Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL099 Đức Chúa Jesus Răn Dạy Các Môn Đồ bên Bờ Đông Sông Giô-đanh – Phần 4

150 views

YouTube: https://youtu.be/HTqTYnY2IaM

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL099 Đức Chúa Jesus Răn Dạy Các Môn Đồ
bên Bờ Đông Sông Giô-đanh – Phần 4
Lu-ca 13:1-17

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 13:1-17

1 Vào lúc ấy, mấy người kia có ở đó đã thuật cho Ngài về việc mấy người Ga-li-lê mà máu của họ đã bị Phi-lát trộn chung với các của lễ của họ.

2 Đức Chúa Jesus đã đáp lời, bảo họ: “Các ngươi tưởng mấy người Ga-li-lê ấy đã là những tội nhân hơn mọi người Ga-li-lê khác vì họ chịu các sự ấy?

3 Ta bảo các ngươi, không phải. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn, hết thảy các ngươi sẽ hư mất như vậy.

4 Hay là mười tám người kia bị ngọn tháp tại Si-lô-ê ngã xuống trên họ và đè chết họ, các ngươi tưởng rằng, họ đã là những tội nhân hơn mọi người khác cư trú tại Giê-ru-sa-lem sao?

5 Ta bảo các ngươi, không phải. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn, hết thảy các ngươi sẽ hư mất như vậy.”

6 Ngài cũng đã phán ngụ ngôn này: “Người kia đã có một cây vả được trồng trong vườn nho của người. Người đã đến, tìm trái trên nó mà không tìm thấy.

7 Người đã nói với kẻ trồng nho: “Kìa, ba năm, ta đến, tìm trái trên cây vả này mà không tìm thấy. Hãy đốn nó! Cớ sao nó choán đất vô ích?”

8 Kẻ ấy đã đáp lời người rằng: “Thưa chúa, xin để yên nó năm này nữa. Tôi sẽ đào chung quanh nó, rồi bón phân.

9 Có lẽ nó sẽ thật ra trái; nếu không, trong tương lai chúa sẽ đốn nó.””

10 Vào ngày Sa-bát, Ngài đã đang giảng dạy trong một nhà hội.

11 Và kìa, có một người đàn bà đã có linh bệnh tật mười tám năm và bị còng lưng, chẳng thể đứng cho thẳng hoàn toàn.

12 Đức Chúa Jesus đã thấy bà. Ngài đã gọi và bảo bà: “Hỡi đàn bà! Ngươi đã được thoát khỏi bệnh của ngươi.”

13 Ngài đã đặt tay trên người. Tức thì, người đã đứng thẳng lên và tôn vinh Đức Chúa Trời.

14 Vì Đức Chúa Jesus đã chữa bệnh trong ngày Sa-bát, người cai nhà hội đã tức giận, lên tiếng, bảo dân chúng: “Có sáu ngày, trong đó người ta phải làm việc trong chúng. Vậy, hãy đến để được chữa bệnh, đừng đến trong ngày Sa-bát.”

15 Nhưng Chúa đã đáp lời người, rằng: “Hỡi kẻ giả hình, ai trong các ngươi, ngày Sa-bát, không mở bò của mình hoặc lừa khỏi chuồng và dắt đi uống nước?

16 Người này là con gái của Áp-ra-ham mà kìa, Sa-tan đã cầm buộc mười tám năm, người chẳng nên được mở khỏi sự trói buộc này trong ngày Sa-bát sao?”

17 Khi Ngài đã phán các lời ấy, hết thảy những kẻ thù của Ngài đã hổ thẹn. Hết thảy dân chúng đã vui mừng về mọi việc vinh quang đã được làm bởi Ngài.

Trong bài này, chúng ta sẽ tiếp tục học phần thứ tư về các lời Đức Chúa Jesus răn dạy các môn đồ của Ngài, bên bờ đông của Sông Giô-đanh. Đó là về sự tuổi thọ của một người không liên quan sự họ phạm tội nhiều hay ít; về sự đời sống không kết quả theo ý Chúa thì sẽ sớm bị kết thúc; và về sự Đức Chúa Jesus lại chữa bệnh trong ngày Sa-bát.

Lu-ca 13:1-3

1 Vào lúc ấy, mấy người kia có ở đó đã thuật cho Ngài về việc mấy người Ga-li-lê mà máu của họ đã bị Phi-lát trộn chung với các của lễ của họ.

2 Đức Chúa Jesus đã đáp lời, bảo họ: “Các ngươi tưởng mấy người Ga-li-lê ấy đã là những tội nhân hơn mọi người Ga-li-lê khác vì họ chịu các sự ấy?

3 Ta bảo các ngươi, không phải. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn, hết thảy các ngươi sẽ hư mất như vậy.

Trong khi Đức Chúa Jesus đang phán dạy đoàn dân đi theo Ngài thì có mấy người trong đám đông đã lên tiếng, thuật cho Ngài nghe về việc Thống Đốc Phi-lát đã giết một số người Ga-li-lê và trộn chung máu của họ với các của lễ mà họ mang theo để dâng hiến lên Đức Chúa Trời.

Ngoài Lu-ca, không một chỗ nào khác trong Thánh Kinh hoặc ngoại sử ghi lại hai sự kiện, như Lu-ca đã ghi lại, trong Lu-ca 13:1-4.

Về sự kiện thứ nhất, Phi-lát (Pontius Pilate) là thống đốc La-mã cai trị xứ Giu-đê từ năm 26-36. Phân đoạn Thánh Kinh chúng ta đang học ghi lại sự kiện đã xảy ra khoảng một hay hai tháng trước ngày Lễ Vượt Qua của năm 27, nên sự kiện Phi-lát giết những người Ga-li-lê có lẽ đã xảy ra trong vòng một năm trước đó. Theo Sử Gia Giô-se-phớt (Josephus), Thống Đốc Phi-lát nổi tiếng là người tàn bạo, từng gây nhiều xung đột với người Do-thái. Ngay từ đầu nhiệm kỳ cai trị của mình, Phi-lát đã cử binh lính cải trang với dao găm trà trộn vào đám đông [1]. Có thể một nhóm người Do-thái từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem để dâng sinh tế là những người thuộc về phong trào của những người Ga-li-lê chống đối việc đóng thuế cho La-mã, do một người tên Giu-đa dẫn đầu (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:37). Vì thế, Phi-lát đã ra lệnh tàn sát họ ngay trong khuôn viên Đền Thờ, bất kể sự tàn sát như vậy làm ô uế nơi thánh. Sự tàn sát đó đã khiến cho máu của họ trộn lẫn với sinh tế họ mang theo để dâng hiến trong Đền Thờ.

Chúng ta không biết mục đích của những người thuật chuyện cho Đức Chúa Jesus là gì. Có thể họ muốn nêu cao tinh thần kháng chiến, chống La-mã, phục hồi Vương Quốc I-sơ-ra-ên; và hy vọng Đức Chúa Jesus sẽ đứng lên, cầm đầu dân I-sơ-ra-ên lật đổ ách cai trị của La-mã.

Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus đã không bênh vực hoặc lên án hành động của Phi-lát. Ngài cũng không nói đến chính trị hoặc cho rằng, những người đã bị giết là tội lỗi hơn những người khác. Nhưng Ngài cảnh giác mọi người phải ăn năn tội, nếu không, thì sẽ hư mất.

Cách nói “hư mất như vậy” trong câu 3 và câu 5 không hàm ý rằng, những người Ga-li-lê bị Phi-lát giết và những người bị tháp Si-lô-ê đè chết là hư mất vì họ phạm tội mà không ăn năn. Vì trong lời phán của Đức Chúa Jesus đã hàm ý, sự chết của họ không phải vì họ phạm tội nghiêm trọng hơn hoặc nhiều hơn những người khác. Họ chết vì bị bách hại, vì tai nạn. Tuy nhiên, sự chết của thân thể xác thịt nói chung là hậu quả của sự loài người phạm tội. Sự chết ấy dẫn đến sự hư mất đời đời là sự mãi mãi bị xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9), mà Thánh Kinh gọi là sự chết thứ nhì. Vì vậy, nếu ai không ăn năn thì sẽ hư mất đời đời.

Điều đáng sợ là ngày nay có nhiều người tin Đức Chúa Trời, tin Đức Chúa Jesus Christ, tin Thánh Kinh nhưng không chịu ăn năn tội. Họ sinh hoạt trong Hội Thánh, thậm chí, giữ các chức vụ trong Hội Thánh nhưng thầm kín sống trong tội để thỏa mãn những sự ham muốn bất chính của xác thịt. Khi đọc II Phi-e-rơ đoạn 2, Khải Huyền đoạn 2 và đoạn 3, chúng ta thấy, có nhiều người phạm tội nghiêm trọng trong Hội Thánh. Hội Thánh cần nghiêm khắc giải quyết sự phạm tội trong Hội Thánh để giữ gìn sự thánh khiết trong Hội Thánh.

Lu-ca 13:4-5

4 Hay là mười tám người kia bị ngọn tháp tại Si-lô-ê ngã xuống trên họ và đè chết họ, các ngươi tưởng rằng, họ đã là những tội nhân hơn mọi người khác cư trú tại Giê-ru-sa-lem sao?

5 Ta bảo các ngươi, không phải. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn, hết thảy các ngươi sẽ hư mất như vậy.”

Về sự kiện thứ nhì, Tháp Si-lô-ê nằm gần Ao Si-lô-ê, một công trình cấp nước ở Giê-ru-sa-lem, tháp được xây dựng từ thời Vua Ê-xê-chia. Ao Si-lô-ê cách Đền Thờ khoảng 700-800 mét. Sự cố tháp bị ngã có thể do xây dựng kém chất lượng, động đất, hoặc tai nạn. Đây là một tai nạn, không liên quan đến tội lỗi của nạn nhân. Đức Chúa Jesus không công nhận các nạn nhân là tội lỗi hơn những người khác. Ngài cũng cảnh giác mọi người phải ăn năn tội, nếu không, thì sẽ bị hư mất.

Qua lời phán của Đức Chúa Jesus về hai sự kiện, Ngài đã khẳng định rằng, không phải những người chết thảm vì một biến cố nào đó là những người phạm tội nhiều hơn những người khác. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, sự sống và sự chết của mỗi người hoàn toàn nằm trong quyền tể trị của Đức Chúa Trời.

Có người phạm tội nhiều và nghiêm trọng nhưng sẽ đến lúc biết ăn năn và trở nên công cụ làm ra những việc lành trong tay Chúa, như Sứ Đồ Phao-lô. Có người phạm tội ít nhưng bị Chúa cất đi mạng sống ngay, như vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra. Có lẽ vì Chúa biết người ấy sẽ không ăn năn và sẽ tiếp tục làm ra tội, gây ra nhiều thiệt hại cho những người khác. Lại cũng có người vô cùng gian ác, hãm hại nhiều người nhưng lại được sống lâu trong sự giàu sang và quyền thế, như nhiều nhà lãnh đạo độc tài, tàn ác. Vì họ được Chúa dùng cho mục đích của Ngài trong thế gian này.

Qua Thánh Kinh, chúng ta biết, tuổi thọ của mỗi người đã được Chúa định sẵn:

“Vì những ngày của nó đã định rồi, số những tháng của nó ở với Ngài. Ngài đã định những giới hạn cho nó, mà nó không thể qua khỏi.” (Gióp 14:5).

“Mắt của Ngài đã thấy thể chất chưa thành hình của tôi. Trong sách của Ngài, đã ghi khắc tất cả các ngày được hình thành của tôi, khi chưa có một ngày nào trong các ngày ấy.” (Thi Thiên 139:16).

Điều đó có nghĩa là từ một thai nhi bị chết trong bụng mẹ cho tới một người sống trên trăm tuổi đều là bởi sự cho phép của Đức Chúa Trời. Tại sao người thì chết yểu; người thì sống thọ; người thì sống trong sự khốn khổ, thiếu kém; người thì sống trong sự giàu có, dư dật? Và tại sao nhiều khi những kẻ ác lại được thịnh vượng và sống lâu hơn những người công chính? Thánh Kinh cũng có đề cập đến những điều dường như nghịch lý này (Gióp 21:7-13; Thi Thiên 73:3-12; Truyền Đạo 8:10, 14). Tất cả những thắc mắc đó sẽ được trả lời trong ngày phán xét chung cuộc. Khi đó, toàn thể loài người có thể nhìn thấu suốt sự liên kết và tương tác cùng hậu quả mỗi hành động của mỗi người, dù tốt hay xấu, dù lành hay ác, theo sự cho phép của Đức Chúa Trời, trong chương trình và ý định của Ngài dành cho loài người. Nhưng mỗi người sẽ chịu trách nhiệm về mỗi việc làm của mình. Vì mỗi người được Đức Chúa Trời ban cho quyền tự do quyết định.

Trong khi chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt đang hư hoại này thì có nhiều điều tâm trí của chúng ta không thể hiểu được. Vì đường lối của Chúa cao hơn sự suy tưởng của chúng ta:

“Vì các tầng trời được nâng cao hơn đất, vậy nên, những đường lối của Ta được nâng cao hơn những đường lối của các ngươi và những ý tưởng của Ta được nâng cao hơn những ý tưởng của các ngươi.” (Ê-sai 55:9).

Điều quan trọng đối với mỗi người là sớm thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh, để không hư mất.

Lu-ca 13:6-9

6 Ngài cũng đã phán ngụ ngôn này: “Người kia đã có một cây vả được trồng trong vườn nho của người. Người đã đến, tìm trái trên nó mà không tìm thấy.

7 Người đã nói với kẻ trồng nho: “Kìa, ba năm, ta đến, tìm trái trên cây vả này mà không tìm thấy. Hãy đốn nó! Cớ sao nó choán đất vô ích?”

8 Kẻ ấy đã đáp lời người rằng: “Thưa chúa, xin để yên nó năm này nữa. Tôi sẽ đào chung quanh nó, rồi bón phân.

9 Có lẽ nó sẽ thật ra trái; nếu không, trong tương lai chúa sẽ đốn nó.””

Tiếp theo sự kêu gọi mọi người ăn năn, Đức Chúa Jesus đã đưa ra ngụ ngôn về một cây vả được trồng trong một vườn nho đã ba năm mà không sinh ra trái. Chủ vườn nho ra lệnh cho người làm vườn đốn bỏ cây vả để nó khỏi choán đất vô ích. Người làm vườn đã xin chủ cho người bón phân thêm một năm cho cây vả, nếu nó vẫn không sinh ra trái thì khi đó sẽ đốn bỏ nó.

Chủ vườn tiêu biểu cho Đức Chúa Trời. Ngài ban cho loài người cơ hội và phương tiện để sống một đời sống thánh khiết, kết đầy quả công chính cho Ngài. Nhưng nếu ai không kết quả thì sẽ bị phán xét cách nghiêm khắc, sẽ bị loại bỏ khỏi Vương Quốc Trời.

Người làm vườn tiêu biểu cho Đức Chúa Jesus. Ngài chăm sóc, dạy dỗ mỗi người. Ngài cầu xin Đức Chúa Trời cho thêm thời gian và cơ hội đối với những ai có nếp sống không kết quả.

Cây vả không ra trái tiêu biểu cho dân I-sơ-ra-ên hoặc bất cứ người nào tin Chúa, dù đã được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội và phương tiện nhưng vẫn không kết quả đẹp ý Ngài.

Bài học dành cho chúng ta là chúng ta cần xét mình, xem có phải chúng ta thuộc loại cây vả đã nhiều năm không ra trái? Bông trái trong đời sống của chúng ta là gì?

Lu-ca 13:10-11

10 Vào ngày Sa-bát, Ngài đã đang giảng dạy trong một nhà hội.

11 Và kìa, có một người đàn bà đã có linh bệnh tật mười tám năm và bị còng lưng, chẳng thể đứng cho thẳng hoàn toàn.

Vào thời điểm các sự kiện xảy ra, được Lu-ca ghi lại trong đoạn 13 thì Đức Chúa Jesus đang trên đường dọc theo bờ đông Sông Giô-đanh để về lại Thành Giê-ru-sa-lem. Vào ngày Sa-bát thì Ngài ghé lại nhà hội để rao giảng cho những người đến nhà hội cầu nguyện và nghe giảng Lời Chúa.

Trong số người đến tham dự buổi nhóm, có một người đàn bà có linh bệnh tật đã mười tám năm. Lưng của bà đã bị còng, khiến cho bà không thể đứng thẳng lưng. Từ ngữ “linh bệnh tật” hàm ý, bệnh của người đàn bà do tà linh gây ra. Chứng còng lưng đã khiến cho người đàn bà phải gập người, không thể ngẩng đầu lên được. Chúng ta không biết, bà đã được bao nhiêu tuổi, mà chỉ biết bà mang bệnh đã 18 năm.

Thực tế, có nhiều tật bệnh là do tà linh, tức ma quỷ, gây ra cho loài người. Mục đích của ma quỷ là khiến cho loài người bị đau đớn, bị sỉ nhục, và chống nghịch Đức Chúa Trời để làm đau lòng Ngài. Vì Đức Chúa Trời rất yêu loài người và sẽ ban cơ nghiệp của Ngài cho loài người. Ma quỷ tấn công loài người để mong sao số người được cứu mà Đức Chúa Trời đã định sẽ không sớm đủ số để sự hình phạt Đức Chúa Trời dành cho chúng sẽ chậm đến. Vì khi số người được cứu đủ số thì Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt trời cũ đất cũ, và giam giữ tất cả các thiên sứ phản nghịch Ngài, tất cả những người phản nghịch Ngài, cùng mọi đau khổ và sự chết vào trong hỏa ngục đời đời. Rồi, Đức Chúa Trời sẽ thiết lập trời mới đất mới với Vương Quốc Đời Đời. Các thiên sứ và loài người trung tín với Ngài sẽ đời đời sống bình an, hạnh phúc trong Vương Quốc Trời với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lu-ca 13:12-13

12 Đức Chúa Jesus đã thấy bà. Ngài đã gọi và bảo bà: “Hỡi đàn bà! Ngươi đã được thoát khỏi bệnh của ngươi.”

13 Ngài đã đặt tay trên người. Tức thì, người đã đứng thẳng lên và tôn vinh Đức Chúa Trời.

Trong khi Đức Chúa Jesus đang rao giảng Lời Chúa thì Ngài đã nhìn thấy người đàn bà bị còng lưng. Ngài biết rõ, bà bị ma quỷ khống chế, hành hạ. Ngài đã gọi bà và phán với bà rằng, bà đã được thoát khỏi bệnh của bà.

Sự người đàn bà được thoát khỏi bệnh là do ý muốn của Đức Chúa Jesus. Ngài đã muốn cho bà thoát khỏi bệnh. Ngài đã muốn cho bà được chữa lành, thì bà được chữa lành. Bà đã được chữa lành trước khi Chúa đặt tay trên bà. Sự Chúa đặt tay trên bà có lẽ chỉ để thêm sức mạnh cho bà để bà nhận biết, sự biến đổi trong thân thể của bà. Nhờ đó, bà đã tự mình đứng thẳng người lên và cất tiếng tôn vinh Đức Chúa Trời.

Sự tôn vinh Đức Chúa Trời luôn là kết quả bộc phát từ các ơn phước của Đức Chúa Trời ban cho loài người. Đời sống của con dân Chúa càng hết lòng tôn vinh, cảm tạ Chúa thì càng nhận được nhiều ơn phước Chúa. Trọn đời sống của người tin cậy và biết ơn Chúa sẽ luôn luôn ơn càng thêm ơn (Giăng 1:16). Vì ý muốn của Đức Chúa Trời đối với con dân Ngài là họ luôn biết ơn Ngài, tôn vinh Ngài, cảm tạ Ngài (Ê-phê-sô 5:20; Cô-lô-se 3:16-17; Hê-bơ-rơ 13:15). Một trong những sự thỏa vui trong đời sống là học thuộc lòng các ca khúc tôn vinh Chúa để hát tôn vinh Ngài trong mọi nơi, mọi lúc. Ngày nay, với phương tiện điện thoại cầm tay và máy nghe nhạc, ai cũng có thể lưu trữ các bản thánh ca, mang theo người để nghe và hát theo.

Lu-ca 13:14-15

14 Vì Đức Chúa Jesus đã chữa bệnh trong ngày Sa-bát, người cai nhà hội đã tức giận, lên tiếng, bảo dân chúng: “Có sáu ngày, trong đó người ta phải làm việc trong chúng. Vậy, hãy đến để được chữa bệnh, đừng đến trong ngày Sa-bát.”

15 Nhưng Chúa đã đáp lời người, rằng: “Hỡi kẻ giả hình, ai trong các ngươi, ngày Sa-bát, không mở bò của mình hoặc lừa khỏi chuồng và dắt đi uống nước?

Vào thời của Đức Chúa Jesus, người cai nhà hội là người được dân địa phương giao cho quyền cai trị nhà hội. Người ấy sắp xếp các chương trình nhóm hiệp, mời người giảng dạy, chọn các phân đoạn Thánh Kinh được đọc trong các buổi nhóm, hướng dẫn các nghi thức cầu nguyện, tôn vinh Chúa. Người cai nhà hội cũng là người duy trì trật tự và thi hành kỷ luật trong nhà hội. Khi thấy người đàn bà được chữa lành trong buổi nhóm của ngày Sa-bát thì ông đã tức giận. Vì theo luật lệ của Do-thái Giáo, việc chữa bệnh trong ngày Sa-bát không được cho phép.

Có thể người cai nhà hội biết danh tiếng của Đức Chúa Jesus và ông mời Đức Chúa Jesus giảng dạy Lời Chúa, nhưng ông không muốn sự chữa bệnh xảy ra trong nhà hội, vào ngày Sa-bát. Ông không trách Chúa là người chữa bệnh nhưng ông đã tức giận, nói với đám dân đông, yêu cầu họ đừng đến, tìm sự chữa bệnh trong ngày Sa-bát.

Đức Chúa Jesus đã lập tức quở trách người cai nhà hội, gọi ông là “kẻ giả hình”. Không riêng người cai nhà hội mà bất cứ ai theo Do-thái Giáo không chấp nhận việc chữa bệnh trong ngày Sa-bát thì đều là kẻ giả hình. Vì trong khi luật của Do-thái Giáo không cho phép chữa bệnh trong ngày Sa-bát thì lại cho phép dắt gia súc ra khỏi chuồng, dẫn chúng đi uống nước. Loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa, có giá trị hơn loài thú, cầm quyền cai trị trên loài thú, thế mà nhu cầu của loài thú được cung ứng trong ngày Sa-bát mà nhu cầu của loài người không được cung ứng, với lý do tránh lao động thì đó là một sự giả hình.

Lu-ca 13:16-17

16 Người này là con gái của Áp-ra-ham mà kìa, Sa-tan đã cầm buộc mười tám năm, người chẳng nên được mở khỏi sự trói buộc này trong ngày Sa-bát sao?”

17 Khi Ngài đã phán các lời ấy, hết thảy những kẻ thù của Ngài đã hổ thẹn. Hết thảy dân chúng đã vui mừng về mọi việc vinh quang đã được làm bởi Ngài.

Đức Chúa Jesus gọi người đàn bà là con gái của Áp-ra-ham, hàm ý, bà là một người I-sơ-ra-ên. Đức Chúa Jesus khẳng định, chứng còng lưng của bà trong suốt mười tám năm là do Sa-tan làm ra.

Khi Đức Chúa Jesus so sánh việc trong ngày Sa-bát được phép đem gia súc ra khỏi chuồng, dắt chúng đi uống nước với việc không được chữa lành chứng còng lưng do ma quỷ làm ra suốt mười tám năm cho một con cháu của Áp-ra-ham thì dân chúng thấy ngay sự vô lý trong luật lệ của Do-thái Giáo, do loài người đặt ra. Vì thế, hết thảy những kẻ chống nghịch Đức Chúa Jesus đều hổ thẹn. Dân chúng thì vui mừng vì những gì Đức Chúa Jesus làm đều thể hiện sự vinh quang của Thiên Chúa. Đó là sự yêu thương, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa đối với loài người.

Luật pháp của Thiên Chúa thể hiện sự yêu thương, sự thánh khiết và sự công chính. Sự hiểu sai luật pháp của Thiên Chúa dẫn đến những giáo điều nghịch lại tinh thần của luật pháp. Luật pháp của Thiên Chúa không phải là gánh nặng mà là sự vui thỏa cho cuộc sống. Thi Thiên 119 là bằng chứng về sự phước hạnh mà luật pháp và các điều răn của Đức Chúa Trời ban cho loài người. Luật pháp của Thiên Chúa đáng cho mỗi người ưa thích, tôn kính, và vâng phục.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/02/2025

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] “Jewish Antiquities” 18.3.2 và “The Jewish War” II. 9, § 4.

Karaoke Thánh Ca: “Lòng Này Luôn Ghi Nhớ”
https://karaokethanhca.net/long-nay-luon-ghi-nho/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.

Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, hoặc đó là chú thích của người dịch.