Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL104 Ngụ Ngôn về Người Quản Gia Bất Chính và Các Lời Khuyên Dạy Khác

99 views

YouTube: https://youtu.be/i02-1KlXTcw

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL104 Ngụ Ngôn về Người Quản Gia Bất Chính
và Các Lời Khuyên Dạy Khác
Lu-ca 16:1-18

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 16:1-18

1 Ngài cũng đã phán với các môn đồ của Ngài: “Người giàu kia đã có một quản gia là kẻ đã bị cáo giác với người rằng, hắn đã tiêu phá tài sản của người.

2 Người đã gọi hắn, bảo hắn: “Tại sao ta đã nghe nói điều này về ngươi? Hãy báo cáo việc quản trị của ngươi, vì ngươi không còn có thể là quản gia nữa.”

3 Người quản gia đã tự nói trong lòng: “Ta sẽ làm gì? Vì chủ của ta đã lấy đi khỏi ta chức quản gia. Ta không có sức để đào xới, còn ăn xin thì ta xấu hổ.

4 Ta biết điều ta sẽ làm, để khi ta bị cách chức quản gia, người ta sẽ tiếp đón ta vào nhà của họ.”

5 Hắn đã gọi mỗi một con nợ của chủ mình. Hắn đã hỏi người thứ nhất: “Ngươi mắc nợ chủ của ta bao nhiêu?”

6 Kẻ ấy đã đáp: “Một trăm thùng dầu.” Hắn đã bảo kẻ ấy: “Hãy cầm lấy hóa đơn của ngươi, mau ngồi xuống, viết: Năm chục.”

7 Rồi hắn đã hỏi người khác: “Ngươi mắc nợ bao nhiêu?” Kẻ ấy đã đáp: “Một trăm hộc lúa mì.” Hắn đã bảo kẻ ấy: “Hãy cầm lấy hóa đơn của ngươi và viết: Tám chục.”

8 Chủ đã khen người quản gia bất chính, vì hắn đã hành động khôn khéo. Vì những con cái của đời này ở trong thế hệ của chúng thì khôn khéo hơn những con cái của sự sáng.

9 Còn Ta bảo các ngươi: Hãy kết bạn cho các ngươi từ của cải của sự bất chính, để khi các ngươi qua đời, họ sẽ tiếp các ngươi vào nhà vĩnh hằng.

10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất công trong việc rất nhỏ thì cũng bất công trong việc lớn.

11 Vậy, nếu các ngươi không trung tín trong của cải của sự bất chính, ai sẽ giao cho các ngươi của cải thật?

12 Nếu các ngươi không trung tín trong của cải của kẻ khác, ai sẽ giao cho các ngươi của cải của các ngươi?

13 Không đầy tớ nào có thể phục vụ hai chủ. Vì nó sẽ ghét người này mà yêu người kia, hay là nó sẽ hiệp với người này mà khinh dể người kia. Các ngươi không thể cùng lúc làm nô lệ Thiên Chúa và Ma-môn.”

14 Những người Pha-ri-si cũng là những kẻ tham tiền đã nghe mọi điều đó thì họ chế nhạo Ngài.

15 Ngài đã bảo họ: “Các ngươi là những kẻ tự xưng công chính trước người ta, nhưng Đức Chúa Trời biết lòng của các ngươi. Vì sự được tôn trọng giữa loài người là gớm ghiếc trước Đức Chúa Trời.

16 Luật pháp và các tiên tri có cho tới thời của Giăng. Kể từ đó, Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã được rao giảng, và ai nấy gắng sức vào đó.

17 Nhưng trời và đất qua đi thì dễ hơn một nét chữ của luật pháp mất hiệu lực.

18 Ai bỏ vợ mình mà cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình, ai cưới người bị bỏ bởi chồng, thì cũng phạm tội ngoại tình.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về ngụ ngôn “Người Quản Gia Bất Chính” do Đức Chúa Jesus phán dạy các môn đồ của Ngài, cùng các lời khuyên dạy khác của Ngài truyền cho các môn đồ lẫn những người Pha-ri-si chống đối Ngài.

Lu-ca 16:1-2

1 Ngài cũng đã phán với các môn đồ của Ngài: “Người giàu kia đã có một quản gia là kẻ đã bị cáo giác với người rằng, hắn đã tiêu phá tài sản của người.

2 Người đã gọi hắn, bảo hắn: “Tại sao ta đã nghe nói điều này về ngươi? Hãy báo cáo việc quản trị của ngươi, vì ngươi không còn có thể là quản gia nữa.”

Sau khi những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo chỉ trích Đức Chúa Jesus về việc Ngài giảng dạy và ăn chung với những người có tội, Đức Chúa Jesus đã kể cho họ nghe liên tiếp ba ngụ ngôn nói lên sự thương xót của Đức Chúa Trời dành cho những người có tội. Đó là các ngụ ngôn về con chiên bị lạc, đồng tiền bị mất, và đứa con trai hoang đàng mà chúng ta đã học trong Lu-ca đoạn 16.

Tiếp theo đó, Đức Chúa Jesus đã phán dạy các môn đồ của Ngài ngụ ngôn về người quản gia bất chính. Dù là Đức Chúa Jesus có ý phán dạy cho các môn đồ của Ngài nhưng những người Pha-ri-si, những thầy thông giáo, và những người khác trong các đám đông đi theo Ngài vẫn được nghe.

Lý do Đức Chúa Jesus đặc biệt phán dạy các môn đồ của Ngài về ngụ ngôn người quản gia bất chính là vì Ngài muốn họ biết cách quản lý tốt các ơn phước và ân tứ Đức Chúa Trời ban cho họ. Ngụ ngôn nhắc nhở các môn đồ rằng, họ phải quản lý không chỉ tài sản vật chất mà còn thời gian, tài năng, và cơ hội Chúa ban, để tôn vinh Đức Chúa Trời.

Trong xã hội thời đó, quản gia là người được chủ giao phó toàn quyền quản lý tài sản. Vì vậy, sự bất chính của quản gia gây thiệt hại nghiêm trọng cho chủ. Người quản gia bất chính trong ngụ ngôn là người được làm quản gia cho một người giàu nhưng người ấy đã không trung thành, tiêu phá tài sản của chủ. Hành động tiêu phá tài sản của chủ có thể bao gồm nhiều hình thức.

1. Quản lý kém hiệu quả:

  • Đầu tư thiếu khôn ngoan, gây tổn thất tài chính.
  • Không thu hồi hết các khoản nợ đúng hạn.
  • Cho vay hoặc cho thuê tài sản với điều khoản bất lợi cho chủ.
  • Sơ suất trong việc bảo quản tài sản (để hư hỏng, mất mát).

2. Sử dụng tài sản của chủ cho mục đích cá nhân:

  • Lấy tiền hoặc hàng hóa của chủ để tiêu xài cho bản thân.
  • Sống xa hoa, ăn uống, tiệc tùng bằng tài sản của chủ.
  • Sử dụng tài sản được giao quản lý để mua sắm cho cá nhân.

3. Gian lận trong công việc:

  • Làm sai lệch sổ sách kế toán.
  • Nhận hối lộ từ các con nợ để giảm khoản nợ của họ.
  • Báo cáo chi phí cao hơn thực tế và giữ lại phần chênh lệch.
  • Kê khai sai số lượng hàng hóa trong kho để lấy cắp hoặc bán bớt và lấy tiền, bỏ vào túi riêng.

4. Thiếu trách nhiệm trong vai trò người đại diện của chủ:

  • Không đại diện cho lợi ích tốt nhất của chủ trong các giao dịch.
  • Không làm việc chăm chỉ, bỏ bê nhiệm vụ được giao.
  • Không thực hiện đúng bổn phận của mình đối với tài sản được giao quản lý.

Sự kiện người quản gia bất chính “bị cáo giác” với chủ có thể là sự ngầm tố cáo từ những người giúp việc khác. Mặc dù động từ “διαβάλλω” (G1225) (diaballō) /đi-a-bá-lô/ có nghĩa bóng là bôi nhọ, nói xấu, vu khống nhưng trong bối cảnh nội dung của ngụ ngôn thì nó hàm ý là sự ngầm tố cáo những việc làm sai trái của người quản gia.

Rất có thể những lời cáo buộc đã kèm theo những bằng chứng xác đáng nên người chủ đã cho gọi người quản gia đến, hỏi tội và cách chức. Người chủ cũng yêu cầu người quản gia làm báo cáo về sự quản lý của người ấy. Có nghĩa là người quản gia phải bàn giao sổ sách, giấy tờ, tài sản cho chủ, và giải thích những gì chủ muốn biết về công tác quản lý của người ấy.

Lu-ca 16:3-4

3 Người quản gia đã tự nói trong lòng: “Ta sẽ làm gì? Vì chủ của ta đã lấy đi khỏi ta chức quản gia. Ta không có sức để đào xới, còn ăn xin thì ta xấu hổ.

4 Ta biết điều ta sẽ làm, để khi ta bị cách chức quản gia, người ta sẽ tiếp đón ta vào nhà của họ.”

Trước tình thế bị mất việc, người quản gia bất chính đã suy nghĩ, tìm cách lo liệu cho bản thân về cuộc sống mai sau. Dù có thể đã tích lũy một số của cải, người ấy vẫn cần có sự thu nhập ổn định. Người ấy không thể làm ruộng vì không có sức cày, xới đất. Động từ “σκάπτω” (G4626) (skaptō) /scáp-tô/ có nghĩa đen là đào xới đất nhưng có nghĩa bóng là làm ruộng. Người ấy cũng không thể hạ mình làm kẻ ăn xin. Trong xã hội Do-thái và Hy-lạp thời bấy giờ, ăn xin bị xem là hèn hạ, đặc biệt đối với một người từng giữ vị trí quản gia cao cấp.

Người quản gia bất chính đã nghĩ ra cách thức xây dựng một mạng lưới quan hệ để sau khi rời khỏi nhà chủ thì có thể mở ra một công việc làm ăn, qua nhiều mối quan hệ tốt với những người biết ơn mình.

Lu-ca 16:5-7

5 Hắn đã gọi mỗi một con nợ của chủ mình. Hắn đã hỏi người thứ nhất: “Ngươi mắc nợ chủ của ta bao nhiêu?”

6 Kẻ ấy đã đáp: “Một trăm thùng dầu.” Hắn đã bảo kẻ ấy: “Hãy cầm lấy hóa đơn của ngươi, mau ngồi xuống, viết: Năm chục.”

7 Rồi hắn đã hỏi người khác: “Ngươi mắc nợ bao nhiêu?” Kẻ ấy đã đáp: “Một trăm hộc lúa mì.” Hắn đã bảo kẻ ấy: “Hãy cầm lấy hóa đơn của ngươi và viết: Tám chục.”

Hành động bảo con nợ viết hóa đơn giảm đi số nợ đã thiếu khiến cho người quản gia trở thành người ra ơn cho các con nợ. Từ đó, các con nợ trở thành những người sẵn sàng liên kết và giúp đỡ người quản gia, khi người ấy cần. Việc làm đó của người quản gia lại tiếp tục gây thiệt hại cho chủ. Tuy nhiên, dựa trên thực tế thời đó, các quản gia thường thu thêm hoa hồng từ các khoản nợ, nên có thể người quản gia chỉ giảm phần lợi nhuận cá nhân này. Đó là mức lời mà người ấy dự định sẽ bỏ túi riêng, sau khi thu nợ, nếu người ấy vẫn còn tiếp tục là quản gia. Nếu là vậy, người ấy đã rất khôn khéo, biết cách thu lợi được từ việc làm bất chính của mình, ngay cả sau khi bị mất việc.

Lu-ca 16:8

8 Chủ đã khen người quản gia bất chính, vì hắn đã hành động khôn khéo. Vì những con cái của đời này ở trong thế hệ của chúng thì khôn khéo hơn những con cái của sự sáng.

Người chủ không khen người quản gia về sự bất chính nhưng khen về sự khôn khéo, trong hoàn cảnh khó khăn đã biết tận dụng những gì có được trong tay để lo cho bản thân. Trong xã hội Do-thái và Hy-lạp thời đó, việc xây dựng mối quan hệ dựa trên ân huệ là một chiến lược phổ biến để đảm bảo sự hỗ trợ trong tương lai, điều mà người quản gia đã khéo léo áp dụng.

“Những con cái của đời này” là những người không thuộc về Chúa, những người mà đời sống chỉ biết chạy theo những quyền lợi và thú vui trong thế gian. Họ chỉ biết chú trọng vào hiện tại và những lợi ích trước mắt. Họ có thể rất giỏi trong việc đạt được những mục tiêu và xử lý những vấn đề thuộc về thế gian.

“Ở trong thế hệ của chúng” hàm ý, ở ngay trong đời này. Đời này thuộc về những con cái của thế gian.

“Những con cái của sự sáng” là những người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và thuộc về Ngài. Họ đã được thoát khỏi sự tối tăm của tội lỗi và sự chết, được đưa vào trong sự sáng và sự sống đời đời (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:18; I Phi-e-rơ 2:9). Họ sống theo những giá trị và nguyên tắc của Thánh Kinh. Đời sống của họ là yêu thương, công chính, và thánh khiết. Họ được ban cho sự khôn sáng từ Thiên Chúa.

Khi xét về cách cư xử với người đời và cách giải quyết các nan đề trong cuộc sống giữa thế gian thì những người không thuộc về Chúa thường khôn khéo hơn những người thuộc về Chúa. Vì những người không thuộc về Chúa có thể tận dụng những phương cách bất chính để đạt được mục đích đem lại ích lợi cho họ. Chúng ta có thể hiểu rằng, Đức Chúa Jesus chỉ nói lên thực tế về sự khôn khéo nhiều khi đến mức xảo quyệt của những người thế gian. Chúng ta không nên nghĩ rằng, Đức Chúa Jesus muốn các môn đồ của Ngài học theo sự khôn khéo như vậy của những người thế gian.

Lu-ca 16:9

9 Còn Ta bảo các ngươi: Hãy kết bạn cho các ngươi từ của cải của sự bất chính, để khi các ngươi qua đời, họ sẽ tiếp các ngươi vào nhà vĩnh hằng.

Lời phán dạy trên đây là sự khôn sáng mà Đức Chúa Jesus muốn các môn đồ của Ngài nên có.

Danh từ “của cải của sự bất chính” không có nghĩa là của cải được làm ra từ những việc làm bất chính. Nhưng tiền bạc, của cải trong đời này được xem là thuộc về sự bất chính, khi chúng là đối tượng khiến cho người ta tôn thờ và chạy theo chúng. Trong khi thực tế chúng là không đáng tin cậy và chỉ có tính tạm thời, sẽ hư nát. Chúng thường được người thế gian dùng cho những mục đích ích kỷ và tội lỗi.

“Kết bạn” hàm ý, việc sử dụng tiền bạc, của cải vật chất để giúp đỡ người khác, đáp ứng nhu cầu của họ. Hành động đó đem lại kết quả có giá trị đời đời, vì là việc lành, đẹp ý Đức Chúa Trời.

Đại danh từ “họ” trong mệnh đề “họ sẽ tiếp các ngươi vào nhà vĩnh hằng” không có ý nói những người được giúp đỡ. Vì thực tế, người giúp đỡ có thể qua đời trước những người được giúp đỡ; và những người được giúp đỡ có thể sẽ chết trong sự không ăn năn tội, không có sự cứu rỗi. Đại danh từ “họ” trong lời phán này của Đức Chúa Jesus cần được hiểu rằng, bao gồm Thiên Chúa, các thiên sứ, và các thánh đồ trong thiên đàng.

“Nhà vĩnh hằng” chỉ nơi cư trú của Thiên Chúa và những con dân của Ngài, là Thành Thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời. Nhà ấy sẽ từ thiên đàng giáng xuống đất trong trời mới đất mới, như đã tiên tri trong Khải Huyền 21.

Lu-ca 16:10

10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất công trong việc rất nhỏ thì cũng bất công trong việc lớn.

Câu này đã được chúng tôi dành riêng một bài giảng, chú giải cách chi tiết. Quý ông bà, anh chị em có thể đọc và nghe bài giảng “Trung Tín Trong Việc Rất Nhỏ” đã được chúng tôi đăng trên timhieutinlanh.com [1]. Dưới đây, chúng tôi xin trích tóm lược từ bài giảng ấy.

[Trích:]

Từ ngữ “trung tín” (G4103) có nghĩa đen là đáng tin cậy và thường được hiểu là sự trung thành, tận tâm, trong việc hoàn thành bổn phận, nghĩa vụ, hoặc chức vụ. Tính từ này cũng được dùng để gọi đức tính giữ vững đức tin nơi Chúa và hết lòng vâng phục Chúa của con dân Chúa.

“Việc rất nhỏ” là những trách nhiệm, công việc, hoặc cơ hội nhỏ bé trong cái nhìn của loài người, nhưng là dịp để bày tỏ sự trung tín với Chúa và người khác, dù kết quả của nó có vẻ không đáng kể.

. . .

Người “trung tín trong việc rất nhỏ” là người chân thật và tận tâm hoàn thành bất cứ việc gì nhỏ nhất thuộc về bổn phận, nghĩa vụ, hay chức vụ của mình.

. . .

Sự “trung tín trong việc rất nhỏ” của một người thể hiện cá tính cẩn thận, chu đáo, tự trọng của người ấy và chắc chắn là nó trở thành thói quen của người ấy. Vì thế, khi được giao phó cho việc lớn thì người ấy cũng sẽ thực hiện công việc một cách “trung tín”, đem lại sự thành công lớn.

. . .

“Việc lớn” là công việc có tính quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn, ảnh hưởng rộng hơn trong xã hội hoặc trong Hội Thánh.

. . .

Từ ngữ “bất công” (G94) có nghĩa đen là tính không ngay thẳng, thường được dùng để chỉ những kẻ cư xử gian trá, đối xử không công bằng với người khác. Trong Thánh Kinh, từ ngữ này còn được dùng để gọi những kẻ có nếp sống không đúng theo Lời Chúa, có thể dịch sang tiếng Việt là “kẻ không công chính”. Từ ngữ này được Đức Chúa Jesus dùng trong Lu-ca 16:10 để gọi một người không hoàn thành công việc thuộc bổn phận, nghĩa vụ, hay chức vụ một cách tận tâm và chu đáo, cho dù đó chỉ là “việc rất nhỏ”. Sự “bất công” Chúa nói đến đặc biệt chỉ thái độ thiếu trung tín và gian dối, khi quản lý những gì được Chúa hay người khác giao phó, hoặc do mình tự nguyện đảm nhận.

[Hết trích.]

Trong bối cảnh của ngụ ngôn này, Lu-ca 16:10 hàm ý, sự mỗi người trung tín hay không trung tín trong việc quản lý dù là phần nhỏ nhất của tiền bạc, của cải vật chất, sẽ trở thành thói quen của người ấy. Thói quen ấy sẽ là lý do để người ấy sẽ được giao cho hoặc không được giao cho việc quản lý những sự lớn hơn. Về thuộc linh, con dân Chúa nào không biết quản lý tốt những gì Chúa giao vào trong tay mình trong cuộc đời này thì trong đời sau sẽ không được dự phần trong sự cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

Lu-ca 16:11-12

11 Vậy, nếu các ngươi không trung tín trong của cải của sự bất chính, ai sẽ giao cho các ngươi của cải thật?

12 Nếu các ngươi không trung tín trong của cải của kẻ khác, ai sẽ giao cho các ngươi của cải của các ngươi?

“Của cải của sự bất chính” là toàn bộ của cải vật chất trong thế gian, được tạo ra và được sử dụng trong thế gian, không ai có thể đem theo chúng vào đời sau. Vì thế, cho dù một người giàu có bao nhiêu thì tài sản đó cũng không thật sự thuộc về người ấy. Chúng chỉ là tài sản trong thế gian tạm thời được giao cho người ấy quản lý. Trên phương diện thuộc linh, “của cải của sự bất chính” còn bao gồm sức khỏe, năng lực, tài khéo, học thức, địa vị, chức vụ, và thời gian.

“Của cải thật” là cơ nghiệp mà Đức Chúa Trời sẽ ban cho những ai thuộc về Ngài và trung tín trong việc quản lý “của cải của sự bất chính”. Đó cũng là quyền đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc Đời Đời. Quyền ấy lớn hay nhỏ, nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ trung tín của con dân Chúa đối với những gì Đức Chúa Trời giao vào trong tay của họ, trong đời này. Đối với những người có con, thì con cái của họ là cơ nghiệp Đức Chúa Trời giao phó cho họ (Thi Thiên 127:3). Họ có bổn phận nuôi dạy chúng theo Lời Chúa, dẫn chúng đến sự cứu rỗi để chúng trở thành một phần trong cơ nghiệp vĩnh cửu của họ. Bậc cha mẹ cần cẩn thận quản lý tốt con cái của mình trong 20 năm đầu đời của chúng, bằng cách nghiêm khắc nuôi dạy chúng theo Lời Chúa. Theo Thánh Kinh, tuổi 20 là tuổi trưởng thành, khi một người phải tự mình chịu trách nhiệm về bản thân và thi hành các bổn phận đối với xã hội (Dân Số Ký 1:3). Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên hướng dẫn con cái theo Lời Chúa ngay cả sau khi chúng đã trưởng thành.

“Của cải của sự bất chính” được gọi là “của cải của kẻ khác” vì nó thuộc về Thiên Chúa, không thật sự thuộc về người nắm giữ nó. Thánh Kinh khẳng định:

“Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Thi Thiên 24:1).

“Của cải của các ngươi” là cơ nghiệp Đức Chúa Trời sẽ ban cho con dân của Ngài trong đời sau. Ngài đã hứa:

“Ai thắng sẽ hưởng cơ nghiệp trong mọi sự. Ta sẽ là Đức Chúa Trời của người và người sẽ là con cái của Ta.” (Khải Huyền 21:7).

Nếu là con dân Chúa mà không trung tín trong sự quản lý tiền bạc, của cải vật chất được giao vào trong tay thì sẽ không nhận được sự ban thưởng “của cải thật” từ Đức Chúa Trời trong đời sau. Người ấy sẽ được cứu nhưng không có phần thưởng. Thánh Kinh gọi đó là sự “được cứu dường như qua lửa” (I Cô-rinh-tô 3:15).

Trung tín trong sự quản lý tiền bạc, của cải vật chất là biết sử dụng chúng đúng cho các nhu cầu, dùng chúng để cứu giúp những người cần cứu giúp, và dùng chúng trong các công việc mở mang Vương Quốc Trời.

Lu-ca 16:13

13 Không đầy tớ nào có thể phục vụ hai chủ. Vì nó sẽ ghét người này mà yêu người kia, hay là nó sẽ hiệp với người này mà khinh dể người kia. Các ngươi không thể cùng lúc làm nô lệ Thiên Chúa và Ma-môn.”

Trong bài giảng trên núi dành cho các môn đồ, Đức Chúa Jesus cũng đã từng phán dạy:

“Chẳng ai có thể làm nô lệ của hai chủ; vì hoặc là sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc là sẽ bám theo người này mà khinh thường người kia. Các ngươi không thể phụng sự Thiên Chúa cùng Ma-môn. {Ma-môn có nghĩa là tiền bạc, chỉ về sự giàu có; nghĩa bóng là Thần Tài.}” (Ma-thi-ơ 6:24).

Chúng tôi đã chú giải Ma-thi-ơ 6:24 [2] và xin trích dẫn dưới đây lời chú giải ấy:

[Trích:]

Một người không thể cùng lúc làm nô lệ cho hai người chủ. Vì bổn phận của một nô lệ là tuyệt đối trung thành với chủ của mình. Thực tế, không có chuyện một người cùng lúc làm nô lệ cho hai chủ. Vì thế, không ai có thể nói rằng, người ấy vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự Thần Tài hay bất cứ một tà thần nào khác.

Danh từ “Ma-môn” (G3126) là một từ ngữ trong tiếng A-si-ri nhưng được các dân tộc Trung Đông tiếp nhận và sử dụng. Nghĩa đen chỉ về tiền bạc, hoặc sự giàu có. Nghĩa bóng chỉ về Thần Tài. Từ ngữ này được dùng bốn lần trong Tân Ước. Trong Lu-ca 16:9, 11 thì được dùng với nghĩa đen là tiền bạc. Trong Ma-thi-ơ 6:24 và Lu-ca 16:13 thì được dùng với nghĩa bóng là Thần Tài.

Tiền bạc là phương tiện cung ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống, như Lời Chúa đã khẳng định:

“Người ta bày tiệc để vui chơi; rượu khiến cho đời vui; có tiền bạc thì ứng cho mọi sự.” (Truyền Đạo 10:19).

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có tiền mua tiên cũng được”. Chính vì thế mà loài người trông cậy nơi tiền bạc, trở thành say mê tiền bạc, dành phần lớn thời gian trong cuộc sống để tìm kiếm tiền bạc. Nhiều người có thể vì tiền bạc mà làm ra những tội lỗi khủng khiếp. Có lẽ ai nấy trong chúng ta cũng đều quen thuộc với sự thờ lạy Thần Tài của người Trung Quốc và người Việt Nam. Nhưng các dân tộc khác cũng thờ lạy các Thần Tài của họ.

Tôi nhớ cách nay gần 20 năm, khi tôi còn sinh hoạt trong giáo hội Báp-tít, tôi có dự một đại hội bồi linh của người Tin Lành Đại Hàn tại Mỹ. Trong một buổi nhóm, có một diễn giả giảng về Ma-thi-ơ 6:24 với đại ý như sau:

Ngày xưa, khi chúng ta chưa biết Chúa thì chúng ta thờ tiền bạc tức là Ma-môn. Tiền bạc chiếm lấy địa vị số một trong đời sống của chúng ta. Ngày nay, chúng ta biết Chúa rồi thì chúng ta thay đổi chủ của vị trí ấy. Nghĩa là chúng ta đem Đức Chúa Trời vào, thay thế chỗ của tiền bạc trong đời sống của chúng ta. Ngày xưa, chúng ta đối với tiền bạc như thế nào thì ngày nay, chúng ta đem tâm tình đó ra mà đối với Chúa. Ngày xưa, chúng ta khao khát tiền bạc, say mê tiền bạc thì ngày nay, cũng với lòng say mê, khao khát ấy chúng ta dành cho Chúa. Ngày xưa, chúng ta chạy theo tiền bạc, đi tìm tiền bạc thì ngày nay, chúng ta chạy theo Chúa, đi tìm Chúa. Ngày xưa, khi tìm có tiền bạc rồi thì chúng ta tiếp tục tìm cho có hơn nữa, nhiều hơn nữa. Ngày nay, khi gặp Chúa rồi, hiểu biết Chúa rồi thì chúng ta cũng tìm Chúa hơn nữa để có Chúa nhiều hơn nữa. Ngày xưa, chúng ta có được tiền bạc thì chúng ta nắm giữ tiền bạc, thu trữ tiền bạc. Ngày nay, chúng ta có Chúa thì chúng ta cũng nắm giữ Chúa, “thu trữ” Chúa. Ngày xưa, khi chúng ta đã có được tiền bạc thì chúng ta vui hưởng những thú vui và những tiện nghi, thoải mái mà tiền bạc đem đến. Ngày nay, có Chúa rồi thì chúng ta cũng vui hưởng Chúa, vui hưởng tất cả những gì Chúa mang đến cho chúng ta. Nghĩa là ngày xưa, thái độ của chúng ta đối với tiền bạc như thế nào thì ngày nay, chúng ta hãy dùng cùng thái độ đó đối với Chúa. Như vậy tức là chúng ta hầu việc Chúa, làm nô lệ cho Chúa. Sự hầu việc Chúa, làm nô lệ cho Chúa và sự hầu việc tiền bạc, làm nô lệ cho tiền bạc không có gì khác biệt. Cả hai đều giống nhau. Sự khác biệt là đối tượng mà chúng ta hầu việc, và làm nô lệ cho.

Đó là một bài giảng rất độc đáo, chạm vào lòng tôi, giúp tôi hiểu rõ ràng về cách phụng sự Thiên Chúa. Một bài giảng mà tôi sẽ nhớ mãi.

Ngoài tiền bạc, người ta cũng có thể làm nô lệ cho nhiều thứ khác, nhất là nô lệ cho những thú vui trong cuộc sống. Nhưng con dân chân thật của Chúa không thể nào cùng một lúc làm nô lệ cho Chúa và làm nô lệ cho bất cứ sự gì khác.

[Hết trích.]

Với lời khẳng định rằng, loài người không thể cùng lúc phụng sự Thiên Chúa lẫn Thần Tài, Đức Chúa Jesus đã kết thúc ngụ ngôn về người quản gia không công chính.

Lu-ca 16:14-15

14 Những người Pha-ri-si cũng là những kẻ tham tiền đã nghe mọi điều đó thì họ chế nhạo Ngài.

15 Ngài đã bảo họ: “Các ngươi là những kẻ tự xưng công chính trước người ta, nhưng Đức Chúa Trời biết lòng của các ngươi. Vì sự được tôn trọng giữa loài người là gớm ghiếc trước Đức Chúa Trời.

Không phải tất cả nhưng phần lớn những người Pha-ri-si đều tham tiền. Những người Pha-ri-si đang có mặt và nghe lời Chúa phán dạy các môn đồ của Ngài về người quản gia không công chính là những người tham tiền. Vì thế, họ đã chế nhạo Ngài. Có nhiều lý do khiến những người Pha-ri-si chế nhạo Chúa.

1. Họ xem mọi sự giàu có vật chất là ơn phước từ Chúa nên đối với họ, sự giàu có là sự công chính. Vì thế, họ cho rằng, Đức Chúa Jesus đã giảng dạy không hợp lý. Phong Trào Tin Lành Thịnh Vượng ngày nay cũng giảng dạy sự giàu có vật chất là ơn phước từ Chúa còn sự nghèo khó là hậu quả của tội lỗi.

2. Họ nghĩ rằng, Đức Chúa Jesus đang công kích sự giàu có của họ.

3. Có thể họ không hiểu ý nghĩa của ngụ ngôn nên hiểu lầm rằng, Đức Chúa Jesus dùng ngụ ngôn để cổ vũ cho sự gian trá. Trong khi Đức Chúa Jesus dạy về sự khôn sáng trong sự quản lý của cải đời này.

“Sự được tôn trọng giữa loài người” theo văn mạch là sự được loài người tôn trọng theo tiêu chuẩn và nguyên tắc của loài người, nghịch lại tiêu chuẩn và nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Thí dụ: sự theo đuổi sự công chính bề ngoài để được người khác tôn trọng; sự thực hiện những hành động tốt với động cơ sai trật là để được tiếng khen; sự tìm kiếm sự khen ngợi của loài người thay vì tìm kiếm sự được Thiên Chúa chấp nhận. Trong bối cảnh của phân đoạn Thánh Kinh này, “sự được tôn trọng giữa loài người” chính là sự loài người khen những người Pha-ri-si là công chính và trọng vọng họ.

Lu-ca 16:16-17

16 Luật pháp và các tiên tri có cho tới thời của Giăng. Kể từ đó, Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã được rao giảng, và ai nấy gắng sức vào đó.

17 Nhưng trời và đất qua đi thì dễ hơn một nét chữ của luật pháp mất hiệu lực.

Nội dung của hai câu này đã từng được Đức Chúa Jesus phán dạy trong hai trường hợp khác, được Ma-thi-ơ ghi lại.

“Các ngươi đừng tưởng rằng, Ta đến để phá bỏ luật pháp hay những lời tiên tri. Ta không đến để phá bỏ, nhưng để làm trọn. Vì Ta phán với các ngươi: Thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho tới khi mọi sự được trọn.” (Ma-thi-ơ 5:17-18).

“Từ những ngày của Giăng Báp-tít cho tới nay, Vương Quốc Trời bị xâm chiếm, và những người xâm chiếm đó đã chiếm được nó. Vì hết thảy các tiên tri và luật pháp đã tiên tri cho đến Giăng.” (Ma-thi-ơ 11:12-13).

Luật pháp là luật pháp về các điều răn của Đức Chúa Trời dành cho loài người cho tới khi trời cũ đất cũ qua đi. Các tiên tri là các tiên tri rao giảng về sự Đấng Christ sẽ đến để thi hành sự cứu chuộc loài người bởi sự Ngài đáp ứng đòi hỏi của luật pháp về sự tội lỗi phải bị hình phạt. Đức Chúa Jesus đã chịu bị đánh đập, bị sỉ nhục, và chết trên thập tự giá để gánh thay án phạt của sự phạm tội cho toàn thể loài người. Vì thế, Ngài đã làm trọn sự đòi hỏi công chính của luật pháp về sự tội lỗi phải bị hình phạt. Kể từ đó, ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus thì người ấy được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus làm cho sạch tội, và được Đức Thánh Linh ban cho thánh linh là năng lực từ Thiên Chúa để có thể sống một đời sống mới thánh khiết, đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Jesus không phá bỏ luật pháp hay những lời tiên tri nhưng Ngài làm trọn sự đòi hỏi của luật pháp và các lời tiên tri về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người, qua sự chết của Ngài.

Luật pháp của Đức Chúa Trời, được tóm gọn trong Mười Điều Răn, sẽ không qua đi cho tới khi “mọi sự được trọn”. Mọi sự được trọn khi trời cũ đất cũ qua đi, trời mới đất mới xuất hiện, thiên đàng giáng xuống trên đất mới, Đức Chúa Trời và Đấng Christ ở giữa loài người cho tới đời đời, như đã tiên tri trong Khải Huyền 21 và 22. Cho tới khi đó, loài người vẫn phải vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, ngoài ra, còn phải vâng giữ Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus, và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Giăng 13:14; Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29).

Tin Lành đã bắt đầu được rao giảng từ thời của Giăng Báp-tít. Kể từ đó, nhiều người đã gắng sức để được vào Vương Quốc Trời và nhiều người đã vào được. Họ là Hội Thánh do Đức Chúa Jesus thiết lập (Ma-thi-ơ 16:18). Con dân Chúa trong Hội Thánh phải vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Thiên Chúa [3]. Vì sự không vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa chính là sự phạm tội. Thánh Kinh không hề bỏ đi bất cứ một điều răn nào trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, nhưng đã thêm vào Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh.

Sự gắng sức vào Vương Quốc Trời ám chỉ sự quyết tâm ăn năn tội, tin nhận Tin Lành, và sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời, như Hội Thánh đã thực hiện từ khi Hội Thánh được thành lập. Đây không phải là sự gắng sức theo ý riêng, như gắng sức làm những việc lành, gắng sức tham dự thờ phượng Thiên Chúa… Vì khi một người đã quyết tâm ăn năn tội, tin nhận Tin Lành, và sống theo Lời Chúa thì sự làm những việc lành và sự thờ phượng Thiên Chúa đã trở thành bản tính của người ấy. Một người được vào Vương Quốc Trời hoàn toàn nhờ ân điển của Đức Chúa Trời và bởi đức tin của người ấy vào ân điển của Ngài, không do bất cứ việc làm nào của người ấy.

“Vì nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu bởi đức tin. Điều đó không đến từ các anh chị em mà là sự ban cho của Thiên Chúa. Ấy chẳng phải bởi những việc làm đâu, để không ai khoe mình. Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:8-10).

Sự con dân Chúa vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa không phải là lý do họ được cứu mà là kết quả của sự họ đã được cứu. Họ đã được cứu ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi nên họ không còn vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Đức Chúa Trời cũng sắm sẵn cho họ những việc lành để họ được sống trong chúng và thực hiện chúng. Ai xưng nhận mình là con dân của Chúa mà không vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa thì người ấy chưa phải là con dân Chúa. Người ấy vẫn đang sống trong tội, vì vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Việc lành đầu tiên của mỗi con dân Chúa là vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa.

Lu-ca 16:18

18 Ai bỏ vợ mình mà cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình, ai cưới người bị bỏ bởi chồng, thì cũng phạm tội ngoại tình.

Có một sự bất ngờ khi Đức Chúa Jesus nói đến sự ly dị tại đây. Điều này có thể được hiểu như sau, Đức Chúa Jesus đang nói đến sự luật pháp của Đức Chúa Trời không thể bị mất hiệu lực, dù chỉ một nét chữ. Tiếp liền theo đó, Ngài răn đe về sự lạm dụng luật pháp để tùy ý ly dị. Nhiều người đàn ông I-sơ-ra-ên vào thời ấy đã lạm dụng Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1 để ly dị vợ vì một lý do nhỏ nhặt nào đó.

“Khi một người nam tiếp nhận một người đàn bà và đã cưới nàng, và nếu xảy ra nàng chẳng tìm thấy ơn trong mắt của người, vì người đã thấy nơi nàng một sự xấu hổ nào, thì người hãy viết một tờ ly dị, trao vào tay nàng, đuổi nàng khỏi nhà người.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 24:1).

Nhóm chữ “sự xấu hổ” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh là danh từ “עֶרְוָה” (H6172) (ʿervâ) /e-rơ-va/ có nghĩa đen là sự trần truồng, sự xấu hổ vì khỏa thân, hoặc hành vi không đúng đắn trong quan hệ tình dục.

Người I-sơ-ra-ên có hai trường phái giải thích khác nhau về danh từ “עֶרְוָה”.

Trường Phái Shammai /Sam-mai/ giải thích rằng, đó là từ ngữ dùng để chỉ những hành vi tình dục không đúng đắn, nhưng không bao gồm sự ngoại tình. Vì theo luật pháp thì kẻ phạm ngoại tình phải bị xử tử.

Trường Phái Hillel /Hiu-lơ/ giải thích rằng, đó là bất cứ sự gì người chồng không vừa ý nơi người vợ, kể cả việc nấu ăn không ngon.

Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh hiện đại thì cho rằng, danh từ “עֶרְוָה” có thể bao gồm các điều như sau:

  • Hành vi không đúng đắn liên quan tình dục, như: ăn mặc hở hang, có dáng điệu khêu gợi tình dục bên ngoài phòng ngủ của vợ chồng; lẵng lơ với người khác; thủ dâm bằng các đồ vật, ngày nay còn có những thứ gọi là đồ chơi tình dục.
  • Người vợ không còn trinh tiết khi về nhà chồng mà không nói trước cho chồng biết.
  • Người vợ không có khả năng sinh con hoặc có bệnh tật dẫn đến sự không thể quan hệ tình dục với chồng.
  • Các hành vi không đúng đắn như: không vâng phục chồng, dối trá, ngồi lê đôi mách…

Sự “bỏ vợ” Đức Chúa Jesus nói đến là sự tùy ý ly dị vợ. Người I-sơ-ra-ên vào thời của Đức Chúa Jesus đã dựa vào lời giải thích của Trường Phái Hillel để tùy ý ly dị vợ. Nhưng Đức Chúa Jesus đã khẳng định, ai tùy ý bỏ vợ để cưới vợ khác thì phạm tội ngoại tình. Người vợ bị bỏ đó vẫn còn là người vợ hợp pháp đối với người chồng đã bỏ mình nên ai cưới người ấy cũng phạm tội ngoại tình, vì quan hệ tình dục với vợ của người khác.

Các lời phán về sự ly dị của Đức Chúa Jesus được ghi lại trong Ma-thi-ơ 5:31-32; Ma-thi-ơ 19:9 đều nêu lên lý do duy nhất mà một người có thể ly dị vợ là vì vợ phạm ngoại tình.

Về sau, Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, cho phép con dân Chúa có thể chấp nhận sự vợ hoặc chồng không tin Chúa muốn ly dị mình (I Cô-rinh-tô 7:15). Con dân Chúa có thể tiếp tục sống chung với chồng hoặc vợ không tin Chúa, nếu chồng hay vợ không tin Chúa bằng lòng sống chung. Nhưng con dân Chúa cũng có thể chọn ly dị chồng hay vợ không tin Chúa nếu chồng hay vợ không tin Chúa mà còn thờ lạy hình tượng, tà thần, theo tinh thần của lời dạy trong II Cô-rinh-tô 6:14-18.

Sự hiểu sai hay tùy ý diễn giải luật pháp khiến cho nhiều người I-sơ-ra-ên tùy ý ly dị vợ mà phạm tội ngoại tình. Đức Chúa Jesus muốn làm sáng tỏ ý nghĩa chân thật của luật pháp trong mối quan hệ vợ chồng. Trên một phương diện, sự cư xử với vợ hay chồng cũng là sự quản lý những gì Chúa giao vào trong tay của một người. Người có vợ hay có chồng phải trung tín trong bổn phận làm chồng, làm vợ.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/05/2025

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieutinlanh.com/trung-tin-trong-viec-rat-nho/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/tin-lanh-cua-duc-chua-jesus-christ-tl039-bai-giang-tren-nui-su-lo-lang/

[3] https://timhieutinlanh.com/cac-dieu-ran-cua-thien-chua/

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Luôn Chăn Dắt”:
https://karaokethanhca.net/ngai-luon-chan-dat/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.

Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt. Các chữ nằm trong hai dấu { và } là chú thích của người dịch, không có trong nguyên văn của Thánh Kinh. Các chữ nằm trong hai dấu ( và ) là chú thích của người viết Thánh Kinh.