Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL040 Bài Giảng Trên Núi: Sự Định Tội và Các Lời Khuyên Khác

540 views

YouTube: https://youtu.be/wnouIfIgoaE

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL040 Bài Giảng Trên Núi:
Sự Định Tội và Các Lời Khuyên Khác
Ma-thi-ơ 7:1-14

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 7:1-14

1 Các ngươi đừng định tội ai, để các ngươi không bị định tội.

2 Vì trong sự định tội mà các ngươi định tội, các ngươi sẽ bị định tội. Trong sự đo lường mà các ngươi đo lường, sẽ đo lường lại cho các ngươi.

3 Sao ngươi thấy cọng rơm trong mắt anh chị em của ngươi, mà không nhận ra cây đà trong mắt ngươi?

4 Hay là, sao ngươi nói với anh chị em của ngươi: Để tôi lấy cọng rơm ra khỏi mắt anh chị em, mà kìa, cây đà ở trong mắt ngươi?

5 Hỡi kẻ giả hình! Trước hết, hãy lấy cây đà ra khỏi mắt ngươi, rồi ngươi mới thấy rõ mà lấy cọng rơm ra khỏi mắt anh chị em của ngươi.

6 Đừng cho những con chó đồ thánh, cũng đừng quăng những hạt trai của các ngươi trước những con heo. Kẻo chúng đạp các vật ấy dưới chân của chúng, và quay lại, cắn xé các ngươi.

7 Hãy xin! Điều ấy sẽ được ban cho các ngươi. Hãy tìm! Các ngươi sẽ gặp. Hãy gõ cửa! Nó sẽ được mở ra cho các ngươi.

8 Vì, bất cứ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ cửa thì nó sẽ được mở.

9 Hay là, có người nào trong các ngươi, là người khi con trai mình xin bánh thì sẽ cho nó đá chăng?

10 Hay là, khi nó xin cá thì sẽ cho nó rắn chăng?

11 Vậy, nếu các ngươi vốn là xấu, biết cho những quà tốt cho con cái của các ngươi, thì Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, sẽ ban những sự tốt cho những ai xin Ngài càng hơn biết bao?

12 Vậy, bất cứ điều gì mà các ngươi muốn người ta làm cho các ngươi thì các ngươi cũng hãy làm như vậy cho họ. Vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.

13 Các ngươi hãy vào bởi cổng hẹp, vì cổng rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, và có nhiều kẻ vào bởi đó.

14 Bởi vì cổng hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp nó.

Trong bài này, chúng ta học về đề tài thứ mười ba và mười bốn của Bài Giảng Trên Núi: Sự Định Tội và Các Lời Khuyên Khác.

1 Các ngươi đừng định tội ai, để các ngươi không bị định tội.

2 Vì trong sự định tội mà các ngươi định tội, các ngươi sẽ bị định tội. Trong sự đo lường mà các ngươi đo lường, sẽ đo lường lại cho các ngươi.

Từ ngữ “định tội” (G2919) được dùng trong phân đoạn này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nhiều nghĩa khác nhau. Trong đó có nghĩa phán xét và định tội. Chúng tôi chọn dịch là “phán xét” khi văn mạch hàm ý hành động xét xử một sự việc. Và dịch là “định tội” khi văn mạch hàm ý hành động lên án. Nghĩa được dùng ở đây, trong hai câu này, hàm ý hành động lên án như thi hành chức năng của một quan án. Tức là công bố sự phạm tội của người nào đó và đòi hỏi hình phạt phải được thi hành.

Điển hình cho sự định tội là câu chuyện một người đàn bà phạm tội ngoại tình bị những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si bắt, giải đến trước Đức Chúa Jesus, trong khuôn viên của Đền Thờ. Tại đó, trước Đức Chúa Jesus và một đám dân đông, họ đã định tội bà và đưa ra hình phạt ném đá. Nhưng khi Đức Chúa Jesus bảo họ: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy là người trước nhất ném đá vào người” thì họ lần lượt rút lui, bắt đầu từ những người lớn tuổi cho đến người cuối cùng. Bởi vì trong tâm thức của họ, họ nhận biết, họ cũng là người phạm tội ngoại tình. Câu chuyện được chép lại trong Giăng 8:1-11.

Câu 2 là lời trích dẫn hai câu tục ngữ của dân I-sơ-ra-ên. Cả hai đều hàm ý, một người đối xử với người khác như thế nào thì sẽ nhận lại sự đối xử như thế ấy.

Lý do một người không nên định tội người khác là vì người ấy cũng phạm cùng một tội. Nếu người ấy vẫn cố ý định tội người phạm cùng một tội như mình thì chính người ấy sẽ bị định tội y như vậy.

Sự đo lường tiêu biểu cho cách thức một người cư xử với người khác. Cư xử với người khác như thế nào thì sẽ nhận lại sự cư xử như thế ấy:

Ngài đã phán với họ: Hãy xem xét điều các ngươi nghe. Trong sự đo lường mà các ngươi đo lường, sẽ đo lường lại cho các ngươi. Các ngươi, những người nghe lời này, sẽ được cho thêm.” (Mác 4:24).

Các ngươi hãy cho! Thì sẽ được ban cho các ngươi. Với đấu chân thật, được đè xuống, được lắc cho đầy tràn, họ sẽ nộp vào trong lòng các ngươi. Vì các ngươi đo lường thế nào, nó sẽ được đo lường lại cho các ngươi.” (Lu-ca 6:38).

Hai câu Thánh Kinh sau đây giúp giải thích ý nghĩa của Ma-thi-ơ 7:1-2.

Đừng định tội thì các ngươi sẽ không bị định tội. Đừng lên án thì các ngươi sẽ không bị lên án. Hãy tha thứ thì các ngươi sẽ được tha thứ.” (Lu-ca 6:37).

Vậy, hỡi người kia! Ngươi là ai mặc lòng, nếu phán xét kẻ khác thì không thể chữa mình được; vì trong khi phán xét họ, ngươi cũng định tội cho chính mình ngươi nữa, bởi ngươi phán xét họ, mà cũng làm các việc như họ.” (Rô-ma 2:1).

Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus không hề có ý dạy rằng, con dân Chúa không được phán xét hoặc không được định tội lẫn nhau. Chính Ngài dạy dân I-sơ-ra-ên phải phán xét cách công chính:

Đừng phán xét theo bề ngoài nhưng hãy phán xét theo sự phán xét công chính.” (Giăng 7:24).

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô đã truyền cho con dân Chúa phải định tội những kẻ có tội trong Hội Thánh và trừ bỏ họ ra khỏi Hội Thánh:

Vì có phải tôi cũng định tội những kẻ ở ngoài sao? Chẳng phải các anh chị em định tội những người ở trong sao? Nhưng những kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ định tội họ. Vậy, hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi các anh chị em.” (I Cô-rinh-tô 5:12-13).

Động từ “định tội” được dùng trong I Cô-rinh-tô 5:12-13 cũng chính là động từ “định tội” được dùng trong Ma-thi-ơ 7:1-2. Trong I Cô-rinh-tô 11:13, Phao-lô cũng dạy con dân Chúa phán xét trong nhau trong Hội Thánh.

Như vậy, khi trong Hội Thánh có người phạm tội thì con dân Chúa có bổn phận phán xét, tức là nói cho người có tội biết, người ấy đã phạm tội; và kêu gọi người ấy ăn năn. Nếu người phạm tội không chịu ăn năn thì Hội Thánh phải định tội người ấy và dứt thông công người ấy.

Các câu Thánh Kinh tiếp theo giúp cho chúng ta hiểu rằng, Ma-thi-ơ 7:1-5 là lời phán dạy những kẻ giả hình. Họ là những kẻ phạm cùng một tội như người khác hoặc phạm tội nghiêm trọng hơn, mà lại lớn tiếng phán xét hay định tội người khác.

3 Sao ngươi thấy cọng rơm trong mắt anh chị em của ngươi, mà không nhận ra cây đà trong mắt ngươi?

4 Hay là, sao ngươi nói với anh chị em của ngươi: Để tôi lấy cọng rơm ra khỏi mắt anh chị em, mà kìa, cây đà ở trong mắt ngươi?

5 Hỡi kẻ giả hình! Trước hết, hãy lấy cây đà ra khỏi mắt ngươi, rồi ngươi mới thấy rõ mà lấy cọng rơm ra khỏi mắt anh chị em của ngươi.

Dĩ nhiên không thể nào một cọng rơm hay một cây đà có thể nằm trong mắt của một người. Đây chỉ là cách nói ngoa dụ, cường điệu để nhấn mạnh một lẽ thật. Về sự dùng ngoa dụ trong Thánh Kinh, xin đọc bài “Phép Ngoa Dụ Trong Thánh Kinh” đã được đăng trên khu mạng thanhkinhvietngu.net [1].

Cọng rơm là nhỏ, cây đà là lớn, thậm chí lớn hơn cọng rơm hàng chục ngàn lần. Cọng rơm tiêu biểu cho tội lỗi nhỏ, tội không đến nỗi chết, hoặc ít tội. Cây đà tiêu biểu cho tội lỗi lớn, tội đáng xử chết, hoặc rất nhiều tội. Người phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm rất nhiều tội, gấp hàng chục ngàn lần sự phạm tội của người khác mà lại lên tiếng định tội người khác là điều vô cùng lố bịch.

Dù vậy, trong thế gian và trong Hội Thánh vẫn có rất nhiều kẻ giả hình. Từ buổi ban đầu của Hội Thánh, Sứ Đồ Phao-lô đã nhiều lần nói đến những giáo sư giả, những tiên tri giả, và ngay cả những con chiên giả trong Hội Thánh mà ông gọi là anh chị em giả dối (II Cô-rinh-tô 11:26). Ngày nay, trong Hội Thánh vẫn có những người đang sống trong tội cách kín giấu nhưng rất sốt sắng trong sự định tội người khác. Theo thống kê, trong năm 2022, tại Hoa Kỳ có hơn 50% người chăn (pastor) thường xuyên xem phim tà dâm [2]. Hãy tưởng tượng khi những người ấy rao giảng sự nên thánh và lên án sự tà dâm.

Những người đang sống trong tội cần phải thật lòng ăn năn, trước khi có thể giúp người khác ăn năn. Nếu hơn 50% người chăn ở Mỹ thường xuyên sống trong tội tà dâm thì tình trạng thuộc linh của Hội Thánh tại Mỹ như thế nào?

6 Đừng cho những con chó đồ thánh, cũng đừng quăng những hạt trai của các ngươi trước những con heo. Kẻo chúng đạp các vật ấy dưới chân của chúng, và quay lại, cắn xé các ngươi.

Trong lời phán này của Đức Chúa Jesus, đồ thánh, hạt trai, chó, và heo vừa được dùng theo nghĩa đen vừa được dùng theo nghĩa bóng.

Thời Cựu Ước, chó và heo bị xếp vào loại thú vật không tinh sạch, có lẽ vì tính ăn tạp của chúng.

Chó tiêu biểu cho những người theo các tôn giáo bách hại con dân Chúa, như những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo, hoặc các giáo sư giả, các tiên tri giả. Chó cũng tiêu biểu cho những người chăn dắt Hội Thánh của Chúa nhưng không làm tròn bổn phận:

Hãy coi chừng những con chó! Hãy coi chừng những kẻ làm công gian ác! Hãy coi chừng sự cắt bì giả!” (Phi-líp 3:2).

Những kẻ canh giữ của Ngài là đui mù. Hết thảy đều không biết gì hết! Hết thảy là những con chó câm, chẳng biết sủa, chiêm bao, nằm xuống, và ham ngủ; những con chó tham lam không biết đủ. Chúng là những kẻ chăn chiên chẳng hiểu biết. Hết thảy theo đường riêng của mình. Mỗi người vì tư lợi, người nào cũng vậy.” (Ê-sai 56:10-11).

Đồ thánh là các của lễ được dâng lên Thiên Chúa và được chia cho các thầy tế lễ làm thức ăn. Nếu các thức ăn ấy không được ăn hết thì phải thiêu bằng lửa. Đồ thánh tiêu biểu cho những lẽ thật của Lời Chúa. Đối với những kẻ bách hại Hội Thánh và những kẻ không làm tròn bổn phận canh giữ bầy chiên của Chúa thì không cần phải đem lẽ thật của Lời Chúa ra giãi bày với họ. Vì họ sẽ không tiếp nhận mà còn bẻ cong Lời Chúa, để bào chữa cho tội lỗi của họ và tấn công người giãi bày lẽ thật cho họ.

Heo tiêu biểu cho những người vui sống trong tội, kể cả những người mang danh là môn đồ của Đấng Christ.

Hạt trai là loại trang sức quý giá tiêu biểu cho thời gian, công sức là các sự quý giá của một người. Đối với những kẻ ưa thích sống trong tội thì con dân Chúa không cần phải tốn thời gian, công sức tiếp tục rao giảng Tin Lành cho họ, mà chỉ cần một lần công bố. Nếu họ không tin thì bỏ đi.

Sự chó và heo đạp đồ thánh và những hạt trai dưới chân tiêu biểu cho sự những người sống trong tội xem thường lẽ thật của Lời Chúa, xem thường công sức, thời gian của những người giãi bày lẽ thật cho họ. Sự cắn xé tiêu biểu cho sự vu khống, nói xấu, thậm chí đánh đập hay giết chết mà những kẻ sống trong tội làm ra cho con dân Chúa.

Trong thực tế, loại người bị Thánh Kinh ví như chó và heo vẫn có mặt trong Hội Thánh. Đó là những giáo sư giả và những tiên tri giả. Lời Chúa đã kết luận về họ như sau:

Nhưng, đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ chân thật: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.” (II Phi-e-rơ 2:22).

Hội Thánh cần phải trừ bỏ những kẻ như vậy ra khỏi Hội Thánh. Đó là mệnh lệnh của Đức Thánh Linh, như đã được chép trong I Cô-rinh-tô 5:11-13.

7 Hãy xin! Điều ấy sẽ được ban cho các ngươi. Hãy tìm! Các ngươi sẽ gặp. Hãy gõ cửa! Nó sẽ được mở ra cho các ngươi.

8 Vì, bất cứ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ cửa thì nó sẽ được mở.

Người ta xin những gì họ cần. Người ta tìm những gì họ muốn. Và người ta gõ cửa để được cứu giúp hay được tiếp nhận.

Điều trước tiên một người cần xin là xin được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tức là xin được tha thứ mọi tội, được làm cho sạch tội, được dựng nên mới, được ban cho thánh linh để có thể sống một đời sống mới thánh khiết trong Chúa.

Điều trước tiên một người cần tìm là tìm Vương Quốc Trời và sự công chính của Đức Chúa Trời. Để sau đó người ấy sẽ được ban cho mọi sự khác, kể cả sự sống đời đời.

Để có thể được ban cho điều mình xin, gặp được điều mình tìm thì một người phải gõ đúng cửa. Cửa ấy chính là Đức Chúa Jesus Christ.

Khi một người đến với Đức Chúa Jesus Christ, ăn năn tội, tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình thì người ấy đã tìm gặp Thiên Chúa, được mở cửa cho bước vào Vương Quốc Trời. Và từ đó, mọi sự người ấy cần, người ấy có thể cầu xin trong danh của Đức Chúa Jesus Christ.

Đến bây giờ, các ngươi chưa từng nhân danh Ta mà cầu xin điều gì hết. Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được, để cho sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn.” (Giăng 16:24).

Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:13).

Trong cuộc sống, có nhiều khi con dân Chúa cầu xin những điều rất hợp lý, như: xin được chữa lành bệnh, xin được thoát khỏi sự khó nghèo hoặc sự bị bách hại đức tin. Nhưng sự cầu xin không được ban cho. Người cầu xin vẫn bị bệnh cho tới chết, hoặc vẫn khó nghèo cho tới chết, hoặc vẫn bị giam cầm vì đức tin cho tới chết. Đó là những trường hợp ngoại lệ, khi Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài điều tốt hơn sự họ cầu xin. Trong chương trình và ý định của Ngài dành cho người ấy, người ấy đã được kêu gọi chịu khổ vì danh Chúa cho tới chết. Vì thế, khi chúng ta đã trình dâng các sự cầu xin của mình lên Đức Chúa Trời mà không nhận được sự mình cầu xin thì hãy tin rằng, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta điều tốt nhất. Rô-ma 8:28-39 là lời giải thích và an ủi chúng ta. Chúng ta cần vui mừng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ân điển chịu khổ vì danh Chúa. Chúng ta theo gương của Gióp, mạnh dạn công bố cho các thiên sứ, ma quỷ, và loài người biết rằng: “Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài!” (Gióp 13:15a).

9 Hay là, có người nào trong các ngươi, là người khi con trai mình xin bánh thì sẽ cho nó đá chăng?

10 Hay là, khi nó xin cá thì sẽ cho nó rắn chăng?

11 Vậy, nếu các ngươi vốn là xấu, biết cho những quà tốt cho con cái của các ngươi, thì Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, sẽ ban những sự tốt cho những ai xin Ngài càng hơn biết bao?

Đức Chúa Jesus đưa ra thí dụ về tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Ngài nói đến lương tâm bình thường chưa hoàn toàn bị băng hoại của bậc làm cha mẹ. Lương tâm ấy là sự tri thức và cảm xúc mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm thần của loài người. Không cần học tập, không cần sai bảo, một người làm cha hay làm mẹ mà lương tâm chưa hoàn toàn bị băng hoại luôn tự nhiên yêu con của mình, sẵn sàng hy sinh cho con của mình, và luôn cho con của mình những gì tốt nhất, trong khả năng hoặc có khi vượt khả năng của mình. Loài người đã bị băng hoại vì tội lỗi mà còn biết yêu và hy sinh cho con như thế, huống gì Đức Chúa Trời là Thiên Chúa Tình Yêu, Cha của những ai vâng phục Ngài.

Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ luôn ban cho con dân của Ngài những điều họ cầu xin phải lẽ. Cầu xin phải lẽ là cầu xin trong danh của Đức Chúa Jesus Christ những điều không sai nghịch Thánh Kinh. Hoặc Ngài sẽ ban cho họ điều tốt hơn cả điều họ cầu xin. Chính Ngài khẳng định:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta biết, những ý tưởng mà Ta nghĩ đến các ngươi là những ý tưởng bình an, không phải tai họa, để ban cho các ngươi sự trông cậy cuối cùng.” (Giê-rê-mi 29:11).

Ngày nay, qua tin tức mỗi ngày, chúng ta thấy có những kẻ làm cha, làm mẹ mà lương tâm đã bị hoàn toàn băng hoại nên họ không còn biết yêu thương con. Trái lại, họ ngược đãi và lạm dụng con để thỏa mãn những thú vui tội lỗi của họ. Đó cũng là dấu hiệu thế gian đã sẵn sàng cho sự phán xét của Đức Chúa Trời trong Kỳ Tận Thế.

12 Vậy, bất cứ điều gì mà các ngươi muốn người ta làm cho các ngươi thì các ngươi cũng hãy làm như vậy cho họ. Vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.

Khổng Tử có câu nói: “Điều mình không muốn, đừng làm cho người” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân) [3]. Câu nói của Khổng Tử nói lên một sự tốt nhưng là một sự tốt tiêu cực, vì tuy không làm hại ai nhưng cũng không giúp ích ai. Còn lời phán của Đức Chúa Jesus là một sự tốt tích cực, vì nó kêu gọi sự hành động để đem lại ích lợi cho người khác. Trong một xã hội mà ai nấy cũng làm điều tốt cho người khác thì không còn gian dối, bất công mà chỉ ngập tràn yêu thương, công chính. Đó chính là nếp sống thánh khiết theo các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, được các tiên tri khuyến khích và giãi bày trong Thánh Kinh. Một người chỉ có thể làm như vậy, khi người ấy yêu người khác như chính mình. Một người chỉ có thể yêu người khác như chính mình khi người ấy tin kính Thiên Chúa, yêu Thiên Chúa, và nhận sự cứu rỗi của Ngài. Vì chỉ khi đó, người ấy mới được Thiên Chúa dựng nên mới và ban cho tình yêu cùng năng lực của Ngài đầy dẫy trong người ấy, để người ấy biết yêu như Thiên Chúa yêu và có thể sống theo ý muốn tốt lành của Thiên Chúa.

13 Các ngươi hãy vào bởi cổng hẹp, vì cổng rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, và có nhiều kẻ vào bởi đó.

14 Bởi vì cổng hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp nó.

Cổng hẹp tiêu biểu cho cửa vào Vương Quốc Trời, là đức tin nơi Đấng Christ. Đường hẹp tiêu biểu cho nếp sống thánh khiết, chịu sự kỷ luật trong các điều răn của Thiên Chúa, được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Bất cứ ai có lòng tìm kiếm Vương Quốc Trời thì sẽ gặp được. Nhưng số người tìm gặp và tin nhận để được vào Vương Quốc Trời thì lại ít hơn số người không tin nhận. Người vào cổng hẹp và đi trên đường chật là người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Tiếp theo đó, người ấy hết lòng sống theo Lời Chúa, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, trung tín cho tới chết. Người ấy có sự sống sung mãn ơn phước của Thiên Chúa ngay trong đời này, có sự sống đời đời trong đời sau.

Cổng rộng tiêu biểu cho cửa vào hỏa ngục, là đức tin nơi các hệ thống, tổ chức triết học hoặc tôn giáo của loài người. Đường rộng tiêu biểu cho nếp sống theo sự dạy dỗ của các hệ thống và tổ chức ấy, được nhiều người tin theo. Ngay cả các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa có hàng tỉ người tin theo cũng là các cổng rộng và đường khoảng khoát. Người vào cổng rộng và đi trên đường khoảng khoát là người không có sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, vì ít nhất người ấy vẫn đang vi phạm điều răn thứ nhất của Đức Chúa Trời. Đó là đã tôn thờ một ý tưởng, một khái niệm triết học, hoặc đã tôn thờ một tôn giáo, một tà thần, hoặc đã tôn thờ chính mình thay vì tôn thờ Thiên Chúa. Người ấy sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục vì không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Thánh Kinh dạy rằng:

Có một con đường dường như chính đáng cho loài người; nhưng cuối cùng là những nẻo của sự chết.” (Châm Ngôn 14:12; 16:25).

Con đường dường như chính đáng cho loài người là nếp sống theo ý riêng của mỗi người, không theo ý muốn của Thiên Chúa. Nếp sống ấy có nhiều sự kết thúc khác nhau nhưng sự kết thúc nào cũng đều là sự hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Ý muốn của Thiên Chúa đã được giãi bày rõ ràng trong Thánh Kinh. Bất cứ đức tin nào, nếp sống nào dựa trên các giáo lý không đúng với Thánh Kinh thì không phải là ý muốn của Thiên Chúa, không phải là cổng hẹp và đường chật dẫn đến sự sống đời đời.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/07/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.thanhkinhvietngu.net/phep-ngoa-du-trong-thanh-kinh/

[2] https://conquerseries.com/15-mind-blowing-statistics-about-pornography-and-the-church

[3] 己所不欲, 勿施於人

Karaoke Thánh Ca: “Mãi Mãi Theo Ngài”
https://karaokethanhca.net/mai-mai-theo-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.