YouTube: https://youtu.be/osOKUU0TFvo
202316 Bài Giảng Trong Năm 2023
Chú Giải Ê-sai 19 – Phần 2
Ê-díp-tô, A-si-ri, và I-sơ-ra-ên Được Ban Phước
Ê-sai 19:16-25
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Ê-sai 19:16-25
16 Trong ngày đó, người Ê-díp-tô sẽ giống như đàn bà. Nó sẽ run rẩy và sợ hãi trước sự vung tay của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân mà Ngài vẫy trên nó.
17 Đất Giu-đa sẽ là sự kinh hoàng cho Ê-díp-tô. Hết thảy ai nhớ đến nó thì nấy đều sợ khiếp. Vì ý định của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đã định cho nó.
18 Trong ngày đó, sẽ có năm thành trong đất Ê-díp-tô nói tiếng Ca-na-an, và hứa nguyện với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân. Có một thành sẽ được gọi là thành Mặt Trời.
19 Trong ngày đó, sẽ có một bàn thờ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở giữa đất Ê-díp-tô, và một trụ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nơi biên giới của nó.
20 Ấy sẽ là dấu và chứng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân trong đất Ê-díp-tô. Vì chúng sẽ kêu đến Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trước mặt những kẻ áp bức. Ngài sẽ ban một Đấng Cứu Rỗi Lớn cho họ và Đấng ấy sẽ giải cứu họ.
21 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ được biết bởi Ê-díp-tô. Trong ngày đó, Ê-díp-tô sẽ biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và sẽ dâng sinh tế cùng của lễ chay. Họ sẽ hứa lời hứa nguyện cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và làm trọn.
22 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ đánh Ê-díp-tô. Ngài sẽ đánh rồi chữa lành. Họ sẽ trở về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ngài sẽ được họ cầu xin và sẽ chữa lành họ.
23 Trong ngày đó, sẽ có con đường lớn từ Ê-díp-tô đến A-si-ri. Người A-si-ri sẽ đến trong Ê-díp-tô và người Ê-díp-tô sẽ đến trong A-si-ri. Người Ê-díp-tô sẽ phụng sự với người A-si-ri.
24 Trong ngày đó, I-sơ-ra-ên sẽ là nước thứ ba, với Ê-díp-tô và với A-si-ri là nguồn phước giữa thế gian.
25 Mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân sẽ ban phước cho họ, phán rằng: Phước cho Ê-díp-tô dân Ta, A-si-ri công việc của tay Ta, và I-sơ-ra-ên cơ nghiệp của Ta!
Trong bài trước, chúng ta đã tìm hiểu ý nghĩa lời tiên tri về Ê-díp-tô trong Ê-sai 19:1-15. Đó là các việc chưa từng xảy ra trong lịch sử của Ê-díp-tô, được tóm gọn như sau:
- Câu 2: Nội chiến và loạn lạc xảy ra khắp nơi trong đất nước Ê-díp-tô.
- Câu 3: Dân Ê-díp-tô bị rối loạn và sợ hãi, tìm cầu sự cứu giúp từ các thần tượng và từ các việc làm mê tín dị đoan.
- Câu 4: Một bạo chúa, tức AntiChrist, sẽ chinh phục và cai trị Ê-díp-tô cách hà khắc, lấy đi tất cả của cải của Ê-díp-tô.
- Câu 5-7: Biển Đỏ sẽ bị cạn. Sông Ni-lơ sẽ bị ô nhiễm trầm trọng, cá bị chết, sông bị bỏ hoang và cũng sẽ cạn khô. Những bãi lau, sậy, những cánh đồng hai bên lưu vực và vùng châu thổ của sông Ni-lơ sẽ bị khô hạn, các loài thực vật bị khô héo và bị gió thổi bay đi.
- Câu 8-10: Nền kinh tế của Ê-díp-tô bị sụp đổ. Những người sống bằng nghề nuôi cá, đánh bắt cá và chế biến cá sẽ bị thất nghiệp. Những người làm nghề chế biến sợi gai và dệt vải gai cũng sẽ bị thất nghiệp. Những người làm công trong các ngành nghề khác cũng sẽ bị thất nghiệp.
- Câu 11-15: Những người lãnh đạo của Ê-díp-tô bị sụp đổ. Họ không còn biết phải làm gì trước những thiên tai, chiến họa xảy ra. Không ai có thể giải quyết các tai họa Đức Chúa Trời giáng xuống trên Ê-díp-tô.
Trong bài này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu phần còn lại lời tiên tri về Ê-díp-tô trong Ê-sai 19:16-25.
16 Trong ngày đó, người Ê-díp-tô sẽ giống như đàn bà. Nó sẽ run rẩy và sợ hãi trước sự vung tay của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân mà Ngài vẫy trên nó.
Mặc dù trong những lời tiên tri liên quan đến sự việc xảy ra trong Kỳ Tận Thế thì nhóm chữ “trong ngày đó” thường được dùng để chỉ chung về Kỳ Tận Thế. Tuy nhiên, cũng có những lúc nó được dùng để chỉ một thời điểm nào đó, trong Kỳ Tận Thế. Nhóm chữ “trong ngày đó” của câu 16 chỉ về khoảng thời gian thuộc về ba năm rưỡi đầu của Kỳ Tận Thế, khi Đức Chúa Trời giáng các thiên tai trên Ê-díp-tô.
“Giống như đàn bà” hàm ý, yếu đuối và dễ bị sợ hãi. Dân Ê-díp-tô run sợ trước các thiên tai Đức Chúa Trời giáng xuống trên đất nước của họ. Các thiên tai như biển cạn, sông bị ô nhiễm và cạn dần là sự Đức Chúa Trời vung tay của Ngài trên Ê-díp-tô để hình phạt họ. Đó là các thiên tai nghiêm trọng, có sức mạnh hủy diệt cả đất nước Ê-díp-tô nhưng chỉ là một sự vẫy tay của Đức Chúa Trời.
Dân Ê-díp-tô từ khi lập quốc được hưởng ơn phước của Đức Chúa Trời từ Biển Đỏ và sông Ni-lơ. Sông Ni-lơ là mạch sống của xứ Ê-díp-tô. Khoảng 95% dân số Ê-díp-tô sống nhờ sông Ni-lơ. Nhưng dân Ê-díp-tô lại tôn thờ các tà thần và tỏ ra thù nghịch dân I-sơ-ra-ên là dân được chọn của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Chúa Trời đã để cho dân Ả-rập xâm chiếm và cai trị họ, buộc họ phải tôn thờ một tà thần của Hồi Giáo, từ năm 641 đến nay. Tà thần ấy mạo nhận là Đức Chúa Trời được nói đến trong năm sách đầu của Thánh Kinh Cựu Ước. Trong những ngày cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ ra tay đánh phạt họ cách nặng nề, y theo lời tiên tri trong Ê-sai 19.
17 Đất Giu-đa sẽ là sự kinh hoàng cho Ê-díp-tô. Hết thảy ai nhớ đến nó thì nấy đều sợ khiếp. Vì ý định của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đã định cho nó.
“Đất Giu-đa” tức là quốc gia I-sơ-ra-ên. Liền trước sự bắt đầu của Kỳ Tận Thế, nước I-sơ-ra-ên vừa chiến thắng cuộc chiến theo Thi Thiên 83, và chiếm giữ một phần lãnh thổ của Ê-díp-tô là bán đảo Si-na-i. Mặc dù I-sơ-ra-ên bị tổn thất nặng nề trong cuộc chiến, nhưng với số lượng bom và đầu đạn nguyên tử trong tay, I-sơ-ra-ên vẫn còn là sự khiếp sợ cho không riêng gì Ê-díp-tô mà tất cả các nước Ả-rập. Nhất là khi họ nhìn thấy cảnh thủ đô Đa-mách của Syria bị hủy diệt bởi đầu đạn nguyên tử. Các quốc gia khác cũng phải hòa hoãn với I-sơ-ra-ên để có thể tiếp tục sử dụng dầu từ các mỏ dầu của các nước Ả-rập đã bị I-sơ-ra-ên chiếm đóng và canh giữ bằng các đầu đạn nguyên tử. Lời đe dọa sẽ cho nổ tung tất cả các mỏ dầu bằng đầu đạn nguyên tử của I-sơ-ra-ên sẽ khiến cho thế giới phải chấp nhận các điều kiện do I-sơ-ra-ên đưa ra. Vì một khi các mỏ dầu đó bị cho nổ tung bằng các đầu đạn nguyên tử thì phải năm, sáu chục năm sau mới có thể khai thác trở lại, sau khi chất phóng xạ đã tan hết. Thế gian không thể nào chờ suốt năm, sáu chục năm không có dầu hỏa để sử dụng.
Nói chung, vào giai đoạn đầu của Kỳ Tận Thế, quốc gia nào nghe nói đến I-sơ-ra-ên thì cũng đều run sợ. Sự run sợ đó cũng chính là điều Đức Chúa Trời đặt vào trong lòng của các dân tộc. Vì Ngài đã định như vậy. Ngài dùng cuộc chiến theo Ê-xê-chi-ên 38-39 để chứng tỏ cho thế gian biết rằng, khi thời điểm Ngài cho phép Giê-ru-sa-lem bị chinh phục chưa xảy ra thì cho dù liên minh các nước hùng mạnh như thế nào cũng không thể đánh thắng I-sơ-ra-ên. Vì chính Đức Chúa Trời thay cho I-sơ-ra-ên đứng ra chiến cự với tất cả các đạo binh tiến đánh I-sơ-ra-ên.
18 Trong ngày đó, sẽ có năm thành trong đất Ê-díp-tô nói tiếng Ca-na-an, và hứa nguyện với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân. Có một thành sẽ được gọi là thành Mặt Trời.
Nhóm chữ “trong ngày đó” từ câu 18 đến câu 24 là chỉ về thời điểm sau Kỳ Tận Thế. Đó là lúc Đức Chúa Jesus đã giáng lâm trên đất; tiêu diệt tất cả những kẻ theo AntiChrist, mang dấu ấn của AntiChrist. Ngài ném AntiChrist và Tiên Tri Giả của nó vào hỏa ngục; nhốt Sa-tan vào trong vực sâu không đáy của âm phủ suốt 1.000 năm. Kế tiếp, Ngài phán xét những người tin nhận Ngài, như đã được tiên tri trong Ma-thi-ơ 25:31-46. Rồi, Ngài thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm.
“Tiếng Ca-na-an” tức là tiếng Hê-bơ-rơ. Vì cho tới thời điểm ấy, tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ chính của xứ Ca-na-an. Vì I-sơ-ra-ên đã hoàn toàn làm chủ toàn bộ vùng Đất Hứa Ca-na-an.
Trên đất nước Ê-díp-tô sẽ có năm thành phố mà cư dân sẽ nói tiếng Hê-bơ-rơ. Có lẽ vì họ yêu kính Đức Chúa Trời của I-sơ-ra-ên và muốn học biết Lời Chúa trong tiếng Hê-bơ-rơ. Họ sẽ hứa nguyện trung tín trông cậy và thờ phượng chỉ một mình Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân. Trong năm thành ấy, có một thành mà tên gọi của nó là thành Mặt Trời. Đa số bản chép tay trong tiếng Hê-bơ-rơ đã chép là “thành của Sự Hủy Diệt” (H2041). Tuy nhiên, có 15 bản chép tay lại chép là “thành Mặt Trời” (H2775). Một số nhà giải kinh cho rằng, chữ “mặt trời” bị chép sai thành chữ “hủy diệt”, vì mẫu tự đầu: ה /hei/ bị chép nhầm thành ח /cheit/.
Nguồn: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/11/Esai_19_18.png
Thực tế, Ê-díp-tô từng có một thành phố lớn, tên Heliopolis theo tiếng Hy-lạp. Heliopolis có nghĩa là thành Mặt Trời. Trong tiếng Hy-lạp, “helio” (G2246) là mặt trời và “polis” (G4172) là thành phố. Thành Heliopolis cổ được xây dựng vào khoảng năm 3100 TCN để thờ Mặt Trời và bị phá hủy bởi người Hy-lạp và người La-mã vào thế kỷ thứ nhất TCN. Có lẽ đây là thành Ôn được nói đến trong Sáng Thế Ký 41:45, 50. “Ôn” (H204) có nghĩa là sức mạnh hoặc sức sống. Khi người Hy-lạp chiếm đóng Ê-díp-tô thì họ gọi nó là “thành Mặt Trời”, vì họ thấy đó là trung tâm thờ lạy mặt trời [1].
Ngày nay, ở ngoại ô của thủ đô Cairo có một thị trấn tên là Heliopolis, được thành lập vào năm 1905 [2], [3]. Đây là nơi dân thượng lưu của Ê-díp-tô đang sinh sống.
Chúng tôi nghĩ rằng, “thành Mặt Trời” hợp lý hơn là “thành của Sự Hủy Diệt”. Vì không có lý gì trong Vương Quốc Ngàn Năm lại có thành tên là thành của Sự Hủy Diệt mà dân chúng trong thành lại tôn thờ Thiên Chúa. Rất có thể chữ “mặt trời” đã bị nhiều bản chép tay Cựu Ước chép sai một nét thành chữ “sự hủy diệt”. Tên thành Mặt Trời được nêu ra là để nhấn mạnh đến sự kiện nơi từng thờ lạy tà thần được trở thành nơi thờ lạy Chân Thần.
Hiện nay, phần lớn dân Ê-díp-tô là người Ả-rập, xưng nhận đức tin vào Hồi Giáo, chỉ có khoảng 13 triệu người thuộc dân tộc Ê-díp-tô chính gốc xưng nhận đức tin vào Đấng Christ. Họ được gọi là Coptic. Danh từ “Coptic” ra từ tiếng Hy-lạp, có nghĩa là: người Ê-díp-tô tin theo Đấng Christ.
Theo truyền thuyết trong Hội Thánh thì Mác, người viết sách Tin Lành Mác, đã đem Tin Lành đến Ê-díp-tô vào năm 42, và là giám mục đầu tiên của Hội Thánh tại Ê-díp-tô. Hiện nay, những người tin nhận Đấng Christ tại Ê-díp-tô thuộc về ba giáo hội: Giáo Hội Chính Thống Coptic (Coptic Orthodox Church); Giáo Hội Tin Lành Coptic (Coptic Evangelical Church); và Giáo Hội Kháng Cách Coptic (Coptic Protestant Church) [4].
Thiết tưởng cũng nên nhắc lại thời điểm thành lập của các giáo hội như sau:
- Giáo Hội Công Giáo La-mã hình thành năm 380 [5].
- Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Church) tách ra khỏi Công Giáo năm 1054. Về sau phát triển thành các giáo phái, như: Chính Thống Giáo Nga, Chính Thống Giáo Hy-lạp, Chính Thống Giáo Phương Đông (Oriental Orthodox Church), Chính Thống Giáo Coptic…
- Giáo Hội Kháng Cách (Protestant Church) tách ra khỏi Công Giáo vào năm 1517.
- Giáo Hội Cải Chánh (Reformed Church) ra từ Giáo Hội Kháng Cách vào năm 1536.
- Giáo Hội Tin Lành (Evangelical Church) ra từ Giáo Hội Kháng Cách và Giáo Hội Cải Chánh vào đầu thế kỷ 18.
Mỗi giáo hội lại chia thành nhiều giáo phái khác nhau.
Rất có thể hàng chục triệu người tin nhận Đấng Christ hiện nay tại Ê-díp-tô đã giúp cho dân Ê-díp-tô được biết ít nhiều về Tin Lành. Khi Kỳ Tận Thế đến, dân Ê-díp-tô lại được nghe thiên sứ bay giữa trời, rao giảng Tin Lành (Khải Huyền 14:6) nên sẽ có nhiều người Ê-díp-tô tin nhận Tin Lành. Trong số họ, dân chúng của năm thành được tiên tri trong câu này là những người có đức tin mạnh mẽ nhất. Rất có thể có nhiều người trong số khoảng 13 triệu người tin nhận Đấng Christ tại Ê-díp-tô sẽ bị bỏ lại, khi Đấng Christ đến, vì họ không sống theo Lời Chúa. Nếu họ ăn năn thì họ sẽ trở thành một lực lượng hùng hậu rao giảng Tin Lành cho dân Ê-díp-tô trong Kỳ Tận Thế.
19 Trong ngày đó, sẽ có một bàn thờ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở giữa đất Ê-díp-tô, và một trụ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nơi biên giới của nó.
Bàn thờ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ở giữa đất Ê-díp-tô hàm ý, một Đền Thờ Thiên Chúa sẽ được xây dựng tại thủ đô của Ê-díp-tô và trong đó, có bàn thờ để dâng tế lễ lên Thiên Chúa. Thực tế, dân Do-thái đã từng xây dựng nhiều Đền Thờ Thiên Chúa tại Ê-díp-tô. Gần đây nhất, vào tháng 09 năm 2023, Đền Thờ Thiên Chúa của Do-thái Giáo tại thủ đô Cairo đã được chính quyền Ê-díp-tô cho phép mở cửa hoạt động, sau khi đã được tái thiết [6].
Chúng ta có thể tin rằng, một Đền Thờ Thiên Chúa với bàn thờ dâng tế lễ sẽ được dựng nên mới tại thành Mặt Trời hoặc tại Cairo, khi thế giới bước vào thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Một trụ đá nguyên khối, không gọt đẽo (Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:6) cũng sẽ được dựng nên tại biên giới giữa Ê-díp-tô và I-sơ-ra-ên để tôn vinh danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, tương tự như Gia-cốp đã từng làm (Sáng Thế Ký 28:18; 35:14).
20 Ấy sẽ là dấu và chứng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân trong đất Ê-díp-tô. Vì chúng sẽ kêu đến Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trước mặt những kẻ áp bức. Ngài sẽ ban một Đấng Cứu Rỗi Lớn cho họ và Đấng ấy sẽ giải cứu họ.
Đền Thờ Thiên Chúa và trụ đá tôn vinh Thiên Chúa tại Ê-díp-tô là dấu hiệu và chứng cớ dân Ê-díp-tô tin nhận và đầu phục Thiên Chúa. Trước đó, dưới sự thống trị hà khắc của AntiChrist, dân Ê-díp-tô kêu cầu cùng Đức Chúa Trời và Ngài đã ban cho họ Đấng Cứu Rỗi Lớn, là Đức Chúa Jesus Christ. Đấng Christ sẽ giải cứu dân Ê-díp-tô khi Ngài tiêu diệt thế lực của AntiChrist.
21 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ được biết bởi Ê-díp-tô. Trong ngày đó, Ê-díp-tô sẽ biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và sẽ dâng sinh tế cùng của lễ chay. Họ sẽ hứa lời hứa nguyện cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và làm trọn.
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ được biết bởi Ê-díp-tô” có nghĩa là dân Ê-díp-tô sẽ nhận biết Thiên Chúa của I-sơ-ra-ên là Chân Thần. Họ nhận biết các tai họa xảy ra trên đất nước của họ là sự hình phạt đến từ Thiên Chúa. Họ nhận biết rằng, họ phải tin kính Thiên Chúa và thờ phượng Thiên Chúa. Và họ cất tiếng kêu cầu Ngài.
Rất có thể vào cuối Kỳ Tận Thế, tại Ê-díp-tô chỉ còn sót lại những người Ê-díp-tô chính gốc tin nhận Đấng Christ. Những người khác tin nhận AntiChrist, mang dấu ấn của AntiChrist, đã bị Đấng Christ tiêu diệt. Dân Ê-díp-tô còn sót lại đó sẽ bước vào thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Họ sẽ dâng của lễ lên Thiên Chúa ngay tại Đền Thờ sẽ được xây dựng giữa thủ đô. Dù vậy, vào kỳ Lễ Lều Trại, dân Ê-díp-tô và muôn dân trên đất phải về Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đấng Christ. Nếu dân Ê-díp-tô nghĩ rằng, mình có Đền Thờ tại thủ đô mà không về Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Lều Trại, thì họ sẽ bị Đấng Christ hình phạt (Xa-cha-ri 14:18). Dân Ê-díp-tô sẽ hứa nguyện trung tín, vâng phục, và thờ phượng Thiên Chúa. Họ sẽ làm trọn lời hứa nguyện của mình.
22 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ đánh Ê-díp-tô. Ngài sẽ đánh rồi chữa lành. Họ sẽ trở về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ngài sẽ được họ cầu xin và sẽ chữa lành họ.
Câu 22 không những áp dụng cho dân Ê-díp-tô mà còn cho mọi dân tộc, kể cả dân I-sơ-ra-ên. Ngoài ra, nó cũng áp dụng cho mỗi người. Lời Chúa trong I Ti-mô-thê 2:4 dạy rằng, Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật. Và trong Ê-xê-chi-ên 33:11, Lời Chúa dạy rằng, Thiên Chúa chẳng lấy sự kẻ ác chết làm vui, nhưng vui về sự kẻ ác lìa bỏ đường lối mình và được sống. Vì thế, chúng ta có thể tin rằng, đối với mỗi người, đối với mỗi dân tộc Thiên Chúa đều thương xót và ban cho cơ hội ăn năn, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Rô-ma 1:18-23 khẳng định, mỗi người đều nhận biết sự thực hữu của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, nhưng ai nấy đã tự chọn sống theo ý riêng, nghịch lại Thiên Chúa. Dù vậy, bất cứ ai có lòng ăn năn, thống hối, muốn thoát ra khỏi hậu quả của tội lỗi, kêu cầu Thiên Chúa thì Ngài sẽ cứu chuộc họ.
Đức Chúa Trời biết trước mọi sự và biết mọi ý tưởng của loài người nên Ngài biết phải hành động như thế nào để đưa một người hay một dân tộc đến với sự ăn năn. Cho dù mọi khốn khó, đau thương, hoạn nạn có như thế nào thì chúng cũng vẫn nằm trong sự từ ái và sự thương xót của Ngài. Vì sự từ ái và sự thương xót của Đức Chúa Trời luôn là mục đích của mọi việc làm của Ngài đối với loài người. Như cái chết của những trẻ sơ sinh xứ Ca-na-an bị dân I-sơ-ra-ên giết khi dân I-sơ-ra-ên tiến vào Đất Hứa là để chúng không lớn lên trong thân phận nô lệ. Như cái chết của cha mẹ chúng là để kết thúc sự phạm tội của họ, làm giảm đi sự hình phạt mà họ phải gánh chịu trong ngày phán xét chung cuộc, vì họ đã cứng lòng không chịu ăn năn trong suốt 400 năm. Có rất nhiều sự Đức Chúa Trời làm ra mà chúng ta không hiểu thấu trong cuộc đời này. Nhưng chúng ta cần tin rằng, mỗi một việc làm nào của Đức Chúa Trời cũng thể hiện sự vinh quang của Ngài là tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính.
23 Trong ngày đó, sẽ có con đường lớn từ Ê-díp-tô đến A-si-ri. Người A-si-ri sẽ đến trong Ê-díp-tô và người Ê-díp-tô sẽ đến trong A-si-ri. Người Ê-díp-tô sẽ phụng sự với người A-si-ri.
Danh từ “con đường lớn” có thể gọi là xa lộ. Hiện nay, chưa có xa lộ nào đi từ Ê-díp-tô đến Iraq, tức A-si-ri. Vì thế, đây sẽ là xa lộ liên quốc gia được xây dựng trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Xa lộ này có thể sẽ bắt đầu từ thủ đô Cairo của Ê-díp-tô, ngang qua Bê-e-sê-ba của I-sơ-ra-ên, ngang qua thủ đô của I-sơ-ra-ên là Giê-ru-sa-lem, ngang qua thủ đô của Giô-đanh là Amman, đến thủ đô của Iraq là Bát-đa (Baghdad), tức Ba-bi-lôn xưa, và kết thúc tại Nasiriyah, của Iraq, tức là U-rơ, quê hương của Áp-ra-ham. Bát-đa và Nasiriyah đều thuộc lãnh thổ A-si-ri xưa. Điều đó hàm ý, Đức Chúa Trời ban phước cho sinh quán của Áp-ra-ham và các vùng đất mà Ngài đã đưa dẫn ông đến. Áp-ra-ham được sinh ra tại U-rơ, xứ A-si-ri; tạm trú tại xứ Ê-díp-tô; và được Đức Chúa Trời ban cho Ca-na-an làm cơ nghiệp. Ngày nay, xứ Ca-na-an được gọi là Pa-lét-tin (Palestine).
Có lẽ xa lộ được nói đến trong câu 23 sẽ được khởi công tại Cairo và được khánh thành tại Nasiriyah. Rất có thể kèm theo đó là đường tàu điện cao tốc mà chuyến tàu đầu tiên sẽ từ Nasiriyah chở dân Iraq đến Cairo. Sau đó, dân Ê-díp-tô cũng sẽ du lịch đến Nasiriyah. Dân Iraq và dân Ê-díp-tô sẽ cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa tại Đền Thờ Thiên Chúa ở Cairo, khi dân Iraq du lịch đến Ê-díp-tô.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng, vào cuối Kỳ Tận Thế thì hầu hết mọi công trình xây dựng của loài người đều bị sụp đổ vì một cơn động đất lớn chưa từng có trong lịch sử loài người. Khải Huyền 16:19-20 cho biết, thành của các quốc gia đều bị sụp đổ, ngay cả thành Giê-ru-sa-lem cũng bị tách ra làm ba; mọi hải đảo đều trốn đi và không còn tìm thấy những núi nữa. Và như vậy, các công trình xa lộ khắp nơi cũng sẽ bị hư hại nặng. Nhưng trước khi thế gian bước vào thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm thì Thiên Chúa hồi phục lại trời đất như buổi đầu sáng thế. Trong Vương Quốc Ngàn Năm, loài người sẽ tái lập các công trình xây dựng mà ưu tiên là thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa tại đó. Rồi đến xa lộ Ê-díp-tô dẫn đến Iraq. Có thể trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, chúng ta sẽ được nhìn thấy những công trình xây dựng giống như đã có trong thời trước Cơn Lụt Lớn.
24 Trong ngày đó, I-sơ-ra-ên sẽ là nước thứ ba, với Ê-díp-tô và với A-si-ri là nguồn phước giữa thế gian.
25 Mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân sẽ ban phước cho họ, phán rằng: Phước cho Ê-díp-tô dân Ta, A-si-ri công việc của tay Ta, và I-sơ-ra-ên cơ nghiệp của Ta!
“I-sơ-ra-ên sẽ là nước thứ ba” không có nghĩa I-sơ-ra-ên bị xếp vào hàng thứ ba mà chỉ có nghĩa: I-sơ-ra-ên là một trong ba nước. I-sơ-ra-ên cùng với Ê-díp-tô và Iraq sẽ trở thành nguồn phước cho thế gian trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Rất có thể con đường lớn từ Ê-díp-tô đến Iraq sẽ là con đường giúp cho muôn dân tham quan hành trình đức tin của Áp-ra-ham. Đó cũng sẽ là phương tiện giúp cho loài người hiểu biết chương trình của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, được thể hiện qua cuộc đời của Áp-ra-ham và dòng dõi của ông.
Đức Chúa Trời gọi Ê-díp-tô là “dân Ta”, gọi A-si-ri là “công việc của tay Ta”, và gọi I-sơ-ra-ên là “cơ nghiệp của Ta”. Ngài ban phước đặc biệt cho cả ba dân tộc này để qua họ, muôn dân cùng được phước.
Nhóm chữ “giữa thế gian” có thể được hiểu theo nghĩa đen là trung tâm điểm của thế gian. Vùng lãnh thổ của Ê-díp-tô, I-sơ-ra-ên, và Iraq kết hợp làm trung tâm điểm của thế gian để đem phước của Đức Chúa Trời đến cho toàn thế gian. Khi đó, sự hiểu biết về Thiên Chúa sẽ tràn ngập thế gian như nước tràn ngập biển (Ê-sai 11:9).
Dân Ê-díp-tô tiêu biểu cho các dân không phải là dân I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời nhận làm dân của Ngài, làm thành lời tiên tri trong Ô-sê 2:23: “Ta sẽ nói với những kẻ chưa làm dân Ta rằng: Ngươi là dân Ta, và chúng nó sẽ trả lời rằng: Ngài là Thiên Chúa tôi.”
Dân A-si-ri tiêu biểu cho sự hành động của Đức Chúa Trời để khiến cho những kẻ ngỗ nghịch nhất cũng trở nên thuận phục Ngài. Đức Chúa Trời như người thợ gốm và dân A-si-ri nói riêng, loài người nói chung, như khối đất sét trong tay Ngài, được Ngài làm nên những công cụ phục vụ cho ý muốn của Ngài. Nhóm chữ “công việc của tay Ta” hàm ý sự hành động của Đức Chúa Trời trong dòng lịch sử của loài người.
Dân I-sơ-ra-ên vẫn là dân được chọn làm cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Nhóm chữ “cơ nghiệp của Ta” hàm ý dân I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời yêu quý nhất. Qua dân I-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời làm thành mọi ý định của Ngài dành cho loài người và dành cho vương quốc của Ngài. Chúng ta cũng cần ghi nhớ rằng, Hội Thánh của Chúa bao gồm mọi sắc dân trong thế gian được tháp nhập, kết hiệp làm một với những người I-sơ-ra-ên tin nhận Ngài, cho nên Hội Thánh cũng là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.
Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.
Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/12/2023
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
[1] http://www.ancient-wisdom.com/egyptheliopolis.htm
[2] https://www.connollycove.com/heliopolis-the-city-of-the-sun/
[3] https://www.egypttoday.com/Article/4/115101/Heliopolis-Cairo%E2%80%99s-mystical-neighborhood
[4] https://www.worldatlas.com/articles/countries-with-the-largest-coptic-christian-populations.html
[5] Bruce L. Shelley. Church History In Plain Language, trang 94-97. Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995.
Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo sau này. Hoàng Đế Theodosius I (347-395) thuộc đông đế quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (359-383) thuộc tây đế quốc La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn đế quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380: http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica
[6] https://english.news.cn/20230902/4f2e5e74588c45049548767739dc8bd6/c.html
Karaoke Thánh Ca: “Bao Năm Theo Chúa”
https://karaokethanhca.net/bao-nam-theo-chua/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.