Hội Thánh: 10 Hội Thánh tại Địa Phương

5,200 views

Hội Thánh: 10 Hội Thánh tại Địa Phương

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe

 Bấm vào nút “play” ► để nghe

Theo Thánh Kinh, Hội Thánh được thành lập tại Giê-ru-sa-lem và được Đức Chúa Jesus Christ báp-tem bằng thánh linh trong một ngày Lễ Ngũ Tuần, liền theo sự phục sinh và thăng thiên của Đức Chúa Jesus Christ (Công Vụ Các Sứ Đồ 2). Hôm ấy nhằm Thứ Sáu, ngày 6 tháng 3 (tháng Sivan) năm 3787, theo Lịch Do-thái; và là Thứ Sáu, ngày 30 tháng 5 năm 27, theo lịch La-mã (Julian) [1]. Lúc bấy giờ, có khoảng 120 nam nữ môn đồ, bao gồm các sứ đồ.

Ngay trong ngày đầu tiên Hội Thánh được thành lập, qua lời giảng của Sứ Đồ Phi-e-rơ, có khoảng ba ngàn người tin nhận Tin Lành và được thêm vào Hội Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:41). Sau phép lạ chữa lành một người bị què từ khi được sinh ra và bài giảng thứ nhì của Sứ Đồ Phi-e-rơ, thì số người tin Chúa tại Giê-ru-sa-lem đã lên đến khoảng năm ngàn người (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:4). Tiếp theo là sự bắt bớ lớn từ phía Do-thái Giáo, khiến cho con dân Chúa phải ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, tản lạc đi khắp nơi, dẫn đến sự kiện Tin Lành được rao giảng khắp nơi (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:4).

Thánh Kinh dạy rằng, Hội Thánh của Chúa là sự hiệp một của tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Hội Thánh của Chúa không phân biệt màu da, tiếng nói, phái tính, địa vị, giai cấp…:

“Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.” (Ga-la-ti 3:28).

“Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Si-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả.” (Cô-lô-se 3:11).

Hội Thánh của Chúa được ví như là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ, mà mỗi môn đồ là một chi thể (I Cô-rinh-tô 12:12-27).

“Các anh chị em là thân của Đấng Christ, và là các chi thể của từng phần.” (I Cô-rinh-tô 12:27).

Hội Thánh của Chúa là một, và con dân của Chúa ở mỗi địa phương, được chăm sóc bởi các trưởng lão do Đức Thánh Linh hướng dẫn:

“Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

Chỉ một mình Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh và Ngài không hề ban cho ai quyền thay Ngài để làm đầu Hội Thánh. Đức Chúa Jesus Christ cũng không hề lập ra các giáo hội, giáo phái hay các chức vụ trong các giáo hội, giáo phái. Những người lập ra các giáo hội, giáo phái là theo ý riêng mình mà hầu việc Chúa.

Hội Thánh của Chúa là một và tại mỗi địa phương, sự nhóm họp, thông công, sinh hoạt của con dân Chúa chính là sự thể hiện của Hội Thánh tại địa phương. Thánh Kinh dùng tên của thành phố để gọi sự thể hiện của Hội Thánh ở mỗi thành phố. Dù trong một thành phố có sự nhóm lại của Hội Thánh ở nhiều điểm khác nhau, thì tên gọi của tất cả con dân Chúa trong cùng một thành phố vẫn là một. Thí dụ: Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, Hội Thánh tại Ê-phê-sô…

Chúng ta nên tập cho quen cách gọi tên Hội Thánh tại địa phương theo cách gọi của Thánh Kinh. Chúng ta có thể phân biệt các điểm nhóm khác nhau của Hội Thánh trong cùng một thành phố bằng tên của người chủ nhà, như: Hội Thánh tại Lao-đi-xê, nhóm trong nhà của Nim-pha (Cô-lô-se 4:15).

Chúng ta tránh những cái tên gọi như là “nhóm nhỏ”, “nhóm tế bào”, “Hội Thánh Tư Gia…” Vì đây không phải là cách Chúa gọi Hội Thánh của Ngài. Cũng không có Hội Thánh lớn hoặc Hội Thánh nhỏ mà chỉ có sự nhóm họp của Hội Thánh tại một địa phương nào đó có đông người hoặc có ít người.

Sự Thành Lập Hội Thánh Địa Phương

Ngoài Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem do chính Đức Chúa Jesus Christ thành lập trong ngày Lễ Ngũ Tuần vào năm 27, Hội Thánh ở các địa phương khác do các nhà truyền giáo, các sứ đồ của Chúa thành lập. Điển hình là Hội Thánh tại Sa-ma-ri do Chấp Sự Phi-líp (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:4-13); Hội Thánh tại Sê-sa-rê do Phi-e-rơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 10); các Hội Thánh tại các thành phố khác thuộc về Đế Quốc La-mã thời bấy giờ, do các con dân Chúa tản lạc vì cơn bắt bớ tại Giê-ru-sa-lem (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:19). Sau cùng là các Hội Thánh giữa vòng dân ngoại do Ba-na-ba, Phao-lô và các bạn của Phao-lô thành lập trong các chuyến truyền giáo.

Hội Thánh bị Do-thái Giáo bách hại trong những ngày đầu vừa mới được thành lập, từ năm 27 đến năm 64. Tiếp liền theo là các cuộc bách hại khốc liệt của chính quyền La-mã từ năm 64 cho đến năm 312. Trong khoảng thời gian đó, con dân Chúa tản lạc khắp nơi, thậm chí lưu vong đến những quốc gia ở ngoài lãnh thổ của Đế Quốc La-mã, nhờ đó, Hội Thánh Chúa càng lan rộng giữa nhiều dân tộc.

Khi Hoàng Đế La-mã Constantine ra chiếu chỉ công nhận Đạo Chúa vào năm 313, thì sự bắt bớ chấm dứt. Đến năm 380 thì Đạo Chúa trở thành quốc giáo của Đế Quốc La-mã và cũng là năm Giáo Hội Công Giáo chính thức hình thành [2]. Giáo Hội Công Giáo trở thành động cơ bách hại Hội Thánh của Chúa trong suốt gần một ngàn năm, kể từ năm 590 đến năm 1517. Lịch sử gọi đó là Thời Kỳ Hôn Ám (The Dark Age) [3]. Giáo Hội Công Giáo đã đốt không biết bao nhiêu là bản dịch Thánh Kinh vì không muốn con dân Chúa nhận biết lẽ thật, đã cầm tù, cướp đoạt tài sản, tra tấn, giết chết từ 50.000.000 đến 150.000.000 người không chịu từ bỏ Thánh Kinh hoặc không chịu chấp nhận các giáo lý sai lạc của giáo hội [4]. Trong suốt thời gian đó, Hội Thánh của Chúa vẫn đứng vững, dù con dân Chúa đã phải hứng chịu những sự bách hại khủng khiếp từ Giáo Hội Công Giáo.

Đến thế kỷ thứ 16, nhờ phong trào Đối Kháng do Martin Luther dẫn đầu, và phong trào Cải Chánh do John Calvin khởi xướng, cùng với việc Thánh Kinh được phiên dịch và phổ biến rộng rãi, mà Hội Thánh Chúa đã được phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, con dân Chúa tại Châu Âu và Châu Phi phần lớn vẫn bị ảnh hưởng phong cách thờ phượng và cách tổ chức giáo quyền của Giáo Hội Công Giáo. Cùng lúc, ngày càng có nhiều giáo hội, giáo phái ra đời [5]. Đến đầu thế kỷ thứ 19, Đạo Chúa phát triển mạnh mẽ tại Hoa Kỳ; các giáo hội cử giáo sĩ đi khắp nơi trên thế giới để giảng Tin Lành và thành lập các Hội Thánh địa phương giữa nhiều dân tộc.

Ngày nay, Hội Thánh tại địa phương vẫn tiếp tục được thành lập bởi các giáo hội, nhưng có thêm trường hợp: tại một thành phố chưa có sự hiện diện của Hội Thánh, chưa có ai đến giảng Tin Lành, nhưng có một người nào đó, tin nhận Chúa qua các phương tiện truyền thông, trở thành người môn đồ đầu tiên của Chúa tại thành phố ấy. Rồi người ấy lại đưa dắt nhiều người khác đến với sự cứu rỗi của Chúa, thì khi đó, Hội Thánh tại địa phương cũng được thành lập. Người tín đồ đầu tiên ấy đương nhiên là trưởng lão và là người chăn dắt Hội Thánh, cho đến khi Chúa giao phó chức vụ ấy cho người khác. Sự hiện diện của Hội Thánh Chúa tại một địa phương chỉ cần sự nhóm họp của hai ba con dân Chúa:

“Vì nơi nào có hai hay ba người nhóm hiệp trong danh Ta, thì Ta ở giữa họ tại đó.” (Ma-thi-ơ 18:20).

Mỗi Hội Thánh tại các địa phương được cai trị bởi đầu của Hội Thánh là Đức Chúa Jesus Christ và được chăm sóc bởi các trưởng lão do Chúa chọn ra. Các Hội Thánh địa phương có bổn phận tiếp trợ lẫn nhau, nhưng không một Hội Thánh địa phương nào có quyền trên một Hội Thánh địa phương nào.

Sự Tổ Chức của Hội Thánh Địa Phương

Như trên đã trình bày, có hai hình thức Hội Thánh địa phương được thành lập, một là do các giáo sĩ của các giáo hội, hai là do một con dân của Chúa. Trường hợp Hội Thánh địa phương được thành lập bởi các giáo hội thì sự tổ chức sẽ theo cách thức riêng của mỗi giáo hội, mà thường là sai nghịch với sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Trường hợp Hội Thánh địa phương được thành lập bởi một con dân Chúa thì có thể người ấy sẽ đem Hội Thánh gia nhập vào một giáo hội và theo cách thức tổ chức của giáo hội ấy. Lý do: hầu hết con dân Chúa, và nhất là những người mới tin nhận Chúa, lầm tưởng rằng, các giáo hội là Hội Thánh!

Nếu con dân Chúa có sự hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa thì sẽ nhận biết rằng, các giáo hội không bao giờ là Hội Thánh của Chúa. Thậm chí, tổ chức các giáo hội, giáo phái là nghịch lại Thánh Kinh. Vì thế, các hình thức tổ chức của các giáo hội giáo phái hoàn toàn theo ý riêng của loài người, bị tiêm nhiễm ngoại giáo. Sự dạy dỗ trong các giáo hội giáo phái cũng có quá nhiều tà giáo và tiêm nhiễm thói tục của ngoại giáo.

Sự tổ chức của Hội Thánh địa phương đúng với Thánh Kinh là:

  • Nhân danh Chúa nhóm họp tại bất cứ nơi nào thuận tiện, thường là tại nhà riêng của một con dân Chúa. Sự nhóm họp có thể là bất kỳ lúc nào để thờ phượng Chúa, học Lời Chúa, thông công với nhau, họp bàn công việc của Hội Thánh. Tuy nhiên, không thể bỏ qua sự nhóm họp thánh vào mỗi ngày Sa-bát, vì đó là mạng lệnh của Chúa (Lê-vi Ký 23:3; Hê-bơ-rơ 10:25).

  • Có ít nhất là một trưởng lão và cũng là người chăn, phụ trách việc dùng Lời Chúa “giảng dạy, quở trách, sửa trị, giáo dục trong sự công chính” để con dân Chúa “được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16-17). Không một Hội Thánh địa phương nào mà không có người chăn. Chính người tiến hành việc thành lập Hội Thánh tại địa phương là người chăn và trưởng lão đầu tiên của Hội Thánh địa phương ấy.

  • Khi Hội Thánh được thêm lên nhiều, thì sẽ có thêm các trưởng lão và chấp sự, để chăm sóc và phục vụ Hội Thánh theo đúng sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Các trưởng lão mới sẽ được chỉ định bởi các trưởng lão cũ theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Các chấp sự được mọi người trong Hội Thánh chỉ định theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Khi Hội Thánh được thêm lên nhiều thì nên chia ra nhóm tại nhiều địa điểm khác nhau theo hình thức phân bào, chứ không nhất thiết là phải tập trung lại một chỗ. Hình thức phân bào là sự một tế bào tự phân thành hai, rồi hai thành bốn, rồi bốn thành tám, v.v.. Khi Hội Thánh có thêm trưởng lão và người chăn, thì cũng là lúc Hội Thánh cần phân đôi.

Mô hình lý tưởng của một Hội Thánh địa phương là có khoảng chừng 12 người lớn có công ăn việc làm. Mười hai người này dâng 1/10 thu nhập của mình để dùng vào việc nuôi người chăn bầy, và dâng 1/10 để chi dùng cho các mục vụ của Hội Thánh. Khi nào Hội Thánh lên đến 24 người có công ăn việc làm, thì nên phân làm hai. Sự dâng 1/10 này không phải là bắt buộc mà là sự tự nguyện của các thành viên trong Hội Thánh.

Sự nhóm họp tại nhà riêng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Tuy nhiên, ở những nơi thôn quê, việc cất nhà đơn sơ, ít tốn kém, thì Hội Thánh cũng có thể cất lên một chỗ nhóm rộng rãi. Ở tại thành phố, nhà cửa chật hẹp, thì Hội Thánh có thể chia ra nhóm thành nhiều buổi khác nhau trong ngày Sa-bát, để được nghe người chăn giảng dạy Lời Chúa.

Ngày nay, với phương tiện kỹ thuật vi tính và Internet, con dân Chúa có thể nhóm họp trên mạng. Tuy nhiên, sự nhóm họp trên mạng không thể thay thế cho sự nhóm họp của Hội Thánh tại mỗi địa phương. Mỗi ngày Sa-bát, con dân Chúa tại mỗi địa phương phải cùng nhau nhóm họp thờ phượng Chúa và thông công với nhau.

Hội Thánh Địa Phương và Các Giáo Hội

Dù các tổ chức giáo hội không phải là Hội Thánh và sự tổ chức cũng như sự giảng dạy của các giáo hội phần lớn là không đúng với Thánh Kinh, nhưng trong các giáo hội, kể cả Giáo Hội Công Giáo, vẫn có những người thật lòng tin nhận Chúa và muốn sống đúng theo Lời Chúa. Con dân Chúa tùy theo sự cảm động của Chúa mà tham dự các buổi nhóm của các giáo hội trong một thời gian. Mục đích là để làm quen với con dân Chúa trong các giáo hội và giúp cho họ hiểu biết các lẽ thật của Thánh Kinh. Nhờ đó, họ có thể thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật. Tuy nhiên, chúng ta không tham dự vào các chức vụ trong các giáo hội và không tham dự vào các lễ hội nghịch Thánh Kinh, như Lễ Easter và Lễ Christmas. Chúng ta cũng tránh tranh luận về giáo lý trong các buổi nhóm của các giáo hội. Chúng ta chỉ cần đưa ra những câu Thánh Kinh để chứng minh một giáo lý sai trái. Thí dụ, chúng ta chỉ cần đọc các câu Thánh Kinh sau đây để chứng minh giáo lý “được cứu một lần được cứu vĩnh viễn” là không đúng:

Giăng 15:2

I Cô-rinh-tô 9:27

Hê-bơ-rơ 6:4-8; 12:15

II Phi-e-rơ 2:20-22

Khải Huyền 3:16

Cách thức tốt nhất là kết thân với một số người mà chúng ta nhận thấy họ thật sự muốn sống theo Lời Chúa. Mời họ đến họp mặt tại nhà mình mỗi tuần một lần, để học Lời Chúa. Có thể đãi ăn sau các buổi học. Dùng các bài có sẵn trên www.timhieuthanhkinh.com để hướng dẫn các buổi học. Tránh việc ngay lập tức nói về sự con dân Chúa phải giữ ngày Sa-bát. Nên đi theo thứ tự các chủ đề như sau, để họ được tiếp cận với các lẽ thật căn bản của Lời Chúa trước:

  • Sự Cứu Rỗi: Xưng Nghĩa, Tái Sinh, Thánh Hóa

  • Loài Người

  • Hội Thánh

Rồi sau đó mới đến chủ đề:

  • Các Giao Ước, Điều Răn và Luật Pháp

  • Thiên Chúa

Trên đây cũng là trình tự học Lời Chúa với các tân tín hữu. Nên tổ chức hai buổi học khác nhau: một buổi dành cho tân tín hữu tin Chúa qua lời làm chứng của chúng ta, và một buổi dành cho các con dân Chúa đang ở trong giáo hội. Không giới thiệu người mới tin Chúa cho các giáo hội. Tuy nhiên, nếu họ muốn tự ý đến tìm hiểu sự nhóm họp trong các giáo hội, thì chúng ta cũng không ngăn cản, mà chỉ nói trước cho họ biết bản chất của các giáo hội.

Hội Thánh Địa Phương và Chính Quyền

Tại Việt Nam, chính quyền có những luật lệ về tôn giáo, khiến cho việc giảng Tin Lành và nhóm họp thờ phượng Chúa gặp nhiều khó khăn, nếu không thuộc về một tổ chức giáo hội được chính quyền công nhận.

Hội Thánh của Chúa không phải là một tổ chức tôn giáo, cho nên, các luật lệ về tôn giáo của chính quyền hoàn toàn không áp dụng cho Hội Thánh. Có lẽ, điều luật duy nhất hiện nay tại Việt Nam áp dụng cho con dân Chúa, là điều luật khi nhóm họp đông người thì phải xin phép. Con dân Chúa có thể xin phép về sự nhóm họp đông người, nhưng không dưới danh nghĩa một tổ chức tôn giáo nào hết. Đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vào Thánh Kinh là tín ngưỡng chứ không phải là một tôn giáo. Tương tự như tín ngưỡng thờ tổ tiên của đa số người Việt, chỉ khác một điều là chúng ta thờ tổ tiên nguyên thủy của chúng ta là Thiên Chúa. Vì thế, không có giáo chủ, không có chức sắc, không có điều lệ, không có nội quy. Cuốn Thánh Kinh được nhà xuất bản tôn giáo của chính quyền phát hành, nên công an không thể cấm chúng ta phân phát Thánh Kinh, đọc Thánh Kinh, giảng Thánh Kinh, và thảo luận về Thánh Kinh.

Nếu cần, chủ nhà đứng tên, xin phép nhóm họp, nêu lý do, mục đích và mời đại diện chính quyền tham dự các buổi nhóm họp. Nếu được phép thì tốt, nếu không được phép thì vẫn cứ nhóm họp. Khi bị bắt bớ thì chuyển sang nhóm họp ở nơi khác. Nếu bị công an khám phá và buộc viết giấy cam kết không được nhóm họp thì viết rõ: “Sẽ không nhóm họp tại (ghi địa chỉ) nếu không có giấy phép!” Tránh bị rơi vào cái bẫy viết giấy cam kết: “không nhóm họp thờ phượng Chúa!”

Con dân Chúa có bổn phận vâng phục chính quyền như Rô-ma 13:1 dạy. Tuy nhiên, khi luật lệ của chính quyền đi ngược lại mạng lệnh của Thiên Chúa, thì con dân Chúa không cần phải tuân phục. “Thà vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29). Luật lệ nào của chính quyền cấm chúng ta rao giảng Tin Lành, cấm chúng ta phân phát, đọc, và giảng Thánh Kinh, cấm chúng ta nhóm họp thờ phượng Chúa, thì luật đó nghịch lại mạng lệnh của Chúa và chúng ta không cần vâng theo. Lời Chúa dạy con dân Chúa là, sống giữa thế gian, chúng ta phải khôn như rắn và đơn sơ như chim bồ câu (Ma-thi-ơ 10:16). Khôn như rắn là biết tránh né kẻ thù, đơn sơ như bồ câu là không dối trá. Mỗi chúng ta phải hết lòng nương cậy nơi sự dẫn dắt, bảo vệ của Chúa. Nhưng mỗi chúng ta cũng phải hành xử theo Lời Chúa dạy. Chúa không hề dạy con dân Chúa biểu tình, xuống đường chống đối chính quyền. Chúa chỉ dạy con dân Chúa đừng chống cự kẻ dữ, khi bị bắt bớ từ nơi này thì hãy lánh sang nơi khác (Ma-thi-ơ 5:39; 10:23). Và Chúa hứa với chúng ta rằng, Đức Thánh Linh sẽ dạy cho chúng ta cách trả lời cho những kẻ bắt bớ chúng ta (Mác 13:11; Lu-ca 12:12).

Cách Xưng Hô Trong Hội Thánh

Mỗi con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và là anh chị em cùng một đức tin. Theo sự lễ phép của người Việt Nam, chúng ta tùy theo tuổi tác mà xưng hô với nhau. Người lớn tuổi thì chúng ta gọi là ông, bà, chú, bác, cô, dì, anh, chị. Người nhỏ tuổi thì chúng ta gọi là em, cháu, con (hoặc cô, chú, cậu, mợ vai em). Các chức vụ trưởng lão, người chăn, người dạy, chấp sự, v.v., chúng ta chỉ đề cập khi cần thiết. Gương trong Thánh Kinh cho thấy, trong Hội Thánh, mọi người gọi nhau bằng tên, chỉ khi cần thì mới nói đến chức vụ. Chúng ta không bao giờ thấy có trường hợp Phi-e-rơ, Phao-lô, Giăng nói chuyện với người khác mà câu nào cũng xưng là sứ đồ! Họ chỉ nhắc đến chức vụ sứ đồ và trưởng lão khi mở đầu các thư tín của họ viết cho Hội Thánh, để cho Hội Thánh biết, những lời họ viết là trong thẩm quyền và địa vị của sứ đồ, của trưởng lão.

Ngày nay, trong các giáo hội, có một số người lúc nào cũng tự xưng là “mục sư” hoặc “thầy” khi nói chuyện với người khác. Thí dụ:

– Mục sư (hoặc thầy) muốn đến thăm ông bà vào chiều Chủ Nhật tuần này, có được không?

– Hôm nay, mục sư (hoặc thầy) sẽ giảng về “đức tin”.

Tự xưng như vậy trong khi trò chuyện với người khác trong Hội Thánh thật là lố bịch. Ngoài ra, Hội Thánh cũng không nên dùng danh từ “mục sư” để dịch danh từ “poimen” từ Thánh Kinh nguyên ngữ Hy-lạp. Hãy dịch là “người chăn” hoặc “mục tử”! Mục sư có nghĩa là “thầy chăn” và chỉ một mình Đức Chúa Jesus Christ là xứng đáng với danh xưng “mục sư”. Ngài là Đấng Chăn Chiên Lớn (Hê-bơ-rơ 13:20), đứng đầu các người chăn (I Phi-e-rơ 5:4). Chúng ta không thể nào gọi Đức Chúa Jesus là người chăn mà lại tự gọi mình là “thầy chăn”. Dịch “poimen” thành “mục sư” là dịch sai ý. Tự xưng “mục sư” là phạm thượng [6].

Nguyện Đức Thánh Linh, Thần Lẽ Thật, dẫn dắt mỗi con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa về Hội Thánh, để mỗi con dân Chúa thờ phượng Chúa đúng theo lẽ thật của Lời Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

05/05/2013

Ghi Chú

[1] “Tóm Lược Lịch Sử Loài Người Theo Thánh Kinh”: https://timhieuthanhkinh.com/?p=67

[2] Bruce L. Shelley. Church History In Plain Language, trang 94-97. Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995.

Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo sau này. Hoàng Đế Theodosius I (379-392) thuộc Đông Đế Quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (367-375) thuộc Tây Đế Quốc La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn Đế Quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380: https://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica.

[3] http://www.thirdmill.org/newfiles/jac_arnold/CH.Arnold.RMT.1.html

[4] http://www.mediafire.com/view/?ayem9mn9fg87iug

[5] “Giáo Hội, Giáo Phái, Hệ Phái”: https://timhieutinlanh.com/thac-mac-ve-giao-hoi-giao-phai-he-phai/

[6] “Danh Xưng Mục Sư và Reverend”: https://timhieuthanhkinh.com/?p=71

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: