Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL100 Ngụ Ngôn về Cổng Hẹp, Vua Hê-rốt Muốn Giết Đức Chúa Jesus

227 views

YouTube: https://youtu.be/C7U2Y3N-haU

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL100 Ngụ Ngôn về Cổng Hẹp,
Vua Hê-rốt Muốn Giết Đức Chúa Jesus
Lu-ca 13:22-35

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 13:22-35

22 Ngài đã trải qua các thành và các làng, giảng dạy và làm cuộc hành trình hướng về Giê-ru-sa-lem.

23 Một người kia đã thưa với Ngài: “Lạy Chúa, có phải chỉ ít người được cứu?” Ngài đã phán với họ:

24 “Hãy gắng sức vào, qua cổng hẹp. Ta bảo các ngươi. Vì nhiều người sẽ tìm để vào mà sẽ không được.

25 Từ khi chủ nhà đã trỗi dậy, đóng cửa lại, các ngươi đứng bên ngoài bắt đầu gõ cửa, kêu rằng: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! Xin mở cho chúng tôi!” Người sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi đến từ đâu.”

26 Bấy giờ, các ngươi sẽ bắt đầu thưa: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài đã dạy dỗ trong các đường phố của chúng tôi.”

27 Nhưng người sẽ nói: “Ta bảo các ngươi, Ta không biết các ngươi đến từ đâu. Hãy lui ra khỏi Ta, hết thảy những kẻ làm ác!”

28 Sẽ có khóc lóc và nghiến răng, khi các ngươi thấy Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp, cùng hết thảy các đấng tiên tri trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, nhưng các ngươi bị ném ra ngoài.

29 Và người ta sẽ đến từ đông và tây, từ bắc và nam. Họ sẽ ngồi vào bàn trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

30 Và này, có những người sau cùng, họ sẽ nên những người đầu; và có những người đầu, họ sẽ nên những người sau cùng.”

31 Cũng trong giờ đó, có mấy người Pha-ri-si kia đã đến, thưa với Ngài: “Ngài hãy lên đường, đi khỏi đây, vì Hê-rốt muốn giết Ngài.”

32 Ngài đã bảo họ: “Các ngươi hãy đi, bảo con cáo ấy rằng: “Kìa Ta đuổi những quỷ và chữa những bệnh. Ta làm trọn ngày hôm nay và ngày mai. Ngày thứ ba, Ta được trọn vẹn.”

33 Dù vậy, Ta phải tiếp tục hành trình ngày hôm nay, ngày mai, và ngày kế tiếp. Vì không thể nào một tiên tri bị hủy diệt bên ngoài Giê-ru-sa-lem.

34 Hỡi Giê-ru-sa-lem! Giê-ru-sa-lem! Kẻ giết các tiên tri và ném đá những người được sai đến với ngươi! Bao nhiêu lần Ta muốn gom con cái của ngươi như gà mái gom bầy của mình vào dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn!

35 Này, nhà của các ngươi bị bỏ hoang cho các ngươi. Thật, Ta bảo các ngươi, các ngươi sẽ không thấy Ta nữa cho tới thời điểm đến các ngươi sẽ nói rằng: “Phước cho Đấng đến trong danh của Chúa!””

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học ngụ ngôn về cổng hẹp và sự Vua Hê-rốt muốn giết Đức Chúa Jesus.

Lu-ca 13:22-24

22 Ngài đã trải qua các thành và các làng, giảng dạy và làm cuộc hành trình hướng về Giê-ru-sa-lem.

23 Một người kia đã thưa với Ngài: “Lạy Chúa, có phải chỉ ít người được cứu?” Ngài đã phán với họ:

24 “Hãy gắng sức vào, qua cổng hẹp. Ta bảo các ngươi. Vì nhiều người sẽ tìm để vào mà sẽ không được.

Khi các sự kiện được Lu-ca ghi lại trong Lu-ca từ 13:22 đến 18:34 xảy ra thì có lẽ Đức Chúa Jesus đã cùng các môn đồ của Ngài băng ngang Biển Ga-li-lê, trở về bờ tây Sông Giô-đanh. Rồi, đi bộ qua các thành và làng Sa-ma-ri để về lại Giê-ru-sa-lem, tham sự Lễ Vượt Qua của năm 27.

Như thường lệ, vẫn có các đám dân đông từ các nơi trong xứ Ca-na-an đi theo Đức Chúa Jesus. Trong các đám dân đông đã có một người lên tiếng, hỏi Ngài rằng, có phải chỉ có ít người được cứu.

Chúng ta không biết vì sao người ấy đã hỏi Đức Chúa Jesus như vậy, trong khi có lẽ chưa bao giờ có người rao giảng về Đức Chúa Trời, về Vương Quốc Trời, về sự cứu rỗi lại được nhiều người đi theo để nghe, như Đức Chúa Jesus. Có lúc số người đi theo Chúa lên đến hơn năm ngàn người. Câu hỏi cũng khiến cho chúng ta nhớ đến sự kiện khoảng 600 ngàn người nam I-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô mà chỉ có hai người được vào Đất Hứa Ca-na-an (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37; Dân Số Ký 11:21).

Đức Chúa Jesus đã không trả lời trực tiếp vào câu hỏi nhưng lại đưa ra lời khuyên, làm thế nào để được cứu, cho cả đoàn dân.

Động từ “gắng sức” (G75) có nghĩa đen là tranh giành để được giải thưởng hoặc là tranh chiến với kẻ thù. Nghĩa bóng là đấu tranh và chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ để đạt được điều mình muốn.

Danh từ “cổng hẹp” (G4728) (G4439) có nghĩa đen là lối vào một khu vực, một dinh thự, một thành, nhưng lối vào ấy không được rộng rãi. Sự nỗ lực phấn đấu và hình ảnh “cổng hẹp” được Đức Chúa Jesus dùng để tiêu biểu cho điều kiện một người cần đáp ứng để được cứu rỗi. Người muốn vào “cổng hẹp” của Vương Quốc Trời phải từ bỏ chính mình, hàm ý, từ bỏ bất cứ những sự gì thuộc về mình, khi những sự ấy nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa.

“…Bất cứ ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” (Ma-thi-ơ 16:24; Mác 8:34).

“…Nếu ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” (Lu-ca 9:23).

Trong những sự thuộc về chính mình, có ba điều vô cùng quan trọng. Đó là “sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống” (I Giăng 2:16).

Mặc dù sự cứu rỗi là sự ban cho của Đức Chúa Trời, không do việc làm của loài người, như Thánh Kinh nhiều lần khẳng định. Nhưng để có thể nhận được sự cứu rỗi thì một người cần thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Để được tiếp tục ở trong sự cứu rỗi thì một người cần trung tín sống theo Lời Chúa, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa.

Không ai có thể giữ các điều răn của Thiên Chúa để được cứu rỗi nhưng một người đã được cứu rỗi là một người thà chết chứ không vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Nói cách khác, thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ là điều kiện để được cứu rỗi. Sau khi được cứu rỗi thì cần phải hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa để được ở lại trong sự cứu rỗi. Hê-bơ-rơ 6:1-8; 10:26-31; II Phi-e-rơ 2:20-22 là ba phân đoạn Thánh Kinh khẳng định sự hư mất của những ai đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà còn quay lại sống trong tội.

Chính Đức Chúa Jesus đã dùng động từ “chặt”“mửa”, Đức Thánh Linh đã dùng động từ “bị trật phần ân điển” để nói đến sự những ai đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà không có nếp sống thánh khiết theo Lời Chúa, thì sẽ bị loại ra khỏi Vương Quốc Trời.

“Ta là gốc nho thật. Cha của Ta là người trồng nho. Bất cứ nhánh nào trong Ta mà không mang trái, thì Ngài chặt bỏ nó; và bất cứ nhánh nào mang trái, thì Ngài tỉa nó, để nó mang trái nhiều hơn [Ê-sai 18:5].” (Giăng 15:1-2).

“Vì ngươi là hâm hẩm như vậy, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta.” (Khải Huyền 3:16).

“Hãy coi chừng! Kẻo có người trật phần ân điển của Đức Chúa Trời! Kẻo có rễ đắng nào sinh ra, làm ngăn trở, và bởi đó nhiều người bị ô uế! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:18]” (Hê-bơ-rơ 12:15).

Có một điều đáng thương là nhiều người đã biết Chúa, đã tin nhận sự cứu rỗi của Chúa nhưng không từ bỏ lòng tham tiền bạc, cứ ham thích làm giàu, cứ chạy theo ảo tưởng làm giàu để bị sa ngã, phạm đủ thứ tội, và cuối cùng là bị trật phần ân điển. Lòng tham tiền bạc, muốn làm giàu xuất phát từ “sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống.”

Lời Chúa được phán dạy cho Hội Thánh gần hai ngàn năm qua không hề sai trật.

I Ti-mô-thê 6:6-10

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

Chúng ta hãy tra xét lòng mình, xem mình có “tham tiền bạc” không? Xem mình có “muốn làm giàu” không? Hai sự ấy là hai mặt của một đồng tiền, luôn đi chung với nhau. Bất cứ ai có hai sự ấy thì sẽ “bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất” đời đời.

Lu-ca 13:25-27

25 Từ khi chủ nhà đã trỗi dậy, đóng cửa lại, các ngươi đứng bên ngoài bắt đầu gõ cửa, kêu rằng: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! Xin mở cho chúng tôi!” Người sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi đến từ đâu.”

26 Bấy giờ, các ngươi sẽ bắt đầu thưa: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài đã dạy dỗ trong các đường phố của chúng tôi.”

27 Nhưng người sẽ nói: “Ta bảo các ngươi, Ta không biết các ngươi đến từ đâu. Hãy lui ra khỏi Ta, hết thảy những kẻ làm ác!”

Mặc dù sự cứu rỗi được Đức Chúa Trời ban cho loài người bởi tình yêu và sự thương xót của Ngài đối với loài người; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời có một thời kỳ nhất định. Trong chương trình của Đức Chúa Trời đối với loài người, “mọi sự đều có mùa, mọi việc dưới trời có kỳ định” như Truyền Đạo 3:1-8 đã khẳng định.

Thời kỳ chung của sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho loài người sẽ kết thúc vào cuối thời kỳ của Vương Quốc Ngàn Năm. Thời kỳ chung của sự cứu rỗi dành cho những ai được gọi vào Hội Thánh sẽ kết thúc trong ngày Đấng Christ đến, đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Thời kỳ ấy kéo dài khoảng 2.000 năm, và sắp kết thúc vào bất kỳ lúc nào. Nhưng thời kỳ riêng đối với mỗi người sẽ rất khác xa nhau. Nó có thể kéo dài trong suốt cả đời người. Nhưng đời người thì ngắn dài khác nhau. Có người chỉ sống trong một khoảng thời gian rất ngắn, có người có thể sống trên trăm tuổi. Nhưng thời kỳ sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho một người không nhất thiết phải kéo dài suốt thời gian người ấy còn sống. Có người còn sống nhưng những ngày cuối đời thì cánh cửa cứu rỗi đã bị đóng lại, đối với họ, khi họ đã tỏ ra cứng lòng, không chịu ăn năn tội. Đức Chúa Trời biết trước và biết rõ tấm lòng của mỗi người nên Ngài sẽ theo sự biết của Ngài, mà ban cho mỗi người thời kỳ hạ mình ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi, dài ngắn khác nhau.

Có hai trạng từ trong câu phán của Đức Chúa Jesus mà chúng ta cần chú ý. Đó là “từ khi” “bắt đầu”.

“Từ khi” Đức Chúa Trời đóng cánh cửa của cổng cứu rỗi với bất cứ ai thì người ấy sẽ không bao giờ còn cơ hội để được cứu rỗi, cho dù người ấy có thật lòng van xin tha thiết. Sự “bắt đầu” ăn năn của người ấy để tiếp nhận sự cứu rỗi đã quá trễ.

Câu phán: “Ta không biết các ngươi đến từ đâu”, là cách nói để tỏ ra không có sự quen biết.

Câu thưa: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài đã dạy dỗ trong các đường phố của chúng tôi”, chứng tỏ những người ấy có nghe biết về Chúa, được nghe Ngài giảng dạy, được gần gũi Chúa, thậm chí, được ăn uống chung với Chúa và có thể được Ngài chữa bệnh, đuổi quỷ. Tuy nhiên, những sự ấy không khiến cho một người nhận được sự cứu rỗi. Điều kiện để được nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận Đấng Christ, trong đó, có sự tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.

Ngày nay, có nhiều người vẫn thường xuyên tham dự các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh, nghe giảng dạy Lời Chúa, dự Tiệc Thánh trước Chúa, nhưng không hề ăn năn tội, mà vẫn sống trong tội. Đời sống của họ chạy theo “sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống.” Vì thế, Đức Chúa Jesus gọi họ là “những kẻ làm ác” và Ngài không biết họ.

“Làm ác” là làm bất cứ điều gì nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa. Nhiều người xưng mình là con dân Chúa nhưng không hiểu rằng, sự không vâng giữ điều răn thứ tư, không tôn thánh ngày Sa-bát của Thiên Chúa, là sự “làm ác”. Họ đã không bỏ thời gian ra đọc và suy ngẫm Lời Chúa để cẩn thận làm theo, nhưng chỉ vâng theo các điều răn của loài người mà bác bỏ các điều răn của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 15:6, 9; Mác 7:8, 9, 13; Tít 1:14).

Lu-ca 13:28-29

28 Sẽ có khóc lóc và nghiến răng, khi các ngươi thấy Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp, cùng hết thảy các đấng tiên tri trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, nhưng các ngươi bị ném ra ngoài.

29 Và người ta sẽ đến từ đông và tây, từ bắc và nam. Họ sẽ ngồi vào bàn trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Lời phán này của Đức Chúa Jesus cũng đã được Ngài phán tương tự trước đó, do Ma-thi-ơ ghi lại, trong Ma-thi-ơ 8:11-12.

“Khóc lóc và nghiến răn” là một thành ngữ trong Thánh Kinh, nói về sự đau buồn, tiếc nuối, tức giận, và tuyệt vọng cùng cực. Đau buồn vì đã bị trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, không còn được hưởng ơn cứu rỗi của Ngài. Tiếc nuối là vì đã không nắm bắt cơ hội tiếp nhận sự cứu rỗi đã được Chúa nhiều lần ban cho. Tức giận là tức giận chính bản thân vì đã quyết định sai lầm và tức giận ma quỷ đã lừa dối mình. Tuyệt vọng vì biết rằng, mình đã bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Vì Đức Chúa Jesus đang phán dạy với những người I-sơ-ra-ên tự hào về nguồn gốc của họ, khoe mình là con cháu của Áp-ra-ham, dựa vào giao ước Đức Chúa Trời đã lập ra với Áp-ra-ham nên Ngài nhắc đến các tổ phụ và các tiên tri của họ.

Lời phán của Đức Chúa Jesus chính là một lời tiên tri. Vì sẽ có vô số người I-sơ-ra-ên bị loại ra khỏi Vương Quốc Trời, trong khi có nhiều người từ các dân tộc khác được vào trong Vương Quốc Trời. Sự kiện trong số khoảng 600.000 người nam I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô nhưng chỉ có hai người vào được Đất Hứa Ca-na-an là một tấm gương đáng sợ về sự thánh khiết và nghiêm khắc của Đức Chúa Trời, không riêng cho dân I-sơ-ra-ên mà còn chung cho loài người. Con dân Chúa trong các dân tộc không phải là dân I-sơ-ra-ên cần ghi nhớ lời Đức Thánh Linh đã phán truyền trong Rô-ma 11:11-24, để cẩn thận giữ mình.

Những người “sẽ đến từ đông và tây, từ bắc và nam” là những người thuộc các dân tộc không phải là dân I-sơ-ra-ên.

“Họ sẽ ngồi vào bàn trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời” có nghĩa đen là ngồi vào trong bàn tiệc chung với những người I-sơ-ra-ên có sự cứu rỗi, trong đó có Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp. Còn nghĩa bóng là được chung hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời với dân I-sơ-ra-ên.

Lu-ca 13:30

30 Và này, có những người sau cùng, họ sẽ nên những người đầu; và có những người đầu, họ sẽ nên những người sau cùng.”

“Những người sau cùng” vừa là những người thuộc các dân tộc khác, được nghe giảng Tin Lành sau dân I-sơ-ra-ên, vừa là những người được tiếp nhận vào Hội Thánh trong thời điểm cuối cùng, trước khi Hội Thánh được Đấng Christ cất ra khỏi thế gian.

“Họ sẽ nên những người đầu” hàm ý, họ nhanh chóng lớn mạnh trong đức tin, thêm nhiều trong sự hiểu biết về Chúa và Lời Chúa, vì họ sốt sắng thực hiện mệnh lệnh Chúa đã truyền trong Giô-suê 1:8. Họ sẽ trở thành những người cầm quyền cai trị cao cấp trong Vương Quốc Trời.

“Những người đầu” vừa là dân I-sơ-ra-ên được đặc quyền tiếp nhận Tin Lành đầu tiên, vừa là những người tin Chúa sớm hơn nhiều người khác trong Hội Thánh.

“Họ sẽ nên những người sau cùng” hàm ý, họ sẽ chỉ là những người “được cứu dường như qua lửa” (I Cô-rinh-tô 3:15) không có sự được ban thưởng, vì họ đã không hết lòng sống cho Chúa. Thậm chí, có nhiều người còn bị trật phần ân điển, vì quay về sống trong tội.

Trong thực tế, có những người đầu vẫn là những người đầu, như mười một sứ đồ ban đầu của Đức Chúa Jesus. Có người đầu trở nên người sau cùng, như Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Có người sau cùng trở nên người đầu, như Sứ Đồ Phao-lô.

Lu-ca 13:31-32

31 Cũng trong giờ đó, có mấy người Pha-ri-si kia đã đến, thưa với Ngài: “Ngài hãy lên đường, đi khỏi đây, vì Hê-rốt muốn giết Ngài.”

32 Ngài đã bảo họ: “Các ngươi hãy đi, bảo con cáo ấy rằng: “Kìa Ta đuổi những quỷ và chữa những bệnh. Ta làm trọn ngày hôm nay và ngày mai. Ngày thứ ba, Ta được trọn vẹn.”

Trong số các đám dân đông từ khắp nơi theo Đức Chúa Jesus cũng có nhiều người Pha-ri-si từ các nơi đó theo Ngài để nghe Ngài giảng dạy và nhìn xem các phép lạ Ngài làm. Có một số người Pha-ri-si đã tin Đức Chúa Jesus, có lẽ họ có tấm lòng tìm kiếm lẽ thật như Giáo Sư Ni-cô-đem và Nghị Viên Giô-sép của Tòa Công Luận. Có lẽ bản thân hoặc người nhà của họ đã được Đức Chúa Jesus chữa bệnh, đuổi quỷ. Một số người đã công khai mời Ngài vào nhà và đãi ăn Ngài.

Chúng ta không biết những người báo tin cho Đức Chúa Jesus là những người đã tin Ngài và lo cho sự an nguy của Ngài. Hay họ là những người Pha-ri-si địa phương, không muốn sự việc Đức Chúa Jesus bị bắt xảy ra tại địa phương của họ, gây ra sự rối loạn trong dân chúng. Vua Hê-rốt được nói đến ở đây là Hê-rốt An-ti-ba (Antipa), người đã chém đầu Giăng Báp-tít.

Đức Chúa Jesus đã nhờ những người Pha-ri-si báo tin cho Ngài chuyển lời đến Vua Hê-rốt. Ngài gọi Hê-rốt là “con cáo” để nói lên bản tính xảo quyệt và gian ác của ông. Ngài muốn những người Pha-ri-si khẳng định với Vua Hê-rốt về sự Ngài đuổi những quỷ và chữa những bệnh để Hê-rốt hiểu rằng, Ngài chính là Đấng Christ, Đấng phải đến giữa dân I-sơ-ra-ên, theo lời tiên tri trong Cựu Ước.

Thành ngữ “ngày hôm nay và ngày mai” hàm ý, khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành một sự việc đang được làm trong hiện tại. Đức Chúa Jesus cần hoàn tất sự rao giảng Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa, chữa bệnh, và đuổi quỷ cho tới khi thời gian dành cho các linh vụ ấy được kết thúc, bởi sự định trước của Đức Chúa Trời.

Thành ngữ “ngày thứ ba” hàm ý, thời điểm một sự kiện được kết thúc hoặc một sự kiện mới sẽ xảy ra. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời xuất hiện trên Núi Si-na-i với dân I-sơ-ra-ên vào “ngày thứ ba” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:11). Lời tiên tri trong Ô-sê 6:2 nói đến sự Đức Chúa Trời sẽ tái sinh thuộc linh dân I-sơ-ra-ên vào “ngày thứ ba” (Ô-sê 6:2) [1], [2], [3].

Lời phán của Đức Chúa Jesus: “Ngày thứ ba Ta được trọn vẹn” hàm ý, khi thời điểm Đức Chúa Jesus rao giảng, chữa bệnh, đuổi quỷ được hoàn tất thì Ngài sẽ tự hiến thân, làm sinh tế chuộc tội cho loài người. Ngài là của lễ trọn vẹn, không tì, không vết, đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì Ngài là một người có lòng tin kính Đức Chúa Trời và không hề phạm tội. Mệnh đề “Ta được trọn vẹn” cũng hàm ý, Ta hoàn thành sứ mệnh của Đấng Christ.

Lu-ca 13:33

33 Dù vậy, Ta phải tiếp tục hành trình ngày hôm nay, ngày mai, và ngày kế tiếp. Vì không thể nào một tiên tri bị hủy diệt bên ngoài Giê-ru-sa-lem.

Đức Chúa Jesus cho biết, bắt đầu từ hiện tại, Ngài sẽ tiếp tục hành trình về lại Giê-ru-sa-lem để kịp cho sự Ngài sẽ bị bắt, bị xét xử, và bị lên án chết tại Giê-ru-sa-lem. Theo Do-thái Giáo, những tiên tri phải được xét xử bởi Tòa Công Luận Lớn tại Giê-ru-sa-lem. Đức Chúa Jesus là một tiên tri và là tiên tri của mọi tiên tri, vì Ngài là Đấng Christ. Vì thế, Ngài phải bị xét xử và lên án tại Giê-ru-sa-lem để ứng nghiệm việc dân I-sơ-ra-ên chối bỏ Ngài một cách tập thể.

Thực tế, Đức Chúa Jesus bị đóng đinh bên ngoài cổng thành của Giê-ru-sa-lem, trên Đồi Gô-gô-tha; nhưng bản án chết được tuyên phán từ trong Thành Giê-ru-sa-lem. Vì thế, Ngài đã bị hủy diệt từ trong Thành Giê-ru-sa-lem.

Lu-ca 13:34-35

34 Hỡi Giê-ru-sa-lem! Giê-ru-sa-lem! Kẻ giết các tiên tri và ném đá những người được sai đến với ngươi! Bao nhiêu lần Ta muốn gom con cái của ngươi như gà mái gom bầy của mình vào dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn!

35 Này, nhà của các ngươi bị bỏ hoang cho các ngươi. Thật, Ta bảo các ngươi, các ngươi sẽ không thấy Ta nữa cho tới thời điểm đến các ngươi sẽ nói rằng: “Phước cho Đấng đến trong danh của Chúa!””

Tên “Giê-ru-sa-lem” (G2419) có nghĩa là “nền tảng hòa bình” hoặc “thành phố hòa bình”. Giê-ru-sa-lem được Đức Chúa Trời chọn làm nơi ngự của Ngài trên đất. Vì thế, Đền Thờ Thiên Chúa đã được dựng nên tại Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem còn được gọi là “Thành Thánh” (Nê-hê-mi 11:1), “Thành của Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 87:3). Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem cũng là nơi Tiên Tri Giê-rê-mi bị ném vào giếng nước và bị ngược đãi; và theo truyền thuyết, Tiên Tri Ê-sai đã bị cưa hai dưới thời Vua Ma-na-se. Chính Đức Chúa Jesus đã nhiều lần bị dân chúng tại Giê-ru-sa-lem nhặt đá để ném Ngài.

Giê-ru-sa-lem tiêu biểu cho dân I-sơ-ra-ên. Đức Chúa Jesus muốn che chở, bảo bọc dân I-sơ-ra-ên, đem sự cứu rỗi đến cho họ nhưng họ đã chối bỏ Ngài và thậm chí, lên án chết Ngài.

Nhóm chữ “nhà của các ngươi bị bỏ hoang cho các ngươi” ám chỉ Đền Thờ Thiên Chúa, tiêu biểu cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa dân I-sơ-ra-ên. Đền Thờ Thiên Chúa đã bị quân lính La-mã phá hủy vào năm 70, cho tới nay vẫn chưa được xây dựng lại.

Hiện nay, các tổ chức tư nhân đã liên kết, sắm sửa đủ vật liệu và trang thiết bị để tái xây dựng Đền Thờ. Khi thời điểm tái xây dựng đến thì có lẽ chỉ trong vòng từ sáu tháng tới một năm, việc xây cất sẽ được hoàn tất. Mọi khí cụ dùng trong Đền Thờ đã được sắm sẵn; và ngay cả các thầy tế lễ cùng những người Lê-vi phục vụ Đền Thờ cũng đã được huấn luyện sẵn. Kể cả con bò cái sắc hoe cần thiết cho của lễ thánh hóa cũng đã có sẵn.

Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem phải được tái xây dựng trước Kỳ Tận Thế hoặc trong khoảng thời gian ba năm rưỡi đầu của Kỳ Tận Thế. Có như vậy thì vào giữa Kỳ Tận Thế, AntiChrist mới có thể vào ngồi trong Đền Thờ, xưng mình là Đức Chúa Trời, làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Thánh Kinh. Nếu Đền Thờ Thiên Chúa được tái xây dựng trước Kỳ Tận Thế thì rất có thể Hội Thánh sẽ được chứng kiến, trước khi Hội Thánh được Đấng Christ cất ra khỏi thế gian.

Vào giữa Kỳ Tận Thế, khi dân I-sơ-ra-ên nhận biết AntiChrist là Christ giả và tin nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, thì họ sẽ được Đức Chúa Trời đem họ vào ẩn náu trong đồng vắng ở phía đông của Sông Giô-đanh để tránh sự bách hại của AntiChrist. Ba năm rưỡi sau đó, họ sẽ nhìn thấy Ngài cùng với Hội Thánh giáng lâm trên Núi Ô-li-ve. Khi đó, họ sẽ cùng nhau tung hô “Hô-sa-na! Phước cho Đấng đến trong danh của Chúa!” Hô-sa-na có nghĩa là: “Xin hãy cứu”.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
22/02/2025

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://kytanthe.net/o-se-61-2-va-ky-tan-the/

[2] https://kytanthe.net/065-o-se-61-2-va-ky-tan-the-phan-2/

[3] https://kytanthe.net/067-ky-tan-the-va-nam-2027/

Karaoke Thánh Ca: “Con Đi Theo Ngài”
https://karaokethanhca.net/con-di-theo-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.

Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, hoặc đó là chú thích của người dịch.