèm theo các ân tứ, để ai nấy dự phần trong việc gây dựng Hội Thánh. Thí dụ: Người được Chúa giao cho chức vụ chăn bầy thì cũng được ban cho đức tin để nhận biết Chúa muốn mình làm công việc chăn bầy, kèm theo là sự ban cho các ân tứ cần thiết để người ấy thi hành chức vụ. Người ấy phải thi hành chức vụ chăn bầy trong đức tin. Nếu một người không được Chúa giao cho chức vụ chăn bầy mà lại suy nghĩ rằng, mình xứng đáng làm một người chăn bầy, thì người ấy đã suy nghĩ về mình cao hơn như đáng phải suy nghĩ.
Mỗi người trong Hội Thánh đều được Chúa ban cho các ân tứ để dự phần trong công việc gây dựng Hội Thánh và hầu việc Chúa. Chúa cũng ban cho mỗi người lượng đức tin đủ để cho mỗi người nhận biết sự ban cho của Chúa, mà mạnh dạn, nhận lãnh công việc Chúa giao, và làm việc trong đức tin.
[Hết trích.]
I Cô-rinh-tô 12:9 cho biết, đức tin là sự ban cho bởi Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh.
Đời sống của con dân Chúa phải được thăng tiến trong đức tin từ lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã qua Đấng Thần Linh ban cho mỗi người. Sự thăng tiến trong đức tin là cần thiết để con dân Chúa ngày càng hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa càng hơn, để có thể đảm nhận các mục vụ và linh vụ được Đấng Christ ban thêm cho họ. Vì thế, việc các sứ đồ xin Đức Chúa Jesus thêm lên đức tin của họ là lời cầu xin phải lẽ.
Ngày nay, mỗi con dân Chúa vẫn cần cầu xin Đức Chúa Jesus thêm lên đức tin của mình, để có thể sống đúng theo mỗi sự giảng dạy của Ngài và làm tròn những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mình.
Lu-ca 17:6
6 Chúa đã phán: “Nếu các ngươi có đức tin như hạt mù-tạt, các ngươi có thể bảo cây dâu này: “Hãy bị bứng rể và bị trồng dưới biển!” Nó sẽ vâng lời các ngươi.
Việc so sánh đức tin với hạt mù tạt đã được Chúa nói đến trước đó, nhưng Ngài đã dùng hình ảnh đức tin có thể dời được núi. Lần ấy do Ma-thi-ơ ghi chép lại.
“Đức Chúa Jesus đã phán với họ: “Bởi sự không tin của các ngươi. Vì Ta nói thật với các ngươi, nếu các ngươi có đức tin như một hạt mù-tạt, các ngươi sẽ nói với núi này: “Hãy dời đây qua đó!” Thì nó sẽ dời. Chẳng có sự gì sẽ là không thể cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 17:20).
Chúng tôi xin trích đăng lời chú giải Ma-thi-ơ 17:20 dưới đây.
[Trích:]
Đức Chúa Jesus cũng đã khẳng định rằng, nếu họ có đức tin, dù là rất ít, rất nhỏ như một hạt mù-tạt, là hạt giống hầu như nhỏ nhất trong các loại hạt giống của rau cải, thì họ vẫn có thể thực hiện được nhiều việc lớn. Chúng tôi nghĩ rằng, Đức Chúa Jesus phán dạy theo nghĩa đen về sự dời núi, mặc dù chúng ta cũng có thể hiểu theo nghĩa bóng là những nan đề rất lớn trong đời sống của chúng ta. Có nghĩa là nếu trong trường hợp một hòn núi cần phải được dời đi thì các môn đồ của Chúa có đức tin sẽ khiến cho nó bị dời đi. Câu hỏi đặt ra là, nếu chúng ta đối diện với một nan đề thuộc thể thì chúng ta có đủ đức tin để trong danh của Chúa, truyền cho núi phải dời đi hay không? Sự không tin có thể có trong chúng ta là chúng ta không tin rằng, Chúa có thể cho phép mình làm điều đó. Khó mà hiểu và tin được rằng, chúng ta có thể nhân danh Chúa để khiến cho một hòn núi dời đi. Chính sự khó hiểu và khó tin đó bị Chúa gọi là “bởi sự không tin của các ngươi”.
Qua bài học này, chúng ta nên rút ra một bài học về đức tin. Đó là, chỉ cần chúng ta tin rằng, lời cầu xin của chúng ta đẹp ý Chúa và trong danh của Chúa, chúng ta có thể được Ngài ban cho thẩm quyền để tuyên phán những điều vượt ngoài các định luật vật lý, thì Ngài sẽ làm thành cho chúng ta.
[Hết trích.]
Nhiều nhà giải kinh cho rằng, sự Đức Chúa Jesus dùng hình ảnh đức tin nhỏ như hạt mù-tạt có thể khiến cho một “cây dâu bị bứng và bị trồng dưới biển” hoặc một ngọn núi “dời đây qua đó” chỉ là một cách nói cường điệu, chứ Chúa không hàm ý là điều đó có thể thật sự xảy ra trong thế giới vật chất. Vì thế, theo họ, không thể hiểu hai lời phán dạy đó của Chúa theo nghĩa đen. Nhưng dựa vào Ma-thi-ơ 21:21 thì chúng tôi tin rằng, lời phán của Chúa bao gồm sự đức tin có thể dời cây, chuyển núi trong thế giới vật chất. Vì Đức Chúa Jesus đã so sánh việc đức tin có thể dời núi với việc đức tin có thể làm cho cây vả bị chết khô.
“Đức Chúa Jesus đã đáp lời họ: “Thật sự, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi có đức tin và không nghi ngờ, các ngươi sẽ chẳng chỉ làm điều này cho cây vả nhưng ngay cả các ngươi bảo hòn núi: “Ngươi hãy cất mình lên và ngươi hãy bị quăng xuống biển!” Nó sẽ xảy ra.” (Ma-thi-ơ 21:21).
Vấn đề là loài người có đức tin hay không.
Qua lời phán dạy của Đức Chúa Jesus, chúng ta cũng có thể hiểu rằng, thực tế đức tin của loài người, ngay cả của những người vâng phục Chúa, thường khi không lớn bằng hạt mù-tạt. Kích thước của hạt mù-tạt chỉ vào khoảng 1-2 mm như hạt chia hoặc hạt é. Chúng ta thật sự cần xin Chúa thêm lên đức tin của chúng ta.
Lu-ca 17:7-8
7 Ai trong các ngươi có đầy tớ cày ruộng hoặc chăn gia súc, khi nó từ đồng ruộng về, bảo ngay nó: “Hãy đến, ngồi ăn!”
8 Mà sẽ không bảo nó: “Hãy dọn cho ta ăn! Hãy thắt lưng ngươi, phục vụ ta, cho tới khi ta đã ăn và uống thì sau đó, ngươi sẽ ăn và uống”?
Đức Chúa Jesus đã kết thúc sự giảng dạy của Ngài cho các môn đồ bằng một ngụ ngôn về bổn phận của đầy tớ và hàm ý, các môn đồ của Ngài là đầy tớ của Thiên Chúa.
Đầy tớ là người phục vụ chủ, không phải là bạn hoặc khách của chủ. Theo lẽ thường, đầy tớ phục vụ chủ trong việc ăn uống của chủ, rồi sau đó mới tự mình ăn uống. Thức ăn của đầy tớ là thức ăn rẽ tiền hoặc thức ăn thừa của chủ.
Ngoài sự phục vụ chủ trong sự ăn uống, đầy tớ còn phải phục vụ chủ trong các việc khác. Cũng không hiếm khi, người đầy tớ tận tụy phục vụ chủ, bỏ qua giờ giấc ăn uống và nghỉ ngơi của chính mình.
Lu-ca 17:9-10
9 Người ấy có biết ơn đầy tớ ấy vì nó đã làm những việc đã được sai bảo nó? Ta nghĩ là không.
10 Các ngươi cũng vậy, khi làm xong mọi việc đã truyền cho các ngươi thì hãy nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô ích mà đã làm xong bổn phận chúng tôi phải làm.”
Đầy tớ, nhất là đầy tớ vào thời xưa thường là nô lệ, có bổn phận hết lòng phục vụ chủ. Sự phục vụ đó được trả giá bằng số tiền chủ mua nô lệ hoặc tiền công. Vì thế, không có sự chủ biết ơn đầy tớ. Sự biết ơn của chủ đối với đầy tớ nếu có thì là sự biết ơn về lòng trung thành của đầy tớ, không phải vì sự phục vụ.
Lời phán của Đức Chúa Jesus hàm ý, các môn đồ của Ngài chính là đầy tớ phục vụ Đức Chúa Trời và Ngài. Sự trung tín phục vụ của họ sẽ được Đức Chúa Trời và Ngài trả công cách xứng đáng. Chính Ngài đã phán:
“Vì Con Người sẽ đến với các thiên sứ của Ngài trong sự vinh quang của Cha Ngài. Khi đó, Ngài sẽ thưởng cho mỗi người, tùy theo những việc làm của người ấy.” (Ma-thi-ơ 16:27).
“Này, Ta đến cách mau chóng và đem theo tiền trả công của Ta với Ta, để trao cho mỗi người tùy theo kết quả việc làm của người ấy sẽ là.” (Khải Huyền 22:12).
Phần thưởng và “tiền trả công” mà Đức Chúa Jesus sẽ mang theo Ngài trong ngày Ngài đến, đón Hội Thánh ra khỏi thế gian, chính là những sự ban cho của Đức Chúa Trời và quyền cai trị trong Vương Quốc Trời. Mỗi người sẽ có sự ban thưởng và sự trả công tùy theo sự trung tín phụng sự Chúa trong đời này của họ.
Lời dạy của Đức Chúa Jesus trong câu 10 cũng hàm ý, con dân Chúa không nên khoe khoang về sự hầu việc Chúa của mình với mục đích tìm kiếm sự khen ngợi của loài người. Tất cả những sự khoe mình phải là sự khoe mình trong Chúa (I Cô-rinh-tô 1:31; II Cô-rinh-tô 10:17), nghĩa là khoe ra việc mình làm cho Chúa, việc mình làm theo Lời Chúa, hay khoe ra những ơn phước mình nhận được từ Chúa đều phải là vì mục đích tôn vinh Chúa. Ngay cả việc ca hát, tôn vinh Chúa cũng chỉ nhằm mục đích tôn vinh Chúa, tỏ lòng biết ơn Chúa, tin cậy Chúa, và yêu Chúa, chứ không phải để được sự khen ngợi của loài người.
Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/05/2025
Ghi Chú
Kính mời quý ông bà, anh chị em tham dự buổi nhóm hiệp trên mạng với chúng tôi vào mỗi Thứ Bảy, lúc 8:00 giờ sáng, ngày và giờ theo Việt Nam, qua Phòng Nhóm “Giang Thanh Kinh” của PalTalk. Khoảng mười phút trước giờ nhóm, quý ông bà, anh chị em có thể bấm vào: https://invite.paltalk.net/20T9JFY9eTb để vào phòng.
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
Karaoke Thánh Ca: “Tâm Nguyện”:
https://karaokethanhca.net/tam-nguyen/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt. Các chữ nằm trong hai dấu { và } là chú thích của người dịch, không có trong nguyên văn của Thánh Kinh. Các chữ nằm trong hai dấu ( và ) là chú thích của người viết Thánh Kinh.
Lời Giới Thiệu về Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Bản Dịch Ngôi Lời:
https://thanhkinhvietngu.net/loi-gioi-thieu-ve-thanh-kinh-viet-ngu-ban-dich-ngoi-loi/